Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 28/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 3 5 3 5
Số người đang truy cập
4 7 4
 Tư vấn sức khỏe
Q&A: Một số câu hỏi liên quan đến sốt rét và các bệnh ký sinh trùng tháng 4 và 5 năm 2019

bopha thach <bophadb@...l.com> 01684 294…Hỏi: Chào anh (chị), Em là Bô Pha, hiện tại em đang định hướng muốn làm đề tài nghiên cứu về đánh giá tác dụng kháng ký sinh trùng sốt rét của các cao chiết từ dược liệu. Em thấy bên cơ quan mình có giới thiệu các phương pháp đánh giá tác dụng này trên website nên em muốn hỏi là bên cơ quan mình có nhận mẫu dịch vụ không ạ?Em chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến sốt rét, đặc biệt là lĩnh vực ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, tuy nhiên với các cao chiết từ dược liệu chúng tôi chưa bao giờ thử nghiệm vì không có quy trình thực hành chuẩn (SOPs) cũng như là các protocol chuẩn, nên đến này vẫn chưa thấy tài liệu nào đưa ra vấn đề này.

Hiện nay, chúng tôi đã và đang thực hiện các nghiên cứu về nhạy-kháng thuốc sốt rét đang số là dạng thuốc tây chứ không phải thảo dược hay dịch chiết, song nếu các chế phẩm thuốc nếu xuất phát từ thiên nhiên mà ra thì đa số có vẻ chậm tiến triển kháng hơn so với các thuốc tổng hợp, ít ra là đúng với các thuốc sốt rét như trong ngành của chúng tôi. Bạn có thể liên hệ với các giáo viên bên trường dược, bộ môn dược liệu để tìm kiếm kinh nghiệm cho nghiên cứu của bạn nhé.

Thân chúc bạn khỏe!




Nguyễn Thị L., 29 tuổi, Long An:: Tôi gần đây có nghe đến một loại xét nghiệm mới giúp chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu và các tác nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu-sinh dục, xin các bác sỹ coh em biết, xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ loại xét nghiệm mới chẩn đoán nhiễm trùng lây qua đường tình dục mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (US.FDA) vừa cho phép tiếp thị một xét nghiệm mới để hỗ trợ chẩn đoán nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn Mycoplasma genitalium. Đây có thể là một loại vi khuẩn gây bệnh ở người mới nổi mà chúng ta cần quan tâm nghiên cứu để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời từng ca bệnh sẽ có hiệu quả hơn.


Đây là thử nghiệm đầu tiên được FDA cho phép để kiểm tra vi khuẩn M. genitalium liên quan đến viêm niệu đạo không do lậu cầu ở nam giới, viêm cổ tử cung, nhiễm trùng cơ quan sinh sản-ùng chậu) ở phụ nữ.Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến như visu HIV, viêm gan siêu vi B, lậu, giang mai, nhưng có một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất, nhiều người mắc nhất mà rất ít người biết, đó chính là bệnh do M. genitalium. Ước tính ít nhất trên 1% người trưởng thành nhiễm loại vi khuẩn này.

Vi khuẩn này lần đầu tiên được phân lập vào năm 1980, song đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ về tác hại của vi khuẩn này gây ra cho con người cũng như việc chẩn đoán bệnh hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Khi bị nhiễm khuẩn, nam giới có thể có những triệu chứng như chảy dịch, bị tiểu buốt, đau khi đi tiểu.


Ở nữ giới, triệu chứng thường nặng hơn như chảy dịch, ra máu trong và sau khi quan hệ, đau vùng bụng dưới. Tuy nhiên, nhiều người bị nhiễm vi khuẩn này lại không có triệu chứng hay biểu hiện gì rõ ràng. Một trong những khó khăn khi chẩn đoán trước đây là FDA chưa công nhận bất kỳ xét nghiệm nào để chẩn đoán chính xác bệnh. Để chẩn đoán bệnh thường phải dùng các xét nghiệm rất phức tạp và tốn kém như PCR, NAAT.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (US.CDC), M. genitalium chịu trách nhiệm gây ra khoảng 15-30% các ca viêm niệu đạo kéo dài hoặc tái phát ở nam giới ở Mỹ và 10-30% các ca viêm cổ tử cung ở nữ. M. genitalium là một loại vi khuẩn phát triển chậm và rất khó phát hiện bằng các phương pháp xét nghiệm truyền thống. Ngoài ra, vi khuẩn này có thể gây một số biến chứng nặng như gây nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng cổ tử cung, nhiễm trùng vùng tiểu khung... có thể dẫn đến vô sinh hoặc khó có thai. Đây chính là điều mà các bác sĩ, nhà khoa học lo ngại.


Để điều trị bệnh cũng cần các loại kháng sinh thế hệ mới do loại vi khuẩn này không có vách tế bào nên thường không đáp ứng với các loại thông thường mà phải dùng đến các loại kháng sinh thế hệ mới như azithromycin hay mocifloxacin. Do việc chẩn đoán bệnh vẫn khó khăn, nên không dễ để khám và điều trị. Cần lưu ý, kể cả dùng bao cao su cũng không chắc chắn 100% phòng bệnh vì M. genitalium có thể lây qua hành vi tình dục khác...

Xét nghiệm Aptima Mycoplasma vừa được US. FDA cho phép tiếp thị là một xét nghiệm khuếch đại axit nucleic, phát hiện vi  khuẩn M. genitalium trong mẫu nước tiểu, niệu đạo, dương vật, mẫu bệnh phẩm nội tiết. US FDA đã xem xét dữ liệu từ một nghiên cứu lâm sàng bao gồm thử nghiệm 11.774 mẫu. Nghiên cứu cho thấy xét nghiệm Aptima Mycoplasma xác định chính xác M. genitalium trong khoảng 90% mẫu lấy ở âm đạo, niệu đạo nam, nước tiểu nam và dương vật; trong mẫu nước tiểu và nội tiết nữ xác định chính xác M. genitalium tương ứng là 77,8% và 81,5%. Gạc âm đạo là loại mẫu được ưa thích do hiệu quả lâm sàng tốt hơn, tuy nhiên, nếu không có gạc âm đạo có thể xét nghiệm nước tiểu. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy xét nghiệm xác định chính xác các mẫu không có M. genitalium chính xác tới 97,8-99,6%.


Các bệnh nhân bị nhiễm trùng tiết niệu, sinh dục không xác định thường được điều trị bằng kháng sinh, một số trong đó có thể không có hiệu quả đối với M. genitalium. Xét nghiệm này cung cấp cho các bác sĩ có thể phát hiện M. genitalium một cách tin cậy hơn, điều trị cẩn thận hơn và sử dụng các loại thuốc có hiệu quả nhất. Trong trường hợp M. genitalium được phát hiện, các bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh có hiệu quả với loại vi khuẩn này. Có các xét nghiệm chính xác và đáng tin cậy để xác định vi khuẩn cụ thể gây nhiễm trùng có thể giúp các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị đúng cho nhiễm trùng, có thể làm giảm việc lạm dụng kháng sinh và giúp chống lại kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Cảnh báo về bệnh tình dục mới do Mycoplasma genitalium

Hiệp hội Sức khỏe tình dục và HIV Anh vừa đưa ra cảnh báo về căn bệnh mang tên Mycoplasma genitalium. Dựa trên kết quả của một số khảo sát tại Anh, có đến 1-2% người trưởng thành từng nhiễm loại vi khuẩn này. Đa số những người phơi nhiễm vi khuẩn đều không có triệu chứng biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, họ có thể lây bệnh cho bạn tình. Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là viêm niệu đạo ở nam giới, viêm vùng chậu và vô sinh ở phụ nữ. Trên thực tế, căn bệnh này thường bị lầm tưởng là một viêm nhiễm thông thường hay các bệnh liên quan đến đường tình dục khác. Người bệnh thường chủ quan và bỏ qua các dấu hiệu của bệnh, dẫn đến điều trị không đúng. Nguy hiểm ở chỗ có thể người bệnh tự khỏi trong lần mắc đầu tiên nhưng đến lần sau lại nặng hơn và chính sự điều trị không đúng trước đó gây nên tình trạng kháng thuốc.

Cảnh báo về “siêu bệnh” này được đưa ra khi những nghiên cứu cho thấy loại vi khuẩn gây ra bệnh đang có dấu hiệu mạnh dần lên và đánh bại thuốc của con người. Các bệnh nhân nhiễm khuẩn thường được điều trị bằng một họ kháng sinh mang tên macrolides. Tuy nhiên, hiện tại ở Anh tình trạng kháng macrolides đã lên tới 40%. Điều này có thể đúng ở nhiều nước khác vì đây là kháng sinh phổ biến từ lâu.


Hiện vẫn còn một loại kháng sinh mang tên azithromycin có thể đánh bại MG. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học lo ngại với sự mạnh dần lên của vi khuẩn và sự thiếu quan tâm điều trị căn bệnh của đa số người dân, rất có thể, kháng sinh này cũng sẽ thất bại và khi đó nó sẽ trở thành một căn bệnh không có thuốc chữa. vi khuẩn có nguy cơ trở thành một "siêu bệnh tình dục" mới hành hạ con người. Hầu hết các bênh gây ra bởi các virus, vi khuẩn biến đổi, kháng hầu hết các kháng sinh đang là mối lo ngại lớn của nhiều quốc gia. Hồi tháng 3 vừa qua, các cơ quan y tế của Anh và TCYTTG từng điên đầu tìm cách chữa chạy cho một người đàn ông bị nhiễm "siêu bệnh lậu" sau tình một đêm với một cô gái bí ẩn trong chuyến du lịch trước đó đến các nước Đông Nam Á. Các phương pháp điều trị hiện hành dành cho bệnh lậu đều bó tay trước ca bệnh lậu được cho là "nặng nhất thế giới" này. Sau hơn 1 tháng với vô số phác đồ thử nghiệm, các bác sĩ hàng đầu mới tìm ra cách cứu nam bệnh nhân. Lúc anh ta vừa khỏi bệnh cũng là lúc Úc báo cáo thêm 2 trường hợp tương tự.

Thân chúc bạn khỏe!


Dương Thùy Tr., 36 tuổi, H. Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên
Hỏi:Em bị ngứa, mày đay nhiều năm nhưng đã đi khám nhiều nơi không phát hiện ra nguyên nhân là gì và tất nhiên không chữa khỏi, cứ mỗi lần tắm vào hay đi mưa về là lại bị ngứa, nếu sau khi lau khô, mặc đồ vào thì ngứa giảm dần, không biết đây là bệnh gì kính mong bác sỹ trả lời sớm vì sắp vào mùa lạnh là ngụy hiểm. Xin trận trọng cảm ơn bác sỹ!

Trả lời:

Câu hỏi của bạn rất thú vị và trên lâm sàng chúng tôi cũng thường gặp và ghi nhận chiếm khoảng 10% số ca đến khám với lý do ngứa và mày đay. Nhân đây chúng tôi xin đưa ra một số bệnh dị ứng lạ nhưng có thật để bạn tham khảo và hiếm khi có phác đồ điều trị đặc biệt nào, nên bệnh có thể điều trị bằng các thuốc điều trị triệu chứng mà thôi vì có nhiều loại dị ứng không nằm trong số những bệnh mà bạn luôn nghe nói tới và chúng có vẻ ngẫu nhiên đến mức bạn sẽ tự hỏi không biết chúng bắt nguồn từ đâu.

Mặc dù dị ứng thực phẩm có xu hướng phổ biến hơn, nhưng rất nhiều trong số những bệnh dị ứng ít gặp này được gọi là mày đay thực thể, ý muốn nói rằng tác nhân dị ứng gây ngứa, nổi mẩn đỏ và phát ban trên da. Mày đay thực thể có xu hướng liên quan các tác nhân kích thích vật lý như nóng, lạnh, gắng sức/ sang chấn tâm lý/ lo lắng và nhiều khía cạnh khác liên quan. Dưới đây là những bệnh dị ứng mà có lẽ bạn chưa từng nghĩ là có tồn tại mà chúng tôi xin tổng hợp từ các dẫn liệu y văn và các đồng nghiệp đã ghi nhận.


Mề đay do lạnh

Thường được gọi là dị ứng với lạnh, khiến cho người bệnh nổi mề đay khi trời lạnh. Đối với một số người, việc lặn xuống một hồ nước lạnh cóng sẽ khiến họ bị sốc phản vệ. Dị ứng với lạnh có thể nhanh chóng trở nên khá nguy hiểm. Tiếp xúc lạnh dẫn đến phát ban ngứa và nổi mề đay. Các phản ứng với lạnh có thể khác nhau, từ những nốt phát ban rất nhỏ đến choáng ngất và sốc. Sưng lưỡi hoặc cổ họng cũng có thể gặp trong loại dị ứng này.

Thông thường, dị ứng với lạnh hay xảy ra hơn ở người lớn trẻ và có thể là kết quả của một bệnh lý nào đó có sẵn. Bệnh cũng có thể di truyền, vì vậy nhiều người trong cùng một gia đình có thể bị. Mặc dù vậy, dị ứng lạnh vẫn có thể được điều trị bằng thuốc chống dị ứng không kê đơn. Chứng mày đay này rất hiếm gặp nhưng khá nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu người mắc đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh, như rơi xuống nước. Điều này khiến huyết áp của họ giảm mạnh. Do đó, người bị dị ứng lạnh được khuyến cáo tránh để một diện tích lớn của da tiếp xúc với môi trường lạnh và tuyệt đối không đi bơi một mình.


Bệnh “Da vẽ nổi”

Một phản ứng chỉ gặp ở khoảng 4% dân số là bệnh da vẽ nổi (dermographism), có thể được xem như dị ứng với đụng chạm. Nghe có vẻ kì lạ, nhưng neeua hay la cà trên Internet, có lẽ bạn đã nhìn thấy tác động của chứng bệnh này. Nó cho phép người bệnh viết được khá nhiều từ trên da bằng móng tay mà những người khác có thể nhìn thấy.

Thuật ngữ dermographism có nghĩa là “viết trên da”. Trong thực tế, nó là một loại phát ban xuất hiện do đụng chạm và cuối cùng sẽ biến mất trong vòng nửa giờ. Dermographism cũng có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamine, giúp đối phó với sự kích ứng của mề đay.


Mề đay do nắng

Là một loại mày đay thực thể khác, bệnh dị ứng này khiến bạn nổi mẩn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời tự nhiên. Điều này chắc chắn sẽ rất khó chịu cho người bệnh trong mùa hè, vì nó làm cho việc đi ra ngoài nắng khá khó khăn. Phản ứng cũng có thể xảy ra với nguồn sáng nhân tạo phát ra tia UV. Nhìn chung bệnh rất hiếm gặp nhưng có vẻ bắt đầu phổ biến nhất là vào giữa độ tuổi 30.

Hầu hết, những người gặp vấn đề này có thể tránh các phản ứng dị ứng bằng cách áp dụng các biện pháp chống nắng hoặc uống thuốc kháng histamine. Mục tiêu là giảm thiểu việc tiếp xúc với ảnh nắng và ngăn ngừa phát ban. Ngoài ra, đôi khi bệnh nhân có thể được điều trị bằng liệu pháp quang trị hoặc liệu pháp quang hóa, giúp họ quen với việc phơi nắng, đặc biệt nếu dị ứng thực sự nghiêm trọng và khiến cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn.

Dị ứng do gắng sức

Tập thể dục vốn đã đủ mệt, chứ đừng nói đến việc phải lo lắng về sốc phản vệ. Thật không may, một số người có thể có phản ứng dị ứng nghiêm trọng do gắng sức quá nhiều. Trong những bệnh cảnh này, họ có thể bị sốc phản vệ sau khi đi tập gym hoặc tham gia các hoạt động thể chất khác. Đáng chú ý là có nhiều yếu tố khác nhau có thể đóng vai trò, bao gồm thực phẩm, thuốc và điều kiện thời tiết. Đôi khi, ăn một số thực phẩm trước khi đi tập thể dục có thể dẫn đến sốc phản vệ, được gọi là sốc phản vệ do gắng sức phụ thuộc vào thực phẩm. Hoặc dị ứng tập thể dục, trong trường hợp nhẹ, chứng dị ứng này khiến người mắc nổi mẩn đỏ sau khi tập thể dục hay tập gym. Những ca nặng hơn khiến người bệnh bị tụt huyết áp và khó thở.

Bệnh có thể xảy ra bất ngờ và nghiêm trọng đến mức gây tử vong. Mặc dù vậy, nó vẫn có thể điều trị bằng epinephrine.

Mề đay do nước

Một số người thắc mắc liệu nước có ướt không, trong khi những người khác lại đặt câu hỏi liệu dị ứng nước có phải là thứ có thật hay không. Vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi đầu tiên, nhưng người ta đã chứng minh được rằng dị ứng nước là có thật. Có tên khoa học là aquagenic urticaria, bệnh có thể gây ra phản ứng phát ban khi người bệnh chạm vào nước. Nghe có vẻ khó tin, vì chúng ta liên tục bị bao vây và chủ yếu được tạo thành từ nước.

Các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn dị ứng này xảy ra như thế nào, nhưng tương tự như các bệnh mề đay vật lý khác, nó có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamine.


Dị ứng gián

Dù không gây dị ứng thì gián đã đủ đáng sợ. Tuy nhiên, đối với một số ít người không may, dị ứng với gián là một điều khó chịu thực sự. Thông thường, dị ứng gián thường dẫn đến các triệu chứng hen do các protein thoát ra từ cơ thể con gián. Một cách để đối phó với bệnh là giữ cho nhà cửa sạch sẽ và vứt bỏ bất kỳ con gián chết nào vì ngay cả khi chết gián vẫn có thể gây ra phản ứng dị ứng. Đáng ngạc nhiên, những người bị dị ứng với tôm cua đôi khi cũng bị dị ứng với gián, vì chúng giải phóng một loại protein tương tự. Những người bị dị ứng gián thậm chí có thể nổi mề đay chỉ vì đụng chạm vào nơi mà gián đã bò qua. Đây là một lý do nữa để những người bị dị ứng gián tránh những con vật này bằng mọi giá.

Dị ứng móng tay giả

Móng tay giả khá phổ biến và hợp thời trang. Chúng trông dễ thương và có đủ hình dạng, kích cỡ và màu sắc khác nhau. Làm móng là một điều thật thú vị, nhưng đối với một số người, nó có thể dẫn đến các biến chứng. Keo dán có thể gây sưng, đỏ và đau tại nền móng tay.

Nguyên nhân của những triệu chứng này là dị ứng với monome ethyl methacrylate. Chất này thường được sử dụng trong móng acrylic và được FDA cho phép. Tốt hơn những người bị dị ứng với móng tay giả chỉ nên dùng sơn móng tay đơn giản hoặc thậm chí là đừng làm móng tay để không phải chịu hậu quả của loại dị ứng này.


Dị ứng với thuốc dị ứng

Điều trớ trêu là có những người lại bị dị ứng với chính thuốc dị ứng. Điều này có thể trở nên cực kỳ khó chịu, đặc biệt là khi bạn đang cố gắng điều trị một bệnh dị ứng khác, để rồi thấy mình phải đối mặt với nhiều vấn đề gấp đôi so với trước. Trong thực tế, mọi người thường không bị dị ứng với thuốc nói chung, mà chỉ dị ứng với một số chất nhuộm và hóa chất được sử dụng trong đó.

Mặc dù phản ứng với thuốc dị ứng có thể nặng đến mức đe dọa đến tính mạng, nhưng có nhiều cách để điều trị loại dị ứng này nếu bạn đến khám bác sĩ. Một trong số đó là điều trị bằng thuốc tiêm không chứa bất kỳ chất bảo quản hay chất nhuộm nào. Tuy nhiên, đây có lẽ là loại dị ứng khó chịu và phiền phức nhất trong tất cả các bệnh dị ứng kì lạ được kể ở trên.


Dị ứng với thịt đỏ

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người có mức kháng thể đặc biệt cao hơn trong máu có nguy cơ bị xơ vữa động mạch, hoặc xơ cứng động mạch. Kháng thể được hình thành để đáp ứng với một hợp chất trong thịt đỏ là alpha-gal (galactose-alpha-1,3-galactose). Alpha-gal là một loại đường được tìm thấy trong thịt đỏ và một số sản phẩm sữa có hàm lượng chất béo cao, nhưng điều bất thường về dị ứng alpha-gal là một số người không có biểu hiện dị ứng tự nhiên. Thay vào đó, họ sẽ chỉ dị ứng với thịt đỏ sau khi bị cắn bởi con bọ ngôi sao đơn độc, có tên khoa học là bọ Amblyomma americanum.

Nước bọt của loại bọ ngôi sao đơn độc có thể chứa chất alpha-gal – TS. Jeff Wilson nghiên cứu về các ca dị ứng đặc biệt tại Hệ thống y tế Virginia ở Charlottesville cho biết. Vì vậy, khi loài bọ này cắn một người, nó sẽ truyền đường alpha-gal vào cơ thể người, khiến cho cơ thể người kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể chống lại đường alpha-gal. Sau đó, khi người đó ăn thịt đỏ và một số sản phẩm từ sữa, cơ thể phản ứng bằng cách tạo ra kháng thể đối với alpha-gal như một phản xạ tự nhiên, Wilson nói.

Nếu vô tình ăn thịt đỏ, người bị bọ ngôi sao cô đơn cắn sẽ có những triệu chứng dị ứng thịt đỏ, bao gồm nổi mày đay, sưng ở môi và cổ họng hoặc đau bụng, thậm chí là khó thở. Nhưng không phải tất cả những người nhạy cảm với alpha-gal sẽ xuất hiện các triệu chứng dị ứng sau khi ăn thịt đỏ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đo được mức kháng thể alpha-gal trong máu sau mỗi lần ăn thịt.


Dị ứng thịt và tắc nghẽn động mạch

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã xem xét 118 người trong độ tuổi từ 30-80, sống ở miền Trung Virginia, Mỹ. Tất cả người tham gia đã được XN máu và trải qua siêu âm nội mạch-một thử nghiệm tạo ra hình ảnh chi tiết lớp niêm mạc của động mạch vành. Sau khi phân tích mẫu máu của những người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra 26% mẫu máu có kháng thể alpha-gal, cho thấy khả năng nhạy cảm với thịt đỏ. Ngoài ra, việc quét động mạch của những người có các kháng thể này cho thấy họ đã tích tụ thêm 30% mảng bám bên trong động mạch của họ - một dấu hiệu của xơ vữa động mạch.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy sự tích tụ mảng bám trong động mạch của các bệnh nhân nhạy cảm với alpha-gal có khuynh hướng cấu trúc không ổn định, có nghĩa là bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Các cơn đau tim và đột quỵ có thể xảy ra khi một chút mảng bám vỡ ra và gây tắc nghẽn mạch máu. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối liên quan giữa chất gây dị ứng thực phẩm và bệnh tim, Wilson nói thêm rằng nó vẫn là một phát hiện mới và sơ bộ, nên cần nghiên cứu thêm để xác nhận kết quả.


Dị ứng đồ da: Nếu thấy chân xuất hiện những vệt đỏ sưng tấy sau khi đi giày da, bạn có thể bị dị ứng với các hóa chất thường được dùng trong quá trình thuộc da. Giải pháp tốt nhất là đi tất hoặc chọn giày làm từ chất liệu khác.

Dị ứng tinh trùng: Đây là một chứng dị ứng đặc biệt hiếm ở phụ nữ. Triệu chứng là ngứa, nổi mụn và sưng ở vùng âm đạo sau khi quan hệ. Thông thường, việc dùng bao cao su có thể giải quyết chuyện này. Tuy nhiên, nếu muốn có thai, họ phải tiêm thuốc chống dị ứng hoặc sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Dị ứng ánh nắng: Khi tiếp xúc với ánh nắng, da người bệnh sẽ nổi mề đay. Thông thường, các vệt đỏ ngứa và khó chịu này sẽ biến mất sau khi ra khỏi ánh nắng. Nguyên nhân của chứng dị ứng này được cho là do tia cực tím trong ánh mặt trời.


Dị ứng tiền xu: Nếu bàn tay nổi vệt đỏ đau, ngứa sau khi cầm tiền xu, có thể bạn bị dị ứng với kền có trong vật thể này. Kền thường được kết hợp với các kim loại khác để chế tác đồng xu, trang sức, khóa kéo... Cách tốt nhất để tránh loại dị ứng này là hạn chế tiếp xúc với các vật bằng kim loại.

Dị ứng áp lực: Da của người mắc chứng dị ứng này dễ dàng ửng đỏ khi có áp lực tác động lên. Bạn có thể nổi mẩn khắp người khi mặc quần áo chật hay thậm chí là khi lau người sau tắm. Khoảng 4% dân số thế giới mắc chứng dị ứng này.

Dị ứng phấn - quả: Chứng dị ứng này xảy ra khi một người bị dị ứng phấn hoa và sau đó ăn một loại quả có chứa protein giống phấn hoa này. Ví dụ, điều này có thể xảy ra ở các cặp phấn - quả như cỏ phấn hương - chuối, cỏ dại - cà chua, bạch dương - táo... Triệu chứng của căn bệnh này là ngứa miệng và họng, đôi khi thêm sưng ở môi.


Hy vọng với các thông tin trên bạn đã nhận ra có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến mày day, dị ứng mà chúng ta không phải lúc nào cũng truy tìm ra nhé.

Thân chúc bạn khỏe!

 

Ngày 28/05/2019
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích