Trong bối cảnh diễn tiến bệnh truyền nhiễm phức tạp 20 năm tưởng nhớ Bác sỹ Carlo Urbani – Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới_Phần 3
Giữa đại dịch COVID-19: Nhớ bác sĩ Carlo Urbani Rất nhiều y tá, bác sĩ, chuyên gia y tế đang bất chấp rủi ro để dấn thân lên tuyến đầu của cuộc chiến. Ngay cả khi không gọi họ là anh hùng, chúng ta cũng phải biết ơn họ mãi mãi". Tờ Corriere della sera (Ý) đã có bài phỏng vấn với vợ bác sĩ Carlo Urbani, bà Giuliana Chiorrini, hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Castelplanio (thuộc miền Trung nước Ý, cách thủ đô Rome khoảng 4 giờ lái xe về phía Đông Bắc).- Corriere della sera: Trong 17 năm qua, chúng ta vẫn nhớ về di sản của bác sĩ Carlo Urbani và sự hy sinh anh hùng của ông. Giữa đại dịch Covid-19 hiện nay, bà nghĩ gì về bài học mà chồng bà để lại?- Bà Giuliana Chiorrini: Những ngày này, tôi đang đọc lại một cuốn sách về Carlo và tôi ấn tượng về những liên hệ, phát hiện của anh ấy trong những ngày quyết định với vai trò đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.Kể từ khi phát hiện bệnh nhân SARS đầu tiên tại Việt Nam - một doanh nhân bị viêm phổi nghiêm trọng - tại Bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội vào ngày 28-2-2003, Carlo đã nhận thấy đây là một căn bệnh mới, có khả năng lây nhiễm rộng trong cộng đồng và anh ấy lập tức đưa ra lời cảnh báo, yêu cầu đóng cửa các cảng, sân bay và biên giới. - Corriere della sera:Ông ấy đã trải qua những ngày ấy như thế nào? - Hôm đó, Carlo trở về nhà và tỏ ra rất căng thẳng. Anh ấy nói mức độ rủi ro là cực kỳ nghiêm trọng. Sau khi Carlo kiên trì cảnh báo và thuyết phục, từ ngày 10 đến 12-3-2003, Việt Nam và các nước khác đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch SARS.Còn tại Ý, trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, chúng ta chưa có những nhận định chính xác về mức độ nguy hiểm. Chính quyền đóng cửa các trường học nhưng sau đó lại mở lại, chặn các chuyến bay từ Trung Quốc nhưng không chặn các chuyến gián tiếp từ các nước thứ ba. Thực tế này tiếp diễn cho đến đầu tháng 3-2020 mặc dù những trường hợp viêm phổi bất thường ở Ý đã được ghi nhận từ cuối tháng 12-2019. Nỗi sợ hãi mà tôi chưa từng thấy ở Carlo đã xuất hiện trở lại! “Nhiều người nói bác sĩ Carlo Urbani là anh hùng, là người dũng cảm…, nhưng tôi nghĩ ông là người đã đi đến tận cùng sứ mệnh, ông đã hy sinh cuộc sống của mình cho nhân loại được sống. Nếu những trang sách giáo khoa còn để trắng thì mọi người hãy viết tên Carlo Urbani” - một nhà báo Ý đã nói như vậy trong video clip được chiếu tại lễ kỷ niệm 10 năm dịch SARS tại Việt Nam và tưởng niệm bác sĩ Carlo Urbani - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, người đầu tiên phát hiện ra bệnh SARS và đã qua đời do căn bệnh này. Lễ tưởng niệm ông được Bộ Y tế, Đại sứ quán Ý và Đại học Y tế công cộng tổ chức tại Hà Nội ngày 11/4. Hình 17
Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh Hồi tưởng…..Mới đó mà đã tròn 10 năm trôi qua, cùng thời điểm này 10 năm trước, cả Hà Nội, Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới như trên chảo lửa với một loại virus lạ có thể tấn công từ người sang người, lây qua đường hô hấp, chỉ trong vài ngày có thể khiến 2 phổi của người bệnh trắng xóa và tử vong ngay sau đó. Ngày ấy khẩu trang y tế bán chạy như tôm tươi, các trường học, điểm vui chơi công cộng cho đến những quán hàng đều đóng cửa, các cảng hàng không, sân ga đều vắng khách nhập khẩu vì ai cũng sợ bị căn bệnh đó tấn công. Giữa biển lửa ngùn ngụt của sự sợ hãi và căng thẳng ấy, vẫn có những con người dũng cảm lao vào để dập lửa, quyết liệt tìm ra nguyên nhân của đám cháy để cứu sống triệu triệu con người. Đó là bác sĩ Carlo Urbani. Trong video clip về cuộc đời của BS. Carlo Urbani phát tại lễ tưởng niệm ông, bà Giuliana Chiorrini, người vợ đã sát cánh bên ông trong những ngày chống chọi với SARS đã nhắc lại lời động viên của chồng mình: “Biết rằng công việc của mình đang làm là nguy hiểm, nhưng nếu không làm những công việc này thì chúng ta đến đây để làm gì? Chẳng lẽ ngồi đọc thư điện tử, ký văn bản giấy tờ, đi dự tiệc? Chúng ta không được ích kỷ mà phải suy nghĩ và hành động vì sự sống của người khác”. Dường như với BS. Carlo Urbani, được đến những vùng đất khó khăn, chia sẻ những thiếu thốn với những con người nơi đó, chữa trị bệnh tật cho những bệnh nhân kém may mắn là việc ông phải làm và ông cảm thấy hạnh phúc khi được làm những việc đó. Trong bức thư gửi cho bạn bè mình ngày đầu tiên tới Việt Nam, Carlo Urbani viết: “Tôi tưởng như đang ở trong một vũ trụ rộng lớn, một chấm nhỏ ở một vùng đất xa xôi, với phong cảnh tuyệt đẹp của vùng Đông Dương. Tôi ở đó đơn độc, mỏng manh, dễ tổn thương nhưng tràn đầy hạnh phúc. Đó là điều tôi cảm nhận: “Tràn đầy hạnh phúc”. Điều đáng tiếc là tất cả những điều này diễn ra quá nhanh, quá ít còn đọng lại trên những ngón tay mà tôi đã chạm vào cuộc đời. Tôi tự hỏi tôi có thể làm gì để đáp lại những gì mình nhận được…, cống hiến cho công việc, trao gửi những nụ cười, và hơn hết là lòng biết ơn cuộc đời… Nhưng tôi không biết liệu như vậy đã đủ chưa?”. “Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh” - đó là câu nói giản dị của bác sĩ Carlo Urbani khi ông đại diện cho Tổ chức Thầy thuốc Không biên giới lên nhận giải Nobel hòa bình tại Stockholm (Thụy Điển) năm 1999. Câu nói này đã trở thành triết lý cho tất cả nhân viên y tế đang khoác áo choàng trắng. Nói về bác sĩ Carlo, ông Takeshi Kasai - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: Từ khi còn trẻ, BS. Carlo Urbani đã có sự khác biệt, ông rất tích cực trong các công tác từ thiện, nhất là với những người bị tật nguyền, ông luôn đặt lên tuyến đầu những người cần giúp đỡ. Hằng năm ông thường tới châu Phi để khám bệnh và giúp đỡ người dân nơi đây. Ông nhận thấy ở châu Phi, nhiều bệnh nhân tử vong do không có thuốc chữa trị, trong khi những căn bệnh này hoàn toàn được chữa khỏi nếu có thuốc. Ông luôn thấy day dứt rằng: “Không thể để người chết nhiều như thế”. Sau những tháng năm có mặt ở những đất nước nghèo khó, Carlo đã quyết định rời bệnh viện để trở thành chuyên gia của WHO, mang thuốc cho bệnh nhân nghèo. Lúc đó nhiều người coi việc ông gia nhập các bác sĩ của WHO giống như việc ông từ bỏ cuộc sống giàu sang để quay lại thế giới của người nghèo” - ông Takeshi Kasai nhớ lại. 10 năm sau ngày mất của cha, anh Tommaso Urbani - con trai bác sĩ Carlo Urbani giờ đã là một người đàn ông trưởng thành ở tuổi 27. Với giọng nói xúc động, anh nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc của gia đình, của tuổi thơ mình bên người cha đáng kính trọng mà anh rất tự hào: “Tôi nhớ cha. Ông đã dạy cho tôi biết ơn những gì mà tôi có, bởi quanh tôi có rất nhiều đứa trẻ không được giúp đỡ, cuộc sống nghèo khó không có gì. Tôi từng theo cha tới Campuchia và tôi hiểu chúng tôi đã may mắn thế nào. Tôi nhớ ngày đầu tiên ông đưa cả gia đình tôi đến Hà Nội. Khi vừa xuống máy bay, tôi thấy ông cười, nụ cười thật hạnh phúc, ông nói rằng ông rất tự hào khi thấy gia đình tôi cùng chia sẻ với Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, ông tập trung nghiên cứu và điều trị bệnh giun đũa, một căn bệnh trở thành nỗi ám ảnh, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ông hết lòng với trẻ em Việt Nam và luôn cố gắng để mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai ở đất nước này. Nhiều người nói ông là anh hùng, nhưng tôi nghĩ ông chỉ làm những việc cần làm, lấy kiến thức của mình để ngăn chặn dịch bệnh. Tôi nghĩ nếu được chọn lại, chắc chắn cha tôi sẽ vẫn chọn công việc này, chắc chắn ông sẽ làm hết mình để cứu sống người bệnh”. Hy sinh để triệu triệu người được sống Với mong muốn giúp đỡ những người kém may mắn, ông chọn theo học ngành Y, chuyên khoa về các bệnh truyền nhiễm. Năm 1993, ông trở thành chuyên gia về các bệnh ký sinh trùng của Tổ chức Y tế thế giới. Tháng 4/1999, ông được bầu làm Chủ tịch của “Bác sĩ không biên giới” ở Ý. Sau thời gian đó, ông chuyển đến sống ở Hà Nội. Với nhiệm vụ mới, ông tiếp tục thực hiện nhiều chuyến đi thực tế tại Lào, Trung Quốc, Campuchia, Philippines để hỗ trợ việc kiểm soát các bệnh KST tại những nước này. Trong những tháng năm làm việc tại đây, cùng với việc xuất bản nhiều tài liệu khoa học, BS. Carlo Urbani đã khám phá Việt Nam cùng bạn bè và gia đình. Việt Nam cũng là nơi ông trải qua những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, cống hiến mình với lòng can đảm và sự tận tâm trong cuộc chiến với SARS - căn bệnh đã đe dọa cả thế giới thời điểm đó. Bà Pascale Brudon, nguyên đại diện WHO tại Việt Nam, trong một bức thư gửi đến lễ tưởng niệm, đã viết: “Carlo Urbani là một con người tuyệt vời, hài hước, làm việc cần cù và được nhiều người ngưỡng mộ - đó là sự hấp dẫn Ý của Carlo. Tôi còn nhớ, ngày 11/3/2003, Carlo đến chào tôi để đi Băng Cốc. Chẳng ngờ hơn 2 tuần sau đó ông mất ở Băng Cốc về dịch bệnh mà ông phát hiện. Lần đó ông nói với tôi về sự lan truyền rất mạnh của một loại dịch bệnh, ông bảo: “Có một điều gì đó đang xảy ra, nhưng tôi chưa biết cụ thể đó là gì”. Ông đã mô tả chính xác căn bệnh này để mọi người có thể đối phó với nó. Nếu không có ông có lẽ tất cả chúng ta đều bị dịch SARS tàn phá. Sự ra đi của Carlo Urbani là một nỗi buồn đối với y tế thế giới. 10 năm qua cả thế giới nhớ ông và tôi nhớ một người bạn thân - Carlo Urbani”. Bác sĩ Carlo trong ký ức của những người đi qua dịch SARS Nói về BS Carlo Urbani, GS.TSKH Lê Đăng Hà, nguyên Giám đốc Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Trung ương - nơi trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân SARS vẫn còn chưa nguôi xúc động, ông chia sẻ: “Lúc đó BS. Carlo Urbani hoàn toàn có quyền và có lý do để về nước. Nhưng ông không bận tâm đến sức khỏe của mình, ông chọn giải pháp là ở lại và tìm mọi cách chữa trị cho bệnh nhân. Bằng sự mẫn cảm của một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bằng nỗ lực và tâm huyết của mình, BS. Carlo Urbani ngày đêm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để nhanh chóng xác định virus gây bệnh. Nhờ BS. Carlo mà dịch SARS đã được khống chế hoàn toàn, cả nhân loại thở phào nhẹ nhõm. Đã 10 năm trôi qua nhưng ký ức kinh hoàng về dịch SARS vẫn còn là bài học đắt giá với nhân loại về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Nếu không có BS. Carlo Urbani, nếu không có những quyết định tức thời, sáng suốt thì có lẽ tất cả chúng ta đều bị dịch SARS tàn phá. Nhân dân thế giới luôn ghi nhớ một vị bác sĩ anh hùng đã hy sinh bởi một căn bệnh kinh khủng do chính ông phát hiện và lần tìm ra nguyên nhân”. Tại lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Hùng-bệnh nhân may mắn sống sót sau dịch SARS đã kể lại hoàn cảnh ông gặp BS. Carlo. “Phép lạ này tôi đã nhận được từ các bác sỹ, các nhân viên y tế, những người đã âm thầm dũng cảm tìm mọi phương cách để chống lại cơn đại dịch của thế kỷ, chấp nhận hy sinh ngay cả tính mạng mình như BS. Carlo Urbani, chấp nhận không điều kiện những hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho chính bản thân mình, chấp nhận hy sinh đời sống cá nhân và gia đình trong suốt thời gian đại dịch của các bác sỹ và nhân viên y tế. Nếu không có những tấm lòng dũng cảm đó thì hôm nay chắc chắn tôi không có được cơ hội có mặt ở đây”- ông Hùng xúc động nói.Ông Hùng cho biết, 4 người trong gia đình ông gồm chú, vợ, cô em họ và tài xế là những bệnh nhân của SARS. Người đầu tiên bị lây nhiễm bệnh là chú ông, một bác sỹ về xương khớp, Việt kiều Pháp. Ngày 17/3/2003, ông Hùng có những triệu chứng sốt, ho, và kế tiếp ngày hôm sau nữa là những người trong gia đình ông có những triệu chứng tương tự. Ngay lập tức, họ được đưa đến Bệnh viện Việt Pháp để làm các xét nghiệm cần thiết. Cũng như đã xảy ra với chú ông Hùng, tất cả các kết quả xét nghiệm của 4 người đều hoàn toàn bình thường và họ được các bác sỹ cho thuốc điều trị cảm cúm và được phép về nhà,nhưng bệnh của họ càng lúc càng tồi tệ: sốt cao hơn, ho nhiều hơn… Vì vậy, ngày 19/3/2003, cả 4 người quyết định trở lại BV Việt-Pháp để khám lại và từ các kết quả xét nghiệm lần này, họ biết đã bị nhiễm virus SARS. Ông Hùng bị đánh giá là người nhiễm bệnh nặng nhất. Vào lúc này ông mới nhớ lại các dự đoán của BS. Carlo Urbani là hoàn toàn đúng. Vì vào ngày 10/3/2003, trong phiên họp thường kỳ tại Đại sứ quán Ý, gia đình ông Hùng đã được Đại sứ Luigi Solari cho biết là BS. Carlo Urbani vừa thông báo là đang có nguy cơ xảy ra một đại dịch tại Việt Nam. Ngay sau đó chúng tôi đã điện thoại cho Carlo vào đúng lúc ông đang ở phi trường chuẩn bị đi Băng Cốc dự một cuộc họp và Carlo đã nói với chúng tôi là “Các bạn phải thật cẩn thận, đang có một virus rất độc hại, có khả năng lây nhiễm rất nhanh, có thể gây ra một đại dịch, hiện tại tôi chưa biết rõ đó là virus gì, khi trở về từ Băng Cốc tôi sẽ cho các bạn biết rõ hơn”. Chúng tôi không ngờ đó là những lời nói cuối cùng chúng tôi được nghe từ Carlo Urbani. Bệnh tình của ông Hùng ngày càng xấu đi, các cơn sốt thường xuyên hơn, đặc biệt là cứ sau mỗi lần sốt rét thì lại chuyển sang sốt nóng, nhiệt độ cứ tăng dần, các cơn ho cũng nhiều hơn, hình ảnh phổi cứ mờ dần, các men biểu thị sự hủy hoại các tế bào cứ tăng lên, nồng độ phần trăm oxy trong máu cứ giảm dần, thêm vào đó là bị tiêu chảy ra máu. Không khí ở Bệnh viện Việt Pháp lúc đó thật ảm đạm, tôi có cảm giác là bệnh viện hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Ngay trong bệnh viện thì hầu như mỗi ngày đều có một vài nhân viên bị nhiễm bệnh dù rằng tất cả đều được trang bị rất kỹ với các thiết bị bảo hộ y tế như mũ, khẩu trang, kính, giày giấy kín mít. Ngày 15/3/2003 thì y tá đầu tiên của Bệnh viện Việt Pháp chết, những ngày kế tiếp lại thêm các nhân viên y tế khác ra đi! Với các sự kiện xảy ra liên tục này, tôi đã rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ vô cùng và việc này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình bệnh của tôi - ông Hùng nhớ lại. Sáng 26/3/2003, Việt Nam quyết định đóng cửa hoàn toàn Bệnh viện Việt Pháp, di chuyển khẩn cấp tất cả các bệnh nhân tại đó sang Viện Y học lâm sàng các Bệnh nhiệt đới. Sau 4 ngày điều trị thở máy không xâm nhập thì nồng độ ôxy trong máu của ông Hùng đã tăng lên rõ rệt và ông được chuyển sang thở ôxy bằng mặt nạ có túi. Với phác đồ điều trị được điều chỉnh từng ngày, bệnh tình của ông tiến triển rất khả quan, các cơn sốt đã giảm đi rõ rệt, các cơn ho cũng bớt nhiều, tình hình phổi cũng được hồi phục từng ngày. Sau hơn 2 tuần thở ôxy bằng mặt nạ có túi, nồng độ ôxy trong máu của ông Hùng đã ổn định trên 90% và được chuyển sang thở ôxy bình thường… Tại lễ tưởng niệm BS. Carlo Urbani, ông Hùng đã nói bằng tiếng Ý với con trai của BS. Carlo đại ý rằng: “Cha cháu là một người tuyệt vời!”. Người đi đến tận cùng sứ mệnh Bà Pascale Brudon đã nhận xét những điều vô cùng có ý nghĩa về BS. Carlo Urbani rằng: “Carlo không phải là người truyền giáo, cũng không phải là người hùng, ông là người lao động cực kỳ nghiêm túc và cống hiến tại những nơi thực sự cần những người như ông. Câu chuyện về cuộc đời ông đại diện cho những con người tích cực đấu tranh cho quyền cơ bản về y tế bằng lòng dũng cảm và bầu nhiệt huyết”. Một nhà báo Ý đã viết về BS. Carlo Urbani“Ông là người đã đi đến tận cùng sứ mệnh. Mỗi người đều có sứ mệnh của mình, với BS. Carlo Urbani, sứ mệnh của ông là cứu giúp những bệnh nhân nghèo, những người kém may mắn và ông đã hy sinh cuộc sống của mình để mang lại cuộc sống cho nhân loại”. Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đã viết: “Carlo ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của đại gia đình LHQ. Ông đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe, cứu sống người bệnh. Carlo là người đã có công trong việc phát hiện sớm dịch SARS. Trớ trêu thay, khi Carlo đang nỗ lực giành giật từng bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần thì chính căn bệnh quái ác ấy đã cướp đi mạng sống của ông…”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: “Dịch SARS đã được khống chế thành công tại Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải trả giá đắt, đó là sự hy sinh của BS. Carlo Urbani và 5 bác sĩ, y tá người Việt Nam và Pháp. Kỷ niệm 10 năm đại dịch này cũng là dịp nhắc nhở mỗi người dân có ý thức cảnh giác với những bệnh lạ mới phát sinh để có những biện pháp khống chế kịp thời”.Để tưởng nhớ đến công lao của BS. Carlo Urbani trong việc phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh SARS, Bộ Ngoại giao Ý thông qua Đại sứ quán Ý tại Hà Nội đã phát triển ý tưởng xây dựng trung tâm mang tên ông tại Việt Nam. Với đề xuất của GS.Piero Cappuccinelli - Đại học Sassari, Chính phủ Ýđã thành lập một trung tâm nghiên cứu về nhiễm trùng hô hấp cấp tính tại miền Trung Việt Nam mang tên Carlo Urbani tại Trường ĐH Y Dược Huế. Dự án hỗ trợ đào tạo cho các nhân viên y tế tuyến tỉnh, huyện, xã ở 9 tỉnh miền Trung về công tác phòng chống dịch bệnh hô hấp cấp; tổ chức hội thảo quốc tế về các bệnh nhiễm trùng hô hấp mới và tái xuất hiện...
Hình 18-19
Thiệt hại do đại dịch SARS gây ra cho con người vẫn chưa thể xóa mờ. Những bài học sáng chói về công cuộc kiểm soát và ngăn chặn đại dịch SARS vẫn còn luôn được nhắc tới. Trong đó, sự hy sinh của vị bác sĩ người Ý sẽ luôn luôn có ý nghĩa khi chính ông đã góp phần xây dựng nên cái kết có hậu và có thể nói là thần kỳ cho câu chuyện đấu tranh chống lại đại dịch SARS vốn tưởng chừng sẽ rất bi thương.
(hết)
Tài liệu tham khảo
1.Pierluigi Fiorini (2004). Carlo Urbani : Inseguendo un sogno. Evergreen (in Italian). Cinisello Balsamo: Edizioni San Paolo. p. 97. ISBN9788821551338. OCLC954723560. 2.Coates, Sam; Asthana, Anushka. Dr Carlo Urbani Health expert who identified the Sars outbreak as an epidemic, and was killed by the virus. The Times. London.(subscription required 3.Jump up to:Dr. Carlo Urbani of the World Health Organization dies of SARS". WHO. 29 March 2003. Archived from the original on 5 June 2003. Retrieved 23 January 2020. 4.Jump up to: McNeil (Jr.), Donald G. (2003). Disease's Pioneer Is Mourned as a Victim. The New York Times. ISSN0362-4331. Retrieved 6 December 2019. 5.Summary of probable SARS cases with onset of illness from 1 November 2002 to 31 July 2003. World Health Organization (WHO). 31 December 2003. Retrieved 31 October 2008. 6.Carlo Urbani - Una vita per gli altri. Logifranchi. Nel mondo - CRONACA-8.31 August 2004. Retrieved 23 January 2020. 7.On behalf of the Italian association named "Testimoni del tempo". Bibliographic note in Paul Ricoeur (1997). La critica e la convinzione. Intervista con François Azouvi e Marc de Launay. Di fronte e attraverso - Filosofia (in French and Italian). Translated by Daniella Iannotta. Jaca Book. p. 54 (of 262). ISBN9788816404373. OCLC841199842. 8.https://www.who.int/vietnam/vi/news/detail/10-06-2019-if-dr-carlo-urbani-were-alive-today 9.http://benhnhietdoi.vn/tin-tuc/chi-tiet/nguoi-bac-si-da-chet-de-nhan-loai-duoc-song/221 10.https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/tuong-nho-bac-si-carlo-urbani 11.https://tuoitre.vn/vuot-qua-tu-than-sars-ky-4-urbani-bac-si-anh-hung 12.https://baochinhphu.vn/italy-khai-truong-bao-tang-carlo-urbani-bac-si-hy-sinh-sau-khi-tim-ra-sars-o-viet-nam 13.https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/bac-si-carlo-urbani--nguoi-viet-nen-trang-su-ve-cuoc-chien-cua-nhan-loai-chong-dai-dich-sars- 14.https://nld.com.vn/thoi-su/giua-dai-dich-covid-19-nho-bac-si-carlo-urbani 15.https://cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Bac-si-Carlo-Urbani-Nguoi-da-di-den-tan-cung-su-menh 16.https://ambhanoi.esteri.it/ambasciata_hanoi/vi/i_rapporti_bilaterali
|