Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Finance & Retail Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Đảng
Công đoàn-Nữ công
Đoàn thanh niên
Thể thao-Văn nghệ
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 4 5 9 5
Số người đang truy cập
2 7 4
 Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Truyền thống 60 năm phong trào học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (9/1/1950 – 9/1/2010)

Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng tám 1945: "... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em..." và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên Việt Nam thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.

Được sáng lập bởi các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Trần Phú, Trường Chinh, Hồng Quang, Võ Nguyên Giáp… từ những năm 1930, Hội Sinh viên Việt Nam luôn phát huy truyền thống là tổ chức chính trị- xã hội của thanh niên sinh viên Việt Nam, là nhịp cầu gắn bó giữa sinh viên với Đảng, Nhà nước; là một lực lượng giáo dục quan trọng trong nhà trường. Thông qua các hoạt động của mình, Hội Sinh viên đã và đang góp phần giáo dục, bồi dưỡng để hình thành lớp học sinh, sinh viên mới "vừa hồng, vừa chuyên"; có kiến thức vững vàng, phong phú, có khả năng tiếp cận trí tuệ của thời đại, thiết tha với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có hoài bão lớn, lối sống đẹp, có sức mạnh truyền thống và bản sắc dân tộc, có trách nhiệm cao với cộng đồng; tập hợp, đoàn kết rộng rãi sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước thi đua học tập, rèn luyện, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong suốt quá trình hoạt động với các tên gọi khác nhau như: Tổng Hội Sinh viên, Hội Liên hiệp học sinh, sinh viên, Hội Học sinh đại học chuyên nghiệp…, Hội Sinh viên Việt Nam luôn được Đảng và Đoàn Thanh niên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp. Qua 8 kỳ Đại hội, Hội Sinh viên Việt Nam luôn được đón Bác Hồ, các đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính Phủ, Chủ tịch Quốc Hội đến dự, phát biểu đánh giá, ghi nhận thành tích của Hội Sinh viên Việt Nam và chỉ đạo Đại hội.

Tính đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam có 11 Hội Sinh viên cấp tỉnh, thành phố; 3 Hội Sinh viên đại học khu vực; 186 Hội Sinh viên cấp trường, Hội Sinh viên Việt Nam ở Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan với tổng số gần 1 triệu hội viên; Trung tâm Văn hóa Ngệ thuật Sinh viên là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; Báo Sinh viên Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Hội Sinh viên Việt Nam.

Những đóng góp xuất sắc của phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam

- Từ những năm 1925 đến năm 1945: Đầu thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn 1925 - 1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời như: tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô quyền, Tổng Hội Sinh viên…; đặc biệt là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng.... Hội Học sinh, sinh viên đã tập hợp, đoàn kết học sinh, sinh viên bồi dưỡng lý tưởng Cộng sảng chủ nghĩa; tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên góp phần làm nên cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Từ năm 1945 đến 1954:Phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam đã tích cực động viên, cổ vũ học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thông qua việc thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra. Hàng ngàn học sinh, sinh viên đã thành lập các đội tăng gia sản xuất thực hiện khẩu hiệu "Tấc đất, tấc vàng". Học sinh, sinh viên các tỉnh Trung Bộ, Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội sôi nổi gia nhập các đội quân "Nam tiến" và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Học sinh, sinh viên miền Nam tích cực bãi khoá, đấu tranh chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng kiên cường của học sinh Trần Văn Ơn vào ngày 9/1/1950. Ngày này đã được chọn là ngày truyền thống của học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam. Trong giai đoạn này, tổ chức Hội (Đoàn) học sinh, sinh viên kháng chiến được thành lập cả ba miền Bắc, Trung, Nam lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên không chỉ gây tiếng vang trong cả nước mà còn được sự ủng hộ và hưởng ứng của các tổ chức học sinh, sinh viên, thanh niên tiến bộ trên thế giới.
 

 Một số hình ảnh về cuộc đấu tranh của HS-SV Sài Gòn

và đám tang Trần Văn Ơn ngày 09/01/1950.

 

 H1+H2

 

  H3+H4

 

H5+H6+H7+H8

 Chủ thích ảnh:
H1:Cuộc đấu tranh của HS trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong)  
H2:HS trường Lasan Taber xuống đường
H3:Anh Trần Văn Ơn tại bệnh viện 
H4+5+6+7+8: Đám tang anh Trần Văn Ơn

          
- Từ năm 1955 đến 1986: Phong trào học sinh, sinh viên phát triển mạnh mẽ; Hội Sinh viên Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, hăng hái góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Thành tích của Hội biểu hiện sinh động thông qua các phong trào, các hoạt động như: xung kích diệt giặc dốt, tiến quân vào khoa học kỹ thuật, xung phong Tây tiến làm nhiệm vụ xây dựng, sửa chữa các tuyến đường giao thông, các công trình thuỷ lợi ở các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và đặc biệt là phong trào Ba sẵn sàng của học sinh, sinh viên Miền Bắc. Tổng Hội Sinh viên Miền Nam và các tổ chức khác của học sinh, sinh viên đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào học sinh, sinh viên Miền Nam biểu tình chống bắt lính, chống lại chính sách đầu độc, truỵ lạc hóa thanh niên của Mỹ - ngụy, chống sự can thiệp Mỹ; tiêu biểu như phong trào Hát cho dân tôi nghe, Dậy mà đi... Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Miền Nam luôn sôi sục, quyết liệt và đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang cách mạng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần đắc lực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau ngày đất nước thống nhất, phong trào học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội. Tiêu biểu là các hoạt động xung kích, hăng hái truy lùng tàn binh địch, giữ gìn trật tự, trị an, đấu tranh bài trừ những tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới, xây dựng đời sống mới; xây dựng "Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa".

- Từ năm 1986 đến 2009:Phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam có bước phát triển mới, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua các hoạt động, các phong trào thi đua như: Rèn đức, luyện tài vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, vì hạnh phúc của tuổi trẻ, phong trào “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt”, cuộc vận động “3 có, 3 không”; đặc biệt là phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện; đã có hơn 525.000 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, hơn 50 triệu lượt thanh niên học sinh, sinh viên tham gia Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, chăm sóc y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, hiếu máu nhân đạo...; hơn 4.400 sinh viên, học sinh tốt nghiệp tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi ở các xã đặc biệt khó khăn; Chương trình “Tiếp sức mùa thi” thu hút hàng ngàn thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia, tư vấn, hỗ trợ hơn 2 triệu lượt thí sinh và người nhà thí sinh, giới thiệu gần 1 triệu chỗ trọ giá rẻ và miễn phí; trong 5 năm (2003-2008), đã có hơn 683.000 đơn vị máu do sinh viên tình nguyện hiến, giúp bệnh nhân, các cấp bộ Hội trao hàng trăm ngàn suất học bổng cho sinh viên trị giá gần 48 tỷ đồng...

Những bước đi lịch sử của Hội sinh viên Việt Nam

Trong 60 năm qua, Hội Sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc trong mỗi bước trưởng thành của phong trào thanh niên Việt Nam, của cách mạng Việt Nam, được công nhận là tổ chức chính trị – xã hội của sinh viên Việt Nam. Năm 2000, Hội Sinh viên Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý "Huân chương Độc lập hạng nhất".

Tính đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam đã trải qua 7 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, mỗi đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển của sinh viên Việt Nam, của phong trào sinh viên và công tác Hội Sinh viên Việt Nam.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I : Hội Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ ngày 29 đến 31/07/1955. Tham dự đại hội có 244 đại biểu chính thức và 255 đại biểu dự thính của các trường đại học, đại biểu sinh viên miền Nam và đại biểu lưu học sinh ở nước ngoài. Đại hội quyết định lấy tên mới của tổ chức sinh viên là Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam.

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ đoàn kết, thống nhất mọi lực lượng sinh viên trong Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam, cùng với thanh niên và nhân dân cả nước đấu tranh cho hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc, đòi thực hiện tổng tuyển cử tự do hai miền Nam, Bắc theo đúng tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đại hội đã thông qua bản điều lệ, chương trình hoạt động và lời kêu gọi sinh viên toàn quốc, bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội do đồng chí Nguyễn Quang Toàn làm chủ tịch.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II: Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ ngày 05 đến ngày 07/05/1958. Tham dự đại hội có 228 đại biểu chính thức, 200 đại biểu dự thính; Đoàn đại biểu tổ chức sinh viên quốc tế (UIE), Đại biểu sinh viên Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ... đã tham dự đại hội. Đại hội đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm và huấn thị.

Bác dạy: "Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang... Thời đại chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, thời đại XHCN, thời đại anh hùng (không phải là anh hùng cá nhân). Vậy mong các cháu làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng". Đại hội đã bầu anh Lê Hùng Lâm làm Tổng thư ký Trung ương Hội.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III : Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính Hà Nội từ ngày 03 đến ngày 05/03/1962. Tham dự đại hội có 500 đại biểu thay mặt cho hai vạn sinh viên của 10 trường đại học, cao đẳng.

Đại hội đề ra các nhiệm vụ: động viên sinh viên học tập, rèn luyện, không ngừng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác cải thiện đời sống; đoàn kết lực lượng sinh viên, tích cực đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh thống nhất Tổ quốc; phát triển quan hệ hữu nghị với sinh viên và thanh niên các nước trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, bảo vệ hòa bình; cải tiến tổ chức và hoạt động của hội. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Quang làm Chủ tịch hội.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV: Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ ngày 06 đến ngày 07/01/1970. Nghị quyết đại hội đã nêu rõ nhiệm vụ của sinh viên các trường đại học, cao đẳng là: "Ra sức thi đua học tập tốt, xây dựng mục đích, động cơ và thái độ học tập đúng, xây dựng nền nếp học tập và rèn luyện tốt... hăng hái tham gia lao động sản xuất, tăng cường đoàn kết với đồng bào miền Nam, kiên quyết đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc". Đại hội rất vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự và nói chuyện.

Thủ tướng căn dặn sinh viên Việt Nam ra sức học tập, rèn luyện để trở thành những người vừa "hồng", vừa "chuyên" như Bác Hồ đã dạy. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Huê làm Chủ tịch hội. Do tình hình và điều kiện cụ thể nên các trường đại học và các cấp tỉnh, thành chưa tổ chức Hội Sinh viên, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam (từ năm 1970 lấy tên là Hội Liên hiệp sinh viên đại học) chủ yếu làm nhiệm vụ đối ngoại.

Để phù hợp với tình hình nhiệm vụ công tác trong giai đoạn mới, Hội nghị đại biểu Hội Sinh viên toàn quốc (7/1985) đã thông qua bản Điều lệ Hội trong điều kiện mới và quyết định đổi tên Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam thành Hội Sinh viên Việt Nam với nhiệm vụ: tổ chức, đoàn kết, hướng dẫn và cổ vũ sinh viên Việt Nam thi đua học tập và rèn luyện; cùng với các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên; động viên sinh viên hăng hái tham gia hoạt động xã hội; tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với sinh viên các nước XHCN và phong trào sinh viên dân chủ trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hội nghị lần này đã hiệp thương thông qua danh sách Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 49 ủy viên do đồng chí Vũ Quốc Hùng – Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội, đồng chí Hồ Đức Việt làm Tổng thư ký; năm 1988, đồng chí Hồ Đức Việt giữ trách nhiệm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thay đồng chí Vũ Quốc Hùng nhận công tác mới.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Hà Nội từ ngày 21 đến 23/11/1993. Tham dự đại hội có 255 đại biểu chính thức là những sinh viên tiêu biểu của trên 100 trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

Đại hội rất vinh dự được đón đồng chí Đỗ Mười, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dự. Trong bài phát biểu, đồng chí Đỗ Mười đã đánh giá: "Hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sinh viên và học sinh nước ta luôn luôn là lực lượng hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, cùng giai cấp công nhân, nông dân, giới trí thức và đồng bào cả nước đấu tranh quyết liệt, lâu dài, giành độc lập, tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...".

Đại hội đã thống nhất thông qua 5 chương trình hành động với các nội dung như: Người sinh viên – nhà trí thức – chuyên gia tương lai; hỗ trợ sinh viên học tập – nghiên cứu khoa học và phát triển tài năng; chăm lo đời sống, quyền lợi, nghĩa vụ của sinh viên; hoạt động văn hóa – thể thao và công tác xã hội; tiếp tục củng cố và phát triển Hội.

Đại hội đã hiệp thương và cử ra Ban Chấp hành trung ương Hội khóa V gồm 49 ủy viên, đồng chí Hồ Đức Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được hiệp thương tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội sinh viên Việt Nam (mở rộng) lần thứ 6 (khóa V), đồng chí Hoàng Bình Quân, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn được hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thay đồng chí Hồ Đức Việt nhận công tác mới.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI : Hội sinh viên Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào ngày 22 – 23/12/1998. Đại hội đã thống nhất phương hướng hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước đối với sinh viên và tổ chức Hội sinh viên trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa. Với 6 chương trình hành động: giáo dục và rèn luyện của sinh viên; sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học và phát triển tài năng; sinh viên tham gia xây dựng môi trường giáo dục; sinh viên tích cực rèn luyện thể lực, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần phong phú và lành mạnh; sinh viên chung sức cùng cộng đồng và xây dựng Hội sinh viên Việt Nam, Đại hội nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp; đồng thời cũng giúp cho các ngành, các cấp cũng như toàn xã hội hiểu, cảm thông, tin tưởng và có trách nhiệm hơn đối với sinh viên, tổ chức Hội sinh viên.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII: Hội sinh viên Việt Nam được tổ chức vào ngày 28/12/2003 đã thông qua với sự nhất trí cao các văn kiện gồm: báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Hội khóa VI về tổng kết công tác Hội và phong trào sinh viên trong 5 năm qua (1998-2003); mục tiêu phương hướng nhiệm vụ của công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ VII (2003-2008); báo cáo sửa đổi điều lệ Hội sinh viên Việt Nam sửa đổi; nghị quyết của Đại hội.

Đại hội đề ra mục tiêu của công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ VII là: tích cực bồi dưỡng góp phần hình thành thế hệ sinh viên mới thiết tha với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức lối sống lành mạnh; có sức khỏe tốt; tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học, công nghệ; có ý chí vươn lên lập thân lập nghiệp, khát vọng chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, tụt hậu; xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế xã hội; xây dựng tổ chức Hội sinh viên Việt Nam vững mạnh góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tham khảo tài liệu

1.“Những chặng đường vẻ vang của Hội sinh viên Việt Nam

2.Đề cương của BTC ngày truyền thống HS-SV 9/01 của Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Trung ương Hội sinh viên Việt Nam

3.Thanhnienonline và một số nguồn tin khác

 

 

Ngày 11/01/2010
Ban biên tập Website
Tổng hợp
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích