Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 04/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 3 1 0 6 3 8
Số người đang truy cập
1 6
 Thầy thuốc và Danh nhân
Charles Louis Alphonse Laveran và Ronald Ross - Hai nhà nghiên cứu toàn cầu đạt giải Nobel về công trình nghiên cứu sốt rét (Phần 2)

Vào năm 1894, trong một báo cáo tới Hội đồng Vệ sinh Quốc tế tại Budapest về nguyên nhân của bệnh sốt rét, tôi đã viết: “Thất bại trong những nỗ lực nghiên cứu loài hemacytozoon này đã khiến tôi tin rằng vi sinh vật gây bệnh sốt rét này sống ngoài môi trường trong dạng thức của một loài ký sinh trùng và tôi nghi ngờ vật chủchính là loài muỗi, vốn có rất nhiều tại tất cả những vùng sốt rét, và chúng vốn đã đóng một vai trò rất quan trong trong việc lan truyền bệnh giun chỉ”.Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng quan điểm về vai trò của loài muỗi nàylà rất không có khả năng vào thời điểm đó.Tôi đã rời khỏi các quốc gia có bệnh sốt rét, tôi đã không thể xác minh những giả thuyết mình đưa ra. Chính BS. Ronald Ross là người có công lao chứng minh rằng Hemacytozoon gây bệnh sốt rét và một loài Hemacytozoon trên chim rất tương đồng với Hoemamoeba malariaeđã trải qua một vài giai đoạn tiến hoá trong loài muỗi culicides và sau đó được lây lan bởi những côn trùng này.

R. Ross, người có công trình nghiên cứukỳ công và đáng ngưỡng mộ đã xứng đáng được trao tặng Giải Nobel y học, có thể dễ dàng nhận thấy trong một vài bài viết của ông rằng ông ấy đã đi đúng hướng nhờ sựdẫn dắt của tôi và P. Manson.Ngày nay, quá trình biến đổi mà Hematozoon gây bệnh sốt rét trải qua trên loài muỗi Anopheles là điều đã được biết đến rộng rãi và không còn gì phải nghi ngờ về vai trò của loài côn trùng này trong việc lan truyền bệnh sốt rét.

Trước khi phát hiện Hemacytozoon gây bệnh sốt rét, chưa từng có sự ghi chép nào về Hemacytozoon trong huyết cầu có thể gây bệnh. Ngày nay, Hametocyzoađóng vai trò là một họ quan trọng với số lượng loại và loài đáng kể và bởi vai trò của một số loài đơn bào này trong ngành bệnh học thú y và con người.Việc phát hiện ra các tác nhân gây bệnh mới này đã giải đáp được vô số những câu hỏi hóc búa thời đó. Quá trình này lại một lần nữa cho thấy lời của Bacon đúng như thế nào: Bene est scire, per causas scire, có nghĩa là “To know truly is to know through causes”–“Muốn biết tường tận thì phải biết căn nguyên”

Vào năm 1884, ông đã được bổ nhiệm làm Giáo sư Vệ sinh Quân đội tại Trường Val-de-Grâce. Vào năm 1893, Laveran đã được bầu chọn là Thành viên của Hội đồng Hàn lâm Khoa học. Vào năm 1894, sau khi kết thúc nhiệm kỳ giáo sư, ông đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện của Bệnh viện Quân y tại Lille và sau đó là Giám đốc Dịch vụ Y tế của Quân Đoàn 11 tại Nantes.

Ông không có phòng thí nghiệm hay bệnh nhân nào, nhưng ông mong muốn được tiếp tục những nghiên cứu khoa học của mình. Ông giữ cấp bậc Tổng Giám đốc chuyên môn hạng Nhất và vào năm 1896 ông giữ chức vụ Giám đốc Dịch vụ danh dự tại Viện Pasteur.

Vào năm 1885, Laveran đã kết hôn với Mlle Pidancet.

Từ năm 1897 đến 1907: Ông đã tiến hành nhiều nghiên cứu ban đầu về Haematozoa nội huyết cầu (endoglobular) và về động vật nguyên sinh và trùng mũi khoan (Trypanosomes) và đã xác định được hơn 20 sinh vật mới. Những công trình nghiên cứu này đã làm ông được nhiều người biết đến hơn như là một nhà nghiên cứu thông thái, kiên trì, tỉ mỉ với kỹ thuật hoàn hảo. Ông đã đặc biệt chú ý đến trùng mũi khoan và đã công bố hoặc là độc lập hoặc cùng với cộng sự, một số lượng lớn bài nghiên cứu về loài ký sinh trùng trong máu này. Ông đã lần lượt nghiên cứu trùng mũi khoan trên chuột, trùng mùi khoan gây ra bệnh Nagana và Surra, trùng mũi khoan trên ngựa tại Gambia, trùng mũi khoan trên gia súc tại Transvaal, trùng mũi khoan ở vùng Upper Niger, trùng mũi khoan trên chim, siêu bộ rùa Chelonians, ếch nhái, cá và cuối cùng và đặc biệt là bọ mũi khoan gây ra dại dịch kinh khủng tại vùng châu Phi Xích đạo hay còn gọi là “Bệnh ngủ châu Phi”.

Vào năm 1907, ông đã được trao tặng giải Nobel vì những nghiên cứu trên động vật nguyên sinh gây bệnh và đã dùng một nửa số tiền này để thành lập Phòng thí nghiệm Y học Nhiệt đới tại Viện Pasteur. Vào năm 1908, ông đã thành lập Société de Pathologie Exotique (Hiệp hội Bệnh học những sinh vật còn lạ), ông giữ chức chủ tịch hội trong vòng 12 năm. Tuy nhiên, ông cũng không hề mất đi sự quan tâm đối với sốt rét. Ông đã tới thăm các vùng bệnh sốt rét tại Pháp (Vendée, Camargue và Corsica) và đã đã góp công lớn trong việc điều tra mối liên hệ giữa Anopheles và sốt rét trong chiến dịch tiến hành chống dịch tại đầm lầy, đặc biệt là tại Corsica và Algeria.

Trong năm 1912, ông được trao Huân chươngBắc đẩu Bội tinh cấp bậc Chỉ huy. Trong giai đoạn 1914-1918, ông đã tham gia vào tất cả uỷ ban liên quan đến việc duy trì sức khoẻ tốt của binh lính, tới thăm Quân Đoàn, biên soạn các báo cáo và các hướng dẫn phù hợp. Ông đã là thành viên, thành viên liên kết hoặc danh dự của vô số hiệp hội nghiên cứutại Pháp, Anh Quốc, Bỉ, Italy, Bồ Đào Nha, Hungary, Rumania, Nga, Mỹ, Đông Ấn, Hà Lan, Mexico, Cuba và Brazil.

Trong vòng 27 năm, Laveran đã không ngừng nghỉ nghiên cứu về động vật nguyên sinh gây bệnh và lĩnh vực mà ông đã mở ra khi phát hiện KSTSR đã ngày càng lớn mạnh. Các bệnh động vật nguyên sinh ngày nay góp phần tạo nên một trong những chương thú vị nhất trong ngành bệnh học thú y và y học.Những người thân thiết với Laveran biết rằng bên trong một vẻ bề ngoài có vẻ dè dặt và khó gần lại là một tâm hồn rất nhạy cảm. Ông là người có tính cách luôn luôn chính trực, lời nói chậm rãi và sâu sắc, đi kèm với sự chính xác và những cử chỉ hồn nhiên. Theo thuật xem tướng, ánh nhìn sâu sắc của ông phản ánh sự trầm lặng và trung thực của một người minh triết. Ông bao bọc những nghiên cứu của mình với sự thận trọng tĩnh lặng cho tới lúc ông công bố các kết quả.

Các nhà báo đã đến gõ cửa ông nhưng đều vô ích, ông không bao giờ tham gia phỏng vấn. Do đó, công chúng hầu như không biết về ông và ông cũng không hề muốn quan tâm về điều này!Trong một khoảng thời gian dài, ông bị một số người tỏ ra lãnh đạm, thù địch hoặc khinh bỉ với những khám phá của mình. Sự phớt lờ và vô ơn của các lãnh đạo quân sự đã ngoan cố ngăn cản con đường thăng tiến trong quân đội của ông, điều nàyđã thực sự làm ông đau đớn.Nhưng ông đã trả thù họ, và là một sự trả thù vinh quang! Viện Pasteur đã đề nghị ông một phòng thí nghiệm, Hội đồng các nhà Khoa học, Hiệp hội Hoàng gia Luân Đôn, tất cả Hiệp hội khoa học trên thế giới điều mong muốn chào đón và vinh danh ông. Viện Carolin đã trao tặng ông Giải Nobel và Hội đồng Hàn lâm Y khoa đã mong muốn ông giữ chủ trì lễ kỷ nhiệm thứ 100 của họ!

Cho tới trước khi mất vài tuần, dù ông đã không còn bị ảo giác vì hệ quả của căn bệnh mà ông mắc phải trong một thời gian, ông vẫn làm việc, tiếp tụcmối liên hệ của mình với phòng thí nghiệm - dù không còn sức lực để đi cùng Léon Breton và học trò của mình, TS. Franchini. Vào ngày 18 tháng Năm năm 1992, ông ngừng chống chọi sau một thời gian dài mắc bệnh.

2. Ronald Ross

Ronald Ross, con trai của một thiếu tá Quân đội, một bộ óc đa tài và lỗi lạc, một nhà thơ lãng mạn, tiểu thuyết gia bán thời gian, người viết kịch, hoạ sĩ, nhạc sĩ và nhà toán học, người không bao giờ muốn trở thành một bác sĩ, …nhưng đã tình cờ trở thành một nghiên cứu viên, thiết kế ra một số thí nghiệm khéo léo nhất chỉ dựa vào bản năng và những quan sát sắc sảo của mình và cuối cùng đã giành được Giải Nobel Y học năm thứ hai vào năm 1902.

Dù đã đối mặt với không ít khó khăn và sự cản trởvà thờ ơ của quan chức cấp cao (thứ mà ông gọi là “sự man rợ các quan chức) và đã bỏ tiền túi để trả cho trợ lý và “các tình nguyện viên” trong các nghiên cứu của công, ông đã xoay chuyển nghịch cảnh thành lợi thế và vượt qua tất cả những rào cản với một mục tiêu duy nhất là tiến hành các thử nghiệm khéo léo và tài tình của ông. Với tài năng văn chương, ông đã để lại nhiều áng thơ văn kể lại tỉ mỉ sự nghiệp nghiên cứu đột phá của ông cho đời sau.


Ngài (Sir), Thiếu tướng Ronald Ross và công trình nghiên cứu muỗi sốt rét đạt giải thưởng Nobel

Ông sinh vào ngày 13 tháng 5 năm 1857 tại Almora gần dãy núi Himalaya, Ấn Độ chỉ 3 ngày sau khi nổ ra cuộc Khởi nghĩa SepoyẤn Độ. R.Ross là người con đầu tiên trong số 10 người con của Ngài Campbell Claye Grant Ross, một sĩ quan người Scotland trong quân đội Ấn Độ - Anh Quốc và người mẹ Matilda Charlotte Elderton. Ông nội của Ross, Trung tá Hugh Ross, từng là một người línhbiên phòng oai hùngcủa Ấn Độ. Khi còn trẻ,R.Ross đã chứng kiến cha mình bị ốm nặng do bệnh sốt rét. Vào năm 8 tuổi, cậu bé Ronald đã được gửi tới Anh Quốc để học hành. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục đầu tiên tại hai ngôi trường nhỏ tại Ryde, ông đã được gửi tới một trường nội trú tại Springhill, gần Southampton vào năm 1869.

Khi ông 14 tuổi, ông đã giành được một giải thưởng toán học. Giải thưởng này là một cuốn sách có tựa đề “Orbs of Heaven”. Về sau chính cuốn sách này đã tạo cảm hứng cho Ronald học toán chuyên sâu.

Vào năm 16 tuổi, Ronald được xếp hạng đầu tại Anh trong cuộc thi vẽ của vùng Oxford và Cambridge. Ông đã vẽ một bản sao bằng bút chì bức hoạ của Raphael có tựa đề Torchbearer và chỉ thực hiện trong vòng vài phút! Vào tuổi 17, R. Ross bày tỏ nguyện vọng trở thành một nhà văn. Nhưng cha của ông không tán thành việc này, cha ông đã nói rõ ràng và dứt khoát ông nên theo đuổi ngành nghề nào.

Trong nhật ký của R. Ross về sau có ghi: “Tôi đã ước trở thành một nghệ sĩ, nhưng cha tôi lại không muốn điều này. Tôi cũng ước được vào Lục quân hoặc Hải Quân; nhưng cha tôi thực sự muốn tôi theo học ngành y và sau cùng là làm việc cho cơ quan Dịch vụ Y tế Ấn Độ, lúc đó được trả lương cao và sở hữu nhiều cơ hội làm việc ở những nơi danh giá. Vì là một cậu bé mơ mộng không quá hứng thú với các công việc trí óc không hề thú vị, tôi đã khước từ kế hoạch này của cha tôi…”. Sau khi bị cha ông ép buộc, ông đã vào theo học tại Bệnh viện St. Bartholomew’s tại Luân Đôn vào năm 1875. Phần lớn thời gian của ông trong trường y là dùng để sáng tác nhạc hoặc viết thơ và kịch. Trong quá trình học tập tại trường y, Ross tình cờ tiếp xúc với một người phụ nữ đến từ vùng đầm lầy Essex than phiền vì bị đau đầu, đau cơ và cảm thấy rất nóng và rất lạnh. R.Ross đã hỏi han kỹ càng người này và chẩn đoán cô bị nhiễm sốt rét, đây là điều bất bình thường, vì bệnh này chỉ được phát hiện ở các nước nhiệt đới như là Nam Mỹ hoặc Ấn Độ.

Tuy nhiên, sự chẩn đoán tỉ mỉ này của ông đã làm người phụ nữ khiếp sợ bỏ đi và không bao giờ quay lại, vì vậy R.Ross đã không thể chứng minh chẩn đoán của mình. Điều dễ hiểu là ông đã hoàn thành chương trình học y của mình với kết quả “không mấy ấn tượng” và đã trượt các kỳ thi đầu vào Cơ quan Dịch vụ Y tế Ấn Độ,khi cha ông ta dọa sẽ không cung cấp bất cứ khoản tiền trợ cấp nào, ôngmiễn cưỡng làm công việc bác sĩ phẫu thuật trên một con tàu lớn qua lại giữa Luân Đôn và New York.


Những tác phẩm để lại cho giới học thuật và nghiên cứu sốt rét của Ronald Ross

Năm 1881, ông thi lại vào Cơ quan Dịch vụ Y tế Ấn Độ và đuợc xếp hạng 17 trong số 22 thí sinh đậu năm ấy. Sau 4 tháng giảng dạy tại Trường Y khoa Quân đội (Army Medical School), Ronald Ross cũng đã làm hài lòng ước nguyện của cha là vào làm việc cho Cơ quan Dịch vụ Y tế Ấn Độ năm đó.

Với kết quả học tập và thi đầu vào không mấy ấn tượng, R. Ross được phân công làm việc cho lực lượng Madras, một trong 3 đoàn quân ít danh tiếng nhất của quân đội Ấn Độ lúc bấy giờ (chỉ có Bengal và Bombay là danh giá hơn) và làm việc ở nhiều nơi như Mysore và Madras và cũng phục vụ cho chiến tranh Miến Điện và quần đảo Andaman. Trong khi ở Madras, phần lớn công việc của ông là điều trị cho các lính bị sốt rét, điều trị bằng quinine thành công, nhưng nhiều người vẫn bị chết vì một số người không được chữa trị kịp thời và cũng trong thời điểm này, ông nghiên cứu toán học để ứng dụng trong nghiên cứu sốt rét về sau.

Từ những ngày đầu làm việc tại Ấn Độ, R.Ross đã tiếp xúc với muỗi không cách này thì qua cách khác, đến năm 1883, R. Ross nhận được sự bổ nhiệm làm Bác sĩ Phẫu thuật Đồn trú tạm thời(Acting Garrison Surgeon) tại Bangalore. Mặc dù ở trong một nhà gỗ một tầngmà người ta cấp cho ông rất tiện nghi song ông vẫn bị khó chịu bởi lượng lớn muỗi thường xuyên vo ve quanh phòng và điều đáng chú ý có vẻ như muỗi có nhiều hơn ở khu vực quanh phòng ông hơn là các nơi khác và có 1 đàn muỗi với số lượng vượt trội xuất hiện xung quanh một thùng chứa nước ở ngoài cửa sổ phòng ông. Khi R. Ross nhìn vào trong các thùng thì thấy rất nhiều ấu trùng đang uốn éo sinh sôi trong nước, ông xác định đây là ấu trùng của muỗi. R. Ross đã đổ hết nước ra khỏi thùng thì thấy muỗi giảm đáng kể. Suy nghĩ của ông lúc ấy là nếu loại bỏ nơi muỗi đẻ thì có thể lọai trừ chúng hoàn toàn.

Nhưng không ai tin vào giải pháp này của ông. R. Ross đã viết: “Khi tôi nói chuyện này với sĩ quan quản trị đơn vị và chỉ ra rằngcó thể dùng chính cách này để đuổi sạch muỗi khỏi nhà ăn (chúng đẻ trứng trong các chậu cây, trong các hộp lon dưới bàn ăn và thậm chí là trong các lọ hoa) nhưng điều ngạc nhiên là người này lại cười nhạo và từ chối việc cho binh lính đi xử lý các vật chứa chất lỏng kia, người này cho rằng hành động này không phải là thuận theo quy luật tự nhiên và rằng những con muỗi được tạo ra vì mục đích nào đó và chúng tôi phải có nhiệm vụ là chịu đựng chúng! Tôi đã tranh cãi trong vô ích rằng nếu ông cho là như vậy thì các loài sâu bọ và bọ chét cũng không nên bị chúng ta tiêu diệt và nếu như thế thì bổn phận của chúng ta là làm việc trong một môi trường rất độc hại”. R. Ross vẫn giữ vững quan điểm này đối với việc phòng chống muỗi cho tới cùng và đáp lại là sự thờ ơ từ các cơ quan chính phủ!


Nơi phòng thí nghiệm của R.Ross nay còn lưu giữ lại và một số tap chí liên quan

Dù đã tìm ra một cách phòng bệnh sốt rét tuyệt vời như vậy, ông không nhận được sự tán thưởng nào. Không từ bỏ các ý tưởng khoa học ấy, ông vẫn nhiệt tình và đam mê với các mô hình toán, viết thơ văn và tiểu thuyết, rồi tự ấn bản cho riêng mình. Tuy nhiên, trong thời gian này ông ta cũng bắt đầu có hứng thú hơn đến nhiều bệnh nhiệt đới, cũng giống như các đồng nghiệp của ông trong giai đoạn mà những bệnh này đang tàn phá tại nhiều vùng của Ấn Độ, đặc biệt là bệnh sốt rét – Một căn bệnh đã giết chết hơn 1 triệu người Ấn Độ mỗi năm.

Có lẽ những trải nghiệm về bệnh sốt rét khi còn là sinh viên đã góp phần giúp khơi nên sự hứng thú đối với căn bệnh này. Và đúng theo phong cách của mình, Ross đã sáng tác những câu thơ nói về ấn tượng ban đầu đối với căn bệnh đã giết hàng triệu người.

Sau 7 năm tại Ấn Độ, từ 1881, ông ta chán nản và trở về Anh nghỉ phép năm 1888. Nhưng ông nhận ra sự nghiệp văn chương có vẻ không có tương lai vì độc giả của ông chỉ xoay quanh người thân và bạn bè. Vì vậy, ông đã ghi danh vào khóa học Diploma về Y tế công cộng tại Anh và làm quen với các kỹ năng kính hiển vi và các kỹ thuật phòng xét nghiệm. Trong thời gian này ông có thời gian viết một cuốn tiểu thuyết “dở tệ”khác, phát minh ra một hệ thống tốc ký, nghĩ ra một hệ thống đánh vần bằng ngữ âm để viết thơ và đã được bầu làm thư ký của một câu lạc bộ golf địa phương. Cùng trong thời gian này, ông tìm hiểu và đi đến kết hôn với Rosa Bessie Bloxam vào tháng 4 năm 1889 và trở về Ấn Độ với bà. Đứa con gái đầu chào đời năm 1891 và con gái thứ 2 vào năm 1903.

Trở về Ấn Độ, ông được bố trí vào làm tại một bệnh viện quân đội nhỏ ở Bangalore. Ở đây, R.Ross bắt đầu xây dựng lý thuyết về sốt rét học. Vì chưa từng biết đến các công trình nghiên cứu của Laveran, ông đã giả thuyết rằng sốt rét có thể do một vài dạng chất độc từ trong ruột và đăng tải nghiên cứu đầu tiên với quan điểm này. Ngay sau đó, mặc dù ông đã biếtđến những phát hiện của Laveran năm 1892 từ một số bài đăng trên Tạp chí Y học Ấn Độ (Indian Medical Journals), ông ta vẫn cảm thấy chúng không thuyết phục.

Ông chích máu đầu ngón tay bất cứ người nào đến khám mà bị sốt và bỏ ra hàng nhiều giờ để xem dưới kính hiển vi các lam máu, tuy nhiên không thể xem được các vật thể hình lưỡi liềm ấy.


Ronald Ross – Người kiến tạo nên nền y tế công cộng

Cảm thấy vô cùng tức tối, ông càng thêm nghi ngờ về những phát hiện của Laveran và kết luận rằngviệc phát hiệnký sinh trùng kia chỉ là may mắn, không có bất cứ giá trị nào và ông còn hoang mang cho rằng có thể tác giả người Pháp này đang làm giả số liệu của ông ta chăng. Việc không thể xác nhận những phát hiện của Laveran, một vấn đề chung mà nhiều nhà nghiên cứu đều gặp phải, thực ra là do các kỹ thuật kính hiển vi thô sơ thời đó và chất lượng các hình minh hoạ các bài nghiên cứu ban đầu còn rất kém.

Khi ông về Anh nghỉ phép lần thứ 2 vào năm 1894, Ross đã tin rằng mình đã tích lũy đủ nhiều bằng chứng đanh thép có thể chứng minh quan điểm của Laveran là sai. Ông đã nói với các đồng nghiệp ở đây: “Tôi đã thử mọi cách và chúng đều thất bại”, nhưng họ lại nói với ông rằng những ký sinh trùng này quả thực có tồn tại và giới thiệu ông tìm đến TS. Patrick Manson, một bậc thầy lão luyện về bệnh nhiệt đới tại Luân Đôn.

Vào ngày 09/4/1894, ông đã đến thăm TS. Patrick Manson, nhưng Manson không có ở nhà, nhưng với sự giúp đỡ của Tờ báo The London có tới 5 hoặc 6 lần giao trong ngày (nhắn tin cho nhau thông qua tờ báo), họ đã gặp nhau vào ngày hôm sau. Ross đã viết “Chỉ trong vòng vài phút ông ta đã chỉ cho tôi các vật thể mà Laveran đã nói đến mà về mặt kỹ thuật gọi là thể hình liềm “crescents” trên tiêu bản nhuộm sốt rét và tôi đã nhận ra các vật thể đó không tìm thấy trên các người khỏe mạnh và mối nghi ngờ của tôi giờ đây đã bị loại bỏ…”.


Ngài, Tiến sỹ Patrick Manson

Sau đó, R.Ross đã bỏ ra nhiều giờ theo TS. Manson đến khoa của ông tại Bệnh viện Seamen và Phòng xét nghiệm tư nhân của Manson để tìm kiếm những điều chưa biết. Manson cũng rất ấn tượng về sự hăng hái, nhiệt tình cũng như khả năng hiếm có của cậu sinh viên R. Ross và cũng sẵn sàng giải thích những ý tưởng của ông cho R. Ross.





Năm 1894, một buổi chiều tháng 11, vào lúc 2:30khi họ đang đi trên con phố Oxford để đến bệnh viện thì ngài Patrick Manson bảo với R. Ross rằng “em có biết không, tôi đã thiết lập một giả thuyết rằng muỗi có thể mang sốt rét cũng giống như chúng mang giun chỉ mà thôi?”.

Chính điều này đã làm thay đổi cuộc đời của R. Ross mãi về sau này. R. Rossđã nghĩ mình sẽ là người chứng minh luận chứng ấy, TS. Manson cho rằng các hình ảnh sợi nhỏ trong thể hình liềm thật sự là các vật thể sống và muỗi đã hút máu các vật thể ấy vào trong dạ dày nó trong khi chích máu bệnh nhân sốt rét. Các thể này sau đó di chuyển qua dạ dày tới các mô của muỗi. Sau khi muỗi chết khi đẻ trứng, “các bào tử có đuôi” này thoát ra vào trong nước, sẵn sàng nhiễm vào bất kỳ người nào uống phải. Các giả thuyết này đã giúpTS. Manson được gọi bằng những biệt danh như“Jules Verne của ngành bệnh học”(“pathological Jules Verne"- Jules Verne là một nhà văn nổi tiếng và là người tiên phong và khai sinh ra thể loại văn học Khoa học viễn tưởng) và “Manson Muỗi” (“Mosquito Manson), chúng khiến cho R. Ross có nguồn cảm hứngmãnh liệt.

Bao nhiêu năm làm thơ, viết nhạc, viết kịch, tiểu thuyết và toán học không giúp ông nổi tiếng chút nào thì đột nhiên nó sắp ập đến trong nay mai. Nhưng ông phải chứng minh những giả thuyết của TS. Manson là hoàn toàn sự thật. Vào tháng 3 năm 1895, R. Ross trở về Ấn Độ, quyết tâm chứng minh những điều mà ông gọi là “sự truyền cảm ứng vĩ đại” từTS. Manson và bắt tay vào việc với một nhiệt huyết cuồng nhiệt.

TS. Manson đã chỉ dẫn cho R. Ross trong suốt quá trình nghiên cứu của anh ta, gợi ra nhiều phương pháp tiếp cận mới, khích lệ R. Ross khi anh ta chán nản và trợ giúp bất cứ khi nào các cấp trên cản trở R. Ross. Có một sự trao đổi liên tục giữa các ý kiến giữa 2 người, trước là trao đổi trực tiếp, rồi sau đó là qua thư từ. Tổng cộng 173 là thư trao đổi qua lại giữa 2 tác giả này từ 1895 đến 1899 tạo nên một trong số những cuộc trao đổi khoa học qua thư vĩ đại nhất và cung cấp một góc nhìn tuyệt vời đối với nghiên cứu đã mang lại cho R. Ross một giải thưởng tuyệt vời đó là giải Nobel. Bạn cứ tuởng tượng rằng hai người đàn ông cách xa nhau hàng ngàn dặm và phải mất 3 tuần mới đến được lá thư hoặc một lam máu. Tuy nhiên, hoài vọng và đam mê khoa học đã vượt ra khỏi không gian và thời gian. Người “chú” Manson đóng vai trò như ngườiđại diện của R. Ross tại Luân Đôn và người lắng nghe và phản hồi, đưa ra lời khuyên, cả những điều tốt và những thiếu sót, để đi trên lộ trình đúng đắn nhất chứng minh được giả thuyết về muỗi kia.Điều quan trọng hơn cả, ông đã khích lệ người hậu bối trong những giai đoạn chán nản và thất vọng.Chỉ duy có một lần R. Ross đã mất bình tĩnh, ông doạ sẽ từ bỏ sự nghiệp y học của mình, nghỉ hưu sớm khỏi Dịch vụ Y tế Ấn Độ, và cống hiến cuộc đời mình cho văn chương.

Trên chuyến tàu đến Ấn Độ, R. Ross đã chạy lăng xăng giữa số hành khách và thuỷ thủ đoàn, không ngừng lấy máu đầu ngón tay và quan sát mẫu máu. Lúc dừng chân tạm thời tại các cảng, ông đến các bệnh viện địa phương hỏi xin các mẫu máu của những bệnh nhân sốt rét. Thậm chí, ông đã thử tập tành làm nghiên cứu giải phẫu muỗi bằng cách mổ những con gián trên tàu.

Ngay sau khi trở lại Ấn Độ, R. Ross tiếp tục tìm kiếm các ca bệnh sốt rét tại Bệnh viện Quân y của mình. Các bệnh nhân phải né tránh ông vì sợ bị chích đầu ngón tay nhiều lần và các đồng nghiệp cũng phải giấu bệnh nhân sốt rét để không bị ông làm phiền. Cảm thấy bị hắt hủi tại bệnh viện này, ông thường xuyên đi tới các bệnh viện trong thành phố và các bệnh xá trung đoàn khác tìm kiếm các ca bệnh sốt rét. Ông thậm chí đã đề nghị trả 1 rupee đổi lấy 1 lần chích máu. Dưới sự hướng dẫn của Manson, R. Ross đã bắt muỗi và cố gắng dụ chúng đốt bệnh nhân sốt rét. Nhưng những con muỗi ngoan cố không đốt bất kỳ ai, thậm chí cả R. Ross. Ông đã nuôi những con muỗi từ ấu trùng sinh ra trong lồng muỗi để cho chúng đốt những người mang thể lưỡi liềm trong máu bằng cách cho bệnh nhân ngồi trong màn và thả muỗi vào trong. Sau đó, ông trích máu đã tiêu hoá của muỗi lên một lam kính và quan sát lam này dưới kính hiển vi.

Và như TS. Manson đã dự đoán, lam máu này có ký sinh trùng. Để chắc chắn hơn về kết quả này, R. Ross đã thử lại thí nghiệm này với 6 con muỗi khác vào ngày hôm sau. Ông sau đó đã viết cho TS. Manson: “Mọi điều ông dự đoán dường như đã đúng. Chắc chắn không có điều gì đi ngược lại giả thuyết của ông. Ký sinh trùng quả thực xuất hiện trong máu của con muỗi và hơn nữa, chúng xuất hiện với số lượng lớn hơn số lượng trong máu chích từ ngón tay rất nhiều. Hơn nữa, dường như sự phát triển của thể hình lưỡi liềm và sự hình thành các roi đuôi trở nên mạnh mẽ hơn trong dạ dày muỗi. Quả thực, sự chuyển biến thể hình liềm-hình cầu-có đuôi vẫn tiếp tục trong cơ thể muỗi với mức độ lớn hơn nhiều so với mẫu máu chích đầu ngón tay”.


Nơi tưởng nhớ Ngài Ts. Patrck Manson như Cha đẻ của Y học nhiệt đới hiện đại

TS. Manson ngay lập tức phản hồi lại với thêm sự hướng dẫn. Ông nói: “Hãy để muỗi đốt người bị nhiễm sốt rét, sau đó đưa những con muỗi vào một chai nước và để chúng đẻ trứng và nở ra ấu trùng. Sau đó đưa nước có ấu trùng đó cho con người uống”. Vì vậy, R.Ross đã cho bốn con muỗi đốt trên một bệnh nhân có tên Abdul Kadir. Những con muỗi này sau đó đã được đưa vào một chai đầy nước cho tới khi chúng chết. Sau khi được hứa sẻ trả công hậu hĩnh, Lutchman, người đầy tớ bản địa của R. Ross và hai người khác đã được thuyết phục uống mẫu nước trong chai kia. Lutchman đã bị sốt, nhưng hồi phục ba ngày sau đó và R. Ross không thể tìm thấy ký sinh trùng sốt rét trong máu người này hai người kia thì hoàn toàn khoẻ mạnh.

(còn nữa)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Ronald Ross, “An Application of the Theory of Probabilities to the Study of a priori Pathometry. Part I”, Proceedings of the Royal Society of London. Series A, Vol. 92 (1916)pp. 204-230. http://visualiseur.bnf.fr/Visualiseur?Destination=Gallica&O=NUMM-56185

2.Ronald Ross; Hilda P. Hudson, “An Application of the Theory of Probabilities to the Study of a priori Pathometry. Part II”, Proceedings of the Royal Society of London. Series A, Vol. 93 (1917)pp. 212-225. http://visualiseur.bnf.fr/Visualiseur?Destination=Gallica&O=NUMM-56186

3.Ronald Ross; Hilda P. Hudson, “An Application of the Theory of Probabilities to the Study of a priori Pathometry. Part III”, Proceedings of the Royal Society of London. Series A, Vol. 93 (1917)pp. 225-240. http://visualiseur.bnf.fr/Visualiseur?Destination=Gallica&O=NUMM-56186

4.http://stevenlehrer.com/explorers/images/explor1.pdf

5.http://www.cdc.gov/malaria/history/ross.htm

6.Breslow NE. Are Statistical Contributions to Medicine Undervalued? Biometrics, Volume 59, Number 1, March 2003, pp. 1-8(8)

7.http://www.lshtm.ac.uk/library/archives/rossproject.html

8.http://www.libertyindia.org/pdfs/malaria_climatechange2002.pdf

9.Bendiner E. Ronald Ross and the mystery of malaria. Hospital Practice. Oct 15, 1994:95-112

10.Robert E Sinden. Malaria, mosquitoes and the legacy of Ronald Ross. At http://www.who.int/bulletin/v

11.http://www.litsios.com/socrates/page5.php

12.http://www.zephyrus.co.uk/ronaldross.html

13.http://www.tribuneindia.com/1999/99apr17/saturday/fact.htm

14.http://www.aim25.ac.uk/cgi-bin/frames/fulldesc?inst_id=37&coll_id=4046

15.http://banglapedia.search.com.bd/HT/R_0220.htm

16.http://www.theotherpages.org/poems/gp1_14.html

17.http://medicine.nobel.brainparad.com/ronald_ross.html

18.http://www.aim25.ac.uk/cgi-bin/frames/fulldesc?inst_id=37&coll_id=4046&full=1&template=1

19.http://www.lshtm.ac.uk/library/archives/rossbio.html

20.http://www.geocities.com/~bblair/reflections_twp.htm

21.http://www.bartleby.com/266/53.html

22.http://www.answers.com/topic/ronald-ross

23.http://www.sciencemag.org/cgi/content/full/295/5552/47

24.http://www.cdc.gov/malaria/history/panama_canal.htm

25.Ross R. Researches o­n malaria. Nobel Lecture, Dec.12, 1902. From Nobel Lectures, Physiology or Medicine 1901-1921, Elsevier Publishing Company, Amsterdam, 1967.

26.http://nobelprize.org/medicine/laureates/1902/ross-bio.html

27.Chidanand Rajghatta. India’s Nobel connections.

Ngày 24/02/2023
CN. Nguyễn Thái Hoàng&TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích