|
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh-GĐ Trung tâm PCSR-KST-CT Thừa Thiên Huế tại buổi lễ kỷ niệm |
Con đường vinh quang của một đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Cách đây 30 năm, từ Trạm Nghiên cứu Sốt rét khu Trung Trung Bộ ở chiến trường khu V, Phân Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã được thành lập (1977) để đáp ứng cho yêu cầu nhiệm vụ phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh các tỉnh miền Trung-Tây nguyên sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng. Cũng từ sự hình thành và phát triển liên tục qua các giai đoạn, năm 1998 Chính phủ đã quyết định nâng cấp thành Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng nhằm nâng cao vai trò, vị trí để đáp ứng chức năng, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Xuất phát là một cán bộ, viên chức đã có mặt tại Viện ngay từ năm 1977 khi Viện mới được thành lập. Tôi vinh dự đã có một khoảng thời gian được tham gia đóng góp, xây dựng vào sự hình thành, phát triển của Viện và trực tiếp được chứng kiến những bước tiến bộ, vươn lên của đơn vị trong cả một quá trình khi còn công tác tại nơi đây cũng như sau khi được chuyển công tác về tiếp tục nhiệm vụ chuyên khoa tại địa phương. Một chặng đường 30 năm hình thành và phát triển không phải là ngắn, cũng chưa thể gọi là dài so với một số Viện chuyên khoa khác trực thuộc Bộ Y tế nhưng cán bộ, công chức, viên chức của Viện đã có sự đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng và phát triển Viện trở thành một đơn vị có đủ trình độ chuyên môn và năng lực quản lý để thực hiện các chức năng nghiên cứu khoa học, truyền thông giáo dục, đào tạo cán bộ, hợp tác quốc tế và chỉ đạo công tác phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh cho khu vực miền Trung-Tây nguyên. Lúc khởi đầu, cơ sở vật chất của Viện còn nghèo nàn, tạm bợ, được tiếp quản từ một trại gia binh của quân đội Sài Gòn sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng để xây dựng Viện. Đến nay, Viện đã có một trụ sở làm việc khá khang trang và đẹp đẽ. Trang thiết bị chuyên môn buổi sơ khai còn thiếu thốn, đơn giản và lạc hậu; hiện tại Viện đã được trang thiết bị nhiều dụng cụ, máy móc tối tân, hiện đại với những kỹ thuật cao để đáp ứng kịp thời cho yêu cầu nhiệm vụ chuyên khoa ngày càng phát triển của nền khoa học tiên tiến. Lực lượng cán bộ, công chức, viên chức của Viện cũng đã được đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ với nhiều cán bộ đã có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ; nhiều cán bộ trung học được nâng lên đại học ... Điều đáng kể nhất là Viện đã đào tạo liên tục trên 30 khoá kỹ thuật viên trung học chuyên khoa hệ chính quy, các khoá hệ vừa học vừa làm nâng cấp trình độ cán bộ sơ học lên trung học và gần đây là các khoá đào tạo sau đại học để cán bộ có trình độ Thạc sĩ đáp ứng yêu cầu và cung cấp đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên khoa cho màng lưới y tế cơ sở trong khu vực. Từ các tỉnh Bình-Trị-Thiên, Quảng Nam-Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Gia Lai-Kon Tum và Đăk Lăk; hiện nay Viện đã quản lý và chỉ đạo nhiệm vụ công tác chuyên môn cho 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây nguyên bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông. Với nhiều đầu mối quản lý, địa bàn công tác hiểm trở, phức tạp; điều kiện kinh tế-xã hội đặc thù của cộng đồng dân cư trong khu vực còn có nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nhưng cán bộ-viên chức của Viện đã không quản ngại gian khổ, luôn luôn có sự hiện diện và những bước chân đi, đến tại các điểm nóng, những nơi có nhiều biến động để kịp thời giám sát, đánh giá tình hình, chỉ đạo nhiệm vụ công tác, giúp đỡ các địa phương chủ động khống chế tình hình dịch bệnh phát triển và gia tăng. Ngoài nhiệm vụ trọng yếu là phòng chống bệnh sốt rét, Viện cũng đã quan tâm nghiên cứu và triển khai các hoạt động phòng, chống các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh khác theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ Y tế giao. Viện đã có sự tận tâm, nhiệt tình, giúp đỡ các địa phương trong khu vực thực hiện công tác phòng, chống bệnh giun đường ruột, sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, giun chỉ bạch huyết, sốt mò ... để góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Với sự hình thành và phát triển, Viện đã có những nỗ lực phấn đấu liên tục, bền bỉ, khắc phục mọi khó khăn, tồn tại để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Thành tích của Viện đã được xác định trong thời gian qua bằng các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước khen thưởng cho tập thể như Huân chương Giải phóng, Huân chương Lao động hạng I, II, III; Huân chương Độc lập, Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế. Cùng với tập thể, một số cán bộ, công chức, viên chức của Viện cũng đã được khen thưởng thành tích bằng các danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Các phần thưởng cao quý được tặng thưởng cho tập thể, cá nhân đã khẳng định đầy đủ những sự cống hiến với tinh thần trách nhiệm cao đối ngành chuyên khoa sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng của khu vực miền Trung-Tây nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Từ những thành tích đã đạt được, vinh quang của ngày hôm nay là Viện được Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tôi là một cán bộ, viên chức có thời gian công tác trước đây tại Viện và hiện nay cũng là một cán bộ, viên chức đang công tác tại một Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng ở một tỉnh thuộc khu vực miền Trung-Tây nguyên do Viện quản lý, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ. Tôi đã phát huy tất cả những gì mà mình được đào tạo, rèn luyện, học tập và kinh nghiệm có được qua quá trình công tác tại Viện để thực hành nhiệm vụ chuyên môn, quản lý của mình khi về công tác tại địa phương đạt được hiệu quả tốt. Trở lại Viện trong hôm nay, bản thân tôi rất vui mừng, phấn khởi, chứng kiến và nhìn nhận trước sự phát triển, vươn lên của Viện trên tầm cao trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Tiếc rằng, trong thời điểm vinh quang và tự hào này của Viện, tôi đã không có dịp gặp lại đầy đủ đồng nghiệp cũ ở xa và những những người đã khuất từng có một thời tuổi trẻ, một khoảng thời gian công tác trước đây tại Viện để cùng chia sẻ, tâm sự, chung vui khi Viện tròn 30 tuổi và vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong dịp hân hoan, vinh quang này, cho phép tôi được thay mặt các cán bộ, viên chức cũ của Viện; thay mặt cho các đơn vị trực thuộc ở các địa phương đang thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên khoa phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh ở khu vực miền Trung-Tây nguyên kính xin được chia sẻ niềm vinh dự này trong dịp Viện tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn Ban Giám đốc, cán bộ viên chức của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn thời gian qua đã có sự quan tâm chỉ đạo, hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ hoạt động cho ngành chuyên khoa của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên cùng phát triển để đáp ứng cho yêu cầu nhiệm vụ công tác trong giai đoạn hiện nay và thời gian tiếp theo. Chúng tôi cũng mong muốn rằng một gốc cây của Viện, của khu vực sẽ có 15 cành lá của các Trung tâm, của các địa phương được nuôi dưỡng để cùng phát triển xanh tươi, bền vững trong thời kỳ đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế. Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã đi đến con đường vinh quang, rạng rỡ qua quá trình 30 năm xây dựng và phát triển để đơn vị xứng đáng được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Kính chúc Ban Giám đốc, cán bộ, công chức, viên chức của Viện được dồi dào sinh lực, tiếp tục sự nghiệp của mình để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó.
|