|
Charles Louis Alphonse Laveran |
Người đầu tiên phát hiện bệnh sốt rét trên thế giới
Bệnh sốt rét được phát hiện cách đây 126 năm và con người đã có những giải pháp can thiệp tích cực để chiến đấu chống lại với một căn bệnh vừa mang tính sinh học vừa mang tính xã hội này. Hiện nay bệnh sốt rét vẫn đang còn hoành hành tại một số nước, nhất là các nước ở châu Phi và một số nước khác ở châu Á, trong đó có có Việt Nam. Việc giải quyết bệnh sốt rét đã đạt được hiệu quả tốt tại một số quốc gia, vì vậy cần nhìn lại quá khứ để tưởng nhớ đến những nhà khoa học đầu tiên có công lao phát hiện ra bệnh sốt rét. Hầu hết các nhà khoa học ở tận thế kỷ XIX vẫn cho rằng chính khí độc từ các đầm lầy là nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét. Sốt rét xuất phát từ chữ "malaria" có nghĩa là "gió độc" theo tiếng Italia. Vào năm 1882, ở cuối thế kỷ XIX, một Quân y sĩ người Pháp tên là Charles Louis Alphonse Laveran (1845-1922) đã khám phá ra sự hiện diện của ký sinh trùng trong máu của những bệnh nhân sốt rét ở Algeria. Từ khám phá nầy, Laveran đã nêu ra giả thuyết là có thể có một loài thực vật hay động vật nào đó là nguồn mang các ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Phát hiện và giả thuyết của Laveran lúc đầu bị nghi ngờ nhưng càng về sau càng được khẳng định từ các kết quả nghiên cứu khoa học được công bố ở nhiều nước. Năm 1889, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đã trao giải thưởng Bréant cho Laveran do sự khám phá nầy. Tiếp theo đó, một Quân y sĩ người Anh tên là Ronald Ross (1857-1932) đã nghiên cứu và kiểm chứng giả thuyết của Laveran trong suốt các năm 1892-1894 ở Ấn Độ. Ross đã bắt các loài muỗi ở đây để giải phẩu và tìm thấy ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum trong muỗi Anopheles. Sau khi sang Tây Phi để tiếp tục nghiên cứu, Ross đã phát hiện được một số loài muỗi truyền bệnh sốt rét và chứng minh được trong phòng thí nghiệm về vòng đời của ký sinh trùng sốt rét trong cơ thể muỗi cùng cơ chế truyền bệnh sốt rét từ muỗi Anopheles cái qua người và một số động vật khác. Đóng góp của ông đã giúp hạn chế phần nào sự lây truyền bệnh sốt rét ở Tây Phi và được sự xác nhận, tham gia của nhiều nhà khoa học nổi tiếng thời đó như Robert Koch .... Năm 1902, Ronald Ross được trao giải Nobel về Y khoa. Tới năm 1907, đến lượt Charles Louis Alphonse Laveran cũng được trao giải Nobel về Y khoa do có cùng một khám phá quan trọng về muỗi truyền bệnh sốt rét và ký sinh trùng sốt rét gây bệnh. Trên thế giới hiện nay phát hiện có 170 loài ký sinh trùng sốt rét với hơn 3.500 loài muỗi mang ký sinh trùng sốt rét truyền bệnh và gây bệnh cho các loài bò sát, chim, động vật có vú. Trong đó có 4 chủng loại ký sinh trùng sốt rét và 60 loài muỗi Anopheles là trung gian truyền bệnh sốt rét cho người. Ở Việt Nam có 2 loại ký sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người là Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax với 3 loài muỗi trung gian truyền bệnh chủ yếu là Anopheles dirus, Anopheles minimus và Anopheles sundaicus. Hơn 100 năm qua, lần đầu tiên từ khi Charles Louis Alphonse Laveran phát hiện ra ký sinh trùng sốt rét và Ronald Ross phát hiện ra các loài muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét, loài người hiện nay vẫn đang còn tiếp tục chiến đấu với căn bệnh sốt rét nguy hiểm nầy bằng các chiến lược khác nhau. Việt Nam là một nước ở châu Á trước đây có bệnh sốt rét lưu hành nghiêm trọng, các chiến lược can thiệp như tiêu diệt sốt rét ở miền Bắc (1958-1975), thanh toán sốt rét trên toàn quốc sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng (1975-1991) và phòng chống sốt rét phạm vi cả nước (từ 1991 đến nay) đã được áp dụng và đạt những kết quả to lớn. Thành tựu này là cơ sở nhìn về quá khứ để tưởng nhớ những nhà khoa học có công với loài người vì đã phát hiện bệnh sốt rét đầu tiên, đặt nền tảng cho những công trình nghiên cứu tiếp theo nhằm giải quyết tình hình bệnh sốt rét có hiệu quả.
|