Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 5 9 3 0
Số người đang truy cập
2 8 4
 Tư vấn sức khỏe Y học thường thức
Phần 2: Chuyên mục trả lời hỏi đáp về y học thường thức (tháng 01 + 02-2019)

Nguyễn Thị Thanh V, 38 tuổi, TP. Nha Trang, Khánh Hòa, 091202….

Hỏi:Kính thưa các bác sỹ cho tôi biết lý do tại sao môi của tôi thỉnh thoảng hay bị run giật, trong khi tôi chua bao giờ bị tai biến, huyết áp bình thường, không có bệnh lý gì mạn tính đang điều trị cả. Xin các bác cho biết nguyên nhân khiến môi co giật và tiên liệu như thế nào? Điều trị ở đâu. Chân thành cảm ơn các bác sỹ!

Trả lời:

Cảm ơn bạn về một câu hỏi rất thú vị và rất nhiều điều khó có thể trả lời chính xác vì đây không phải là vấn đề bệnh mà còn liên quan đến thẩm mỹ và sinh hoạt của người bệnh vì khi môi bị co giật nhanh hoặc run môi ngoài sự kiểm soát của bản thân có thể gây khó chịu và xấu hổ trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân có thể từ những điều đơn giản đến bệnh lý nghiêm trọng dưới đây:

1.Say caffein: Caffein là một chất phổ biến có trong cà phê, trà, nước giải khát và một số đồ ăn nhẹ. Nạp quá nhiều chất caffein có thể gây ra hưng phấn quá mức và co giật cơ. Say caffein cũng có thể gây ra các triệu chứng khác, bao gồm: nhịp tim bất thường, kích thích, tăng tiểu tiện, sự phấn khích, run tay chân, lo lắng, đau bụng hoặc buồn nôn, mất ngủ. Giảm hoặc loại bỏ lượng caffein nạp vào mỗi ngày sẽ ngừng tình trạng run giật môi;

2.Thiếu kali: Sự thiếu hụt kali có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cơ, gây co thắt và chuột rút bất cứ nơi đâu, kể cả môi. Điều trị thiếu kali liên quan đến việc tránh bất kỳ thực phẩm hoặc thuốc có thể làm giảm mức kali. Ngoài ra, nên ăn chế độ ăn bổ sung kali;

3.Chứng co giật nửa mặt: có thể tìm thấy nguyên nhân hoặc không tìm thấy nguyên nhân ở bệnh nhân do bệnh lý thần kinh cơ hoặc bệnh lý thần kinh đơn thuần;

4.Do thuốc: Một số loại thuốc có thể gây co giật cơ, như steroid và estrogen. Cách điều trị dễ dàng nhất khi bị co giật do thuốc là chuyển sang dùng thuốc khác. Điều này nên được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ để tránh các phản ứng phụ hoặc các biến chứng khác;

 

5.Căng thẳng và mệt mỏi: Sự căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi cùng cực cũng có thể gây co giật môi. Một chuyến bay dài, một sự thay đổi áp suất liên tục có thể gây ra triệu chứng này nhất thời. Các biện pháp giảm căng thẳng, bao gồm yoga, thiền định, ngủ đêm đầy đủ, hoàn toàn có thể làm biến mất những cơn co giật ở môi;

6.Chất gây nghiện: Các loại thuốc bao gồm ma túy và rượu  cũng có thể gây co giật trên khuôn mặt. Ma túy và rượu gây kích thích thần kinh, nhưng cũng có thể đó là biểu hiện của chứng nghiện rượu, nghiện ma túy;

7.Chứng liệt mặt: Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên gây ra sự yếu hoặc tê liệt của cơ mặt. Một số người bị chứng liệt mặt bẩm sinh có thể bị co giật đôi môi. Điều trị chứng liệt mặt dựa trên các triệu chứng, có thể bao gồm liệu pháp vật lý hoặc thuốc, chẳng hạn như steroid;

8.Chứng co giật nửa mặt: Có thể là do kích ứng dây thần kinh điều khiển các cơ mặt. Nó cũng có thể gây ra bởi mạch máu hoặc một khối u chèn ép dây thần kinh. Trường hợp này hiếm gặp và có thể được chẩn đoán bằng cách sử dụng các xét nghiệm hình ảnh và khám thần kinh. Điều trị chứng co giật nửa mặt có thể bằng phẫu thuật hoặc tiêm botox để đóng băng các cơ bị ảnh hưởng để ngăn chặn co giật;

 

9.Chấn thương: Môi co giật mất kiểm soát cũng có thể do chấn thương trong quá khứ. Một tổn thương đến thân não có thể đã làm hỏng dây thần kinh mặt, có thể khiến cơ mặt co giật. Một thương tích các cơ mặt cũng có thể làm tổn thương dây thần kinh, dẫn đến co giật ở khu vực xung quanh;

10.Thiếu hormon: Sự mất cân bằng nội tiết tố do tuổi tác hoặc do bệnh suy tuyến cận giáp, có thể gây chứng môi co giật.Điều trị thường là để kiểm soát các triệu chứng, bao gồm bổ sung hormon cận giáp và bổ sung canxi và vitamin D;

11.Hội chứng Tourette: Hội chứng là một tình trạng máy giật vận động, máy giật phát âm lặp đi lặp lại, không thể kiểm soát. Không có phương pháp chữa bệnh nào cho hội chứng Tourette và điều trị thường liên quan đến điều trị các triệu chứng;

12.Bệnh Parkinson: Môi co giật có thể là một dấu hiệu ban đầu của bệnh Parkinson, cùng với những cơn run rẩy ở tay hoặc chân. Bệnh trở nên nặng hơn theo thời gian và hiện chưa có phương pháp chữa bệnh nào hiệu quả. Điều trị bệnh Parkinson thường liên quan đến việc ngăn chặn sự suy giảm thần kinh và bổ sung dopamine và các vitamin tăng cường thần kinh trong não. Chẩn đoán sớm cho người bị bệnh Parkinson có cơ hội tốt nhất để giữ lại càng nhiều chức năng càng tốt;
 

13.Xơ cứng động mạch hoại tử: Là một tình trạng chủ yếu ảnh hưởng đến các dây thần kinh điều khiển cơ bắp tự nguyện. Thông điệp từ não được gửi qua các dây thần kinh đến các cơ. Ở người bệnh, thần kinh bắt đầu chết đi. Điều này có thể gây suy nhược cơ và co giật. Bệnh trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Không có thuốc chữa cho ALS, mặc dù các loại thuốc mới như edaravone (Radicava) gần đây đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt với hy vọng rằng có thể giúp điều trị bệnh ALS và làm chậm sự thoái hóa của hoạt động hàng ngày của người bệnh.

Sự co giật do môi có thể gây phiền toái cho sinh hoạt. Nếu co giật môi xuất hiện với các triệu chứng khác, hoặc không biến mất sau khi cắt giảm caffein và giảm căng thẳng, tốt nhất nên đi khám bác sĩ. Bởi chẩn đoán sớm rất quan trọng để điều trị khỏi bệnh.

Thân chúc bạn khỏe!


Lý Thị Mỹ H., 26 tuổi, CN nhà máy may Khánh Hòa, 0915….

Hỏi:Các bác sỹ cho cháu hỏi hiện tượng thường xuyên bị co giật mí mắt là do nguyên nhân nào và triệu chứng ra sao, cháu muốn biết biểu hiện ra sao để điều trị vì cháu bị cả tháng nay cháu lo quá! Cháu cảm ơn bác sỹ!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn,co giật mí mắt là một hoạt động co thắt lặp đi lặp lại, không tự chủ của cơ mí mắt. Co giật thường xảy ra với mí mắt trên, nhưng cũng có thể xảy ra cả với mí mắt dưới. có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên (hiếm hơn). Với đa số mọi người, sự co thắt này rất nhẹ và thường chỉ giống như sự co kéo nhẹ vào mí mắt. Nhưng với một số người khác, thì sự co giật có thể mạnh đến nỗi khiến bạn phải nhắm mắt lại ngay lập tức. Một số người khác lại không bao giờ nhận thấy một dấu hiệu nào cả.

Co giật mí mắt thường xảy ra trong một vài giây, trong một đến hai phút. Các đợt co giật mí mắt thường sẽ không dự đoán trước được. Sự co giật có thể biến mất và sau đó lại xuất hiện trong vòng nhiều ngày. Sau đó, có thể bạn sẽ không nhận thấy bất cứ sự co giật nào nữa trong vòng vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Co giật mí mắt thường không gây đau đớn và không gây hại, nhưng có thể gây phiền nhiễu tới bạn. Đa số các cơn co giật thường sẽ tự biến mất mà không cần phải điều trị. Trong những trường hợp hiếm gặp, co giật mí mắt có thể là một dấu hiệu sớm của một rối loạn vận động mãn tính, đặc biệt là nếu co giật đi kèm với việc co giật các phần khác của mặt hoặc các chuyển động không kiểm soát được.


Về nguyên nhân gây co giật mí mắt có thể không rõ nguyên nhân nào và bởi các trường hợp co giật mí mắt là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng rất hiếm gặp, nên nguyên nhân của nó ít khi được tìm hiểu. Tuy vậy, co giật mí mắt có thể dẫn đến hoặc diễn biến tệ hơn nếu có kèm theo các cơn chóng mặt, mắt bị kích thích, căng mí mắt, mệt mỏi, thiếu ngủ, luyện tập thể thao quá nhiều, phản ứng phụ của thuốc, căng thẳng, uống rượu, hút thuốc lá hoặc sử dụng cà phê.

Nếu cơn co giật diễn biến mãn tính, bạn có thể sẽ bị co giật mí mắt lành tính là tình trạng chuyển động mãn tính, không kiểm soát được của mí mắt. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến cả 2 mắt. Nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa biết rõ, nhưng những tình trạng sau đây có thể làm cơn co giật diễn biến tệ hơn như có viêm mí mắt, viêm kết mạc, khô mắt, các chất kích thích từ môi trường (gió, ánh sáng, ánh nắng mặt trời hoặc ô nhiễm không khí), mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng, căng thẳng, uống quá nhiều rượu hoặc cà phê, hút thuốc lá.


Co giật mí mắt lành tính thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, ảnh hưởng đến khoảng 50.000 người Mỹ. Tình trạng này thường sẽ diễn biến nặng hơn theo thời gian và thậm chí có thể gây nhìn mờ, tăng nhạy cảm với ánh sáng và co giật cơ mặt.


Về biến chứng của co giật mí mắt có thể rất hiếm, songco giật mí mắt có thể là triệu chứng của những rối loạn nghiêm trọng về thần kinh hoặc não. Khi co giật mí mặt là hậu quả của những tình trạng này, thì sẽ đi kèm với các triệu chứng khác. Rối loạn não và thần kinh có thể khiến mí mắt co giật bao gồm:

·Liệt dây thần kinh mặt;

·Loạn trương lực cơ, gây co thắt cơ không tự chủ và ảnh hưởng đến một phần cơ thể bị xoay hoặc biến dạng;

·Loạn trương lực cơ cổ, khiến cổ co giật bất ngờ và khiến đầu quay ở vị trí khiến bạn khó chịu;

·Đa xơ cứng, một bệnh của hệ thần kinh trung ương gây ra các vấn đề về nhận thức và vận động, cũng như mệt mỏi;

·Bệnh Parkinson, gây run chi, cứng cơ, gặp các vấn đề về thăng bằng và ngôn ngữ.

·Hội chứng Tourette

Giác mạc trầy xước không được chẩn đoán cũng có thể gây ra tình trạng co giật mí mắt mãn tính. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị chấn thương mí mắt, hãy đến gặp bác sỹ nhãn khoa ngay lập tức. Vết xước giác mạc có thể gây ra tổn thương về mắt vĩnh viễn. Khi tình trạng co giật mí mắt nghiêm trọng đến nỗi cần phải được cấp cứu y tế. Tuy nhiên, co giật mí mắt mãn tính có thể là triệu chứng của những rối loạn não hoặc hệ thần kinh. Nếu bạn bị co giật mí mắt mãn tính, hãy đến khám bác sỹ. Bạn cũng nên đến khám bác sỹ nếu tình trạng co giật mí mắt mãn tính đi kèm với bất cứ triệu chứng nào dưới đây:

·Mắt bạn bị đỏ, sưng hoặc chảy dịch

·Mí mắt trên của bạn bị rũ xuống

·Mí mắt bị sụp xuống hoàn toàn mỗi lần bạn bị co giật mí mắt

·Tình trạng co giật kéo dài trong nhiều tuần

·Tình trạng co giật ảnh hưởng đến các phần khác của mặt.

Đa số các tình trạng co giật mí mắt sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Nếu tình trạng này không tự biến mất, bạn có thể cố gắng loại trừ hoặc làm giảm các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân phổ biến nhất của co giật mí mắt là do căng thẳng, mệt mỏi và sử dụng caffein. Để làm giảm co giật mí mắt, bạn có thể thử những cách sau: Uống ít caffein hơn, ngủ đủ giấc, giữ bề mặt và niêm mạc mắt luôn ẩm bằng các loại nước mắt nhân tạo không cần kê đơn hoặc thuốc nhỏ mắt, chườm ấm lên mắt khi bị co giật mí mắt.



Tiêm Botox đôi khi cũng được sử dụng để điều trị co giật mí mắt lành tính. Botox có thể làm giảm những cơn co giật mạnh trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, khi tác dụng của Botox giảm đi, bạn sẽ cần phải tiêm bổ sung thêm. Phẫu thuật loại bỏ một vài cơ và dây thần kinh ở mí mắt cũng có thể được áp dụng để điều trị các trường hợp co giật mí mắt nghiêm trọng hơn. Vật lý trị liệu cũng có thể hữu ích trong việc tập thư giãn cho các cơ mặt. Các phương pháp trị liệu liên quan đến lối sống cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng của co giật mí mắt lành tính. Coenzyme Q10 là một biện pháp nhưng bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi nếu bạn bị bệnh Parkinson và muốn sử dụng coenzyme Q10.

Các phương pháp điều trị khác bao gồm: Châm cứu, thôi miên, liệu pháp mát xa, liệu pháp dinh dưỡng, tâm lý trị liệu có thể hữu ích đối với những người mắc hội chứng Tourette, thái cực quyền, yoga và các kỹ thuật ngồi thiền để thư giãn.

Nếu có giật mí mắt thường xuyên xảy ra với bạn, hãy ghi chép lại thời gian và những triệu chứng đi kèm mỗi lần xảy ra. Ghi lại lượng caffein, thuốc lá và rượu, cũng như mức độ căng thăng và mức độ ngủ của bạn trong khoảng thời gian các cơn co giật mí mắt xảy ra. Nếu bạn nhận thấy rằng bạn bị co giật mí mắt nhiều hơn khi bạn không ngủ đủ, cố gắng đi ngủ sớm hơn từ 30 phút-1 tiếng mỗi ngày để làm giảm sức căng của mí mắt và giảm các cơn co giật.
 

Nhìn chung, co giật mí mắt có rất nhiều nguyên nhân. Hiệu quả điều trị và triển vọng điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng người. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xem xét xem co giật mí mắt có liên quan đến di truyền hay không. Co giật liên quan đến căng thẳng, thiếu ngủ hoặc các yếu tố lối sống khác sẽ có triển vọng điều trị tốt nhất. Nếu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn là nguyên nhân khiến mí mắt bạn co giật, thì điều trị vấn đề đó sẽ là cách tốt nhất để làm giảm tình trạng co giật.

Thân chúc khỏe!


Nguyễn Thị Minh Th..., 44 tuổi TT Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định

Hỏi:Nguyên nhân do đâu mà bị giật cơ bắp thỉnh thỏang dù đã nghỉ ngơi hợp lý và đi bộ thường xuyên vẫn vị, kính mong các bác sỹ chỉ giúp cách điều trị.

Trả lời:Đây có lẽ là câu hỏi mà ít nhất một lần trong đời ai cũng có thể phát hiện mình đã có xảy ra một đôi lần mà không đôi khi bạn thả lỏng tay, chân và phát hiện cơ bắp của mình tự nhiên run giật liên hồi mà không gây đau đớn, hay bất kỳ triệu chứng nào khác. Đa số các trường hợp bị giật cơ bắp thường không được người bệnh quan tâm, chú ý nên không biết nguyên nhân là gì cả, do đó đôi khi triệu chứng đó lại là một dấu hiệu không tốt cho một bệnh lý thần kinh cơ tiếp theo. Nghĩa là tình trạng co giật cơ bắp có thể là dấu hiệu của bệnh thần kinh bị tổn thương hoặc suy giảm chức năng thần kinh cơ.

Các cơ bắp nhỏ trong cơ thể được cấu tạo từ các bó sợi cơ và được điều khiển bởi hệ thống dây thần kinh. Khi chức năng của hệ thần kinh bị suy giảm, việc điều khiển các cơ bắp trong cơ thể trở nên không chính xác. Có nhiều mức độ của tình trạng co giật cơ bắp từ co giật nhẹ đến run tay chân với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến co giật cơ bắp nhẹ như sau tập luyện thể dục thể thao hoặc tham gia lao động, cơ thể thường tích tụ acid lactic trong cơ bắp ở tay và chân gây ra tình trạng co giật nhẹ. Ngoài ra, các nguyên nhân dưới đây cũng có thể gây ra tình trạng co giật cơ bắp như người bệnh lo lắng, căng thẳng trong thời gian dài, uống quá nhiều cà phê hoặc các chất kích thích khác, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng nhất định có thể gây ra tình trạng co thắt cơ bắp, chẳng hạn cơ mí mắt, cơ bắp chân và cơ bàn tay, bắp tay. Các dạng thiếu chất dinh dưỡng phổ biến là vitamin D, vitamin B và nguyên tố vi lượng calci. Mất nước gây ra tình trạng co giật mạnh ở những phần cơ bắp lớn như bắp chân, bắp tay, cơ bụng, cơ lưng.

Nicotin trong thuốc lá gây co giật cơ bắp, đặc biệt là ở chân. Một số loại thuốc như corticosteroid, thuốc estrogen có thể gây co thắt cơ bắp ở bàn tay, bắp tay và bắp chân. Những nguyên nhân ở trên thường chỉ khiến cơ bắp bị co giật trong một khoảng thời gian ngắn và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn vẫn nên sắp xếp thời gian đi khám tại bệnh viện chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên khoa cơ-xương-khớp để đảm bảo sức khỏe. Khác với những nguyên nhân phổ biến gây co giật ở trên, co giật cơ bắp nặng có nguyên nhân từ những rối loạn liên quan đến hệ thống thần kinh cơ thể, bao gồm não và tủy sống.


Từ tủy sống, những dây thần kinh ngoại biên nối với các cơ bắp trong cơ thể, dẫn truyền các tín hiệu thần kinh điều khiển cơ bắp hoạt động theo ý muốn. Các dây thần kinh này bị tổn thương hoặc suy giảm chức năng vì những nguyên nhân dưới đây:

·Chứng loạn dưỡng cơ bắp: Là do một nhóm các bệnh di truyền gây tổn thương và làm yếu cơ bắp theo thời gian, thường gây co giật ở vùng mặt, vùng cổ, vùng hông và vai.

·Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (Lou Gehrig): là bệnh thoái hóa thần kinh gây ra các biểu hiện teo cơ, rung giật các sợi cơ,… có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của cơ thể nhưng thường xuất hiện ở cánh tay và chân trước tiên.

·Bệnh teo cơ tủy sống: Bệnh lý teo cơ do tổn thương tế bào vận động số II tại tủy sống, ảnh hưởng đến vận động cơ bắp, có thể gây co giật lưỡi.

·Hội chứng Isaac: ảnh hưởng đến dây thần kinh kích thích cơ bắp, gây ra co giật cơ bắp thường xuyên.


Về điều trị tình trạng co giật cơ bắp, đối với các triệu chứng co giật cơ bắp nhẹ, thường tự động khỏi sau vài ngày nên bệnh nhân không cần phải điều trị. Với các trường hợp nặng, bác sỹ có thể kê cho bạn một vài loại thuốc dưới đây:

·Nhóm thuốc corticosteroid: Betamethasone (Celestone) và prednisone (Rayos);

·Nhóm thuốc giãn cơ: Carisoprodol (Soma) và cyclobenzaprin (Amrix);

·Nhóm thuốc chẹn thần kinh cơ: Incobotulinumtoxin A (Xeomin) và rimabotulinumtoxin B (Myobloc);

·Trong những thập niên gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy một số hoạt chất sinh học tự nhiên có trong thảo dược Thiên ma, Câu đằng có khả năng phục hồi tổn thương của các tế bào thần kinh và điều chỉnh lại những rối loạn chức năng của não bộ, nhờ đó bộ đôi thảo dược này được đánh giá là giải pháp tự nhiên hữu hiệu giúp làm giảm chứng run tay chân và tình trạng co giật các bắp cơ.

Làm thế nào để ngăn ngừa co giật cơ bắp? Co giật cơ bắp không thể phòng ngừa được hoàn toàn, nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc triệu chứng này bằng cách:

·Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng các chất dinh dưỡng, nguyên tố vi lượng và chất xơ

·Ngủ đủ giấc từ 6-8 tiếng mỗi đêm để phục hồi chức năng của hệ thần kinh.

·Giảm bớt căng thẳng, stress bằng thiền, yoga, thái cực dưỡng sinh. Tập tối thiểu 3 lần mỗi tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất

·Hạn chế uống cà phê và các loại thực phẩm có chứa caffeine;

·  Bỏ thuốc lá

Co giật cơ bắp tuy không phải là một trường hợp cấp cứu và ít khi nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể là một dấu hiệu của bệnh lý thần kinh nghiêm trọng. Bạn nên đi kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện để xác định nguyên nhân, giúp điều trị sớm các bệnh lý gây ra tình trạng này.

Thân chúc bạn khỏe!


Huỳnh Anh M., 35 tuổi, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, ….

Hỏi:Vừa qua, gia đình tôi có đưa cháu đi khám ở bệnh viện nhi đồng 1, phát hiện cháu bị suy giáp bẩm sinh. Tôi không biếtcháu có làm sao không, làm thế nào để tránh nguy hiểm khi cháu bị suy giáp bẩm sinh. Gia đình chúng cháu rất biết ơn!

Trả lời:

Chúng tôi rất chia sẻ với tình trạng lo lắng của bạn và gia đình khi phát hiện cháu bị suy giáp bẩm sinh, cũng còn tùy thuộc vào nguyên nhân mà có thể chữa khỏi cho cháu anh ah, do vậy trước mắt chúng ta nên bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân và giải pháp điều trị tốt nhất cho cháu, tránh các hậu quả do suy giáp gây ra.

Trong thực hành lâm sàng, suy giáp bẩm sinh ở trẻ em là do rối loạn nội tiết từ việc thiếu hoặc khiếm khuyết tác động của hormon tuyến giáp đưa đến tình trạng chậm phát triển thể chất, tâm thần và vận động ở trẻ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ sẽ tử vong, bị lùn và chậm phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm, trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh, bình thường.

Tuyến giáp là tuyến có dạng hình con bướm, nằm ở phía trước cổ, có tác dụng sản xuất nội tiết tố T4 (Thyroxine). Nội tiết tố này giữ vai trò sống còn cho quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ. Thiểu năng tuyến giáp là một bệnh lý xảy ra do tuyến giáp không sản xuất đủ hormonhay nội tiết tố đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của cơ thể dẫn đến ảnh hưởng sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là não. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc không nhiều, chỉ chiếm 1/3000-1/4000 em bé mới sinh. Tại Việt Nam, trung bình từ 2.500 - 5.000 trẻ sơ sinh sẽ có 1 trẻ mắc thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh. Bệnh phổ biến ở nữ nhiều hơn nam.


Nguyên nhân có thể là do tuyến giáp trạng phát triển bất thường, một lỗi bẩm sinh trong chuyển hóa giáp trạng, hay thiếu chất iốt. Cho đến nay, chưa có bằng chứng bệnh thiểu năng tuyến giáp có di truyền. Nếu một bé sơ sinh bị suy giáp bẩm sinh và không được phát hiện điều trị kịp thời, trong vòng 2-3 tuần đầu sau sinh, bệnh sẽ ảnh hưởng đến bé:

- Trong giai đoạn sơ sinh: Thường bị vàng da kéo dài hơn bình thường, màu da thường xám chì, tái. Bé thường ngủ nhiều, không linh hoạt với tiếng động môi trường bên ngoài, ít khóc, bỏ bú hay bú ít, không tỉnh táo khi bú, chậm lên cân, tay chân lạnh, lưỡi thò ra ngoài;

- Giai đoạn sau sơ sinh và trẻ nhỏ: Chậm phát triển về mặt thể chất (chậm lên cân và phát triển chiều cao), tinh thần, không linh hoạt, không học hành được tốt so với người bình thường. Nếu trẻ được phát hiện suy giáp bẩm sinh quá trễ, việc điều trị sẽ ít hiệu quả do các di chứng phát triển tâm thần, do thiếu hormon T4 kéo dài không hồi phục.

- Triệu chứng bệnh ở tuổi dậy thì:Có thể bao gồm chậm phát triển tâm thần, không linh hoạt và học kém, tiếp thu chậm...

Trẻ mắc bệnh suy giáp bẩm sinh lúc mới sinh ra có triệu chứng mơ hồ nên các bậc cha mẹ rất khó nhận biết. Tuy nhiên, khi cha mẹ nhận thấy những triệu chứng của bệnh thì đã ở giai đoạn muộn vì hệ thần kinh của trẻ phát triển rất nhanh. Vì thế, điều trị trễ, trẻ sẽ chậm phát triển về thể chất và tâm thần so với các bạn cùng lứa. Trên thực tế, một số trẻ được nhập viện với lý do bị táo bón, vàng da. Có trẻ 5-6 tuổi mới được phát hiện bệnh với lý do đến khám là chậm phát triển về tâm thần, thể chất, cũng như chậm phát triển chiều cao, học không nhớ hoặc một bệnh lý khác. Do vậy, tốt nhất trẻ nên được chẩn đoán sớm bằng chương trình tầm soát sơ sinh.


Ở những bệnh viện thực hiện tầm soát bệnh suy giáp bẩm sinh, 48 giờ sau sinh trẻ được lấy máu ở gót chân, sau đó được đo nồng độ TSH trong máu. Nếu TSH tăng, các bác sĩ sẽ nghi ngờ trẻ bị suy giáp bẩm sinh và nhân viên y tế sẽ liên hệ với người nhà để được chẩn đoán bệnh suy giáp bẩm sinh. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ sẽ phát triển như bình thường. Điều quan trọng nhất trong bệnh suy giáp bẩm sinh là việc điều trị có hiệu quả tốt, đặc biệt điều trị trong giai đoạn sớm. Cách điều trị là bổ sung hormon tuyến giáp hằng ngày bằng đường uống. Mặc dù việc quên uống thuốc đều đặn sẽ không gây ra hậu quả ngay, nhưng tốt nhất là cố gắng đảm bảo cho trẻ uống thuốc đều đặn hằng ngày và nhờ đó có thể duy trì nồng độ Tyrôxin ổn định trong máu của trẻ.

Trong 2 năm đầu, trẻ cần được thử máu đều đặn để kiểm tra nồng độ thyroxine trong máu, bác sĩ sẽ căn cứ kết quả này để điều chỉnh liều thyroxine thích hợp cho từng trẻ, những thay đổi liều lượng thyroxine này là cần thiết khi trẻ tăng cân và phát triển. Khi trẻ được 2 hoặc 3 tuổi, số lần thử máu sẽ được giảm vì khi đó việc tính liều lượng thyroxine được dựa trên sự phát triển của trẻ. Trẻ cần uống viên thyroxine trong suốt cuộc đời, việc uống thuốc dần dần sẽ trở thành thói quen của trẻ, tránh quên uống thuốc để duy trì tình trạng bình giáp. Do đó, việc điều trị uống thuốc trong suốt cuộc đời và phải được bác sĩ chuyên khoa nội tiết khám bệnh theo dõi định kỳ.


 Suy giáp bẩm sinh là bệnh lý xảy ra do tuyến giáp không sản xuất đủ hormon đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của cơ thể. Tuyến giáp sử dụng iốt thức ăn đưa vào cơ thể hằng ngày để tổng hợp ra loại tiết tố gọi là thyroxin. Nội tiết tố này giữ vai trò tối quan trọng cho quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ. Nếu tuyến giáp hoạt động không bình thường, không sản xuất đủ thyroxine sẽ ảnh hưởng lên sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là của não, chính vì thế cần tầm soát bệnh.

Trường hợp không có điều kiện, trẻ không được tầm soát, các bậc cha mẹ cần lưu ý những triệu chứng của bệnh suy giáp bẩm sinh để phát hiện sớm nhất bệnh như: táo bón, vàng da kéo dài, da khô; khàn giọng, lưỡi thè, rốn lồi, chậm phát triển về thể chất như chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao, các mốc phát triển tâm thần theo tuổi chậm hơn trẻ bình thườngnên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Thân chúc gia đình khỏe!

Ngày 26/02/2019
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích