Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 8 2 4 3
Số người đang truy cập
9 4 0
 Tin tức - Sự kiện Quốc tế
Một số điểm chính trong Báo cáo sốt rét thế giới 2022 (Phần 4)

SINH HỌC VÀ CÁC MỐI ĐE DỌA KHÁC ĐỐI VỚI CÔNG CỤ CAN THIỆP SỐT RÉT

Mất gen Pfhrp2/3 ở ký sinh trùng sốt rét

Những ký sinh trùng không còn biểu hiện kháng nguyên đích HRP2 có thể không phát hiện được bằng các test chẩn đoán nhanh (RDTs) dựa vào HRP2, và những ký sinh trùng không còn biểu hiện cả HRP2 và HRP3 thì hoàn toàn vô hình đối với các test chẩn đoán nhanh này.

WHO đã khuyến nghị các quốc gia có báo cáo mất gen pfHRP 2/3 và các quốc gia lân cận nên tiến hành các điều tra cơ bản đại diện trong số các ca sốt rét nghi ngờ để xác định xem liệu tỷ lệ phổ biến của mất gen pfHRP2/3, vốn là nguyên nhân dẫn đến kết quả chẩn đoán nhanh âm tính giả, đã đạt đến ngưỡng để phải thay đổi test chẩn đoán nhanh hay chưa (mất gen pfHRP2 >5% dẫn đến kết quả chẩn đoán nhanh âm tính giả).

Các lựa chọn RDT thay thế (ví dụ: dựa vào phát hiện lactate dehydrogenase của ký sinh trùng [pLDH]) còn hạn chế; đặc biệt là thiếu các xét nghiệm kết hợp không dựa vào kháng nguyên đặc hiệu HRP2 được WHO chấp thuận để có thể phát hiện và phân biệt giữa P. falciparum và P. vivax.

WHO đang theo dõi các báo cáo đã được công bố về mất gen pfHRP 2/3 bằng cách sử dụng ứng dụng Malaria Threat Map (Bản đồ Mối đe dọa Sốt rét) và đang khuyến khích một biện pháp tiếp cận hài hòa để lập bản đồ và báo cáo mất gen pfHRP 2/3 thông qua các hướng dẫn điều tra có sẵn công khai.

Vào năm 2022, một số quốc gia ở Khu vực Châu Phi của WHO đã bắt đầu lập kế hoạch hoặc thực hiện các cuộc điều tra đại diện đối với mất gen Pfhrp2/3; kết quả dự kiến sẽ có ​​vào năm 2022 và 2023.

WHO đã đưa ra một bảng điều khiển để theo dõi các hoạt động giám sát trên toàn cầu nhằm thông báo các ưu tiên và phân bổ nguồn lực cũng như dự báo RDT, đồng thời để tránh mất công trùng lặp. Bảng điều khiển bao gồm các đặc điểm chính của các hoạt động giám sát cũng như các mốc thời gian.

Từ tháng 9 năm 2021 đến tháng 9 năm 2022, các cuộc điều tra về mất gen Pfhrp2/3 đã được báo cáo trong 17 bài báo từ 17 quốc gia: Benin, Brazil, Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo, Djibouti, Ecuador, Guinea Xích đạo, Eritrea, Ethiopia, Gabon, Ghana, Ấn Độ, Kenya, Madagascar, Rwanda, Sierra Leone và Cộng hòa Thống nhất Tanzania. Trong số này, chỉ có Guinea Xích đạo, Kenya và Rwanda không xác định bất cứ trường hợp mất gen Pfhrp2 nào, tuy nhiêntình trạng mất gen ở ba quốc gia này đã được báo cáo trong các bài báo trước đó.

Dựa trên dữ liệu từ các bài báo có trong Malaria Threats Map, một hình thức điều tra nào đó đã được tiến hành ở 47 quốc gia, và đã xác nhận xuất hiện tình trạng mất gen ở 40 quốc gia trong số này.

Kế hoạch Ứng phó Toàn cầu của WHO đối với mất gen Pfhrp2/3 vạch ra một số lĩnh vực cần hành động ngoài việc mở rộng quy mô giám sát. Các lĩnh vực khác cần hành động này bao gồm xác định các chỉ điểm sinh học mới, cải thiện hiệu quả của các RDT không dựa vào kháng nguyên đích HRP2, dự báo thị trường và củng cố mạng lưới phòng thí nghiệm để hỗ trợ nhu cầu sử dụng đặc tính phân tử để xác định có hay không tình trạng mất các gen này.

Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc

Hiệu lực của thuốc sốt rét được giám sát thông qua các nghiên cứu về hiệu lực điều trị (therapeutic efficacy studies_TES), trong đó theo dõi kết quả lâm sàng và ký sinh trùng ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc sốt rét. TES được coi là tiêu chuẩn vàng để các quốc gia có thể xác định chính sách điều trị quốc gia của mình một cách tốt nhất.

Kháng thuốc sốt rét có thể được đánh giá bằng một số công cụ. Đối với một số loại thuốc, người ta đã xác định được các thay đổi gen liên quan đến giảm độ nhạy với thuốc. Kháng một phần artemisinin được theo dõi nhờ một danh sách được lập ra gồm các chỉ điểm PfKelch13 ứng viên và đã được công nhận có liên quan đến tình trạng chậm thanh thải sau khi điều trị bằng artemisinin.

WHO đối chiếu các kết quả nghiên cứu về hiệu lực thuốc và tình trạng kháng thuốc sốt rét, và đưa chúng vào Malaria Threats Map.

Khu vực Châu Phi của WHO: Tổng cộng có 266 nghiên cứuTES P. falciparum đã được tiến hành ở Khu vực Châu Phi của WHO theo quy trình chuẩn của WHO từ năm 2015 đến năm 2021, thu tuyển ít nhất 20 bệnh nhân. Trong số các nghiên cứu TES này, có sáu nghiên cứu đã chứng minh tỷ lệ thất bại lớn hơn 10%: bốn nghiên cứu với artemether-lumefantrine (AL) ở Burkina Faso và Uganda, và hai nghiên cứu với dihydroartemisinin-piperaquine (DHA-PPQ) ở Burkina Faso. Năm nghiên cứu khác với AL và hai nghiên cứu với DHA-PPQ sử dụng phương pháp phân biệt giữa tái nhiễm và tái phát khác với phương pháp do WHO khuyến nghị đã báo cáo tỷ lệ thất bại điều trị lớn hơn 10%; các nghiên cứu này thực hiện ở Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda. Đột biến PfKelch13 đã xuất hiện ở Eritrea, Rwanda và Uganda. Tỷ lệ thất bại điều trị vẫn dưới 10%, vì thuốc đi kèm vẫn có hiệu quả. Cần tiếp tục nghiên cứu để xác định mức độ lây lan của các đột biến PfKelch13 và để điều tra bất kỳ thay đổi nào đối với thời gian làm sạch ký sinh trùng và tính kháng in vitro.

Khu vực Châu Mỹ của WHO: Dữ liệu TES hạn chế có sẵn từ Khu vực Châu Mỹ của WHO. Nghiên cứu TES với AL được thực hiện từ năm 2015 đến 2021 ở Brazil và Colombia đã chứng minh hiệu lực cao. Ở Guyana, đột biến PfKelch13 C580Y liên quan đến kháng một phần artemisinin đôi khi được phát hiện từ năm 2010 đến 2017 nhưng lại không được tìm thấy trong bất kỳ mẫu nào gần đây hơn, cho thấy đột biến có thể đã biến mất.

Khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO: Trong số 36 nghiên cứu TES P. falciparum được tiến hành ở Khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO thu tuyển ít nhất 20 bệnh nhân, có hai nghiên cứu với artesunate kết hợp với SP (AS+SP) ở Somalia và Sudan cho thấy tỷ lệ thất bại cao hơn 10%. Ở những quốc gia này, liệu pháp điều trị ưu tiên sau đó đã được đổi thành AL.

Khu vực Đông Nam Á của WHO: Trong số 67 nghiên cứu TES P. falciparum được tiến hành ở Khu vực Đông Nam Á của WHO thu tuyển ít nhất 20 bệnh nhân, không có nghiên cứu TES nào báo cáo tỷ lệ thất bại điều trị lớn hơn 10%. Tuy nhiên, sự hiện diện của các đột biến liên quan đến kháng SP ở miền trung Ấn Độ có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm trước khi AS+SP thất bại. Ở Thái Lan nơi hiệu lực thuốc được đánh giá bằng giám sát hiệu lực thuốc lồng ghép, tỷ lệ thất bại điều trị bằng DHA-PPQ phối hợp với primaquine được phát hiện là cao ở tỉnh Sisaket. Điều này khiến tỉnh thay đổi liệu pháp điều trị ưu tiên thành artesunate-pyronaridine (AS-PY) vào năm 2020. Ở khu vực GMS, các đột biến PfKelch13 liên quan đến kháng một phần artemisinin đang phổ biến ở Myanmar và Thái Lan.

Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO: Trong số 63 nghiên cứu TES P. falciparum được tiến hành ở Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO thu tuyển ít nhất 20 bệnh nhân, có 14 nghiên cứu đã chứng minh tỷ lệ thất bại cao hơn 10%. Một nghiên cứu với AL tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2017 cho thấy tỷ lệ thất bại cao (17,2%) nhưng nghiên cứu này chỉ có 29 bệnh nhân và các nghiên cứu sau đó cho thấy hiệu lực AL cao. Hai nghiên cứu ở Campuchia phát hiện tỷ lệ thất bại cao với artesunate-amodiaquine (AS-AQ), cho thấy sự hiện diện của kháng AQ ở Campuchia. Tỷ lệ thất bại điều trị cao với DHA-PPQ đã được phát hiện ở Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Việt Nam, dẫn đến cần phải thay đổi cách sử dụng loại thuốc này như liệu pháp điều trị đầu tay. Ở khu vực GMS, các đột biến PfKelch13 liên quan đến kháng một phần artemisinin đang phổ biến ở Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Việt Nam. Ngoài ra, ở Papua New Guinea, đột biến PfKelch13 C580Y đã xuất hiện và dường như đang lan rộng.

Véc-tơ kháng hóa chất diệt côn trùng

Từ năm 2010 đến 2020, 88 quốc gia đã báo cáo cho WHO dữ liệu về giám sát kháng hóa chất diệt côn trùng tiêu chuẩn, bao gồm 38 quốc giabáo cáo về mức độ kháng pyrethroid và 32 quốc gia báo cáo về khả năng PBO nhằm khôi phục tính nhạy cảm với pyrethroid.

Vào năm 2020, các nồng độ phân biệt và quy trình mới để theo dõi tính kháng của véc-tơ sốt rét đối với chlorfenapyr, clothianidin, transfluthrin, flupyradifurone và pyriproxyfen đã được đưa ra, đồng thời các nồng độ phân biệt đối với pirimiphos-methyl và alpha-cypermethrin đã được sửa đổi. Các quốc gia nên điều chỉnh việc giám sát kháng hóa chất diệt côn trùng ở véc-tơ sốt rét để phù hợp với các quy trình mới này. WHO chưa nhận được bất kỳ dữ liệu giám sát kháng nào của véc tơ nào đối với transfluthrin, flupyradifurone và pyriproxyfen. Mặc dù WHO đã nhận được một số dữ liệu theo dõi tình trạng kháng đối với chlorfenapyr và clothianidin, nhưng những dữ liệu này không đủ để đánh giá khả năng kháng đối với một trong hai loại hóa chất diệt côn trùng này.

Trong số 88 quốc gia lưu hành bệnh sốt rét cung cấp dữ liệu cho giai đoạn 2010–2020, 78 quốc gia đã phát hiện kháng ít nhất một loại hóa chất diệt côn trùng ở ít nhất một loài véc-tơ sốt rét và một điểm thu thập; 29 quốc gia đã phát hiện tình trạng kháng pyrethroids, organochlorines, carbamat và organophosphates ở các điểm khác nhau; và 19 quốc gia đã xác nhận tình trạng kháng tất cả bốn loại này ở ít nhất một điểm và ít nhất một loài véc-tơ địa phương.

Trên toàn cầu, tình trạng kháng pyrethroid – loại hóa chất diệt côn trùng chính hiện được sử dụng trong tẩm màn ITN – đang phổ biến, đã được phát hiện ở ít nhất một loài véc-tơ sốt rét ở 68% điểm giám sát có dữ liệu. Tình trạng kháng organochlorines đã được báo cáo ở 64% các điểm giám sát. Tình trạng kháng carbamate và organophosphates ít phổ biến hơn, được phát hiện lần lượt ở 34% và 28% các điểm báo cáo dữ liệu giám sát.

Trong số 38 quốc gia đã báo cáo dữ liệu về mức độ kháng pyrethroid, tình trạng kháng cường độ cao đã được phát hiện ở 27 quốc gia và 293 điểm giám sát.

Kể từ năm 2010, PBO đã được theo dõi để khôi phục hoàn toàn tính nhạy cảm ở 283 điểm trên 29 quốc gia.

Để hướng dẫn quản lý kháng hóa chất, các quốc gia nên xây dựng và thực hiện các kế hoạch quản lý và giám sát kháng hóa chất diệt côn trùng quốc gia, dựa trên Khung hoạt động của WHO về kế hoạch quốc gia giám sát và quản lý kháng hóa chất diệt côn trùng ở véc-tơ sốt rét. Số quốc gia báo cáo có kế hoạch như vậy đã tăng từ 53 vào năm 2019 lên 67 vào năm 2020.

Cần hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để hỗ trợ các quốc gia giám sát và quản lý tình trạng kháng hóa chất diệt côn trùng.

Dữ liệu tiêu chuẩn về kháng hóa chất diệt côn trùng được báo cáo cho WHO đã có trong cơ sở dữ liệu toàn cầu của WHO về kháng hóa chất diệt côn trùng ở véc-tơ sốt rét và có thể truy cập thông qua Malaria Threats Map.

Hiệu quả của màntẩm hóa chất diệt côn trùng ITN

Màn ITN được coi là công cụ chính làm giảm lan truyền và gánh nặng sốt rét trong giai đoạn 2005–2015, đặc biệt ở những nơi có mức lan truyền từ trung bình vừa đến cao. Màn tẩm hóa chấtcó tác dụng tồn lưu dài (LLINs) vẫn có hiệu quả và được WHO khuyến khích tiếp tục sử dụng để ngăn ngừa sốt rét.

Vì LLINs là công cụ phòng chống véc-tơ chính nên các yếu tố làm giảm hiệu quả phòng ngừa sốt rét của chúng là rất quan trọng trong công cuộc phòng chống sốt rét. Các yếu tố này bao gồm độ bền vật lý của màn (tức độ bền của vải) và độ bền hóa học của nó (tức hiệu quả sinh học, là sự lưu giữhoạt chất trên bề mặt màn theo thời gian), các hạn chế về hoạt động và hành vi (tức là cấp phát, tiếp cận, độ bao phủ và khả năng chấp nhận, sử dụng, duy trì và cất giữ) và động lực học của véc-tơ (các hành vi đốt mồi và trú đậu của các loài).

Sự xuất hiện và lan rộng về mặt địa lý của tình trạng kháng pyrethroid là mối đe dọa được công nhận nhiều nhất đối với hiệu quả của màn ITN tẩm pyrethroid tồn lưu dài.

Một nghiên cứu thử nghiệm đa quốc gia do WHO ủy quyền và công bố vào năm 2018 cho thấy màn ITN vẫn có khả năng bảo vệ cao khỏi bệnh sốt rét, ngay cả khi có tình trạng kháng pyrethroid cao.

Trái lại, dữ liệu từ một số nghiên cứu thực nghiệm trong túp lều (experimental hut studies) cho thấy rằng, khi tính nhạy cảm của véc-tơ đối với pyrethroid giảm xuống, tác dụng xua đuổi và tiêu diệt muỗi cũng giảm đi rất nhiều.

Phân tích mô hình cho thấy thêm rằng tác động dịch tễ học của màn ITN giảm khi mức độ kháng pyrethroid cao.

Hiệu lực cao hơn được quan sát thấy ở các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên về một số màn ITN thế hệ mới hơn (so với màn ITN chỉ tẩm pyrethroid) cho thấy rằng tình trạng kháng hóa chất diệt côn trùng đang có ảnh hưởng đến kết quả dịch tễ học.

Ở khu vực châu Phi hạ Sahara nơi phần lớn màn ITN được cấp phát, khoảng 590 triệu màn ITN đã được chuyển đến các cộng đồng trong giai đoạn 2019–2021. Tuy nhiên trong năm 2021, ước tính tỷ lệ dân số được sở hữu mộtmàn ITN trong hộ gia đình và tỷ lệ dân số ngủ màn ITN lần lượt là 54% và 47% do một số yếu tố.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc sở hữu và sử dụng màn ITN thông dụng bao gồm hiệu quả phân bổ, gìn giữ và sử dụng. Để phân bổ màn ITN hợp lýcần phải xác định các khoảng trống về độ bao phủ màn ở cấp địa phương và tăng cường cấp phát đến các khu vực này. Việc giữ gìn màn ITN được xác định bởi thái độ của hộ gia đình đối với màn của họ, các hành vi xử lý màn và các rủi ro khác cũng như độ bền của vải và kết cấu màn. Tuổi thọ trung bình của các màn ITN hiện nay, dù có thể thay đổi theo bối cảnh, là khoảng 1,9 năm. Cuối cùng, ngay cả khi các thành viên trong gia đình đều có sẵn màn, không phải lúc nào chúng cũng được sử dụng; sự khác nhau về cách sử dụng bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, mùa, giới tính và nguy cơ mắc bệnh sốt rét.

Người ta đã tiến hành phân tích mô hình hóa minh họa. Bắt đầu phân tích là một màn LLIN “lý tưởng” (nghĩa là màn LLIN được phân bổ hoàn hảo, không bao giờ bị vứt bỏ, luôn được sử dụng, có hiệu lực diệt côn trùng cao và rất bền), sau đó khám phá các tình huống trong đó từng hạn chế liệt kê ở trên được đưa ra lại một cách tuần tự.

Phân tích cho thấy các yếu tố chính làm giảm hiệu quả của màn là do suy giảm hiệu lực của hóa chất diệt và độ bền vật lý. Khi kết hợp với các rào cản đối với việc sở hữu, tỷ lệ sử dụng và giữ gìn màn ITN, tác động của một chiến dịch sử dụng màn ITN sẽ giảm đi đáng kể vào cuối năm thứ ba.

Cần có các giải pháp để cải thiện độ bền vật lý và hóa học của màn LLIN, hiệu quả phân bổ cũng như việc bảo quản và sử dụng của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, các màntẩm hoạt chất kép hoặc màn LLINs tẩm hóa chất hoàn toàn không thuộc nhóm pyrethroid là rất cần thiết để giảm thiểu tác động của tình trạng kháng hóa chất diệt côn trùng lan rộng.

Hiệu quả của phun tồn lưu hóa chất trong nhà IRS

IRS là biện pháp can thiệp kiểm soát véc tơ được các chương trình sốt rét quốc gia NMP thực hiện rộng rãi thứ hai. Tuy nhiên, có bằng chứng thử nghiệm hạn chế về hiệu quả của IRS.

Từ dữ liệu quan sát, khi IRS được thực hiện đúng cách, đó là một biện pháp can thiệp hiệu quả để giảm mật độ và tuổi thọ của véc-tơ sốt rét trưởng thành, và từ đó giảm lây truyền bệnh sốt rét.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến tính hiệu quả của IRS cũng tương tự như những yếu tố ảnh hưởng đến ITN. Ví dụ, hầu hết quần thể véc-tơ đốt mồi và trú đậu trong nhà, mọi người chủ yếu ngủ trong nhà vào ban đêm và IRS có mức chấp nhận cao trong cộng đồng. Các yếu tố đặc trưng cho IRS bao gồm thời điểm phun thuốc và trình độ kĩ thuật của người thực hiện (ảnh hưởng đến chất lượng phun thuốc).

Việc triển khai IRS với chất lượng yêu cầu thì khó khăn hơn về mặt hậu cần và tốn kém hơn nhiều so với việc cấp phát màn ITN.

Một đánh giá gần đây cho thấy rằng, so với ITN, IRS đắt hơn khoảng năm lần để bảo vệ cho mỗi người mỗi năm, có nghĩa là IRS ít hiệu quả hơn về mặt chi phí.

Một nghiên cứu ở Ethiopia chỉ ra rằng việc thực hiện IRS dựa vào cộng đồng (trong đó người vận hành máy phun và vật tư hóa chất ở gần các hộ gia đình hơn và có sự tham gia của nhân viên y tế cộng đồng) có thể giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và tăng phạm vi bao phủ mà không làm giảm hiệu suất.

Ngay cả khi áp dụng hình thức thực hiện dựa vào cộng đồng, tổng chi phí vẫn còn cao và khi cộng thêm chi phí bảo trì thiết bị và giám sát liên tục năng lực người phun thuốc, rõ ràng là việc mở rộng quy mô IRS đòi hỏi một ngân sách lớn.

Chi phí có thể tăng thêm khi kháng hóa chất diệt côn trùng sử dụng trong IRS xuất hiện và cần nhiều hóa chất đắt tiền hơn.

Ngoài tầm
kiểm soátcủa ITN và IRS: giải quyết vấn đề lan truyền dai dẳng

Ngoài việc muỗi thích nghi di truyền với thuốc diệt côn trùng (nghĩa là kháng thuốc diệt côn trùng), việc hiểu biết về sự thích nghi hành vi của muỗi – về những thay đổi hành vi đốthút máu và trú đậu tiêu máu – cũng quan trọng không kém.

Ngày càng có nhiều bằng chứng về hành vi tránh hóa chất diệt côn trùng của các véc-tơ (tức là đốt máu sớm hơn trước khi mọi người đi ngủ, trú đậu ngoài nhà nhiều hơn hoặc hút máu gia súc thay vì con người).

Các véc-tơ có khả năng thích nghi hành vi này trở nên chiếm ưu thế hơn so với những véc-tơhạn chế thay đổi hành vi. Thích ứng hành vi của véc tơ sẽ yêu cầu phải đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D) các biện pháp can thiệp nhằm chống lại lây truyền ngoài nhà.

NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT TRONG TƯƠNG LAI

Đặc điểm sản phẩm ưu tiên và hồ sơ sản phẩm mục tiêu

Chương trình Sốt rét Toàn cầu của WHO (WHO/GMP) đã tham gia xây dựng các đặc tính sản phẩm ưu tiên (preferred product characteristics_PPC) và hồ sơ sản phẩm mục tiêu (target product profiles_TPP) như những công cụ chính để khuyến khích và hướng dẫn phát triển các sản phẩm có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng và phù hợp để sử dụng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMIC).

WHO đang phối hợp phát triển TPP cho các xét nghiệm tại chỗ (point-of-care tests) glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) để đáp ứng nhu cầu phòng chốngP. vivax.

Dựa trên kinh nghiệm về vắc-xin sốt rét RTS,S, WHO đã công bố các PPC về vắc-xin sốt rét cập nhật vào năm 2022. Các PPC bao gồm một loạt các mục tiêu chiến lược mở rộng cho Nghiên cứu và Phát triển vắc-xin sốt rét để ngăn ngừa lây nhiễm giai đoạn trong máu, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, và giảm lan truyền cấp cộng đồng.

WHO cũng đã phát triển một số PPC để kiểm soát véc tơ bao gồm PPC cho màn ITN để kiểm soát lan truyền sốt rét trong quần thể muỗi kháng hóa chất diệt côn trùng (xuất bản năm 2021), cho các biện pháp can thiệp kiểm soát véc-tơ để phòng chống sốt rét trong các tình huống khẩn cấp nhân đạo phức tạp và ứng phó với thiên tai (xuất bản trong 2021), cho các sản phẩm endectocide (các loại thuốc mà khi con người uống vào sẽ có tác động lên muỗi đốt họ) và ectocide (chất diệt côn trùng sử dụng để tiêu diệt côn trùng bên ngoài) để kiểm soát lan truyền bệnh sốt rét (xuất bản năm 2022) và cho phun tẩm bề mặt tồn lưu trong nhà để kiểm soát lan truyền bệnh sốt rét ở những khu vực có muỗi kháng hóa chất diệt côn trùng (xuất bản năm 2022).

Đối với điều trị dự phòng (ĐTDP) bằng thuốc (chemoprevention), WHO đã phát triển các PPC cho các thuốc ĐTDP sốt rét nhằm giải quyết một số trường hợp sử dụng: ĐTDP bằng thuốc cho trẻ em (ĐTDP sốt rét theo mùa Seasonal Malaria Chemoprevention_SMC), ĐTDP bằng thuốc quanh năm Perennial Malaria Chemoprevention_PMC [trước đây gọi là điều trị dự phòng ngắt quãng ở trẻ sơ sinh intermittent preventive treatment in infants_IPTi], ĐTDP bằng thuốc ngắt quãng cho trẻ em lứa tuổi đến trường Intermittent preventive treatment of malaria in school-aged children_IPTsc và ĐTDP bằng thuốc sau khi xuất viện Post-discharge malaria chemoprevention PDMC), ĐTDP ngắt quãng bằng thuốc trong thai kỳintermittent preventive therapy of malaria in pregnancy_IPTp) và ở những du khách không có miễn dịch.

Vào tháng 11 năm 2021, WHO/GMP và Bộ phận Tiêm chủng, Vắc xin và Sinh phẩm (Department of Immunization, Vaccines and Biologicals_IVB) của WHO đã triệu tập một nhóm phát triển khoa học để xây dựng các PPC và giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển lâm sàng đối với kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies_mAbs) để phòng ngừa sốt rét. Ưu tiên y tế công cộng trước mắt nhất là giảm tỷ lệ mắc và tử vong sốt rét ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do P. falciparum.

WHO cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển sản phẩm như Quỹ các chẩn đoán mới cải tiến (Foundation for Innovative New Diagnostics _FIND), Dự án Thuốc Sốt rét (Medicines for Malaria Venture _MMV) và Hiệp hội Phòng chống Véc tơ cải tiến (Innovative Vector Control Consortium_IVCC) để tập hợp cơ sở dữ liệu về các sản phẩm sốt rét đang được nghiên cứu và phát triển.

Xét nghiệm chẩn đoán và thuốc điều trị sốt rét

Trong các xét nghiệm chẩn đoán bệnh sốt rét, sự lây lan của ký sinh trùng P. falciparummất gen Pfhrp2/3 là mối đe dọa lớn đối với chẩn đoán đáng tin cậy; cần phải có bối cảnh chẩn đoán đa dạng để giải quyết vấn đề này. Những thách thức chính trong nghiên cứu phát triển là các công cụ chẩn đoán không đủ độ nhạy đối với các loài ký sinh trùng sốt rét ngoàiP. falciparum mức độ sử dụng chẩn đoán rộng hơn (ví dụ như sàng lọc không xâm lấn với độ nhạy cao để ngăn ngừa tái phát).

Hệ thống nghiên cứu phát triển hiện tại bao gồm các sản phẩm nhằm giải quyết những thiếu hụt này thông qua nỗ lực cải tiến các nền tảng xét nghiệm tại chỗ hiện có (cụ thể là kính hiển vi và các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên sắc ký miễn dịch theo dòng RDTs) và phát triển các phương pháp thay thế sử dụng nhiều loại mẫu và công nghệ khác nhau.

Trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thuốc sốt rét, trọng tâm hiện naylà phát triển các loại thuốc tiên tiến mới nhấtbảo vệ sinh mạng cho người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em có nguy cơ cao do hậu quả khi nhiễm sốt rét. Một ưu tiên hàng đầu khác là đưa ra cácphương pháp điều trị không dùng ACT để đơn giản hóa điều trị hoặc để dự phòng chống lại tình trạng kháng artemisinin hoặc thuốc đi kèm lan rộng.

Dưới sự điều phối của MMV, nghiên cứu và phát triển thuốc sốt rét tập trung vào hai lĩnh vực chính: đổi mới các phương pháp điều trị sốt rét hiện có và các liệu pháp điều trị sốt rét thế hệ mới. Về các phương pháp điều trị hiện có, các nghiên cứu đang được tiến hành trên bộ ba ACT, ACT kết hợp với primaquine liều thấp duy nhất để ngăn chặn lây lan và artemether-lumefantrine cho trẻ sơ sinh.

Có một số loại thuốc thế hệ tiếp theo ở các giai đoạn thử nghiệm khác nhau: ganaplacide-lumefantrine, M5717-pyronaridine, ZY19489-ferroquine và cipargamin. Ngoài ra, có bảy phân tử thế hệ tiếp theo đang được nghiên cứu.

Phòng chống véc-tơ

Đài Quan sát Toàn cầu về Nghiên cứu và Phát triển Y tế của WHO (WHO Global Observatory o­n Health Research and Development _GOHRD) hiện liệt kê 28 sản phẩm kiểm soát véc-tơ trong hệ thống nghiên cứu và phát triển. Mười một (39%) trong số các sản phẩm này là màn ITN và bảy sản phẩm (25%) là biện pháp xử lý tường tồn lưu trong nhà. Mười ba sản phẩm (46%) đang trong quá trình tạo dữ liệu để hỗ trợ đánh giá về an toàn, chất lượng và hiệu quả côn trùng học. Bảy sản phẩm (25%) đang trong quá trình thử nghiệm dịch tễ học, sáu sản phẩm (21%) đang được WHO đánh giá để đưa vào danh sách phê duyệt hoặc khuyến nghị chính sách của WHO và hai sản phẩm (7%) đang ở giai đoạn phát triển nguyên mẫu.

IVCC đã đưa ra cái nhìn tổng quan về hệ thống các sản phẩm can thiệp sốt rét trước đây và hiện tại, hệ thống này liệt kê một số loại hóa chất diệt côn trùng mới và được tái sử dụng với các phương thức hoạt động khác nhau, để sử dụng trongtẩm màn ITN và phun IRS, nhằm hỗ trợ quản lý kháng hóa chất diệt côn trùng tốt nhất.

Trong số các sản phẩm mà IVCC đã giúp đưa ra thị trường cho phun IRS là pirimiphos-methyl (được Chương trình đánh giá thuốc trừ sâu của WHO [WHO Pesticide Evaluation Scheme_WHOPES] đưa vào danh sách vào tháng 1 năm 2013), clothianidin (được WHO chấp thuận vào năm 2017) và clothianidin cộng với deltamethrin (được WHO chấp thuận vào năm 2018).

Ngoài ra, chlorfenapyr và broflanilide đang được xem xét và dự kiến sẽ được đưa vào danh sách phê duyệt trong thời gian tới.

Interceptor® G2, một loại màn ITN mới kết hợp pyrethroid với hóa chất diệt được tái sử dụng - chlorfenapyr có phương thức hoạt động khác. Sự pha trộn hai hoạt chất này là một bước tiến để đối phó tình trạng kháng hóa chất. Ba hoạt chất khác đang trong được nghiên cứu ở giai đoạn cuối hoặc đã phát triển hoàn chỉnh và dự kiến sẽ được đưa vào danh sách phê duyệt trong khoảng thời gian từ 2026 đến 2030.

Một bộ công cụ kiểm soát véc-tơ mở rộng đang được phát triển bao gồm hóa chất diệt bọ gậy, các phương pháp thu hút và tiêu diệt muỗi trong nhà (lưới thông gió) và Bẫy đường thu hút muỗi (Attractive Targeted Sugar Bait). Các công cụ này là không thể thiếu khi quản lý tình trạng kháng hóa chất diệt côn trùng và giảm muỗi đốt ngoài nhà.


IGR: Insect growth regulator (chất điều tiết sinh trưởng côn trùng);

IRS: indoor residual spraying (phun tồn lưu hóa chất trong nhà);

ITN: insecticide-treated mosquito net(màn tẩm hóa chất diệt côn trùng)

PBP: piperonyl butoxide;

TSB: targeted sugar baits (bẫy đường thu hút muỗi)

Hình 2. Lộ trình các sản phẩm kiểm soát côn trùng mới và hiện nay. Nguồn: IVCC (Innovative Vector Control Consortium - Hiệp hội Phòng chống Véc tơ cải tiến)(2022) (173)

Vắc-xin

Các vắc-xin sốt rét hiện đang trong quá trình phát triển lâm sàng nhắm vào giai đoạn tiền hồng cầu của ký sinh trùng sốt rét; nghĩa là, chúng nhắm vào giai đoạn thoa trùng hay giai đoạn trong gan của ký sinh trùng, giai đoạn trong máu của ký sinh trùng, giai đoạn giao bào hay giai đoạn phát triển của ký sinh trùng ở trong muỗi.

Thông tin chi tiết có thể được tìm thấy trong bảng điều khiển vắc-xin của GOHRD. Tóm lại, trong số các ứng cử viên vắc-xin đang được phát triển, sáu loại nhắm vào ký sinh trùng ở giai đoạn tiền hồng cầu (P. falciparum), ba loại nhắm vào giai đoạn trong máu (P. falciparum) và sáu loại nhắm vào giai đoạn hữu tính hoặc ngăn chặn lây truyền (trong số này, bốn loại nhắm vào P. vivax và hai loại nhắm vàosốt rét P. falciparum trong thai kỳ).

 

Ngày 02/05/2023
PGS.TS. Hồ Văn Hoàng, An Khang  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích