Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 18/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
Thừa Thiên - Huế
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Tin tức - sự kiện chung
Các hoạt động địa phương
Các hoạt động chuyên môn chung

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 4 7 8 8 6
Số người đang truy cập
3 1
 Tin tức - Sự kiện Tin tức - sự kiện chung
Trung tâm Y tế và Đội Y tế Dự phòng huyện A Lưới
Kết quả phòng chống bệnh sốt rét và giun sán tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2009

Được sự chỉ đạo của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng và Sở Y tế; công tác phòng chống bệnh sốt rét và giun sán tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng phối hợp với các đơn vị cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt và vượt các mục tiêu xây dựng trong năm 2009.

Công tác phòng chống bệnh sốt rét

-Các biện pháp can thiệp đã được triển khai thực hiện theo kế hoạch như như tổ chức công tác phòng chống muỗi truyền bệnh cho 6 huyện và một số đơn vị bộ đội, công, nông, lâm trường, xí nghiệp đóng quân trên địa bàn ngay từ đầu mùa bệnh phát triển. Sau cơn bão số 9 Ketsana đã can thiệp bổ sung cho các cơ sở bị thiệt hại nặng. Có 39.863 hộ gia đình và 200.699 người sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ, đạt tỷ lệ 97,20%. Sử dụng 542 lít hóa chất Fendona 19CS và 100 lít Icon 2,5CS. Cấp màn mới bổ sung cho các hộ gia đình nghèo bị thiệt hại do bão lụt. Công tác phát hiện, điều trị bệnh đã bảo đảm độ bao phủ với 20.573 lam máu xét nghiệm, phát hiện 94 ký sinh trùng sốt rét, trong đó có 56 Plasmodium falciparum, 38 Plasmodium vivax. Tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trên lam máu xét nghiệm 0,46%. Sử dụng 10.173 liều thuốc điều trị, trong đó có 369 liều thuốc điều trị bệnh nhân, 9.655 liều thuốc cấp tự điều trị và 149 liều thuốc điều trị khác.Công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng mạng lưới đã chú ý tập trung cho cơ sở với 2.294 học viên tham dự gồm các đối tượng y tế thôn bản, tổ dân cư, xã, phường, thị trấn, điểm kính hiển vi, nữ hộ sinh và nhân viên tình nguyện. Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ cũng được chú trọng triển khai ở cơ sở với 1.829 lần nói chuyện, phát thanh, thảo luận nhóm; có 75.206 người tham dự. Chiếu phim tuyên truyền 106 lần với 43.000 người xem. Sản xuất 12.000 tờ tranh bướm, 2.000 tờ áp phích, 5 phóng sự truyền hình. Ngoài ra đã tổ chức chiến dịch truyền thông vào Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét 25/4 các các cơ sở, 70 lần phát sóng truyền hình, dựng 10 panô tuyên truyền và viết 30 tin, bài truyền thông cho đài, báo. Công tác giám sát các hoạt động phòng chống sốt rét đã được quan tâm để nâng cao chất lượng công tác với giám sát dịch tễ 109 lượt ở 150 điểm; giám sát phòng chống muỗi truyền bệnh 45 lượt ở 48 điểm; giám sát điều trị và sử dụng thuốc 26 lượt ở 26 điểm; giám sát kinh phí, vật tư 8 lượt ở 11 điểm.

-Với các hoạt động phòng chống sốt rét đã được triển khai thực hiện, tình hình sốt rét năm 2009 của Thừa Thiên Huế đã có chuyển biến tốt. Toàn tỉnh có 369 bệnh nhân sốt rét, không có sốt rét ác tính, tử vong và dịch sốt rét. So với năm 2008, số bệnh nhân sốt rét giảm 7,52% (369/399) về số lượng và giảm 8,57% (0,32/0,35) về tỷ lệ mắc/ 1.000 dân số chung; vượt mục tiêu giảm mắc (mục tiêu giảm 5%). Đạt mục tiêu không để tử vong và dịch sốt rét xảy ra. Số ký sinh trùng sốt rét giảm 7,84% (94/102) về số lượng và giảm 11,11% (0,08/0,09) về tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng/ 1.000 dân số chung; vượt mục tiêu xây dựng. Tuy vậy, tình hình sốt rét tại huyện trọng điểm sốt rét vùng cao, biên giới A Lưới có những biến động, số bệnh nhân sốt rét và ký sinh trùng sốt rét tăng hơn năm trước do tình trạng đi rừng, ngủ rẫy, đào đãi vàng, qua về biên giới theo đường tiểu mạch phát triển nhưng chưa thể kiểm soát hết được. Tỉnh đã chỉ đạo huyện và quân y bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát, giám sát để chủ động khống chế bệnh.
 
 TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh-Giám đốc Trung tâm PCSR-KST-CT Thừa Thiên Huế
đang cấp phát mùng cho đồng bào dân tộc bản K’Lô, huyện K’Lưm, tỉnh Xêkông

Công tác phòng chống giun sán

-Được sự tiếp tục giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, công tác phòng chống giun truyền qua đất đã được thực hiện cho 237 trường tiểu học toàn tỉnh. Trong năm 2009, đã tổ chức chiến dịch truyền thông giáo dục sức khoẻ và tẩy giun hàng loạt 2 đợt cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường bằng thuốc Albendazole 400mg (học sinh) và Mebendazole 500mg (giáo viên). Đợt I vào tháng 4-5/2009 trước khi trường học nghỉ hè và đợt II vào tháng 10-11/2009 khi học sinh nhập học năm học mới 2009-2010. Số học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường được tẩy giun đều đạt tỷ lệ trên 98% mỗi đợt. Hiệu ứng phụ chiếm tỷ lệ thấp, nhẹ, thoáng qua và không cần can thiệp biện pháp y tế.

-Điều tra cộng đồng người dân tại 3 xã Hương Chữ, Hương Vân, Phong Chương thuộc huyện Phong Điền ghi nhận tỷ lệ nhiễm giun chung 19,49%; trong đó nhiễm giun đũa 1,85%; nhiễm giun tóc 0,38%; nhiễm giun móc 17,54%. Tỷ lệ nhiễm giun móc cao hơn giun đũa, giun tóc. Có nơi tỷ lệ nhiễm cao như Phong Chương 23,80%; Hương Vân 17,77%. Cần có kế hoạch tẩy giun móc định kỳ cho người dân ở vùng nông thôn để góp phần làm giảm tỷ lệ thiếu máu do giun móc, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ, không đi chân đất tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

-Điều tra học sinh đại diện ở 27 trường tiểu học toàn tỉnh ghi nhận nhiễm giun chung chiếm tỷ lệ 7,94%; trong đó nhiễm giun đũa 2,55%; giun tóc 2,96%; giun móc 3,24%. Tỷ lệ nhiễm giun chung cao nhất ở Nam Đông 13,31%; tiếp đến là Phú Vang 11,98%; Hương Thủy 10,77%; Phong Điền 10,26%; thấp nhất ở Hương Trà 3,61%; Phú Lộc 2,54%. Nhiễm giun đũa cao nhất ở A Lưới 5,17%; thấp nhất ở Phú Lộc 0,71%; Nam Đông 0,31%. Nhiễm giun tóc cao nhất ở Hương Thủy 8,75%; thấp nhất ở A Lưới 0,43%. Nhiễm giun móc cao nhất ở Nam Đông 13%; A Lưới và Hương Thủy không có mẫu phân nhiễm giun móc. Phân tích kết quả ghi nhận phần lớn các trường hợp nhiễm đơn thuần 1 loại giun với tỷ lệ 7,29%; nhiễm phối hợp 2 đến 3 loại giun chiếm tỷ lệ thấp 0,53% và 0,12%. So sánh với tình hình nhiễm giun truyền qua đất tại địa phương trước khi can thiệp biện pháp, sau 7 năm (2002-2008) tác động huyện thí điểm Phú Lộc và sau 4 năm (2005-2008) tác động toàn tỉnh Thừa Thiên Huế các biện pháp can thiệp truyền thông giáo dục sức khỏe kết hợp với chiến dịch tẩy giun định kỳ hàng loạt cách nhau 6 tháng bằng thuốc tại các trường tiểu học. Tình hình nhiễm giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học đã có những chuyển biến tốt. Tỷ lệ nhiễm giun chung của trẻ em tiểu học tỉnh Thừa Thiên Huế giảm từ 71,63% (năm 2005) xuống còn 7,94% (năm 2008); trong đó giun đũa giảm từ 49,81% xuống còn 2,55%; giun tóc giảm từ 25,81% xuống còn 2,96%; giun móc giảm từ 34,90% xuống còn 3,24%. Nhiễm phối hợp từ 2-3 loại giun giảm từ 31,26% xuống còn 0,65%. Riêng huyện thí điểm Phú Lộc, biện pháp can thiệp đã thực hiện 7 năm nên tình hình có chuyển biến tốt hơn. Tỷ lệ nhiễm giun chung giảm từ 70,21% (năm 2002) xuống còn 2,54% (năm 2008); trong đó giun đũa giảm từ 55,48% xuống còn 0,72%; giun tóc giảm từ 26,71% xuống còn 0,36%; giun móc giảm từ 37,33% xuống còn 1,45%. Nhiễm phối hợp 2-3 loại giun giảm từ 38,02% xuống còn 0%. Với tác động của biện pháp can thiệp, tình hình nhiễm giun chung, giun đũa, giun tóc, giun móc ở học sinh tiểu học tại các huyện, thành phố đã giảm tốt; góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em lứa tuổi tiểu học và xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

-Do Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh chưa trang bị được phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm, test Elisa nên việc phát hiện bệnh sán lá gan lớn cho người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh miền Trung được Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ chẩn đoán và giới thiệu đến đơn vị nhận thuốc điều trị miễn phí từ nguồn thuốc cấp của Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương. Trong năm 2009, đã cấp thuốc Egaten 250mg (Triclabendazole) cho 28 bệnh nhân bị bệnh sán lá gan lớn điều trị với liều duy nhất 10mg/kg cân nặng. Số thuốc Egaten đã sử dụng 60 viên, cấp miễn phí cho bệnh nhân. Do nhu cầu điều trị của bệnh nhân tăng nhiều, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức đấu thầu, mua thuốc đặc hiệu phục vụ bệnh nhân, thanh toán thông qua bảo hiểm y tế hoặc viện phí trong khi Tổ chức Y tế chưa đáp ứng đủ nguồn thuốc cấp miễn phí.

Kế hoạch nhiệm vụ công tác năm 2010

Với kết quả đã đạt được năm 2009, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2010 và tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện ngay từ đầu năm để duy trì thành quả.

-Đối với công tác phòng chống sốt rét: thực hiện mục tiêu giảm số bệnh nhân ít nhất 5% so với năm 2009, dự kiến 358 bệnh nhân sốt rét năm 2010. Số mắc sốt rér 0,31/ 1.000 dân số chung. Không để tử vong và dịch sốt rét xảy ra. Duy trì kết quả bền vững và ngăn chận sốt rét quay trở lại. Để thực hiện được mục tiêu này, các chỉ tiêu chủ yếu được xây dựng là bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi 140.000 người, thực hiện 20.000 lam máu xét nghiệm phát hiện bệnh và sử dụng 13.000 liều thuốc sốt rét. Triển khai có hiệu quả Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống Sốt rét cho hai huyện A lưới và Nam Đông. Nguồn lực hoạt động của Dự án Quốc gia Phòng chống Sốt rét năm 2010 đã được xác định và thông báo

-Đối với công tác phòng chống giun sán: tiếp tục duy trì mô hình hoạt động công tác phòng chống giun truyền qua đất tại các trường tiểu học của toàn tỉnh. Tổ chức truyền thông giáo dục sức khoẻ kết hợp với tẩy giun 2 đợt trong năm, cách nhau 6 tháng bằng nguồn thuốc hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương. Nếu không còn nguồn thuốc hỗ trợ miễn phí, vận động cộng đồng tham gia đóng góp, xã hội hóa hoạt động phòng chống giun trong các trường tiểu học. Triển khai các hoạt động phòng chống sán, chủ yếu là sán lá gan lớn, sán dây bò, sán dây lợn, ấu trùng sán lợn. Xây dựng và nâng cấp phòng xét nghiệm ký sinh trùng với dụng cụ, trang thiết bị cần thiết để có thể chẩn đoán cận lâm sàng, phục vụ cho công tác phát hiện, điều trị bệnh sán. Xây dựng chiến lược và kế hoạch công tác phòng chống giun sán trong giai đoạn 5 năm (2011-2015) tại địa phương theo chỉ đạo, hướng dẫn của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đẩy mạnh các hoạt động của Dự án Phòng chống giun sán khi tình hình sốt rét trong những năm tới đã ổn định, không để bệnh giun sán trở thành một bệnh bị lãng quên. Nguồn lực phục vụ cho công tác phòng chống giun sán năm 2010 chưa được xác định vì chưa chủ động. Trung ương và địa phương sẽ xem xét, hỗ trợ hoạt động.

Ngày 27/01/2010
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO


• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích