Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 26/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
Bình Định
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Tin hoạt động đơn vị

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 5 8 2 6 1 5
Số người đang truy cập
4 1
 Tin tức - Sự kiện Trong nước
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung
Thành phố Quy Nhơn khánh thành Tượng đài Hoàng đế Quang Trung-chân mộc mà uy nghi

 

Vừa qua, tại Công viên Quang Trung-TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ khánh thành Tượng đài Hoàng đế Quang Trung bằng đồng, nặng 13 tấn, cao 5,5m sáng tác nâng cấp tượng bằng bêtông cũ (năm 1976) do điêu khắc gia Lưu Danh Thanh, khí đó tác giả chỉ có 30 tuổi; khi được hỏi ông tâm đắc nhất điều gì trong lần nâng cấp này, ông nói: “Là đã chỉnh được chân dung Quang Trung”. Quả là so với tượng cũ, nét mặt vua Quang Trung lần này trông hiền và đằm hơn. Ở cái tuổi đã chín (gần 70), người họa sĩ đã nghiệm ra rằng, vua Quang Trung đâu chỉ là một dũng tướng, mà còn là một vị hoàng đế văn võ toàn tài. Ngay trang phục của vua Quang Trung cũng là một vấn đề; đã là tướng thì phải mặc giáp, nhưng không thể là bộ giáp rực rỡ hoa văn, mà lần này, ngài chỉ khoác lên bộ giáp đơn giản, nhìn vào thấy chân mộc mà uy nghi. Tay cầm kiếm cũng đã được nắn lại để có thể nhìn thấy kiếm dù đứng từ nhiều phía khác nhau. Phần phù điêu dưới bệ tượng không chỉ đầy đủ hơn với ba phần: tụ nghĩa, hành binh, xây dựng đất nước, mà còn được thiết kế hài hòa với phần tượng phía trên, ngõ hầu tạo thành một tổng thể toàn vẹn.

 

 Tượng đài Hoàng đế Quang Trung
bằng đồng, nặng 13 tấn, cao 5,5m

Điều quan trọng khác của lần nâng cấp là tính toán cân đối về tỷ lệ không gian. Tượng cũ làm bằng xi măng, không gian xung quanh lại là vườn hoa, nên không thể làm cao; bệ tượng được tận dụng từ bệ cũ, nên vừa to vừa thấp. Còn với tượng mới, xung quanh tượng sẽ là một quảng trường. Cũng có người đề nghị làm tượng mới lớn hơn, nhưng cuối cùng, các ý kiến thống nhất giữ nguyên kích thước cũ, chỉ nâng chiều cao và gọt nhỏ bệ (tính cả bệ và tượng, tượng mới cao hơn tượng cũ gần ba mét) để phù hợp với không gian xung quanh.

Những ngày trước thời điểm khánh thành, tốp thợ đá Ninh Bình và cánh thợ của Trung tâm Mỹ thuật Trang trí Nội ngoại thất-đơn vị thiết kế, thi công công trình vẫn mải miết hoàn thiện nốt những phận sự cuối cùng. Họa sĩ Lưu Danh Thanh, người thiết kế tượng, mỗi sáng, mỗi chiều, lại ra “lăn lưng” với cánh thợ. Khi ông bảo mài chỗ này thêm chút, lúc lại bảo họ chà cho đồng bóng hơn. Tôi hỏi vui, rằng dễ đến khi bức tượng khánh thành, ông mới thôi chỉnh sửa. Họa sĩ cười, nói thay cho lời giải thích: “Đây là tác phẩm tôi tâm đắc nhất đấy!”...

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin và du lịch Trần Chiến Thắng đã đánh giá cao việc làm ý nghĩa của các nhà tài trợ trong việc xã hội hóa công trình văn hóa-lịch sử quan trọng của địa phương và quốc gia, qua đó góp phần tôn vinh truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Tuy không thời gian thực hiện không dài, nhưng lại là “tinh hoa hội tụ” của nhiều tâm lực. Trước hết, phải kể đến cái tâm của những người tài trợ mà trực tiếp là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; rồi công phu phác thảo, làm mẫu tượng, đến từng công đoạn đúc đồng, khắc chạm đá… Chỉ riêng khâu phác thảo không thôi, những người thực hiện đã nhận được bao ý kiến đóng góp, từ lãnh đạo tỉnh, đến những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Đúc đồng thì phải ra tận làng Ngũ Xã - làng đúc đồng danh tiếng đất Thăng Long. Sở Văn hóa -Thông tin còn mời Viện Khoa học Hình sự giám sát chất lượng, cùng với Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội) chế tạo mẫu đồng mắt cua. Đá làm phù điêu cho tượng cũng được cân nhắc và cuối cùng, đá Thanh Hóa đã được chọn, vì đồng đều về chất liệu, màu sắc và đủ độ cứng, đảm bảo cho việc chạm khắc. Hiệp thợ đá phải “vời” tận Ninh Bình.

Tháng 11/2007, tượng hoàn thành, ngày 27/12/2007 tượng được rước về đến Quy Nhơn, ngày 2/1/2008 cẩu lắp tượng lên bệ. Mỗi phần việc như vậy phải tiến hành với sự cẩn tắc cao nhất và cả tấm lòng thành kính. Sau khi khánh thành, công việc tô điểm cho khuôn viên quanh tượng vẫn sẽ còn tiếp tục. Công viên Quang Trung sẽ được thu hẹp lại về diện tích thành một hoa viên và cốt nền được nâng lên khoảng 1,34m. Trong hoa viên, chỉ trồng cỏ và hoa, hệ thống vòi phun nước quanh bệ tượng và đèn chiếu sáng sẽ được làm lại.

Đã kết tinh trí tuệ và mồ hôi của người Bình Định, tài hoa của người họa sĩ đất Bắc; đã thấm phù sa sông Hồng, đá núi Nhồi xứ Thanh, của những tấm lòng thợ đúc đất Bắc, thợ đá Ninh Bình, nay lại đang thấm đẫm bằng sương gió nắng mưa cộng với khí hạo nhiên của đất trời Bình Định, Tượng đài Quang Trung đã và sẽ vẫn là niềm tự hào của người Bình Định khi nhớ, nghĩ về quê hương, trở thành biểu tượng đặc trưng của một miền đất Võ. Nên cũng thật dễ hiểu, những ngày chỉ đạo cánh thợ, họa sĩ Lưu Danh Thanh đã chứng kiến không ít cảnh nhiều người dân đến bên tượng “nói sử” cho nhau; càng cảm động hơn trước tấm lòng và sự ngưỡng mộ của người dân dành cho người anh hùng áo vải.

Từ nay tượng đài Hoàng đế Quang Trung ở Công viên Quang Trung (TP. Quy Nhơn) với đường nét uy nghi, sẽ án ngữ một góc trời lồng lộng giữa trung tâm thành phố.

 

 

Ngày 30/01/2008
Ban Biên tập (LHT)
(Theo Baobinhdinh.com.vn)
 

THÔNG BÁO


• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích