Vấn đề môi trường và bệnh sốt rét
Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. Môi trường theo nghĩa rộng là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội ... Tóm lại, môi trường là tất cả những gì có xung quanh ta, cho ta cơ sở để sống và phát triển. Bệnh sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium của người gây nên và lây truyền theo đường máu, chủ yếu do muỗi Anopheles mang mầm bệnh đốt máu người để truyền bệnh và từ lâu đã có những quan niệm gắn liền bệnh này với vấn đề môi trường. "Sốt rét rừng", "sốt rét đầm lầy", Sốt rét ngã nước", "rừng thiêng nước độc", ... là những thuật ngữ chỉ rõ sự mắc bệnh sốt rét có liên quan đến môi trường. Sự lây truyền bệnh sốt rét bị tác động, ảnh hưởng của môi trường tự nhiên, môi trường sinh học và môi trường kinh tế-xã hội. * Môi trường tự nhiên như địa hình, khí hậu, thời tiết có tác động đến sự lưu hành bệnh sốt rét. Nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa và mùa mưa có ảnh hưởng đến sự sinh sản, phát triển của muỗi truyền bệnh và mầm bệnh. Sinh địa cảnh vừa ảnh hưởng muỗi truyền bệnh vừa ảnh hưởng đến lối sống của người dân. Các biến động về môi trường như phá rừng, làm rẫy, làm thủy điện, mở đường giao thông, xây dựng những khu kinh tế mới về nông nghiệp ở ven rừng, ... sẽ có ảnh hưởng đến sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển như có thêm chỗ để đẻ, có nhiều ổ bọ gậy, thêm mồi để đốt, thêm nơi trú ẩn ..., sốt rét có cơ hội lưu hành và lây truyền. Thời tiết nóng nhiều và nóng kéo dài, nâng cao nhiệt độ trung bình nhiều ngày liên tục cũng làm cho muỗi truyền bệnh và ký sinh trùng sốt rét trong cơ thể muỗi phát triển, làm tăng sự tiếp xúc giữa muỗi truyền bệnh với người. Ở một số nơi, muỗi truyền bệnh chủ yếu đẻ trứng ở những ổ nước đọng, ao hồ, vũng nước, khi mùa mưa nhiều thì mật độ muỗi tăng, làm tăng khả năng lây truyền bệnh sốt rét. Vào những năm có thiên tai, bão lụt, lũ quét ở vùng sốt rét lưu hành, mật độ muỗi truyền bệnh sốt rét gia tăng, chất lượng và số lượng nhà cửa, số gia súc sẽ giảm sút, muỗi truyền bệnh có cơ hội tiếp xúc mạnh mẽ với người; trong khi đó con người đang gặp phải sự đói kém và giảm sức đề kháng. Vì vậy, bão lụt, lũ quét là những yếu tố thúc đẩy sốt rét phát triển nên cần có kế hoạch tích cực phòng tránh. Ngoài ra, những sự thay đổi khác về môi trường tự nhiên đã và đang xảy ra do thiên tai hay do con người tạo nên sẽ có tác động rất lớn đến tình hình sốt rét tại địa phương. * Môi trường sinh học gồm những sinh vật như động vật rừng, động vật nuôi, thủy sinh ... Động vật có tác dụng làm mồi thu hút muỗi truyền bệnh đến hút máu, do đó làm giảm mật độ muỗi đến hút máu người, hạn chế sự lây truyền bệnh. Nếu làm chuồng trại, chăn nuôi gia súc ở gần nhà, muỗi truyền bệnh ngoài đốt máu gia súc thì con người cũng dễ có nguy cơ bị muỗi truyền bệnh đốt máu và gây bệnh. Các loài thủy sinh ăn bọ gậy muỗi truyền bệnh có thể dùng làm phương tiện sinh học để chống muỗi. * Môi trường kinh tế-xã hội có thể làm tăng hoặc làm giảm nguy cơ sốt rét. Các hoạt động kinh tế của con người như mở kênh thủy lợi, đào ao hồ, chặt tre nứa để lại gốc, cấy ruộng bậc thang, trồng cói, trồng cao su, cà phê ... làm tăng chỗ muỗi đẻ. Nhân dân đi vào các vùng sốt rét lưu hành nặng để buôn bán, khai thác vàng, đá quý, trầm hương, xây dựng kinh tế mới, làm nương rẫy, canh giữ sản phẩm trồng, làm đường giao thông, bộ đội chiến đấu, canh gác biên giới ... làm tăng sự tiếp xúc giữa con người với muỗi truyền bệnh. Nhiều hoạt động kinh tế với lao động quá sức, sinh hoạt tạm bợ, làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Việc di cư của nhân dân với mục đích kinh tế có tổ chức hay không có tổ chức, đi từ vùng không có sốt rét vào vùng sốt rét nặng, đi ở hẳn hay đi về từng đợt là những yếu tố làm cho tình hình càng thêm phức tạp. Trong một số tình huống có thể gây ra dịch sốt rét với quy mô khác nhau và làm cho sốt rét thêm trầm trọng. Ngược lại, các hoạt động kinh tế của con người như khai thông mương máng, chuyển đổi dòng suối, lấp ao hồ, phát quang chung quanh nhà để làm vườn, tăng đàn gia súc, thả cá, nâng cao mức sống, xây dựng hoạt động y tế và tổ chức phòng chống sốt rét có thể làm giảm nguy cơ sốt rét. Vấn đề phát triển kinh tế và sốt rét có mối quan hệ với nhau. Tác hại của sốt rét như mất người lao động, mất sức lao động, mất tiền chữa bệnh, vỡ kế hoạch sản xuất ... sẽ gây nên những thiệt hại về kinh tế. Nếu đầu tư vào công tác phòng chống sốt rét một cách thoả đáng, thực hiện các biện pháp có hiệu quả thì có thể làm giảm hoặc tránh được thiệt hại do sốt rét, có được lợi ích về cả vật chất lẫn tinh thần. Các yếu tố xã hội như nghề nghiệp, mức sống và trình độ hiểu biết của nhân dân cũng ảnh hưởng đến sự lây truyền bệnh sốt rét. Những vùng sốt rét lưu hành nặng thường là những vùng xa xôi, hẻo lánh, giao thông liên lạc khó khăn. Ở những vùng này, nghề nghiệp của nhân dân thường không ổn định, tình trạng đi rừng, làm rẫy, khai thác lâm thổ sản, buôn bán, trao đổi hàng hóa, thăm thân do có quan hệ đồng tộc ở biên giới ... còn xảy ra phổ biến. Một bộ phận nhân dân thường xuyên thiếu lương thực, làm không đủ sống, dân cư phân tán, du canh du cư hoặc đã định cư nhưng còn du canh gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống sốt rét. Mặt khác, trình độ hiểu biết của nhân dân và chất lượng hoạt động của y tế cơ sở tại các vùng sốt rét lưu hành nặng còn có nhiều hạn chế cũng là thực trạng đáng quan tâm. Vấn đề môi trường và bệnh sốt rét có mối quan hệ đã được xác định. Phòng chống sốt rét muốn có hiệu quả phải có sự hỗ trợ của việc bảo vệ môi trường, nghiêm cấm các hành vi phá hại môi trường sống mà Điều 6 của Luật Bảo vệ môi trường nước ta đã quy định: "Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, có quyền và trách nhiệm phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường".
|