Huyền thoại về công lao mở mang bờ cõi của Huyền Trân Công Chúa và những di tích lịch sử tại tỉnh Thừa Thiên-Huế
Huyền thoại về công lao mở mang bờ cõi của Huyền Trân Công Chúa Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế là lãnh thổ có lịch sử gắn liền với công lao mở mang bờ cõi nước Việt của Huyền Trân Công Chúa. Huyền Trân là một Công Chúa đời nhà Trần, là con gái của Vua Trần Nhân Tông và là em gái của Vua Trần Anh Tông. Theo sử sách, vào năm 1293 Vua Trần Nhân Tông thoái vị, truyền ngôi lại cho con trai là Trần Anh Tông và trở thành Thái Thượng Hoàng, lên tu ở núi Yên Tử. Năm 1301, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời của Vua nước Chiêm Thành là Chế Mân vào đất nước này để thưởng ngoạn. Khi trở về, Trần Nhân Tông có hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân mặc dù khi đó Vua Chế Mân đã có vợ là Hoàng Hậu Tapasi. Nhiều lần Chế Mân sai sứ sang nước ta hỏi về việc hôn lễ nhưng Triều thần nhà Trần phản đối. Thế rồi năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô và châu Lý làm sính lễ, Vua Trần Anh Tông đồng ý gả Huyền Trân cho Chế Mân. Công Chúa Huyền Trân xuất giá về đất nước Chiêm Thành và được phong làm Hoàng Hậu Paramecvari nhưng gần một năm sau đó, vào tháng 5 năm 1307 Chế Mân mất. Theo thủ tục nước Chiêm Thành, khi Vua chết thì Hoàng Hậu cũng phải lên dàn hỏa để cùng chết theo. Khi Thế tử Chiêm Thành sai sứ sang nước Đại Việt báo tin, vua Trần Anh Tông phái ngay một vị tướng tuổi trẻ và tài ba là Trần Khắc Chung sang điếu tang để tìm cách cứu Công Chúa Huyền Trân về nước. Cuộc hôn nhân chính trị này có ý nghĩa to lớn trong việc mở mang bờ cõi của nước Đại Việt về phía Nam từ Bắc tỉnh Quảng Trị đến đèo Hải Vân của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay do công lao cống hiến của Huyền Trân Công Chúa. Cuộc đời gắn liền lịch sử của Huyền Trân Công Chúa trong việc mở mang bờ cõi đã có những bài thơ, điệu hát bình phẩm về thân phận này như: Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười, Vốn đà không mất lại thêm lời, Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm, Một gái Huyền Trân của mấy mươi ? Lòng đỏ khen ai lo việc nước, Môi son phải giống mãi trên đời ? Châu đi rồi lại châu về đó, Ngơ ngẩn trông nhau mấy đứa Hời ! Khúc hát “Nước non ngàn dặm” theo điệu Nam Bình cũng đã truyền tụng thân phận của Huyền Trân Công Chúa về cuộc hôn nhân chính trị này: Nước non ngàn dặm ra đi ... Mối tình chi ! Mượn màu son phấn, Đền nợ Ô, Ly. Xót thay vì, Đương độ xuân thì. Số lao đao hay là nợ duyên gì ? Má hồng da tuyết, Cũng như liều hoa tàn trăng khuyết, Vàng lộn theo chì. Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì. Thấy chim lồng nhạn ra đi. Tình lai láng, Hướng dương hoa quỳ. Dặn một lời Mân Quân: Như chuyện mà như nguyện. Đặng vài phân, Vì lợi cho dân, Tình đem lại mà cân, Đắng cay muôn phần. Các bài thơ, điệu hát đã thể hiện tình cảm, công lao của Huyền Trân Công Chúa đối với mãnh đất quê hương của tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Người dân của Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cũng luôn luôn trân trọng và ghi nhớ những tình cảm, công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi nước ta về phía nam của Công Chúa Huyền Trân.
Di tích lịch sử Huyền Trân Công Chúa tại tỉnh Thừa Thiên HuếNhân dịp kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế và trong kế hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tại Huế nhằm tỏ lòng biết ơn của người dân xứ Huếđối với Huyền Trân Công Chúa, một vị anh hùng liệt nữ đã có công mở mang bờ cõi. Từ đầu năm 2006, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty Du lịch Hương Giang đã khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân ngay dưới chân núi Ngũ Phong thuộc thôn Ngũ Tây, phường An Tây, cách thành phố Huế 5 km về phía đông nam. Trong một khoảng không gian rộng hơn 28 ha được thiết kế bao gồm Đền thờ Công Chúa Huyền Trân, Tháp chuông Hòa Bình, nhà thư pháp, vườn thiên đường, thư viện lưu trữ các tài liệu, cổ vật liên quan đến Vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Công Chúa Huyền Trân, Trần Khắc Chung, Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu ... và các vị anh hùng duới thời Nhà Trần. Bên trong Đền thờ được đặt một pho tượng toàn thân bằng đồng của Huyền Trân Công Chúa cao 2,37 mét. Phía sau Đền thờ Huyền Trân Công Chúa là Tháp chuông Hòa Bình nằm trên đỉnh núi Ngũ Phong với tòa tháp cao 7 mét, nơi treo chiếc chuông đồng cao 1,6 mét, nặng 1,6 tấn. Trên mặt chuông đồng khắc tám chữ “Thế giới-Hòa bình-Nhân loại-Hạnh phúc” và hình ảnh tượng trưng bốn ngôi chùa nỗi tiếng đại diện ở các vùng miền của cả nước như chùa Trúc Lâm Yên Tử ở tỉnh Quảng Ninh, chùa Diên Hựu ở Thành phố Hà Nội, chùa Thiên Mụ ở Thành phố Huế và chùa Giác Lâm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 26 tháng 03 năm 2007, đúng vào dịp kỷ niệm 32 năm ngày quê hương Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng và 76 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trung tâm Văn hóa Huyền Trân đã được khánh thành hoạt động để nhân dân Thừa Thiên Huế có nơi thờ tự Huyền Trân Công Chúa một cách tôn nghiêm, trang trọng, ghi nhớ công lao to lớn của một vị anh hùng liệt nữ đã có công mở nước ở vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế. Công trình văn hóa này cũng sẽ là nơi đón tiếp khách ở trong nước và các nước ngoài đến tham quan, du lịch. Theo Ban Quản lý Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, định kỳ vào ngày rằm, ngày mồng một âm lịch hàng tháng sẽ tổ chức lễ dâng hương tại Đền thờ Huyền Trân Công Chúa theo truyền thống và ngày mồng chín, tháng giêng âm lịch, ngày giỗ của Công Chúa Huyền Trân hàng năm sẽ tổ chức Lễ Hội Đền Huyền Trân để tỏ lòng biết ơn của người dân xứ Huế đối với người có công với nước, đồng thời cầu cho Quốc thái Dân an.
|