Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 03/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 9 9 3 2 0
Số người đang truy cập
2 9
 Chuyên đề Dịch tễ học
Hệ thống thông tin báo cáo điện tử và vai trò của chiến lược giám sát “1-3-7”trong giai đoạn loại trừ sốt rét_Phần 1

Trong giai đoạn loại trừ sốt rét (LTSR), xu hướng lan truyền sốt rét thường khu trú tại một số vùng trọng điểm, mức độ lan truyền sẽ giảm tại các vùng khác. Chiến lược can thiệp hiện nay được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo cần phải thực hiện phối hợp các biện pháp can thiệp, nhằm làm giảm sự lan truyền trong thời gian ngắn, để có thể đạt được mục tiêu loại trừ sốt rét tại các địa phương [33],[34],[36].Để hướng dẫn LTSR, WHO đã công bố Chiến lược kỹ thuật toàn cầu về bệnh sốt rét giai đoạn 2016-2030, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi chiến lược giám sát bệnh sốt rét thành một biện pháp can thiệp cốt lõi [34],[35].

Chương trình phòng chống sốt rét quốc gia (NMCP) được khuyến khích dựa vào các đặc điểm dịch tễ học và tính đa dạng của bệnh sốt rét ở mỗi quốc gia, thông qua sử dụng phân tầng gánh nặng bệnh sốt rét để từ đó điều chỉnh các can thiệp phù hợp với bối cảnh địa phương [37]. Tương tự như vậy, sáng kiến WHO-T3 (Xét nghiệm-Điều trị-Theo dõi) của WHO về giám sát và đáp ứng với bệnh sốt rét đã được đưa ra để định hướng các mục tiêu bao phủ toàn cầu các công cụ phòng ngừa và loại bỏ tử vong do sốt rét và tiến tới LTSR [13],[19],[31].


Hình 1. Sáng kiến T3 (Xét nghiệm-Điều trị-Theo dõi) của WHO
Nguồn: World Health Organization. (‎2012)‎. Test, treat, track: scaling up diagnostic testing, treatment and surveillance for malaria. World HealthOrganization. https://apps.who.int/iris/handle/10665/337979

Hệ thống thông tin báo cáo điện tử vàcác chiến lược giám sát “1-3-7”trên thế giới

Xuất phát từ thực tế đó, nhiều nước đã xây dựng và định hướng lại các chiến lược khác nhau để phù hợp với bối cảnh của quốc gia, cũng như là khuyến cáo của WHO. Một trong những biện pháp chính trong loại trừ sốt rét đó là báo cáo, điều tra, phân loại trường hợp bệnh và điều tra, can thiệp ổ bệnh sốt rét. Đây là nền tảng căn bản và quan trọng cho việc cắt đứt lan truyền sốt rét, ngăn chặn lan truyền sốt rét tại chỗ.

Trung Quốc đã ban hành chương trình loại trừ bệnh sốt rét vào tháng 7 năm 2010 với kế hoạch LTSR vào năm 2020. Số ca mắc sốt rét (nội địa và ngoại lai) đã giảm từ hơn 26.000 ca năm 2008 xuống còn 2.716 ca năm 2012, trong đó chỉ có 243 ca do lây truyền nội địa. Plasmodium falciparum gần như đã bị loại trừ (chỉ có 16 trường hợp mắc bệnh sốt rét do P. falciparum vào năm 2012, dọc biên giới Trung Quốc-Myanmar) [15],[29]. Thành công này đã được thúc đẩy bởi một chương trình tập trung cung cấp và giám sát các biện pháp can thiệp có mục tiêu cho những người có nguy cơ, bao gồm chương trình phát hiện ca bệnh chủ động (RACD) dựa vào chiến lược “1-3-7” vào năm 2012, đây cũng là nước đầu tiên xây dựng chiến lược “1-3-7” trên thế giới.


Hình 2. Chiến lược “1-3-7” tại Trung Quốc
Nguồn: Cao J, Sturrock HJ, Cotter C, Zhou S, Zhou H, Liu Y, Tang L, Gosling RD, Feachem RG, Gao Q. Communicating and monitoring surveillance and response activities for malaria elimination: China's “1-3-7” strategy.
PLoS Med. 2014 May 13;11(5):e1001642. doi: 10.1371/journal.pmed.1001642. PMID: 24824170; PMCID: PMC4019513.

Chiến lược “1-3-7” được thực hiện với một bộ tiêu chuẩn đơn giản hóa định ra trách nhiệm, các hoạt động và khung thời gian cho các thành phần quan trọng của việc giám sát và đáp ứng nhanh chóng để xác định và ngăn chặn sự lây nhiễm. Khung thời gian được quy định như sau:

+Trong vòng 1 ngày kể từ khi chẩn đoán xác định (tức là 24 giờ), nhân viên y tế địa phương phải báo cáo trường hợp sốt rét đã được xác nhận thông qua Hệ thống Thông tin Sốt rét trực tuyến (MIS).

+Trong vòng 3 ngày, việc điều tra và phân loại trường hợp phải được hoàn thành để xác định liệu trường hợp mắc sốt rét có được lây nhiễm tại địa phương hay ngoại lai hay không.

+Cuối cùng, trong vòng 7 ngày, một cuộc điều tra và đáp ứng với ổ bệnh sốt rét được tùy chỉnh dựa trên kết quả điều tra trường hợp bệnh và phân loại khu vực lan truyền phải được hoàn thành đối với mỗi trường hợp chỉ điểm (Index case).

Vì chiến lược 1-3-7 nhằm mục đích giảm nguy cơ lây nhiễm tiếp theo, phản ứng tương tự cho các trường hợp sốt rét nội địa và ngoại lai, ngoại trừ các khu vực không có lan truyền sốt rét. Mặc dù bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên chiến lược này đã phần nào mang lại thành công trong việc LTSR hiện nay tại quốc gia này.


Hình 3. Sơ đồ hệ thống chẩn đoán, báo cáo và điều tra bệnh sốt rétcho chiến lược “1-3-7”tại Trung Quốc

NIDRIS: Hệ thống thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm đáng chú ý quốc gia; MESIS: Hệ thống thông tin giám sát nâng cao bệnh sốt rét; CDC: Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh; SMS: Dịch vụ tin nhắn ngắn)

Nguồn: Sun, JL., Zhou, S., Geng, QB.et al.
Comparative evaluation of the diagnosis, reporting and investigation of malaria cases in China, 2005–2014: transition from control to elimination for the national malaria programme.
Infect Dis Poverty5, 65 (2016).

https://doi.org/10.1186/s40249-016-0163-4

Dữ liệu từ năm 2013 đến năm 2020 cho thấy, trong tất cả THB được phát hiện thì 100% trường hợp được báo cáo trong vòng 24 giờ và tổng số 21.839 (94,5%) THB được điều tra dịch tễ học trong vòng ba ngày kể từ khi chẩn đoán. Tổng cộng có 21.579 (93,4%) điều tra và đạp ứng ổ bệnh đã được thực hiện trong vòng bảy ngày. Kể từ khi thực hiện Kế hoạch hành động, việc phát hiện ca bệnh sốt rét đã bao gồm phát hiện ca bệnh thụ động (PCD), phát hiện ca bệnh tái chủ động (RACD) và phát hiện ca bệnh tiền chủ động (PACD). PCD chủ yếu liên quan đến các xét nghiệm máu được thực hiện tại các bệnh viện công/tư và các cơ quan quân đội, tổng cộng 37,5 triệu bệnh nhân đã được xét nghiệm trong giai đoạn 2011-2020 với 28.452 trường hợp phát hiện dương tính. Phần lớn trong số 32 bệnh nhân dương tính với RACD được phát hiện từ 105.384 cư dân của các ổ bệnh và khách du lịch và 35 trường hợp dương tính với PACD từ 1.215.309 dân số có nguy cơ là các trường hợp không có triệu chứng. Tỷ lệ dương tính của RACD và PACD thấp hơn tỷ lệ dương tính của PCD (p < 0,001), do bệnh nhân được PCD phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ sốt rét hoặc/và có tiền sử du lịch đến các vùng lưu hành sốt rét. Ngoài ra, tất cả các trường hợp dương tính được phát hiện bởi RACD và PACD đều phải được xác nhận trong phòng thí nghiệm tham chiếu chẩn đoán bệnh sốt rét. Tổng cộng có 27.558 ổ bệnh được xác định trong giai đoạn 2011-2020. Phân loại ổ bênh được ghi lại khi xem xét ở hai giai đoạn khác nhau; tổng cộng 15.436 ổ bệnh (2.810 ổ bệnh hoạt động, 8.926 ổ bệnh không hoạt động và 3.700 ổ bệnh giả) đã được báo cáo trong giai đoạn đầu tiên (201-2015) và 12.122 ổ bệnh, bao gồm 5 ổ bệnh lây truyền, 1.232 ổ bệnh có khả năng lây truyền và 10.435 ổ bệnh không có khả năng lây truyền, đã được báo cáo trong giai đoạn thứ hai (2016–2020). Kết quả Trung Quốc đã đạt được 0 THB sốt rét nội địa vào năm 2017, tiếp tục duy trì thành quả và được WHO công nhận LTSR trên toàn quốc vào năm 2021 [15],[21],[29].

Trọng tâm của chiến lược “1-3-7” là báo cáo THBSR theo thời gian thực. Để đạt được tốc độ báo cáo nhanh như vậy, cần phải vượt qua hai thách thức lớn: phát triển hệ thống công nghệ thông tin để xử lý và lưu trữ dữ liệu về THBSR, đồng thời đảm bảo rằng hệ thống được nhân viên y tế sử dụng hiệu quả hệ thống này. Thách thức công nghệ thông tin đã được khắc phục ở Trung Quốc bằng cách tích hợp báo cáo bệnh sốt rét vào hệ thống thông tin y tế dựa trên web CISDCP-Thiết lập sau khi bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng. Sau khi hệ thống được thiết lập, việc khuyến khích nhân viên y tế chuyển từ báo cáo trên giấy tờ sang sử dụng CISDCP không phải là một quy trình đơn giản. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã đưa ra một biện pháp hỗ trợ tài chính để nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ này. Ví dụ, ở tỉnh Giang Tô, người lao động được trả 30 CNY (4,8 đô la Mỹ) để báo cáo và 70 CNY (11,30 đô la Mỹ) để hoàn thành điều tra ổ bệnh. Hỗ trợ này đã dẫn đến những cải tiến đáng kể trong việc sử dụng hệ thống và hiện nay vẫn được áp dụng để khuyến khích tuân thủ thực hiện chiến liện “1-3-7” tại Trung Quốc [15],[21],[29].

Một khó khăn khác đó là việc phân loại THB được thực hiện dựa trên lịch sử đi lại của bệnh nhân, điều này có thể dẫn đến phân loại sai, đặc biệt là các ca nhiễm P. vivax, có thể do nhiễm trùng tái phát hoặc hồi phát. Kiểu gen có thể phân biệt nguồn gốc địa lý của nhiễm trùng và có thể cải thiện chất lượng cho các phân loại THB này [21],[30].

Bên canh đó việc hoàn thành điều tra và đáp ứng với ổ bệnh trong thời hạn 7 ngày là một thách thức, vì cần có thời gian để đánh giá toàn diện về rủi ro lây truyền cũng như lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động can thiệp. Đạt được mục tiêu trong 7 ngày, đặc biệt khó khăn trong mùa truyền bệnh, tháng 6 và tháng 7, khi số ca bệnh lây truyền nội địa cao nhất và việc xác định các ổ bệnh rất khó khăn nhất. Để đẩy nhanh quá trình đánh giá nguy cơ lan truyền và lựa chọn các biện pháp các thiệp phù hợp với ổ bệnh, thì các quy trình chuẩn cần được xây dựng. Cuối cùng, nguồn nhân lực và tài chính hỗ trợ cho điều tra là rất cần thiết để đạt được các mục tiêu của chiến lược “1-3-7” tại Trung Quốc [15],[21],[30].

Sau Trung Quốc thì Thái Lan, Myanmar, Campuchia, CHDCND Lào, Việt Nam. Cũng như một số quốc gia tại Nam Phi đã bắt đầu thí điểm chiến lược 1-3-7 [11],[18],[22],[25],[27],[29]. Việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) sẽ giúp hỗ trợ các mục tiêu cảu khu vực và giải quyết một số điểm nóng sốt rét tại các vùng biên giới khó khăn.

Chương trình LTSR của Thái Lan dựa vào việc thực hiện chiến lược giám sát “1-3-7” đã được thông qua và triển khai trên toàn quốc vào năm 2016, nhằm mục tiêu đạt được kế hoạch 0 THB nội địa vào năm 2024. Đối với mỗi bệnh nhân sốt rét được xác nhận, Ban Phòng chống các Bệnh do Véc tơ (DVBD) của Bộ Y tế Công cộng đảm bảo hoàn thành thông báo vụ việc trong vòng 1 ngày, điều tra vụ việc trong vòng 3 ngày và điều tra ổ bệnh trong vòng 7 ngày. Kết qủa đánh giá hiệu quả chiến lược “1-3-7” sau 5 năm (2017-2021) thực hiện chương trình LTSR tại Thái Lan cho thấy, tỷ lệ báo cáo THB đúng hạn đã cải thiện từ 24,4% lên 89,3%, điều tra vụ việc từ 58,0% lên 96,5% và thực hiện và báo cáo điều tra ổ bệnh đúng hạn từ 37,9% lên 87,2%. Việc tuân thủ các quy định về mốc thời gian của chiến lược “1-3-7” không có thay đổi đáng kể về mặt thống kê theo các vùng nguy cơ sốt rét. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định về mốc thời này cho thấy sự không đồng nhất về không gian rõ rệt giữa các ổ hoạt động và mô hình phân tích Time series (ARIMA) cho thấy có ý nghĩa thống kê trong việc giảm tỷ lệ mới mắc sốt rét khi áp dụng chiến lược “1-3-7”. Các chỉ số và mục tiêu quốc gia của chiến lược 1-3-7 ở Thái Lan đã từng bước thành công và hầu hết các mục tiêu đã đạt được vào năm 2021. Bên cạnh đó, việc thực hiện chiến lược này cũng đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 kéo dài đặt ra thêm một thách thức nghiêm trọng đối với tiến trình LTSR. Các ca mắc Covid-19 tại thái Lan đạt đỉnh điểm trong giai đoạn lan truyền bệnh sốt rét cao từ tháng 7-9 năm 2021 và đã ảnh hưởng đến các biện pháp can thiệp sốt rét do hệ thống y tế quá tải, làm thay đổi hành vi di chuyển và tìm kiếm sức khỏe của người dân, đồng thời làm phân tán nguồn lực và nhân viên tuyến đầu. Nhìn chung, Thái Lan đã duy trì kết quả về các chỉ số của chiến lược “1-3-7” bất chấp Covid-19, có thể là do hỗ trợ từ các cấp và sự sẵn có các chương trình y tế mạnh mẽ với sự hỗ trợ bởi mạng lưới nhân viên y tế cộng đồng rộng khắp [26],[27]. Ngoài ra, khi mới áp dụng hệ thống báo cáo eMIS trên toàn quốc để tăng cường cho chiến lược “1-3-7” tại Thái Lan. Qua đánh giá chất lượng dữ liệu cho thấy, trong khi tất cả các thành phần trong 964 báo cáo điện tử cho thấy tính đầy đủ 100%, trong số 781 báo cáo giấy, chỉ có thành phần dữ liệu tên bệnh nhân, tuổi, và kết quả xét nghiệm máu đã hoàn thành 100%. Dữ liệu bị thiếu bao gồm: ngày lấy lam máu (186/781, 23,82%; KTC 95%:20,83%-26,80%), ngày xét nghiệm máu (173/781, 22,15%; KTC 95%:19,24%-25,06%), phân loại khu vực (266/781, 34,06%; KTC 95%: 30,74%-37,38%), vị trí nhiễm trùng (65/784, 8,29%; KTC 95%: 6,36%-10,22%) và phân loại ca bệnh (53/784, 6,76%; KTC 95%: 5,00%-8,52%) [22].


Hình 4. Hệ thống thông tin báo cáo sốt rét cho chiến lược “1-3-7”tại Thái Lan
Nguồn: Lertpiriyasuwat, C., Sudathip, P., Kitchakarn, S.et al.
Implementation and success factors from Thailand’s 1-3-7 surveillance strategy for malaria elimination.Malar J20, 201 (2021).
https://doi.org/10.1186/s12936-021-03740-z

Tương tự như vậy, để đạt được Kế hoạch Quốc gia về Loại trừ Sốt rét (NPME) ở Myanmar (2016-2030) vào năm 2030. Thì Chương trình Phòng chống Sốt rét Quốc gia (NMCP) đã thực hiện chiến lược giám sát và đáp ứng “1-3-7” vào năm 2016. Một đánh giá năm 2017-2018 cho thấy, chất lượng phân loại THBSR cũng như ổ bệnh sốt rét của các cán bộ y tế địa phương bị ảnh hưởng rất nhiều, do chưa đến một nửa cán bộ y tế có thể báo cáo thực hiện các hoạt động điều tra, phân loại THB và đáp ứng với ổ bệnh trong vòng 3 ngày và 7 ngày (tương ứng là 40 và 43%). Tỷ lệ cán bộ y tế biết phân loại chính xác 6 loại THBSR và ba loại ổ bệnh sốt rét thấp (tương ứng là 22 và 26%). Ngược lại, gần 80% số người được hỏi nêu tên chính xác ba loại phương pháp phát hiện trường hợp (PCD, ACD, RACD). Những thách thức chính bao gồm “kiến thức cộng đồng thấp về sức khỏe” (43%), “nguồn cung cấp thông tin không đầy đủ” (22%) và “khó khăn trong giao thông vận tải” (21%). Dữ liệu định tính xác định kiến thức kém về các hoạt động giám sát chính, sự chậm trễ trong báo cáo và sự khác biệt trong hệ thống báo cáo là những thách thức chính. Rào cản cho sự thành công của chiến lược chủ yếu là không có khả năng kiểm soát dòng lao động nhập cư, đặc biệt là ở những khu vực khó tiếp cận [11],[17],[20].


Hình 5. Các cột mốc và kế hoạch LTSR tại Myanmar và Trung Quốc
Nguồn: Huang, F., Zhang, L., Xue, JB.et al.
From control to elimination: a spatial-temporal analysis of malaria along the China-Myanmar border.Infect Dis Poverty9, 158 (2020).
https://doi.org/10.1186/s40249-020-00777-1

Còn tiếp Phần 2


Tài liệu tham khảo

1.Bộ Y tế (2016), Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét, 1-20.

2.Bộ Y tế (2021), Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét, 1-19.

3.Nguyễn Công Trung Dũng, Hồ Văn Hoàng, Nguyễn Duy Sơn (2020), "Thực trạng hệ thống giám sát và các yếu tố ảnh hưởng trong chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên năm 2018", Tạp chí Phòng chống bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng. 1(115), 3-9.

4.Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn (2019), Số liệu công tác phòng chống và loại trừ sốt rét khu vực miền Trung -Tây Nguyên, năm 2019, Khoa Dịch tễ.

5.Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn (2020), Số liệu công tác phòng chống và loại trừ sốt rét khu vực miền Trung -Tây Nguyên, năm 2020, Khoa Dịch tễ.

6.Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn (2022), Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2021, 1-15.

7.Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn (2023), Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2022, 1-15.

8.Viện Sốt rét KST-CT TW (2020), Quyết định về việc công nhận 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, 1-10.

9.Viện Sốt rét KST-CT TW (2022), Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2021, 1-10.

10.Viện Sốt rét KST-CT TW (2023), Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2022, 1-30.

11.P. P. Aung (2020), "Challenges in early phase of implementing the 1-3-7 surveillance and response approach in malaria elimination setting: A field study from Myanmar", Infect Dis Poverty. 9(1), 18.

12.M. Bannister-Tyrrell (2019), "Households or Hotspots? Defining Intervention Targets for Malaria Elimination in Ratanakiri Province, Eastern Cambodia", J Infect Dis. 220(6), 1034-1043.

13.P. K. Bharti (2020), "Demonstration of indigenous malaria elimination through Track-Test-Treat-Track (T4) strategy in a Malaria Elimination Demonstration Project in Mandla, Madhya Pradesh", Malar J. 19(1), 339.

14.J. Cox (2014), "Novel approaches to risk stratification to support malaria elimination: an example from Cambodia", Malar J. 13, 371.

15.F. Huang (2022), "Establishing and applying an adaptive strategy and approach to eliminating malaria: practice and lessons learnt from China from 2011 to 2020", Emerg Microbes Infect. 11(1), 314-325.

16.J. J. Joseph (2022), "Improvements in malaria surveillance through the electronic Integrated Disease Surveillance and Response (eIDSR) system in mainland Tanzania, 2013-2021", Malar J. 21(1), 321.

17.S. T. Kheang (2018), "Malaria Case Detection Among Mobile Populations and Migrant Workers in Myanmar: Comparison of 3 Service Delivery Approaches", Glob Health Sci Pract. 6(2), 384-389.

18.S. T. Kheang (2020), "Malaria elimination using the 1-3-7 approach: lessons from Sampov Loun, Cambodia", BMC Public Health. 20(1), 544.

19.Augusta Soninour Kolekang (2022), "Challenges with adherence to the ‘test, treat, and track’ malaria case management guideline among prescribers in Ghana", Malaria Journal. 21(1), 332.

20.A. M. M. Kyaw (2018), ""Alert-Audit-Act": assessment of surveillance and response strategy for malaria elimination in three low-endemic settings of Myanmar in 2016", Trop Med Health. 46, 11.

21.G. Lu (2016), "Challenges in and lessons learned during the implementation of the 1-3-7 malaria surveillance and response strategy in China: a qualitative study", Infect Dis Poverty. 5(1), 94.

22.S. Ma (2016), "Effectiveness of Implementation of Electronic Malaria Information System as the National Malaria Surveillance System in Thailand", JMIR Public Health Surveill. 2(1), e20.

23.B. Maher (2008), "Malaria: the end of the beginning", Nature. 451(7182), 1042-6.

24.Y. P. Mlacha (2020), "Effectiveness of the innovative 1,7-malaria reactive community-based testing and response (1, 7-mRCTR) approach o­n malaria burden reduction in Southeastern Tanzania", Malar J. 19(1), 292.

25.P. Muhoza (2022), "A data quality assessment of the first four years of malaria reporting in the Senegal DHIS2, 2014-2017", BMC Health Serv Res. 22(1), 18.

26.P. Sudathip (2021), "A foci cohort analysis to monitor successful and persistent foci under Thailand's Malaria Elimination Strategy", Malar J. 20(1), 118.

27.P. Sudathip (2022), "Assessing Thailand's 1-3-7 surveillance strategy in accelerating malaria elimination", Malar J. 21(1), 222.

28.A. M. van Eijk (2016), "What is the value of reactive case detection in malaria control? A case-study in India and a systematic review", Malar J. 15, 67.

29.D. Wang (2017), "Adapting the local response for malaria elimination through evaluation of the 1-3-7 system performance in the China-Myanmar border region", Malar J. 16(1), 54.

30.D. Wang (2022), "Could China's journey of malaria elimination extend to Africa?", Infect Dis Poverty. 11(1), 55.

31.WHO (2012), Test. Treat. Track: Scaling up diagnostic testing, treatment and surveillance for malaria., Geneva: World Health Organisation.

32.WHO RBM Partnership to End Malaria (2019), High burden to high impact: a targeted malaria response, Geneva, World Health Organization.

33.WHO (2015), Strategy for Malaria Elimination in the Greater Mekong Subregion (2015-2030).

34.WHO (2017), A framework for malaria elimination.

35.WHO (2017), Regional Action Framework for Malaria Control and Elimination in the Western Pacific (2016–2020).

36.WHO (2017), Regional action plan 2017-2030 towards malaria-free South-East Asia Region.

37.WHO (2018), Malaria surveillance, mornitoring and evaluation: a reference manual.

Ngày 24/08/2023
BS. Nguyễn Công Trung Dũng, ThS.BS. Nguyễn Duy Sơn  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích