Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 06/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 3 4 3 4 5 3
Số người đang truy cập
3 4 5
 Chuyên đề Sốt xuất huyết
Dịch tễ học sốt xuất huyết dengue và một số định nghĩa liên quan trong thực hành

Tình hình sốt xuất huyết Dengue trên thế giới và Việt Nam

Trên thế giới

Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm vi rút cấp tính rất nguy hiểm, được lan truyền từ người bệnh sang người lành chủ yếu thông qua muỗi cái Ae. aegyptiAe. albopictus nhiễm vi rút. Tác nhân gây bệnh là do vi rút Dengue thuộc họ Flaviviridae gồm có 4 típ huyết thanh khác nhau: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccin phòng, nên biện pháp phòng chống hiệu quả hiện nay là ngăn chặn và kiểm soát véc tơ. Dựa vào mức độ của bệnh, TCYTTG phân chia SXHD thành ba mức độ gồm SXHD, SXHD có dấu hiệu cảnh báo và SXHD nặng.

Bệnh SXHD là hội chứng lành tính, tuy nhiên nếu xảy ra biến chứng khả nănggây tử vong cao như ở Ấn Độ, Indonesia và Myanmar tỷ lệ tử vong từ 3-5%. Bệnh ảnh hưởng nặng ở các quốc gia Châu Á, là một trong những nguyên nhân hàng đầu nhập viện và tử vong ở trẻ em

Trong những thập niên 1950 và 1960, hầu hết các quốc gia Trung và Nam Mỹ đã thành công trong việc phòng chống dịch bệnh do loại trừ được véc tơ truyền bệnh Ae. aegypti. Tuy nhiên ở châu Á, mặc dù áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát véc tơ nhưng không thành công. SXHD nặng đã xuất hiện ở một số quốc gia châu Á sau chiến tranh thế giới thứ hai. Từ những năm 1950 đến những năm 1970, SXHD nặng đã được báo cáo ở một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Philippine và Thái Lan.


Hình 1

Trong những năm 1980, tỷ lệ mắc gia tăng rõ rệt và vi rút mở rộng phân bố đến các đảo Thái Bình Dương và vùng nhiệt đới châu Mỹ. Sau đó, xâm nhập vào hầu hết các quốc gia nhiệt đới trong thập niên 1980, do nhiều quốc gia đã xóa bỏ chương trình loại trừ muỗi Ae. aegypti vào đầu những năm 1970. Lan truyền bệnh và tầng suất bệnh gia tăng là kết quả của sự lưu hành nhiều chủng vi rút ở châu Á. Điều này mang lại sự lưu hành SXHD ở các đảo Thái Bình Dương, vùng Caribbean, Trung và Nam Mỹ. Như vậy, chưa đầy 20 năm, đến 1998, vùng nhiệt đới châu Mỹ và các đảo Thái Bình Dương từ không lưu hành bệnh đã trở thành vấn đề SXHD nặng.

Mở rộng vùng địa lý lan truyền SXHD hoặc phục hồi các hoạt động phòng chống SXHD được ghi nhận ở Bhutan, Nepal, Đông Timor, Hawaii (Mỹ), quần đảo Galapagos (Ecuador), Đảo Phục Sinh (Chile), đặc khu hành chính Hồng Kông và Macao (Trung Quốc) từ năm 2001-2004.


Hình 2.
Các vùng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết Dengue trên toàn cầu năm 2013

Có tổng cộng 9 đợt bùng phát dịch SXHD xảy ra phía bắc Queensland, Úc, trong bốn năm 2005-2008. Cứ 10 năm, số ca mắc SD/SXHD trung bình hàng năm báo cáo với TCYTTG tiếp tục gia tăng theo cấp số nhân. Từ năm 2000-2008, số ca mắc trung bình hàng năm là 1.656.870 ca, cao gần 3,5 lần so với s ca mắc trong giai đoạn 1990-1999, là 479.848 ca. Năm 2008, có 69 quốc gia khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ báo cáo hoạt động sốt xuất huyết. Từ năm 2001-2008, có 1.020.333 ca mắc và 4.798 ca tử vong ghi nhận tại Campuchia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Đây là bốn quốc gia trong khu vực có số mắc và tử vong cao nhất.


Hình 3

Tất cả 4 type vi rút Dengue hiện đang lưu hành ở khu vực châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Tuy nhiên, do phát hiện sớm và quản lý ca bệnh tốt nên tỷ lệ ca tử vong được báo cáo đã giảm hơn nhiều trong những năm gần đây so với số ca tử vong ở những thập niên trước năm 2000.

Theo báo cáo mới nhất của TCYTTG, số mắc SXHD tiếp tục gia tăng và ước tính có khoảng 3,9 tỷ người sống ở 128 quốc gia có nguy cơ nhiễm, với 390 triệu người nhiễm hàng năm, chủ yếu là trẻ em và khoảng 2,5% người tử vong trong số 500.000 trường hợp SXHD mức độ nặng nhập viện. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, với số ca mắc trong năm 2008 là 1,2 triệu ca tăng lên hơn 3,2 triệu ca trong năm 2015 và hiện đang tiếp tục gia tăng. Năm 2015, riêng khu vực châu Mỹ ghi nhận 2,35 triệu ca, trong đó 10.200 ca SXHD nặng với 1.181 ca tử vong.

Không chỉ gia tăng số ca mắc mới mà bệnh còn lan rộng ra nhiều vùng địa lý với nhiều ổ dịch đang xảy ra. Mối đe dọa có thể bùng phát dịch SXHD hiện đang tồn tại ở châu Âu như lan truyền tại chỗ được ghi nhận lần đầu tiên ở Pháp và Croatia năm 2010 và số ca nhập khẩu đã được phát hiện ở 3 quốc gia châu Âu. Năm 2012, dịch SXHD trên quần đảo Madeira của Bồ Đào Nha xảy ra với hơn 2.000 ca mắc và số ca nhập khẩu được phát hiện ở Bồ Đào Nha và 10 quốc gia khác ở châu Âu. Những du khác trở về từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thì SXHD là nguyên nhân gây sốt sau bệnh sốt rét.

Năm 2013, các ca mắc SXHD đã xảy ra ở Florida, Mỹ và Vân Nam, Trung Quốc. SD/SXHD cũng tiếp tục ảnh hưởng đến một số quốc gia Nam Mỹ, đáng chú ý là Costa Rica, Honduras và Mexico. Tại châu Á, Singapore đã báo cáo gia tăng số ca mắc sau nhiều năm biến mất và các ổ dịch cũng đã được báo cáo ở Lào. Năm 2014, xu hướng gia tăng số ca mắc ở Trung Quốc, Quần đảo Cook, Fiji, Malaysia và Vanuatu, với DEN-3 đang ảnh hưởng các quốc đảo Thái Bình Dương sau hơn 10 năm biến mất. SXHD cũng được báo cáo ở Nhật Bản sau hơn 70 năm biến mất.



Hình 4

Năm 2015 là năm dịch SXHD bùng phát lớn trên toàn thế giới, Philippines ghi nhận hơn 169.000 ca và Malaysia vượt quá 111.000 ca nghi ngờ SXHD tăng lần lượt là 59,5% và 16% so với cùng kỳ năm 2014. Năm 2015, Brazil báo cáo hơn 1,5 triệu ca mắc, cao hơn gần 3 lần so với năm 2014. Cũng trong năm 2015, Delhi (Ấn Độ), ghi nhận hơn 15.000 ca đây là năm dịch bùng phát dữ dội nhất kể từ năm 2006. Quần đảo Hawaii (Mỹ) bị ảnh hưởng dịch với 181 ca được báo cáo trong năm 2015 và hiện cũng đang xảy ra lan truyền bệnh trong năm 2016. Các quốc đảo Thái Bình Dương gồm Fiji, Tonga và French Polynesia tiếp tục ghi nhận số ca mắc.

Dịch SXHD đầu tiên được y văn ghi nhận là vào mùa hè năm 1780 tại Philadenphia, Mỹ. Sau đó, bệnh được thấy ở nhiều nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại châu Á, năm 1953, bệnh SXHD xuất hiện đầu tiên ở Manila, Philippines, tiếp đến Thái Lan, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Bangladesh. Ở vùng Tây Thái Bình Dương, có từ 28-35 nước đã trải qua các vụ dịch SD/SXHD vàcác nước trên thế giới công nhận là vấn đề y tế công cộng. Bệnh cảnh lâm sàng của sốt Dengue kèm xuất huyết được Hamon và cộng sự mô tả năm 1953 ở Manila (Philippines). Đến năm 1956, cũng tại Manila, vi rút Dengue đã được Sabin phân lập từ máu bệnh nhân và muỗi. Từ năm 1979-1980, dịch SXHD lan sang vùng nam Thái Bình Dương, miền bắc Queensland, Australia.

Ở châu Mỹ, sau vụ dịch đầu tiên tại Philadelphia năm 1780 và đến giai đoạn 1826-1828, ghi nhận có những trận dịch tương tự xảy ra tại vùng biển Caribe (Nam Mỹ). Thập kỷ từ 1950-1960, những chiến dịch lớn nhằm loại trừ muỗi truyền bệnh đã được tiến hành ở Mexico, Panama tần số các vụ dịch SD/SXHD phát triển với đầy đủ cả 4 type vi rút Dengue. Trong 15 năm gần đây do có sự giao lưu thuận tiện nên chỉ từ tháng 1 đến tháng 10/1995 đã có 200.000 bệnh nhân SD và 5.500 bệnh nhân SXHD đã được báo cáo từ các nước: Brazin, Hondurat, Nicaragoa, Venezuela.

Theo báo cáo mới nhất của TCYTTG khu vực Thái Bình Dương cho biết Campuchia, tính đến ngày 19 tháng 9 năm 2017, tổng số 2.299 trường hợp nghi ngờ mắc SXHD. Tổng số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được báo cáo bao gồm sốt xuất huyết dengue và hội chứng sốc sốt. Số ca mắc có xu hướng giảm so với năm 2012-2017.

Tại Trung Quốc, tính đến ngày 31 tháng 8, đã có 1.477 trường hợp SXHD được báo cáo cao hơn so với báo cáo trong cùng kỳ năm 2012. Tại Lào, tính đến ngày 15 tháng 9, đã có 8.550 trường hợp mắc bệnh SXHD với 11 ca tử vong được báo cáo, với 391 trường hợp được báo cáo trong tuần 37. Sốt xuất huyết tăng cao với số ca báo cáo trường hợp vượt ngưỡng cảnh báo dịch. Tại Viêng Chăn, Lào đã có 2.839 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp tử vong và bệnh có xu hướng gia tăng và đặc biệt năm 2017 đánh dấu các trường hợp mắc cao hơn nhiều so với những năm trước.

Tại Malaysia, trong tuần 38, 2017 (từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 9 năm 2017), có 1.050 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được báo cáo, giảm 19,1% so với tuần 37. Vào tuần 38, tổng số ca sốt xuất huyết trong năm 2017 là 69.254 với 156 ca tử vong so với 81.523 ca bệnh với 182 ca tử vong trong cùng thời kỳ năm 2016.

Tại Philippines, báo cáo trên toàn quốc từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 2 tháng 9, năm 2017 tổng cộng có 76.394 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 413 người chết. Số lượng thấp hơn 45,4% (139.937) so với cùng kỳ năm 2016.Tại Singapore, tính đến ngày 16 tháng 9 năm 2017, đã có 2,018 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được báo cáo tại Singapore từ tháng 1 năm 2017. Con số này thấp hơn số trường hợp được báo cáo trong cùng kỳ kể từ năm 2013. Trong tuần 37, đã có 53 trường hợp được báo cáo và số ca bệnh được báo cáo trong năm 2017 thấp hơn báo cáo trong cùng khoảng thời gian trong 5 năm trước

Tại Úc, tính đến ngày 26 tháng 9 năm 2017, đã có 773 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được xác nhận trong phòng thí nghiệm. Số ca bệnh được báo cáo thấp hơn báo cáo trong cùng kỳ năm trước.

Tại Việt Nam

Ở Việt Nam dịch sốt xuất huyết xảy ra ở phía Nam chiếm ưu thế và đứng vào tốp những tỷnh, thành phố có số ca mắc của cả nước. Những năm trở lại đây số ca mắc tại các tỷnh Bắc bộ cũng gia tăng nhất là Hà Nội có xu hướng gia tăng nhanh và là điểm nóng của sốt xuất huyết của toàn miền bắc. Để kiểm soát và có những biện pháp ứng phó kịp thời với sốt xuất huyết là vấn đề vô cùng có ý nghĩa. Nghiên cứu được quy luật, dự đoán được mô hình bệnh tật sẽ làm giảm gánh nặng bệnh tật và kinh tế.

Vụ dịch SD/SXHD đầu tiên xảy ra ở Việt Nam vào năm 1958 được thông báo vào năm 1959. Ở miền Nam, dịch SD/SXHD được mô tả lần đầu tiên vào năm 1960 với 60 bệnh nhân nhi tử vong. Tháng 8 năm 1963, dịch SD xảy ra ở Cái Bè, Châu Đốc, Hồng Ngự, Tân Châu và Cao Lãnh với tổng số bệnh nhân đươc thông báo là 331, trong đó có 116 trẻ em tử vong. Trong vụ dịch này Halstead và cộng sự đã phân lập được vi rút D2. Tiếp sau đó, vụ dịch sốt dengue lớn đã xảy ra ở 19 tỷnh, thành phố ở miền Bắc năm 1969. Từ năm 1970 đến năm 1974, dịch xảy ra lẻ tẻ ở một số địa điểm trong nội thành Hà Nội với số bệnh nhân từ vài chục tới hàng trăm trường hợp phải vào viện điều trị tại các bệnh viện. Trong thời gian đó, dịch cũng lan ra các thành phố, thị xã, thị trấn và cả các vùng nông thôn.

Theo thống kê của TCYTTG thì ở Việt Nam từ năm 1963-1988 có số bệnh nhân chết trên số bệnh nhân mắc SD/SXHD là 9.4/1000, lớn nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, tính trung bình hàng năm có 50.000-100.000 người mắc SD/SXHD. Bệnh SD/SXHD lưu hành rộng rãi ở vùng châu thổ sông Hồng (miền Bắc), sông Cửu Long (miền Nam) và dọc theo bờ biển miền Trung. Bệnh không chỉ xuất hiện ở đô thị mà cả vùng nông thôn, nơi có muỗi véc tơ sinh sống.

Dịch SD/SXHD bùng nổ theo chu kỳ với khoảng cách trung bình từ 4-5 năm, năm 1998 với 234.920 ca, năm 2009 với 105.370 ca, năm 2010 với 128.710 ca, 109 ca tử vong, theo báo cáo tuần của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tính từ đầu năm tới 13/9/2017 Việt Nam có 124.986 ca mắc và 29 người tử vong, số ca mắc tiếp tục gia tăng. Ở những nơi khác, nếu có, bệnh được coi như là kết quả của sự xâm nhập vi rút Dengue từ vùng có bệnh dịch lưu hành tới. Mức độ lan rộng của SD/SXHD tùy thuộc vào sự phát triển giao thông và sự giao lưu của dân cư giữa các vùng. Ở những vùng núi, cao nguyên biên giới phía Bắc, không thấy xuất hiện bệnh, kể cả những năm có dịch lớn.

Vi rút dengue (Dengue virus) gây bệnh SD/SXHD gồm 4 týp huyết thanh (D1, D2, D3, D4). Cả 4 týp huyết thanh đều có thể gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch và khác nhau giữa các địa phương.

Tuổi mắc bệnh cũng có sự khác biệt giữa các miền liên quan đến mức độ lưu hành bệnh cao hay thấp của các vùng. Ở miền Bắc, nơi bệnh lưu hành ở mức độ thấp hơn thì tất cả các lứa tuổi đều mắc bệnh, phần lớn là trẻ em. Nhóm trẻ em dưới 15 tuổi bị mắc bệnh ở miền Bắc chiếm 20%, miền Trung 64,6%, Tây Nguyên 62,3% và miền Nam 95,7%.

Theo Bộ Y tế, qua một cuộc điều tra về chi phí điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) cho thấy, chi phí điều trị trung bình cho một trường hợp mắc SXH giao động từ 900.000 đồng tới 3 triệu đồng, tùy theo mức độ nặng của bệnh và tuổi của người bệnh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải chi phí tới trên 10 triệu đồng/ca do bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm. Ngoài chi phí về điều trị trong trường hợp người bệnh không có thẻ BHYT thì người mắc SXH còn phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc người bệnh. Gánh nặng kinh tế, xã hội, người dân phải chịu không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Nghiên cứu của Bộ Y tế ở một số bệnh viện đã chỉ ra, trung bình mỗi người bị SXH sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân cũng phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày.

Cùng với đó, do số người mắc SXH tăng cao như hiện nay, khiến cho nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, làm tăng gánh nặng cho công tác điều trị, gây áp lực lớn cho y, bác sĩ. Dịch SXH bùng phát mạnh cũng đã khiến quỹ BHYT phải dành một khoản chi phí không nhỏ cho các bệnh nhân SXH. Như vậy, SD/SXHD rõ ràng là một trong những vấn đề y tế quan trọng liên quan đến sức khỏe và hoạt động đời sống của người dân Việt Nam hiện nay, nhất là trong điều kiện phát triển không ngừng của quá trình đô thị, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn tới sự biến đổi các yếu tố thời tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch SD/SXHD bùng phát.

Theo báo cáo tuần 35 của Viện VSDTTƯ tính đến ngày 13 tháng 9 năm 2017, có 124.986 trường hợp sốt xuất huyết bao gồm 29 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ mắc tích lũy tăng 43,9% và số người chết tăng 10 người. Mặc dù phần lớn các trường hợp được báo cáo là từ phía Nam (49%), sự gia tăng số lượng ca bệnh ở khu vực phía Bắc (tăng gần 31 lần so với cùng kỳ năm ngoái), với 21/28 tỷnh thành tại miền bắc ghi nhận có bệnh nhân bị SXHD đặc biệt là Hà Nội với 28.158 vụ, cao hơn rất nhiều lần cùng kỳ năm 2016. Số bệnh nhân sốt xuất huyết ở miền Bắc chưa phải cao nhất, song tốc độ gia tăng nhanh kỷ lục và được các chuyên gia y tế đánh giá là bất thường.


Hình 5

Có thể nói biến đổi khí hậu với biểu hiện cơ bản là sự nóng lên toàn cầu dẫn đến sự thay đổi và dịch chuyển của các đới khí hậu lên phía bắc, đồng thời ảnh hưởng đến độ ẩm, nhiệt độ trung bình năm, lượng mưa tại các nơi trên thế giới. Những yếu tố này là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh SXH là do muỗi Ae. aegypti, theo như dự đoán các yếu tố này sẽ thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của loài muỗi này.

Đã có nhiều nghiên cứu dự đoán sự mở rộng phạm vi và số lượng các vụ dịch SXHD nhìn chung sẽ gia tăng trên toàn cầu.

Ngoài các yếu tố về thời tiết khí hậu có ảnh hưởng đến dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết phải kể đến các yếu tố khác như dân số, đô thị hóa, dân trí, tình trạng môi trường thiếu vệ sinh, tăng du lịch đường dài, kiểm soát muỗi không hiệu quả, năng lực của hệ thống y tế cơ sở. Tại thành phố, đô thị mật độ dân cư cao, nhà cửa chật hẹp và liền sát nhau sẽ tạo các ngóc ngách cho muỗi trú ngụ, sinh sôi phát triển. Những vùng dân cư dân trí thấp không biết tự phòng tránh muỗi như nằm ngủ không mắc màn, nguồn nước kém vệ sinh, vệ sinh môi trường kém, nhiều ao tù vũng nước đọng, bụi rậm cũng là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh xuất hiện. Ở nhiều nơi, hệ thống y tế yếu kém phát triển, khả năng tuyên truyền cảnh báo, phòng trừ dịch bệnh không hiệu quả cũng là một nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc sốt xuất huyết không thể giảm xuống. Điều này cho thấy môi trường, khí hậu và SXHD có những mối quan hệ rất mật thiết. Sự thay đổi của môi trường và khí hậu sẽ kéo theo sự thay đổi của dịch bệnh SXHD mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến sự phát triển của muỗi Aedes spp.


Hình 6

Ở Việt Nam, dịch SXHD xảy ra ở phía Nam chiếm ưu thế và đứng vào tốp những tỉnh, thành phố có số ca mắc của cả nước. Những năm trở lại đây số ca mắc tại các tỷnh Bắc bộ cũng gia tăng nhất là Hà Nội có xu hướng gia tăng nhanh và là điểm nóng của SXHD của toàn miền bắc. Để kiểm soát và có những biện pháp ứng phó kịp thời với SXHD là vấn đề vô cùng có ý nghĩa. Nghiên cứu được quy luật, dự đoán được mô hình bệnh tật sẽ làm giảm gánh nặng bệnh tật và kinh tế.

Đặc điểm dịch tễ học SXHD và các yếu tố liên quan

Sốt xuất huyết là một vấn đề sức khỏe được toàn thế giới quan tâm do gánh nặng của nó để lại, vì vậy đã có khá nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa sốt xuất huyết Dengue và biến đổi khí hậu trên toàn cầu và ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Rogers, D.J. và Randolph, S.E về tác động tiềm ẩn của dân số và biến đổi khí hậu đối với việc phân phối sốt dengue trên toàn cầu năm 2002 bằng phân tích hồi quy logistic, phân tích áp suất hơi, lượng mưa và sự đô thị hóa chỉ ra rằng: áp suất hơi trung bình hàng năm là yếu tố dự báo cá nhân quan trọng nhất trong việc phân phối sốt dengue.

Nghiên cứu đã thận trọng chọn một mô hình cuối cùng với độ ẩm như biến giải thích duy nhất, phù hợp với các khuyến nghị của Ủy ban về khí hậu, hệ sinh thái, bệnh truyền nhiễm và sức khoẻ con người của Mỹ. Áp suất hơi tỏ ra là một yếu tố tiên đoán đáng kể về nguy cơ sốt xuất huyết (OR 1, 3, SE 0 003, p < 0,0001).


Hình 8

Khi các vùng có nguy cơ sốt xuất huyết được xác định bằng một xác suất cắt là 0 ÷ 5, mô hình được lắp đặt với dữ liệu gridded phân loại 89% tế bào lưới một cách chính xác. Trên cơ sở báo cáo về sốt dengue và dân số ước tính vào năm 1990, ước tính 2 tỷ người (khoảng 40% dân số thế giới năm 1990) sống ở các vùng có ít nhất một vụ dengue được báo cáo từ năm 1975 đến năm 1996.

Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu có độ chính xác cao nhất để ước tính dân số có nguy cơ. Tuy nhiên, phương pháp này không hoàn hảo, và gần 5% dân số sống gần, hoặc trên các ranh giới của đất liền và biển không thể được xếp loại rủi ro theo hệ thống thông tin địa lý. Trên cơ sở mô hình hồi quy này, ước tính cẩn thận số dân cơ sở có nguy cơ vào năm 1990 là khoảng 1.5 tỷ (khoảng 30%). Nếu độ ẩm vẫn ở mức giá trị ban đầu, và dự báo tăng dân số sẽ được thực hiện, dự báo rằng khoảng 3.2 tỷ người (34% tổng dân số) sẽ có nguy cơ bị sốt xuất huyết vào năm 2055 và 3.5 tỷ người (35% trong tổng số) vào năm 2085.

Cùng với sự gia tăng dân số này và với sự thay đổi độ ẩm theo mô hình lưu thông toàn cầu của HADCM2, dự báo dân số có nguy cơ sốt xuất huyết sẽ tăng lên tới 4,1 tỷ người (44%) 2055 và 5,2 tỷ (52%) vào năm 2085 (Hales, 2002).


Hình 9

Khí hậu ảnh hưởng đến sinh thái dengue qua động lực học của véc tơ, sự phát triển của tác nhân, tương tác giữa muỗi và con người. Các mô hình dựa trên thống kê và mô hình dựa vào khí hậu được sử dụng để cung cấp thêm kiến ​​thức của chúng ta về các mối quan hệ này và dự đoán tác động của thay đổi khí hậu đối với sự xuất hiện sốt dengue. Nghiên cứu của Cory W. Morin và cộng sự về khí hậu và bệnh SXH về bằng chứng và ý nghĩa đã tìm cách xác định những ảnh hưởng khí hậu chính đối với sinh thái virus gây SXH và đánh giá khả năng của mô hình SXH dựa trên khí hậu để mô tả các mối liên hệ giữa khí hậu và bệnh, mô phỏng sự bùng phát, và dự báo các tác động của biến đổi khí hậu.

Phương pháp nghiên cứu đã xem xét các bằng chứng cho các mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp giữa khí hậu và SXHD được tạo tại phòng thí nghiệm, các nghiên cứu hiện trường và các phân tích thống kê về mối liên hệ giữa các vectơ, tần suất SXH và điều kiện khí hậu, giúp đóng góp dự đoán các mô hình SXHD dựa vào đó đề xuất các giải pháp để cải thiện. Kết quả mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và các yếu tố ảnh hưởng đến truyền bệnh SXH là phức tạp. Một biến đổi khí hậu có thể làm tăng khả năng truyền bệnh SXH thông qua một khía cạnh của hệ thống đồng thời giảm tiềm năng lây truyền sang người khác. Sự phức tạp này ít nhất có thể giải thích một phần sự không nhất quán trong mối liên quan thống kê giữa SXH và khí hậu. Các mô hình dựa trên quá trình có thể giải thích cho các động lực phức tạp nhưng thường bỏ qua các khía cạnh quan trọng của sinh thái SXHD, đặc biệt là sự phát triển của virut và sự tương tác các loài ký chủ (Morin, 2013).

Bệnh SXHD thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, chu kỳ của dịch SXHD khoảng 3-5 năm. Bằng phương pháp phân tích sóng (wavelet analysis) các kết quả nghiên cứu cho thấy dịch SXHD có chu kỳ 2-3 năm và số trường hợp bệnh SXHD chủ yếu tập trung vào mùa mưa. Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy ở Tây Nguyên cho thấy 71,6% số trường hợp mắc SXHD xảy ra từ tháng bảy đến tháng mười, tại Hải Phòng 78% số trường hợp mắc SXHD xảy ra từ tháng chín đến tháng mười hai, Bạc Liêu số trường hợp mắc SXHD bắt đầu tăng lên từ tháng 6 đến tháng 11.

Theo nghiên cứu của Diệp Thanh Hải và cộng sự tại Vĩnh Long cho thấy 67,8% ca bệnh SXHD là trẻ dưới 15 tuổi. Tại Bạc Liêu từ năm 2006-2012, 50,2% ca bệnh SXHD ở nhóm tuổi 6-15 tuổi, type virus gây bệnh chủ yếu là type DEN-1, DEN-2 và DEN-4. Ở Hà Nội từ 2006-2011, type gây bệnh chủ yếu DEN-1, DEN-2, hầu hết ca bệnh SXHD là ở thể nhẹ và có sự hiện diện của cả hai loại véc tơ A. aegyptiA. albopictus.


Hình 10

Theo kết quả của Hoàng Quốc Cường và cộng sự đã chứng minh có mối tương quan thuận giữa nhiệt độ trung bình, độ ẩm trung bình, lượng mưa trung bình với sự gia tăng số ca SXHD tại Khánh Hòa. Sử dụng mô hình hồi quy Poisson, Phạm Văn Hậu và cộng sự tìm thấy mối tương quan giữa lượng mưa, độ ẩm tương với số ca SXHD ở Hải Phòng còn theo Pinto E, Coelho M và cộng sự không tìm thấy mối tương quan giữa lượng mưa, độ ẩm tương đối và các trường hợp bệnh SXHD ở Singapore. Một nghiên cứu ở Metro Manila, Philippines cũng cho thấy lượng mưa có tương quan với tỷ lệ mắc bệnh SXHD (p < 0,05) không có sự tương quan giữa nhiệt độ với tỷ lệ mắc bệnh SXHD (p > 0,05).

Theo kết quả nghiên cứu của Phạm Thị Nhã Trúc (2017) số trường hợp mắc SXHD trung bình 7 năm (2006-2012) tỷ lệ thuận với lượng mưa trung bình nhưng tỷ lệ nghịch với nhiệt độ trung bình. Nguyễn Phương Toại đã trình bày kết quả nghiên cứu hồi cứu về mối liên hệ giữa các yếu tố thời tiết, khí hậu và khuynh hướng tăng, giảm bệnh SXHD trong khoảng thời gian từ năm 2000-2012 cho thấy có mối tương quan giữa việc tăng giảm lượng mưa, độ ẩm và sự biến động của bệnh SXHD. Theo kết quả nghiêu cứu ở Puerto Rico cho thấy có sự liên quan giữa nhiệt độ trung bình hàng tháng, lượng mưa tích lũy trong tháng và tỷ lệ bệnh SXHD hàng tháng.


Hình 11

Ở Monteria, Colombia chứng minh rằng nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm tương đối có mối liên quan chặt chẽ đến bệnh SXHD. Kết quả nghiên cứu của Phạm Văn Hậu ở Tây Nguyên cho thấy nguy cơ SXHD tăng lên trong các tháng mùa mưa khi lượng mưa ở hàng tháng tăng lên cùng với sự gia tăng quần thể véc tơ truyền bệnh SXHD như chỉ số HI, CI hàng tháng và BI.

Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Việt Hùng và cộng sự về các mô hình sốt dengue theo mùa và các yếu tố khí hậu liên quan ở 4 tỷnh của Việt Nam từ năm 1994 đến năm 2013. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là đánh giá mùa vụ và mối liên hệ với các yếu tố khí hậu (nhiệt độ và lượng mưa) đối với các trường hợp mắc bệnh ở 4 tỷnh có tỷ lệ mắc cao nhất từ ​​năm 1994 đến năm 2013 tại Việt Nam. Phương pháp dựa trên tỷ lệ mắc bệnh (trên 100.000) được tính trên cơ sở hàng tháng từ trong thời gian nghiên cứu. Quy trình phân hủy theo mùa trên đất thấp (STL) được sử dụng để đánh giá xu thế và mùa vụ của DF.

Thêm vào đó, một mô hình chu kỳ theo mùa (SCS) và mô hình hồi quy âm lưỡng cực (NBR) đơn được sử dụng để đánh giá sự biến thiên hàng tháng với các phân tích thống kê. Cuối cùng, một phương trình ước tính tổng quát (GEE) được sử dụng để đánh giá mối quan hệ giữa tỷ lệ mắc hàng tháng và các yếu tố thời tiết (nhiệt độ và lượng mưa). Kết quả đã phát hiện thấy tỷ lệ mắc bệnh tăng lên trong nửa sau của năm (từ tháng 5 đến tháng 12) là mùa mưa ở mỗi tỷnh. Ở Hà Nội, mô hình cuối cùng cho thấy sự gia tăng nhiệt độ 1°C tương ứng với sự gia tăng 13% trong tỷ lệ mắc SXHD hàng tháng.

Tại Khánh Hoà, mô hình cuối cùng cho thấy nhiệt độ tăng 1°C tương ứng với tăng 17% trong khi lượng mưa tăng lên 100 mm tương ứng với sự gia tăng 11% tỷ lệ mắc DF. Đối với thành phố Hồ Chí Minh, không có biến số nào có ý nghĩa trong mô hình. Ở An Giang, mô hình cuối cùng cho thấy lượng mưa tăng 100 mm trong tháng trước và cùng tháng tương ứng với sự gia tăng 30% và 22% tỷ lệ mắc SXHD (Lee và cs., 2017).


Hình 12

Một số khái niệm, định nghĩa liên quan đến bệnh SXHD

Ổ dịch SXHD:

Một nơi (tổ, khu phố, cụm dân cư hoặc tương đương) được xác định là ổ dịch SXHD khi có các ca bệnh lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày hoặc một ca bệnh SXHD được chẩn đoán xác định phòng xét nghiệm, đồng thời phát hiện có lăng quăng/bọ gậy hoặc muỗi truyền bệnh trong phạm vi bán kính 200 mét.

Khi có ổ dịch đều phải xử lý theo quy định. Ổ dịch SXHD được xác định chấm dứt khi không có ca bệnh mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.


Hình 13

Định nghĩa ca bệnh

Ca bệnh giám sát (ca bệnh lâm sàng):

Người sống hoặc đến từ vùng có ổ dịch hoặc lưu hành SXHD trong vòng 14 ngày có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:

-Biểu hiện xuất huyết có thể ở nhiều mức độ khác nhau như: nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

-Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn.

-Da xung huyết, phát ban.

-Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

-Vật vã, li bì.

-Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

Ca bệnh xác định:

Là ca bệnh được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật ELISA (phát hiện IgM hoặc NS1) hoặc phân lập vi rút hoặc xét nghiệm PCR.


Hình 14

Phân loại mức độ bệnh sốt xuất huyết Dengue

Theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2009), bệnh SXHD được chia làm 3 mức độ:

-Sốt xuất huyết Dengue (SXHD);

-Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo;

-Sốt xuất huyết Dengue nặng.

(i) Sốt xuất huyết Dengue

a) Lâm sàng: Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:

-Biểu hiện xuất huyết có thể như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam;

-Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn;

-Da xung huyết, phát ban;

-Đau cơ, đau khớp, nhức sau hai hố mắt;

b) Cận lâm sàng

-Hematocrit bình thường (không có biểu hiện cô đặc máu) hoặc tăng;

-Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm;

-Số lượng bạch cầu thường giảm.

(ii) Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

a) Lâm sàng: Gồm các triệu chứng lâm sàng của SXHD, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau:

-Vật vã, lừ đừ, li bì.

-Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

-Gan to > 2 cm.

-Nôn - nhiều.

-Xuất huyết niêm mạc.

-Tiểu ít.

b) Cận lâm sàng:

-Hematocrit tăng cao;

-Tiểu cầu giảm nhanh chóng.

Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm hematocrit, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời.

(iii) Sốt xuất huyết Dengue nặng

Khi người bệnh có một trong các biểu hiện sau:

-Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích (Sốc sốt xuất huyết Dengue), ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều;

-Xuất huyết nặng;

-Suy tạng.

a) Sốc sốt xuất huyết Dengue

Suy tuần hoàn cấp, thưởng xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg) hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít.

b) Xuất huyết nặng

Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.

c) Suy tạng nặng

-Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L.

-Suy thận cấp.

-Rối loạn tri giác (Sốt xuất huyết thể não).

-Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.


Hình 15

Chẩn đoán căn nguyên vi rút Dengue

a. Xét nghiệm huyết thanh

- Xét nghiệm nhanh:

+ Tìm kháng nguyên NS1 trong 5 ngày đầu của bệnh.

+ Tìm kháng thể IgM từ ngày thứ 5 trở đi.

- Xét nghiệm ELISA:

+ Tìm kháng thể IgM: xét nghiệm từ ngày thứ năm của bệnh.

+ Tìm kháng thể IgG: lấy máu 2 lần cách nhau 1 tuần tìm động lực kháng thể (gấp 4 lần).

b. Xét nghiệm PCR, phân lập vi rút:

Lấy máu trong giai đoạn sốt (thực hiện ở cơ sở xét nghiệm có điều kiện).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Bộ Y tế (2011), Báo cáo tổng kết công tác Phòng chống Sốt xuất huyết năm 2010, Dự án Phòng chống sốt xuất huyết, Hà Nội.

2.Bộ Y tế (2012), Báo cáo tổng kết công tác phòng chống sốt xuất huyết dengue năm 2011, Dự án phòng chống sốt xuất huyết, Hà Nội.

3.Bộ Y tế (2014), Báo cáo tổng kết công tác Phòng chống Sốt xuất huyết năm 2013, Hà Nội.

4.Bộ Y tế (2014), Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue, Hà Nội.

5.Bộ Y tế (2014), Báo cáo tổng kết hoạt động phòng chống sốt xuất huyết năm 2013 và kế hoạch hoạt động, kinh phí năm 2014-Dự án phòng chống sốt xuất huyết, Hà Nội.

6.Bộ Y tế (2016), Báo cáo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết khu vực Tây Nguyên và các hoạt động phòng chống đã triển khai trong 7 tháng đầu năm 2016, Hà Nội.

7.Bộ Y tế ( 2017), Quyết định số 3711/QĐ-BYT ngày 19/9/ 2017 về hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue, Bộ Y tế.

8.Cassab A, Morales Vet al., (2011). Climatic factors and cases of dengue in Monteria, Colombia (2003-2008). Rev Salud Publica (Bogota), 13(1):115-28.

9.Shah Alam (2017). Govt to declare Dengue hot spots as outbreak areas, Borneo Post, London, http://www.theborneopost.com/2017/.

10.Centers for Disease Control and Prevention (2012). Dengue and climate, http://www.cdc.gov/dengue/entomologyEcology/climate.html.

11.Hoang Quoc Cuong et al. (2011). Quantifying the Emergence of Dengue in Hanoi, Vietnam: 1998-2009. PLoS Negl Trop Dis, 5(9).

12.Pinto E et al. (2011). The influence of climate variables o­n dengue in Singapore", Int J Environ Health Res, 21(6), tr. 415-26.

13.Su GL (2008). Correlation of climatic factors and dengue incidence in Metro Manila, Philippines", Ambio, 37(4), tr. 292-4.

14.Michael A. Johansson, Francesca Dominici (2009). Local and global effects of climate o­n Dengue transmission in Puerto Rico. Journal.pntd, Gordon Research Conferences 1371(10).

15.Thai KT et al. (2010). Dengue dynamics in Binh Thuan province, southern Vietnam: periodicity, synchronicity and climate variability.PLoS Negl Trop Dis, 4(7).

16.Beatty ME et al. (2011). Health economics of Dengue: A systematic literature review and expert Panel's Assessment. Am J Trop Med Hyg, 84(3):473-88.

17.Harving ML and Rönsholt FF (2007). The economic impact of dengue hemorrhagic fever o­n family level in Southern Vietnam. Dan Med Bull, 54(2):170-2.

18.Cory Morin, Andrew C. Comrie (2013). Climate and Dengue Transmission: Evidence and Implications. Environ Health Perspect, 121(11-12).

19.Hau V Pham et al. (2011). Ecological factors associated with dengue fever in a central highlands Province, Vietnam. BMC Infect Dis, 11(172).

20.Hales S et al. (2002). Potential effect of population and climate changes o­n global distribution of dengue fever: an empirical model. Lancet, 360(9336):830-4.

21.Xuan le TT et al ( 2017), "Estimates of meteorological variability in association with dengue cases in a coastal city in northern Vietnam: an ecological study." Glob Health Action, 7(23119).

22.Anthony C. FredericksandAna Fernandez-Sesma (2015), “The burden of Dengue and Chikungunya worldwide: Implications for the southern united states and California”, Ann Glob Health, 80(6): pp. 466-475.

23.Basile Kamgang,Sébastien Marcombe,Fabrice Chandre (2011), “Insecticide susceptibility of Aedes aegyptiand Aedes albopictus in Central Africa”, Parasit Vectors, 4: 79.

24.Bhatt,S., Gething,P.W., Brady,O.J., Messina,J.P., (2013). “The global distribution and burden of Dengue”, Nature, 496 (7446), pp. 504-507.

25.Butler, D. (2016), Zika virus: Brazil's surge in small-headed babies questioned by report Nature, 530(7588):13-14.

26.Christophe Paupy, Benjamin Ollomo, Basile Kamgang (2010), “Comparative role of Aedes albopictus and Aedes aegypti in the emergence of Dengue and Chikungunya in central Africa”, Vector Borne and Zoonotic Diseases,10(3): 259-266.

27.Costa CA,Santos IG,Barbosa Mda G., (2009), Detection and typing of dengue viruses in Aedes aegypti (Diptera: Culicidae) in the City of Manaus, State of Amazonas”, Rev Soc Bras Med Trop, 42(6): 677-81.

28.Dave D Chadee (2013), “Resting behaviour of Aedes aegypti in Trinidad: with evidence for the re-introduction of indoor residual spraying (IRS) for dengue control”, Parasites & Vectors, 6:255  doi:10.1186/1756-3305-6-255.

29.Dieng H, Saifur RGM, Hassan AA, Salmah MRC, Boots M, et al. (2010), “Indoor-Breeding of Aedes albopictus in Northern Peninsular Malaysia and Its Potential Epidemiological Implications”, PLoS o­nE, 5(7): e11790. doi:10.1371/journal.pone.0011790.

30.Edillo FE, Roble ND, Otero ND (2012), “The key breeding sites by pupal survey for dengue mosquito vectors, Aedes aegypti (Linnaeus) and Aedes albopictus (Skuse), in Guba, Cebu City, Philippines”, Southeast Asian J Trop Med Public Health, 43(6): pp. 1365-74.

31.Eisen L,Moore CG (2013), “Aedes (Stegomyia) aegypti in the continental United States: a vector at the cool margin of its geographic range”, J Med Entomol, 50(3): pp467-78.

32.Enny S. Paixão, MSc,Florisneide Barreto, Maria da Glória Teixeira,Maria da Conceição N. Costa, andLaura C. Rodrigues (2016),“History, Epidemiology, and Clinical Manifestations of Zika: A Systematic Review”, Am J Public Health, 106(4): pp. 606–612.

33.Figueiredo, M. L., & Figueiredo, L. T. (2014), “Emerging alphaviruses in the Americas: Chikungunya and mayaro”, Revista Da Sociedade Brasileira De Medicina Tropical, 47(6), pp. 677-683. doi:10.1590/0037-8682-0246-2014.

34.García-Rejón JE,Loroño-Pino MA,Farfán-Ale JA,Flores-Flores LF,López-Uribe MP,Najera-Vazquez Mdel R,Nuñez-Ayala G,Beaty BJ,Eisen L. (2011), “Mosquito infestation and dengue virus infection in Aedes aegypti females in schools in Merida, Mexico”. Am J Trop Med Hyg,84(3):489-96. doi: 10.4269/ajtmh.2011.10-0654.

35.Huong Vu Duc and Ngoc Nguyen Thi Bach (1999), “Susceptibility of Aedes aegypti to insecticides in South Viet nam”, Dengue Bulletin – Vol 23, pp.85-88.

36.Komalamisra N,Srisawat R,Phanbhuwong T,Oatwaree S. (2011), “Insecticide susceptibility of the dengue vector, Aedes aegypti (L.) in Metropolitan Bangkok”, Southeast Asian J Trop Med Public Health, 42(4): pp. 814-23.

37.Kawada Hitoshi, Yukiko Higa, Yen T. Nguyen, Son H. Tran, Hoa T. Nguyen and Masahiro Takagi (2009), Nationwide Investigation of the Pyrethroid Susceptibility of Mosquito Larvae collected from used tires in Vietnam", PLoS Med, 9(3), pp. 391-397.

38.Kow CY,Koon LL,Yin P.F. (2001),Detection of dengue viruses in field caught male Aedes aegypti and Aedes albopictus (Diptera: Culicidae) in Singapore by type-specific PCR”, J Med Entomol, 38(4): pp.475-479.

39.Kumari R,Kumar K,Chauhan LS. (2011), “First dengue virus detection in Aedes albopictus from Delhi, India: its breeding ecology and role in dengue transmission”, Trop Med Int Health, 16(8):949-954. doi: 10.1111/j.1365-3156.2011.02789.x.

40.Laurent Guillaumot (2012), “Distribution ofAedes albopictus(Diptera, Culicidae) in southwestern Pacific countries, with a first report from the Kingdom of Tonga”, Parasites & Vectors, 5:247.

41.Leopoldo M. Rueda (2004), Pictorial keys for the identification of mosquitoes (Diptera: Culicidae) associated with Dengue Virus Transmission”, Zootaxa 589: 1-60.

42.Louis Lambrechts mail, Thomas W. Scott and Duane J. Gubler (2010), “Consequences of the Expanding Global Distribution of Aedes albopictus for Dengue Virus Transmission”, PLoS Neglected Tropical Diseases, 4(5).

43.Leonardo M. Díaz-Nieto,Arnaldo Maciá,M. Alejandra Perotti,andCorina M. Berón (2013), “Geographical Limits of the Southeastern Distribution of Aedes aegypti (Diptera, Culicidae) in Argentina”, PLoS Negl Trop Dis, 7(1): e1963. 10.1371/journal.pntd.0001963.

44.Moritz UGKraemer., et al. (2015), “The global distribution of the arbovirus vectors Aedes aegypti and Ae. albopictus”, Elife.doi: 10.7554/eLife.08347.

45.Olger Calderón-Arguedas (2015), “Dengue viruses inAedes albopictusSkuse from a pineapple plantation in Costa Rica”, Journal of vector ecology, 40 (1), pp. 184–186.

46.Roth A, Mercier A, Lepers C, Hoy D et al., (2014), “Concurrent outbreaks of dengue, chikungunya and Zika virus infections: An unprecedented epidemic wave of mosquito-borne viruses in the Pacific 2012-2014”, Eurosurveillance, 19 (41).

47.Samyra Giarola Cecílio (2015), “Dengue virus detection inAedes aegyptilarvae from southeastern Brazil”, Journal of vector ecology, 40 (1), pp. 71–74.

48.Singh RK, Haq S, Gaurav Kumar, Mittal PK and Dhiman RC (2013), “Insecticide-susceptibility status of dengue vectors Aedes aegypti and Aedes albopictus in India: a review”, Dengue Bulletin37(1): pp.177-191.

49.Theeraphap Chareonviriyaphap,Michael J Bangs (2013). Review of insecticide resistance and behavioral avoidance of vectors of human diseases in Thailand. Parasit Vectors, 6 (280). doi: 10.1186/1756-3305-6-280.

50.Thilini C. Weeraratne, M. Devika B. Perera, (2013). Prevalence and breeding habitats of the dengue vectors Aedes aegypti and Aedes albopictus (Diptera: Culicidae) in the semi-urban areas of two different climatic zones in Sri Lanka. International Journal of Tropical Insect Science, Cambridge University, pp. 1-11.

51.Warabhorn Preechaporn, Mullica Jaroensutasinee_and Krisanadej Jaroensutasinee (2006). The Larval Ecology of Aedes aegypti and Ae. albopictus in Three Topographical Areas of Southern Thailand. Dengue Bulletin, 30, pp. 204-213.

52.WHO (2011), Comprehensive Guidelines for Prevention and Control of Dengue and Dengue Haemorrhagic Fever, WHO Regional Office for South-East Asia, New Delhi.

53.WHO (2016), Dengue and severe dengue. http://www.who.int/mediacentre/factsheets

 

Ngày 06/12/2017
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích