Hình thái giao lưu và hành vi phòng, chống sốt rét của các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tại huyện vùng cao biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
A Lưới là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế; sau những năm tác động các biện pháp can thiệp phòng, chống bệnh; tình hình sốt rét tại đây mặc dù đã có những chuyển biến nhưng không ổn định do tình trạng giao lưu, biến động của một bộ phận người dân làm ảnh hưởng. Số bệnh nhân sốt rét từ năm 2003 đến năm 2006 có biến động và gia tăng, sốt rét thể ác tính vẫn xảy ra ở một số thời điểm nhưng không có tử vong, dịch sốt rét được khống chế nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ. Để có cơ sở quản lý số người có giao lưu, biến động nhằm tác động được các biện pháp can thiệp có hiệu quả trên đối tượng đích; việc nghiên cứu hình thái giao lưu và hành vi phòng, chống sốt rét trên các đối tượng này rất cần thiết trong thực trạng tình hình hiện nay nhằm có cơ sở chủ động khống chế, tiếp tục đẩy lùi bệnh và ngăn chận nguy cơ thảm họa sốt rét quay trở lại tại địa phương. Tình hình chungA Lưới là một huyện vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, có 85 km đường biên giáp ranh với tỉnh Xaravan và Xêkông thuộc nước CHDCND Lào. Trên tuyến biên giới có 2 cửa khẩu S3 Hồng Vân và S10 A Đớt, ngoài ra còn có cửa khẩu LaLay của huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị cài xen kẻ qua xã Hồng Thủy ở phía Bắc huyện và các đường mòn đi lại quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã giáp đường biên. Huyện có 20 xã, 1 thị trấn nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng và vừa với dân số 41.361 người sống ở 8.798 hộ gia đình tại 133 thôn bản, tổ dân cư. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 82% dân số toàn huyện gồm dân tộc PaKô, TàÔi, KaTu, Vân Kiều, Mường, Tày, Nùng, PaHy. Một số bộ phận người dân thường hay đi rừng, vào rẫy ngủ lại đêm, có giao lưu, đi lại, qua về biên giới Lào để thăm thân do có quan hệ đồng tộc hoặc mua bán, trao đổi hàng hóa, khai thác lâm sản ... đã bị sốt rét làm ảnh hưởng và gây bệnh. Việc quản lý đối tượng giao lưu được thực hiện từ mạng lưới huy động lực lượng y tế xã, thị trấn, thôn bản, tổ dân cư và quân y của các Đồn Biên phòng, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng làm nhiệm vụ với sự cung cấp thông tin của các Trạm kiểm soát, chốt biên phòng và bộ đội biên phòng tuần tra, cắm chốt ở các địa bàn. Trong toàn huyện bình quân mỗi xã, thị trấn có 4 cán bộ y tế, 6 nhân viên y tế thôn bản, tổ dân cư. Riêng 12 xã biên giới bình quân mỗi xã có 5 y tế xã và 7 y tế thôn bản. Quân y của Bộ đội Biên phòng và Đoàn Kinh tế-Quốc phòng chủ yếu tăng cường hoạt động cho các xã biên giới. Mạng lưới này đã bảo đảm độ bao phủ của công tác giám sát, phát hiện, quản lý các đối tượng có giao lưu đi và giao lưu đến ở các cơ sở. Từ năm 2003, tình hình sốt rét tại huyện A Lưới có biến động do vấn đề giao lưu, đi lại của một bộ phận nhân dân ra khỏi khu vực được bảo vệ bằng các biện pháp can thiệp. Số bệnh nhân năm 2004 tăng 9,70% (396/361) so năm 2003; năm 2005 tiếp tục tăng 11,87% (443/396) so năm 2004 và năm 2006 vẫn ở trên nền cao (403). Mặc dù vậy, bệnh nhân sốt rét thể ác tính, tử vong và dịch sốt rét được khống chế. Các cơ sở đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện bệnh bằng lam máu xét nghiệm; số ký sinh trùng sốt rét đã tăng theo số bệnh nhân các năm nhưng tỷ lệ ký sinh trùng trên lam máu xét nghiệm không có diễn biến đáng kể. P.falciparum chiến ưu thế trong cơ cấu ký sinh trùng bị nhiễm nên nguy cơ sốt rét thể ác tính và tử vong vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Nếu quản lý được các đối tượng có giao lưu bằng nhiều hình thái để tác động các biện pháp can thiệp phòng, chống bệnh thì có thể làm ổn định được tình hình tại các cơ sở. Các hình thái dân biến động giao lưu Theo dõi, quản lý trong 2 năm, từ tháng 7/2005 đến tháng 6/2007, y tế cơ sở đã ghi nhận có 8.545 người tại huyện A Lưới có giao lưu đi ra khỏi khu vực được bảo vệ các biện pháp phòng chống, trong đó có 933 người đi qua Lào (11,62%), 6.098 người đi rừng và ngủ đêm trong rừng (71,36%), 1.454 người đi rẫy và ngủ đêm tại rẫy (17,02%). Số có giao lưu đi chiếm 20,66% dân số toàn huyện (8.545/41.361). Tình trạng đi rừng, vào rẫy ngủ lại đêm còn khá phổ biến, một bộ phận người dân còn có các hoạt động đi qua biên giới Lào nên có nhiều nguy cơ mắc sốt rét. Cũng theo dõi, quản lý trong 2 năm, từ tháng 7/2005 đến tháng 6/2007, y tế cơ sở đã thống kê có 11.830 người có giao lưu đến trên địa bàn huyện; trong đó có 762 (6,44%) người Lào qua biên giới, 606 (5,12%) người ở các thôn bản, tổ dân cư đi qua Lào và trở về lại; 2.593 (21,92%) người ở đồng bằng, thành phố lên huyện, xã có ngủ lại đêm và 7.869 (66,52%) công nhân từ nơi khác đến xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, thủy điện, xây dựng nhà cửa, trồng cây công nghiệp ... Số người có giao lưu đến chiếm 28,60% dân số toàn huyện (11.830/41.361). Số người từ đồng bằng, thành phố, công nhân xây dựng các công trình đến huyện A Lưới mặc dù chiếm tỷ lệ cao nhưng là người dân tộc Kinh nên có ý thức phòng bệnh tốt. Trái lại người Lào qua biên giới và người ở các thôn bản, tổ dân cư qua Lào trở về mặc dù có tỷ lệ thấp hơn nhưng phần lớn là người dân tộc thiểu số, ý thức phòng bệnh còn nhiều hạn chế nên có nhiều nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Hành vi phòng, chống bệnh sốt rét của các đối tượng giao lưu Mặc dù công tác truyền thông giáo dục đã được tích cực triển khai tại cơ sở nhưng hành vi phòng, chống bệnh sốt rét của các đối tượng có giao lưu đi còn hạn chế. Trong 8.545 người có giao lưu đi Lào, đi rừng, ngủ rẫy; chỉ có 52,11% người (4.453) có mang theo màn ngủ, 31,48% người (2.690) xin cấp thuốc tự điều trị phòng bệnh, 11,05% người (944) xin cấp thuốc tự điều trị khi có sốt tại Trạm Y tế và y tế thôn bản, tổ dân cư. Tỷ lệ phòng, chống bệnh chưa bảo đảm được độ bao phủ bảo vệ theo yêu cầu mong muốn nên cơ hội bị mắc bệnh sốt rét ngoài khu vực được bảo vệ là điều không thể tránh khỏi. Trong số 11.830 người có giao lưu đến địa bàn huyện A Lưới, người ở đồng bằng, thành phố, công nhân xây dựng các công trình chiếm tỷ lệ cao 88,44% (10.462) và chủ yếu là người dân tộc Kinh nên tỷ lệ hành vi sử dụng màn ngủ ban đêm để phòng bệnh đạt 65,75% (7.787), một số vẫn chưa quan tâm đến biện pháp phòng bệnh này. Hầu hết người ở Lào qua và người ở các thôn bản, tổ dân cư qua Lào trở về không sử dụng màn ngủ. Tỷ lệ tự điều trị phòng bệnh còn thấp 8,32% (984); người có sốt, người Lào qua và người đi Lào trở về đến Trạm Y tế xét nghiệm máu phát hiện bệnh chỉ chiếm 8,57% (1.014). Mặc dù trong nội dung quản lý đối tượng có giao lưu đến từ Lào được chỉ định sử dụng một liều thuốc điều trị phỏng đoán sau khi xét nghiệm lam máu nhưng chiếm tỷ lệ thấp 13,13% (181/1.368 người Lào qua và người qua Lào về) do các đối tượng này không đến Trạm Y tế theo quy ước. Hành vi phòng, chống bệnh sốt rét của các đối tượng có giao lưu đến chưa đạt yêu cầu cần thiết nên vẫn có nguy cơ mắc bệnh tại chỗ và có khả năng mang mầm bệnh ngoại lai từ nơi khác về các cơ sở trên địa bàn. Các cơ sở có tình trạng giao lưu đi và đến nhiềuSố người giao lưu đi nhiều chủ yếu tập trung ở 7 xã biên giới (Hồng Thủy, Hồng Vân, Hồng Bắc, Hồng Quảng, Hương Lâm, A Đớt, A Roằng) và 1 xã đang phát triển trồng cây cao su (Hồng Hạ). Số người có giao lưu đi ở các xã này chiếm 68,15% (5.823/8.545) tổng số người có giao lưu đi của toàn huyện nên dễ có nguy cơ mắc bệnh và làm cho tình hình sốt rét ở các xã không ổn định. Số người có giao lưu đến nhiều cũng chủ yếu tập trung ở các xã biên giới (Hồng Thủy, Hồng Vân, Nhâm, Hồng Thượng, Đông Sơn, A Đớt, A Roằng). Tại thị trấn A Lưới, nơi đầu mối giao lưu, mua bán hàng hóa và tại xã Hồng Hạ, nơi có công nhân xây dựng đến thi công các công trình nên số người có giao lưu đến khá nhiều. Số người có giao lưu đến ở các xã này chiếm 77,21% (9.314/11.830) tổng số người có giao lưu đến của toàn huyện nên cũng dễ mắc bệnh nếu phòng bệnh không tốt. Thời gian có tình trạng giao lưu và bệnh nhân sốt rét phổ biến trong nămThời gian có số người giao lưu đi và đến trong năm tại huyện A Lưới khá phổ biến từ tháng 3 đến tháng 9; thời gian nầy trùng hợp với mùa nắng nóng, cũng là mùa truyền bệnh sốt rét phát triển nên các đối tượng có giao lưu đi và đến dễ có nguy cơ mắc bệnh sốt rét, làm cho tình hình sốt rét gia tăng tại cơ sở. Số bệnh nhân sốt rét và ký sinh trùng sốt rét tại huyện A Lưới cũng phát triển từ tháng 3 đến tháng 10, tương ứng với mùa truyền bệnh và tình trạng giao lưu, đi lại nhiều của người dân trong thời gian này và dễ bị mắc bệnh sốt rét. Kết luậnQua theo dõi, quản lý, nghiên cứu trong 2 năm, từ tháng 7/2005 đến tháng 6/2007 về các hình thái giao lưu và hành vi phòng, chống sốt rét của các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tại huyện vùng cao, biên giới A Lưới, đã rút ra được kết luận sau đây: -Hình thái giao lưu đi tại huyện thường là đi rừng (71,36%), vào rẫy ngủ lại đêm (17,02%) và đi qua Lào (11,62%). Tình trạng này khá phổ biến tại một số xã biên giới và nơi trồng cây cao su. Hình thái giao lưu đến tại huyện thường là công nhân xây dựng các công trình (66,52%), người ở đồng bằng, thành phố lên ngủ lại đêm (21,92%), người Lào qua biên giới (6,44%) và người ở các thôn bản qua Lào trở về (5,12%). Tình trạng này cũng khá phổ biến ở một số xã biên giới, xã có nhiều công trình xây dựng và đầu mối giao lưu, mua bán hàng hóa. Số người đi qua Lào, người Lào qua biên giới và người ở thôn bản qua Lào trở về mặc dù chiếm tỷ lệ thấp hơn các đối tượng khác nhưng nguy cơ bị mắc bệnh sốt rét khá cao. -Hành vi phòng, chống bệnh của các đối tượng có giao lưu đi ra khỏi khu vực được bảo vệ bằng màn ngủ đạt 52,11%, xin cấp thuốc tự điều trị phòng bệnh đạt 31,48% và tự điều trị khi có sốt đạt 11,05% trong tổng số người giao lưu đi. Tỷ lệ này chưa bảo đảm đủ độ bao phủ bảo vệ. Hành vi phòng, chống bệnh của các đối tượng giao lưu đến địa bàn huyện có sử dụng màn ngủ đạt 65,75%, có uống thuốc tự điều trị phòng bệnh đạt 8,32%, biết đến cơ sở y tế xin xét nghiệm máu khi sốt và đi từ Lào về đạt 8,57%; số người từ Lào qua và người ở các thôn bản đi qua Lào trở về được điều trị bằng một liều thuốc sốt rét phỏng đoán cũng chỉ đạt 13,13%. Tỷ lệ này còn thấp so với yêu cầu cần thiết của công tác phòng, chống bệnh. -Các đối tượng có giao lưu đi và đến trên địa bàn huyện A Lưới tập trung nhiều từ tháng 3 đến tháng 9 trong năm, thời điểm này có khí hậu nắng nóng thuận lợi cho việc giao lưu, đi lại của người dân nhưng lại ở trong mùa bệnh phát triển nên có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh sốt rét. Số bệnh nhân sốt rét và ký sinh trùng sốt rét cũng gia tăng trong thời gian này, chủ yếu là mắc và nhiễm ngoại lai ngoài khu vực bảo vệ. Giải pháp can thiệp-Cần tiếp tục chỉ đạo y tế cơ sở tăng cường công tác giám sát, quản lý các đối tượng có giao lưu đi và đến trên địa bàn phụ trách để truyền thông giáo dục, vận động được các đối tượng đích có nguy cơ mắc bệnh sốt rét do nhu cầu giao lưu, đi lại thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh một cách tích cực, bảo đảm được độ bao phủ bảo vệ với tỷ lệ cao; chủ động khống chế sốt rét phát triển, gia tăng trong mùa bệnh, tiếp tục đẩy lùi bệnh sốt rét ở cơ sở và ngăn chận sốt rét quay trở lại trên địa bàn. -Xây dựng quy chế, ký kết hợp đồng trách nhiệm giữa Trạm Y tế, Ủy ban Nhân dân, Công an xã, thị trấn, Quân y biên phòng, các Trạm, các chốt biên phòng và lực lượng bộ đội biên phòng tuần tra biên giới hỗ trợ việc kiểm soát tình trạng giao lưu, đi lại của người dân bằng các hình thái để tuyên truyền, vận động các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh một cách có hiệu quả hơn. Y tế cơ sở tích cực giúp đỡ các điều kiện cần thiết về chuyên môn nghiệp vụ để tổ chức tốt công tác phòng, chống bệnh cho các đối tượng giao lưu.
|