Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Finance & Retail Góc thư giản
Thế giới đó đây
Góc nhìn văn hóa
Cười 24h
Góc thơ

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 9 4 5 6
Số người đang truy cập
3 3 0
 Góc thư giản Góc nhìn văn hóa
(ảnh minh họa)
Cần bảo đảm vệ sinh trong việc mai táng và hỏa táng người chết

Hiện nay mai táng, hỏa táng người chết ở nhiều địa phương có những tập tục khác nhau nhưng cần bảo đảm vấn đề vệ sinh để phòng ngừa tác động xấu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người ở chung quanh và môi trường sinh sống. Việc bảo đảm vệ sinh trong mai táng, hỏa táng người chết phải thực hiện đúng theo những quy định hướng dẫn cần thiết của Bộ Y tế.

Một số thuật ngữ liên quan và nguyên tắc quy định

Mai táng người chết là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt người chết ở dưới mặt đất. Mai táng một lần là hình thức lưu giữ thi hài vĩnh viễn trong lòng đất, còn hung táng là hình thức mai táng thi hài trong lòng đất với một khoảng thời gian nhất định, sau đó thi hài sẽ được cải táng hay bốc mộ là thực hiện việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang mộ cát táng hoặc để hỏa táng và có thể nói cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng. Theo đó, thi hài được hiểu là xác người chết hoặc phần cơ thể còn lại của người chết; hài cốt là xương của người chết sau cải táng. Trước khi mai táng hay cải táng, việc lưu giữ thi hài hay hài cốt được gọi là quàn ướp và khâm liệm là thực hiện việc bao bọc thi hài bằng vải hoặc các vật liệu khác trong thời gian quàn ướp trước khi đặt vào quan tài. Hỏa táng người chết là thực hiện việc thiêu đốt thi hài hoặc hài cốt người chết ở nhiệt độ cao đến khi thành tro ở tại các nhà hỏa táng. Nguyên tắc chung về vệ sinh trong hoạt động mai táng, hỏa táng người chết được Bộ Y tế hướng dẫn là phải bảo đảm yêu cầu không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không làm ô nhiễm môi trường; tôn trọng các quyền tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán nhưng phải phù hợp với những quy định về vấn đề vệ sinh; đồng thời cũng phải tuân thủ các quy định liên quan khác của pháp luật.

Vệ sinh trong quàn ướp thi hài

Thời gian quàn ướp thi hài được thực hiện theo từng trường hợp như: người chết do nguyên nhân thông thường, người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm, người chết với thi hài đã bị thối rửa khi phát hiện, người chết với số lượng nhiều do thiên tai thảm họa...

Đối với người chết do nguyên nhân thông thường: Trong điều kiện bình thường không có bảo quản lạnh, thời gian quàn ướp thi hài không được quá 48 giờ kể từ khi chết. Trong điều kiện bảo quản lạnh ở nhiệt độ 2 - 4oC hoặc thấp hơn thì thời gian quàn ướp thi hài không được quá 7 ngày kể từ khi chết.

Đối với người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm: Nếu người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ Y tế thì thời gian quàn ướp thi hài không được quá 24 giờ kể từ khi chết.

Đối với thi hài đã bị thối rữa khi phát hiện: Thời gian quàn ướp thi hài tối đa không quá 12 giờ kể từ khi tìm thấy thi hài. Trường hợp phải quàn ướp thi hài lâu hơn để nhận dạng hoặc xác định nguyên nhân tử vong thì người đề nghị gia hạn thời gian quàn ướp phải liên hệ với cơ quan y tế địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn các biện pháp quàn ướp, cách ly tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.

Đối với trường hợp có nhiều người chết do thiên tai, thảm họa: Thời gian quàn ướp các thi hài sẽ do người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm khắc phục thiên tai thảm họa đó quyết định nhưng không được quá 48 giờ tính từ khi chết hoặc 12 giờ tính từ khi tìm thấy thi hài. Trường hợp phải quàn ướp thi hài lâu hơn để nhận dạng thì người đề nghị gia hạn thời gian quàn ướp phải liên hệ với cơ quan y tế địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn các biện pháp quàn ướp, cách ly tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.

Nơi quàn ướp thi hài người chết cũng phải được thực hiện theo quy định. Nếu tại các hộ gia đình, thi hài phải được quàn ướp nơi thông thoáng ở trong nhà, được phủ kín bằng chăn hoặc vải và phải có người trông coi thường xuyên để bảo vệ thi hài tránh côn trùng, súc vật xâm nhập. Nếu tại nhà tang lễ hoặc nhà xác của bệnh viện, thi hài phải được quàn ướp ở phòng quàn ướp, không được quàn ướp tại phòng tổ chức tang lễ ngoại trừ thời gian tiến hành tổ chức tang lễ. Trường hợp người chết nhưng không được đưa vào trong nhà ở, nhà tang lễ hoặc nhà xác bệnh viện thì phải tiến hành quàn ướp tại nơi bảo đảm thông thoáng; không bị mưa, nắng, côn trùng, súc vật xâm nhập để tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.


Việc mai táng, hỏa táng người chết phải thực hiện đúng theo quy định về vệ sinh
(ảnh minh họa)

Vệ sinh trong khâm liệm thi hài

Việc vệ sinh trong khâm liệm thi hài cũng được thực hiện theo từng trường hợp như: người chết do nguyên nhân thông thường, người chết do các bệnh truyền nhiễm.

Đối với người chết do nguyên nhân thông thường: Thời gian khâm liệm thi hài không được quá 12 giờ đối với trường hợp thi hài không được bảo quản lạnh và không quá 7 ngày đối với trường hợp thi hài được bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 2 - 4oC hoặc thấp hơn kể từ khi chết. Quan tài phải được trát kín bằng các vật liệu như: keo, sơn ta, đất sét để bảo đảm không rò rỉ. Khi khâm liệm, tuỳ theo phong tục tập quán có thể dùng bông để nút kín các hốc tự nhiên của thi hài và cho vào quan tài một số vật liệu có khả năng thấm nước, hút mùi như: chè khô, bông thấm nước, bỏng ngô, gạo rang, giấy bản.

Đối với người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm: Nếu người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ Y tế hoặc khi phát hiện thi hài đã bị thối rữa thì ngoài việc thực hiện quy định quan tài phải được trát kín bằng các vật liệu như: keo, sơn ta, đất sét để bảo đảm không rò rỉ và khi khâm liệm, tuỳ theo phong tục tập quán có thể dùng bông để nút kín các hốc tự nhiên của thi hài và cho vào quan tài một số vật liệu có khả năng thấm nước, hút mùi như: chè khô, bông thấm nước, bỏng ngô, gạo rang, giấy bản; việc khâm liệm thi hài còn phải tuân thủ thêm các quy định như: Phải khâm liệm trong vòng 6 giờ kể từ khi chết hoặc khi phát hiện thi hài. Thi hài phải được xử lý trước khi khâm liệm bằng các hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành; nếu dùng hoá chất là chloramin B thì xử lý bằng cách dùng bông tẩm dung dịch chloramin B nồng độ 5% để nút kín các hốc tự nhiên của thi hài sau đó phun dung dịch chloramin B nồng độ 5% lên toàn bộ thi hài hoặc dùng vải liệm được tẩm dung dịch chloramin B nồng độ 5% để quấn kín toàn bộ thi hài. Thi hài phải được bọc kín bằng vật liệu không thấm nước trước khi cho vào quan tài. Lưu ý phần nền nhà, khu đất, tường xung quanh nơi đặt thi hài và các vật dụng có tiếp xúc với thi hài phải được xử lý bằng các hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành ngay sau khi khâm liệm. Nếu dùng hoá chất là chloramin B thì xử lý bằng cách lau hoặc phun phủ kín lên toàn bộ bề mặt của nền nhà, khu đất, tường xung quanh nơi đặt thi hài hoặc các vật dụng có tiếp xúc với thi hài bằng dung dịch chloramin B nồng độ 5% và duy trì thời gian tiếp xúc của hoá chất với nền nhà, tường xung quanh hoặc các vật dụng tối thiểu 30 phút.

Vệ sinh trong vận chuyển thi hài, hài cốt

Việc vệ sinh trong vận chuyển thi hài được thực hiện theo từng trường hợp. Trường hợp người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A phải thực hiện việc mai táng, hoả táng tại nghĩa trang hay nhà hỏa táng gần nhất. Trước khi vận chuyển thi hài đi mai táng hoặc hoả táng thì thi hài phải được khâm liệm theo đúng quy định đã nêu ở trên. Trường hợp người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ Y tế hoặc thi hài đã bị thối rữa thì trước khi vận chuyển, thi hài phải được khâm liệm theo đúng quy định đã nêu ở trên. Thi hài khi vận chuyển phải được bao bọc kín bằng các vật liệu không thấm nước và được vận chuyển bằng phương tiện riêng; nếu vận chuyển bằng phương tiện vận tải giao thông đường không, đường thủy, đường biển hoặc đường sắt thì thi hài phải được đặt ở buồng riêng và kín. Khi vận chuyển thi hài qua biên giới, thi hài phải được đặt trong quan tài 3 lớp gồm: lớp trong bằng kẽm hoặc bằng vật liệu khác có khả năng chịu lực, không rò rỉ, có lót chất hút ẩm và được hàn kín; lớp giữa bằng gỗ và lớp ngoài bằng ván ép. Trường hợp người chết với số lượng lớn do thiên tai, thảm họa; việc sử dụng phương tiện vận chuyển thi hài sẽ do người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm khắc phục thiên tai, thảm họa đó quyết định nhưng phải thực hiện đúng theo các hướng dẫn của cơ quan y tế để ngăn ngừa sự lây lan các bệnh truyền nhiễm. Việc vệ sinh trong vận chuyển hài cốt được thực hiện theo quy định hài cốt phải được đựng trong các vật dụng kín, không thấm nước. Khi vận chuyển hài cốt qua biên giới phải bọc kín hài cốt trong 2 lớp: lớp trong là vật liệu không thấm nước, lớp ngoài là quách bằng gỗ hoặc bằng sành hay sứ.

Vệ sinh trong mai táng, hỏa táng

Thi hài, hài cốt người chết khi mai táng phải được mai táng trong các nghĩa trang theo đúng quy định của việc mai táng và lưu ý trong những trường hợp đặc biệt. Trường hợp mai táng người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ Y tế hoặc thi hài đã bị thối rữa phải xử lý đúng quy trình: Trước khi đặt quan tài xuống huyệt, phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch chloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột xung quanh thành huyệt và đáy huyệt. Trước khi lấp đất, phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch chloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột ở xung quanh và trên mặt quan tài. Trường hợp mai táng người chết trong khi ngập lụt phải chọn nghĩa trang hoặc nơi gò đất cao không có nguy cơ ngập nước để mai táng. Trường hợp có người chết với số lượng lớn mà không có điều kiện mai táng theo từng phần mộ riêng biệt, có thể tiến hành mai táng theo các mộ tập thể nhưng phải đảm bảo các yêu cầu như: Chỉ được tiến hành mai táng các thi hài trong mộ tập thể tại các nghĩa trang hoặc những vị trí đáp ứng được các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng nghĩa trang được ban hành. Khoảng cách giữa 2 thi hài liền nhau trong mộ tập thể tối thiểu 50 cm. Nếu sắp xếp các thi hài theo nhiều tầng thì khoảng cách giữa các tầng là 50 cm và phải bố trí các thi hài xen kẽ giữa tầng trên và tầng dưới. Tầng thi hài trên cùng cách mặt đất tối thiểu là 100 cm, đáy huyệt mộ cách mực nước ngầm tối thiểu là 120 cm hoặc 150 cm đối với vùng đất cát. Phải có hệ thống thông khí, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ thoát ra từ mộ tập thể. Lưu ý thi hài, hài cốt khi hỏa táng phải được hỏa táng tại các nhà hỏa táng đáp ứng đủ các điều kiện quy định cần thiết.

Vệ sinh đối với người tham gia hoạt động mai táng, hỏa táng

Người trực tiếp tham gia khâm liệm, quàn ướp, mai táng, hỏa táng người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ Y tế hoặc thi hài đã bị thối rữa phải sử dụng các trang bị bảo hộ cá nhân như mũ, kính mắt, khẩu trang, quần áo, ủng, găng tay trong suốt quá trình thực hiện công việc; khử khuẩn tay bằng dung dịch chloramin B 2% hoặc bằng các hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành và thực hiện các hoạt động vệ sinh cá nhân khác sau khi công việc kết thúc. Người làm nghề mai táng, hỏa táng, cải táng chuyên nghiệp phải được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần. Người trực tiếp cải táng phải sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay trong suốt quá trình thực hiện công việc. Người trực tiếp tham gia khâm liệm, quàn ướp, mai táng, hỏa táng người chết do các nguyên nhân thông thường phải khuyến khích sử dụng các trang bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay trong suốt quá trình thực hiện công việc; sau khi công việc kết thúc phải rửa tay bằng xà phòng hoặc khử khuẩn tay bằng chloramin B nồng độ 2% hoặc bằng các hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành.

Điều cần quan tâm

Việc vệ sinh trong mai táng và hỏa táng người chết đã được Bộ Y tế hướng dẫn một cách cụ thể từ việc vệ sinh trong quàn ướp, khâm liệm, vận chuyển thi hài, hài cốt cho đến việc vệ sinh trong mai táng, hỏa táng và vệ sinh đối với người tham gia các hoạt động mai táng, hỏa táng với mục đích là bảo đảm những yêu cầu cần thiết, không ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia hoạt động này cũng như những người ở chung quanh và không làm ô nhiễm môi trường. Mặc dù việc mai táng và hỏa táng người chết được thực hiện trên tinh thần tôn trọng các quyền tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân ở địa phương nhưng bên cạnh đó người dân cũng phải nghiêm túc thực hiện đúng những quy định về vấn đề bảo đảm vệ sinh theo yêu cầu vì sức khỏe cộng đồng và môi trường sống, góp phần thực hiện nếp sống văn minh trong xã hội hiện đại.

Ngày 21/06/2017
TTƯT.BS. Nuyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích