Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 03/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Finance & Retail Bạn trẻ
Nhịp sống trẻ
Công nghệ số
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 9 9 7 5 0
Số người đang truy cập
2 5
 Bạn trẻ Công nghệ số
Một số tiến bộ y khoa vượt bậc trong năm 2018

Kế thừa và phát huy những phát kiến y học vĩ đại trong các năm trước, năm 2018 dự kiến cũng sẽ ghi nhận những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: Hệ thống giám sát insulin khép kín; Neuromodulation giúp điều trị ngưng thở khi ngủ; Liệu pháp gen cho các bệnh võng mạc do di truyền; Hiệu quả giảm Cholesterol LDL chưa từng có, …

TOP 10 tiến bộ y khoa Hoa Kỳ trong năm 2018

Kế thừa và phát huy những phát kiến Y học vĩ đại trong các năm trước, năm 2018 dự kiến cũng sẽ ghi nhận những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đó là những phát minh mới, những cải tiến mới hay sự bùng nổ khi những công nghệ mới được phát triển rầm rộ trong điều trị lâm sàng.

Danh sách 10 tiến bộ, dự kiến sẽ gây chú ý lớn và làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều bệnh nhân Hoa Kỳ nói riêng và trên thế giới nói chung đã được công bố giản lược tại Hội nghị Medical Innovation Summit 2017. Đây là hội nghị về các tiến bộ Y khoa hàng năm, được tổ chức bởi Cleveland Clinic, một hệ thống bệnh viện được thành lập từ năm 1921, hiện có trụ sở và cơ sở tại Hoa Kỳ cũng như nhiều nước phát triển (Anh, Canada, Ả-rập).

1. Hệ thống giám sát insulin khép kín

Vào cuối năm 2016, Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận hệ thống giám sát insulin khép kín đầu tiên – hệ thống MiniMed 670G của hãng Medtronic. Hệ thống này giúp thay thế cho khái niệm “vòng mở” trước đó, trong đó gồm 3 bộ phận riêng biệt: 1- thiết bị theo dõi glucose liên tục (CGM); 2- bơm insulin, và 3- bệnh nhân, người phải sử dụng thông tin từ CGM để xác định lượng insulin cần tiêm thông qua bơm insulin.

Công nghệ mới này cho phép kết nối tự động trực tiếp giữa CGM và bơm insulin, loại bỏ bệnh nhân khỏi chu trình trình, tiết kiệm từ 2 đến 4 lần chích kiểm tra mỗi ngày. Cách tiếp cận này không chỉ giúp bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc insuin quản lý đường huyết của mình dễ dàng hơn bao giờ hết, mà còn nhận được những kết quả tốt cho việc ổn định đường huyết. Trong một nghiên cứu, mức đường huyết trung bình của thanh thiếu niên giảm từ 7,7% xuống còn 7,1%, và ở người lớn giảm từ 7,3% xuống còn 6,8%. Hệ thống mới này đang được giới y học hoan nghênh và xem như là “tụy nhân tạo” đầu tiên của thế giới.


Hình 1

Các kết quả đáng chú ý đã dẫn đến sự chấp thuận của FDA sớm hơn dự kiến. Quan trọng hơn thị trường này dự kiến sẽ phát triển bùng nổ vào năm 2018 khi có sự kết hợp của nhiều yếu tố. Nhu cầu thực sự của nhiều bệnh nhân cho một sản phẩm giám sát insulin khép kín đến từ sự tiện lợi, an toàn, một công cụ giúp giải quyết được vấn đề tồn tại lâu nay của insulin truyền thống.

Trong năm 2017, các sản phẩm của hãng Medtronic đã được đưa ra thị trường và có đủ thời gian để lấy được niềm tin của người sử dụng. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng nữa dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống giám sát insulin khép kín là sự đồng thuận trong chi trả của nhiều hãng bảo hiểm lớn tại Hoa Kỳ.

Các chuyên gia cũng lạc quan rằng các kết quả đã được chứng minh ở bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc insulin sẽ thúc đẩy một loạt các sản phẩm tương tự, cạnh tranh để tiếp cận nhiều hơn với hàng triệu bệnh nhân đái tháo đường type 2 trong tương lai gần.

2. Neuromodulation giúp điều trị ngưng thở khi ngủ

             Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), một thiết bị tạo áp suất khí dương liên tục (C.P.A.P.) là phương pháp hiện được chỉ định giúp đem lại giấc ngủ yên tĩnh và an toàn. Tuy nhiên, đi kèm với hiệu quả điều trị, C.P.A.P. cũng mang lại những phiền toái không mong muốn cho một số bệnh nhân: tiếng ồn, áp lực không dung nạp, kích ứng mặt nạ, sợ hãi, nghẹt mũi, khô miệng,…. Ước tính có hơn 40% bệnh nhân từ chối sử dụng C.P.A.P. Nhiều trường hợp cũng được báo cáo về việc vô thức cởi bỏ mặt nạ C.P.A.P vào ban đêm dẫn đến mất an toàn trong giấc ngủ. Nếu không được điều trị đầy đủ, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể dẫn đến một loạt các bệnh như huyết áp cao, đột quỵ, đái tháo đường và trầm cảm. Mặc dù C.P.A.P. là phương pháp điều trị tiêu chuẩn vàng cho bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, nhưng những bất tiện trong quá trình sử dụng vẫn là nguyên nhân của nhiều trường hợp sử dụng sai hoặc ngưng sử dụng. Kết quả là Neuromodulation, một phương pháp điều trị dễ chịu hơn, dự kiến sẽ gây bão trong thị trường này vào năm 2018.


Hình 2

Sản phẩm đang được phát triển trên thị trường là một thiết bị cấy ghép mà trong đó bộ phận kích thích được sử dụng để mở các cơ đường thở chính trong suốt thời gian ngủ. Hệ thống này bao gồm một cảm biến thở và một bộ phận kích thích chạy bằng một pin nhỏ. Hệ thống được kiểm soát bằng miếng dán trên cơ thể hoặc ngoài cơ thể.

Trong thời gian ngủ, hệ thống cảm nhận các mẫu thở và kích thích nhẹ phần lưỡi và cổ họng để giữ cho đường thở luôn mở đủ. Phẫu thuật cấy ghép các thiết bị điều trị ngưng thở khi ngủ mới này chỉ là xâm lấn tối thiểu và có thời gian hồi phục ngắn. Kết quả rất tích cực từ các thử nghiệm lâm sàng của liệu pháp này bao gồm giảm đáng kể tỷ lệ phần trăm chỉ số ngưng thở giảm thở (AHI), mức độ nặng của ngưng thở khi ngủ cũng như tần suất suy giảm nồng độ bão hòa oxy so với đường cơ bản.

Có hơn 21 triệu người Hoa Kỳ mắc chứng ngưng thở khi ngủ mà chưa được điều trị, Neuromodulation được dự đoán là công nghệ giúp cải thiện giấc ngủ và đem lại cuộc sống khỏe mạnh hơn cho nhiều gia đình.

3. Liệu pháp gen cho các bệnh võng mạc do di truyền

Sau một khoảng thời gian gián đoạn, năm 2018 sẽ là năm đánh dấu sự quay trở lại mạnh mẽ của liệu pháp gen. Dự kiến FDA sẽ chấp thuận ​​liệu pháp gen trong điều trị một số bệnh võng mạc do di truyền (“IRDs”). Bệnh võng mạc do di truyền được xếp vào nhóm các bệnh hiếm, cho đến nay, chưa có bất kỳ phương pháp điều trị nào được biết đến.

Con người ngày càng hiểu biết hơn về nguyên nhân di truyền cụ thể gây ra mất thị lực. Các nhà nghiên cứu hiện đang rất hy vọng liệu pháp gen mới sẽ giúp giành lại thị lực ở các bệnh nhân.


Hình 3

Liệu pháp gen với hy vọng nhận được chấp thuận của FDA trong năm tới sử dụng một vectơ tái tổ hợp AAV2 mã hóa một bản sao chức năng của gen RPE65 để điều trị các bệnh võng mạc do di truyền có nguyên nhân từ đột biến RPFE65 vô căn chẳng hạn như bệnh mù bẩm sinh Leber (Leber congenital amaurosis -LCA), hoặc viêm võng mạc sắc tố (Retinitis pigmentosa). Bệnh mù bẩm sinh Leber là bệnh teo võng mạc khởi phát sớm do di truyền và là nguyên nhân gây mất thị lực nghiêm trọng ở trẻ em. Viêm võng mạc sắc tố phổ biến hơn và ảnh hưởng đến người lớn, bệnh này gây tình trạng chết các tế bào cảm thụ ánh sáng hình que dẫn đến mất thị lực vào ban đêm và suy giảm thị lực. Suy giảm thị lực tiến triển là không thể tránh khỏi và sẽ dẫn đến mù ở các bệnh nhân.

Năm ngoái, FDA đã chứng nhận danh hiệu thuốc hiếm cho liệu pháp gen RPE65, và vào tháng 10, một nhóm cố vấn sức khoẻ của Mỹ đã đề nghị phê duyệt cho phương pháp tiếp cận mới này trong điều trị các bệnh võng mạc do di truyền. Các chuyên gia tin rằng sự chấp thuận sẽ dẫn tới một sự đột phá lớn khi liệu pháp gen trở thành điều trị chính trong bệnh võng mạc do di truyền và nhiều liệu pháp gen khác nữa sẽ tiếp tục được phát triển trong các điều trị bệnh hiếm.

4. Hiệu quả giảm Cholesterol LDL chưa từng có

         Lipoprotein trọng lượng phân tử thấp (cholesterol “LDL”) lâu nay vẫn được biết đến là cholesterol xấu, làm cholesterol dư thừa xâm nhập vào màng của thành mạch máu, góp phần làm xơ cứng động mạch (xơ vữa động mạch), ngăn cản sự lưu thông máu qua các động mạch trong tim, não, thận và các chi. Kết quả có thể gây ra các bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại biên, đau thắt ngực, bệnh thận mãn tính, hoặc bệnh mạch vành, kẻ giết người số 1 tại Hoa Kỳ.

Các bác sĩ và các nhà khoa học đã nghiên cứu để giảm cholesterol LDL trong nhiều thập kỷ qua. Thuốc statin đầu tiên đã được FDA chấp thuận vào năm 1986 nhằm mục đích ngăn chặn enzyme HMG CoA Reductase mà gan sử dụng để tạo cholesterol.

Trong khi statin đã thành công với những bệnh nhân có cholesterol cao, vẫn còn một nhóm lớn những bệnh nhân với mức cholesterol kế cận cần được hỗ trợ. Các chất ức chế PCSK9 đầu tiên được FDA chấp thuận vào tháng 7 năm 2015, là loại thuốc giảm cholesterol mới nhất cải thiện khả năng tái sử dụng các LDL receptor, làm gia tăng số lượng thụ thể trên bề mặt tế bào và cuối cùng là giáng hóa được nhiều cholesterol LDL hơn. Những loại thuốc mới này đang giúp duy trì mức cholesterol thấp nhất từ trước tới nay. Và khi PCSK9 được kết hợp cùng với statin, mức LDL thậm chí còn được giảm tới 75%. Mặc dù các con số ghi nhận được là phi thường, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân và bác sĩ băn khoăn rằng: “Liệu thấp bao nhiêu thì đủ?.”


Hình 4

Một số thử nghiệm đã được tiến hành trong vài năm gần đây để trả lời câu hỏi này, nhưng cho đến nay, con số cụ thể vẫn chưa được tìm thấy. Nhưng một nghiên cứu mới được báo cáo vào tháng 08 năm 2017 đã làm hài lòng và đem lại sự yên tâm của các bệnh nhân và bác sĩ.

Nghiên cứu được tiến hành trên 25.982 bệnh nhân  cho kết quả giảm 20 phần trăm nguy cơ tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trên những người dùng kết hợp statins và các chất ức chế PCSK9 để đạt được mức cholesterol LDL cực thấp. Không có sự kiện bất lợi nào được ghi nhận. Điều này có nghĩa là: Các bác sĩ hiện đã có các vũ khí mạnh hơn trong cuộc chiến chống lại cholesterol LDL. Với hơn 400.000 ca tử vong do bệnh mạch vành mỗi năm, 785.000 ca đau tim do bệnh mạch vành, và 102 triệu người Mỹ hiện đang sống với mức cholesterol cao bất thường, những điều trị mới này hứa hẹn sẽ “đảo chiều cuộc chiến” trong năm 2018.

5. Sự nổi lên của chăm sóc sức khoẻ từ xa

Mở rộng môi trường chăm sóc sức khoẻ đến tận nhà bệnh nhân là một mục tiêu của y khoa trong nhiều thập kỷ bởi những lý do rất rõ ràng: Loại bỏ các rào cản địa lý để hiệu quả chăm sóc tốt hơn, tối ưu hơn và rút ngắn thời gian hơn. Một thuận lợi nữa là các công nghệ y tế từ xa (còn được gọi là telehealth) có thể cho phép chăm sóc cho những bệnh nhân khuyết tật và những bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

Ngoài ra, cũng có thể kể đến các lợi ích đến từ sự tiện lợi, giảm quy trình chăm sóc, cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí. Qua nhiều năm, các chuyên gia cũng ghi nhận nhiều rào cản để các tiến bộ này có thể được áp dụng trên quy mô lớn. Đó là chiến lược hoàn trả và thanh toán bảo hiểm, các nền tảng công nghệ, thiết bị, an ninh, hoặc quy trình lâm sàng và các biện pháp khuyến khích; bởi vậy, trong nhiều năm, chăm sóc sức khoẻ từ xa vẫn còn một khoảng cách so với các điều trị y tế tiêu chuẩn.

Năm 2018, sự phổ biến của các thiết bị kết nối sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chăm sóc sức khoẻ từ xa.


Hình 5

Sau nhiều năm thử nghiệm, thực nghiệm và tăng trưởng khiêm tốn, đã có nhiều cải tiến từ nhiều lĩnh vực, giúp giải quyết các rào cản nhân khẩu học, hậu cần, tài chính, quy định và công nghệ; trong khi nhu cầu bệnh nhân tiếp tục gia tăng.

Các chuyên gia tin rằng yếu tố quan trọng nhất là các công nghệ di động được ghi nhận từ sự phát triển của điện thoại thông minh và sự vượt trội trong kết nối của các dịch vụ băng thông rộng giúp kết nối nhiều người hơn bao giờ hết. Nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ từ xa bây giờ đã có cơ sở hạ tầng toàn cầu để hỗ trợ và thúc đẩy nó.

Các cơ sở y tế cũng đang chuẩn bị sẵn sàng. Tại Mỹ, 90% giám đốc điều hành của các cơ sở chăm sóc sức khoẻ báo cáo đã hoặc đang xây dựng một chương trình telehealth. Các báo cáo cũng dự đoán 7 triệu bệnh nhân sẽ sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa vào năm 2018, tăng gấp 19 lần so với năm 2013.

Các công nghệ này cũng đang mở rộng vượt ra ngoài nền tảng video hai chiều thông thường. Nhiều bệnh nhân hiện đang được trang bị các thiết bị gắn kết ghi lại và báo cáo các tiến triển hậu phẫu cho bác sĩ, giúp bác sĩ thường xuyên theo dõi tình trạng của bệnh nhân. Hơn 19 triệu bệnh nhân dự kiến ​​sử dụng các thiết bị giám sát từ xa cung cấp thông tin cho bác sĩ vào năm 2018. Với đà xây dựng hiện có, các chuyên gia tin vào sự nổi lên và tăng tốc của các công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa trong năm 2018.

6. Nền tảng vắc-xin thế hệ mới

Để phát triển một loại vắc-xin, ước tính tiêu tốn 200 triệu đô la và mất ít nhất 10 năm. Nhưng những thách thức lớn nhất, lại nằm ở vấn đề thời gian và cung ứng. Với sự bùng phát gần đây của dịch Ebola và Zika, rõ ràng là cộng đồng không thể chờ đợi một thập kỷ để có được vắc-xin. Và ngay cả khi phát minh xong một loại vắc-xin hiệu quả, cần phải có sự đổi mới đáng kể để cung cấp các liều vắc-xin tới tay hàng triệu người trong một khoảng thời gian ngắn để ngăn chặn một đại dịch.

Năm 2018, các chuyên gia chờ đợi sự nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng vắc-xin để hỗ trợ việc phát triển nhanh các vắc-xin mới cũng như việc đưa ra các cơ chế mới để cung cấp vắc-xin cho một lượng lớn người sử dụng. Về phát triển mới, các công ty đang tìm cách nhanh hơn để phát triển vắc-xin cúm bằng cách sử dụng cây thuốc lá, côn trùng, và các thiết bị nano, thay cho các phương pháp trước đây.

Những phương pháp mới này hứa hẹn sẽ tiết kiệm được hàng triệu đô la chi phí phát triển. Về cải tiến cung ứng và hạn sử dụng, các nhà nghiên cứu cũng đang hoàn thiện việc sử dụng công nghệ đông khô vắc-xin có thể cho phép vận chuyển nhiều liều sản phẩm đến các khu vực cấp thiết. Kỹ thuật này cũng cho phép vắc-xin thêm thời gian bảo quản, lưu trữ và phân phối hơn trước, một sự cải tiến quan trọng rất được chờ đợi cho nhiều vắc-xin.



Hình 6

Bên cạnh đó, các nhà phát minh cũng đang nghiên cứu về đường dùng mới của vắc-xin bên cạnh đường tiêm truyền thống. Điều tưởng chừng đơn giản này lại rất có ý nghĩa trên lâm sàng. Vắc-xin rotavirus đã được đưa ra thị trường từ năm 2006, tuy nhiên ước tính vẫn có khoảng 215.000 trẻ nhỏ chết mỗi năm trên khắp thế giới, một phần nguyên nhân đến từ sự hiển nhiên mà ít ai ngờ tới: trẻ em (và cha mẹ chúng) không thích tiêm vắc-xin. Năm ngoái, một dạng thuốc đường uống của vắc-xin rotavirus đã ghi nhận các kết quả tích cực trong thử nghiệm Pha III.

Các loại vắc-xin đường tiêu hóa, vắc-xin thẩm thấu qua niêm mạc, vắc-xin đường mũi, và vắc-xin điện tử dạng chip cũng đang được phát triển cho các virut khác. Vào năm 2018, miếng dán cá nhân có chứa vắc-xin cúm dự kiến ​​sẽ được đưa ra thị trường cho đối tượng trẻ em và người lớn. Những phương thức mới đang được áp dụng để nghiên cứu, phát triển, vận chuyển, bảo quản và tiêm chủng, sự kết nối đồng bộ này nhanh chóng sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh dịch hiện tại và tương lai. Với hơn 21 triệu trường hợp nhập viện và 732.000 ca tử vong trong 20 năm qua ở Hoa Kỳ, những tiến bộ mới này sẽ giúp đem lại những cơ hội mới và cải thiện nền tảng sức khỏe mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

7. Điều trị đích trong ung thư vú

Chúng ta đang tấn công bệnh ung thư vú trên mọi phương diện: Các liệu pháp điều trị cũng như các thử nghiệm, thông qua liệu pháp hóc-môn, hóa trị, và xạ trị với mục tiêu điều trị triệt để hay kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, các nỗ lực cho đến này dường như vẫn đủ để chiến thắng căn bệnh này nhất là các liệu pháp vẫn còn nhiều hạn chế khi làm tổn thương cả các tế bào khỏe mạnh.

Điều trị đích trong ung thư là một bước đột phá lớn trong nhiều thập kỷ qua và đã được sử dụng trong lâm sàng để điều trị ung thư một cách đặc hiệu, đạt hiệu quả cao và giảm tác dụng phụ trên một số dạng ung thư: ung thư bạch cầu, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư buồng trứng. Năm 2018 dự kiến sẽ là năm đánh dấu của bệnh ung thư vú – một căn bệnh giết chết hơn 40.000 phụ nữ Hoa Kỳ mỗi năm.



Hình 7

Đối với những bệnh nhân ung thư vú có BRCA1 hoặc BRCA2 dương tính (BRCA1 & BRCA2 là hai gen ức chế ung thư mã hoá cho các protein kiểm soát hoạt động của tế bào. Khi những gen này bị đột biến thì khả năng ức chế phân bào bị mất đi khiến các tế bào phát triển quá mức dẫn đến phát triển ung thư.

Theo số liệu nghiên cứu, khoảng 50% ung thư vú di truyền có thể do đột biến 2 gen BRCA1 và BRCA2), các nhà khoa học đã nhìn thấy hy vọng cho điều trị đích sau những thành công trong điều trị ung thư buồng trứng. Trong khi các protein tạo ra ADN ung thư thường bị phá hủy bởi hóa học, các gen BRCA lại có thể sửa chữa các ADN đó thông qua các polymerase poly-ADP-ribose (PARPs).

Năm 2017, kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn III cho thấy các bệnh nhân ung thư vú điều trị bằng thuốc ức chế PARPs đơn độc cho kết quả tốt: Tỷ lệ sống còn không bệnh ghi nhận được là 7 tháng so với 4 tháng đối với những bệnh nhân chỉ được điều trị hóa trị. Sự khác biệt này, mặc dù chưa đạt được kỳ vọng, đang là chìa khóa cho các nhà nghiên cứu, các công ty và nhà chuyên gia ung thư trong việc sử dụng các chất ức chế PARPs trên một bước tiến mới.

Ung thư vú dương tính với HER2 là ung thư vú có liên quan tới một loại protein được gọi là thụ thể của yếu tố tăng trưởng thượng bì (HER2), đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Sự biểu hiện quá mức protein HER2 tác động đến khoảng 20% bệnh nhân ung thư vú và thường không đáp ứng với các phương pháp điều trị truyền thống. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu trên đối tượng bệnh nhân này đang cho thấy kết quả ban đầu tích cực, đặc biệt là khi kết hợp với hóa trị liệu.

Bệnh nhân ung thư vú dương tính với yếu tố ER/âm tính với yếu tố HER2 cũng đầy hy vọng khi trong năm 2018, sẽ có ba thuốc thuộc nhóm ức chế CDK4/6 được đưa ra thị trường. Nhóm ức chế CDK4/6 hay còn gọi là nhóm ức chế điểm kiểm soát chu kỳ tế bào tác động đến quá trình tế bào tổng hợp ADN và quá trình phân chia của nó. Kết quả tích lũy từ nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống sót ngày càng cao, và có lẽ tiến bộ trong hóa trị liệu sẽ đem lại hy vọng cho một số lượng đáng kể các bệnh nhân ung thư vú.

8. Tăng cường phục hồi sau phẫu thuật

Trong nhiều thập kỷ, quy trình phẫu thuật thường quy bao gồm: Nhịn ăn uống trước khi giải phẫu; dùng thuốc giảm đau trong và sau phẫu thuật; và nằm viện cho đến khi hồi phục - Một quy trình chuẩn được xem là cách tốt nhất để tránh các biến chứng. Nhưng trước tỷ lệ tái nhập viện cao đột biến các năm gần đây, kèm theo đại dịch lạm dụng và quá liều opioid tại Mỹ trong năm 2017, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng: Nên chăng cần xem lại chiến lược trên?

Một số trung tâm đã và đang phát triển các khái niệm ” phục hồi nhanh (fast-track recovery) hoặc tăng cường phục hồi (enhanced recovery) sau phẫu thuật. Gần đây, nghiên cứu toàn diện đã chỉ ra rằng phương pháp ERAS (Tăng cường phục hồi sau phẫu thuật) bao gồm: cho phép bệnh nhân ăn trước khi phẫu thuật, hạn chế các thuốc opioid bằng các thuốc thay thế, và khuyến khích đi bộ thường xuyên làm giảm tỉ lệ biến chứng và tăng tốc phục hồi sau phẫu thuật. ERAS cũng góp phần làm giảm huyết khối, buồn nôn, nhiễm khuẩn, teo cơ, nằm viện. Bệnh nhân cũng được đề ra chế độ dinh dưỡng sau mổ để thúc đẩy hồi phục, và thay vì dùng thuốc các bác sĩ sẽ sử dụng giảm đau đa phương thức.



Hình 7

Một nghiên cứu đặc biệt được báo cáo trong Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ bao gồm 9,000 bệnh nhân phẫu thuật cho tới nay, ghi nhận giảm các biến chứng phẫu thuật lên tới một phần ba. Nghiên cứu cũng giảm sử dụng thuốc opioid lên tới 21% và giảm có ý nghĩa tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân phẫu thuật trực tràng. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ bệnh nhân gãy xương hông được xuất viện cao hơn ở các cơ sở  có điều dưỡng chuyên môn. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy ERAS giúp giảm chi phí hơn 6.500 đô la cho mỗi bệnh nhân.

Tiến sĩ Conor Delaney, Viện trưởng Viện Tiêu hoá & Phẫu thuật, Cleveland Clinic cho biết: “Kết quả rất ấn tượng. Phương pháp ERAS giúp bệnh nhân có thể xuất viện trong vòng 2 hoặc 3 ngày sau phẫu thuật, và có tỉ lệ tái nhập viện rất thấp, chỉ 2%”.  Năm 2017 chứng kiến sự hợp tác giữa các hiệp hội phẫu thuật và các hệ thống y tế lớn, để đầu tư kinh phí và thúc đẩy giáo dục bệnh nhân nhằm mở rộng phương pháp ERAS trên quy mô lớn. Kết quả thu được cũng như sự hợp tác này đang mở ra bình minh của một kỷ nguyên mới trong phục hồi sau phẫu thuật.

9. Monitor trung tâm - giải pháp tổng thể cho bệnh viện

Các bệnh viện từ lâu đã phải vật lộn với “sự mệt mỏi báo động”, bởi các y tá quá bận rộn và mẫn cảm với báo động từ các hệ thống monitor (hệ thống theo dõi) tim mạch. Theo thống kê, chỉ có ít hơn 10% các cảnh báo liên quan tới các biến cố nghiêm trọng trên lâm sàng, nhưng bỏ qua các cảnh báo cũng có nghĩa là chúng ta bỏ qua cơ hội sống còn của bệnh nhân. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, có ít hơn 1 trên 4 bệnh nhân sống sót sau khi ngừng tim, trong khi có tới 44% số ca ngừng tim không được phát hiện kịp thời. Vì vậy, an toàn về báo động hiện là một chủ đề nóng trong chăm sóc sức khoẻ, và gần đây đã được xác định là một nguy cơ công nghệ hàng đầu trong các bệnh viện.



Hình 8

Monitor trung tâm dường như là giải pháp cho vấn đề này, trong đó hệ thống sử dụng các thiết bị tiên tiến, bao gồm camera độ nét cao và các cảm biến để theo dõi huyết áp, nhịp tim, hô hấp, độ bão hòa oxy và nhiều thông số khác. Các thuật toán phân tầng rủi ro đồng hóa các dữ liệu phức tạp để tự động tạo ra các cảnh báo yêu cầu sự can thiệp tại chỗ của nhân viên y tế đồng thời loại bỏ rất nhiều các báo động không cần thiết. Vào năm 2016, kết quả từ 13 tháng đầu tiên của hệ thống monitor trung tâm sử dụng các tiêu chí chuẩn đã được Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công bố cho thấy: có hy vọng thực sự giảm tỷ lệ báo động dự phòng không cần thiết trong khi cải thiện kết cục lâm sàng.

Trong nghiên cứu, hệ thống monitor trung tâm theo dõi gần 100.000 bệnh nhân, phát hiện ra các vấn đề nghiêm trọng và cảnh báo chính xác cho 79% các biến cố, giúp cứu sống 93% các trường hợp cấp cứu hô hấp tim mạch được cảnh báo. Quan trọng hơn, hệ thống monitor trung tâm có thể tăng gấp đôi số bệnh nhân chăm sóc trên mỗi kỹ thuật viên, rút ngắn thời gian cấp cứu, giảm bớt gánh nặng cho bác sĩ cũng như cải thiện việc kiểm soát tình trạng bệnh nhân. Các dấu hiệu đều cho thấy 2018 là năm đánh dấu sự phát triển bùng nổ của hệ thống monitor trung tâm trong theo dõi bệnh nhân tại các bệnh viện.

10. Liệu pháp làm mát da đầu giúp giảm rụng tóc ở bệnh nhân hóa trị ung thư

Những bệnh nhân ung thư mới được chẩn đoán thường phải đối mặt với nhiều thay đổi trong quá trình điều trị. Với phụ nữ, rụng tóc sau hóa trị thường là một trong những khó khăn lớn nhất.

Có một công nghệ mới ở Hoa Kỳ đang tìm cách loại bỏ vấn đề này. Phương pháp làm mát da đầu “Scalp Cooling”- làm giảm nhiệt độ da đầu ngay trước, trong và sau khi hóa trị đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc bảo quản tóc ở phụ nữ sử dụng hóa trị liệu trong ung thư vú giai đoạn sớm. Hệ thống ngăn ngừa rụng tóc trong nghiên cứu này sử dụng chất lỏng trong một chiếc mũ làm mát da đầu, gây co mạch, và có khả năng làm giảm hoạt động sinh hóa.


Hình 9

Các chuyên gia tin rằng cơ chế này giúp giảm sự hấp thu của các tác nhân và/hoặc giảm tính nhạy cảm của nang lông đối với tổn thương do hóa trị. Hiệu quả của việc làm mát da đầu ngăn rụng tóc thay đổi tùy theo loại hóa trị liệu và liều lượng, và một số bằng chứng cũng chứng minh hiệu quả có liên quan tới mức độ và thời gian làm mát.

Trong thử nghiệm, các bệnh nhân nữ được điều trị bằng cách làm mát da đầu trong nửa giờ trước khi hóa trị, trong khi hóa trị, và trong 90 phút sau khi hoàn thành hóa trị liệu. Kết quả lâm sàng cho thấy 48 bệnh nhân trong nhóm điều trị giảm đáng kể rụng tóc, trong khi toàn bộ 47 bệnh nhân trong nhóm chứng rụng tóc không thể kiểm soát. Hệ thống làm mát da đầu đã được FDA chấp thuận vào tháng 05 năm 2017 trên một số thuốc hóa trị nhất định và dự kiến sẽ được sử dụng rộng rãi để mang lại tự tin cho nhiều bệnh nhân ung thư vào năm 2018 tới đây.

6 ứng dụng nổi bật của trí tuệ nhân tạo trong y tế

Rất nhiều hãng công nghệ nổi tiếng đã tạo ra sản phẩm dựa trên công nghệ trí tuệ thông minh nhân tạo (Al) để giải quyết, hỗ trợ con người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực y tế như nhận diện hình ảnh, xử lý dữ liệu của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị, hỗ trợ phẫu thuật, sản xuất thuốc...

Quản lý hồ sơ y tế và cơ sở dữ liệu

Trong quy trình chăm sóc sức khỏe, bước đầu tiên đó là đọc và phân tích hồ sơ y tế. Với mỗi bệnh nhân, các tổ chức y tế phải quản lý một lượng lớn dữ liệu: Tiền sử gia đình, các bệnh dị ứng, toa thuốc đang sử dụng, tình hình bệnh án theo nhận xét của bác sĩ. Bằng cách kiểm tra các dữ liệu đã lưu trong hệ thống, có thể nhanh chóng xác định được các triệu chứng, tên căn bệnh và đơn thuốc phù hợp cho người bệnh. Việc sử dụng Al trong quản lý hồ sơ y tế và cơ sở dữ liệu còn giúp các bác sĩ tránh được sai sót của đơn thuốc, liều dùng và ngăn ngừa các trường hợp dị ứng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể dễ dàng biết được tình trạng bệnh tật của mình. Việc quản lý dữ liệu là ứng dụng được sử dụng rộng rãi nhất của trí tuệ nhân tạo. Robot thu thập, lưu trữ và định dạng lại, theo dõi dữ liệu để cung cấp dữ liệu nhanh chóng, nhất quán.


Sản phẩm dựa trên trí tuệ thông minh nhân tạo giúp các bác sĩ tránh được sai sót.

Tránh được những lần khám lặp đi lặp lại

Trí tuệ nhân tạo giúp tránh được những lần khám lặp đi lặp lại như: Xquang, quét CT, nhập dữ liệu. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn nhân lực còn giúp các bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán các vấn đề người bệnh gặp phải. Đồng thời Al còn liên tục cập nhật, điều chỉnh kết quả theo các cấu hình mới và cung cấp chẩn đoán chính xác hơn so với các bộ não của con người.

Ngoài ra, tim mạch và Xquang là hai lĩnh vực mà số liệu phân tích vô cùng lớn, mất nhiều thời gian. Việc ứng dụng Al sẽ giúp các chuyên gia tim mạch hay Xquang giảm thiểu được lượng lớn công việc, họ chỉ cần tập trung vào các ca bệnh phức tạp khi mà cả Al cũng chưa đủ linh hoạt để giải quyết, giám sát.

Phân tích hình ảnh

Hiện tại, việc phân tích hình ảnh tốn rất nhiều thời gian của nhân viên y tế. Mới đây, nhóm các nhà khoa học tại Đại học MIT đã phát triển một thuật toán máy học có khả năng phân tích bản scan 3D nhanh hơn 1.000 lần so với hiện tại.

Việc đánh giá tức thì như thế có thể giúp các bác sĩ đang trong ca phẫu thuật có được nguồn thông tin quan trọng. Al cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện thế hệ công cụ Xquang kế tiếp mà không phụ thuộc vào các mẫu mô. Đồng thời, việc phân tích hình ảnh bằng Al cũng giúp hỗ trợ các bệnh nhân tại những vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận với các bác sĩ có chuyên môn giỏi.

Hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng

Việc dùng Al để chẩn đoán cho bệnh nhân vẫn còn ở giai đoạn đầu, song đã có nhiều ứng dụng cho lĩnh vực này ra đời. Các nhà khoa học tại Đại học Stanford, Mỹ đã thử nghiệm thuật toán Al để phát hiện ung thư da và kết quả cho thấy Al có thể thực hiện các thao tác mức độ chính xác như con người.

Đồng thời, hãng phần mềm Al của Đan Mạch phát triển một thuật toán phân tích nội dung người nói, giọng nói, âm thanh nền và phát hiện tim ngừng đập với tỷ lệ thành công 93% so với mức 73% khi con người thực hiện. Baidu Research gần đây đã thông báo kết quả thử nghiệm sớm về thuật toán phân tích nội dung người nói và chỉ ra rằng nó có thể làm tốt hơn con người trong việc xác định di căn ung thư vú.

Phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot có công nghệ Al

Phẫu thuật bằng robot được xem là biện pháp phẫu thuật ít xâm lấn hiện nay. Với loại phẫu thuật này, các vết rạch lớn sẽ được thay thế bằng các vết rạch nhỏ chỉ khoảng 1/4 inch với các dụng cụ phẫu thuật được thu nhỏ. Các robot thực hiện phẫu thuật sẽ kết hợp giữa việc nhận thức và thông tin từ những kinh nghiệm phẫu thuật thực tế để cải thiện kỹ năng phẫu thuật. Để làm được điều này, các nhà khoa học đã tích hợp dữ liệu từ hồ sơ y tế cũ với số liệu hoạt động trong thời gian thực để cải thiện kết quả phẫu thuật. Kỹ thuật này cũng giúp tăng cường độ chính xác cho dụng cụ phẫu thuật của bác sĩ và có thể giảm được 21% thời gian nằm viện của bênh nhân sau khi thực hiện phẫu thuật.

Hiện nay, công nghệ phẫu thuật với Robot da Vinci là robot phẫu thuật tiên tiến nhất cho phép các bác sĩ thực hiện một loạt các thủ tục phức tạp với sự linh hoạt và kiểm soát tốt hơn. Robot da Vinci có chân tay với các dụng cụ phẫu thuật đi kèm cho phép các bác sĩ quan sát khu vực phẫu thuật qua hình ảnh độ nét cao, có thể thu phóng với hình ảnh 3D. Điều này cho phép các bác sĩ phẫu thuật thực hiện thành công ca phẫu thuật với tỷ lệ thành công cao.

Hỗ trợ sản xuất thuốc

Al giúp tạo ra các giải pháp cơ bản rút ngắn chu trình sản xuất thuốc, giúp ngành dược sản xuất loại thuốc mới mà không phải chờ lâu trong thử nghiệm lâm sàng. Trên thực tế hiện nay, để cho ra đời một loại thuốc nhà sản xuất phải tuân thủ theo quy trình “thử và sai” mất khoảng 12 năm và chi phí hàng tỷ USD. Có rất ít loại thuốc thử nghiệm thành công sau thời gian dài thử nghiệm và tốn kém. Các thuật toán thông minh sử dụng khả năng Al tự dạy nó các nguyên tắc sinh hóa phức tạp và tiên đoán chính xác dược phẩm mới thành công hay không. Hiện nay, các công ty dược phẩm lớn của Mỹ hay châu Âu đều đưa Al vào ứng dụng để hỗ trợ sản xuất thuốc.

Công nghệ thông tin ứng dụng trong chăm sóc sức khoẻ từ xa

Mở rộng môi trường chăm sóc sức khoẻ đến tận nhà bệnh nhân là một mục tiêu của y khoa trong nhiều thập kỷ bởi rất nhiều tiện ích.

Năm 2018, sự phổ biến của các thiết bị kết nối sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chăm sóc sức khoẻ từ xa.Các chuyên gia tin rằng yếu tố quan trọng nhất là các công nghệ di động được ghi nhận từ sự phát triển của điện thoại thông minh và sự vượt trội trong kết nốicủa các dịch vụgiúp kết nối nhiều người hơn bao giờ hết. Nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ từ xa bây giờ đã có cơ sở hạ tầng toàn cầu để hỗ trợ và thúc đẩy nó.

Nhiều bệnh nhân hiện đang được trang bị các thiết bị gắn kết ghi lại và báo cáo các tiến triển hậu phẫu cho bác sĩ, giúp bác sĩ thường xuyên theo dõi tình trạng của bệnh nhân. Hơn 19 triệu bệnh nhân dự kiến sử dụng các thiết bị giám sát từ xa cung cấp thông tin cho bác sĩ vào năm 2018. Với đà xây dựng hiện có, các chuyên gia tin vào sự nổi lên và tăng tốc của các công nghệ và dịch vụ chăm sócsức khỏe từ xa trong năm 2018.

Monitor trung tâm - Giải pháp tổng thể cho bệnh viện

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, có ít hơn 1/ 4 bệnh nhân sống sót sau khi ngừng tim, trong khi có tới 44% số ca ngừng tim không được phát hiện kịp thời. Vì vậy, an toàn về báo động hiện là một chủ đề nóng trong chăm sóc sức khoẻ trong các bệnh viện.

Monitor trung tâm dường như là giải pháp cho vấn đề này, trong đó hệ thống sử dụng các thiết bị tiên tiến, bao gồm camera độ nét cao và cáccảm biến để theo dõi huyết áp, nhịp tim, hô hấp, độ bão hòa oxy và nhiều thông số khác.Các thuật toán phân tầng rủi ro đồng hóa các dữ liệu phức tạp để tự động tạo ra các cảnh báo yêu cầu sự can thiệp tại chỗ của nhân viên y tế, đồng thời loại bỏ rất nhiều các báo động không cần thiết. Vào năm 2016, kết quả từ 13 tháng đầu tiên của hệ thống monitor trung tâm sử dụng các tiêu chí chuẩn đã được Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công bố cho thấy: có hy vọng thực sự giảm tỷ lệ báo động dự phòng không cần thiết trong khi cải thiện kết cục lâm sàng. Trong nghiên cứu, hệ thống monitor trung tâm theo dõi gần 100.000 bệnh nhân, phát hiện ra các vấn đề nghiêm trọng và cảnh báo chính xác cho 79% các biến cố, giúp cứu sống 93% các trường hợp cấp cứu hô hấp tim mạch được cảnh báo. Quan trọng hơn, hệ thống monitor trung tâm có thể tăng gấp đôi số bệnh nhân chăm sóc trên mỗi kỹ thuật viên, rút ngắn thời gian cấp cứu, giảm bớt gánh nặng cho bác sĩ cũng như cải thiện việc kiểm soát tình trạng bệnh nhân.

Các dấu hiệu đều cho thấy 2018 là năm đánh dấu sự phát triển bùng nổ của hệ thống monitor trung tâm trong theo dõi bệnh nhân tại các bệnh viện.

Ngày 23/01/2019
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang
(Tổng hợp)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích