Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 04/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 3 1 0 5 0 5
Số người đang truy cập
4
 Thầy thuốc và Danh nhân
Cố Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ
Hành trình quy tập mộ Cố Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ

Cố Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh ngày 01/4/1967 tại khe Mối thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng hành trình phát hiện, quy tập phần mộ của ông về với nghĩa trang gia đình Đặng tộc có những vấn đề mà nhiều người chưa được biết đến. Tưởng niệm 50 năm ngày mất của Cố Giáo sư (01/4/1967-2017), xin được nhắc lại hành trình này để nhớ đến người Thầy của ngành chuyên khoa sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng.

Về ngôi một thật của Giáo sư, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ

Trên báo Thừa Thiên Huế ngày 27/9/2000, tác giả Trịnh Nam Hải và Ngô Minh Thuấn có bài viết “Về ngôi mộ thật của Giáo sư-Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ” với nội dung: “Viết và đánh giá về Cố Giáo sư - Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã có công giúp hàng vạn cán bộ, chiến sĩ thoát khỏi luỡi hái tử thần do căn bệnh sốt rét gây ra suốt những năm đánh Pháp, chống Mỹ thì đã có rất nhiều tác giả đề cập. Chúng tôi cũng được đọc bài viết của tác giả Nguyễn Quang Thiều đăng trên báo An ninh Thế giới số 155 - 156, tháng 12/1999, nêu khá đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của ông đối với nền y học nước nhà. Cũng qua bài báo, chúng tôi được thấy tấm hình chụp ngôi mộ của Giáo sư Đặng Văn Ngữ cùng vợ ông là bà Tôn Nữ Thị Cung và con gái Đặng Thị Nguyệt Quý an táng tại quê nhà (Thừa Thiên Huế).Song thật bất ngờ, sáng ngày 28/8/2000 chúng tôi nghe được một thông tin đã tìm được hài cốt thật của Giáo sư Đặng Văn Ngữ cùng các đồng đội của ông đã được quy tập và hiện an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Thông tin này càng được khẳng định khi chị Đặng Thị Nguyệt Ánh, con gái Cố Giáo sư; ông Nguyễn Tấn Viêm em ruột của Liệt sĩ Nguyễn Thị Thành; ông Lê Văn Hải em ruột của Liệt sĩ Lê Thị Tuyên đang có mặt tại Huế, chuẩn bị đi Phong Điền hương khói cho người thân của mình và xin phép chính quyền địa phương sở tại cho di dời hài cốt người thân về quê nhà chăm sóc.Sự thật bắt đầu từ lá thư thông báo của Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh do Trưởng Ban Chính sách tỉnh đội, Trung tá Trần Viết Thọ ký ngày 30/5/2000 gửi ông Nguyễn Tấn Viêm, cán bộ Công ty Suppe - Phốt phát - Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ). Nội dung của thông báo ghi rõ: “Tại nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế có một mộ liệt sĩ mang tên Nguyễn Thị Thành, hy sinh ngày 01/4/1967 nhưng không rõ quê quán và đơn vị trước lúc hy sinh. Đề nghị gia đình liên hệ trực tiếp với Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Phong Điền để biết cụ thể ...”. Bên trái của tờ thông báo có ghi chú: “Tại nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ gần mộ Liệt sĩ Nguyễn Thị Thành có mộ của Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, hy sinh ngày 01/4/1967 nhưng cũng không rõ quê quán và đơn vị trước lúc hy sinh”. Giáo sư Đặng Văn Ngữ hy sinh ngày 01/4/1967 và chỉ 45 ngày sau, tức ngày 15/5/1967, Phó Chủ tịch Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Tôn Đức Thắng ký lệnh truy tặng Giáo sư danh hiệu Anh hùng Lao động. Tối ngày 28/8/2000, tại Khách sạn Ngô Quyền Huế; khi tiếp xúc với ông Nguyễn Tấn Viêm và một cán bộ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, chúng tôi được biết thêm, trước lúc vào chiến trường miền Nam công tác, trong đoàn cán bộ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng có bà Nguyễn Thị Thành và Lê Thị Tuyên là hai phụ nữ, dù chỉ là y tá và kỹ thuật viên nhưng rất giỏi nghiệp vụ, được ông Ngữ đề nghị cử đi để giúp việc ... Như vậy là đã rõ. Ngay sau khi nhận được thông báo của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, ông Viêm đã kịp thời báo ngay cho cơ quan cũ của các liệt sĩ, thân nhân các gia đình liệt sĩ và một chuyến đi vào Huế đã được tổ chức như nói ở trên.


Cố Giáo sư - Bác sĩ Đặng Văn Ngữ cùng người vợ và 3 người con

Tìm người chôn cất và quy tập hài cốt Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ cùng đồng đội của ông

Chúng tôi lên huyện A Lưới gặp lại ông Hồ Văn Hạnh (dân tộc Tà Ôi), nguyên là cán bộ công vụ, giao liên cho Văn phòng Khu ủy Trị Thiên-Huế trong chống Mỹ cứu nước. Sau năm 1975, ông về công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện A Lưới và hiện đang nghỉ hưu tại thị trấn A Lưới, là người biết khá rõ về cái chết của Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Trông ông Hạnh còn trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 67 (mùa rẫy) như ông nói. Khi chúng tôi đặt vấn đề, đề nghị ông kể lại về cái chết thương tâm của Giáo sư và những đồng đội của mình, ông Hạnh nghẹn ngào nói, tuy đã hơn 30 năm rồi nhưng ông vẫn còn nhớ như in cái ngày ấy. Ông kể trong xúc động rằng, khoảng cuối tháng 01 đầu tháng 02/1967, một đoàn cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng từ miền Bắc vào, họ dừng chân tại Văn phòng Khu ủy Trị Thiên-Huế và được bố trí nghỉ lại một nơi gần Khu ủy nhưng ông Ngữ không chịu, đề nghị được trực tiếp xuống ngay các đơn vị bộ đội để tiếp cận và nghiên cứu phương pháp chữatrị bệnh sốt rét ... Chiều lòng ông, Khu ủy bố trí đoàn công tác xuống đơn vị C3 - K200 thuộc Quân khu Trị Thiên-Huế, là đơn vị bao gồm thông tin và trạm xá của Quân khu đóng tại ngọn khe Mối, thuộc địa phận xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Ông Hồ Văn Hạnh được Văn phòng Khu ủy cử đi theo đoàn với nhiệm vụ là công vụ, kiêm bảo vệ cho ông Ngữ. Và cái buổi chiều định mệnh ấy, ngày mà Giáo sư Đặng Văn Ngữ cùng những đồng đội của ông hy sinh lại chính là lúc ông Hồ Văn Hạnh không có ở bên cạnh, vì ông Hạnh được cử đi gùi gạo ... Ông Hạnh nói trong nước mắt, suốt trên đường gùi gạo trở về, ông cứ thấy trong người bồn chồn nóng ruột, linh cảm điều chẳng lành, ông đi không nghỉ, chỉ muốn mau về đơn vị, nhưng đường xa, lại đèo dốc khó đi, mãi tận sáng hôm sau (02/4/1967) ông mới có mặt tại đơn vị. Nhìn cảnh vật hoang tàn, ông mới biết là cái linh cảm của mình đúng. Những người còn sống sau trận ném bom B52 của giặc Mỹ kể lại: ông Ngữ hy sinh khoảng 2 giờ 30 phút chiều ngày 01/4/1967. Một quả bom B52 ác nghiệt rơi trúng hầm ông, khi ông cùng bà Thành, bà Tuyên đang tiến hành các xét nghiệm ... Ngay sau đó, các cán bộ, chiến sĩ C3 đã tổ chức truy điệu và an táng ông Ngữ cùng những người đã mất bên sườn của một quả đồi gần đó. Vì quá thương tiếc, kính trọng người mà ông Hạnh coi như cha mình, ông Hạnh vật vã bên nấm mồ của Giáo sư Đặng Văn Ngữ và cuối cùng, ông đã làm được một việc để đời, mà chính việc ấy hôm nay chúng ta mới có cơ sở xác định chính xác thi hài của Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Đó là, cùng những đồng đội của mình, dùng 4 tấm nhôm đục tên Giáo sư Đặng Văn Ngữ và những người đã mất, rồi chôn ngay duới mỗi ngôi mộ ... Một thời gian sau do yêu cầu của cuộc chiến đấu, ông Hạnh và đơn vị C3 phải di chuyển đến một địa điểm mới nên ít có dịp lui tới khu vực này. Chuyện ngôi mộ của Giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông Hạnh đã có lần kể lại cho anh Đặng Nhật Minh, con trai của Cố Giáo sư, và ông chỉ tiếc là chưa được đến viếng thăm Giáo sư lần nữa.Khi chúng tôi cho ông Hạnh biết là hiện mộ của Giáo sư Đặng Văn Ngữ và các đồng đội của ông đã được quy tập về nghĩa trang xã Phong Mỹ thì ông Hạnh mừng thật sự. Tiễn chúng tôi ra về, ông Hạnh còn chạy theo nhắn, nhờ các anh thắp dùm tôi nén nhang cho ông Ngữ và xin ông xá tội cho tôi nhé! Chúng tôi hứa sẽ thay ông làm việc này.

Trở lại Huế, chúng tôi đi xã Phong Mỹ. Tiếp chúng tôi tại UBND xã, anh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu anh Ngô Hồng Phong, Xã Đội trưởng, người trực tiếp tham gia đoàn quy tập mộ Giáo sư Đặng Văn Ngữ và những đồng đội của ông. Khi biết chúng tôi có ý định muốn anh kể lại hành trình quy tập mộ Giáo sư Đặng Văn Ngữ, anh Ngô Hồng Phong nhiệt tình cho biết khoảng đầu tháng 8/1995, trong lúc đi rừng làm mây ở khu vực ngọn khe Mối, anh Dương Côi, một người dân của xã đã nhìn thấy 4 ngôi mộ chôn thành hàng ngang, bên triền một quả đồi cạnh một khe nước nhỏ. Trở về nhà, anh Dương Côi đến UBND xã Phong Mỹ báo lại sự việc mà mình nhìn thấy. Ngay sau đó, UBND xã đã thành lập đoàn quy tập mộ liệt sĩ và cử anh Ngô Hồng Phong, Xã Đội trưởng làm trưởng đoàn (đoàn gồm 5 người, anh Dương Côi hướng dẫn đường, anh Phạm Bá Thành, Phan Hùng, Ngô Văn Tịch, du kích xã). Sáng ngày 24/8/1995, đoàn lên đường và mãi tận 18 giờ cùng ngày mới đến vị trí 4 ngôi mộ. Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng ngày 25/8/1995, sau những thủ tục truyền thống, công việc cất bốc mộ liệt sĩ được bắt đầu. Ở độ sâu 40 cm so với mặt đất, lần lượt 4 hài cốt được đưa lên, bắt đầu từ mộ Liệt sĩ Lê Thị Tuyên, Nguyễn Thị Thành, Đặng Văn Ngữ, Đới Văn Như. Sở dĩ đoàn quy tập biết chính xác tên từng liệt sĩ là nhờ dưới mỗi mộ liệt sĩ có một tấm nhôm (cỡ 22 x 10 cm) đục tên, ngày hy sinh của các liệt sĩ, mà ông Hồ Văn Hạnh và các đồng đội đã kịp làm trước khi di chuyển đến một địa điểm mới. Anh Ngô Hồng Phong cho chúng tôi biết thêm, trong 4 hài cốt tìm được thì riêng hài cốt của Giáo sư Đặng Văn Ngữ được gói cẩn thận trong một tấm khăn dù lớn ... Sáng ngày 26/8/1995, Đảng ủy, UBND xã Phong Mỹ tổ chức lễ truy điệu và an táng 4 liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Sau đó, anh Ngô Hồng Phong làm văn bản báo cáo sự việc trên cho Huyện Đội, Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Phong Điền ... Và cuối cùng, ngày 28/8/2000 gia đình các liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Thị Thành, Lê Thị Tuyên đã có mặt tại nghĩa trang xã Phong Mỹ thắp nén nhang tưởng nhớ đến người thân của mình sau hơn 30 năm xa cách nay mới được “gặp mặt” ... Thể theo nguyện vọng của gia đình hai liệt sĩ Nguyễn Thị Thành và Lê Thị Tuyên, các cấp chính quyền ở địa phương đã đồng ý cho thân nhân đưa hài cốt của hai liệt sĩ về quê nhà chăm sóc (29/8/2000). Khi hỏi chuyện chị Đặng Thị Nguyệt Ánh, con gái của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ, chị cho biết chờ anh Đặng Nhật Minh đi công tác (Pháp) trở về, gia đình sẽ vào Huế và có kế hoạch cụ thể ... Chúng tôi được biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức Lễ Truy điệu trọng thể Cố Giáo sư - Liệt sĩ - Anh hùng Đặng Văn Ngữ, nhà y đức bậc thầy nền y học Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho nền y học nước nhà, một người con trung hiếu của quê hương Thừa Thiên Huế. Khi biết Giáo sư - Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh tại Phong Mỹ (Phong Điền), Đảng ủy, UBND xã Phong Mỹ có nguyện vọng muốn dựng một tấm bia tưởng niệm Giáo sư để ghi nhớ những công lao của ông. Và chúng tôi mong rằng, nguyện vọng chính đáng ấy sẽ trở thành hiện thực trên quê hương Phong Mỹ giàu truyền thống cách mạng”.


Tấm bảng nhôm được chôn cất theo thi hài của Cố Giáo sư sau khi hy sinh

Tìm những đồng đội còn lại của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ

Trên cơ sở những thông tin ghi nhận, thu thập được ở trên. Với chức năng là Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi đã cố gắng liên lạc để tìm ra những đồng đội còn lại của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ nhằm xác minh rõ thêm vấn đề. Rất may mắn tôi được tiếp nhận một số thông tin khác cần thiết như: Bác sĩ Nguyễn Tiến Bửu, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng -Côn trùng Trung ương là đồng đội còn lại của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ, với tư cách Phó Trưởng đoàn, Bí thư Chi bộ Đoàn Nghiên cứu bệnh sốt rét B năm 1967, hiện ở tại thành phố Hà Nội (98 đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân) đã xác định những tấm nhôm khắc tên Giáo sư Đặng Văn Ngữ và những người đồng đội hy sinh do chính tay Bác sĩ Nguyễn Tiến Bửu và anh em trong đoàn đục rồi chôn theo thi hài. Chỉ có những người đồng đội thân thuộc mới đục được đúng họ, tên và ngày hy sinh, điều này không ai có thể phủ nhận được. Ngoài anh Hồ Văn Hạnh, Bác sĩ Nguyễn Tiến Bửu, trong Đoàn Nghiên cứu bệnh sốt rét B năm 1967 còn có anh Đỗ Sĩ Hiển (sau này công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), chị Trần Thị Lịch, chị Đinh Ngọc Oánh. Trong những ngày quy tập mộ Liệt sĩ - Anh hùng Lao động - Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ từ nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ về Huế và làm Lễ Truy điệu trước khi đưa Cố Giáo sư về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang gia đình Đặng tộc, những người đồng đội của Cố Giáo sư đã có mặt để đưa tiễn với những ngậm ngùi thương tiếc.

Tấm lòng của thế hệ tiếp nối

Từ hành trình phát hiện, quy tập mộ liệt sĩ của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã được biết và xác định. Tôi cùng đơn vị Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế có điều kiện gặp được anh Hồ Văn Hạnh tại A Lưới để hỏi thăm thêm tin tức, làm việc với anh Nguyễn Tấn Viêm, Lê Văn Hải ở tại Huế và bố trí xe cơ quan đi cùng với người thân của gia đình liệt sĩ đến xã Phong Mỹ. Tại đây, tôi gặp được chị Đặng Thị Nguyệt Ánh (con gái của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ), chị Phương Nghi (vợ của anh Đặng Nhật Minh), anh Đặng Nhật Tân (cháu đích tôn của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ) cùng gia đình từ Hà Nội vào cũng đến tại trụ sở của Đảng ủy, UBND xã Phong Mỹ để làm việc. Anh Ngô Hồng Phong trực tiếp trình bày lại sự việc đầy đủ cho tôi, đơn vị và các gia đình liệt sĩ biết một cách rõ ràng về hành trình quy tập mộ liệt sĩ từ khe Mối về nghĩa trang liệt sĩ của xã. Mộ phần của Liệt sĩ Nguyễn Thị Thành và Lê Thị Tuyên được UBND xã Phong Mỹ nhất trí cho gia đình cất bốc đưa về quê quán. Sau đó, tôi đã có dịp gặp trực tiếp anh Đặng Nhật Minh, thu nhận một số ý kiến về nguyện vọng của gia đình để báo cáo lãnh đạo Sở Y tế và UBND tỉnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn số 2658/XH-UB, công văn số 2659/XH-UB ngày 28/11/2000 về việc cải táng mộ Liệt sĩ - Giáo sư - Anh hùng Lao động Đặng Văn Ngữ; phân công trách nhiệm trong việc cải táng mộ Liệt sĩ - Giáo sư - Anh hùng Lao động Đặng Văn Ngữ. Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế là một thành viên được UBND tỉnh phân công trong Ban Tổ chức để cùng tham gia vào việc cất bốc mộ phần, tổ chức Lễ truy điệu và cải táng mộ liệt sĩ. Chiều ngày 04/12/2000, gia đình Cố Giáo sư Đặng văn Ngữ, những người thân và Ban Tổ chức đã có mặt tại xã Phong Mỹ. Vào rạng sáng ngày 05/12/2000 (nhằm ngày 10 tháng 11 năm Canh Thìn), mộ phần của Liệt sĩ - Anh hùng Lao động - Cố Giáo sư - Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã được cất bốc và làm Lễ Truy điệu tại xã. Sau đó, từ nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đoàn xe tang đã đưa về Nhà Văn hóa khu tập thể Đống Đa, phường Phú Nhuận, thành phố Huế để các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của trung ương, địa phương và cá nhân thăm viếng dâng hương; làm Lễ Truy điệu và tổ chức cải táng liệt sĩ về tại nghĩa trang gia đình Đặng tộc, gần chùa Trà Am, thành phố Huế lúc 15 giờ buổi chiều cùng ngày.


Mộ phần của Cố giáo sư Đặng Văn Ngữ và 3 đồng đội được quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ

Bút tích đồng đội của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ

Trong buổi Lễ Cải táng và Lễ Truy điệu tổ chức vào ngày 05/12/2000, những người đồng đội cũ của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã ghi vào sổ lưu niệm với nội dung như sau:

Thưa Thầy,

Chúng con, những học trò của Thầy: Bửu, Hiển, Lịch, Oánh và cả Cu Hạnh về đón Thầy về Huế. Mảnh đất mà suốt tháng ngày sống ở chiến khu, Thầy luôn nghĩ về nó. Chúng con cảm ơn mọi người đã có công tìm thấy phần mộ Thầy và các em Tuyên, Thành sau hơn 30 năm xa cách. Cám ơn xã Phong Mỹ giữ gìn chu đáo phần mộ Thầy và các em. Cùng với Nhật Minh, Ánh và gia đình Thầy, chúng con đón Thầy về với bao nước mắt xúc động và thân thương, với tấm lòng yêu quý Thầy, mang ơn Thầy sâu sắc. Thầy sống mãi trong lòng chúng con. Ở đâu và lúc nào chúng con cũng tự hào về Thầy. Cầu mong Thầy luôn thanh thản và vui lòng vì chúng con.

Kính Thầy,

Nguyễn Tiến Bửu, Đổ Sĩ Hiển, Trần Thị Lịch, Đinh Ngọc Oánh.

Liệt sĩ - Anh hùng Lao động - Cố Giáo sư - Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã thực sự trở về với quê hương Thừa Thiên Huế sau một hành trình phát hiện và quy tập, an nghỉ vĩnh hằng bên cạnh mộ phần của người vợ thân yêu Tôn Nữ Thị Cung và con gái Đặng Thị Nguyệt Quý sau những năm tháng tham gia cách mạng. Tưởng niệm 50 năm ngày mất của Cố Giáo sư (01/4/1967-2017), xin kính dâng bó hoa tươi, thắp nén hương thơm và cúi đầu vái lạy người Thầy của chuyên ngành sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Việt Nam

 

Ngày 29/03/2017
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích