Ngày Sốt rét Thế giới năm 2023: “Đã đến lúc không còn sốt rét: Đầu tư, Đổi mới, Thực hiện”
Ngày 25 tháng 4 hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kỷ niệm ngày thế giới phòng chống sốt rét nhằm nhấn mạnh cam kết cộng đồng về bệnh sốt rét, cũng như sức mạnh toàn cầu trong việc đoàn kết vì mục tiêu chung hướng đến một thế giới không còn bệnh sốt rét. Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4 được kỳ họp thứ 60 Đại Hội Đồng Y tế Thế giới tháng 5/2007 ấn định là ngày để ghi nhận nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát bệnh sốt rét một cách hiệu quả. Mục đích của sự kiện này là cho các quốc gia đang ở trong vùng bị ảnh hưởng có cơ hội học hỏi lẫn nhau và hỗ trợ các quốc gia để cùng nỗ lực chống lại căn bệnh này.Ngày Thế giới phòng chống sốt rét còn có cơ hội để các nhà tài trợ mới liên kết với các đối tác toàn cầu chống lại sốt rét và cùng với các viện nghiên cứu có những công trình nghiên cứu khoa học có ích cho cộng đồng. Những ý nghĩa này, càng đặc biệt hơn trong bối cảnh cần tăng cường đầu tư các hoạt động PCSR để thúc đẩy LTSR trên thế giới hiện nay. Năm 2023 là năm thứ 17 phát động kỷ niệm ngày sốt rét thế giới, mỗi năm WHO sẽ đưa ra các chủ đề khác nhau, nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống sốt rét, làm giảm số mắc và chết, giảm gánh nặng bệnh tật do sốt rét gây ra, thúc đẩy nhanh LTSR. Năm nay, WHO đã xây dựng chủ đề “Đã đến lúc không cònsốt rét: Đầu tư, Đổi mới, Thực hiện”- “Time to deliver zero malaria: Invest, Innovate, Implement”. Với chủ đề này, WHO muốn tập trung vào cấu thành “I” thứ 3, tức là “Implement-Thực hiện” và chú ý nhấn mạnh vào tầm quan trọng cấp thiết của việc tiếp cận các nhóm dân số dễ bị tổn thương với các công cụ và chiến lược hiện có. Ngày nay, sự thiếu hụt kinh phí và các mối đe dọa sinh học mới nổi đang làm cho chương trình sốt rét toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn. Các mối đe dọa sinh học mới nổi đe dọa tính hiệu quả của các công cụ hiện có và việc cắt giảm đầu tư các hoạt động kiểm soát dịch bệnh ở quốc gia có gánh nặng cao là “mối đe dọa lớn nhất” đối với những thành quả PCSR mà thế giới đã đạt được. Trong khi đó, nguồn kinh phí của Quỹ toàn cầu năm ngoáiđã không đáp ứng đủ những hoạt động cần thiết để duy trì các chương trình sốt rét, cũng như mở rộng quy mô các cải tiến mới nhất và tiếp cận tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh tại các quốc gia.Do đó, năm nay WHO đã lấy chủ đề ngày sốt rét này, vì bây giờ là lúc cần thực hiện hành động quyết đoán nhằm thực hiện mục tiêu không còn bệnh sốt rét và đạt được các mục tiêu vào năm 2030. Hình 1. Chủ đề ngày sốt rét thế giới năm 2023 Nguồn: https://endmalaria.org/worldmalariaday2023
ĐẦU TƯ:Các nhà lãnh đạo ở các quốc gia có lưu hànhsốt rét và các quốc gia tài trợ phải khẩn trương thực hiện các khoản đầu tư mạnh mẽ vào việc kiểm soát và loại trừsốt rét để thu hẹpcác khoảng thiếu hụt về nhu cầu kinh phívà đẩy nhanh tiến độ LTSR. Theo báo cáo sốt rét thế giới năm 2022 của WHO, khoảng cách kinh phí giữa số tiền đầu tư cho phòng chống sốt rét toàn cầu (3,5 tỷ đô la Mỹ) và nhu cầu kinh phí cần thiết (7,3 tỷ đô la Mỹ) ngày càng lớn, đặc biệt là trong 3 năm qua, sự thiếu hụt về nhu cầu kinh phínày càng tăng lên: từ 2,6 tỷ USD vào năm 2019 lên 3,5 tỷ USD vào năm 2020 và 3,8 tỷ USD vào năm 2021. Bất chấp sự đóng góp đáng kể của các quốc gia và đối tác, khoản bổ sung của Quỹ toàn cầu lần thứ bảy đã huy động được 15,7 tỷ đô la Mỹ so với mục tiêu dự kiến ít nhất là 18 tỷ đô la Mỹ. Với môi trường kinh tế đang thay đổi,tài trợ cho phòng chống sốt rét ngày càng trở nên khó khăn.Trong môi trường hạn chế về nguồn lực này, việc đầu tư đích với nguồn tài trợ sẵn có là điều cần thiết. Tài trợ nên được ưu tiên cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, những người ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ và bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi họ bị bệnh. ĐỔI MỚI:Cần có sự đầu tư khẩn cấp từ khu vực công và tư nhân để cung cấp và điều chỉnh các giải pháp cải tiến và biến đổi để chấm dứt bệnh sốt rét. Mặc dù có những thất bại gần đây trong việc kiểm soát bệnh sốt rét, các khoản đầu tư vào phát triển và nghiên cứu (R&D: Research and Development) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng bệnh sốt rét toàn cầu trong 2 thập kỷ qua. Sự phát triển và triển khai rộng các công cụ như xét nghiệm chẩn đoán nhanh (RDTs), màn tẩm hóa chất diệt côn trùng (ITN) và sử dụng thuốc sốt rét phối hợp với artemisinin (ACTs) là xương sống của các hoạt động phòng chống sốt rét kể từ năm 2000. Tiếp tục đầu tưphát triển và triển khai cáccông cụ thế hệ tiếp theo sẽ là chìa khóa để đạt được các mục tiêu sốt rét toàn cầu năm 2030. Trong phòng chống véc tơ, hiện có 28 sản phẩm mới trong hệ thống R&D. Các công cụ đang được đánh giá bao gồm: các loại màn tẩm hóa chất diệt côn trùng mới, bẫy thu hút muỗi, chất xua muỗi không gian, ống thông gió chèn hoá chất diệt côn trùng trong nhà có thể tiêu diệt muỗi (ống lắp đặt trong mái hiên) và kỹ thuật di truyền của muỗi. Nếu những công cụ này chứng minh hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh, WHO sẽ phát triển các khuyến nghị chính sách mới hoặc sửa đổi những chính sách hiện có để hỗ trợ việc triển khai chúng ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi bệnh sốt rét. Hình 2. Ống thông gió chèn hoá chất diệt côn trùng trong nhà Nguồn: In2Care® EaveTubes lethal house lure, https://www.in2care.org
Một số vắcxin sốt rét hiện đang được phát triển. Giống như vắcxin RTS,S, nhiều loại trong số đó nhắm đến ký sinh trùng sốt rét trước khi nó xâm nhập vào gan người, nơi chúng có thể nhanh chóng nhân lên. Ứng cử viên tiên tiến nhất trong số này là R21, gần đây đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Cácvắcxin khác cũng đang được nghiên cứu để tìm cách ngăn chặn sự lây truyền của ký sinh trùng sốt rét và một số vắc xin khác nhằm bảo vệ phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Các công cụ chẩn đoán mới cũng đang được nghiên cứu. Để giải quyết các vấn đề xung quanh việc mất gen HRP2/3 làm ảnh hưởng đến hiệu quả của RDTs trong phát hiện bệnh sốt rét do P. falciparum, các nhà nghiên cứu đang phát triển các phương pháp chẩn đoán sử dụng các dấu ấn sinh học thay thế. Chẩn đoán không xâm lấn sử dụng nước bọt và nước tiểu cũng đang được nghiên cứu phát triển, với khả năng giúp sàng lọc nhanh bên ngoài các cơ sở y tế thông thường. Trong lĩnh vực thuốc điều trị sốt rét, việc phát triển các lựa chọn điều trị không dùng ACT là ưu tiên của các nhà nghiên cứu trước sự xuất hiện và lan rộng của tình trạng kháng artemisinin một phần. Các loại thuốc thế hệ tiếp theo đang được phát triển: chẳng hạn như “bộ ba ACTs” dựa trên sự kết hợp của artemisinin và 2 loại thuốc khác để giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc. Các loại thuốc khác cũng đang được nghiên cứu để thay thế cho artemisinin và các dẫn xuất của nó; bốn loại thuốc như vậy hiện đang được thử nghiệm lâm sàng. THỰC HIỆN: Các quốc gia và đối tác cần tiếp tục cung cấp các công cụ và chiến lược do WHO khuyến nghị hiện có sẵn cho tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh sốt rétvà đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất. Theo báo cáo sốt rét thế giới mới nhất, các quốc gia đã đạt được một số tiến bộ trong việc mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ sốt rét cho các nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét cao đang bỏ lỡ các dịch vụ mà họ cần để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh. Những thách thức trong việc mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ sốt rét đã trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở các nước châu Phi vùng cận hoang mạc Sahara, bởi đại dịch Covid-19 đang diễn ra, cũng như các cuộc khủng hoảng nhân đạo, hạn chế tài trợ, hệ thống giám sát yếu kém và sự suy giảm hiệu quả của các công cụ phòng chống sốt rét cốt lõi. Để giải quyết các mối đe dọa này và hỗ trợ các quốc gia xây dựng các chương trình sốt rét mạnh hơn, WHO gần đây đã công bố hướng dẫn, chiến lược và khung hành động mới. WHO cũng đã tăng cường tính minh bạch,linh hoạt và khả năng tiếp cận các khuyến cáo về bệnh sốt rét của mình. Ngoài việc giải quyết các thách thức kỹ thuật đối với việc triển khai, cần phải giải quyết các rào cản mà mọi người gặp phải khi tiếp cận các dịch vụ y tế. Đầu tư vào hệ thống y tế vận hành tốt, được xây dựng trên nền tảng chăm sóc sức khỏe ban đầu, có thể giải quyết nhu cầu về sức khỏe của người dân gần nơi họ sinh sống và làm việc, đồng thời giảm chi phí chăm sóc và tăng cường tính công bằng. Hình 3. Chủ đề ngày sốt rét thế giới năm 2023 Nguồn: https://endmalaria.org/worldmalariaday2023
Như vậy, chủ đề ngày sốt rét thế giới năm 2023 nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp và đầu tư hơn nữa từ các quốc gia và đối tác, cũng như đổi mới để phát triển các công cụ, phương pháp tiếp cận mới và đảm bảo các khoản đầu tư được thực hiện một cách có hiệu quả để thúc đẩy nhanh tiến độ LTSR hiện này. Tài liệu tham khảo
1.RBM Partnership. World malaria day 2023.https://endmalaria.org/worldmalariaday2023 2.WHO (2022), World malaria report 2021. 3.WHO (2023). World malaria day 2023. https://www.who.int/campaigns/world-malaria-day/2023/key-messages
|