Vất bỏ và giảm bớt những mối lo âu
Trong cuộc sống đời thường, không có ai là không có mối lo âu. Hiện tượng lo âu là trạng thái cảm xúc xảy ra khi con người phải đối mặt với sự nguy hiểm, các tổn thất, những đe dọa, tình trạng chấn thương và ngay cả stress. Vì vậy cần có giải pháp để vất bỏ và giảm bớt mối lo âu nhằm điều chỉnh bản thân mình trở về lại với trạng thái bình thường.
| Cần có những giải pháp vất bỏ hay giảm bớt lo âu trong cuộc sống (ảnh minh họa) |
Đặc điểm của trạng thái lo âu Rối loạn lo âu thường xảy ra hàng ngày phổ biến nhất là stress, đây là trạng thái có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như quan hệ gia đình không thuận lợi, quan hệ tình cảm bị đổ vỡ, bị tổn thất do mất người thân và mất việc làm; gặp tai nạn thương tích, mắc các bệnh tật; thất bại về lĩnh vực kinh tế, chính trị hoặc địa vị xã hội... Tùy theo từng trường hợp; mỗi người sẽ chịu ảnh hưởng tác động của stress và phản ứng đối với stress theo những cách thức, cường độ, mức độ khác nhau. Mức độ nhẹ chỉ là sự lo lắng thoáng qua, với mức độ nặng sẽ dẫn đến sự hoảng sợ. Theo các nhà khoa học, rối loạn lo âu là một trạng thái rối loạn mà trong suốt thời gian đó người bị rối loạn thường trải qua các cảm giác lo sợ về tâm thần và thể chất mặc dù trên thực tế người đó không phải đối mặt hay đương đầu với bất kỳ một sự nguy hiểm nào. Trạng thái lo âu có thể xảy ra liên tục hay ngắt quảng từng cơn, nếu xảy ra liên tục gọi là trạng thái lo âu lan tỏa. Người bị rối loạn lo âu thường có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng như: hốt hoảng, sợ hãi do lo lắng về bất hạnh trong tương lai, sợ những điều khủng khiếp sắp xảy ra, khó tập trung tư tưởng, khó ngủ, hay cáu gắt; có sự căng thẳng vận động với dấu hiệu bồn chồn, lo lắng, đứng ngồi không yên, run rẩy, không có khả năng thư giãn... Ngoài ra còn có các biểu hiện về rối loạn thần kinh thực vật như toát mồ hôi, vã mồ hôi; mạch đập, nhịp tim, nhịp thở nhanh hơn bình thường; cảm giác nóng bừng, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, bứt rứt, khó chịu vùng thượng vị, khô miệng, buồn nôn, rối loạn đại tiểu tiện với dấu hiệu táo bón hay tiêu chảy, hay đi tiểu vặt... Đồng thời có thể làm suy giảm hoặc mất khả năng ham muốn sinh hoạt tình dục... Những rối loại nêu trên sẽ làm cho người có trạng thái lo âu càng thêm bị lo âu, lo lắng nhiều hơn và cho rằng đây là các dấu hiệu biểu hiện của bệnh lý nặng dẫn đến tình trạng rối loạn càng ngày càng trở nên xấu hơn, tồi tệ hơn. Trạng thái lo âu có khả năng làm gián đoạn và ảnh hưởng đến các mặt hoạt động của cuộc sống đời thường, làm cho người khó có thể duy trì công việc một cách bình thường, gây trở ngại cho việc thiết lập và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, không thể thư giãn để trở về trạng thái bình thường. Những loại trạng thái lo âu thường gặp Các nhà khoa học đã ghi nhận trạng thái lo âu xảy ra gồm nhiều loại khác nhau như: rối loạn lo âu lan tỏa, ám ảnh sợ đặc hiệu, ám ảnh sợ hãi xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, rối loạn stress sau sang chấn, ám ảnh sợ khoảng trống và rối loạn hoảng sợ. Rối loạn lo âu lan tỏa: Thường xảy ra ở những người luôn lo lắng về tất cả mọi việc, trong đó có nhiều sự lo lắng vô lý, không có nguyên nhân cụ thể và thường xuyên có cảm giác lo sợ. Ám ảnh sợ đặc hiệu: Xảy ra ở những người luôn bị ám ảnh do sợ có liên quan đến một yếu tố đặc hiệu nào đó như sợ con gián, con chuột; sợ độ cao, khoảng trống... Những ám ảnh này có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống nếu chúng xảy ra một cách thường xuyên. Với mức độ ảnh hưởng lớn hơn, phải tìm cách loại bỏ các yếu tố gây nên trạng thái ám ảnh hoặc hạn chế và tiếp xúc với các yếu tố này như không để người bị ám ảnh nhìn thấy, nghe thấy, có cảm giác thấy hay chuyển đến những nơi không bị yếu tố ảnh hưởng. Ám ảnh sợ hãi xã hội: Đây là loại ám ảnh xảy ra ở những người hay lo sợ, luôn bị ám ảnh rằng các người khác có nhận xét, đánh giá sai mọi vấn đề về chính bản thân mình. Vì vậy đã nảy sinh hiện tượng luôn cố gắng hoàn thiện tốt hơn trong mọi hoạt động nhưng đồng thời cũng làm giảm thiểu, lo ngại và tránh giao tiếp với người khác. Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: Loại rối loạn ám ảnh này có liên quan đến những ý nghĩ cưỡng bức và thường dẫn đến hành vi nghi thức nhằm cố gắng kiềm chế, xua đuổi những ám ảnh xảy ra dai dẳng. Những hành vi nghi thức thường làm mất nhiều thời gian và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Trường hợp hành vi nghi thức được ghi nhận ở những người thường xuyên phải rửa tay; khi đi ra khỏi nhà phải quay về để kiểm tra xem đã khóa cửa, tắt đèn và tắt bếp hay chưa... Các người có rối loạn ám ảnh cưỡng bức thường xấu hổ, giữ kín chuyện riêng tư của bản mình ngay cả với chính những người trong gia đình. Rối loạn stress sau sang chấn: Rối loạn stress thường xảy ra ở nhiều người sau khi trải qua những chấn thương và tổn thất lớn do chiến tranh, bị tra tấn; gặp tai nạn giao thông, hỏa hoạn hoặc gãy xương... Mặc dù những sự việc đã xảy ra và qua đi khá lâu trong quá khứ nhưng vẫn cảm thấy lo sợ. Các trường hợp này có thể gây nên những cơn ác mộng, hồi ức nhiều năm và hiện tượng hồi ức thường xuất hiện do nhiều vấn đề có liên quan đến sự việc đó hoặc không có liên quan đến vấn đề. Ám ảnh sợ khoảng trống: Loại ám ảnh này hay xảy ra ở những người có sự sợ hãi tăng lên khi có mặt ở nhiều địa điểm rộng lớn hoặc gặp phải các tình huống phức tạp. Người bị ám ảnh rất khó khăn, lúng túng để tìm cách thoát khỏi nếu ở những nơi đó không có sự giúp đỡ, hướng dẫn của người khác. Người có ám ảnh sợ khoảng trống thường gặp phổ biến nhất là sợ hãi khi đang ở trong cửa hàng bách hóa tổng hợp, siêu thị; nơi đông đúc, môi trường hỗn loạn, có khoảng không gian hạn chế; chỗ giao thông công cộng, trong thang máy... hoặc thậm chí khi chỉ có một mình. Những người có ám ảnh này có thể cảm thấy dễ chịu khi ở nơi an toàn; có vợ con hay chồng con, bạn bè, người thân; thậm chí có con chó nuôi đi cùng hay ở cùng hoặc có các loại thuốc men thường dùng mang theo bên mình. Ám ảnh sợ khoảng trống sẽ dẫn đến tình trạng luôn luôn bị lo âu, thường xuyên tìm đến bác sĩ để được sự giúp đỡ và chữa trị. Trên thực tế, người có loại ám ảnh sợ khoảng trống thường xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15 đến 20 tuổi hoặc trung niên từ 30 đến 40 tuổi; nữ gặp nhiều hơn nam. Nếu không được phát hiện và chữa trị sớm thì tình trạng ám ảnh sợ khoảng trống sẽ trở nên dai dẳng; mất khả năng làm việc, lao động, học tập; ảnh hưởng đến trạng thái tâm thần, tư tưởng và cuộc sống. Rối loạn hoảng sợ: Sự rối loạn này có thể đi kèm hoặc không đi kèm với loại ám ảnh sợ khoảng trống. Người bị rối loạn hoảng sợ thường có những cơn hoảng sợ kịch phát trong các tình huống mà hầu hết người khác không hoảng sợ. Cơn hoảng sợ kịch phát hay xuất hiện đột ngột và có thể làm cho mất ngủ, phải thức suốt đêm. Nguyên nhân sự khởi phát thường không xác định được rõ ràng. Cơn kịch phát có khả năng kèm theo triệu chứng lo âu với dấu hiệu da tái xanh, thở hổn hển, run rẩy, vã mồ hôi, bị kích động hay mệt lả. Trạng thái hoảng sợ có thể dẫn đến biểu hiện nhịp tim nhanh, có cảm giác ngột ngạt, khó chịu, cảm thấy nặng nề, co thắt lồng ngực, chóng mặt, hoa mắt, nhìn không rõ, buồn nôn, đồng tử mắt giãn không có phản ứng với ánh sáng... Theo các nhà khoa học, đây là một loại hoảng sợ không có lý do, luôn có cảm giác bị nguy hiểm hoặc cảm giác sắp chết, sợ chết, sợ điên loạn; lo sợ không thể tự chủ nổi các hành vi và hoạt động của mình. Biện pháp xử trí mối lo âu Các nhà khoa học khuyến cáo tất cả mọi trạng thái lo âu dù xảy ra với bất kỳ thể loại nào đã được nêu trên đều phải cần đến các bác sĩ chuyên khoa để khám và chữa trị phù hợp, không thể xem thường mặc cho trạng thái này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe. Thực tế có một số phương thức thực hiện có thể vất bỏ hay làm giảm bớt mối lo âu như hãy nói với người khác về những cảm giác mà bản thân mình đang cảm thấy hoặc đã cảm thấy để được sự chia sẻ. Đồng thời thường xuyên tập luyện thể dục, chơi thể thao; có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí một cách hợp lý, thích hợp. Các giải pháp này có thể đem lại kết quả tốt, hỗ trợ cho bản thân xây dựng được những phản xạ mới, hạn chế hoặc triệt tiêu các mối lo âu không đáng có, trạng thái tâm thần không tốt; giúp thoát khỏi trạng thái bệnh lý. Phải cần lưu ý kiên trì thực hiện các biện pháp này một cách đều đặn, thường xuyên; mặc dù đơn giản nhưng nếu không có quyết tâm, cố gắng thì thường hay bị bỏ qua. Ngoài ra, cũng cần có sự thư giãn thoải mái, tham gia tập dưỡng sinh, luyện khí công... để góp phần đạt được kết quả tốt. Đối diện với cuộc sống hàng ngày, dù ít dù nhiều không ai là không khỏi bị những mối lo âu làm ảnh hưởng đến các sinh hoạt của đời thường. Tuy nhiên trạng thái lo âu có nhiều loại khác nhau cần nhận biết để nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn và điều trị của bác sĩ chuyên khoa; đồng thời phải kiên trì thực hiện các biện pháp khắc phục thích hợp nhằm vất bỏ và giảm bớt những mối lo âu có thể gây nên tác hại.
|