Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 31/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
Thừa Thiên - Huế
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Tin tức - sự kiện chung
Các hoạt động địa phương
Các hoạt động chuyên môn chung

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 6 1 2 1 2 9
Số người đang truy cập
9 2
 Tin tức - Sự kiện Các hoạt động địa phương
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện(st)
Tỉnh Thừa Thiên Huế khống chế hiệu quả tử vong sốt rét trong năm 2006

     Năm 2006, cả nước có 41 trường hợp bị tử vong do sốt rét, tăng 127, 78% (41/18) so với năm 2005. Số tử vong này xảy ra ở 21 tỉnh, trong đó có 16 bệnh nhân ởTây nguyên, 9 bệnh nhân ở ven biển miền Trung, 7 bệnh nhân ở Tây Nam Bộ, 7 bệnh nhân ở Đông Nam Bộ và 2 bệnh nhân ở các tỉnh phía Bắc. Nguyên nhân sự gia tăng tử vong đã được Bộ Y tế, các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng khảo sát và xác định do bệnh nhân bị mắc bệnh sốt rét tự điều trị ở nhà hoặc y tế tư nhân, sau 3 đến 10 ngày điều trị không khỏi và xuất hiện các triệu chứng sốt rét thể ác tính thì mới đến bệnh viện trong tình trạng quá muộn, bệnh nhân đã có các biểu hiện biến chứng nguy kịch; hơn 63% bệnh nhân bị tử vong trước 24 giờ. Điều tra hồi cứu ghi nhận có 30 trường hợp bị tử vong do tại tuyến đầu bệnh nhân không được xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét và không có trường hợp nào được điều trị bằng thuốc sốt rét do chất lượng phát hiện, chẩn đoán bệnh sốt rét ở xã, thôn bản và phòng khám bệnh khu vực còn yếu kém. Chất lượng cấp cứu, điều trị bệnh sốt rét thể ác tính ở tuyến huyện chưa tốt, một số địa phương do tình hình sốt rét giảm, các cơ sở y tế chủ quan, coi thường nên khi gặp sốt rét thể ác tính thì xử trí bị lúng túng. Có 80% bệnh nhân tử vong do sốt rét là lực lượng lao động, đi làm việc tại các vùng sốt rét lưu hành nặng, đi rừng, ngủ rẫy ... không mang thuốc tự điều trị đi theo, không biết thuốc sốt rét được Nhà nước cấp hoàn toàn miễn phí cho người dân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thiếu các thông tin về các hoạt động phòng, chống sốt rét do công tác truyền thông giáo dục cho cộng đồng có hạn chế.

            Trong lúc một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung-Tây nguyên như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông có tử vong do sốt rét gia tăng; nhưng Thừa Thiên Huế đã khống chế tốt tình hình, nhiều năm liền không có trường hợp nào bị tử vong do sốt rét (năm 2006 có 786 bệnh nhân sốt rét, 3 trường hợp bị sốt rét thể ác tính). Mặc dù vậy, thực trạng hiện nay mà địa phương đang phải đối mặt là tình hình sốt rét ngoại lai do bệnh nhân bị mắc bệnh từ các nơi khác trở về cơ sở (năm 2006 có hơn 31% bệnh nhân sốt rét ngoại lai và hơn 56% ký sinh trùng sốt rét ngoại lai ngoài tỉnh được ghi nhận). Trong công tác chỉ đạo, Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng thường xuyên cảnh báo các cơ sở điều trị chú ý tình hình sốt rét ngoại lai và nguy cơ tử vong do sốt rét ngoại lai để có các biện pháp can thiệp tích cực nhằm giữ vững mục tiêu không để tử vong do sốt rét xảy ra trên địa bàn.

                Để khắc phục các tồn tại và nguyên nhân làm gia tăng tử vong do sốt rét, Bộ Y tế, các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng đã chỉ đạo các cơ sở triển khai ứng dụng kịp thời hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo quyết định số 339/QĐ-BYT ngày 31/01/2007 thay thế hướng dẫn cũ năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác, góp phần hạn chế sốt rét thể ác tính và hạ thấp tỷ lệ tử vong do sốt rét ở các địa phương.

                 Vừa qua, Thừa Thiên Huế đã tổ chức lớp tập huấn phổ cập ngay hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét vừa được Bộ Y tế ban hành cho cán bộ y tế thuộc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng, Đội trưởng và cán bộ chuyên trách công tác sốt rét của Đội Y tế Dự phòng; Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức, Trưởng Khoa Truyền nhiễm của các bệnh viện huyện, thành phố, Chủ nhiệm Quân y Bộ đội Biên phòng, Chủ nhiệm Quân y Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ... Nội dung của lớp tập huấn đã chú trọng truyền đạt những vấn đề mới, khác biệt so với hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cũ; các yếu tố để xác định ca bệnh, chỉ định thuốc điều trị bệnh sốt rét, không thực hiện uống thuốc phòng mà chuyển đối tượng để cấp thuốc tự điều trị, bổ sung thêm thuốc thiết yếu. Một điểm đã nhấn mạnh là các dấu hiệu dự báo sốt rét thể ác tính để các cơ sở chú ý cảnh giác và xử trí can thiệp kịp thời, chủ động ngăn ngừa sốt rét thể ác tính xảy gây hậu quả tử vong. Trong phần điều trị bệnh đã phổ cập bảng lựa chọn thuốc sốt rét theo nhóm bệnh nhân và chủng loại ký sinh trùng sốt rét có sửa đổi mới, nêu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện theo dõi kết quả điều trị về mặt lâm sàng, ký sinh trùng sốt rét và phân loại đáp ứng điều trị để nâng cao chất lượng công tác do trong thời gian qua các cơ sở điều trị thường không quan tâm đến vấn đề này. Thuốc điều trị bệnh sốt rét cũng đã được nhắc nhở các cơ sở ứng dụng theo đúng phác đồ quy định của Bộ Y tế về liều lượng, cách dùng và các đối tượng chống chỉ định để bảo đảm việc sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, hợp lý. Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét, phác đồ điều trị tóm tắt in bằng chữ to đã được cấp phát cho các cơ sở tham khảo và ứng dụng kịp thời.

            Trong thời gian đến, Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn phổ cập hướng dẫn này cho các cơ sở y tế tuyến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh để ứng dụng rộng rãi, đáp ứng cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét có hiệu quả.

          Với việc phổ cập nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế cho tất cả các cơ sở y tế, Thừa Thiên Huế sẽ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, phấn đấu bảo đảm được mục tiêu tiếp tục khống chế hiệu quả tử vong do sốt rét tại địa phương trong thời gian tới.

Ngày 06/04/2007
Trâm Anh
Trung tâm PCSR-KST-CT Thừa Thiên-Huế
 

THÔNG BÁO


• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích