Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 28/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 1 0 0 9
Số người đang truy cập
5 6 0
 An toàn thực phẩm & hóa chất
Cập nhật các thông tin về vaccine & anti-vaccine trong phòng bệnh trên thế giới và Việt Nam

Bộ Y tế nói gì trước trào lưu phản đối vắc xin?

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm vắc xin cho trẻ, chia sẻ các thông tin chưa kiểm chứng của tổ chức nước ngoài về việc vắc xin gây động kinh, tự kỷ ở trẻ. Do vậy, nhiều bà mẹ hoang mang, dao động, không cho con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Trước tình hình trên, ngày 10-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo 3 yêu cầu cơ bản, bao gồm nâng cao chất lượng tiêm chủng, bảo đảm an toàn tiêm chủng, từ đó nâng cao tỷ lệ tiêm chủng.Tất cả loại vắc xin đều phải đảm bảo tính an toàn và hiệu lực; đặc biệt phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc, không có một loại vắc xin nào có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bởi vì, tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.

Thông thường, mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ (như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm), sau đó tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Chính vì vậy, trong thực tế nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường. Đó là do phản ứng của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin. Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, việc kết luận các nguyên nhân của trường hợp đáng tiếc sau khi tiêm vắc xin cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, công tâm từ phía các bác sĩ, chuyên gia, không thể đưa ra những suy luận cảm tính, để từ đó gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sự miễn dịch chung của cả cộng đồng.


Hình 1

Tại Việt Nam, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Kết quả giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vắc xin phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.

Tuy nhiên, nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn. Cụ thể như nguy cơ vi rút bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn; uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vắc xin phòng được triển khai trong tiêm chủng mở rộng; đặc biệt, uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%). Do vậy, việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả đã đạt được, không để dịch bệnh bùng phát lại tại một cộng đồng nhỏ sẽ trở thành sự kiện y tế công cộng của Việt Nam. Chính vì vậy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Ngày nay, mạng xã hội phổ biến là môi trường thuận lợi để tạo tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, thông tin xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng. Do đó, mỗi người dân cần cẩn trọng trước những tin tức, trào lưu trên mạng xã hội. Các thư viện, các nguồn tin chính thống đều được rộng mở cho việc tra cứu, kiểm chứng mọi nghi vấn về sức khỏe của cá nhân và gia đình…


Hình 2

Bỏ tiêm vắc xin-Nhiều dịch bệnh quay trở lại

Mặc dù tiêm phòng vắc xin được khuyến cáo là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên, gần đây mạng xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm chia sẻ các nghiên cứu của tổ chức nước ngoài kêu gọi chống tiêm vaccin cho trẻ vì không hiệu quả. Khá nhiều bà mẹ hoang mang, dao động đã không cho con đi tiêm ngừa. Các chuyên gia, bác sỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm khẳng định đó là thông tin vô căn cứ, gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe của trẻ nhỏ cũng như của cộng đồng...

80% trẻ mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện do chưa được tiêm vắcxin 

Nhiều người hẳn chưa quên dịch sởi xảy ra tại miền Bắc năm 2014 đã khiến hàng ngàn trẻ mắc bệnh và gần 150 trẻ tử vong. Trước năm 2014, tai biến xảy ra với 3 em bé ở Quảng Trị sau khi tiêm văcxin sởi khiến nhiều gia đình hoang mang. Mặc dù đến nay nguyên nhân xảy ra tai biến cho các cháu Quảng Trị được xác định là do tiêm nhầm thuốc, song thời điểm đó sự cố này được nhiều người quy kết do văcxin và quyết định không cho con tiêm phòng. Theo Bộ Y tế khi ấy, tỷ lệ trẻ được tiêm phòng văcxin sởi rất thấp, thậm chí tại Hà Nội, 90% trẻ mắc bệnh sởi chưa được tiêm chủng. Hậu quả là dịch sởi năm 2014 bùng phát mạnh, hàng trăm nghìn em bé mắc bệnh nghi do sởi, hơn 6.000 trẻ được xác định mắc sởi, gần 150 cháu tử vong.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân sởi được ghi nhận trên toàn quốc thời điểm đó, có đến 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng. Khi đó nhiều người mới đổ xô cho con đi tiêm phòng sởi khiến các điểm tiêm chủng quá tải. Bộ Y tế cũng tổ chức nhiều đợt tiêm ngừa sởi cho trẻ đến 14 tuổi. Nhờ vậy đến năm 2016, các ca bệnh sởi được ghi nhận thấp nhất trong vòng 10 năm qua với chỉ hơn 46 bệnh nhân trên cả nước.  

Hai bệnh khác gần đây cũng bùng phát trở lại và cướp đi sinh mạng hàng chục em bé, do không được chích ngừa văcxin là ho gà và viêm gan B. Năm 2016 dịch ho gà trở lại khiến hàng trăm em bé Hà Nội phải nhập viện, nhiều em tử vong. Hay mới đây, vào tháng 7/2016, một ổ dịch bạch hầu bùng phát tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, khiến 37 người mắc bệnh và 3 người tử vong mà nguyên nhân là do trong cộng đồng vẫn tồn tại tỷ lệ nhất định những người chưa được tiêm phòng, tích lũy qua các năm, tạo điều kiện cho bệnh bạch hầu tấn công.  Mùa hè năm nay, số trẻ mắc viêm não tăng đột biến. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia y tế chỉ ra cũng là do trẻ không được tiêm phòng đầy đủ…


Hình 3

Thời gian qua người dân thiếu lòng tin do một số sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm văcxin viêm gan B, dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân không phải do văcxin. Do đó nhiều bố mẹ vẫn ngần ngại khi tiêm văcxin cho con. Gần đây xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm văcxin và dẫn các nghiên cứu từ nước ngoài về tác hại của văcxin. Họ dẫn khảo sát cộng đồng homeschooled tại Mỹ về tiêm chủng cho thấy, so với trẻ không chủng ngừa thì trẻ chích văcxin mắc bệnh mãn tính nhiều hơn gấp 2,4 lần, chàm cao hơn 2,9 lần. Trẻ tiêm chủng bị tự kỷ nhiều hơn 4,2 lần, khuyết tật học tập 5,2 lần, viêm mũi dị ứng nhiều hơn 30 lần so với trẻ không tiêm. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP. Hồ Chí Minh, các nghiên cứu tại Mỹ hay Anh cho rằng văcxin gây tự kỷ hay động kinh ở trẻ đều đã được chứng minh là không chính xác. Thực tế các em bé này đều mắc những bệnh khác. Thậm chí có tác giả nghiên cứu này đã bị tòa án tuyên là gian lận số liệu và có xung đột lợi ích cá nhân. Có kết quả nghiên cứu đổ lỗi cho văcxin đã phải buộc rút khỏi một tờ báo dù đăng tải đã 10 năm. "Tỷ lệ tai biến do văcxin rất thấp so với lợi ích to lớn mà nó mang lại cho cộng đồng", phó giáo sư Lân nói.

Tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng

Hơn 30 năm qua, nhờ thực hiện nhiều chương trình lớn về tiêm chủng mà hằng năm số trẻ mắc lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm màng não do Hib... tại Việt Nam liên tục giảm, thậm chí có những dịch bệnh đã được thanh toán hoàn toàn. Theo Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban Quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, tiêm văcxin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ tự nguyện mà còn bắt buộc theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nếu trẻ không được chích văcxin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng. 


Hình 4

Sau hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, hơn 600 triệu liều văcxin đã được chích miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Nhờ vậy giảm tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có văcxin dự phòng từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ năm 1984 cho đến năm 2014, nhờ chương trình tiêm chủng mà trên cả nước số ca mắc ho gà giảm hơn 900 lần, bạch hầu giảm gần 600 lần, sởi hơn 550 lần, uốn ván giảm gần 60 lần. Ước tính Việt Nam đã dự phòng cho 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc bệnh và 43.000 trẻ tránh khỏi tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi. Chiến dịch tiêm chủng cũng góp phần giảm 2/3 tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015. Năm 2016 là năm thứ 16 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 11 cả nước duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Rất nhiều bệnh trên thế giới nhờ văcxin mà hầu như đã tuyệt tích như bệnh đậu mùa.  

Đồng tình với quan điểm này, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân cho rằng khi phụ huynh do dự, không tiêm phòng cho con là bỏ qua mất thời điểm phòng bệnh tốt nhất cho con mình. Đồng thời, việc chống lại vắcxin, không tiêm vắcxin không những ảnh hưởng đến đứa trẻ đó, gia đình đó mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng vì bệnh sẽ lây lan cho cộng đồng. "Trong nhiều năm qua, hệ thống tiêm chủng của Nhà nước đã rất nỗ lực để đưa tỷ lệ tiêm chủng lên cao không phải nhằm bảo vệ cho một vài cá thể mà để bảo vệ cho cả cộng đồng. Văcxin đã được nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm ngặt, sử dụng với số lượng lớn trên toàn thế giới qua hàng chục năm, có hệ thống cập nhật đánh giá các biến cố bất lợi, được hoàn thiện dần theo tiến bộ của y học và đã được chứng minh là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất", phó giáo sư Lân nhấn mạnh. Theo thống kê của dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98% vào năm 2016. Tuy nhiên cả nước vẫn còn 550.000 trẻ chưa được tiêm văcxin viêm gan B liều sơ sinh, 62.000 trẻ chưa được tiêm đủ 3 liều văcxin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván), 79 huyện có tỷ lệ tiêm DPT mũi 3 dưới 90%.

Bác sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết trọng tâm của công tác tiêm chủng thời gian tới đây là Việt Nam cần phải tăng tỷ lệ tiêm văcxin viêm B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ để đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017. Tỷ lệ tiêm văcxin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu năm 2016 đạt 68% nhưng vẫn còn 15 tỉnh có tỷ lệ ở thấp, dưới 50%.

Vắc xin Quinvaxem: Thành quả và nỗi đau

Không có vắc xin nào tuyệt đối an toàn, kể cả vắc xin dịch vụ mà người dân đang rất tin tưởng. Tuy nhiên đối mặt với nguy cơ trẻ tử vong, không cha mẹ nào tránh khỏi sợ hãi.

Vắc xin có tuyệt đối an toàn không?

Vắc xin cũng giống các loại thuốc khác, khi tiêm vào cơ thể sẽ có những phản ứng phụ, một số ít trẻ xuất hiện tai biến nặng, thậm chí là tử vong.

Ví dụ ở Đức, Ý, Singapore đang tiêm phổ biến vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa. Theo kết quả điều tra của chính nhà sản xuất (GSK - Anh), trong 12 năm nước Ý tiêm 15 triệu mũi, đã có 63 trẻ tử vong đột ngột trong vòng 20 ngày (trung bình 4,2 trẻ tử vong/1 triệu mũi tiêm). Một nghiên cứu khác cũng ở Ý thống kê 3 triệu trẻ tiêm Infanrix Hexa, Hexavac (vắc xin 6 trong 1 của Aventis Pasteur MSD - Pháp) cùng các vắc xin mũi rời khác, cho thấy: 68 trẻ tử vong trong 20 ngày sau tiêm (trung bình 22,7 trẻ tử vong/1 triệu trẻ tiêm).


Hình 5

Việt Nam tiêm vắc xin Quinvaxem từ tháng 6/2010. Đến nay có khoảng 24 triệu mũi tiêm, số trẻ tử vong là 63 (trung bình 2,6 trẻ tử vong/1 triệu mũi tiêm). Một loại vắc xin 5 trong 1 khác đang được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam là Pentaxim của Sanofi Pasteur (Pháp). Vắc xin này không có báo cáo về số lượng tử vong trên dân số vài triệu mũi tiêm như Quinvaxem hay Infanrix Hexa. Tuy nhiên, tạm so sánh tác dụng phụ của Quinvaxem và Pentaxim trong các thử nghiệm quy mô nhỏ (tính tỷ lệ phản ứng trên số mũi tiêm, gồm 4 phản ứng chính: sốt, khó chịu, khóc nhiều, nôn mửa), kết quả như sau:

Nhìn con số bằng trực giác thì tỉ lệ tác dụng phụ cũng như tỉ lệ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem không cao hơn các vắc xin khác. Nhưng ở góc độ khoa học thì chừng đó chưa đủ để khẳng định Quinvaxem an toàn hơn Infanrix Hexa, Hexavac hay Pentaxim. Bởi vì trong nghiên cứu vắc xin, phương pháp luận khoa học dù có công phu đến mấy vẫn luôn nghèo nàn do quy mô nghiên cứu vẫn quá nhỏ, thời gian nghiên cứu quá ngắn, phạm vi nghiên cứu quá hạn chế trong các quần thể đại diện. Như vậy, không có vắc xin nào là an toàn tuyệt đối. Một loại vắc xin chỉ thực sự an toàn khi chính vắc xin đó … không bao giờ được sử dụng!

Quinvaxem - Thành quả và nỗi đau

Việt Nam là quốc gia nghèo nên chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) bao nhiêu năm vẫn chỉ tiêm các mũi riêng lẻ. Đến tận năm 2010 chúng ta mới triển khai tiêm miễn phí Quinvaxem nhờ sự trợ giúp của TCYTTG (vẫn giữ tiêm song song các vắc xin riêng lẻ vì tính hiệu quả và an toàn). Trong gần 3 thập kỉ qua, chương trình TCMR của Việt Nam đã làm cho cả thế giới nể phục. Một số dịch bệnh đã bị tiêu diệt, trẻ em được khỏe mạnh do tăng sức đề kháng, nhiều căn bệnh nghiêm trọng cũng nhẹ đi. Thành công ấy hoàn toàn không phải do những biện pháp áp đặt hà khắc trái với ý chí của người dân. Đó là chiến công của những cán bộ y tế dự phòng, những chi hội phụ nữ, những tình nguyện viên… Họ đã chuyển tải những kiến thức đúng đắn nhất về tiêm chủng đến từng ông bố bà mẹ.

Bên cạnh đó, những ám ảnh về bệnh bại liệt, những em bé bị biến dạng do mẹ nhiễm Rubella trong thai kì đã dấy lên nỗi sợ bệnh tật. Nỗi sợ này cùng với những hiểu biết đúng về vắc xin chính là lí do để người dân tự giác tiêm phòng phổ quát.

Khi 3 cháu bé ở Quảng Trị tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B, xã hội rất sốc. Người ta bắt đầu tẩy chay tiêm chủng (dù kết quả điều tra sau này xác định nguyên nhân do cán bộ y tế tiêm nhầm thuốc). Hệ quả là dịch sởi năm 2014 bùng phát, hàng trăm trẻ chết. Sởi chỉ thực sự dập tắt khi các bà mẹ đồng loạt đưa con đi tiêm phòng. Sau bài học sởi, là đến bài học Quinvaxem. Liên tiếp những thông tin không đầy đủ về 43 ca tử vong sau tiêm vắc xin này đã gây nhiễu loạn, bất chấp cảnh báo của Bộ Y tế và cả TCYTTG. Từ đó người dân tẩy chay tiêm Quinvaxem. Rõ ràng thành tích đưa Quinvaxem vào chương trình TCMR chưa đủ để nâng cao hiệu quả miễn dịch cho cộng đồng nhưng việc làm suy yếu nhận thức của những ông bố bà mẹ có mặt trong buổi xô đẩy nhau giành suất tiêm hôm vừa rồi thì đang là sự thật hiện hữu.

Chính sách vắc xin: Đừng vì lợi ích kinh tế

Ở thời điểm hiện tại, nếu chỉ sử dụng Quinvaxem để tiêm chủng miễn phí mà không đa dạng hóa các loại vắc xin dịch vụ để người dân có quyền lựa chọn thì đó có phải là thiếu sót căn bản của chính sách công liên quan đến vắc xin? Muốn được chấp nhận cả về đạo đức cũng như pháp lí thì chính sách vắc xin phải được xây dựng dựa trên hiệu quả về sức khỏe cộng đồng với những căn cứ khoa học xác đáng chứ không phải vì lợi ích kinh tế. Bởi vắc xin cực kì nhạy cảm. Nó dễ bị chi phối bởi những xung đột kinh tế, với nguy cơ hàng tỉ USD doanh thu chảy từ túi người nghèo sang người giàu. Khắc phục cuộc khủng hoảng vắc xin Quinvaxem, ngoài việc ngành y tế cố gắng đàm phán với đối tác để sớm có nguồn vắc xin dịch vụ đa dạng, thì cần phải công khai minh bạch mọi thông tin về Quinvaxem và cung cấp đầy đủ những kiến thức đúng đắn về vắc xin và tiêm chủng cho người dân.


Hình 6

Với cộng đồng, thay vì chờ đợi vắc xin dịch vụ, tại sao không tìm hiểu kĩ các vắc xin riêng lẻ vẫn được tiêm an toàn từ trước đến nay? Tại sao không tìm hiểu sâu về Quinvaxem để có quyết định đúng trước khi tiêm?

Chuyện về người tìm ra vaccine phòng dại

Lần đầu tiên thử nghiệm vaccine dại trên người, Louis Pasteur rất lo lắng. Ông viết thư tâm sự với con trai: "Con thử tưởng tượng xem trái tim đau khổ của bố sẽ bị vò nát, cấu xé đến chừng nào nếu như phải chứng kiến một nhân mạng mất đi vì liều văcxin của bố".


Hình 7

Louis Pasteur sinh năm 1822 tại vùng Dole (Jura, nước Pháp). Bố ông sau khi giải ngũ trở về chỉ làm nghề thuộc da và rất nghèo. Cụ mong đợi con trai trở thành một thầy giáo vì nghĩ rằng làm thầy giáo thì nhàn hạ hơn nghề thuộc da của ông. Thuở nhỏ, Pasteur rất mê học vẽ và ai cũng tưởng sau này cậu sẽ trở thành một họa sĩ. Năm 19 tuổi, Pasteur đỗ tú tài văn chương và trở thành người phụ giảng ở trường trung học này; một năm sau nhận thêm bằng tú tài toán tại Dijon. Sau đó, ông thi đỗ vào ENS - trường cao đẳng sư phạm danh tiếng ở Paris và tốt nghiệp cử nhân khoa học, được cử làm giáo viên của Trường trung học Tournon ở Ardèche. Nhưng với lòng ham mê nghiên cứu khoa học, Pasteur xin ở lại Trường ENS để làm kỹ thuật viên hóa học. Ông được làm việc tại phòng thí nghiệm của viện sĩ Balard và có dịp gặp giáo sư Laurant ở đó. Vị giáo sư này nhận thấy ở Pasteur tiềm ẩn một tài năng và nhận làm trợ lý nghiên cứu cho mình.

Ở tuổi 25, Pasteur nhận bằng tiến sĩ khoa học. Trong những năm 1861-1862, ông đã công bố các nghiên cứu về việc rượu vang xuất khẩu bị chua là do tác động của các vi khuẩn acetic và được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học. Một năm sau, Napoléon III yêu cầu ông nghiên cứu về các bệnh ở nho, về ảnh hưởng của ôxy đối với quá trình sản xuất rượu vang. Pasteur cũng công bố các nghiên cứu về bệnh của tằm và phương pháp khử trùng mới của mình: khử trùng ở 63 độ C trong 30 phút hoặc 72 độ C trong 15 giây.


Hình 8

Năm 1868, Louis Pasteur nhận bằng bác sĩ y khoa ở Đại học Bonn (Đức) và được thưởng Bắc đẩu bội tinh. Sau đó thật không may, ông bị liệt nửa người trái, nhưng con người khoa học trong ông vẫn vượng sức với sự lao động miệt mài và không ngừng sáng tạo. Nhà khoa học này đã nghiên cứu về bệnh than và sự nhiễm trùng máu, công bố lý thuyết về mầm bệnh và việc ứng dụng chúng trong y học, về sự hoại thư và về sốt hậu sản.

59 tuổi, Luis Pasteur công bố các nghiên cứu về bệnh sốt vàng và thành công trong việc chế tạo văcxin chống bệnh than. Sau đó, ông nghiên cứu về bệnh đóng dấu ở lợn và chế tạo ra văcxin phòng bệnh này.

Tháng 7 năm 1885 là mốc rất quan trọng trong lịch sử y học, khi ông thành công trong việc sử dụng văcxin chống bệnh dại ở người. Bệnh nhân là cháu bé Joseph Meister, 9 tuổi, bị chó dại cắn 14 vết rất nặng trên tay. Mặc dầu đã thử nghiệm nhiều lần văcxin của mình trên động vật nhưng Pasteur rất hồi hộp khi phải bắt buộc dùng trên cơ thể người vì giữa người và vật có nhiều điểm giống nhau nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau... Nhưng chỉ ít hôm sau, ông đã sung sướng viết cho con mình để báo tin Joseph Meister đã ra viện, 3 vết tiêm sau cùng của cháu hơi bị tấy đỏ nhưng không can gì. Cháu vẫn ăn ngon, ngủ yên, không sốt...


Hình 9

Sau 3 tháng và 21 ngày tiêm thuốc, bé Meister vẫn khỏe mạnh như thường. Và Pasteur báo cáo về thành công này trước Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Chủ tịch Viện nói: "Vinh quang thay cho nền khoa học khi phát minh ra phương pháp chống bệnh dại - một bệnh khủng khiếp mà bao nhiêu thế kỷ nay chưa ai thoát khỏi tử vong. Từ hôm nay, nhân loại đã được trang bị một vũ khí để chống lại căn bệnh quái ác này". Một tháng sau đó, Pasteur được bầu làm thư ký vĩnh viễn của Viện Hàn lâm khoa học Pháp, nhưng ông lại bị liệt nốt nửa người phải. Cũng trong năm này, ông tham gia vào thực nghiệm dùng vi khuẩn để tiêu diệt đàn thỏ sinh sản quá mức trong môi trường tự nhiên ở Australia. 10 năm sau, Pasteur qua đời sau một cơn urê huyết cấp.

Khoảng 3 năm sau khi thử nghiệm thành công văcxin dại, Viện Pasteur đầu tiên đã được khánh thành ở Paris. Sau đó, các viện Pasteur lần lượt mọc lên ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, và hàng chục triệu liều văcxin chống dại đã được sản xuất.

10 việc làm cứu cả thế giới của Bill Gates

Từng là người giàu có nhất thế giới, nhà sáng lập Microsoft đã cùng vợ cho đi hàng tỷ USD để góp phần cứu giúp hàng triệu người trên toàn thế giới. Phải cảm ơn những công việc Bill Gates đang làm với quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates, khi ông cho đi hàng tỷ USD của mình để chống lại sự lây lan của dịch bệnh và phát triển nguồn lương thực cho những người cần thiết nhất trên thế giới. Theo Business Insider, dưới đây là 10 dự án ấn tượng nhất từ quỹ từ thiện của Bill Gates.

1. Nghiên cứu chuối


Hình 9

Quỹ Gates đang tài trợ cho việc nghiên cứu để bổ sung chất sắt và Vitamin A vào chuối. Sau khi được biến đổi, giống chuối này sẽ được phân phối ở Uganda. Một nhà khoa học của trường Đại học Queensland, Australia đang thực hiện dự án trên, nói: "Chúng cũng là một trong những thực phẩm cai sữa tốt nhất cho trẻ em. Chúng sẽ được đóng gói trong điều kiện vô trùng và không cần nấu chín”.

2. Loại trừ hoàn toàn bệnh bại liệt


Hình 10

Các ca bại liệt đã giảm xuống 99% và quỹ Gates muốn loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này. Quỹ đã thực hiện một chương trình tiêm chủng tích cực và việc tiến hành đang được thúc đẩy cho một số khu vực còn lại trên thế giới.

Làm giảm bệnh sốt rét


Hình 11

Quỹ Gates vừa giúp đỡ các ca nhiễm sốt rét ở Zambia bằng việc đầu tư vào một chương trình thử nghiệm. Theo đó, chương trình này giúp người dân nằm trong giường có màn trừ muỗi và giúp họ phun thuốc xịt muỗi trong nhà. Dự án này đã hoạt động tốt và hoàn thành ở các quốc gia khác. Ngoài ra, quỹ Gates cũng đầu tư vào việc tìm kiếm vắc-xin phòng bệnh sốt rét và các loại thuốc diệt muỗi mới.

4. Biến phân thành năng lượng sinh học


Hình 12

Nhà khoa học Katarik Chandran nhận được 1,5 triệu USD tiền trợ cấp từ quỹ từ thiện của Bill Gates, để thực hiện dự án biến phân người thành năng lượng diesel sinh học. Nếu thành công, nó sẽ là cách tuyệt vời để biến chất thải người thành một thứ hữu dụng.

5. Tăng 'sức khỏe' cho cây sắn


Hình 13

Quỹ Gates đã tài trợ cho một nhóm nghiên cứu nhằm làm giảm chất xyanua tự nhiên trong củ sắn. Ngược lại, nó làm tăng protein, sắt, kẽm, vitamin A và E để tạo sức đề kháng với những căn bệnh mới của cây sắn. Sắn là loại lương thực phổ biến với 800 triệu người trên toàn thế giới.

6. Chi 42 triệu USD để sáng chế toilet


Hình 14

Bill Gates muốn giúp đỡ 40% người trên thế giới không có nhà vệ sinh cần thiết, bằng cách xây dựng những toilet độc lập mà không cần đường nước hoặc điện, để biến chất thải thành năng lượng, nước sạch hoặc các chất dinh dưỡng.

7. Chi 2 tỷ USD để chống lại HIV


Hình 15

Quỹ Gates đã đóng góp một phần nhỏ làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới từ năm 2001 đến 2008. Quỹ này bỏ tiền vào vắc-xin, ngăn chặn sự bùng phát của căn bệnh thế kỷ ở châu Phi và làm giảm chi phí điều trị của người bệnh.

8. 1,5 tỷ USD cho phụ nữ và các vấn đề sức khỏe trẻ em


Hình 16

Ngày 7/6/2010, bà Melinda Gates tuyên bố Quỹ Bill & Melinda Gates sẽ tài trợ 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, để hỗ trợ các dự án của nước ngoài liên quan tới chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Khoản tiền này sẽ được đầu tư đến hết năm 2014 và phần lớn được hỗ trợ cho các chương trình triển khai tại Ấn Độ, Ethiopia và một số nước có tỷ lệ phụ nữ và trẻ em tử vong cao.

9. Nghiên cứu dùng muỗi tiêm vắc-xin


Hình 17

Năm 2008, quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates thông báo tài trợ 100.000 USD cho các công trình nghiên cứu khoa học, nhằm phòng chống hoặc điều trị các bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS và lao, tìm cách hạn chế sự kháng thuốc ngày càng tăng. Trong đó, có giải pháp của Hiroyuki Matsuoka ở Đại học Y khoa Jichi (Nhật Bản), biến muỗi thành loại “xi-lanh bay” để tiêm vắc-xin cho người.

10. Kêu gọi các tỷ phú khác quyên tiền


Hình 18

Bill và Melinda Gates không chỉ muốn cho đi số tiền của mình, mà họ còn muốn các tỷ phúc khác làm điều tương tự. Càng nhiều tiền được đóng góp, cuộc chiến chống lại các căn bệnh trên toàn thế giới càng hiệu quả hơn. Nỗ lực này nhận được sự ủng hộ của tỷ phú, nhà đầu tư Warren Buffett. Đến nay, có ít nhất 40 gia đình và cá nhân giàu có nhất Hoa Kỳ, bao gồm ít nhất là 30 tỷ phú đã hứa hiến tặng ít nhất là một nửa số tài sản của họ cho việc từ thiện.

Công ty Fivevet: Khánh thành nhà máy vắc xin và sinh phẩm thú y

Ngày 19/01/2018, tại Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội, Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương 5 (Fivevet) long trọng tổ chức lễ khánh thành nhà máy vắc xin và sinh phẩm thú y, với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng.

Tham dự buổi Lễ có đại diện các cơ quan ban ngành của Bộ NN&PTNT; Bộ Khoa học công nghệ; các Chi cục Thú y; Sở Nông nghiệp các tỉnh; Hiệp hội; khách hàng, đối tác trong và ngoài nước của Fivevet; và các cơ quan thông tấn báo chí.


Hình 18.
Lễ cắt băng khánh thành nhà máy vắc xin và sinh phẩm thú y của công ty Fivevet

TS Nguyễn Thị Hương, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương 5 cho biết, sau nhiều năm thành lập, Fivevet đã tạo dựng được lòng tin, uy tín và sự mến mộ của người chăn nuôi, thú y. Đến nay, Fivevet đã lọt vào top những doanh nghiệp đứng đầu ngành sản xuất, kinh doanh thuốc thú y về thương hiệu, tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của ngành chăn nuôi là: tăng cường bảo vệ vật nuôi, hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và điều trị bệnh. Cùng với đó, hưởng ứng chủ trương nội địa hóa các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, công ty đã đầu tư nhà máy sản xuất vắc xin sinh phẩm thuốc thú y.


Hình 19. TS Nguyễn Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty Fivevet phát biểu tại buổi Lễ

Hơn 3 năm triển khai, với kinh phí gần 100 tỷ đồng, nhà máy sản xuất vắc xin của Fivevet được hoàn thành bao gồm: trung tâm nghiên cứu, phòng kiểm nghiệm, nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP và GNP. Với máy móc hiện đại, công ty đã nghiên cứu thành công và sản xuất một số loại vắc xin sử dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc xin trong nước và xuất khẩu.

“Với sự góp sức của nhiều cơ quan ban ngành, Viện, chuyên gia trong và ngoài nước, chúng ta sẽ có những loại vắc xin công nghệ cao, đủ điều kiện lưu hành, làm tốt công tác phòng bệnh cho vật nuôi, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, có hiệu quả”, TS Hương nhấn mạnh.

Ông Dương Tiến Thể, Phó Cục trưởng Cục thú y cho rằng, công ty Fivevet với trên 200 sản phẩm thuốc thú y, thủy sản và hiện nay đã sản xuất vắc xin, chúng tôi đánh giá đây là sự trưởng thành mạnh mẽ, cố gắng cực kỳ to lớn của tập thể công ty. Ông Thể cũng cho rằng, hiện nay, Việt Nam có đàn gia súc lớn, mỗi năm chúng tôi phải nhập hàng trăm triệu USD vắc xin cũng như thuốc thú y từ các nước. Chúng ta có một số nhà máy sản xuất vắc xin nhưng chưa đủ nhu cầu. Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương 5 (Fivevet), đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất vắc xin và sinh phẩm. Điều này, đã thỏa mãn ước mơ của hàng triệu người chăn nuôi của Việt Nam, được sử dụng những sản phẩm vắc xin sản xuất từ trong nước, chất lượng ngang tầm quốc tế. Sự thành công này, tạo đà cho lĩnh vực chăn nuôi, trong bối cảnh ngành phát triển mạnh mẽ, tạo ra sản lượng thịt trứng sữa rất lớn và cần phải xuất khẩu ra thế giới. Rào cản của thế giới là yêu cầu chúng ta đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng ta đang từng bước đáp ứng điều này, các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh và các địa phương phải có vùng an toàn dịch bệnh. Một trong những điều kiện đó là chúng ta đảm bảo có loại vắc xin đảm bảo chăn nuôi không xảy ra dịch bệnh, được OIE công nhận.

Trả lời các cơ quan thông tấn báo chí, TS Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, thay mặt người chăn nuôi cám ơn công ty Fivevet đã sản xuất ra nhiều loại thuốc thú y và vắc xin có chất lượng cao phục vụ ngành. Cùng với đó, TS Trúc những bày tỏ tin tưởng, cùng với chủ trương của Bộ NN&PTNT, từng bước những sản phẩm vắc xin sản xuất trong nước sẽ đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh cho vật nuôi, giúp ngành giảm chi phí và bảo đảm an toàn thực phẩm hơn nữa.

Theo TS Trịnh Quang Đại, Giám đốc nhà máy sản xuất vắc xin Fivevet, nhà máy được đầu tư đồng bộ, thiết kế khoa học với hệ thống phòng sạch đảm bảo môi trường sản xuất từ các cấp sạch D đến A vô trùng, theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới GMP-WHO. Hệ thống xử lí không khí, khí thải, nước thải bố trí hợp lý, khoa học với công nghệ hàng đầu. Nhà máy bao gồm 2 dây chuyền công nghệ sản xuất vắc xin trên phôi trứng và trên tế bào hoàn toàn tách biệt nhau, đảm bảo hoạt động liên tục và an toàn. Khu phối trộn, hoàn thiện sản phẩm với 2 dòng vắc xin nhược độc và vắc xin vô hoạt. Hệ thống máy móc đông khô nguyên chiếc nhập khẩu từ hãng sản xuất hàng đầu thế giới Zirbus, Đức với công suất đông khô 15.000 lọ sản phẩm, tương đương với hàng triệu liều vắc xin phục vụ trong nước và xuất khẩu.


Hình 20.
Thiết bị hiện đại trong nhà máy sản xuất vắc xin – sinh phẩm của Fivevet

Trung tâm nghiên cứu phát triển của Fivevet rộng trên 500m² với hệ thống phòng thí nghiệm nghiên cứu riêng biệt, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sinh học ở mức cao nhất như phòng nghiên cứu vi khuẩn, phòng nghiên cứu tế bào, virus, miễn dịch, sinh học phân tử… được trang bị máy móc hiện đại nhập từ châu Âu, Mỹ.

Tuy nhiên, máy móc càng hiện đại đòi hỏi người sử dụng càng phải có chuyên môn cao, càng phải có chuyên gia, nghiên cứu của Fivevet được xem là hạt nhân của trung tâm nghiên cứu. Các TS BS thú y được đào tạo bài bản từ nước ngoài về đủ sức hợp tác với các trung tâm, cơ quan nghiên cứu chuyên ngành để tạo ra vắc xin có chất lượng cho tương lai. Kèm theo đó là hệ thống phòng kiểm nghiệm, khu thí nghiệm trên động vật đạt tiêu chuẩn GLP-WHO đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng mỗi sản phẩm của công ty ra thị trường.

Fivevet thành lập ngày 19/1/2007, hiện nay công ty có trên 250 sản phẩm được phép sản xuất và lưu hành trên thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2017, Công ty vinh dự được Bộ Khoa học – Công nghệ giao dự án Khoa học, công nghệ thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia phòng “Vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi ở Việt Nam”. Cụ thể, nghiên cứu, sản xuất vắc xin tứ giá phòng 4 loại bệnh ở gia cầm: Bệnh Newcastle, bệnh viêm phế quản truyền nhiễm, bệnh Gumboro và bệnh sổ mũi truyền nhiễm. Thành công của dự án sẽ đem đến sản phẩm vắc xin tứ giá đầu tiên “Made in Vietnam”, chất lượng cao và là tiền đề để phát triển dòng sản phẩm vắc xin đa giá khác giúp chủ trương nội địa hóa vắc xin của Bộ NN&PTNT sớm thành hiện thực.

Thời gian tới, Fivevet định hướng sản xuất những dòng sản phẩm vắc xin đặc chủng bên cạnh những dòng vắc xin truyền thống bên cạnh những dòng vắc xin truyền thống. Hiện nay, tại Fivevet đang đăng ký lưu hành gần 10 loại vắc xin, trong đó vắc xin tai xanh cho lợn và vắc xin cúm gia cầm là chủ yếu. Công ty đang tiếp tục đăng ký nhiều sản phẩm chất lượng khác, và hứa hẹn cuối năm 2018, đầu năm 2019 sản phẩm sẽ có mặt trên thị trường.

Đối với lợn, vắc xin tai xanh của công ty được phát triển trên nền tảng Công ty phối hợp nghiên cứu và chuyển giao công nghệ từ kết quả Đề tài Khoa học, công nghệ của Bộ NN&PTNT do Viện Thú y quốc gia thực hiện.

Chủng giống được phân lập và chọn lọc từ chủng gây bệnh trên lợn Việt Nam, được nhược độc sử dụng công nghệ tế bào, đảm bảo an toàn và hiệu quả bảo hộ cao cho đàn lợn chống lại virus tai xanh xâm nhiễm và gây bệnh. Công ty sẽ ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất để sản xuất vắc xin vô hoạt an toàn cao hơn cho đàn nái.

Đối với gia cầm, Công ty đang nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm do virus cúm A, H5N1 gây ra. Vắc xin được phát triển trên công nghệ di truyền ngược sử dụng genne đại diện trên thực địa đảm bảo tính phù hợp cao với các chủng đang lưu hành.

Tiêm vaccine phòng bệnh cứu hàng chục triệu người thoát nghèo

Vào năm 2030, các loại vaccine sẽ không chỉ cứu mạng sống của hàng triệu người trên thế giới mà còn giúp 24 triệu người ở những nước nghèo nhất thế giới thoát nghèo.


Hình 21. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất do Đại học Harvard phối hợp với Liên minh Vaccine thực hiện.

Nghiên cứu đã tính toán tác động về mặt sức khỏe và kinh tế của vaccine phòng chống 10 loại bệnh tại 41 quốc gia đang phát triển. Ước tính, các loại vaccine tiêm chủng từ năm 2016 đến 2030 sẽ cứu 36 triệu trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

Kết quả nghiên cứu cũng cho rằng vaccine sẽ có ảnh hưởng lớn nhất trong việc giảm số người bị nghèo do không phải thanh toán chi phí điều trị các bệnh có thể phòng ngừa. Do vậy, vaccine không chỉ cứu mạng sống mà còn có tác động lớn về mặt kinh tế đối với các gia đình, cộng đồng và các nền kinh tế. Trước đó, một nghiên cứu của Mỹ cũng chỉ ra rằng cứ 1 USD đầu tư vào tiêm chủng sẽ tiết kiệm được 16 USD phí chăm sóc sức khỏe và mất hiệu suất lao động do bệnh tật gây ra.

 

Ngày 28/03/2018
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang
(Tổng hợp)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích