|
Trường Đại học Y khoa Huế, nay là Trường Đại học Y Dược Huế (ảnh internet) |
Nghề thầy thuốc không phải là một phương tiện thương mại
Người xưa thường nói “phi thương bất phú”, nếu không làm nghề kinh doanh, mua bán thì không thể giàu có được. Như vậy muốn làm giàu phải chọn ngành thương mại. Thầy thuốc là một nghề cao quý vì trực tiếp chăm sóc sức khỏe và cứu chữa con người khi bị ốm đau, bệnh tật. Làm cái nghề được xã hội cho là cao quý nhưng nghèo quá thì cũng hơi buồn tủi. Vậy muốn giàu có phải làm thương mại nhưng nghề thầy thuốc không phải là một phương tiện thương mại; cứ thế loanh quanh, bế tắc không có lối đi cho đàng hoàng. Tôi là một bác sĩ tốt nghiệp tại Trường Đại học Y khoa Huế năm 1977, nay là Trường Đại học Y Dược Huế. Sau khi thi đỗ tú tài phần hai, ban A năm 1969 và có 1 năm học để lấy chứng chỉ dự bị y khoa do Trường Đại học Khoa học cấp, tôi nạp đơn và thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Huế. Đất nước được giải phóng tôi đang học năm thứ năm, sau đó tiếp tục học thêm 2 năm nữa và ra trường để nhận nhiệm vụ công tác. Mặc dù được đào tạo bác sĩ đa khoa nhưng bản thân lại ưa thích ngành ngoại sản nên đã cố gắng sắp xếp thời gian học hỏi, thực hành nhiều với sự dạy bảo của các người thầy chuyên khoa mà tôi rất quý trọng như thầy Lê Xuân Công, Đỗ Như Đài, Nguyễn Văn Tự, Lê Viết Kiểu... Tuy vậy, khi ra trường tôi không được bố trí công tác tại hệ điều trị, khám chữa bệnh mà được tổ chức phân công nhận nhiệm vụ tại hệ y tế dự phòng; chuyên ngành phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh tại một viện nghiên cứu mới thành lập ở Quy Nhơn. Theo quan niệm cũ của xã hội và gia đình, một người thi đỗ vào trường y là niềm hãnh diện lớn lao của ông bà, cha mẹ, anh chị em và cả họ hàng. Bác sĩ là trí thức có địa vị xã hội được tôn vinh, quý trọng; sẽ có sự giàu sang, phú quý, vợ đẹp, con ngoan, nhà lầu, xe hơi, cuộc sống ấm no, đầy đủ... do nghề nghiệp mang lại. Quan niệm này làm cho xã hội và người vào học ở trường y nghĩ rằng đã là bác sĩ thì phải giàu có, không chấp nhận hoàn cảnh làm nghề bác sĩ mà phải chịu cảnh khó khăn, nghèo khổ. Vậy giải pháp nhằm thực hiện vấn đề này như thế nào? Để xã hội hóa công tác y tế, nhà nước đã cho phép hành nghề y dược tư nhân, các bác sĩ có thể mở phòng khám chữa bệnh ngoài giờ để tăng thêm thu nhập chính đáng ngoài đồng tiền lương được nhà nước chi trả còn hạn chế. Tuy nhiên, phòng khám chữa bệnh ngoài giờ có phải bác sĩ nào cũng có thể mở được đâu vì bắt buộc phải có đủ các điều kiện cần thiết. Hơn nữa phòng khám chữa bệnh ngoài giờ chủ yếu do các bác sĩ hệ điều trị thực hiện, còn bác sĩ hệ dự phòng sẽ gặp khá nhiều hạn chế khó triển khai được. Đây là một vấn đề khác biệt, chênh lệch của các đồng nghiệp giữa hai hệ này nên sinh viên y khoa thường chọn học các ngành thuộc hệ điều trị nhiều hơn là ngành y tế dự phòng. Khi vào năm thứ nhất trường y, tôi và các bạn cùng lớp đã được thầy Bùi Duy Tâm, nguyên khoa trưởng (bây giờ gọi là hiệu trưởng) lên lớp ngay từ buổi học đầu với nội dung gần giống như “tiên học lễ, hậu học văn”. Lời tuyên thệ của người thầy thuốc khi ra trường phải được sinh viên năm thứ nhất học thuộc lòng mặc dù nội dung này được đọc sau đó 6 năm trong buổi lễ tốt nghiệp. Đã mấy chục năm qua nhưng tôi vẫn còn nhớ và thấy thấm thía nội dung thứ nhất trong 5 nội dung của lời tuyên thệ là “Coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như là một con đường cứu người giúp đời chứ không xem như một phương tiện thương mại” từ ngày đầu mới bước vào cổng trường y. Như vậy vấn đề y đức bắt đầu được giáo dục, rèn luyện từ đây sau khi tôi được học tập, trang bị hiểu biết những điều cơ bản của đạo đức con người từ môn học đức dục và công dân giáo dục hồi còn học ở bậc tiểu học. Cho đến ngày nghỉ công tác theo chế độ quy định, nhìn lại cả một quá trình thời gian làm việc; nhìn lại bạn bè, đồng nghiệp, anh chị em... tôi vẫn giữ được nếp người thầy thuốc. Tôi không có phòng khám chữa bệnh ngoài giờ vì không có duyên cơ, không xem nghề thầy thuốc là một phương tiện thương mại vì bản thân là bác sĩ của ngành y tế cộng đồng, không cứu chữa trực tiếp cho một vài bệnh nhân để có thù lao thu nhập nhưng đã phòng bệnh được cho rất nhiều người, đặc biệt là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng cao, miền núi. Một số bạn bè, đồng nghiệp với nhà cao, cửa rộng, ô tô, xe máy sang trọng... Mặc dù tôi không bằng họ nhưng vẫn hãnh diện và lương tâm thanh thản vì mình không dùng nghề thầy thuốc làm phương tiện thương mại thì khó có được sự giàu sang; hơn nữa lại không tham ô, tham nhũng nên không có điều kiện, cơ hội để đổi đời. | Trường Đại học Y khoa Huế, nay là Trường Đại học Y Dược Huế (ảnh internet) |
Ngành y tế đã ban hành quy định về 12 điều y đức, về quy tắc ứng xử... nhưng có lẽ điều cốt lõi nhất phải xuất phát từ lời thề của người thầy thuốc khi ra trường. Ngoài lời thề Hippocrates là y tổ của thế giới, các điều căn dặn của Hải Thượng Lãn Ông là y tổ của Việt Nam; nên chăng các bác sĩ ra trường tại nước ta cần phải có một lời tuyên thệ riêng khi tốt nghiệp vì đó là một lời thề danh dự, có giá trị thiêng liêng và đạo đức đối với xã hội mà ta đang sống.
|