Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 03/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Finance & Retail Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Tấm gương tiểu biểu
Tập thể điển hình tiên tiến
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 9 8 8 0 3
Số người đang truy cập
6 9
 Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm Tấm gương tiểu biểu
Giáo sư Tôn Thất Tùng trong một ca phẫu thuật.
Thiên tài y học Tôn Thất Tùng trong mắt một học trò

Hình như khi Thượng đế sinh ra một thiên tài, người đều đặt vào họ những thói tật kỳ dị, khác người? Và sự vĩ đại của họ đôi khi được làm nên từ những “mặt trái” - dị thường này? Giáo sư-Bác sĩ Tôn Thất Tùng là một thiên tài như vậy.

 

Chúng ta đã biết đến Bác sĩ Tôn Thất Tùng như một thần tượng của ngành y học Việt Nam và thế giới; người đã gây sự kinh ngạc cho nhân loại bởi những phát minh mới mẻ về lĩnh vực phẫu thuật gan khi chỉ mới 27 tuổi; người được bầu vào Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris, được giải thưởng quốc tế Lannelongue; và trên hết, được nhân dân Việt Nam tôn vinh như một người thầy thuốc vĩ đại. Tuy nhiên, một Tôn Thất Tùng với tất cả như con người của thầy thì bạn đọc mới chỉ biết đến qua cuốn Nhớ về những năm tháng đã qua – Giáo sư Đặng Hanh Đệ (NXB Thuận Hóa, 2011)

Đó là những mẩu chuyện về những năm tháng của người học trò Đặng Hanh Đệ bên Giáo sư Tôn Thất Tùng. Gần hai mươi năm kể từ ngày đầu tiên ra trường, cho đến khi thầy qua đời, trò Đệ luôn theo sát thầy Tùng ở phòng mổ. Gian khổ, đam mê; thành công và thất bại, trò Đệ đều nếm trải cùng thầy. Bởi vậy, trò Đệ đã có cơ hội tiếp thu ở thầy những kinh nghiệm quý báu của nghề nghiệp mà đâu dễ ai cũng có được cơ hội? Rồi nối tiếp bước chân của người thầy mà mình hết sức khâm phục, Đặng Hanh Đệ đã trở thành một Giáo sư-Bác sĩ uy tín, có những đóng góp quan trọng cho ngành y học, nhất là lĩnh vực tim mạch của Việt Nam.

Dưới mắt của người học trò Đặng Hanh Đệ, Giáo sư Tôn Thất Tùng không chỉ là người uyên bác, say mê, yêu thương con người và có lòng tự trọng dân tộc mà còn là một người “dị thường”. Chúng ta biết đến một Einstein, Newton với sự đãng trí bác học; nhạc sĩ Beethoven với sự luộm thuộm, hay cáu gắt; nhà tiểu thuyết Dostoievski, họa sĩ lập thể Picasso luôn thái quá tình dục… Và thiên tài y học Tôn Thất Tùng cũng không loại trừ.

Dưới đây là một vài tật rất “dễ thương” của Giáo sư Tôn Thất Tùng qua lời kể của Giáo sư Đặng Hanh Đệ:

Thầy Tùng mặc nhầm quần vợ…

Đó là tình huống trong mẩu chuyện Mổ tim hở với máy tim phổi. Đây là thời kỳ chiến tranh, giai đoạn khó khăn nhất của bệnh viện. Ngoài nhiệt huyết đam mê nghề nghiệp, tình thầy trò chân thực, sâu sắc, còn lại thiếu thốn đủ điều. Thiếu thuốc gây mê, thiếu máu truyền cho phẫu thuật. Không có máy hấp để sát trùng quần áo, không có dụng cụ cưa điện mà chỉ dùng đục và cưa để “xẻ” sườn bệnh nhân. Nan giải nhất là mất điện. Nhiều lúc đang mổ dang dở, bệnh nhân ở thời điểm nguy kịch nhất, phòng bỗng tối om. Máy nổ thì luôn bị thiếu xăng, xăng khan hiếm hơn cả máu. Có lúc điện mất, không thể đun nước sôi để chườm nóng cho bệnh nhân, bác sĩ đành phải “đẩy bệnh nhân ra vỉa hè phơi nắng”! Cả thầy Tùng, trò Đệ và đồng nghiệp luôn đối mặt với điều kiện tồi tệ này. Nhiều chuyên gia của Pháp sang không khỏi kinh ngạc. Làm sao bác sĩ Việt Nam có thể tiến hành phẫu thuật để cứu người trong điều kiện như vậy?

Hôm đó có bệnh nhân rất nặng, Bác sĩ Vi Thị Nguyệt Hồ (là vợ Giáo sư Tôn Thất Tùng) cùng trò Đệ và đồng nghiệp phải thức đến khuya để túc trực. Thầy Tùng lúc đó đang ở nhà, đợi mãi chẳng thấy vợ về, linh cảm có chuyện chẳng lành, đến thẳng bệnh viện trong đêm và cầm ống nghe, khám ngay cho bệnh nhân. Mọi người vây quanh thầy. Bỗng dưng, một học trò thốt lên: “Ô! Thầy mặc quần của cô”. Mọi người nhìn xuống và cười vang (tr.38). Thiên tài vĩ đại chỉ nói hai từ ngắn gọn: “Tao vội”!

Vậy mà cũng vào thời kỳ đó, người mặc nhầm quần vợ này đã thực hiện ca mổ tim hở với máy tim phổi thành công đầu tiên ở Việt Nam. Đó là năm 1965. Bác Hồ đã đích thân đến bệnh viện chúc mừng. Giáo sư John Gibbon - người đầu tiên nghiên cứu thành công máy tim phổi vào năm 1953 tại Bệnh viện Massachusetts cũng đã viết thư chúc mừng trong sự ngạc nhiên và khâm phục.

Thầy Tùng nổi giận với học trò

Theo Giáo sư Đặng Hanh Đệ, thầy Tùng nổi tiếng là người nóng tính. Nhất là trong lúc mổ, hễ học trò làm trái ý, thầy mắng chửi rất dữ dội. Thầy vứt dụng cụ tóe tung khắp nơi, có khi rơi vào người đứng phụ, kể cả vị hôn thê là cô Nguyệt Hồ cũng không ngoại trừ. Mặt thầy đỏ như gấc, hai mắt chằm chằm… Những lúc đó, học trò phụ mổ rất khiếp sợ. Vì vậy, họ rất ngại phụ cho thầy. Chỉ có trò Đệ là chịu tất! Nhiều lần, thầy đã nổi đóa với cả người học trò cưng của mình. Đó là lúc một tay trò Đệ phải làm đến hai việc: tiếp bệnh nhân và phụ mổ. Có lúc đến muộn, thầy dọa sẽ  đuổi khỏi bệnh viện!

Tuy nhiên, chỉ mấy phút sau, thầy Tùng dịu ngay. Lại thân thiện, gần gũi với học trò: “Thầy chẳng để bụng ai… Thầy cũng chẳng đuổi ai bao giờ đâu!” (tr.9). Thầy lại tận tụy bày cho học trò tỉ mỉ từ khâu cắt chỉ, nối chỉ đến thao tác cầm kéo. Bởi vậy mà trò Đệ đã học hỏi ở thầy những kỹ năng căn bản, nhất là những tình huống nguy kịch khi phẫu thuật. Cũng chính người thầy hay nổi đóa, làm trò bao phen khiếp đảm ấy lại là người thầy hết sức yêu thương, nâng đỡ và tôn trọng họ. Bởi vậy, dẫu sợ khiếp vía với cái tính Trương Phi của thầy, nhưng hầu hết học trò đều một mực tôn kính và khâm phục thầy. Thậm chí, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cho thầy. Năm 1972, Hà Nội ngày đêm B52 dội xuống như trút mưa, dân chúng sơ tán khắp nơi. Tất cả lo lắng, bàn bạc để thầy đi sơ tán, giữ gìn “vốn quí của đất nước”.  Và sự phản ứng của thầy, một lần nữa, đã dạy cho học trò bài học về lòng tự trọng dân tộc: “Các anh  bảo tôi đào ngũ à? Đất nước đang nguy nan, tôi biết tôi phải làm gì chứ? Các anh đi ra đi” (tr.61).

Thầy Tùng khóc

Đây không phải là sự kỳ dị mà chính là sự yếu mềm, đời thường của một người bác sĩ vĩ đại. Dưới mắt của người học trò Đặng Hanh Đệ, thầy Tùng không chỉ hiện lên với những ánh hào quang, mà còn là những thất bại, những nỗi đau buồn không thể tránh khỏi trong nghề nghiệp.

Đó là câu chuyện vỡ ống động mạch vào năm 1970. Ca mổ được thực hiện cho một bệnh nhân nam, có ống động mạch. Thầy Tùng mổ, còn trò Đệ phụ. Trong khi phẫu tích ống thì bỗng dưng máu phọt thành tia. Dòng máu réo lên sủi thành bọt, máu tràn ngập lồng ngực bệnh nhân. Dù đã dùng ống hút ở tốc độ tối đa, nhưng máu vẫn phun trào, tung tóe cả nền nhà. Mọi người nháo nhác. Bệnh nhân tử vong ngay.

Có lẽ không gì đau đớn hơn trong đời người bác sĩ như những phút giây đó? Cho phép tôi ghi lại xúc cảm này: “Hai thầy trò đứng lặng người, nhìn vào lồng ngực… Thầy lẳng lặng bước ra ngoài, cởi áo và găng mổ, rồi đi xuống nhà, chỉ còn tôi bên bệnh nhân... Tôi lặng lẽ khâu lại thành ngực của bệnh nhân, rồi xuống nhà... Tôi giật mình thấy Thầy đang ngồi gục đầu ở bậc thang cuối tầng một khi tôi bước qua… Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt thầy, trong lòng, một cảm giác buồn mênh mang đang trào dâng” (tr.46).

Thiên tài cũng có lúc thất bại. Giọt nước mắt của người thầy là nỗi đau ám ảnh người học trò Đặng Hanh Đệ, nhất là những lúc đối diện với mọi hiểm nghèo, giành giật từng giây phút mong manh giữa sự sống và cái chết.

Lặng lẽ bên người thầy của mình suốt gần 20 năm, người học trò khiêm tốn, kiên nhẫn, có lòng tự trọng và trên hết, rất tôn quí thầy, đã trở thành một Giáo sư-Bác sĩ nổi tiếng, có những đóng góp xứng đáng cho ngành y học Việt Nam.

Cuốn sách làm tôi cảm động bởi sự chân thực và giản dị. Một thế hệ y học thông minh, tự trọng, đam mê và dấn thân. Họ vượt lên tất cả, không chỉ là sự cùng cực trong chiến tranh, mà còn là sự trì trệ của một xã hội thời kỳ bao cấp. Có được những phẩm chất cao quý đó, phải chăng, họ đã ảnh hưởng từ nhân cách của người thầy Tôn Thất Tùng - một thiên tài y học vĩ đại và dị thường?

Qua những câu chuyện của Giáo sư Đặng Hanh Đệ, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về nhân cách của một người trí thức hiện nay. Thiết nghĩ, mỗi người bác sĩ, mỗi sinh viên y khoa hãy dành chút thời gian đọc cuốn sách này để có thể tự vấn lại lương tâm.  

Ngày 26/12/2011
Nguyễn Võ Hinh (st)
Theo: Trần Huyền Sâm (SK&ĐS)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích