Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 10/09/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Finance & Retail Góc thư giản
Thế giới đó đây
Góc nhìn văn hóa
Cười 24h
Góc thơ

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 3 5 3 7 1 9 0
Số người đang truy cập
5 3 3
 Góc thư giản Thế giới đó đây
Thông tin cập nhật về ký sinh trùng, côn trùng, vi khuẩn và virus truyền bệnh cho con người

Sự khác nhau giữa virus-vi khuẩn-ký sinh trùng

Dù virus, vi khuẩn và ký sinh trùng đều có khả năng gây bệnh, cách chúng truyền bệnh cho con người rất khác nhau. Theo Business Insider, virus tồn tại từ rất lâu. Virus xuất hiện đầu tiên và có thể là tổ tiên xa xưa nhất của con người. Virus giúp xây dựng bộ gene của tất cả các loài, bao gồm con người. Bộ gene của chúng ta chứa đến 50% ADN từ retrovirus (virus chứa vật chất di truyền là phân tử ARN. Ngoài ra, virus có thể mở đường cho việc hình thành nhiều enzyme sao chép ADN, đóng vai trò thiết yếu cho sự phân chia và phát triển của tế bào.

Virus có khả năng gây bệnh truyền nhiễm đối với con người và động vật, một số loại thậm chí còn có khả năng lây bệnh từ động vật sang người và ngược lại. Vòng đời virus có hai giai đoạn. Khi chúng ở ngoài tế bào, chúng được gọi là những hạt virion vô sinh. Khi lọt vào tế bào, chúng lợi dụng bộ máy của tế bào để nhân bản. Một số nhà khoa học cho rằng, virus tồn tại ở dạng hữu sinh khi ở trong tế bào. Một vài loại virus, như virus cảm lạnh, có thể làm chúng ta ốm yếu nhưng không để lại hậu quả lâu dài. Trong khi đó, nhiều virus khác mang mầm bệnh chết chóc. Ví dụ, một chủng đại dịch cúm có thể lây lan nhanh trong thời gian ngắn. Trên thế giới, khoảng 201.200 người chết do hô hấp cấp và 83.300 trường hợp tử vong khác liên quan đến tim mạch trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009.

Dù tiếp xúc với các phân tử virus hàng ngày, không phải lúc nào chúng ta cũng nhiễm bệnh, do hệ miễn dịch có thể giải quyết phần lớn các loại virus này. Chúng ta chỉ ốm khi lần đầu tiên tiếp xúc với virus mới hoặc bị phơi nhiễm với một số lượng lớn virus. Đó là lý do các cơ quan y tế luôn khuyến khích tiêm chủng cúm định kỳ hàng năm. Các chủng cúm thông thường có thể thay đổi mỗi năm, và khả năng miễn dịch từ lần nhiễm bệnh trước đó hoặc qua vaccine không thể bảo vệ chúng ta trong trường hợp tiếp xúc với chủng đã biến đổi.

Khả năng lây lan và tái tạo nhanh chóng làm cho một số loại virus trở thành tác nhân gây bệnh đáng sợ, đến mức được coi là vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngoài ra, một số virus giết người một cách từ từ, điển hình là virus bệnh dại với thời gian ủ bệnh dài (1-3 tháng). Tuy bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, khi các triệu chứng xuất hiện, người bệnh gần như chắc chắn tử vong.


Hình 1. Hình ảnh hiển vi của virus dại. Ảnh: Sanofi Pasteur/Flickr.

Vaccine là cách phòng chống virus tốt nhất. Vaccine kích hoạt phản ứng miễn dịch, cho phép cơ thể phản ứng hiệu quả hơn khi nhiễm bệnh. Vaccine cũng làm giảm độ nguy hiểm của nhiều loại virus có thể gây chết người như bệnh sởi, Rubella, cúm và bệnh đậu mùa. Ngoài ra, rửa tay và che mũi khi hắt hơi là những cách giúp hạn chế virus lây lan. Một số vi khuẩn có lợi cho chúng ta, cung cấp hệ thống bảo vệ chống các tác nhân gây bệnh và giúp ích cho quá trình tiêu hóa đường ruột. Tuy nhiên, một số loại không lành tính như vậy. Các loại vi khuẩn chuyên gây bệnh phổ biến là nhiễm khuẩn tụ cầu (Staphylococcus aureus), ngộ độc (Clostridium botulinum), bệnh lậu (Neisseria gonorrhoeae), loét dạ dày (Helicobacter pylori), bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) và bệnh dịch hạch (Yersinia pestis).


Hình 2. Nhận diện miễn dịch đối với mô bệnh Helicobacter pylori.

Độc tố vi khuẩn sản xuất sẽ xâm nhập vào các tế bào hoặc mạch máu, hoặc cạnh tranh chất dinh dưỡng với vật chủ, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc bệnh. Các phương pháp điều trị phải phụ thuộc vào cách thức vi khuẩn gây bệnh. Ví dụ, trong trường hợp ngộ độc, người mắc bệnh khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc hoặc các bào tử vi khuẩn C. botulinum. Khi bệnh nhân hấp thụ độc tố, các triệu chứng sẽ xuất hiện trong vòng 6 - 36 giờ. Nếu nuốt phải bào tử, các triệu chứng này chỉ xuất hiện sau một tuần.

Chăm sóc hỗ trợ là phương pháp điều trị chính nhằm ngăn chặn hoặc làm giảm các biến chứng và duy trì sức khỏe bệnh nhân. Các loại kháng sinh điều trị nhiễm trùng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn, nhưng đối với ngộ độc, vi khuẩn khi bị tiêu diệt có thể tiết ra nhiều độc tố khiến bệnh trầm trọng hơn. Các bác sĩ điều trị độc tố bằng cách dùng thuốc kháng độc hoặc khiến bệnh nhân ói mửa. Ngày nay, do sự lạm dụng và sử dụng sai kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng. Vào năm 2013, khoảng 480.000 trường hợp mắc bệnh lao kháng thuốc (MDR-TB).

Sử dụng thay phiên các loại kháng sinh khác nhau có thể làm giảm nguy cơ kháng thuốc. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang phát triển một số phương pháp khác, như sử dụng virus kháng khuẩn phage (một loại virus giết chết vi khuẩn) hay enzyme có khả năng phá hủy bộ gene của vi khuẩn kháng thuốc. Trong thực tế, virus kháng khuẩn đang được sử dụng rộng rãi ở Đông Âu. Các vaccine dành cho vi khuẩn như vắc-xin DPT chống bạch hầu, ho gà và uốn ván đang được sử dụng phổ biến. Ngoài ra, nhiều giải pháp đơn giản có thể giúp ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh như rửa tay đúng cách, khử trùng bề mặt các dụng cụ, sử dụng nước sạch và nấu ăn với nhiệt độ thích hợp để loại bỏ vi khuẩn.

Ký sinh trùng, nhóm thứ ba trong bộ ba mầm bệnh, là tên gọi chung cho nhiều sinh vật đa dạng, sống trong hoặc trên cơ thể vật chủ và ăn bám vật chủ đó, bao gồm con người. Ký sinh trùng bao gồm sinh vật đơn bào như protozoa, hoặc sinh vật lớn hơn như giun hoặc bọ ve. Ký sinh trùng đơn bào có nhiều điểm chung với các tế bào cơ thể người hơn so với các loại vi khuẩn. Ký sinh trùng có ở khắp nơi, đóng một vai trò quan trọng và phức tạp trong hệ sinh thái.


Hình 3. Muỗi Aedes aegypti cái trên cánh tay của kỹ thuật viên y tế tại phòng thí nghiệm nghiên cứu
virus Zika ở Guatemala. Ảnh: Thomson/Reuters.

Ký sinh trùng cũng có thể gây ra nhiều bệnh, đặc biệt ở nước đang phát triển. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhiễm ký sinh trùng thường đi kèm điều kiện vệ sinh thiếu thốn và đói nghèo. Bệnh sốt rét cứ 30 giây lại giết chết trẻ em và 90% ca nhiễm bệnh tập trung ở châu Phi. Đây là bệnh do ký sinh trùng gây chết người nhiều nhất, dù có nhiều tiến bộ trong việc ngăn chặn bệnh dịch này. Những bệnh do ký sinh trùng phổ biến khác như bệnh Leishmaniasis, bệnh giun chỉ và bệnh phù chân voi. Nhiều ký sinh trùng truyền qua muỗi và các loại côn trùng. Với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, nhiều bệnh ký sinh trùng đang lan rộng đến các khu vực phía bắc.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa tìm ra vắc-xin phòng bệnh ký sinh ở người, nhưng nhiều loại thuốc hiện nay có thể chống lại ký sinh trùng. Ví dụ, giải Nobel Y học 2015 được trao cho các nhà khoa học có công phát triển thuốc phòng chống ký sinh trùng (Ivermectin dùng cho giun và artemisinin để điều trị bệnh sốt rét).

Hồi sinh virus cổ đại 30.000 năm tuổi

Các nhà khoa học Pháp rất thận trọng khi tìm cách hồi sinh một loại virus tiền sử đóng băng ở Siberia. Theo RT, virus này có tên Mollivirus sibericum, kích thước khoảng 0,6 micron, hơn một phần nghìn mm, tương đương với vi khuẩn và có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi quang học, nên nó được gọi là "virus khổng lồ". Ngoài ra, con virus này có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm chết người, khi mang trong mình tới 523 protein di truyền. Virus cúm thông thường chỉ có 11 gene.

Virus này tồn tại trong mẫu băng lấy từ độ sâu 30 m dưới Chukotka, phía đông Siberia, cùng với một virus tiền sử khổng lồ khác là Pithovirus sibericum. Mollivirus sibericum là virus thứ hai do các nhà khoa học Pháp phát hiện, và là virus khổng lồ tiền sử thứ 4 được tìm thấy kể từ năm 2003. Các nhà khoa học đang chuẩn bị "đánh thức" con virus này, nhưng cũng rất thận trọng để đảm bảo rằng nó sẽ không gây nguy hiểm cho người và động vật. Họ quyết định sẽ "nhử" con virus này hồi sinh bằng cách đặt nó chung với trùng amip đơn bào - đóng vai trò vật chủ của virus. Các nhà khoa học từng dùng phương pháp này để đánh thức Pithovirus sibericum năm ngoái.


Hình 4. 4 loại virus khổng lồ tiền sử được tìm thấy từ năm 2003.

Phát hiện này cho thấy virus khổng lồ không hiếm và rất đa dạng. Đồng thời cho thấy khả năng sống sót dưới lớp băng vĩnh cửu trong thời gian dài không chỉ tồn tại ở một vài loại virus, mà có lẽ là cả một chủng virus có chiến lược nhân bản khác nhau, nên chúng cũng có cơ chế lây nhiễm khác nhau- Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) cho biết. Giới nghiên cứu thường "hồi sinh" virus cổ đại để tìm hiểu thêm về chúng. Năm 2004, các nhà khoa học Mỹ đã hồi sinh virus cúm Tây Ban Nha nổi tiếng, từng giết chết hàng chục triệu người vào đầu thế kỷ trước.

Rửa rau thế nào mới sạch ký sinh trùng và hóa chất?

Rau có lá to nên rửa từng lá và cả hai mặt dưới vòi nước chảy để sạch ký sinh trùng, sau đó rửa lại trong thau. Rau quả tươi có nhiều nước, có men, các chất dinh dưỡng là môi trường thích hợp cho vi sinh vật phát triển và men dễ hoạt động. Vì thế, đây là thực phẩm rất dễ bị hư hỏng. Đồng thời, rau quả tươi hiện nay có nguy cơ rất cao tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản. Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), khi lựa chọn rau quả tươi người dân cần chú ý một số đặc điểm sau:

- Hình dáng bên ngoài: Còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy xướt thâm nhũn ở núm cuống. Cảnh giác loại quá 'mập'.

- Màu sắc:Có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo. Chú ý các loại quả xanh hoặc có màu sắc bất thường.

- Sờ nắm:Cảm giác nặng tay, dòn chắc. Chú ý cảm giác 'nhẹ bỗng' của một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích sinh trưởng và hóa chất bảo vệ thực vật.

- Không có dính chất lạ: Rất nhiều loại rau quả còn dính hóa chất bảo vệ thực vật trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả… có các vết lấm tấm hoặc vết trắng.

- Mùi: Không có mùi lạ. Nếu lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi hóa chất bảo vệ thực vật.

- Với quả: Có một số loại được ngâm tẩm chất bảo quản độc hại, nhìn ngoài vẫn có màu tươi đẹp nhưng núm cuống thâm nhũn hoặc còn dính hóa chất bảo vệ thưc vật. Bổ ra hoặc khi bóc vỏ thấy biến màu giữa lớp vỏ và thịt quả.


Hình 5

Một số người dùng nước muối, pha thuốc tím hoặc các loại hóa chất rửa rau an toàn được quảng cáo trên thị trường. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này, rau xanh hoặc quả tươi chỉ được làm sạch một phần, chủ yếu là loại bỏ một số chất bẩn, hóa chất, vi khuẩn. Còn ký sinh trùng gây bệnh thì rất khó làm sạch. Nếu dùng nước pha với muối, thuốc tím hoặc hóa chất tẩy sạch có nồng độ cao thì rau xanh sau khi rửa sẽ bị bầm dập, bớt xanh tươi, mùi vị có thể bị thay đổi. Vì vậy cách rửa truyền thống, đơn giản nhưng bảo đảm an toàn vệ sinh nhất như sau:

-Phải đảm bảo nước dùng để rửa phải sạch, rửa dưới vòi nước chảy từ 3 nước trở lên, sau đó tùy vào từng loại rau áp dụng khác nhau:

-Nếu là cọng rau lá to như cải xanh, xà lách… thì phải bẻ ra từng nhánh, từng lá, để dưới vòi nước chảy mạnh một lúc lâu cho sạch hết ký sinh trùng nếu có. Lật tiếp qua bề mặt kia rửa tương tự như vậy. Sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường một hoặc hai nước.

-Nếu là rau cọng nhỏ như cải xoong, rau muống… thì để vào thau rồi đảo qua đảo lại nhiều lần, ít nhất cũng phải thay 5-6 nước.

-Cuối cùng có thể ngâm nước muối hoặc sục trong nước ozon.

-Quả tươi: Rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, trước khi ăn nên gọt vỏ.

Rau sạch mua ở siêu thị, trước khi sử dụng vẫn phải rửa thật sạch, tốt nhất là rửa từng lá rau dưới vòi nước chảy nhiều lần để vi khuẩn, trứng ký sinh trùng và hóa chất còn bám trên rau trôi đi. Muốn tránh nhiễm ký sinh trùng, nên rửa rau sạch trước khi chế biến. Muốn thật an toàn nên đun nấu chín, không ăn rau sống và các món gỏi.

Một số vi sinh vật nguy hiểm nhất đối với con người

Sinh vật ký sinh vốn là một điều bình thường của tự nhiên, ngay cả với con người. Tuy vậy có những loài ký sinh đã đạt tới đẳng cấp biến vật chủ thành zombie, thậm chí là khiến cho vật chủ trở thành "xăng pha nhớt", điều khiển và chiếm đoạt luôn thân xác vật chủ. thể nói sinh vật ký sinh có ở mọi nơi. Nhiều loài vật thậm chí mang trên mình nhiều loài ký sinh cùng lúc. Cá biệt hơn, có cả loài ký sinh sống "bám" vào loài ký sinh khác. Có những trường hợp, một thể vật chủ có nhiều loài ký sinh khác nhau, với những "chương trình làm việc" khác nhau. Những "chương trình" này mâu thuẫn lẫn nhau và các loài ký sinh buộc phải... tranh giành vật chủ theo ý mình. Dưới đây là một số loài ký sinh đáng sợ tiêu biểu:

1. Nấm ký sinh kiến | Tên khoa học Ophiocordyceps unilateralis

Kiến là một loài rất giỏi về năng lực định vị, đặc biệt trong tìm kiếm thức ăn. Nhưng khi bị nhiễm loại nấm Ophiocordyceps unilateralis, loài kiến Camponotus leonardi vốn sống ở các rừng mưa nhiệt đới tại Thái Lan, Châu Phi và Brazil bắt đầu "lạc đường" đến những nơi không cần đến. Một bản nghiên cứu từ 2009 cho thấy, khi một bào tử nấm Ophiocordyceps unilateralis tìm được vật chủ, nó sẽ mất từ 3 - 9 ngày để phát triển. Đến khi cây nấm này gần kết thúc chu kỳ sống, nó sẽ điều khiển con vật xa rời khỏi tổ ấm, ra đi với một hành tung tựa như zombie.


Xác chú kiến tội nghiệp bị nấm bao phủ

Tất cả những chú kiến bị nhiễm loại nấm này đều tìm đến những địa điểm tương đồng - leo lên cao khoảng 25 cm trên một cái cây, nơi mà ẩm độ thích hợp cho nấm phát triển. Sau đó con vật sẽ bò xuống mặt dưới của một chiếc lá, bám mình vào đấy và chết. Trong vòng 24 giờ sau đó, những cây nấm sẽ mọc ra từ xác con vật chết. Chúng gieo các bào tử rơi xuống nền đất của rừng mưa, nơi những con kiến khác có thể đi qua và tiếp tục một chu kỳ mới. Tương tự như loài ký sinh trong bộ phim viễn tưởng Alien, loài nấm này cũng "bung" ra ngoài cơ thể vật chủ, nhưng thay vì lồng ngực thì Ophiocordyceps unilateralis chọn đầu con kiến làm nơi kết thúc công việc của mình.

2. Sâu đuôi ngựa Kamikaze | Tên khoa học Paragordius tricuspidatus

Khi trưởng thành, loài sâu này có thể dài tới 30 cm, giống như một sợi mỳ Ý. Nhưng trước khi đạt được tới kích thước đó, nó cần tìm một tổ ấm nằm bên trong một chú dế hoặc châu chấu. Nhưng để có thể lọt vào bụng một con dế, trước hết ấu trùng loài sâu này "chấp nhận" bị ăn bởi ấu trùng của một loài côn trùng khác, ví như ấu trùng muỗi (bọ gậy) hoặc các sinh vật phù du có trong nước. Khi các ấu trùng vật chủ trưởng thành, chúng ra khỏi mặt nước và bị châu chấu hoặc dế ăn thịt. Đấy là lúc ấu trùng sâu đuôi ngựa bắt đầu "cựa mình".


Sâu đuôi ngựa chui ra từ bụng chú dế vừa "tự sát"

Tuy ngụ cư ở trên mặt đất, nhưng đến cuối đời, loài sâu này lại tìm cách trở lại với ao hồ. Và vì dế hay châu chấu không biết bơi, nên loài sâu này buộc phải "can thiệp" vào não của vật chủ để đạt được mục đích. Sau khi bị tác động vào hệ thống thần kinh trung ương, chú châu chấu hay dế đáng thương sẽ "tự" chết đuối trong hồ nước. Chỉ chờ có thế, loài sâu đuôi ngựa này chui ra khỏi bụng của vật chủ và bắt đầu đẻ trứng, chuẩn bị cho vòng tuần hoàn của một thế hệ sâu đuôi ngựa mới. Nhìn từ bên ngoài, chúng ta sẽ không thể biết được chú dế có bị nhiễm sâu hay không. Chỉ đến khi chúng "tự tử". Nhà nghiên cứu Ben Hanelt thuộc ĐH New Mexico tại Albuquerque, khi nghiên cứu loài sâu này, đã chứng kiến cảnh có đến 32 con sâu chui ra chỉ từ trong bụng một vật chủ duy nhất!

3. Hà Sacculina | Tên khoa học Sacculina spp.

Nếu bạn nghĩ bắt dế "nhảy lầu" thật ấn tượng thì câu chuyện về loài hà ký sinh sau đây còn khiến bạn rùng mình hơn nữa. Loài hà Sacculina spp. tìm nơi ẩn mình trên cơ thể một con cua. Nó sẽ xâm nhập vào bên trong bằng cách tìm một kẽ hở nằm giữa tiếp điểm của những chiếc càng. Sau khi xé được lớp vỏ cứng bên ngoài, hà Sacculina spp. bấu chặt mình vào cơ thể vật chủ. Lúc này, nhìn nó giống một con ốc hơn là một loài hà vốn cả đời bám mình trên vách đá hoặc ở mạn dưới một chiếc tàu biển.


Tuy là hà nhưng Sacculina lại "thích" bám trên bụng cua chứ không phải vách đá

Đột nhập được vào bên trong, hà Sacculina chỉ việc "ăn và đẻ". Đến khi trưởng thành, hà Sacculina trông như một trái trứng mềm, nhún nhẩy trên cơ thể con cua. Điều đặc biệt là, nếu con cua giống cái, hà Sacculina spp. sẽ bắt nó chăm sóc hàng triệu ấu trùng loài hà này khi nó đu bám trên vật chủ. Nhưng nếu con cua giống đực, hà Sacculina sẽ bắt nó... "lại cái" để thực hiện cùng một hành vi. Chưa hết, hà Sacculina spp. còn khiến cho tuyến sinh dục của con cua tiêu biến, ngưng phát triển các càng cua và chỉ nở to bụng lên để nuôi ấu trùng loài hà này.

4. Sâu dẹt khoang xanh | Tên khoa học Leucochloridium paradoxum

Nếu bạn thấy một chú ốc sên với 2 cuống mắt rực rỡ, ngoe nguẩy với những dải màu ngọc bích hoặc xanh dầu oliu, đỉnh được bọc bằng những vết đốm màu xám của than, hãy chú ý. Đó không chỉ là một chú ốc thông thường. Thực ra, chú ốc này đang bị nhiễm sâu dẹt. Những con ốc này chỉ là vật chủ trung gian trong chu kỳ sống của loài sâu dẹt. Trước hết chúng tìm cách bò lên cho được tới đỉnh cuống mắt của con ốc. Từ đó những con ốc này sẽ trở nên dễ phát hiện và "ngon mắt" hơn trong mắt những con chim ở gần ấy.


Chú ốc sên đã bị nhiễm sâu dẹt khoanh xanh với những đốm mắt đầy màu sắc

Trong một nghiên cứu hồi 2013, hai nhà sinh vật học Wanda Wesolowska và Tomasz Weslowski thuộc ĐH Wroclaw (Ba Lan) đã tìm thấy những chú ốc sên có hành vi kỳ lạ so với những con ốc thông thường khác. Những con ốc này bị nhiễm sâu dẹt và chúng tìm cách leo lên những cái cây cao, nằm vắt vẻo ở những vị trí "lộ thiên" phù hợp làm bữa ăn cho đám chim săn mồi. Mục tiêu sau cùng của loài sâu dẹt chính là bụng những con chim. Tại đấy chúng sẽ sinh sôi và đẻ trứng. Và theo đường chim bay, chu kỳ lây nhiễm lại tiếp tục.

5. o­ng ký sinh bọ rùa Ladybird | Tên khoa học Dinocampus coccinellae

Trứng là một trong những món ăn khoái khẩu với những kẻ săn mồi. Vậy làm sao để bảo vệ trứng của mình trước các mối nguy rình rập? Một loài o­ng bắp cày có cách riêng của chúng. Loài bọ rùa Ladybird nhìn có vẻ đáng yêu với những đốm hoa văn trên lưng chúng. Nhưng chúng không dễ bị "bắt nạt". Khi bị tấn công, chúng sẽ tiết ra một độc chất đáng sợ. Những cái đốm trên lưng chúng cũng ám chỉ cho các loài săn mồi đừng nên động vào (vì có độc). Và đây là lý do mà loài o­ng bắp cày trên "lợi dụng" Ladybird. Chỉ với một cú châm, một quả trứng nằm lại trên vỏ chú bọ rùa này.


Hai chú bọ Ladybird đang "bảo vệ" chiếc kén của loài o­ng bắp cày

Khi trứng o­ng nở, ấu trùng sẽ ăn dần nội tạng của chú bọ rùa trước khi đục thủng bụng con vật đáng thương để đóng kén ngay dưới chân nó. Giờ đây, chú bọ rùa hoá thành "vệ sỹ" bất đắc dĩ cho chiếc kén bên dưới bụng. Chú bọ rùa sẽ không chết ngay mà cố bảo vệ con vật đã ăn mòn cơ thể mình. Chưa rõ tại sao chúng lại hành động như thế, nhưng có vẻ độc chất mà ấu trùng o­ng bắp cày để lại đã tác động lên hệ thần kinh của chú bọ.

6. o­ng ngọc lục bảo ký sinh trên gián | Tên khoa học Ampulex compressa

Cơ thể óng ánh màu ngọc lục bảo với những chấm đỏ thẫm nằm trên 2 chân mình, o­ng ngọc lục bảo có mặt tại khu vực nhiệt đới của châu Á, châu Phi và Thái Bình Dương là một loài côn trùng tuyệt đẹp. Song với những chú gián ở gần đấy thì ngược lại. Tuy chỉ nhỏ bằng 1/6 kích thước chú gián, nhưng o­ng ngọc lục bảo không hề ngần ngại. Chỉ một cú châm gây tê liệt, con o­ng đã "hack" được hệ thần kinh của chú gián, thông qua một hoá chất truyền tín hiệu giữa các neuron. Chú gián trở thành một zombie bất đắc dĩ.


Ong ngọc lục bảo chui ra từ xác chú gián đã bị ăn thịt

Sau khi làm tê liệt chú gián tội nghiệp, con o­ng hút chất dinh dưỡng trong cơ thể vật chủ, ngoạm đứt những cái râu đóng vai trò ăng-ten định hướng của chú gián. Giờ đây con o­ng có thể "dắt" chú gián đi bất kỳ đâu nó muốn giống như chúng ta dắt chó đi dạo. Điểm đến của con o­ng là chiếc tổ của nó, nơi mà bụng chú gián sẽ chứa đầy trứng o­ng chờ được nở. Cẩn thận hơn, con o­ng "nhốt" chú gián lại trong hang bằng những viên đá nhỏ. Tuy vậy việc làm này không cần thiết lắm vì chú gián vô tội không hề tìm cách trốn. Ấu trùng o­ng nở ra và chúng chỉ việc "đánh chén" cơ thể con vật tội nghiệp, trước khi tháo bung ra ngoài khỏi phần còn lại.

7. Trùng Toxoplasmosis | Tên khoa học Toxoplasma gondii

Đây có lẽ là một trong những loài ký sinh nổi tiếng nhất. Vì vật chủ mà loài trùng đơn bào này nhắm tới thường sống quanh nơi ở của con người. Đối tượng đầu tiên bị lây nhiễm là chuột đồng và chuột nhà. Theo một nghiên cứu từ 2007, những con chuột bị nhiễm loại trùng trên mất cảm giác sợ loài mèo. Ngược lại, chúng còn tỏ ra bị hấp dẫn bởi pheromone có trong nước tiểu mèo. Con vật ít trốn tránh hơn và thường lảng vảng xung quanh nơi lũ mèo sinh sống, nhằm một mục tiêu sau cùng - đưa loài trùng này vào bụng lũ mèo.


Trùng Toxoplasmosis dưới kính hiển vi

Vì mèo là một thú nuôi phổ biến nên lượng người mắc phải loài trùng này khá nhiều. Có từ 30-60% người mắc phải trùng T. gondii. Tuy vậy, liệu loài ký sinh này có tác động lên thần kinh con người không vẫn còn chưa sáng tỏ. Một bản nghiên cứu từ 2006 của Kevin Laffery tại Phòng Thăm dò Địa Chất thuộc Santa Barbara, California (Mỹ) cho thấy một số thay đổi về mặt hành vi của người bị nhiễm T. gondii. Dù vậy, điều này dường như chỉ là sự trùng hợp vì có nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới hành vi con người, ví dụ như tiền bạc, công việc. Trùng Toxoplasma spp cũng dường như có liên quan tới những người bị tâm thần phân liệt (schizophrenia), nhưng chưa rõ ràng cho lắm. Lafferty cho biết trong báo cáo: "Tâm thần phân liệt là một hội chứng phức tạp, bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi cảm thấy an toàn khi nói rằng Toxoplasmosis là một rủi ro có liên quan tới tâm thần phân liệt". Ông cũng nhấn mạnh rằng có những người bị tâm thần phân liệt nhưng không nhiễm Toxoplasmosis và có những người nhiễm Toxoplasmosis nhưng không bị hội chứng trên.

8. Virus bệnh dại

Bạn có vẻ thấy lạ lẫm khi nghĩ virus dại như một thể ký sinh, nhưng các nhà sinh vật học lại hoàn toàn nghĩ như thế. Levi Morran, thuộc ĐH Emory tại Atlanta, Georgia (Mỹ), cho rằng: "Tôi sẽ gọi virus dại hay cảm cúm là những thể ký sinh. Bởi vì chúng làm suy giảm thể chất của vật chủ, hoặc vì chúng đạt được mục đích của mình bằng cái giá mà vật chủ bỏ ra". Dại là một căn bệnh đáng sợ khi nó làm nhoà đi khoảng cách giữa con người và động vật. Virus dại lây nhiễm thông qua nước miếng của vật chủ, thường là từ vết thương hở như bị cấu cào hay cắn. Nó khiến cho những vật bị nhiễm - thường là dơi hoặc chó, thậm chí cả con người - trở nên hung hãn, can thiệp hành vi của vật chủ chỉ nhằm mục đích lây lan chúng ra ngoài bằng cách cắn hoặc cào.


Virus bệnh dại đang đào thoát khỏi vật chủ sau khi sinh sản xong

Chuyên gia ký sinh học Andres Gomez thuộc trung tâm ICF International tại Washington DC (Mỹ), nhận định: "Virus dại thể hiện bản thân chúng thông qua một loạt các dấu hiệu thần kinh, bao gồm cả thay đổi hành vi nhưng cũng đồng thời dẫn tới việc mất kiểm soát. Và điều sau cùng dẫn tới các khó khăn cho chính vật chủ ví như nuốt thức ăn, làm cho vật chủ bị đói, suy giảm đường huyết và mất nước".

9. Virus bệnh cúm

Nghe khá lạ nhưng một nghiên cứu từ 2010 của Chris Reiber thuộc ĐH Binghamton tại New York (Mỹ) cho thấy virus cúm khiến con người thay đổi hành vi. Cụ thể là những người bệnh trở nên... hoà đồng hơn với mọi người. Nhóm nghiên cứu của Chris nhận ra rằng những người được tiêm vaccine cúm (là thể virus được làm yếu) bỗng dưng tương tác hơn với nhiều người. Khi so sánh 48 giờ trước và 48 giờ sau của những người bị phơi nhiễm, họ nhận ra rằng những người này có xu hướng tìm đến những chốn đông người như quán bar hay các bữa tiệc.


Virus cúm H1N1

Tuy chỉ là một nghiên cứu nhỏ, song nó cũng gây ra nhiều suy nghĩ. Rõ ràng việc tiếp xúc với nhiều người hơn sẽ giúp virus lan truyền tốt hơn. Kể cả khi virus còn đang ủ bệnh và chưa gây ra các triệu chứng thực sự. Nhưng một khi bệnh đã xảy ra thì thường nó kéo theo nhiều người bệnh cùng lúc do họ đã bị phơi nhiễm từ trước.

10. Sán Schistocephalus solidus

Trong nghiên cứu của mình, Nina Hafer và Manfred Milinski tại Phòng Sinh học Tiến hoá, thuộc Học viện Planck tại Ploen (Đức), đã cho một số sinh vật giáp xác (copepod) bị lây nhiễm loài sán Schistocephalus solidus. Mục tiêu sau cùng của loài sán trên là tìm cách nhiễm vào loài cá gai (stickleback), bằng cách kích thích loài giáp xác lộ diện trước mặt sinh vật săn mồi để bị ăn thịt.


Vật chủ cá gai và loài ký sinh sán dây Schistocephalus

Nina và Manfred nhận ra rằng nếu 2 con sán trên cùng một thể giáp xác cùng muốn "chuyển nhà", chúng sẽ cùng tác động vật chủ khiến hành vi này trở lên mạnh mẽ. Song ngược lại, nếu chỉ có 1 con sán (già hơn) muốn "chuyển" nhưng con còn lại (trẻ hơn) chưa sẵn sàng, thì con giáp xác vẫn tự kiểm soát hành vi của chính nó. Và sau cùng, dường như đã có cuộc "tranh giành" giữa 2 con sán để nắm quyền kiểm soát vật chủ. Kết quả Nina và Manfred ghi nhận, có vẻ con sán già hơn đã "phá hoại" thành công tên đồng loại ít tuổi mà "ngang ngạnh".

Bị ký sinh trùng ăn giác mạc vì đeo kính áp tròng

Ban đầu cô gái 18 tuổi cho rằng bị nhiễm trùng mắt do thấy mí nặng. Nhưng sau đó, mắt cô lồi lên, tấy đỏ và đau nức, phải nhập viện. Jessica Greaney, sinh viên năm nhất trường đại học Nottingham, Anh bị ký sinh trùng giống như con giun nhỏ có tên khoa học là acanthamoeba keratitis xâm nhập vào mắt sau khi một giọt nước máy bắn lên mắt trái đang đeo kính áp tròng của cô. Ban đầu cô gái 18 tuổi cho rằng mình bị nhiễm trùng mắt do thấy mí nặng.

Nhưng mấy ngày sau, con mắt lồi lên và tấy đỏ, khiến cô quá đau nhức và phải nhập viện. "Cứ 10 phút một, tôi lại được người ta nhỏ thuốc vào mắt do con ký sinh trùng đang ăn dần giác mạc của tôi", Greaney kể lại. Cô cũng rút ra nhận định rằng các nguồn nước có chứa cả tấn các vi khuẩn khác nhau, và acanthamoeba chỉ là một trong số đó. "Một bên kính áp tròng của tôi đã bị nhiễm khuẩn, và con ký sinh trùng đã tồn tại ở vị trí giữa thấu kính và mắt", Telegraph dẫn lời cô gái sinh ra tại Birmingham cho biết. 

Nếu không được điều trị kịp thời, con vi khuẩn sẽ gây ra các vấn đề về thị lực và tê liệt, thậm chí là tử vong nếu nó ăn mòn giác mạc, đi xuyên qua mắt và tấn công vào tủy sống. Do phải tra mắt thường xuyên nên Greaney chỉ có vài phút để chợp mắt trước khi bị đánh thức trở lại. Cô sinh viên trẻ chia sẻ không được ngủ suốt một tuần chẳng khác gì bị "tra tấn". Greaney cho hay cô đeo kính áp tròng mới được 2 năm và không hề nghĩ mình có thể bị vi khuẩn từ nguồn nước máy thường ngày tấn công. "Tôi muốn mọi người hiểu hơn về sự nguy hiểm của ký sinh trùng để họ cẩn thận hơn khi sử dụng các loại kính áp tròng", Greaney nói. 


Hình thuốc Ivermectin

Một số biệt dược thuốc điều trị giun sán mới trên thị trường

Hiện tại trên thị trường có xuất hiện nhiều loại biệt dược thuocs chống giun sán khác nhau từ các công ty cổ phàn dược phẩm trong nước mua nguyên liệu từ châu Âu về để đóng gói và ra viên dạng thành phẩm thuốc và đã và đang sửu dụng trên các cơ sở điều trị tại Việt Nam như:

(i)Với thuốc có hoạt chất Ivermectin gồm có các biệt dược như Ivermectin®, Pizar®, Ivermectin 3 AT®, Stomectrol®, với nhiều hàm lượng viên thuốc 3 mg vafg 6 mg khác nhau dê dùng trên đối tượng trẻ em và người lớn;

(ii)Với thuốc có thành phần hoạt chất triclabendazole gồm có các biệt dược như Deworm®, Lesaxys®, Egaten®,…

Việc ra đời các sản phảm thuốc như thế sẽ cho bác sỹ nhiều lựa chọn thuốc cho bệnh nhân và không có mang tính xung đột về thương mại tại các cơ sở y tế.

 

Ngày 06/11/2017
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang
(Tổng hợp)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích