Home TRANG CHỦ Thứ 2, ngày 09/09/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 3 5 1 6 1 4 0
Số người đang truy cập
4 8 6
 
Trả lời câu hỏi của các bạn đọc về bệnh ký sinh trùng và các bệnh do véc tơ truyền

Cùng với những thông tin đã được đăng tải trên các trang chuyên đề Website của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, chuyên mục Hỏi đáp cũng được nhiều bạn đọc quan tâm theo dõi. Chúng tôi xin trích dẫn một số câu trả lời theo yêu cầu bạn đọc và hy vọng chuyên mục này sẽ tiếp tục cung cấp nhiều thông tin bổ ích.

Câu hỏi 1: Nguyễn Thu Hà (địa chỉ: 283 đường Trường Chinh TP đà nẵng), Thuhakhkd@gmail.com.Hỏi:năm nay tôi 42 tuổi, cách đây 5 tháng, tôi phát hiện có những đốt sán ra từ hậu môn một cách tự nhiên, đã đi khám và xét nghiệm cho kết quả tôi bị nhiễm sán dây bò. Bác sỹ cho uống 1 liều thuốc sổ sán có ra nhiều, xong đuợc 2 tháng tôi lại thấy đốt sán ra trở lại ở hậu môn. Tôi muốn hỏi bây giờ tôi phải uống thuốc gì? đi khám và chữa bệnh ở đâu để có kết quả tốt nhất? bệnh có nguy hiểm không ? có lây nhiễm cho những người trong gia đình không? Hiện tại tôi đang rất lo lắng, rất mong nhận được trả lời sớ m nhất và phác đồ điều trị.

Trả lời:trước tiên, chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ về những lo lắng của chị với bệnh sán dây của mình. Song cũng nên bình tĩnh vì bệnh sán dây có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo như chị mô tả về triệu chứng và đặc biệt bằng chứng quan trọng là có đốt sán dây ra hậu môn, song trong thư chị không thấy chị đề cập về thuốc đã uống (tên thuốc, liều dùng và dùng trong bao lâu) nên chúng tôi rất khó trả lời rằng chị đã thất bại điều trị hay do điều trị không đủ liều. Hiện tại, các phác đồ thuốc có nhiều loại khác nhau (tùy thuộc trường phái và kinh nghiệm), song chủ yếu là hai loại thuốc được lựa chọn hàng đầu là Niclosamide và Praziquantel. Bệnh của chị có thể đi khám ở nhiều cơ sở y tế, nếu đang ở Đà Nẵng, chị có thể đến BV đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C, bệnh viện Hoàn Mỹ hoặc chị có thể vào Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn (địa chỉ 611B Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn) hoặc vào BV Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ 190, Bến Hàm Tử, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), hoặc ở Viện Sốt rét KST-CT TƯ (địa chỉ 245 Lương Thế Vinh, Từ Liêm, Hà Nội), ở những nơi đó chị sẽ được tư vấn, khám, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh và điều trịtheo phác đồ mới nhất có kết quả như ý. Hy vong, với một số lời khuyên sẽ làm chị hài lòng và chúc chị sớm lấy lại tinh thần và sức khỏe.

Câu hỏi 2: Dang Ba Long- phamhoanglong_00@Yahoo.com.vn

Hỏi: xin chào Ban biên tập trang Website Viện sốt rét KST-CT Quy Nhơn, em xin hỏi em tốt nghiệp điều dưỡng hệ trung cấp tại Quy Nhơn, bây giờ em muốn học hệ cao đẳng ở ĐH Huế có được không, nếu được em phải thi những môn nào và thời gian là bao lâu?

Trả lời: xin chào một đồng nghiệp vì em đã là một điều dưỡng của tỉnh nhà Bình Định đào tạo, song em hiện đang muốn học hệ cao cao đẳng ở ĐH y dược Huế, cần thi những môn nào và trong thời gian bao lâu, chúng tôi khuyên em liên hệ trực tiếp trường Đại học y dược Huế (địa chỉ số 1, đường Ngô Quyền, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), chúc em sớm nhận được thông tin và thi đậu vào ĐH y dược Huế.
 

Câu hỏi 3: TRUNGTIN@YAHOO.COM, kinh dinh- phanrang- ninh thuan,

Hỏi:thuốc sốt rét phối hợp ACTs là những thuốc CV8, Arterakine và những thuốc nào nữa? Vậy ACT là viết tắt của những chữ nào?

Trả lời: Cụm từ “ACTs” viết tắt từ những chữ “Artemisinine-based Combination Therapies” có nghĩa là các liệu pháp điều trị sốt rét dùng thuốc phối hợp có gốc hoặc nền artemisinine (hoặc có thể là dihydr oartemisinine). Đây là một trong những khuyến cáo điều trị mới nhất kể từ tháng 1/2006 theo sự kêu gọi và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO/OMS) các tổ chức, công ty dược phẩm nên ngừng sản xuất và quảng cáo việc dùng thuốc artemisinine hoặc artesunate dưới dạng đơn trị liệu (Artesunate/ Artemisinine monotherapy) vì mặc dù hiện tại qua rất nhiều nghiên cứu, các chuyên gia sốt rét nhận thấy nhóm thuốc này nếu dùng đơn trị liệu đã cho kết quả giảm nhạy với ký sinh trùng sốt rét, đặc biệt là P.falciparum (trên cả thử nghiệm in vivoin vitro), nồng độ ức chế tối thiểu phải tăng lên mới đủ diệt ký sinh trùng hoặc một số ca biểu hiện giảm nhạy trong một số vùng, nhất là vùng sốt rét lưu hành nặng đa kháng thuốc (Trung Quốc, Cambodia, Thái Lan, Việt Nam, châu Phi) hoặc một vài ca kháng thuốc lẻ tẻ tại bệnh viện (2 ca ở Thái Lan và 2 ca ở Ấn Độ). Nếu thuốc này bị kháng, trong khi các thuốc mới vẫn đang nằm trong phạm vi nghiên cứu chưa đưa ra thị trường thì thật là nguy hiểm, không phải trong một vùng mà có thể đe dọa sức khỏe toàn cầu, nhất là các quốc gia có bệnh sốt rét hoàn hoành. Do đó, thuốc ACTs được khuyến cáo sử dùng bằng cách kết hợp 2 hay nhiều thuốc, trong đó luôn có artemisinine hoặc dihydroartemisine nhằm chống lại sự kháng thuốc tiềm tàng hay ít ra cũng trì hoãn quá trình kháng thuốc của ký sinh trùng.

 
Với nhóm thuốc ACTs, ngoài phối hợp thuốc CV-8 (China-Vietnam-8) và Arterakine (dihydroartemisinine plus piperaquine), còn có Artekine, Artecan với thành phần tương tự như Arterakine, thuốc Artequick (thành phần gồm artemisinine + piperaquine), đặc biệt thuốc artequick có 2 dạng là dạng cồm (artequick granule) dùng rất thuận lợi cho trẻ em bị sốt rét và dạng viên nén (artequick tablets), Coarsucam (thành phần gồm Artesunate + amodiaquine), CDA (thành phần chứa Chlorproguanil hydrochloride + Dapsone + Artesunate), thuốc Artecom (thành phần gồm dihydroartemisinine + piperaquine phosphate + trimethoprime, không có thành phần primaquine như trong viên CV8) và một thuốc hiện đang nghiên cứu làRBX 11160 hay OZ_277 trong thành phần cũng có chất tương tự như artemisinine nhưng qua dây chuyền tổng hợp, thuốc OZ_277 này hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng ở phase III (bạn có thể xem thêm thông tin chi tiết về công thức, thành phần, cơ chế tác động, tương tác, tương kỵ thuốc và độc tính của thuốc này trên website: http://www.parasitologyreviews.org.com).
 
 

Câu hỏi 3: Le Quang Nguyen, ltht2912@yahoo.com, số 236, đường 2/ 9, tp Đà Nẵng

Hỏi:tôi bị bệnh sán lá gan lớn, đã uống 4 viên Egaten, hàm lượng 250mg vào 2 ngày 16 và17/03/2008.Từ đó đến nay hiện tượng ngứa đã giảm rất nhiều đến 90%. Tôi muốn hỏi quý viện là khi nào hết ngứa ? Tôi có cần phải tái khám không, xin cảm ơn!

Trả lời:chào anh Nguyên, chúng tôi đã nhận được câu hỏi và phúc đáp cho anh an tâm rằng với 4 viên Egaten anh đã dùng 2 ngày liên tục là đã đủ liều, cải thiện triệu chứng ngứa rất rõ, thời gian để dấu chứng ngứa biến mất tùy thuộc vào cơ địa mỗi người bệnh và không phải triệu chứng ngứa này do một bệnh sán lá gan lớn duy nhất (có thể là dị ứng, viêm da cơ địa, mẫn cảm thức ăn, thuốc uống, viêm da tiếp xúc, bệnh lý thận, gan, nội tiết, nhiễm các loại ký sinh trùng khác như giun đũa chó, giun lươn, giun đầu gai,…) do vậy, triệu chứng ngứa có thể mất trong vòng vài ngày, vài tháng hoặc có thể tồn tại đến năm sau anh nhé. Bệnh cua anh cần phải tái khám để theo dõi diễn tiến điều trị. Chúc anh an tâm và mau chóng bình phục.

Câu hỏi 4: anhsangtinhyeu_nnh@yahoo.com, lớp 12 A1, trường PTTH số 1 Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi

Hỏi:em muốn hỏi là để đăng ký dự thi năm 2008 vào trường thì phải làm những thủ tục thế nào a?

Trả lời:thân chào “anhsangtinhyeu_nnh@yahoo.com” vì em muốn thi vào trường của Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn, thì cần làm những thủ tục gì ? chúng tôi khuyên bạn liên hệ trực tiếp Khoa đào tạo-Trường cạnh Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn để biết thông tin chi tiết về môn thi, ngày thi và thủ tục nhé. Bạn gọi số 056. 847726 hoặc 056. 847116 rồi chờ tổng đài xin liên lạc/ nối máy với Khoa đào tạo của viện. Chúc em thi đậu kết quả cao trong năm 2008.

Câu hỏi 5: nguyendangminh, nguyendangminhls@yahoo.com, thanh pho lang son.

Hỏi: tôi thường thấy tức hạ sườn (P) đã đi siêu âm và thử máu thường xuyên nhưng không phát hiện ra bệnh gì, liệu đây có phải là sán lá gan không, nếu khám bệnh thì phải làm những xét nghiệm gì ? Xin cảm ơn.

Trả lời:Xin bạn đừng lo lắng vì bạn đã đi khám, siêu âm và thử máu thường xuyên là đã quan tâm đến sức khỏe của mình định kỳ rất tuyệt vời. Song, chúng tôi muốn bạn cho biết bạn đã siêu âm gì và đã làm các xét nghiệm gì liên quan đến một số bệnh lý ký sinh trùng thường gặp ở người không và dĩ nhiên không nhất thiết đau tức hạ sườn (P) là chỉ do một nguyên nhân sán lá gan duy nhất mà có thể do một số bệnh khác như:

-Bệnh lý về tiêu hóa, gan mật (viêm túi mật cấp, mạn tính, viêm gan do virus A, B, C, xơ gan, các bệnh về tụy tạng đau lan tỏa,…);

-Một số bệnh lý về phổi, màng phổi (lao, tràn dịch màng phổi do viêm nhiễm)

-Bệnh lý liên quan đến day thần kinh liên sườn (viêm hoặc chèn ép bó mạch thần kinh liên sườn), hoặc đau sau bệnh lý zona ở vùng này;

-Bệnh lý về cơ liên sườn hoặc xương sườn (dãn cơ hoặc cơ thắt cơ, rạn nứt xương sườn, máy cơ liên tục);

-Chấn thương vùng hạ sườn phải hoặc thắt lưng đau lan ra quanh vùng này,….

Do khá nhiều nguyên nhân gây bệnh lý ở vùng này hoặc vùng khác tạo ra triệu chứng đau tức vùng thắt lưng như vậy, chúng tôi đề nghị anh nên đến khám một cơ sở y tế với một số xét nghiệm như CTM, chức năng gan, chụp X-quang lồng ngực, xương sườn, siêu âm,…thì mới may ra phát hiện bệnh. Chúc anh sớm được phát hiện và điều trị.

Câu hỏi 6: Lê Dương Minh Quân, kaka.love12e@yahoo.com.vn, tổ 5, khối 3_Thị trấn Phước An, huyện Krông Păc, tỉnh Đăc Lăc,

Hỏi:trong năm 2008 Viện SR-KST-CT Quy Nhơn có tổ chức tuyển sinh không ? Thời gian tuyển sinh là ngày nào ? Những môn thi là những môn nào? ( Rất mong được quý Ban biên tập Website phúc đáp)

Trả lời:Câu hỏi của bạn xin xem phần trả lời câu hỏi số 5.

Câu hỏi 7: Phạm Thị Thanh Hồng, phamthithanhhong2000@yahoo.com.

Hỏi: Hiện công việc của tôi liên quan đến côn trùng - động vật, nhưng chưa được đào tạo chuyên sâu. Xin cho tôi biết tôi có thể tìm kiếm những tài liệu chuyên sâu về côn trùng động vật ở đâu? tên tài liệu?tác giả? mong được giúp đỡ. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:công việc của bạn liên quan đến côn trùng-động vật, để tìm tài liệu chuyên về lĩnh vực này, chúng tôi khuyên chị vào website http://www.google.com > animal entomology, từ đó bạn tìm chuyên mục riêng cho bạn; hoặc ở trong nước bạn có thể liên hệ trực tiếp với các tác giả thuộc Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại Học nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đại học Nông nghiệp I , Hà Nội và cuối cùng cũng là nơi rất chuyên sâu về côn trùng động vật là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật-Viện Khoa học Việt Nam (đường Hoàng Quốc việt, Quận Cầu giấy, Hà Nội).

Câu hỏi 7: Vân Anh, duonganh0280@yahoo.com.

Hỏi: Xin cho em hỏi Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn hiện này có những phương pháp xét nghiệm nào chẩn đoán về bệnh sán lá gan ? Nghe nói Viện đã sử dụng phương pháp PCR để chẩn đoán bệnh này rồi. Xin cho biết chi tiết về phương pháp này. Cảm ơn !

Trả lời:trong thư bạn không đề cập đến chẩn đoán sán lá gan lớn hay sán lá gan nhỏ. Nhân đây, chúng tôi muốn đề cập về chẩn đoán xét nghiệm bệnh sán lá gan lớn và nhỏ:

-Việc chẩn đoán bệnh luôn luôn dựa vào: dịch tễ học của bệnh + khám lâm sàng bệnh nhân + các xét nghiệm cận lâm sàng.
 

-Chẩn đoán bệnh sán lá gan nhỏ:

Xét nghiệm phân tìm trứng sán trong phân hoặc ở dịch tá tràng được xem là “chuẩn vàng” trong chẩn đoán bệnh sán lá gan nhỏ, mức độ (+) tương đối cao, với kỹ thuật đơn giản bằng nước muối sinh lý hoặc Lugol, kỹ thuật tuy đơn giản nhưng dễ bỏ sót các trường hợp nhiễm nhẹ; xét nghiệm phân theo phương pháp Kato (định tính) và Kato-Katz (định lượng) là những phương pháp chuẩn được tổ chức y tế thế giới khuyên chọn làm; Phương pháp ly tâm lắng cặn Formaline-Ether có độ chính xác cao nhưng quy trình làm khá phức tạp, không phù hợp với điều kiện thực địa.

Chẩn đoán miễn dịch cũng được áp dụng song chỉ có ý nghĩa nhất định: test trong da (IDT_Intraderrmal Test) với kháng nguyên Chlonorchis sinensis, phản ứng cố định bổ thể (CFT_Complement Fixation Test), phản ứng điện di miễn dịch (IE_Immunoelectrophoresis), phản ứng miễn dịch ngưng kết gián tiếp (IHA_Indirect Haemaglutination Test), phản ứng kháng thể huỳnh quang gián tiếp (IFA_Indirect Fluorescent Antibody), hầu hết các phản ứng miễn dịch này có độ nhạy và độ đặc hiệu chỉ 80-85% và phản ứng hấp phụ miễn dịch liên kết men (ELISA_Enzyme-Linked Immunôrbent Assay) cho độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao để chẩn đoán và sàng lọc bệnh (độ nhạy 86.4%-93% và độ đặc hiệu từ 95.7%-98.6%).

Ngoài ra chúng ta còn phải bổ sung thêm một số xét nghiệm khác phụ trợ là bạch cầu eosine, siêu âm (ít có giá trị), chức năng gan mật.

-Chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn:

Ngoài các xét nghiệm phân tìm trứng sán, xét nghiệm miễn dịch, đặc biệt là FascELISA kháng nguyên đặc hiệu Fasciolae sp., chúng ta còn làm siêu âm hệ gan mật để biết tổn thương abces do sán gây ra và cũng là đánh giá theo dõi diễn tiến lành bệnh (điều này khác với bên chẩn đoán sán lá gan nhỏ, hiếm khi thấy tổn thương ở gan) và tỷ lệ bạch cầu tăng cao hơn 8% gặp hơn 80% số bệnh nhân mắc sán lá gan lớn đến nhập viện điều trị.

Riêng chị hỏi về xét nghiệm PCR trong chẩn đoán bệnh sán lá gan, đến thời điểm này viện mặc dù có kỹ thuật PCR để chẩn đoán bệnh ký sinh và đơn bào nói chung, song với sán lá gan chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu định loài sán là chỉ yếu chứ không làm chẩn đoán vì giá thành khá đắt tiền cho 1 xét nghiệm, vả lại các xét nghiệm nói trên đủ để chẩn đoán một bệnh nhân sán lá gan bạn nhe.

Câu hỏi 8: Đào Thị Thu An, andaothu@yahoo.com.

Hỏi: con trai tôi năm nay 6 tuổi. Cách đây khoảng 3-4 tháng, tự nhiên trên vùng ngực và tay cháu nổi lên 2-3 mụn nhỏ, trông như mụn trứng cá đỏ mới sưng và cho đến nay vẫn chưa hết. Sức khỏe cháu bình thường, tuy nhiên, hay bị nôn ọe, lười ăn. Tôi đọc trên internet và xem ảnh thấy người bị nhiễm sán lá gan cũng có khi bị nổi mụn giống của con tôi. Liệu con tôi có khả năng bị nhiễm sán lá gan không? Tôi có thể cho cháu đến khám ở Viện Sốt rét và ký sinh trùng Trung Ương được không. Rất mong nhận được hồi âm. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới Việt Nam, khí hậu và môi trường rất thuận lợi cho các loài giun sán phát triển và gây bệnh cho người và gia súc, cũng như vật nuôi. Do vậy, bạn, con bạn và chúng tôi đều có thể nhiễm giun sán và trở thành bệnh là điều tất nhiên. Con trai bạn 6 tuổi, với các triệu chứng như bạn kể, có thể nhiều bệnh khác nhau chứ không nhất thiết là mắc sán lá gan và bản thân sán lá gan không phải các triệu chứng điển hình như thế. Riêng dấu chứng nổi mụn nhỏ trên tay và ngực của cháu có thể là viêm nang lông, tuyến bả nhờn cho trẻ; hoặc cháu hay nôn ọe, lười ăn có thể là nhiêm giun đừơng tiêu hóa, viêm hoặc loét tiêu hóa ở trẻ em, đau bụng co thắt ở trẻdưới 12 tuổi cũng thường gặp, …bạn thấy rồi đó. Vậy để chẩn đoán chính xác bệnh của cháu bạn có thể đưa cháu đến khám ở Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương, khoa nhi Bệnh viện nhi TƯ hoặc BV Bạch Mai. Chúc hai mẹ con chị khỏe,...

Câu hỏi 9: Trần Quốc Huy, 291 Phan Đình Phùng, p.Yên Đỗ, TP.Pleiku, Gia Lai,

khaosat24h@yahoo.com.vn.

Hỏi:em có người em bị bệnh sốt rét. Từ khi đi bộ đội ở huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai giáp ranh với biên giới Campuchia, sau 01 năm công tác thì mắc bệnh, đến nay đã được 03 năm nhưng bệnh vẫn tái lại cho dù đã xuất ngũ. Xin Viện nghiên cứu ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn hãy cho anh em lời khuyên nên trị bệnh ở đâu và hiện giờ phải làm gì để có thể hạn chế tác hại do bệnh này gây ra. Gia đình em đang sống ở Gia Lai. Mong được sự giúp đỡ của Viện.

Trả lời: trước hết bạn phải khẳng định là em trai bạn từ khi xuất ngũ không lần nào đi vào vùng sốt rét lưu hành nhé (vì theo chúng tôi biết Gia Lai là một tỉnh có nhiều huyện trọng điểm về sốt rét nặng, trong đó có huyện Đức Cơ). Về bệnh sốt rét ở nước ta thường do 2 loại ký sinh trùng sốt rét gây nên là Plasmodium falciparum [1] và Plasmodium vivax [2], song chỉ có loại Plasmodium vivax là thường gây sốt rét tái đi tái lại vì có khả năng tồn tại thể ngủ trong gan, khi cơ thể suy yếu và ký sinh trùng trong gan này đủ nhiều sẽ gây cơn sốt trở lại, mặc dù em bạn không còn sống trong vùng sốt rét nữa. Một loại thuốc để chống lại tình trạng tái phát này là thuốc Primaquine, song để dùng an toàn cho bệnh nhân bạn nên theo chỉ định của thầy thuốc. Em bạn đang ở Gia Lai, bạn nên đưa em đến Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh Gia Lai, đường Phan Đình Phùng, thành phố Pleiku để được khám, tư vấn và điều trị dứt bệnh. Thân chúc hai anh em sức khỏe.

Câu hỏi 10: Truc Nhi, Binh duong, lice15@yahoo.com.

Hỏi: Xin cho biết bệnh sán lá gan nhập viện điều trị bao nhiêu ngày?

Trả lời:Thuốc điều trị đặc hiệu sán lá gan lớn loại Egaten, đến thời điểm này được xem là thuốc cực kỳ an toàn (tác dụng phụ không đáng kể, nếu có chỉ là đau bụng nhẹ thoảng qua và tự chấm dứt sau khi ngừng thuốc mà không cần can thiệp y tế) và hiệu quả điều trị khỏi rất cao (97-100%), song vì cơ địa của mỗi bệnh nhân có thể không và cũng có thể có dị ứng (dù là rất nhỏ) hoặc mẫn cảm với thành phần của thuốc nên vì mục đích an toàn cho bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc, thời gian bạn nằm viện chỉ 2 ngày, sau đó về nhà uống thuốc điều trị tiếp tục. Chúc bạn mau bình phục.

Câu hỏi 11: Phuong Hoang, everlastingspirits@hotmail.com.

Hỏi: Cách đây 5 tháng em đi khám và xét nghiệm ở Medic Hòa Hảo, HCM. Trong kết quả xét nghiệm em được cho biết là đã bị nhiễm sán đầu gai (Gnathostoma). Lúc đó bác sĩ đã kê đơn là: Did Alben, 40 viên, ngày 2 viên. Cách đây nửa tháng em đi xét nghiệm lại và kết quả vẫn dương tính nhưng thấp hơn. Em được 1 bác sĩ khác kê đơn là: Did Alben 30 viên, mỗi ngày 2 viên và Liboton 40 viên (em được cho biết lúc này chức năng gan của em hơi bị cao). Em được dặn uống hết đợt này, sau đó cách nửa tháng sau em phải uống tiếp 1 đợt với toa thuốc y như vậy.Vậy xin cho em hỏi, đơn thuốc nào là đúng, hiệu quả ạ ? Nếu không thì đơn thuốc như thế nào là hiệu quả nhất ? Xin cảm ơn!
 

Trả lời: Rất chia sẽ băn khoăn của em trong vấn đề dùng thuốc điều trị, đặc biệt điều trị bệnh ký sinh trùng ở người gần đây. Trước tiên, xin đính chính với bạn là không có bệnh sán đầu gai mà chỉ có bệnh giun đầu gai (Gnathostomiasis). Về điều trị bệnh giun đầu gai, đến nay các chuyên gia y tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều xác nhận là chưa có một thuốc nào điều trị dứt điểm bệnh này cả, một số thuốc dùng điều trị bệnh lý giun sán đơn thuần hiện nay chỉ giải quyết được tối đa 60-65%, đó chính là hiệu quả không cao, đây là một trong những điểm khó cho bản thân thầy thuốc và bệnh nhân. Thứ 2, chúng tôi cũng muốn lưu ý bạn rằng chẩn đoán bệnh ký sinh trùng nói chung và bệnh giun đầu gai nói riêng đều dựa vào chính yếu là huyết thanh chẩn đoán hay xét nghiệm ELISA bạn đề cập, trong khi các xét nghiệm ELISA này lại có một tỷ lệ dương tính giả rất lớn, nghĩa là bạn không bệnh đôi lúc dương tính (do nhiễm chéo chẳng hạn), do vậy đứng trước một xét nghiệm ELISA dương tính, chúng ta không vội điều trị mà hãy xem các xét nghiệm khác như thế nào (ví dụ bạch cầu eosine có cao không, nồng độ IgE tăng không?) hoặc bản thân bạn có triệu chứng biểu hiện gì không? Nếu bạn hội đủ xét nghiệm, triệu chứng bệnh thì mới nên điều trị.

Ở đây, chúng tôi không luận bàn đơn thuốc nào tốt hơn, song khẳng định với bạn là Did Alben 400mg (hoạt chất chính là albendazole) uống ngày 2 viên, trong 20 ngày rồi lại 15 ngày cũng chỉ là thuốc giải quyết tình thế và lưu ý với bạn là tác dụng phụ của thuốc albenadazole nếu dùng kéo dài. Về diễn tiến của xét nghiệm sau 20 ngày bạn kiểm tra lại vẫn còn (+), nếu thật sự bạn có bệnh thì điều này sẽ không có gì bàn vì xét nghiệm ELISA chẩn đoán một số bệnh do KST đôi khi vẫn dương tính kéo dài đến 6 hoặc thậm chí 9 tháng(mặc dù đã điều trị khỏi) nên bạn không có gì lo lắng ở điểm này.

Câu hỏi 12: Hoang Nhu Phong, sotretnoutiettinh@yahoo.com.

Hỏi:toi muốn hỏi về phiên bản mới của phần mềm MMS của Viện cho các tỉnh sao không đưa lên trên mạng để chúng tôi có thể tự tải về. Công ty Quảng Ích nói sau này muồn thì cứ vào trang web của quảng Ích là có, sao tôi tìm mãi mà không thấy.

Trả lời: liên quan đến phần mềm MMS, phiền anh liên hệ trực tiếp đến lãnh đạo Viện, đặc biệt là tiến sĩ Hồ Văn Hoàng, phó viện trưởng kiêm trưởng khoa dịch tễ Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn, sẽ được sự trợ giúp. Chúc anh sớm tải được phần mềm MMS sớm và sử dụng hiệu quả với công việc.

Câu hỏi 13: Le Van Thuan, lethuancntyls20042008@yahoo.com.vn.

Hỏi: Kính chào anh (chị) có thể cho em biết về một số bệnh ký sinh trùng ở gia súc có được không, nếu anh chị cho em biết thì em cảm ơn anh chị rất nhiều!

Trả lời:Thân chào anh Thuận, song song với một số bệnh ký sinh trùng ở người thì phần lớn đều có bệnh ký sinh trùng ở gia súc (ví như bệnh sán lá gan lớn) và đôi khi một số bệnh có ở người nhưng không có ở trên gia súc và vật nuôi và ngược lại. Sau đây, chúng tôi muốn giới thiệu cho anh một số bệnh ký sinh trùng ở gia súc và vật nuôi (trong đó gia súc và vật nuôi có thể là vật chủ chính, vật chủ trung gian, vật chủ tình cờ hay chỉ là ổ chứa, khi anh đọc chi tiết tài liệu sẽ gặp rõ hơn):

-Bệnh do sán lá gan (Fascioliasis do Fasciola hepatica hoặc Fasciola gigantica);

-Bệnh do sán lá gan nhỏ (Chlonorchis sinensis, Opisthorchis viverinii)

-Bệnh do giun đũa ở chó tên gọi là Toxocariosis chứ không phải một số tác giả nhầm lẫn là Toxosis hay Toxocarosis (do Toxocara canis) hoặc giun đũa ở mèo (do Toxocara cati);

-Bệnh do giun lươn (do Strongyloides stercoralis)

Một số tài liệu trên trang website anh có thể vào nhanh để tìm bệnh lý ký sinh trùng ở gia súc và vật nuôi như http://www.google.com> animalparasites hoặc > pets parasite hoặc > ruminant parasites hoặc > cattle parasites. Hoặc anh có thể vào trang http://www.reemergingdiseases.com

Hoặc vào trang chủ của Amazon/ Helthminthiasis of animal,…Kính chúc anh sẽ tìm được nhiều tài liệu bổ ích cho chuyên ngành anh đang tìm hiểu.

 

 

Ngày 20/05/2008
ThS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích