|
Vùng trồng cây cao su đã khép tán tại Thừa Thiên Huế |
HOẠT ĐỘNG CỦA MUỖI TRUYỀN BỆNH SỐT RÉT Ở VÙNG TRỒNG CÂY CAO SU TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ở Thừa Thiên Huế, từ năm 1995 bắt đầu thực hiện chính sách trồng rừng và bảo vệ rừng trong đó có cây cao su, một loại cây công nghiệp dài ngày đã được quan tâm phát triển mạnh. Những năm gần đây, phần lớn diện tích ở một số vùng trồng cây cao su đã khép tán, được đưa vào khai thác và cải thiện đời sống cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số ở các vùng sốt rét lưu hành, góp phần thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả. Bên cạnh lợi ích kinh tế, sự phục hồi của loại rừng thứ sinh này có thể dẫn đến sự thay đổi sinh cảnh, môi trường, khí hậu ... làm ảnh hưởng đến sự phát sinh, phát triển các quần thể sinh vật, trong có có muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét, tạo điều kiện cho bệnh sốt rét lưu hành, tồn tại, gây nguy hại cho sức khoẻ cộng đồng. Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Thừa Thiên Huế đã theo dõi, nghiên cứu, xác định mức độ phong phú về thành phần loài và mật độ muỗi truyền bệnh sốt rét hoạt động ở vùng rừng trồng cao su đã khép tán nhằm chỉ đạo, áp dụng bổ sung biện pháp can thiệp thích hợp để hạn chế sự lan truyền bệnh sốt rét tại địa phương. Đơn vị đã tổ chức nghiên cứu ở 4 điểm xã vùng trồng cây cao su thuộc 2 huyện Nam Đông (Hương Phú, Hương Sơn, Hương Hòa) và Hương Trà (Hương Bình) với dân số 8.858 người, có diện tích 2.330 ha trồng cây cao su, trong đó có 871 ha cây cao su đã khép tán, chiếm tỷ lệ 37,38 %. Kết quả ghi nhận được thành phần loài muỗi truyền bệnh sốt rét ở vùng rừng cao su đã khép tán phong phú hơn thời điểm mới trồng. Điều tra vào thời điểm mới trồng cây cao su năm 1995 chỉ thu thập được 13 cá thể muỗi và bọ gậy và hơn 10 năm sau đó (năm 2006), khi rừng cây cao su đã khép tán đã thu thập được 20 loài muỗi và bọ gậy muỗi Anopheles. Tại điểm nghiên cứu, ở cả 2 thời điểm đều không phát hiện được Anopheles dirus, chỉ thu thập được Anopheles minimus ở giai đoạn bọ gậy. Ở cả thời điểm mới trồng lẫn thời điểm rừng cao su đã khép tán chỉ thu thập được các loài muỗi với tần suất bắt gặp cao như An. aconitus, An. philippinensis, An. sinensis và An. vagus; muỗi truyền bệnh chủ yếu An. minimus chỉ phát hiện được ở giai đoạn bọ gậy với tần suất thấp 20 – 33,33 %. Số lượng loài muỗi Anopheles thu thập được trung bình trong một lượt điều tra ở thời điểm rừng cao su mới trồng là 7 ± 3 loài và lúc rừng đã khép tán là 10 ± 3 loài. Mật độ muỗi Anopheles thu thập được bằng các phương pháp điều tra như mồi người trong nhà, mồi người ngoài nhà, soi ban ngày trong nhà, soi chuồng gia súc ban đêm và bắt bọ gậy ghi nhận ở thời điểm rừng cao su đã khép tán đều có xu hướng cao hơn thời điểm mới trồng. Ở thời điểm mới trồng cây cao su vào năm 1995, chưa có điều kiện để thực hiện phương pháp bắt muỗi bằng bẫy đèn. Năm 2006 khi rừng cây cao su đã khép tán và có điều kiện bắt muỗi bằng bẩy đèn, ghi nhận mật độ muỗi Anopheles bắt được bằng bẫy đèn trong rừng cao hơn bẫy đèn trong nhà. Hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt rét ở vùng rừng trồng cây cao su đã khép tán và đang được người dân khai thác mủ cây cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu để góp phần nhận định tình hình dịch tễ sốt rét tại đây một cách cụ thể nhằm chỉ đạo can thiệp biện pháp phù hợp, chủ động khống chế bệnh phát triển làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng từ rừng cây cao su.
|