|
chiến sĩ biên phòng-Binh nhất Nguyễn Đức Tùng |
Tấm gương của chiến sĩ biên phòng-Binh nhất Nguyễn Đức Tùng dũng cảm hy sinh hy sinh cứu dân trong cơn lũ
Tấm gương dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ: Cơn bão Lekima (cơn bão số 5/2007) đi vào biển Đông rồi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng trực tiếp và gây ra mưa lũ lớn, kéo dài nhiều ngày trên vùng rứng núi biên giới ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Nước đổ dồn về các sông, suối đã ngăn chận hoàn toàn các con đường từ nương rẫy về thôn bản, làm cho nhiều người bị mắc kẹt lại phía bên kia sông A Sáp, huyện A Lưới, phải nhịn đói, nhịn khát và đe dọa đến tính mạng sống còn của họ. Trong đó, phía đối diện với Trạm Kiểm soát Biên phòng tại xã Nhâm, A Lưới có ông Hồ Minh Tài (tức Cu Tài), khoảng 45 tuổi, dân tộc Pa Kô và một số người khác ở thôn Kờ Lèng, xã Nhâm vào sản xuất, chăn nuôi trong nương trại cũng bị kẹt lại. Ông đã nhịn đói từ ngày 02 đến ngày 04/10/2007, đang kêu cứu Trạm Kiểm soát Biên phòng xin hỗ trợ gạo, muối. Chiều ngày 04/10, bão đã tan, nước sông A Sáp đã giảm; vì quá day dứt, nóng ruột trước sự cầu cứu cấp thiết của dân trong cơn đói, khát nguy kịch; lúc 15 giờ 30 phút, Trung úy Nguyễn Hữu Trí, Trạm Trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng tại xã Nhâm đã quyết định lựa chọn những người bơi lội giỏi rồi giao nhiệm vụ cho 2 chiến sĩ của trạm là Binh nhất Phan Viết Nam và Binh nhì Nguyễn Đức Tùng sử dụng áo phao bơi qua sông A Sáp mang theo gạo, muối để cứu đói kịp thời cho ông Hồ Minh Tài và một số người dân địa phương đang bị kẹt ở bờ bên kia sông; đồng thời tổ chức kiểm tra nắm tình hình địa bàn sau bão và tìm kiếm thêm những người nào còn mắt kẹt, báo cáo đơn vị cử thêm người sang sông giúp đỡ, cứu trợ kịp thời. Với lương tâm, trách nhiệm và ý chí cao cả của người chiến sĩ biên phòng trước những lời kêu cứu cấp thiết của những người đang ở bên kia sông, lại được cấp trên tin tưởng giao cho nhiệm vụ trọng trách đó, Nguyễn Đức Tùng đã cùng đồng đội nhanh chóng, dũng cảm mang theo gạo, muối vượt sông A Sáp trong sự quan tâm theo dõi của cán bộ, chiến sĩ ở trạm. Khi đã vượt qua được khoảng 2/3 lòng sông thì Nguyễn Đức Tùng đã bị đuối sức không thể vượt nổi, anh vẫn cố gắng kêu lên, báo hiệu cho đồng đội biết, rồi cũng ngay lập tức bị chìm sâu dưới nước và dòng sông A Sáp đã cuốn anh trôi đi. Thấy vậy, Phan Viết Nam và những đồng đội ở trạm đã nhanh chóng dùng mọi biện pháp để cứu vớt nhưng không phát hiện được. Ngay sau khi nhận được tin báo của trạm, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng 629 đã khẩn cấp tổ chức lực lượng phối hợp với dân quân địa phương, các lực lượng trên địa bàn và và bà con đồng bào nhanh chóng triển khai ứng cứu, tìm kiếm tận tình nhưng đến giờ phút này vẫn chưa tìm thấy thi thể của Nguyễn Đức Tùng, một chiến sĩ biên phòng đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên biên giới. | Tình quân dân |
Chiều ngày 06/10/2007, tại Đồn Biên phòng 629, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và Đồn Biên phòng 629 đã tổ chức Lễ Truy điệu cho chiến sĩ Nguyễn Đức Tùng với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện A Lưới, các đơn vị, ban ngành của huyện, các đồn và các xã thuộc địa bàn biên phòng, xã Vinh Hưng, Phú Lộc (nơi quê quán của Nguyễn Đức Tùng) cùng tang quyến và đông đủ bà con đồng bào các dân tộc. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quyết định phong vượt cấp quân hàm từ Binh nhì lên Binh nhất cho chiến sĩ Nguyễn Đức Tùng và tiến hành làm các thủ tục công nhận liệt sĩ vì đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Một người con hiếu thảo, một chiến sĩ mẫu mực: Chiến sĩ biên phòng Nguyễn Đức Tùng sinh ngày 01/02/1987 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh là một người con chăm ngoan, hiếu thảo, hết mực kính trọng, thương yêu cha mẹ, ông bà. Tốt nghiệp phổ thông trung học, với hoài bảo muốn được cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, tháng 02/2007, anh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng bộ đội biên phòng. Trong thời gian huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện, cơ động của Bộ đội Biên phòng tỉnh, anh đã khắc phục mọi khó khăn, tích cực trong rèn luyện, gương mẫu trong mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của một người chiến sĩ mới. Anh là một trong rất ít người đã được đơn vị lựa chọn cho đi học lớp cảm tình Đảng, làm nguồn phát triển Đảng. Kết thúc khóa huấn huyện, anh được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng 629; anh đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tình nguyện xung phong vào công tác tại nơi heo hút, gian khổ nhất của đơn vị là Trạm Kiểm soát Biên phòng tại xã Nhâm. Trong thời gian công tác ở trạm, anh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người quân nhân cách mạng, tận tâm tận lực với công việc, sống chan hòa hết lòng với đồng chí, đồng đội và nhân dân nơi đóng quân; luôn luôn được đồng chí, đồng đội và nhân dân tin yêu, quý mến. Nguyễn Đức Tùng đã luôn nêu cáo phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của người chiến sĩ biên phòng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc. Sự hy sinh quên mình của Nguyễn Đức Tùng đã góp phần làm ngời sáng thêm truyền thống và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và người chiến sĩ biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, để lại sự kính phục và niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào các dân tộc trên biên giới, của gia đình, của quê hương; để lại tấm gương sáng về ý chí, trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền an ninh biên giới. Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức phát động học tập gương hy sinh dũng cảm vượt lũ giúp dân trong cơn bão số 5 của Binh nhất Nguyễn Đức Tùng.
|