|
Nghệ sĩ ưu tú Y Moan(Ảnh: Võ Thanh Tuấn) |
Nghệ sĩ ưu tú Y Moan và tình yêu rực lửa với núi rừng Tây Nguyên
Nghệ sĩ ưu tú Y Moan-Đoàn Nghệ thuật biểu diễn tỉnh Đắc Lăk luôn nổi tiếng với những ca khúc sôi nổi và đậm đà bản sắc của núi rừng Tây Nguyên hoang sơ và hùng vĩ, đó cũng là tấm lòng và tâm huyết của anh với đồng bào dân tộc Ê Đê nói riêng và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Vài nét về cuộc đời Nghệ sĩ ưu tú Y Moan Nghệ sĩ Y Moan sống ở buôn Dhă Prông-phường Tân Lợi-thành phố Ban Mê Thuột-tỉnh Đăk Lăk, năng khiếu nghệ thuật của anh xuất hiện từ thơ ấu khi suốt ngày chỉ làm bạn với rừng, với núi và với chim muông để từ đó những vũ khúc của núi rừng cứ thấm dần trong anh lúc nào không biết. Từng con suối, từng tảng đá, từng cánh hoa e ấp nở đã dần hình thành trong anh một tình yêu đối với núi rừng, nương rẫy và anh muốn cất cao tiếng hát hòa cùng âm vang của núi rừng cùng những điệu múa, điệu hát dân gian mà anh tiếp thu được từ văn nghệ truyền thống của buôn làng; tiếng đàn, giọng hát của anh đã trở thành bài ca ca ngợi quê hương trong những đêm cao nguyên cháy đỏ. Năm 1979 mặt trận biên giới Tây Nam trở nên nóng bỏng, mặc dù giọng hát đã thành danh nhưng anh vẫn tình nguyện lên đường chiến đấu để bảo vệ cuộc sống bình yên của bản làng, tại chiến trường anh tiếp tục đem lời ca tiếng hát của mình như là một vũ khí đắc lực để cổ động tinh thần chiến đấu cho đồng đội. Khi tiếng súng tạm yên anh được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội và đây cũng chính là bước ngoặt cuộc đời nghệ sĩ của anh, tại Nhạc viện anh đã gặp được người thầy của mình là nhạc sĩ Nguyễn Cường-người đã phát hiện ra được Tây Nguyên hùng vĩ trong con người anh và phát triển anh theo đúng thiên hướng của mình. Từ đó nền âm nhạc Việt Nam đã có tên Y Moan với những bài dân ca Tây Nguyên, những bài hát viết về Tây Nguyên đã được anh xử lý với một chất giọng khỏe, vừa hừng hực cháy bỏng vừa sâu lắng nhẹ nhàng. Không dừng ở đó, anh vẫn miệt mài lao vào học tập, nghiên cứu và từng đi sang Nga, Hungari, Rumani học hỏi, lĩnh hội những cái hay của nền nghệ thuật nước bạn để nâng cao thêm tâm hồn cũng như giọng hát của mình. Cùng với nghệ sĩ lãng du Trần Tiến trong nhóm "Du ca Đồng nội", Y Moan rong ruổi qua mọi nẻo đường. Anh đã mang cái đẹp trong âm nhạc của Tây Nguyên đi khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Anh đã từng biểu diễn ở nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Pháp v.v… Ở những nơi Y Moan đi qua anh đều được khán giả hoan nghênh, chào đón và đánh giá cao phong cách trình diễn. "Tôi thật sự hãnh diện vì đã mang được nền văn hóa dân tộc giới thiệu cho bạn bè khắp năm châu cùng biết". Với những cống hiến của mình cho nền nghệ thuật dân tộc, Y Moan xứng đáng được nhận danh hiệu cao quý của Nhà nước: Nghệ sĩ ưu tú. Và khi cởi bỏ lớp áo của người nghệ sĩ, Y Moan lại trở về là một người nông dân thực thụ; hàng ngày anh vẫn lên nương, lên rẫy và dạy cho những đứa em biết đàn, biết hát. Một thế hệ đàn em sau anh giờ đây đã trưởng thành như là những Y Zak, Y Phôn, H’Lim, H’Giang, Kasim Hoàng Vũ v.v… Mơ ước của anh là sẽ tìm kiếm và đào tạo thêm những đứa em người dân tộc hát hay hơn nữa về mảnh đất Tây Nguyên mang đậm vẻ đẹp văn hóa của ngàn đời. "Đất là bầu sữa mẹ, rừng là tâm hồn của bài hát, sông là huyết máu của văn hóa. Còn văn hóa là còn dân tộc. Còn dân tộc thì còn nương, còn rẫy. Tôi muốn làm một điều nho nhỏ cho đồng bào Tây Nguyên. Cầu chúc cho những người nghe nhạc Tây Nguyên sẽ luôn yêu thương, quý trọng và bao dung hơn nữa cho mảnh đất cao nguyên". Nghệ sỹ Y Moan và "kho báu" cổ vật Tây Nguyên Tên tuổi nghệ sỹ ưu tú Y Moan đã nổi tiếng khắp cả nước, nhưng ít ai biết anh là chủ nhân một "kho báu" các cổ vật văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Trong căn nhà sàn mới dựng của Y Moan ở buôn Dhă Prông, các cổ vật về văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên được treo kín 4 bức vách và đặt kín cả gian nhà. Hàng loạt loại gùi được trưng bày, trong đó có những chiếc chuyên dùng để gùi chiêng, xà gạc, tẩu thuốc lá, ná đến chiêng cổ, ché Túk, ché Tang; rồi cả những chiếc ghế Kpan, Jhơng dài tít tắp... Đặc biệt hơn cả là bộ sưu tập về trống cổ, trong đó có những chiếc trống bằng da trâu to tới 3 vòng tay người ôm không hết. Bên cạnh là dàn chiêng Knăh dài tít cùng bộ dây thừng dùng để săn voi bằng da trâu rừng hun khói bếp đen nhánh khiến không gian của ngôi nhà nhuốm màu sử thi... | Nghệ sĩ ưu tú Y Moan vẫn mê say và cuồng nhiệt với những câu hát Tây Nguyên (Ảnh: Võ Thanh Tuấn) | Y Moan nói, việc anh say mê sưu tập các cổ vật văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như một cơ duyên tiền định. Trong một lần đi hát ở buôn làng vùng sâu, anh thấy một chiếc trống da trâu còn lành lặn bị gia chủ vứt lăn lóc dưới gầm nhà sàn bèn hỏi mua và được chủ nhà tặng luôn vì mến mộ giọng ca của anh. Từ đó, cứ mỗi lần đi hát hoặc làm việc gì ở các buôn làng anh lại cố gắng sưu tầm một món đồ.
Có những món đồ quý như ghế Kpan, ché Túk được người dân yêu quý tặng, nhưng cũng có những món đồ như bộ dây thừng săn voi anh phải dành dụm mấy tháng lương mới mua được. "Nhiều món đồ quý gia chủ nhất định không bán, dù được trả giá rất cao. Mình lui tới cả chục lượt, cuối cùng nể quá họ bán cho mình. Mua về chỉ cần treo trong nhà ngắm chúng hàng ngày là sướng cái bụng, hết cả mỏi mệt", Y Moan bộc bạch. Về bộ sưu tập trống cổ, Y Moan giới thiệu: "Trống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên thường được làm bằng da trâu. Một chiếc trống phải được làm từ da của một con trâu đực và một con trâu cái để khi đánh lên có sự giao thoa hài hòa của âm, dương. Có như vậy tiếng trống mới vang xa". Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trống được xem là vật linh thiêng, hơn cả cồng chiêng. Đối với các dàn chiêng có trống, trống thường được đặt ở vị trí đầu và có nhiệm vụ cầm nhịp cho cả dàn chiêng. Quy trình làm ra một chiếc trống rất công phu, nhuốm màu sắc huyền bí, có khi kéo dài tới bốn, năm năm mới hoàn chỉnh một chiếc trống. Chính sự huyền bí trong những câu chuyện về trống cùng sự công phu khi làm ra một chiếc trống trở thành sức hút kỳ lạ đối với Y Moan. Trong bộ sưu tập trống của anh có cả những chiếc trống đã bị thủng, nhiều chiếc có đường kính hơn 1,5 m chỉ còn lại thân trống còn mặt da đã bị rách bươm. Y Moan còn sở hữu một bộ chiêng Lào rất quý hiếm được đúc bằng đồng pha vàng. Theo anh, bộ chiêng này ngày xưa giá trị bằng 2 con voi đực có cặp ngà lớn. Nếu không có voi, người ta phải đổi bằng cả đàn trâu, bò hơn 50 con... và phải mất hàng tháng trời lùa đàn trâu, bò sang tận Lào để đổi chiêng đấy", Y Moan nói giọng đầy tự hào. | TS.Nguyễn Văn Chương-Phó Viện Trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn chụp hình lưu niệm bên Nghệ sĩ ưu tú Y Moan (Ảnh: Võ Thanh Tuấn) |
Y Moan tâm sự: "Mình được đồng bào cả nước biết đến từ những bài hát mang màu sắc về Tây Nguyên, nhưng những vật dụng này mới chính là Tây Nguyên "trăm phần trăm" đó. Mình muốn giữ lại những cổ vật của ông bà để cho con cháu sau này và du khách khắp nơi biết về Tây Nguyên đích thực, biết về cuộc sống của ông bà mình từ ngày xưa ra sao."/. Thăm nhà Y Moan - giọng ca của núi rừng Tây Nguyên
Vào một buổi tối tháng 12/2009, nhân dịp Hội nghị tổng kết dự án phòng chống bệnh truyền nhiễm cho các nước Tiểu vùng sông Mê Kông do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, GS.TS. Đặng Tuấn Đạt-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã mời Lãnh đạo và chuyên viên Cục Y tế dự phòng & môi trường-Bộ Y tế, các Viện nghiên cứu, các Sở Y tế đếnthăm nhà Y Moan. | | GS.TS. Đặng Tuấn Đạt-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã mời Lãnh đạo và chuyên viên Cục Y tế dự phòng & môi trường-Bộ Y tế, các Viện nghiên cứu, các Sở Y tế đếnthăm nhà Y Moan | và cùng nhau bên ché rượu cần (Ảnh: Võ Thanh Tuấn) |
Ngôi nhà sàn nhỏ, với kiểu cất dựng quen thuộc như những ngôi nhà sàn của người Ê Đê, được chủ nhân chăm chút, bài trí một bộ sưu tập là những vật dụng gắn liền với đời sống của đồng bào Tây Nguyên, trong số đó nhiều hiện vật đang dần mai một. Ngôi nhà ấy là chốn đi về của một người nghệ sĩ, một giọng ca của núi rừng Tây Nguyên – Y Moan. Ngôi nhà nhỏ của nghệ sĩ Y Moan ở buôn Đha Prong, xã Cu Ebur thành phố Buôn Ma Thuột, phủ kín cỏ hoa. Nằm chen trong buôn làng cùng những ngôi nhà sàn của đồng bào Ê Đê, cũng với hai cầu thang lên xuống được tạc từ thân cây rừng, thoạt nhìn cũng không có gì khác lạ so với những ngôi nhà sàn truyền thống khác. Nhưng thấp thoáng trong cỏ cây hoa lá quanh nhà là các tượng gỗ lớn, mang đậm chất Tây Nguyên do chính chủ nhân tự tay chế tác nên. | Không gian nội thất của nhà sàn được trang trí các vật dụng của đồng bào Tây Nguyên |
Gây ấn tượng với khách lạ là đủ loại những vật dụng trông khá lạ mắt, được chủ nhân cho biết đó là những nông cụ của đồng bào Tây Nguyên mà anh cất công sưu tập từ năm 2005. “Mình là người Ê Đê, đồ của mình mà mình không biết bảo tồn, gìn giữ, sau này có mai một đi thì biết lấy gì kiếm lại, biết lấy gì để cho con cháu nó hiểu cuộc sống của ông bà ngày xưa”, Y Moan thổ lộ câu chuyện anh trở thành một nhà sưu tập các vật dụng gắn liền với đồng bào Tây Nguyên như thế. Ngôi nhà sàn của anh cũng do chính tay anh thiết kế, chăm chút, là kết quả của hơn 30 năm ca hát mới có được. Những vật dụng quen thuộc với người Ê Đê như mấy chiếc ghế cổ M Dho, ghế dài Kpal, dụng cụ đào củ mài Kni, nón cổ Duon được đan từ tre mây rừng, đến cái gùi chiêng Bung Ching, chổi quét rẫy Gie Hvar, rìu Chrong, bộ dây thừng bằng da trâu dùng săn bắt voi rừng, trống da trâu, đến những bộ chiêng, choé rượu… tất cả những hiện vật đi liền với đời sống đồng bào Tây Nguyên được Y Moan sưu tầm đem về. Những vật dụng trong bộ sưu tập ấy được Y Moan khi cẩn thận trong bài trí, khi lại để khắp nơi một cách có chủ ý khiến cho không gian ngôi nhà trông rất tự nhiên, và càng trở nên gần gũi, giản dị. Đi liền với từng hiện vật đang nằm ở các góc nhà, lại là những câu chuyện thú vị, từ việc làm sao sở hữu được nó, đến công năng của nó dùng làm gì, được chế tạo như thế nào… cứ thế, đi quanh ngôi nhà sàn nhỏ của Y Moan, nghe anh cầm từng hiện vật và kể chuyện cứ như đang được dạo chơi quanh núi rừng Tây Nguyên vậy. | TS.Triệu Nguyên Trung(đứng thứ 2,từ phải sang)-Viện Trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn chụp hình lưu niệm bên Nghệ sĩ ưu tú Y Moan (Ảnh: Võ Thanh Tuấn) | Kề bên nhà sàn, là căn phòng nhỏ nằm núp bóng dưới tàn me xanh mát, có cửa sổ nhìn ra khoảng rừng với núi non trùng điệp xa xa. Y Moan cho biết anh thiết kế căn phòng lý tưởng ấy để dành cho bạn bè, khách phương xa đến chơi có chỗ để nghỉ đêm. Ngay lối lên căn phòng nhỏ xinh ấy, là những dây “cóc kiện trời” được lấy từ rừng về quấn quanh ngoằn ngoèo vắt từ chân cầu thang lên ngang căn phòng, đem lại một chút góc nhìn hoang dã của núi rừng. Kề cận là gác nhỏ để ngắm trăng, được trang trí bằng những choé rượu cần, chiếc trống cổ làm từ da trâu, những chiếc nơm bắt cá treo lủng lẳng ngẫu nhiên, tạo thành một kiểu trang trí độc đáo, mà ngồi bất kỳ ở góc nào trong căn phòng nhỏ cũng có thể chiêm ngưỡng được.
Có một điểm nhấn độc đáo trong bộ sưu tập của Y Moan là những vật dụng bàn ăn đều làm từ quả bầu. Cái đen mun màu bồ hóng, cái lại vàng ươm màu lúa mới, với những tên gọi khác nhau như Pưng Prong, Go Pưng… dùng đựng cơm, đựng nếp, đựng canh, thức ăn. Y Moan cho biết thời anh còn nhỏ, những hiện vật này còn khá nhiều, được những thương buôn sử dụng cho bộ đồ ăn thường ngày. | | Ghế dài Kpan của người Ê Đê | Bộ sưu tập đồ đựng thức ăn được làm từ quả bầu | | | Một góc nhỏ giản dị của nhà sàn Y Moan | Bộ sưu tập nông cụ của đồng bào Tây Nguyên dùng làm vật trang trí cho nhà sàn | | | Căn phòng nhỏ được chủ nhân thiết kế làm phòng nghỉ dành cho khách | Tượng gỗ trang trí ngay gian tiếp khách do chính chủ nhân tạc từ gỗ rừng | Càng về sau, bộ đồ ăn làm từ quả bầu không còn nữa, phần do đất đai không tốt như xưa khiến quả bầu khô không còn độ bền chắc, phần vì ngày nay chẳng mấy ai sử dụng quả bầu. Y Moan giữ lại, trân trọng còn hơn những chén bát sành sứ trong bếp ăn, gặp khách quý lại bày hết cả đám bầu ấy ra nhà sàn, sắp xếp công phu trên dải lụa thổ cẩm dài trông thật đẹp mắt, giới thiệu cho khách công dụng của từng sản phẩm với đầy tự hào, vui sướng.
| Phó nháy Võ Thanh Tuấn ( đứng áo kẻ ô, sáng màu)với một tấm hình lưu niệm thật đẹp bên nghệ sỹ Y Moan | Hỏi sao lại có được bộ sưu tập đa dạng với nhiều hiện vật vốn rất quý theo quan niệm của đồng bào Tây Nguyên như choé rượu, trống da trâu, dây săn voi, cồng chiêng… Y Moan cười bảo: “Đồng bào mình khi bán một cái gì đó đều phải họp gia đình để lấy ý kiến, nên mua được đồ khó khăn lắm. Có nhiều hiện vật trong nhà của đồng bào, dùng tiền đâu có mua được, mà mình cũng đâu đủ tiền để mua. Có được những món đồ cho bộ sưu tập mình phải nhờ vào giọng hát đấy. Chỉ có hát, đồng bào nghe, họ vui, họ thương mình, họ tặng lại cho mình”.
Với Y Moan, việc giữ lại những gì của con người Tây Nguyên, anh xem đó như một trách nhiệm cần phải làm cho gia đình, cho con cháu, cho buôn làng. Trong căn nhà nhỏ xinh ấy, trong bộ sưu tập độc đáo của người nghệ sĩ núi rừng Tây Nguyên ấy, khách đến chơi nhà chắc chắn sẽ được nghe nhiều câu chuyện thú vị, được thấy những hiện vật thân thương của đồng bào Tây Nguyên, ngồi bên bếp lửa bập bùng ấm cúng để nghe gia chủ kể câu chuyện về từng món đồ trưng treo khắp nhà. Thú vị biết bao!
|