Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 07/09/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 3 4 9 6 6 4 2
Số người đang truy cập
3
 
Trả lời câu hỏi bạn đọc về thông tin chuyên ngành sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng tháng 4-2009

1. Ngoc han- ngochan0909@yahoo.com- 8/6a Trinh Đinh Thao, phuong hoa thanh, quan tan phu- 0972964633

Hỏi: Cách nay khoảng 2 tuần em bị nổi mụn ngứa khắp người, ngứa rất nhiều và em đi bệnh viện da liễu khám, bác sĩ nói em bị viêm da dị ứng và thuốc về nhà uống nhưng không bớt ngứa. Rồi khoảng 3 ngày nay ngứa tiếp tục nổi lên và nổi sưng cục quanh khắp chỗ ngứa, em đi tái khám và bác sĩ cho em làm xét nghiệm máu, kết quả xét nghiệm cho biết em bị nhiễm ký sinh trùng Toxocara sp duong tinh 1/180. Vậy, bác sĩ làm ơn cho em biết cách điều trị như thế nào và loại ký sinh trùng đó là gì? Có nguy hiểm không, em rất lo và sợ, mong bác sĩ hãy chỉ dẫn dùm em. Chân thành cảm ơn.

Trả lời: Chia sẻ và cảm thông với triệu chứng ngứa cũng như nổi mày đay của em hiện tại cũng như các triệu chứng lâm sàng của bạn đang có. Song, rất tiếc bạn không cho chúng tôi xem kết quả xét nghiệm chi tiết khác ngoài xét nghiệm Toxocara sp dương tính 1/180, riêng đối với Toxocara sp (+) với hiệu giá 1/180 chúng tôi hơi nghi ngờ-có thể bạn ghi sai kết quả từ phiếu chăng? Vì hiện nay trên toàn quốc sử dụng các bộ chẩn đóan loại giun tròn này đều có hiệu giá thường trả lời là (+) 1/400, 1/800, 1/1600, 1/3200, 1/6400 hoặc 1/12.800 chứ chúng tôi chưa gặp hiệu giá Toxocara sp 1/180. Nếu có thể, bạn làm ơn scan hoặc Fax hay gởi nguyên bản kết quả các xét nghiệm của bạn đến chúng tôi để tư vấn chi tiết hơn.

 
Cần lưu ý với bạn rằng, hiện nay tỷ lệ xét nghiệm dương tính với bệnh giun đũa chó Toxocara canis khá cao, nhiều báo cáo cho biết tỷ lệ dương tính lên đến 52%, hoặc theo số liệu thống kê không đầy đủ của chúng tôi qua các năm có thể 42-60% dương tính với hiệu giá từ 1/800
à1/12.800, dù dương tính như thế song số ca có biểu hiện lâm sàng điển hình giun đũa chó trong số (+) ấy lại rất ít, chỉ chiếm 1/10. Điều đó có nghía xét nghiệm này không đặc hiệu và nếu chỉ có duy nhất một bằng chứng như vậy không đủ để chẩn đoán xác định giun đũa chó; thứ 2 hiện tại các kit chẩn đoán tại Việt Nam thì kháng nguyên tinh chiết từ thân sán chứ hiếm khi kháng nguyên tiết (Excrectory/ Secretory antigen), do đó khả năng dương tính chéo với một số khác là hiện tượng khó tránh khỏi và dễ làm người bệnh thì hoang mang, trong khi thầy thuốc cứ thế mà kê đơn điều trị với các thuốc chống giun sán thông thường không cần thiết mà có thể gây độc tính trường diễn trên bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân có suy giảm chức năng gan thận lại càng nguy hiểm hơn. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về biểu hiện bệnh giun đũa chó, chúng tôi xin chuyển đến bạn 2 hội chứng hay gặp và ắt có khi chúng ta nghĩ đến giun đũa chó Toxocara canis:

Bệnh giun đũa chó (Toxocariasis) là một thuật ngữ lâm sàng để chỉ tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở người hoặc do T. canis hoặc (hiếm khi) nhiễm loại T. cati. Vì trứng của Toxocara được bài tiết ra từ chó hoặc mèo, trên các bải cỏ công viên, sân chơi trong vườn hoặc tại các chậu cát đặt ở các vùng đô thị hoặc thị trấn-nơi mà tình trạng vệ sinh kém diễn ra-ở đó có thể là trứng nhiễm rất thích hợp. Vì lý do này, bệnh giun đũa chó thường gặp nhất ở trẻ em tuổi từ 1-5, đặc biệt những người có thói quen ăn đất cát. Một số ca bệnh giun đũa chó do ăn thực phẩm ở người trưởng thành đã được báo cáo trong vùng có thói quen ăn gan sống.

­Hội chứng ấu trùng di chuyển trong tạng (VLM_Visceral Larvae Migrans)

­Hội chứng ấu trùng di chuyển trong mắt (OLM_Ocular Larva Migrans)

Các hội chứng trên thường được xác định và biểu hiện do các cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng do ấu trùng non di chuyển: Hội chứng VLM trong một loạt ca bệnh ở trẻ em có biểu hiện triệu chứng sốt, gan lớn, thâm nhiễm ở phổi, tăng gammaglobulin trong máu và tăng bạch cầu eosin trong máu ngoại vi. Trên các bệnh nhân có hội chứng VLM, gan là một tạng sống còn bị ảnh hưởng nặng nhất. Khi ấu trùng tiến đến gan, đánh giá tuần hoàn tĩnh mạch cửa (sau khi ấu trùng đi xuyên qua thành ruột và đi vào vi mạch máu), chúng di chuyển qua gan và gây ra các vết chạy trong mô gây rối loạn tổ chức, đặc biệt gây tổn thương dạng hoại tử, phù mô kẻ, thâm nhiễm bạch cầu eosin và xuất huyết, dẫn đến phản ứng viêm tạo u hạt. Phản ứng viêm có thể dẫn đến một bệnh lý khác là viêm gan u hạt (granulomatous hepatitis).

 
Các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng được ghi nhận trên các bệnh nhân bị bệnh giun đũa chó là hậu quả trực tiếp của tổn thương do ấu trùng di chuyển và gây ra nhiều phản ứng viêm bên trong cơ thể vật chủ. Mô nhạy cảm nhất với sự xâm nhập của ấu trùng là gan, phổi, mắt và hệ thần kinh trung ương. Phản ứng viêm ở đây đặc trưng bởi tình trạng hình thành u hạt tăng bạch cầu eosin (eosinophilic granulomas). Các dấu hiệu và triệu chứng hay gặp trên bệnh nhân nhiễm giun đũa chó bao gồm sốt, đau bụng, gan lớn, lách lớn và đường hô hấp dưới
à ho, khó thở, co thắt phế quản. Các triệu chứng ít gặp hơn là viêm cơ tim, viêm thận và hội chứng trên hệ thần kinh trung ương à động kinh, co giật, triệu chứng tâm thần kinh và bệnh lý não cũng đã được mô tả. Ngoài ra, nhiều hội chứng và triệu chứng khó phát hiện hoặc rất mơ hồ gồm có hen phế quản, rối loạn chức năng ruột, mày đay, sẩn ngứa (prurigo) liên đới đến quá trình phơi nhiễm mạn tính với hội chứng ấu trùng di chuyển.

 
Đánh giá về các xét nghiệm trên các bệnh nhân bị giun đũa chó hầu như luôn biểu hiện một thông số tăng bạch cầu với ưu thế tăng bạch cầu eosin (phân số bạch cầu eosin là 1.7-8.5). Các xét nghiệm khác có thể cho biết tăng gammaglobulin và tăng hiệu giá của anti-A hoặc anti-B isohemagglutinin. U hạt hoặc abces có thể xuất hiện trên phim chụp CT scan bụng là những hình ảnh nốt kém mịn hay giảm âm đi kèm với các tổn thương viêm phản ứng khác.

Bệnh giun đũa chó tổn thương tại gan có hình ảnh trên phim chụp CT không đặc hiệu, nó có thể làm cho thầy thuốc chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác. Chẩn đoán phân biệt với nhiều nodule tỷ trọng thấp ở gan cũng bao gồm cả nhiều microabsces, các bệnh lý sinh u hạt khác, bệnh lý ung thư gan nguyên phát hoặc các hình ảnh di căn từ các ung thư khác vào gan. Khi các hình ảnh tổn thương này trên chẩn đoán hình ảnh kèm theo tăng bạch cầu eosin ở phiến đồ máu ngoại vi, bệnh giun đũa chó ở gan phải xem xét và cân nhắc và đề xuất thêm các xét nghiệm huyết thanh học và giải phẩu bệnh học để hướng đến chẩn đoán thêm. Hai bệnh lý giun sán khác có thể gây tổn thương có hình ảnh tương tự trên CT là bệnh sán lá gan lớn và giun capillariasis.

Ngoài ra, trong thư bạn có đề cập triệu chứng “ngứa, ngứa rất nhiều và kèm theo nổi mẩn”, song cũng không mô tả ngứa tại đâu, dạng tổn thương ngứa gây ra như thế nào? Vị trí hay gặp ngứa của bạn chính xác ra sao? Và đặc biệt như bạn biết, ngứa có thể do hơn 30 nguyên nhân khác nhau gây nên, do vậy chúng tôi cũng đưa một số để bạn tham khảo và thử tự chẩn đoán bệnh cho mình nhé:

­Chấy rận, nếu giới hạn ngứa ở da đầu và cổ;

­Chấy rận thân mình, nếu chỉ ngứa giới hạn ở vùng sinh dục, liên quan đến điều kiện sống chật hẹp, ẩm thấp;

­Mày đay do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng thường gây ngứa;

­Khô da (xerosis), đây có thể là nguyên nhân hay gặp nhất, thường gặp vào mùa đông, và cũng có thể liên quan đến tuổi tác, thường xuyên tắm với nước nóng hoặc ấm, sống trong môi trường có độ ẩm cao và nhiệt độ cao;

­Tình trạng bệnh lý của da (vảy nến, chàm, tắm nắng và bỏng nắng nhẹ, triệu chứng bàn chân lực sĩ, viêm tắc tuyến mồ hôi sinh mủ);

­Côn trùng đốt như muỗi, kiến, ve, ...

­Phản ứng dị ứng do tiếp xúc với các chất hóa học đặc biệt như Urushiol-một dẫn xuất của Poison Ivy hoặc Poison Oak;

­Bệnh Hodgkin, bệnh lý tuyến giáp, tăng năng tuyến cận giáp, đái tháo đường, tăng ure máu;

­Vàng da (do tăng bilirubine kích thích đầu mút thần kinh ở da khi ở nồng độ bilirubine cao);

­Bệnh đa hồng cầu (Polycythemia) có thể gây ngứa toàn thân do tăng histamine;

­Ghe (đặc biệt khi có mọt số người ở gần nhau bị ngứa)

­Do cào, cạo, mảnh bào có thể gây ngứa da;

­Do gàu thường xuất hiện một mảng lớn vảy bong ra trên da đầu và một số vùng khác;

­Thiếu máu thiếu sắt, nhiễm ký sinh trùng;

­Do thuốc: dị ứng do phản ứng của hệ miễn dịch đáp ứng lại với một số hóa chất, do viêm da do ánh sáng-đây là do ánh sáng phản ứng với các chất hóa học trong da, dẫn đến hình thành các chất chuyển hóa có thể gây kích thích; thuốc morphine và các chất gây nghiện khác; thuốc chloroquine;

­Liên quan đến thai nghén: hội chứng nổi mảng hoặc nốt ngứa mày đay trong giai đoạn mang thai (Pruritic Urticarial Papules and Plaques of Pregnancy_PUPPP); hoặc hội chứng pemphigus giai đoạn mang thai (Gestational pemphigoid);

­Các khối u ác tính hoặc lymphoma;

­Do dùng mỹ phẩm, dầu gội, kem dưỡng da,…

Hy vọng với những thông tin và giải thích ở trên của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

2. Nguyễn Thị Hồng Ánh- hoahongtinhyeu222_vn@yahoo.com.vn- 01662269611

Hỏi: Xin chào ban biên tập trang Web Viện Sốt rét kí sinh trùng côn trùng Quy Nhơn! tôi năm nay 49 tuổi, chân tôi tự nhiên sưng lên, tôi đi khám và xét nghiệm bác sĩ chẩn đóan tôi bị bệnh giun đầu gai. Vậy xin hỏi làm thế nào để điều trị bệnh và cách phòng bệnh giun đầu gai.

Trả lời: Xin chào chị Hồng Ánh, chúng tôi xin chia sẻ về bệnh của chị, song rất tiếc trong thư chị đề cập về vấn đề xét nghiệm giun đầu gai (+), song không biết dương tính này bạn đã làm xét nghiệm tại đâu, hiệu giá kháng thể là bao nhiêu, các thông số khác trong công thức máu,...và một số triệu chứng lâm sàng khác liên quan đến cơ thể bạn, chứ chỉ với triệu chứng chân bạn sưng lên thì e rằng rất khó để giải thích liên kết giữa xét nghiệm và triệu chứng như hiện nay của bạn.

Như bạn biết, chân sưng lên có thể do nhiều nguyên nhân: do mạch máu, do dùng thuốc có tác dụng phụ giữ nước như Prednisolone chẳng hạn, do chấn thương trong thể thao, do chấn thương đụng dập, do bệnh lý thận tiết niệu,...và cả do bệnh lý ký sinh trùng, trong đó có giun đầu gai, đặc biệt khi giun sán di chuyển lạc chỗ cũng có thể tạo ra các phản ứng viêm và gây sưng phồng ở mắt, mi mắt, chân, tay, gối, vú,...Xét nghiệm dương tính với giun đầu gai, bạn có thể xem thêm phần trả lời câu hỏi bên dưới. Nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu một số triệu chứng và tiêu chuẩn để hướng đến chẩn đoán để tránh các trường hợp điều trị bệnh không cần thiết vì hiện nay vấn đề bệnh giun sán đang rất “thời sự” và còn nhiều tranh luận về các vấn đề chẩn đoán cũng như điều trị. Do vậy, bạn cũng nên bình tĩnh và xem xét lại để được chẩn đoán cũng như điều trị chính xác, mang lại hiệu quả cao, phục hồi sức khỏe là điều chúng tôi muốn hướng đến.

Trước khi quyết định điều trị bệnh giun đầu gai, bạn nên xác định thật sự có bệnh hay không hay chỉ là các kết quả dương tính giả. Để trả lời câu hỏi như vậy, bạn hãy tự đánh dấu cho mình liệu có hay không các hình ảnh sau:

§Biểu hiện bệnh trên lâm sàng, bạn có triệu chứng của hệ thần kinh hay không (nhức đầu, yếu liệt chi, sợ ánh sáng,nôn mửa, buồn nôn,…), triệu chứng hệ tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đặc biệt đau vùng thượng vị và hố chậu phải), triệu chứng hô hấp (ho, khó thở, ngứa họng, tràn dịch hay tràn khí màng phổi,…), triệu chứng ngoài da, niêm mạc (có vết ban trườn, nổi u, cục, mảng dị ứng, ban đỏ từng đợt, ngứa, dị cảm, khó chịu),…

§Trong công thức máu toàn phần có trị số bạch cầu chung tăng cao? tăng lượng bạch cầu ái toan và phân số bạch cầu ái toan trong máu?;

§Phản ứng ELISA với Gnathostoma spp hay Gnathostoma spinigerum (+) với hiệu giá kháng thể ≥ 1/800 hay không, cần lưu ý về kết quả dương tính này có thể nhiễm chéo và dương tính giả với một số tác nhân giun tròn khác.
            Về điều trị, hiện nay chưa có phác đồ thuốc nào được xem là điều trị hiệu quả. Một số tác giả đưa ra kinh nghiệm cũng chỉ dùng nhóm albendazole, song liệu trình điều trị dài ngày (tối thiểu 21 ngày với liều 800mg/ ngày) có thể gây độc tính, nhất là độc tính mạn tính, kéo dài khá nguy hiểm. Chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân uống đến 126-168 viên Albendazole 400mg (nghĩa là 3-4 đợt) vẫn không hết bệnh nhưng lại chuyển sang bệnh lý rối loạn tiêu hóa và có vấn đề về dạ dày ruột. Hiệu quả điều trị của albendazole với giun đầu gai với liệu trình 21 ngày như trên, qua nhiều két quả nghiên cứu cho hiệu quả 85-92%, có nghĩa là không phải trường hợp nào cũng hết.

3. Le thi hoai phuong- banglangtim_py@yahoo.com.vn

Hỏi: Xin cho em hỏi muốn vào học Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn, Bình Định thì cần thi tuyển hay xét tuyển. Nếu thi tuyển thì sẽ thi những môn nào và khi nào thi? Khi nào em đậu tốt nghiêp rối mới mua hồ sơ và đăng ký thi phải không?

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, do thủ tục tuyển sinh cũng như xét tuyển vào các trường trung cấp mỗi năm mỗi khác, có sự thay đổi trong thủ tục cũng như một số vấn đề liên quan. Do vậy, chúng tôi xin mạn phép chuyển câu trả lời cho thầy giáo Trưởng khoa đào tạo của Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn là Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Văn Trung để bạn trao đổi chi tiết với thầy hơn.

Địa chỉ liên hệ của thầy Nguyễn Văn Trung: Ths.Bs. Nguyễn Văn Trung-Trưởng Khoa đào tạo- Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn.- Điện thoại: 056.3847726 hoặc số di động: 0913 442 429

Hy vọng bạn sẽ có được những thông tin đầy đủ nhất cho thủ tục thi vào Viện sắp đến.

4. Quách Đức Vinh- Số 6/ Kiệt 131 Phan Bội Châu, TP Huế- vinh01232000@yahoo.com

Hỏi: Anh em hiện đang bị bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus neoforman gây nên, tình hình bệnh rất khó khăn. Bệnh viện nào có thể chữa khỏi bệnh này. Có thể chữa trị được không, anh em có chế độ bảo hiểm, có giúp ích nhiều không thưa bác sĩ. Có khả năng khỏi bệnh được không? Mong bác sĩ tận tình phúc đáp. Em và gia đình rất chân thành cảm ơn bác sĩ.

Trả lời:
 

Trước hết, Viện chúng tôi rất cảm ơn bạn đã đặt niềm tin vào Viện để được tư vấn về bệnh của anh trai bạn. Bệnh viêm màng não do nấm-tác nhân Cryptococcus neoforman là một trong những bệnh khó chẩn đoán và điều trị, có khả năng để lại di chứng nặng. Cryptococcus neoforman gồm 3 biến thể khác nhau C. neoformans v. gattii, v. grubii, v. neoformans. C. neoformans v. gattii được phát hiện thường nhất ở vùng nhiệt đới, nhưng cũng có thể phát hiệt tại các vùng như như miền nam đảo Vancouver, Canada. Cryptococcus gattii gần đây cho thấy có nhiều khác biệt với các dưới loài (subspecies). Riêng C. neoformans v. grubiiv. neoformans có sự phân bố khắp thế giới, thường nằm trong đất ẩm và nhiễm bởi phân chim. Bộ gen của C. neoformans v. neoformans được công bố năm 2005. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nấm Cryptococcus neoformans có liên quan đến vụ Nhà máy hạt nhân Chernobyl.

 
Do bạn đang ở Huế, nên bạn có thể đưa anh đến điều trị tại BV Trung ương Huế, BV trường đại học y khoa Huế, hoặc nếu anh bạn đang ở xa, miền Trung thì bạn có thể đưa đến phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn chúng tôi, hoặc ở phía nam có Bệnh viện bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh; tại Hà Nội, có thể bạn đến Viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia. Việc điều trị khỏi hay không còn tùy thuộc vào mức độ của bệnh, thể trạng bệnh nhân, đặc biệt bệnh nền có sẵn trên cơ thể anh trai bạn không,...Bên cạnh đó, một số yếu tố góp phần làm nặng thêm bệnh, có thể cho biết tiên lượng như chỉ số bạch cầu
< 20/uL, tổn thương một số vị trí khác ngoài màng não, chỉ số glucose trong dịch não tủy thấp,…Viêm màng não do C. neoformans gọi là “Cryptococcus neoforman meningitis”, nhất là trên những cơ địa suy giảm miễn dịch rất dễ nhiễm loại nấm cơ hội này. Bệnh do nấm này dường như không ảnh hưởng đến hệ thần kinh trưng ương (CNS_Central nervous system), có thể điều trị bằng thuốc fluconazole đơn thuần.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số phác đồ điều trị viêm màng não do nấm này:

­Amphotericin B 0.7–1.0 (mg/kg)/ngày đường tĩnh mạch trong 2 tuần và flucytosine đường uống, liều 100 (mg/kg)/ngày (hoặc flucytosine 75 (mg/kg)/ngày đường tĩnh mạch nếu bệnh nhân không thể uống thuốc được). Tiếp theo đó, cho thêm thuốc fluconazole 200mg (đường uống) mỗi ngày trong 10 tuần và rồi 200 mg mỗi ngày cho đến khi số lượng bạch cầu CD4 của bệnh nhân trên 100 trong 3 tháng (nếu có nhiễm thêm virus HIV);

­Ambisome 4 (mg/kg)/ngày đường tĩnh mạch có thể dùng nhưng không phải là tốt nhất, người ta thuwngf sử dụng phác đồ này trên các bệnh nhân không dung nạp thuốc Amphotericin B. Liều 200 (mg/kg)/ngày của flucytosine không hiệu quả hơn và kèm nhiều tác dụng phụ đi kèm thì không nên sử dụng nữa;

­Tại châu Phi, liều của fluconazole là 200mg mỗi ngày được khuyến cáo. Tuy nhiên, liều này đã không chữa khỏi vì dường như chỉ đủ để ức chế nấm phát triển chứ không giết chết nấm, nấm sống sót lại có thể tiếp tục phát triển từ dịch não tủy bệnh nhân. Tăng liều lên fluconazole 400mg mỗi ngày không cải thiện hơn nhưng những dữ liệu sơ bộ cho biết từ Uganda cho biết liều cao 1200mg hoặc hơn có thể có hiệu quả. Thời gian điều trị và bảo tồn sau điều trị đến nay chưa rõ.

5. Tăng Cẩm Anh- camanht@hotmail.com, xã Bù Gia Mập, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước.

         Hỏi: Em có người thân đang bị mắc bệnh nhiễm nấm Cryptococcus spp. tại hệ thần kinh trung ương. Vậy xin các giáo sư và bác sĩ cho em biết biểu hiện các dấu hiệu của bệnh này là gì, em và gia đình xin cảm ơn.

             Trả lời: Nhân câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời một cách đầy đủ ở bệnh nhân nếu nhiễm nấm Cryptococcus sẽ biểu hiện triệu chứng lâm sàng có thể nhiều cơ quan khác nhau đồng thời hoặc trên từng cơ quan riêng lẻ. Về vị trí hoặc tiêu điểm nhiễm trùng (chẳng hạn phổi, hệ thần kinh trung ương, hoặc nhiễm nấm lan tỏa) có thể phần nào chỉ ra tiền sử bệnh của các bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng bệnh. Những yếu tố đặc biệt quan trọng bao gồm sự xuất hiện và cùng tồn tại với tình trạng suy giảm miễn dịch (đang dùng các thuốc steroid, đang có bệnh lý ác tính, hoặc đã cấp ghép tạng) hoặc nhiễm virus HIV. Một số yếu tố khác trong bệnh sử có liên quan đặc biệt đến cơ quan (ho, nhức đầu, rối loạn thần kinh và nổi ban đỏ ở da).

·Bệnh do nấm Cryptococcusở phổi (Pulmonary cryptococcosis)
 

oMô hình bệnh nấm này ở trên hệ hô hấp thay đổi khác nhau rất lớn, từ diễn tiến nhiễm nấm hoại sinh không có triệu chứng (asymptomatic saprophytic) đến diễn biến hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS_Acute respiratory distress syndrome), ảnh hưởng lên các đối tượng suy giảm hệ miễn dịch (ví dụ bệnh nhân AIDS, cấy ghép cơ quan). Đôi khi, bệnh cryptococcus tại phổi có thể diễn tiến chậm và chèn ép ngực như gây ra khó thở, hoặc ảnh hưởng đến tĩnh mạch chủ;

oMột bệnh nhân bị nhiễm nấm này tại phổi có thể biểu hiện từ nhẹ đến vừa, triệu chứng gồm sốt, suy nhược, ho, hiếm khi có đờm, đau ngực, hiếm khi ho ra máu. Một số dấu chứng hiếm khi gặp nhưng đặc hiệu là xuất hiện rale và tiếng cọ màng phổi . Tràn dịch màng phổi có thể có.

oDấu hình thành các bóng nước và bệnh ký hạch lympho hiếm gặp;

oSự calci hóa và xơ hóa phổi hoặc tạo xơ sợi không có xuất hiện;

oMặc dù nhiễm trùng mạn tính có thể diễn ra, song các bệnh nhân suy giảm miễn dịch thường có cơn tự phát cả về mặt lâm sàng lẫn trên X-quang;.

oTrong số các bệnh nhân có HIV (+) và có nhiễm nấm Cryptococcus ở phổi, thì có đến 5-25% số ca có ho và khó thở;

oHội chứng suy hô hấp có thể xảy ra ngay sau đó;

oBệnh lý phổi có thể diễn tiến nhanh trên các bệnh nhân này, đòi hỏi phải có liệu pháp chống nấm;

oBệnh lý phổi có thể diễn ra mà không có mặt bệnh lý ngoài phổi đi kèm. Ngược lại bệnh lý ngoài phổi (như viêm màng não) có thể tiến triển trong khi không thấy tổn thương phổi;

  • Bệnh do nấm Cryptococcus tại hệ thần kinh trung ương (CNS cryptococcosis)

oViêm màng não và viêm não-màng não là các đặc điểm hay gặp nhất và biểu hiện dưới dạng bán cấp hoặc diễn tiến mạn tính một cách tự nhiên;

oHình thức nhiễm trùng này có thể gần như đưa đến tử vong nếu không điều trị kịp thời, tử vong thường xảy ra từ 2 tuần đến vài năm sau khi biểu hiện triệu chứng đầu tiên;

oTriệu chứng lâm sàng và thời gian viêm màng não khác nhau, liên quan đến bệnh lý nền đi kèm (tiểu đường, bệnh nhân đang dùng thuốc glucocorticoides) và tình trạng miễn dịch của bệnh nhân khi đó;

oTriệu chứng thường gặp nhất là nhức đầu và thay đổi trạng thái tâm thần kinh, gồm có thay đổi nhân cách, lú lẫn, thờ ơ, ngủ lịm, hôn mê;

oBuồn nôn, nôn mửa rất hay gặp; sốt và cứng cổ ít gặp hơn;

oMột số bệnh nhân có HIV (+) có thể biểu hiện ít triệu chứng hoặc không đặc hiệu Các bệnh nhân thường không sốt hoặc có tăng thân nhiệt nh;

oTriệu chứng còn gồm cả nhìn mờ, sợ ánh sáng, song thị xảy ra sau khi viêm màng nhện (arachnoiditis), phù gai thị (papilledema), viêm dây thần kinh vận nhãn và viêm mạch võng mạc (chorioretinitis);

oCác xét nghiệm khác bao gồm giảm thính lực, cơn co giật, động kinh, thất điều, không nói được;

oSa sút trí tuệ là một hậu quả di chứng tiềm tàng. Gây não úng thủy là một biến chứng muộn của loại nhiễm nấm này.

  • Bệnh Cryptococcus tại các cơ quan khác

oSau nhiễm trùng ở phổi và hệ thần kinh trung ương, kế đến vị trí thường gặp nhất là bệnh nấm lan tỏa đến da, tuyến tiền liệt, khoang tủy của các xương thân mình;

oĐặc điểm ở da niêm chiếm khoảng 10-15% số ca và thường có xuất hiện các bóng nước, nốt, mụn mủ, vết loét hoặc các xoang viêm nhiễm có dò chảy dịch;

oCác mụn nước lõm hình rốn trên các bệnh nhân AIDS có thể đi kèm với nốt u mềm lây;

oViêm mô tế bào do hoại tử mạch cũng đã đựợc báo cáo trong y văn trên các bệnh nhân ghép tạng;

oTổn thương xương khoảng 5-10% số ca, thường là dạng phân hủy xương đi kèm abces lạnh. Các tổn thương này có thể dễ nhầm với lao và các khối tân sinh khác;

oCác dạng nhiễm nấm khác hiếm gặp hơn như:
 

§Viêm cơ tim

§Viêm mạch võng mạc

§Viêm gan

§Viêm phúc mạc

§Khối abces thận

§Viêm tuyến tiền liệt

§Viêm cơ

§Viêm cả tuyến thượng thận

 
Hy vọng phần trả lời trên của chúng tôi sẽ giúp bạn nắm bắt các triệu chứng một cách đầy đủ, đặc biệt thể bệnh ở hệ thần kinh trung ương và giúp người thân của bạn sớm điều trị có hiệu quả.

6. Tống Ngọc Lâm-srnt.dpdaknong@gmail.com-01689600849

Hỏi: Khi nhập xong số liệu phần xét nghiệm trên phần mềm quản lý sốt rét MMS. Ghi lại số liệu, báo lỗi.

Trả lời: thân chào bạn Lâm, một đồng nghiệp trong chuyên ngành sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng với chúng tôi. Trước hết, chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe và thành đạt. Với câu hỏi của bạn, liên quan đến phần mềm MMS - là một phần mềm do Khoa Dịch tễ Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn và Công ty phần mềm Quảng Ích cùng xây dựng và đưa vào hoạt động trong vài năm qua. Trong quá trình thực hiện, bạn đang có vấn đề trong khâu ghi lại số liệu bị báo lỗi, xin bạn vui lòng liên hệ với Tiến sĩ Hồ Văn Hoàng, Phó viện trưởng-trưởng khoa Dịch tễ hoặc một số cán bộ chuyên trách chính về phần mềm này (thuộc khoa Dịch tễ) sẽ được hướng dẫn chi tiết, giải quyết vấn đề.

Lần nữa, thân chúc bạn sẽ mau khắc phục được sự cố.

7. Ngô Phương Nhã- ngophuongnha82@yahoo.com- xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An

Hỏi: Đầu tháng 3 năm 2009, em đi xét nghiệm giun đầu gai do Gnathostoma spinigerum ở cơ sở 2 của trường ĐH Y dược Tp. Hồ Chí Minh. Kết quả dương tính ở ngưỡng 1/400. Trước đó, em có đi xét nghiệm máu kết quả xét nghiệm bạch cầu eosin có tăng 9% và dương tính với Helicobacter pylori. Em đang điều trị bệnh viêm dạ dày (có triệu chứng ợ hơi, đau bụng, gây cảm giác chán ăn). Da em thỉnh thoảng nổi mẫn ngứa, đỏ như bị côn trùng chích. Em cao khoảng 1m64, nặng 47kg. Vậy xin hỏi em có cần phải điều trị không hay chỉ trong giai đoạn theo dõi bệnh. Vì em đi khám ở một số phòng khám tư được các Bác sĩ tư vấn là nên theo dõi bệnh trong 3 tháng.

Trả lời:Trước tiên, chúng tôi xin chia sẻ nỗi băn khăn lo lắng của bạn.
 

Trong thư bạn nêu rằng đi xét nghiệm cho biết kết quả xét nghiệm nhiễm giun đầu gai Gnathostoma spinigerum với hiệu giá kháng thể 1/400, bạch cầu eosin là 9% (trung bình ở người, tỷ lệ bạch cầu eosin là 1 - 4%) và xét nghiệm vi khuẩn thông qua nội soi dạ dày tá tràng có Helicobacter pylori (+). Chúng tôi rất tán đồng với ý kiến của các bác sĩ đã khám và đưa ra lời khuyên cho bạn là nên theo dõi và cũng nên xét nghiệm trở lại sau mỗi 3 tháng, chứ khoan điều trị. Với kết quả như trên, thì không đủ ngưỡng để kết luận là dương tính thật sự (phải có hiệu giá ≥ 1/800 trở lên mới xem là dương tính). Bên cạnh đó, xét nghiệm Gnathostoma spp (+) không hẳn luôn luôn là bệnh vì có thể phản ứng chéo với một số loại giun tròn đường ruột khác hoặc đây chỉ là dương tính giả (vì các bộ chẩn đoán phát hiện kháng thể kháng ký sinh trùng hiện nay đang sử dụng tại phần lớn các cơ sở điều trị đều điều chế hoặc chiết từ kháng nguyên thân nên tỷ lệ dương tính chéo là không nhỏ).

Về tỷ lệ bạch cầu eosin tăng 9% có thể hoặc không hẳn đã do nhiễm ký sinh trùng Gnathostoma spinigerum , vì thực tế lâm sàng tỷ lệ loại bạch cầu này tăng có thể do bạn nhiễm nhiều loại giun sán khác nhau (có thể là giun đũa, giun móc, sán lá gan, sán máng,...). Mặt khác, trên lâm sàng bạn chỉ nêu là thỉnh thoảng có triệu chứng ngứa và không kèm theo triệu chứng nào khác thì chưa đủ kết luận là do tác nhân ký sinh trùng trên vì ngứa thì có nguyên do vô vàn (bệnh về da, bệnh về vi rút, bệnh về vi khuẩn, bệnh rối loạn sắc tố, bệnh lý gan mật, do tiếp xúc với các dị nguyên, ...). Do vậy, trước khi xác định đây thật sự có mắc bệnh hay không thì phải hội đủ nhiều yếu tố:

[1] Trên lâm sàng có triệu chứng của hệ thần kinh hay không (nhức đầu, yếu liệt, sợ ánh sáng, …), triệu chứng tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đặc biệt đau vùng thượng vị và hố chậu phải), triệu chứng hô hấp (ho, khó thở, hắt xì, ngứa họng, tràn dịch hay tràn khí màng phổi,…), triệu chứng ngoài da, niêm mạc (có vết ban trườn, nổi u, cục, ban đỏ từng đợt, ngứa, dị cảm, khó chịu),…

[2] Công thức máu có số bạch cầu chung tăng cao, tăng lượng bạch cầu ái toan;

[3] phản ứng ELISA với Gnathostoma spp hay Gnathostoma spinigerum dương tính.

            Em cao 1.64m và nặng 47kg, nói chung cơ thể hơi gầy, có thể do hậu quả bạn bị bệnh lý tiêu hóa, không ăn uống được và mất ngủ chăng (?). Kết quả xét nghiệm H.pylori (+) kèm theo các triệu chứng điển hình của một trường hợp loét tiêu hóa và bạn đang điều trị theo hướng này là hoàn toàn hợp lý và phải kéo dài liệu trình điều trị ít nhất 4 tuần, sau đó nên đi khám và kiểm tra lại xét nghiệm. Nói tóm lại, với kết quả xét nghiệm giun sán trên chúng tôi khuyên bạn tiếp tục theo dõi và cứ mỗi 3 tháng nên xét nghiệm trở lại để lần nữa khẳng định chẩn đoán.

Thân chúc bạn khỏe và đạt nhiều thành công trong cuộc sống.

 
8. le minh khue- anglelyly_1993@yahoo.com- 166, ấp Xẻo Gừa xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng

Hỏi: bệnh sốt rét có phải là do nhiễm virus không?

 
muỗi Anopheles

 
Plasmodium falciparum

Trả lời: Chúng tôi xin trả lời bạn rằng, bệnh sốt rét không phải là bệnh do nhiễm virus. Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do vector truyền, đây là một bệnh do tác nhân ký sinh trùng sốt rét (malaria parasite) hay đơn bào sốt rét (malaria protozoan) thông qua muỗi sốt rét loại Anopheles đốt người và đưa mầm bệnh vào cơ thể người (theo chu kỳ trong hình dưới đây). Sốt rét hiện vẫn đang là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất, ký sinh trùng sốt rét gồm có Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium ovale, Plasmodium malariae. Trong đó, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, cơ cấu ký sinh trùng hay gặp nhất loại Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax và một tỷ lệ nhỏ loại Plasmodium malariae. Thân chúc bạn khỏe!

9. Nguyễn Thị Khuê- khuetf@gmail.com-

Hỏi: Em xin chào ban biên tập web Viện sốt rét KST-Côn trùng Quy Nhơn. Lần trước em có hỏi tài liệu về loài giun móc chó và được Viện trả lời, em xin chân thành cảm ơn. Nay em muốn hỏi: sơ đồ phả hệ của họ Ancylostoma, trong họ đó có những loài nào? em muốn hỏi thêm về đặc điểm hình thái của loài Ancylostoma ceylanicum. Anh chị có thể trình bày cho các cách xét nghiệm phân để tìm kiếm giun móc. Phương pháp willis là gì?. Em xin chân thành cảm ơn! Em chúc trang web của Viện ngày càng phát triển.

Trả lời: Một lần nữa chân thành cảm ơn bạn đã đặt niềm tin vào Viện để được tư vấn thêm câu hỏi thứ 2 về sơ đồ phả hệ của Ancylostoma, trong họ đó có những loài nào? Một số đặc điểm hình thái của loài Ancylostoma ceylanicum. Chúng tôi xin giới thiệu bạn một số trang thông tin và kết quả nghiên cứu về bộ gen và sơ đồ phả hệ của loài Ancylostoma ceylanicun này:

-M Hu, NB Chilton, RB Gasser (2002) The mitochondrial genomes of the human hookworms, Ancylostoma duodenale and Necator americ.  Int J Parasitol 32: 145-58.

-Rebecca J. Traub, Ian D. Robertson, Peter Irwin et al., (2004). Application of a species-specific PCR-RFLP to identify Ancylostoma eggs directly from canine faeces. Veterinary Parasitology. Volume 123, Issues 3-4, pages 245-255.

-Neil B. Chilton, Florence Huby-Chilton et al.,(2006). The evolutionary origins of nematodes within the order Strongylida are related to predilection sites within hosts. Molecular Phylogenetics and Evolution. Volume 40, Issue 1, pages 118-128

-Philippe Gaubert, Pedro C Estreia (2006). Phylogenetic systematics and tempo of evolution of the Viverrinae (Mammalia, Carnivora, Viverridae) within feliformians: Implications for faunal exchanges between Asia and Africa. Molecular Phylogenetics and Evolution, Vol. 41, pp. 266-278.

-Brindley, P. J (2007). Genes and genomes of Necator americanus and related hookworms. International Journal for Parasitology.

-http://www.mitochondrial.net/

-http://www.cababstractsplus.org

-http://www.sciencedirect.com

-http://www.citeulike.org/

          Về phần các phương pháp xét nghiệm giun móc và phương pháp Willis như thế nào. Chúng tôi xin đưa ra như sau: hiện nay có khá nhiều phương pháp để xét nghiệm phát hiện trứng hoặc thể trưởng thành của giun, sán và đơn bào khác nhau, trong đó có phương pháp của Willis (phương pháp nổi Brine flotation methods) như trong mail bạn đề cập. Nhằm giúp bạn biết tất cả các phương pháp cũng như quy trình làm các xét nghiemẹ này, chúng tôi gợi ý cho bạn một số trang thông tin liên quan:

+Kan-Chua SP. Comparison of MgSO4-brine flotation method and Kato thick smear method for detection of helminth eggs. http://www.popline.org/

+http://www.tpub.com/content/armymedical/MD0841/MD08410081.htm (có đề cập quy trình đầy đủ bên trong trang này)

+CILEK Emin Cafer .Beneficiation of borax by reverse flotation in boron saturated brine. http://cat.inist.fr

+http://era.dpi.qld.gov.au/449/. The effect of water, brine and ethanol flotation o­n the quality and shelf life of macadamia kernels. I. Whole kernels.

+W. Blagg, E. L. Schloegel, N. S. Mansour AND G. I. Khalaf. A New Concentration Technic for the Demonstration of Protozoa and Helminth Eggs in Feces. The American Society of Tropical Medicine and Hygiene. http://www.ajtmh.org/cgi/content/abstract/4/1/23

+http://books.google.com.vn. Advances in Flotation Technology

Thân chúc bạn sẽ tìm được các tài liệu và thông tin như ý!

10. Doan dang khoa alwaylovesyou_dangkhoa@yahoo.com.vn - duc lan, mo duc, quang ngai.

Hỏi: Trùng sốt rét có những đặc điểm gì thích nghi với lối sống kí sinh? Khi xâm nhập vào cơ thể, trùng sốt rét gây những bệnh như thế nào?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã đặt một câu hỏi khá thú vị về lối sống ký sinh và hiện tượng ký sinh của ký sinh trùng sốt rét, nhân đây chúng tôi xin trả lời một cách tổng quát như sau :

 
Ký sinh trùng sốt rét cũng không khác so với các đặc trưng về kiểu sống cộng sinh của các ký sinh trùng khác. Là một mối quan hệ cộng sinh (
symbiotic relationship) giữa 2 sinh vật khác nhau. Nói chung, ký sinh trùng nhỏ hơn vật chủ gấp nhiều lần (chẳng hạn ký sinh trùng sốt rét và vật chủ người), cho thấy một sự khác biệt rất lớn về phương thức sống, sinh sản nhanh hơn và số lượng sản sinh vô cùng lớn so với vật chủ. Một trong những ví dụ kinh điển về lối sống ký sinh là những tương tác qua lại giữa các vật chủ có xương sống và các động vật khác nhau như các laòi sán dây, sán lá, loài Plasmodiumvà con ghẻ. Thuật ngữ “Parasitism” (hiện tượng ký sinh) khác với thuật ngữ “Parasitoidism” (hiện tượng aaus trùng ký sinh), một mối liên quan mà trong đó vật chủ luôn bị giết bởi các ký sinh trùng như bướm, ruổi, sâu bướm và một số khác.

 
Bất lợi và lợi ích của mối tương tác ký sinh trùng liên quan đến phù hợp quy luật sinh học của các vi sinh vật. Những ký sinh trùng làm giảm sự phù hợp của vật chủ theo nhiều hướng, thay đổi bệnh học từ đặc trứng cho đến chung chung, suy giảm đặc tính sinh dục thứ phát, thay đổi hành của vật chủ. Các ký sinh trùng tăng thích nghi nhờ vào lợi dụng thức ăn, thói quen và sự phân tán của vật chủ. Mặc dù, khái niệm “Parasitism” được áp dụng rất rõ ràng trong nhiều ca, và nó được xem là một chuỗi liên tục các loại tương tác giữa các loài. Trong nhiều trường hợp, thật khó để trình bày và kết luận vật chủ là có hại. Trong một số trường hợp khác, sự tương tác giữa các sinh vật khác có thể sống trong thời gian ngắn. Về mặt y học, chỉ những vi sinh vật có nhân điển hình (
eukaryotic) được xem là các ký sinh trùng, khác với virus và vi khuẩn. Tuy nhiên, một số ngành sinh học, thì một số thành viên nhóm này xem như ký sinh trùng.

Bệnh sốt rét: sự phối hợp giữa ký sinh trùng, trung gian truyền bệnh và vật chủ : Ký sinh trùng đòi hỏi có vật chủ đặc biệt là con người và muỗi sốt rét để hoàn thành chu kỳ của chúng. Một khi chúng đã ở trong cơ thể người, ký sinh trùng phát triển và nhân lên, gây ra giai đoạn gồm các triệu chứng giống cúm, bao gồm: sốt, đau đầu, rét run. Trong quá trình đó, ký sinh trùng phá hủy tế bào hồng cầu, có thể gây tử vong do thiếu máu nặng cũng như có hiện tượng ẩn cư của ký sinh trùng và hồng cầu nhiễm bên trong các mao mạch và các cơ quan sống còn, dẫn đến tắc nghẽn, hoại tử. Loại ký sinh trùng gây chết người nghiêm trọng nhất là Plasmodium falciparum, và hiện nay loài này được truyền bởi muỗi Anopheles gambiae. Bộ gen của người, muỗi và ký sinh trùng gần đây cũng đã được giải mã xong, hy vọng các thông tin sẽ chỉ ra một hướng mới trong điều chế vaccine, hướng điều trị và khả năng loại trừ bệnh sốt rét.

Khi xâm nhập vào cơ thể, ký sinh trùng sốt rét có thể gây bệnh, thông qua biểu hiện một số triệu chứng như sốt rét run, vả mồ hôi; ký sinh trùng đến các tạng gây nên các biến chứng và các thể bệnh khác nhau như sốt rét ác tính thể não, sốt rét ác tính thể suy thận cấp, đái huyết sắc tố, suy gan mật, trụy tuần hoàn, gan lách to, thiếu máu, rối loạn điện giải, hạ đường huyết, suy hô hấp, co giật, động kinh, rối loạn tam thần kinh, hôn mê, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết da niêm mạc,...; nếu trên phụ nữ mang thai mà mắc sốt rét có thể gây sẩy thai, đẻ non, thiếu máu nặng,...

Và điều đặc biệt lưu ý là giữa các triệu chứng nặng của sốt rét trên trẻ em và người lớn thay đổi rất khác nhau; các bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét đều có thể diễn tiến cấp tính à nặng và có biến chứng, thậm chí đe dọa tử vong hoặc tử vong.

11. Lê Tuấn Hạnh, letuanhanh@yahoo.com, Hàm Tân, Binh Thuận

Hỏi: Em là một sinh viên y khoa vừa tốt nghiệp tại đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang công tác tại một bệnh viện tư nhân ở Bình Thuận, trong quá trình làm việc em gặp nhiều ca bệnh có sốt (giống sốt rét) nhưng một số không rõ nguyên nhân như thế nào và cũng rất khó khăn trong chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân gây sốt khác. Xin các bác sĩ ở Viện Sốt rét Quy Nhơn giúp em một sơ đồ tổng quát nhất để vận dụng trong công tác hàng ngày. Em chân thành cảm ơn!

Trả lời: xin chào đồng nghiệp, về câu hỏi của bạn có hai vấn đề đặt ra. Quả thật, nhiều chuyên gia đầu ngành nội, nhi khoa và truyền nhiễm nhiều khi cũng không thể lý giải khi đứng trước một bệnh nhân có sốt, nếu như không có chỉ điểm nhiễm trùng hoặc không liên hệ được vùng dịch tễ thì lại càng khó hơn. Với thông tin chúng tôi có đựợc hiện nay, chúng tôi xin chia sẻ với bạn liên quan đến 2 nội dung bạn đề cập:

·Một số ca chỉ còn nghĩ đến một khái niệm “sốt không rõ nguyên nhân”

Sốt không rõ nguyên nhân có thể biểu hiện dưới hai dạng khác nhau về mặt lâm sàng và thời gian xuất hiện và kéo dài hay không? Xuất hiện từng đợt hay dai dẳng (periodic and persistent). Sốt không rõ nguyên nhân được mô tả bằng một số thuật ngữ khác nhau trong y văn. Trong hầu hết các định nghĩa cổ điển, Petersdorf và Beeson (1961) định nghĩa FUO ở người lớn là một tình trạng sốt kéo dài từ 3 tuần trở lên, nhiệt độ cơ thể > 101° F trong một số trường hợp và chẩn đoán chưa chắc chắn sau khi đánh giá tổng thể tại bệnh viện trong vòng 1 tuần. Năm 1968, Dechovitz và Moffett định nghĩa FUO như là sốt kéo dài trong 2 tuần mà không được xác định chẩn đoán là do nguyên nhân gì. Các định nghĩa này mặc dù vẫn còn áp dụng, có thể không còn hữu ích trong đánh giá các bệnh nhi trên điều kiện lâm sàng nhi khoa hiện tại.Việc tăng cường các bộ test chẩn đoán không sẵn có để hỗ trợ cho việc xác định định nghĩa FUO làm thay đổi đáng kể việc tiếp cận và chẩn đoán cho những bệnh nhân sốt kéo dài. Ngoài ra, nhiều ca bệnh được chẩn đoán như FUO trước đây thì nay đuowjc xác định sớm bệnh hơn cũng một phần nhờ các thiết bị đó. Liên quan lớn nhất trong đánh giá FUO là làm thế nào để các bênh nhân được xác định có sốt nặng hoặc mắc một bệnh lý de dọa tính mạng mà chậm chẩn đoán có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Nắm vững các khía cạnh về sốt ở bệnh nhi do tác giả Kathryn Edwards thuộc đại học Vanderbilt, Nashville, Tennessee đưa ra. Sử dụng một loạt ca bệnh lâm sàng thật sự đã gặp phải trong thực tiễn bệnh viện của các bệnh nhân sốt dai dẳng hoặc sốt tái hồi (persistent and recurrent fever), tác giả này thảo luận về các hội chứng sốt từng đợt quan trọng nhất, nhấn mạnh nhu cầu các thầy thuốc lâm sàng phải hiểu biết và nắm rõ quy trình giám sát và quản lý các ca bệnh như thế. Trong đó cũng chỉ ra các tiếp cận ban đầu với bất kỳ bệnh nhân nào có tiền sử sốt kéo dài và từ đó đưa ra mô hình của từng trường hợp. Tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe từ cha mẹ về sốt để đảm bảo rằng tất cả mọi trẻ đều biết rõ khoảng thân nhiệt bình thường sẽ khác nhau tùy thuộc mỗi cá nhân. Tiến sỹ Edwards bắt đầu bài tổng quan của mình về FUO, nhắc lại cho tất cả mọi người rằng phần lớn trường hợp FUO do nhiễm trùng. Ngược lại, với bệnh nhân người lớn thì bệnh nhi ít có các bệnh lý ác tính hoặc bệnh lý tự miễn để dẫn đến sốt kéo dài. Hầu hết các nhà nghiên cứu xác định được bệnh nhiễm trùng như là các nguyên do thường gặp nhất của FUO, ở bất cứ nơi đâu, từ 30%-70% số trường hợp. chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân nhiễm trùng tiềm tàng của FUO thật sự có phạm vi rất rộng. Nhiễm Epstein-Barr virus (EBV) không có triệu chứng của một bệnh tăng bạch cầu đơn nhân được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu của FUO tại nhiều ca bệnh. Cần lưu ý nhiễm EBV ở trẻ em < 6 tuổi điển hình là không óc triệu chứng nhưng có dấu hiệu tăng bạch cầu đơn nhân. Viêm tủy xương của hệ xương cơ thể và thân mình hoặc bệnh lý mèo cào có gan lách to cũng nằm trong số các chẩn đoán chính liên quan đến FUO trẻ em. Khai thác tiền sử phơi nhiễm và đi du lịch sẽ rất cần thiết để thiết lập các chẩn đoán phân biệt khác nhau. Nhiều bệnh dịch lưu hành đến những vùng trên thế giới (thương hàn, lao, sốt rét) hoặc một số quốc gia (bệnh Lyme, bệnh Ehrlich, nhiễm nấm blastomycose, tularemia, histoplasmose,…). Phơi nhiễm với các vật cưng hoặc động vật hoang dại cũng có thể góp phần quan trọng cho chẩn đoán (bệnh mèo cào, brucellose, leptospirose, salmonellose, tularemia, ấu trùng di chuyển trong tạng).

Ngoài ra, tập trung được các tiền sử phơi nhiễm bệnh, chú trọng đến nhiễm trùng tại chỗ xem như là một nguyên nhân của FUO. Nhiễm trùng tiết niệu, viêm xoang, viêm tai xương chủm hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương là một số bệnh hay gặp của dạng FUO. Theo tiến sỹ Edwards thì các thầy thuốc lâm sàng phải hiểu rõ có một tỷ lệ rất lớn trẻ em bị FUO, một chẩn đoán sẽ không nhận ra mặc dù một loạt các xét nghiệm huyết thành học và vi trùng học được tiến hành và sàng lọc. Rất ít trẻ em rơi vào tình trạng bệnh có tính chất đe dọa tính mạng, nên việc tiếp cận, khám từng đợt và điều tra bệnh sử tỷ mỉ sẽ giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán. Trong phần lớn các ca, sốt sẽ được giải quyết mà không để lại di chứng, các thử nghiệm cận lâm sàng sẽ giúp công tác đánh giá tốt hơn.

Sốt từng đợt

Tác giả Edwards tổng hợp các hình thái lâm sàng của các tình trạng rối loạn viêm không lây nhiễm mà gây ra biểu hiện trên lâm sàng là sốt từng đợt hay theo chu kỳ. sốt theo chu kỳ được xác định là cơn sốt tái đi tái lại kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, biểu hiện các triệu chứng không theo khoảng cách. Mặc dù mô hình sốt này có thể do tình trạng nhiễm trùng tái hồi hoặc rối loạn tân sinh. Nhìn chung thuật ngữ như thế khó phân biệt và áp dụng mọi tình huống. Hội chứng sốt theo chu kỳ quan trọng nhất được xác định là bao gồm sốt chu kỳ, viêm miệng áp tơ, viêm họng và viêm hạch (PFAPA_periodic fever, aphthous stomatitis, pharyngitis, and adenitis), sốt Địa trung hải có tính gia đình (familial Mediterranean fever), hội chứng tăng IgD (hyper-IgD syndrome_ HIDS) và hội chứng sốt chu kỳ liên quan đến yếu tố hoại tử khối u hay còn gọi là hội chứng hibernian có tính gia đình (familial Hibernian syndrome).

Hội chứng PFAPA

Năm 1989, Kenneth Thomas và cộng sự đặt ra cụm từ PFAPA để mô tả những bênh nhân có các chỉ điểm thường gặp của sốt có chu kỳ là viêm miệng, viêm hạch cổ, viêm hầu họng. Các đặc điểm bổ sung thêm cũng được báo cáo gồm suy nhược, đau đầu, đau khớp, đau bụng, nôn mửa và gan lách to. Đặc điểm lâm sàng của hội chứng PFAPA gồm các giai đoạn sốt (cao hơn 39° C) kéo dài 2-8 ngày với khoảng cách xuất hiện 2-9 tuần (thông thường là 4 tuần). Tuổi mắc bệnh trung bình 6 tháng đến 7 tuổi (TB: 2.8 tuổi). Viêm miệng áp tơ, viêm hạch cổ, viêm hầu họng có mặt trong 70-80% số ca. Các xét nghiệm cận lâm sàng không đặc hiệu với chỉ số bạch cầu từ 2000-7.000 và tốc độ lắng máu từ 5-190 mm/h qua một số báo cáo ở bệnh nhân. Hai đặc điểm chính cần chú ý và phân biệt với PFAPA đã nêu ra ở đây:

[1] Cơn sốt có tính chu kỳ đều đặn;

[2] Sức khỏe của trẻ giữa các khoảng cách đều rất tốt.

Nguyên nhân của hội chứng PFAPA vẫn chưa được biết rõ. Chúng tồn tại trong nhiều năm và tái xuất hiện đều đặn. Kháng sinh, thuốc chống viên không steroides, acetaminophen có hiệu uqả rất giới hạn. Một liệu trình ngắn ngày thuốc steroid (prednisone hoặc prednisolone liều 1-2 mg/kg/ngày trong 1-2 ngày) dường như có hiệu quả cao trong việc làm giảm bớt số chu kỳ, một số bênh nhân khác thì đòi hỏi phải dùng liều dài ngày hơn. Điều trị bằng cimetidine như một chất điều hòa miễn dịch (150mg mỗi ngày trong 6 tháng) đã thử dùng ở một số bệnh nhân. Theo dõi một cách thận trọng, tiến sỹ Edwards đã lưu ý rằng có một tỷ lệ lớn bệnh nhân bị mắc hội chứng PFAPA đã phải đi cắt amidan để giải quyết triệu chứng. Tuy nhiên, quy trình không thể khuyến cáo áp dụng như một cách điều trị thường quy, vì cơ chế tác động không được hiểu rõ.

Hội chứng sốt chu kỳ có liên quan đến các receptor của yếu tố hoại tử khối u (Tumor Necrosis Factor (TNF)-Receptor-Associated Periodic Syndrome)

  Hội chứng này là một bệnh lý gen trội trên nhiễm sắc thể thường được mô tả lần đầu tiên ở gia đình tại Irish/Scottish năm 1982 và sau đó đặt tên là sốt Hibernian có tính gia đình (familial Hibernian fever). Một trường hợp khác đuowjc báo cáo cũng biểu hiện sốt có tính chu kỳ được mô tả tại một gia đình người Úc dòng dõi Scottish. Tiếp đó, vào năm 1998, gen cũng được giải mã cho biết cùng bị trên nhiễm sắc thể, từ đó các nhà khoa học hiểu thêm về hội chứng này.

Gen mang bệnh liên kết với một locus trên nhánh ngắn của nhiễm sắc thể số 12. Locus này chứa gen mã hóa cho một trong số receptor của TNF, protein p55. Các đột biến liên quan đến vùng này có thể giải thích cho sự tăng tính cảm nhiễm giữa các receptor với bạch cầu đơn nhân và bạch cầu đa nhân, điều này có thể dẫn đến phản ứng tăng nhiễm viêm quá mức kiểm soát và cơn sốt tái diễn. Các bệnh nhân bị hội chứng này có cơn sốt tái hồi, điển hình kéo dài 1 hay nhiều ngày, có trường hợp kéo dài hơn, liên đới đến đau cơ và ban vòng đau nhức. Triệu chứng đau cơ có mặt trong 80% số ca, đau liên quan đến nhóm cơ đơn và sau đó di chuyển sang các cơ khác. Hơn 60% bệnh nhân có các dát đỏ và mảng phù nề trên da do thâm nhiễm bạch cầu monocyte ngoại mạch (perivascular monocyte infiltrates). Một số triẹu chứng khác như đau bụng, viêm kết mạc và phù mi mắt.

Các bệnh nhân ban đầu đáp ứng tốt với liệu pháp corticosteroids liều cao (>20 mg). Đáp ứng giảm theo thời gian và tăng liều là việc cần thiết và nên theo dõi cẩn thận. Etanercept-một loại ức chế TNF-alpha, là thuốc lựa chọn đầy hứa hẹn trong điều trị tình trạng này.

 
Nói tóm lại, các thầy thuốc lâm sàng nên nắm bắt tổng thể các bệnh có thể gây nên tình trạng sốt không rõ nguyên nhân. Nếu không có nguyên nhân được xác định, nên khám lại và kiên nhẫn để tiếp cận chẩn đoán tốt nhất. Trong một số ca, quá trình tiến triển bệnh thấp hoặc có thể ngụy trang dưới một bệnh lý khớp. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân sốt cũng được giải quyết mà chúng ta không hề biết nguyên nhân gì. Trong trường hợp sốt chu kỳ, nếu tất cả 4 hội chứng đều loại trừ thì cơ hội để chúng ta thiết lập chẩn đoán được là rất nhỏ, nghĩa là rất khó xác định nguyên nhân, đồng nghĩa với điều trị mù tăng cao.

·Liên quan đến việc chẩn đoán phân biệt giữa các nguyên nhân khác nhau, chúng tôi xin mượn một sơ đồ chẩn đoán của các tác giả Mỹ giới thiệu cho bạn trong cuốn Current Medical Diagnosis and Treatment, 2008 như dưới đây:

Hy vong với phần trả lời và sẻ chia thông tin liên quan của chúng tôi đến với bạn sẽ giúp bạn có thể làm tài liệu tham khảo. Thân chúc bạn khỏe và phục vụ tốt trong công tác chăm sóc sức khỏe.

 

Ngày 19/05/2009
TS.Triệu Nguyên Trung và Ths.Huỳnh Hồng Quang
Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích