Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 28/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 6 6 1 8 0
Số người đang truy cập
4 1 0
 Chuyên đề Sốt xuất huyết
Thí điểm ứng dụng “muỗi được cấy vi khuẩn Wolbachia” để phòng sốt xuất huyết trên thế giới và Việt Nam

Bệnh sốt xuất huyết đang là vấn đề y tế công cộng quan trọng và đang diễn biến phức tạp trên nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh gây dịch ở cả 4 khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và khu vực Tây Nguyên với số mắc hằng năm lên tới vài chục nghìn trường hợp và tử vong liên quan đến sốt xuất huyết cũng đáng lưu ý.Đặc biệt 8 tháng đầu năm 2017, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát ở nhiều tỉnh, thành và kéo dài trong nhiều tháng với tổng số ca mắc cao hơn nhiều so với năm trước.Trước thực tế chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, các nhà khoa học trên thế giới qua nhiều năm nghiên cứu đưa vi khuẩn Wolbachia có khả năng giúp giảm đi gánh nặng bênh tật do muỗi truyền sốt xuất một cách chủ động, lâu dài bệnh sốt xuất huyết và Zika. Việc bao giờ mới thả loại muỗi này ở miền bắc là câu hỏi được nhiều người quan tâm?

Sốt xuất huyết: Cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới

Theo Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG), bệnh SXH đang hiện diện ở hơn 100 quốc gia với hàng trăm triệu ca mắc hàng năm. Theo thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, tình hình sốt xuất huyết Dengue (SXHD) từ đầu năm đến ngày 29/8/2017 như dưới đây. Đồng thời, hiện nay tình hình sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam cũng diễnbiến phức tạp và hiện ngành y tế đang nổ lực hết mình để kiểm soát và khống chế không để sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng và xảy ra tử vong do sốt xuất huyết hơn nữa. Dưới sự biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khác thuận lợi cho quần thể muỗi phát triển tiếp tục lây truyền virus Dengue đến người tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là khu vực Bắc Bán cầu, Nam bán cầu và các quốc đảo Thái Bình Dương và các khu vực khác.


Hình 1

Tính đến ngày 22/8/ 2017, tại Campuchia ghi nhận 1.838 ca nghi mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue; Trung Quốc ghi nhận 503 ca mắc và số ca mắc này cao hơn so với cùng kỳ kể từ năm 2012 tính đến ngày 31/7/2017 nhưng xu hướng diễn biến bệnh thì giống so với các năm trước; Tại Lào, ghi nhận 6.730 ca mắc với 10 ca tử vong do sốt xuất huyết Dengue (SXHD) được báo trong năm 2017 tính đến ngày 18/8/2017 trong đó tuần 33 ghi nhận 492 ca mắc, đây là tuần ghi nhận số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2017 đến nay. Tại Philippin, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 05/8/2017, ghi nhận tổng cộng 58.598 ca mắc SXHD. Tại Singapore, tính đến này 19/8/2017, ghi nhận 1.845 ca mắc SXHD. Số ca mắc này thấp hơn so với cùng kỳ kể từ năm 2013. Riêng tuần thứ 33, có 56 ca mắcđược báo cáo và số ca mắc báo cáo trong năm 2017 vẫn thấp hơn so với số ca mắc cùng kỳ giai đoạn 5 năm và tại Việt Nam, tính đến này 13/8/2017, có 90.626ca mắc và 24 ca tử vong do SXHD. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc tăng 67,8% và số ca tử vong tăng 7 ca. Mặc dù số ca mắc vẫn chủ yếu ở khu vực phía Nam (52,8%), nhưng hiện nay số ca mắc gia tăng mạnh ở phía Bắc ( tăng gần 25 lần so với cùng kỳ năm 2016), đặc biệt số ca mắc tại Hà Nội ghi nhận gần 17.365 ca

Ở Việt Nam, thống kê từ đầu năm 2017 tới nay, dịch SXH đã bùng phát và kéo dài nhiều tháng qua, diễn ra ở cả 4 khu vực miền Bắc, Trung, Nam và khu vực Tây Nguyên với số mắc được ghi nhận là trên 110.000 trường hợp, trong đó 26 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số người mắc SXH tăng gần 50%. Hà Nội là nơi có số người mắc bệnh SXH này cao nhất cả nước, với gần 25.000 người, trong đó 7 trường hợp tử vong. Đáng lo ngại hơn, khi hiện nay việc phòng chống dịch SXH gặp rất nhiều khó khăn do chưa có vaccine đặc hiệu phòng bệnh vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng chống chủ yếu vẫn là diệt lăng quăng nhằm kiểm soát muỗi truyền bệnh.


Hình 2. Tình hình dịch sốt xuất huyết trên cả nước. Đồ họa: Lee Mew.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ngày 31/8/2017, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cả nước đã có trên 108.000 ca mắc SXH, 26 trường hợp tử vong, tăng 43,5%. Tại Hà Nội, dịch SXH có dấu hiệu chững lại, tính đến 28/8 ghi nhận gần 22.300 ca, 7 trường hợp tử vong. Nếu như tuần 14-20/8 có hơn 3.500 ca mắc mới thì nay con số này chỉ còn khoảng 2.900 ca. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp, số ca mắc mới không tăng.

            Tuy nhiên, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ TƯ - PGS.TS. Trần Như Dương cho biết, tình trạng các ổ bọ gậy tại Hà Nội có xu hướng gia tăng trở lại. Ông dẫn chứng, giám sát tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) cho thấy chỉ số bọ gậy trước khi diệt là 26%, sau khi diệt bọ gậy 1 ngày còn 12%, nhưng sau 7 ngày lại vọt lên 21%. Chỉ số này tại phường Khương Thượng (Đống Đa) là 20-7-21; phường Thịnh Liệt là 26-12-21. Lý giải nguyên nhân, ông cho rằng các đội xung kích diệt bọ gậy chưa triệt để, chiếm khoảng 30%. Ngoài ra, thời tiết Hà Nội trong tuần qua nắng mưa đan xen, làm phát sinh thêm nhiều ổ bọ gậy mới.

Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Y tế - GS.TS. Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, chiến dịch diệt bọ gậy phải làm thường xuyên vì chỉ cần ngơi 1 tuần là lại về mốc ban đầu. Dù dịch sốt xuất huyết đã chững lại, Thứ trưởng vẫn yêu cầu Hà Nội, các địa phương không chủ quan, lơ là, tiếp tục triển khai các biện phòng chống dịch. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam... cũng đã ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 1 nửa là bệnh nhân từ Hà Nội về. Điều này cho thấy quần thể muỗi tại đó đã mang virus, lây truyền từ người bệnh sang người lành.


Hình 3. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long còn nói thêm về việc cách đối phó lâu dài với dịch bệnh SXH, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cần mở rộng việc thả muỗi chứa tác nhân sinh học Wolbachia tại đất liền để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh “Nhóm nghiên cứu phải làm việc ngay với Khánh Hoà để mở rộng địa bàn thả muỗi Wolbachia diệt muỗi sốt xuất huyết. Chúng ta làm thận trọng, đã phát huy hiệu quả trên đảo Trí Nguyên, giờ xem thả trên đất liền thế nào?”

“Vũ khí” mới cho cuộc chiến chống lại sốt xuất huyết và virus Zika

Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn và cả một số loài muỗi thường đốt người (nhưng muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thì lại không có vi khuẩn này).Các nhà khoa học trên thế giới qua nhiều năm nghiên cứu đã cấy thành công vi khuẩn Wolbachia vào cơ thể muỗi vằn và chứng minh được vi khuẩn Wolbachia có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue, virus Zika và một số loại vi virus khác truyền qua muỗi, từ đó mang lại lợi ích to lớn, giúp khống chế một cách chủ động, lâu dài bệnh sốt xuất huyết và Zika.


Hình 4

Mặc khác, một đặc điểm rất có ích là vi khuẩn Wolbachia được muỗi cái truyền qua trứng sang thế hệ sau, trong khi muỗi đực mang Wolbachia nếu cặp đôi với muỗi cái tự nhiên thì sẽ sinh ra trứng “ung”, do đó sẽ duy trì hiệu quả lâu dài nhờ quá trình cặp đôi, sinh sản tự nhiên mà không làm tăng số lượng muỗi ở cộng đồng.


Hình 5

Đáng lưu ý, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gen vì không có bất cứ sự can thiệp nào vào gen của muỗi. Vi khuẩn Wolbachia sống cộng sinh trong tế bào muỗi và duy trì ổn định qua các thế hệ một cách tự nhiên.


Hình 6.
Muỗi vằn Aedes aegypti là véctơ chủ yếu truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.
Ảnh minh họa: Werid.

Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã triển khai thả muỗi ở thực địa (trong cộng đồng dân cư) ở Australia (từ năm 2011), Việt Nam (năm 2013), Indonesia, Brazil và Colombia (năm 2014), Ấn Độ, Sri Lanka và một số quốc đảo ở Thái Bình Dương cũng bắt đầu tham gia chương trình. Kết quả đạt được ở các nước đều cho thấy đây là một phương pháp an toàn, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khoẻ con người hay môi trường sinh thái. Hiệu quả khống chế sự lan truyền của bệnh sốt xuất huyết trên thực địa hẹp đã thấy rõ trong nhiều năm qua.


Hình 7.
Muỗi vằn nhiễm bệnh tại phòng thí nghiệm Fiocruz. (Ảnh: AFP)

Vào tháng 3-2016, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến nghị mở rộng nghiên cứu ứng dụng phương pháp Wolbachia như một trong những phương pháp tiềm năng để kiểm soát các bệnh do muỗi truyền và chuẩn bị sẵn sàng cho việc phòng, chống virus Zika.


Hình 8

Ngày 29/8/2017, các nhà khoa học Brazil đã bắt đầu tiến hành đợt một thả ra môi trường hàng triệu con muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia. Chủ nhiệm dự án chuyên gia Luciano Moreiro đến từ Viện Nghiên cứu Fiocruz ở thành phố Rio De Janeiro cho biết sau khi được thả ra môi trường, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachi sẽ sinh sản và lây truyền vi khuẩn Wolbachi có tác dụng phong tỏa hoặc làm giảm khả năng truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết, virus Zika và chikungunya. Theo kế hoạch, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Fiocruz sẽ thả 1,6 triệu con muỗi mang vi khuẩn Wolbachia/tuần và sau đó tăng lên 3 triệu con/tuần. Dự án này do các nhà khoa học Australia phát triển và đã được các nhà khoa học Brazil tiến hành công tác chuẩn bị từ năm ngoái.


Hình 9. Công nghệ này do các nhà khoa học Úc phát minh khi họ cấy thành công virus Wolbachia
vào cơ thể muỗi vằn, làm muỗi vằn mất hoàn toàn hoặc giảm khả năng truyền virus sốt xuất huyết sang người.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm gần đây, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã tiến hành nghiên cứu, duy trì chủng muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia để phục vụ nghiên cứu và sản xuất trứng muỗi cho hoạt động đặt quăng trên đảo Trí Nguyên, một hoạt động thuộc Dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes Aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia” (từ 2012 - 2015).

Bắt đầu tháng 4/2013, mỗi tuần Dự án thả khoảng 100 con muỗi vằn mang Wolbachia trong mỗi ô, trong thời gian khoảng 12-18 tuần nhằm thay thế quần thể muỗi tự nhiên bằng nhóm mới có khả năng làm giảm số lượng muỗi tự nhiên truyền bệnh.


Hình 10. Khu vực thả muỗi tại thành phố Nha Trang

Số loăng quăng này sẽ được thả trong vòng 12 tuần tại hơn 800 hộ dân. Sau này chúng nở thành muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. Tại đảo Trí Nguyên và những khu vực đã triển khai Dự án ở một số quốc gia khác, Dự án đều nhận được sự ủng hộ cao từ các cấp chính quyền và người dân trong cộng đồng.




Hình 11. Quá trình thay thế muỗi vằn tự nhiên bằng muỗi vằn mang Wolbachia trong cộng đồng

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Wolbachia là vi khuẩn nội bào tồn tại tự nhiên ở hơn 70% loài côn trùng trên trái đất (bướm, bọ rầy, kiến, nhện...). Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chứng minh muỗi mang vi khuẩn Wolbachia có thể ức chế khả năng phát triển của virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết trong cơ thể muỗi, từ đó giảm nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng. Nếu quần thể muỗi mới thay thế hoàn toàn quần thể muỗi trong tự nhiên thì sẽ giảm đáng kể nguy cơ lan truyền bệnh sốt xuất huyết. Đó là lý do Việt Nam tham gia Dự án Hướng tới loại trừ bệnh sốt xuất huyết, một dự án quy mô toàn cầu nghiên cứu về khả năng ứng dụng của muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia trong phòng chống sốt xuất huyết từ năm 2006 đến nay. Trong quá trình này, các cán bộ dự án thường xuyên tự nguyện cho muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia đốt, ăn máu. Việc làm này là an toàn vì các bằng chứng cho thấy Wolbachia không truyền sang người, GS.TS.Nguyễn Trần Hiển cho biết.


Hình 12

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dân, từ cuối tháng 3, nhóm dự án đã tổ chức khám sức khỏe tổng quát lần 1 cho toàn bộ người dân trên đảo. Khi dự án kết thúc (năm 2015), người dân được khám sức khỏe nhắc lại lần 2. Đặc biệt, dự án sẽ tiến hành tìm kháng thể kháng Wolbachia trên huyết thanh của người dân đảo trước và sau khi đặt ấu trùng để đưa ra thêm các bằng chứng khoa học khẳng định lại Wolbachia không truyền sang người.


Hình 13
. Nghiên cứu muỗi Wolbachia trên đảo Trí Nguyên

"Nếu xảy ra các vấn đề không mong muốn trong quá trình đặt loăng quăng trên thực địa, dự án sẽ ngừng ngay, đồng thời phối hợp với chính quyền và y tế địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống  dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế", GS.TS. Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh.

Ngày 23/01/2017, Bộ Y tế đã phê duyệt đề cương nghiên cứu “Đánh giá khả năng thiết lập ổn định quần thể muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại thành phố Nha Trang” của Dự án Hướng tới Loại trừ Sốt xuất huyết tại Việt Nam. Theo kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt, Dự án sẽ triển khai các hoạt động chuẩn bị và sẽ thả muỗi Aedes aegyptimang Wolbachia tại 2 khu vực ở phía Bắc và phía Nam của thành phố Nha Trang – nơi có khoảng 55.900 người thuộc 12.600 hộ gia đình sinh sống. Khu vực thả muỗi phía Bắc gồm hai phường Vĩnh Phước và Vĩnh Thọ. Khu vực thả muỗi phía Nam gồm phường Vĩnh Trường và bốn tổ dân phố của phường Phước Long (giáp với Vĩnh Trường). Dự án đã lập bản đồ chia 773 ô thả muỗi trên địa bàn hai khu vực nói trên. Mỗi ô thả muỗi được xác định là một hình vuông có kích thước 50m x 50m (diện tích 2.500m2).


Hình 14. Cộng tác viên của dự án thả muỗi mang Wolbachia tại gia đình
(Ảnh: Dự án “Hướng tới Loại trừ sốt xuất huyết tại VN”)

Từ tháng 3-2017, mỗi tuần Dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vằn mang Wolbachia trong mỗi ô, trong thời gian khoảng 12-18 tuần để làm giảm số lượng muỗi vằn tự nhiên truyền bệnh và phòng Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và Zika. Sau khi được thả, vi khuẩn Wolbachia sẽ dần lan truyền và phát triển nhờ quá trình cặp đôi và sinh sản tự nhiên của muỗi. Muỗi vằn đực mang Wolbachia khi giao phối với muỗi vằn cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở (làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh). Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực (mang hay không mang Wolbachia) sẽ đều sản sinh ra thế hệ muỗi mới mang Wolbachia.

Do hai cơ chế trên, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ dần chiếm ưu thế hơn trong quần thể muỗi vằn tự nhiên và giúp hạn chế lan truyền bệnh Sốt xuất huyết Dengue và Zika mà không làm tăng số lượng muỗi trong cộng đồng.


Hình 15. Vi khuẩn Wolbachia trong trứng muỗi vằn Aedes aegypti

Tiến sĩ Viên Quang Mai, Viện trưởng Pasteur Nha Trang cho biết "Để đảm bảo hiệu quả khi chuyển thử nghiệm từ đảo về đất liền, dự án chọn địa phương ngoại thành là xã Vĩnh Lương để tiến hành trước khi triển khai ở nội thành". Trong toàn bộ quá trình nuôi và nhân giống, muỗi được kiểm nghiệm chặt chẽ để đảm bảo không mang bất kỳ mầm bệnh nào.

Mặc khác, ngày 25/8/2017, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiếp đoàn nghiên cứu Úc do GS. Scott O’Neill đang công tác tại ĐH Monash, Úc tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh nhằm trao đổi và chia sẽ kinh nghiệm về dự án thí điểm mô hình thả muỗi mang Wolbachia pipientis - một loại vi khuẩn có trong tự nhiên, ngăn ngừa sự lây truyền của virus dengue từ muỗi truyền bệnh Aedes aegypti sang người. Tham gia buổi làm việc này còn có đại diện của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.Hồ Chí Minh.


Hình 16

Theo GS. Scott O’Neill, ông hy vọng sẽ được triển khai mô hình thí điểm này tại một địa phương ở phía Nam, với quy mô khoảng 300.000 dân. Qua đó, ông hy vọng sẽ chứng minh được tính hiệu quả và an toàn của biện pháp sinh học này ở một nơi gần như là trọng điểm sốt xuất huyết của Việt Nam.


Hình 17.P
GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp đoàn nghiên cứu Úc do GS. Scott O’Neill đang công tác
tại ĐH Monash, Úc tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh “Đại diện cho ngành y tế Việt Nam, tôi rất hoan nghênh các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đang tìm kiếm các phương pháp mới phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch sốt xuất huyết. Tôi ủng hộ việc các nhà khoa học Úc mong muốn tiếp tục nghiên cứu triển khai thí điểm và đánh giá hiệu quả phương pháp ngăn ngừa muỗi Aedes aegypti nhằm phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng muỗi mang Wolbachia. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào tại địa phương, nhóm nghiên cứu còn cần phải có sự chấp thuận của UBND các tỉnh và tuân theo những quy định cụ thể của Hội đồng y đức.”

Các nghiên cứu, đánh giá trên thế giới và Việt Nam cho thấy muỗi vằn Aedes spp. mang vi khuẩn Wolbachia an toàn đối với con người, động vật và môi trường. Theo tiến sĩ Peter Ryan, Quản lý dự án loại trừ bệnh Sốt xuất huyết toàn cầu, đến từ Trường đại học Monash, kết luận từ các thử nghiệm thực địa tại Úc từ năm 2011 đến nay, có thể khẳng định rằng phương pháp sử dụng Wolbachia là an toàn và được cộng đồng ủng hộ.


Hình 18

Lời kết

Tình hình dịch các bệnh truyền nhiễm ngày càng diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Trong khi chờ đợi một thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine có hiệu lực phòng bệnh cho cộng đồng, giảm bớt gánh nặng bệnh tật và tử vong do sốt xuất huyết thì phương pháp sử dụng vi khuẩn Wolbachia hiện đang hứa hẹn nhiều triển vọng qua các thử nghiệm khoa học tại nhiều quốc gia, kết quả đã mĩnh chứng bởi các chuyên gia rằng việc phóng thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia có hiệu quả và không gây tác hại hơn khi so sánh với sự tồn tại của chúng trong môi trường tự nhiên hiện nay, rủi ro cũng không đáng kể và không đáng lo ngại. Phương pháp này đang được Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích, tuy nhiên việc triển khai thả muỗi Wolbachia ở thực địa phải thận trọng, trước hết phải dựa trên cơ sở pháp lý, khoa học chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Dẫu sao đi nữa, việc áp dụng một biện pháp đạt được chi phí-hiệu quả và đánh giá được lợi ích-nguy cơ là cần thiết vận dụng trong bối cảnh bệnh sốt xuất huyết hiện nay nhưng phải đảm bảo mặt khoa học và đạo đức y sinh học.

Ngày 15/09/2017
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang, Minh Hiền
(tổng hợp)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích