Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 05/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 3 1 4 4 9 7
Số người đang truy cập
2 0 7
 Thầy thuốc và Danh nhân
Giáo sư Đỗ Xuân Hợp: Nhà trí thức lớn-Ông tổ ngành Giải phẫu học Việt Nam

Với nhiều học trò và đồng nghiệp, GS Đỗ Xuân Hợp đã và mãi là một nhà khoa học tài năng đức độ, một trí thức lớn suốt đời tận tụy vì sự nghiệp y học và giáo dục nước nhà. GS. Đỗ Xuân Hợp (1906-1985) sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Đào, Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội trongmột gia đình Nho giáo. Ông là một trong những tấm gương tiêu biểu cho quá trình tự học, tự phấn đấu và vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao trong khoa học.

Năm 1929, sau khi tốt nghiệp y sĩ, ông được chính quyền Pháp phân về công tác tại Bắc Hà và trở thành vị quan đốc nổi tiếng một vùng ở rừng núi Tây Bắc. Mấy năm sau đó, với tinh thần ham học hỏi, ông đã đăng ký học hàm thụ từ xa, rồi xin về Hà Nội làm trợ lý giải phẫu ở Viện Giải phẫu. Đây cũng là bước ngoặt to lớn làm thay đổi cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông. Từ một y sĩ, ông trở thành một bác sĩ và một nhà giải phẫu hàng đầu!   

 
GS Đỗ Xuân Hợp (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn cán bộ Việt Nam trong một lần sang thăm và làm việc tại Leningrat, Liên Xô, 1963

Từ năm 1934, y sĩ Đỗ Xuân Hợp bắt đầu làm việc với tư cách là trợ lý giải phẫu cho GS Pierre Huard, Giám đốc Viện Giải phẫu, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, cũng trong năm 1934, ông có công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về lĩnh vực giải phẫu. Tính từ đó đến năm 1944, ông công bố 88 công trình trên các tạp chí, chuyên san y học của Pháp.

Đặc biệt năm 1942, ông cùng với thầy giáo của mình - GS Pierre Huard đã hoàn thành và cho xuất bản cuốn sách tiếng Pháp Morphologie humaine et anatomie artistique (Hình thái học nhân thể và giải phẫu học nghệ thuật). Ngay sau khi ra đời, cuốn sách đã tạo ra một tiếng vang lớn trên các diễn đàn y học thế giới lúc bấy giờ. Cuốn sách trở thành tài liệu tham khảo cơ bản, gối đầu giường cho nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau như y học, mỹ thuật, nhân chủng học, khảo cổ học…Cùng với tiếng vang của cuốn sách, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Ngoài được mời giảng dạy tại trường Đại học Y Hà Nội, ông còn được mời giảng dạy cho trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Từ đây trở đi, gia đình ông không phải lo cảnh túng thiếu như trước, vì với danh tiếng của mình, ông được trả lương vào loại cao nhất so với các công chức người Việt dưới sự cai quản của người Pháp.

Nhưng ở một khía cạnh khác, giá trị của cuốn sách Morphologie humaine et anatomie artistique không chỉ nằm ở nội dung khoa học của nó, cũng không chỉ đem lại cho chủ nhân cuốn sách danh tiếng và quyền lợi về vật chất mà còn ở một chiều cạnh khác - uy tín của nền y học Việt Nam. Thực dân Pháp từ khi sang xâm chiếm Việt Nam, luôn coi người bản xứ là Anamite. Nhưng việc y sĩ Đỗ Xuân Hợp được đứng tên ngang hàng với một vị giáo sư nổi tiếng - Pierre Huard, trong một công trình khoa học có giá trị ở tầm cao đã chứng minh rằng, người Việt Nam không hề kém cỏi. Bảy năm sau, khi đã đi theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đồng cam cộng khổ với quân và dân trong cuộc trường kỳ kháng chiến, năm 1949 bác sĩ Đỗ Xuân Hợp hay tin Viện Hàn lâm Y học Pháp trao tặng giải thưởng Testut cho cuốn sách mà ông và thầy Pierre Huard viết từ năm 1942. Có thể nói, nhận được giải thưởng này là một vinh dự lớn, là niềm ao ước của bất cứ nhà phẫu thuật nào trên thế giới. Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp chính là người Việt Nam đầu tiên và hơn 30 năm sau (1980) GS Tôn Thất Tùng mới là người Việt Nam thứ 2 đồng thời là người thứ 10 trên thế giới được nhận giải thưởng cao quý này.

 

            Đặc biệt, ông còn là người quan tâm và tìm cách dùng tiếng Việt để giảng dạy cho sinh viên trường Đại học Y. Ông đã bàn với GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng để giảng thử môn giải phẫu bằng tiếng Việt cho sinh viên và đã thành công[3]. Đây là dấu mốc quan trọng, mở đường thuận lợi cho các đối tượng người học có thể tiếp thu khoa học mà không bị lệ thuộc vào ngôn ngữ. Để đáp ứng nhu cầu ngày một bức thiết của công tác đào tạo sinh viên y khoa, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã viết cuốn “Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa” bằng tiếng Việt in trên giấy dó ở chiến khu Việt Bắc năm 1951. Đây thực sự là một đóng góp có ý nghĩa rất lớn vì lúc đó chưa ai dám viết sách chuyên sâu bằng tiếng Việt, sợ không đủ thuật ngữ. Tài liệu này có tác dụng lớn, giúp các cán bộ quân và dân y có tài liệu để nâng cao kiến thức, phục vụ khắp các chiến trường. Điều đáng nói là “đây chính là cuốn giáo trình đầu tiên được viết bằng tiếng Việt”[4]. Cuối năm 1952, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp tiếp tục cho in cuốn sách thứ 2 “Giải phẫu bệnh và thực dụng ngoại khoa”. Hai cuốn sách bằng tiếng Việt ra đời trong một thời gian ngắn đã đáp ứng được yêu cầu học tập của sinh viên Y khoa. Những tài liệu này được tiểu ban giám định gồm các bác sĩ Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng, Vũ Văn Cẩn đánh giá, nhận xét tốt. Tin ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh biết đến, Người đã ký tặng cho ông Huân chương Kháng chiến hạng Ba, đồng thời trong một lần tập huấn tại Bộ Y tế, Người tận tay tặng ông một chiếc áo đũi. Về nhà, mở ra xem thì thấy trên chiếc áo có dòng chữ thêu: “Nhân dân Bắc Cạn kính dâng Hồ Chủ tịch”!.
 

Trên cơ sở hai cuốn sách “Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa”, “Giải phẫu bệnh và thực dụng ngoại khoa”, sau khi hòa bình lập lại, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã từng bước hoàn chỉnh, bổ sung, viết mới thành một bộ sách giải phẫu, bao gồm 4 cuốn: “Giải phẫu đại cương, giải phẫu đầu mặt cổ”, “Giải phẫu thực dụng ngoại khoa tứ chi”, “Giải phẫu ngực”, “Giải phẫu bụng”. Đây đều là những cuốn sách gối đầu giường cho bất cứ sinh viên ngành giải phẫu nào ở Việt Nam. Với ý nghĩa và đóng góp quan trọng của bộ sách vào nền y học Việt Nam, hơn 10 năm sau khi mất, GS. Đỗ Xuân Hợp đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật đợt đầu tiên (1996), cùng với những nhà khoa học khác như Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Hồ Đắc Di.

Những đóng góp của GS. Đỗ Xuân Hợp cho ngành giải phẫu Việt Nam rất có giá trị, điều này sẽ được các thế hệ học trò và lịch sử y học Việt Nam mãi mãi ghi nhận. Trong những ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh tại Viện Quân y 108, GS Đỗ Xuân Hợp được nhận quân hàm Thiếu tướng và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tại lễ tưởng niệm một năm ngày mất của GS Đỗ Xuân Hợp diễn ra tại trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Vũ Duy San - một người học trò đã nói về người thầy của mình: “Sự vĩ đại của một con người khoa học chưa hẳn là những học hàm hay học vị mà có thể lại là sự cống hiến cao nhất, nhiều nhất, trong sáng nhất của người đó cho xã hội, cho khoa học. Sự cống hiến đó có thể âm thầm trong suốt một giai đoạn dài nhưng vẫn giữ nguyên tính vĩ đại, và nhất định có lúc nó phải được đánh giá xứng đáng”. Quả thực, những đóng góp của GS Đỗ Xuân Hợp đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận xứng đáng. Trong mắt các thế hệ các y, bác sĩ kế tiếp, GS Đỗ Xuân Hợp luôn được nhìn nhận là vị anh hùng giản dị, hiền từ. Có lẽ, với GS Đỗ Xuân Hợp, cống hiến đã là một lẽ sống. Chính vì vậy “nó mang bản chất anh hùng. Thầy của chúng ta xứng đáng là một anh hùng, với đặc trưng giống như bất cứ vị anh hùng kim cổ nào khác. Chính vì vậy, chúng ta nguyện gìn giữ những gì gắn bó với sự nghiệp anh hùng đó”.

            Nhắc lại một vài sự việc để thấy rằng GS Đỗ Xuân Hợp suốt đời chỉ biết làm việc một cách tận tụy, không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì cho bản thân”. Từ khi đi theo cách mạng, GS Đỗ Xuân Hợp đã giữ nhiều vai trò khác nhau và luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức giao phó. Ông là một trong những người sáng lập ra Đảng Xã hội Việt Nam và ở trong Ban chấp hành Trung ương Đảng Xã hội từ năm 1946-1985.Trên lĩnh vực chuyên môn, GS Đỗ Xuân Hợp là người sáng lập ra Hội Hình thái học Việt Nam (27-10-1967) và giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng biên tập của tờ báo Hình thái học liên tục trong 18 năm liền.

Từ một cậu học trò nghèo trở thành y sĩ Đông Dương, rồi bác sĩ, sau là một nhà khoa học - trí thức lớn của đất nước, GS Đỗ Xuân Hợp đã luôn phấn đấu, tự học, tự rèn luyện và vươn lên. Cuộc đời ông như gắn trọn vẹn với những thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, mỗi giai đoạn cuộc đời như những trang sử hấp dẫn. Và ông sẽ còn được thế hệ sau nhớ mãi. 

Vị tướng Quân y là "người cộng sản không ở trong Đảng"

Trong cuộc đời của vị Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Đỗ Xuân Hợp đã có không ít kỷ niệm sâu sắc khi được gặp Bác Hồ, nhưng có lẽ, lần gặp Bác khi ông làm đơn xin vào Đảng Lao động Việt Nam, là lần ông xúc động và thấm thía nhất về lời khuyên của Người: "Không phải chú không đủ tiêu chuẩn vào Đảng Lao động Việt Nam. Chú sinh hoạt ở Đảng Xã hội Việt Nam, tranh thủ được trí thức nước ta và trí thức thế giới. Ở Việt Nam, Đảng Xã hội là anh em với Đảng Lao động… Bác đòi hỏi chú là một sự hy sinh, chú có bằng lòng không?". Rồi Bác nắm tay người bác sĩ nói rất chân tình: "Chú Hợp là người cộng sản không ở trong Đảng".

 

Một cuộc đời giản dị

Năm 1932, khi mới tròn 25 tuổi, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã trở thành trợ lý giảng dạy bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Hà Nội, làm việc dưới sự chỉ đạo của vị Giáo sư người Pháp tên là Pierre Huard. Ngay trong thời gian này, ông đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu khoa học về giải phẫu, ngoại khoa, nhân chủng học rất có giá trị.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc (19-12-1946) bùng nổ, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và được cử làm Viện trưởng Viện Quân y Việt Trì, rồi Viện trưởng Viên Quân y Liên khu X. Trải qua những ngày đêm cấp cứu thương binh bên lán mổ ven làng, đã giúp cho người trí thức từng sống dưới chế độ cũ nhận ra lẽ sống, gắn mình chặt chẽ hơn với Tổ quốc, với nhân dân.

Chấp nhận một cuộc sống giản dị, trong sạch để vươn tới giá trị tinh thần cao quý, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp dồn hết tâm sức tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Năm 1950, ông được cấp trên chỉ định làm Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ và sau này là Học viện Quân y, QĐND Việt Nam. Nhờ sự gắn bó này, ông đã được phong hàm cấp Tướng và trở thành anh hùng LLVTND.

Giáo sư Đỗ Xuân Hợp - Nhà y học uyên bác nhiều lĩnh vực

Giáo sư Đỗ Xuân Hợp còn là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng danh từ y học nói chung và thuật ngữ giải phẫu học Việt Nam nói riêng. Cuối năm 1951, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp đã viết xong cuốn sách Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa bằng tiếng Việt. Có thể nói, đây là một trong những cuốn sách giáo khoa y học đầu tiên bằng tiếng Việt ở nước ta. Nhân dịp này, ông đã được Hồ Chủ Tịch tặng thưởng Huân chương Kháng chiến.

Trong suốt hơn nửa thế kỷ nghiên cứu và giảng dạy, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp đã viết 22 cuốn sách giáo khoa và chuyên đề y học, trong đó chủ yếu là giải phẫu học. Cuốn sách chuyên khảo Hình thái học người và giải phẫu mỹ thuật học đồng tác giả với Giáo sư Pierre Huard năm 1942 đã được giải thưởng Testut của Viện Hàn lâm Y học Pháp.

Có thể nói, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu những kiến thức giải phẫu học hiện đại và trở thành một nhà y học uyên bác nhiều lĩnh vực. Trong cuộc đời mình, ông đã nghiên cứu và công bố 125 công trình khoa học về các vấn đề giải phẫu, ngoại khoa, nhân trắc, nhân chủng, dân tộc, khảo cổ, mỹ thuật... Một số công trình nghiên cứu của Giáo sư công bố ở nước ngoài đã được dư luận y học thế giới chú ý.

Đầu năm 1985, vài tháng trước lúc qua đời, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp cùng với Giáo sư Nguyễn Tấn Trọng vẫn làm cố vấn khoa học cho một số công trình nghiên cứu lớn như: Xây dựng các dữ liệu nhân trắc học của người lao động Việt Nam, theo lời mời của Viện Nghiên cứu khoa học bảo hộ lao động, để thực hiện nốt hướng đi nhất quán của đời mình là, khoa học phục vụ đời sống, sản xuất và chiến đấu. Mặc dù biết mình không còn sống được bao lâu nữa, nhưng nhiệt huyết vẫn còn rực cháy trong lòng ông.

Tháng 5-1993, 8 năm sau khi Giáo sư qua đời, Viện Hàn lâm Y học Pháp đã gửi đến gia đình ông tấm bằng chứng nhận Giải thưởng khoa học mang tên L. Testut, nhà giải phẫu vĩ đại người Pháp. Giải thưởng Testut được trao cho công trình nghiên cứu mà ông đã cùng Giáo sư Pierre Huard công bố từ cuối năm 1942. Thế là, vừa đúng nửa thế kỷ, sau khi công trình ra đời, vì những lý do khác nhau, giải thưởng mới đến với tác giả khi tác giả đã thành người thiên cổ! Dẫu sao, đây cũng là một vinh dự tự hào của ngành giải phẫu học Việt Nam.

Đã nhiều năm trôi qua, kể từ khi Giáo sư, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp vĩnh viễn đi xa, đất nước và con người Việt Nam có bao nhiêu biến đổi. Nền y học nước nhà nói chung và ngành giải phẫu học nói riêng, theo đà tiến bộ của khoa học thế giới đã có những bước phát triển lớn lao, nhưng các thế hệ học trò của Giáo sư Đỗ Xuân Hợp sẽ vẫn tiếp tục đi theo con đường chỉ dẫn của thầy, góp phần đưa nền y học Việt Nam ngày càng phát triển. Giờ đây, tên tuổi và sự nghiệp của Giáo sư sẽ mãi mãi tỏa sáng trên bầu trời y học nước nhà.

Với những đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà, Giáo sư, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được Nhà nước và quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, danh hiệu Anh hùng LLVTND, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).

GS. Đỗ Xuân Hợp – Ông tổ ngành giải phẩu học Việt Nam

Cho đến nay, không riêng gì các thế hệ sinh viên y khoa mà ngay cả chúng ta cũng đều tự hào khi biết trong bộ sách giá trị Anatomie Topographique của Henri Rouvierè - tập nghiên cứu y học về cánh tay con người có chương viết về cơ ghi rõ Muscle Do Xuan Hop và chương về dây thần kinh ghi rõ nerf Do Xuan Hop. Bên cạnh đó tên tuổi và công trình nghiên cứu của ông còn được in trong bộ Encyclopédie medicale Francaise (Bách khoa toàn thư y học Pháp). Vậy Đỗ Xuân Hợp là ai mà khiến y học thế giới phải đề cao và khâm phục như thế?

Ông sinh ngày 8/7/1906 tại Hà Nội - con thứ năm của cụ Đỗ Xuân Đạt - một gia đình nghèo có truyền thống hiếu học và yêu nước. Khi cụ Lương Văn Can cùng những chí sĩ yêu nước lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì cụ Đạt dù không ra dạy, nhưng vẫn bí mật giúp đỡ tài chính cho trường. Ngay từ nhỏ, cụ Đỗ Xuân Hợp đã nổi tiếng là cậu học trò giỏi nhất trường. Sau khi đậu ưu kỳ thi tiểu học thì phần thưởng là những cuốn sách đã được ông chất đầy trong một tủ lớn! Sau này theo học trường Bưởi, ông cũng là học sinh giỏi, chăm chỉ và khiêm tốn giúp bạn học kém hơn mình. Mỗi tháng được nhận học bổng 8 đồng, ông dùng để nuôi hai em tiếp tục ăn học như mình. Sau khi tốt nghiệp trung học với bằng thành chung loại ưu tú, ông theo học trường Cao đẳng y dược Đông Dương. Ông tính toán như vậy vì chỉ sau bốn năm học thì có thể đi làm để giúp đỡ gia đình. Mùa hè năm 1929, Đỗ Xuân Hợp tốt nghiệp ra trường.

Lúc này tình yêu đến với ông. Người đó là bà Nguyễn Thị Thịnh - một nữ sinh trường Sư Phạm Hà Nội. Sau này nên duyên nợ thì người vợ đã cùng theo chồng lên đường nhận nhiệm sở. Đỗ Xuân Hợp được phân công về nơi rừng thiêng nước độc ở Bắc Hà (gần Lào Cai)! Nơi đây trong thập niên 30 vẫn còn là nơi "ánh sáng văn minh" chưa rọi tới! Những người dân còn tin vào thầy mo hơn là tin vào khoa học. Cho dù họ vẫn kính trọng gọi ông là "quan đốc". Hãy nghe một người học trò của ông là bác sĩ - TS. Lê Gia Vinh kể lại: "Một hôm đi qua một quả đồi vắng, bỗng nhiên nghe tiếng chập cheng lốc cốc, kèm theo tiếng rên rỉ khóc lóc, "quan đốc" lần mò vào tận nơi, thấy một cụ già bụng trương phình, đang hổn hển nằm chờ chết, chung quanh vợ con gào khóc, khấn vái trước một bàn thờ gà xôi, rượu, hoa quả đủ thứ, một thầy mo đang phồng mang trợn mép, mặt đỏ tía tai, vung gươm nhảy nhót, truyền phán các âm binh xua đuổi ma quỷ.

Thấy "quan đốc" vào , thầy mo vội vã chuồn mất. Sau khi Bác sĩ Hợp thăm bệnh xong, thầy ký được gọi đến, mang dụng cụ tháo thụt ngay cho ông cụ. Phải đả thông mãi, ông cụ và gia đình mới bằng lòng cho làm. Ra được một thau sành đầy. Thấy nhẹ nhàng thoát chết, ông cụ và gia đình lạy lấy lạy để, cám ơn mãi "quan đốc" nhân từ cứu nhân độ thế".

Sống trong một môi trường như thế, vợ chồng Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã làm hết sức mình để cải thiện sức khỏe cho người dân còn mê muội, dốt nát. Ngay từ những năm tháng này ông đã có quan niệm: cứu được bệnh nhân thoát khỏi tay tử thần là niềm vui của chính mình. Muốn làm được như vậy thì không thể không nâng cao tay nghề và trình độ hiểu biết của mình về y học.

Cuối xuân năm 1932, ngoài trời rét lạnh. Những ngọn gió lang thang đi qua rừng cây trong đêm tối làm vọng lại những âm thanh buồn não ruột. Đang nằm trong chăn ấm, hai vợ chồng cùng chúi mũi đọc hài kịch của Molière cho vơi nỗi nhớ nhà thì đột nhiên nghe những tiếng súng vọng lên "đoàng! đoàng!". Rồi có những tiếng kêu thất thanh: "Cướp! Cướp!" Tình hình những năm tháng này chưa yên ổn, bọn thổ phỉ từ biên giới tràn sang cướp phá như chỗ không người! Ông Hợp vội tắt đèn măng - xông, với tay lấy khẩu súng trường đang treo trên tường nhà rồi dẫn vợ chạy ra chỗ ẩn náu. Ông dự định gặp bọn chúng kéo đến là bắn. Nhưng hỡi ôi! Chúng đông quá. Ông bất lực nói: "Chúng mày muốn lấy gì thì lấy! Để cho tao sống, tao còn chữa bệnh cho dân". Thế là chúng lấy hết mọi thứ! Thấy chiếc nhẫn cưới đang đeo trên tay, một tên thổ phỉ định rút dao ra chặt tay ông để cướp thì ông nhanh chóng tháo ra đưa ngay cho nó. Như vậy cả gia tài dành dụm chỉ trong thoáng chốc tan theo mây khói. Lúc binh lính Pháp lên trấn áp bọn thổ phỉ thì chúng đã cao chạy xa bay tự lúc nào rồi!

Nhưng trong đời còn có câu: "Tái ông thất mã" để chỉ việc đời biến hóa khôn lường, trong rủi có may và ngược lại. Sau tai họa trên thì nửa tháng sau, ông được mời lên đồn binh để nhận tiền bồi thường! Với số tiền này ông đã dùng để mua tài liệu y học từ bên Pháp và theo học hàm thụ trường Đại học tổng hợp tại Paris. Hai vợ chồng cùng học say mê và chăm chỉ. Cũng trong thời gian này, ông nhận được thông báo: Trường Y khoa Đông Dương đang thi tuyển chọn lấy một trợ lý ngành giải phẫu cho Viện giải phẫu của trường. Thế là với quyết tâm của mình, ông quyết tâm thi. Cuối năm 1932, ông trở về Hà Nội nộp đơn thi và trúng tuyển. Nhờ vậy, ông được chuyển công tác về Hà Nội, phụ việc cho Giáo sư P. Huard - giám đốc của Viện giải phẫu học.

Qua năm sau, nhờ có sự chứng nhận và giới thiệu của trường hàm thụ mà vợ chồng được thi tú tài. Cả hai kỳ thi họ đều đậu thủ khoa. Nếu Bác sĩ Hồ Đắc Di là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bác sĩ phẫu thuật tại Pháp thì Đỗ Xuân Hợp là người đầu tiên trợ giảng và hướng dẫn cho sinh viên thực tập trong khoa phẫu thuật của trường Y khoa Đông Dương.

Thông qua những kinh nghiệm đã thu thập được sau hơn 10 năm làm công việc này, Đỗ Xuân Hợp đã gây chấn động trong giới y học thời bấy giờ bằng bộ sách Morphologie humaine et anatomie artistique (Hình thái học và giải phẫu thẩm mỹ) in năm 1942. Với bộ sách này ông đã được Viện Hàn Lâm y học nước Pháp đã tặng giải thưởng Testut vào năm 1949. Ngoài ra ông còn công bố nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khác. Có thể nói từ năm 1936 Đỗ Xuân Hợp đã nghiên cứu về bộ xương người Việt Nam hiện đại và một số sọ hoặc bộ xương người Việt Nam thời cổ. Ngoài ra ông còn nghiên cứu cả về não, mạch máu thần kinh và nội tạng v.v... Hầu hết những công trình này đều viết bằng tiếng Pháp. Trong thời gian này có hai chi tiết thú vị. Một là mùa thu năm 1942, khi xem triển lãm tại phòng tranh mỹ thuật Đông Dương, vợ ông đã mua bức tranh Gia đình thuyền chài của họa sĩ L.X.N vừa đoạt giải thưởng đặc biệt. Sau khi họa sĩ đem đến tận nhà treo, bấy giờ Đỗ Xuân Hợp mới ngắm nghía. Chỉ giây lát sau ông đã phát hiện ra chi tiết sai về cơ bắp khi họa sĩ vẽ nhân vật, vì khi ngồi co chân thì bắp chân không thể như thế được. Sự góp ý của ông chính xác và thuyết phục nên họa sĩ này vui vẻ đem về vẽ lại, nhờ vậy bức tranh mới đạt hiệu quả trong nghệ thuật. Hai là với tấm bằng Testut - do biến chuyển thời cuộc nên Đỗ Xuân Hợp không nhận được. Mãi đến sau này, khi Tổng thống Pháp Francois Mitterrand sang thăm Việt Nam có gặp vợ cố Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp. Trong trò chuyện thân mật, bà có nhắc đến chuyện này, điều chúng ta không ngờ là chỉ thời gian sau, Viện hàn lâm y học Pháp đã gửi đến cho gia đình cố bác sĩ tấm bằng này. Theo lời kể của vợ cố bác sĩ Đỗ Xuân Hợp chúng ta có thể thấy được tinh thần hiếu học của ông. Bà nói: "Đối với ông nhà tôi trên đời này chỉ có sách là quan trọng nhất. Không lúc nào tay ông rời quyển sách. Thậm chí ngay trong lúc ăn, ông cũng chúi mũi vào sách, nhiều lúc tôi phải đút cơm cho chồng tôi như chăm sóc trẻ nhỏ. Cơm ngon hay khê nhão ông cũng không quan tâm, cho gì ăn nấy, mắt chỉ dán vào sách hoặc giáo trình sẽ giảng dạy cho sinh viên. Sau này được nhà nước giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhưng ông vẫn không thay đổi thói quen này.

Còn chuyện tiền nong thì ông không bao giờ để ý đến. Mỗi tháng, người lái xe riêng của nhà tôi nhận tiền lương trao cho tôi. Có lần tôi hỏi tiền lương mỗi tháng bao nhiêu thì ông lắc đầu không biết. Có thể nói nhà tôi là người lấy việc say mê nghiên cứu y học làm niềm vui. Tôi tự hào là trong tổng số gần 100 công trình đã công bố bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, tôi có đôi lần đóng góp cho chồng tôi những việc nhỏ. Chẳng hạn như tìm giúp nhà tôi tiếng Việt phù hợp khi dịch tài liệu tiếng Pháp hoặc năm 1951, nhà tôi nhiều ngày đăm chiêu suy nghĩ khi chuyển ngữ một loại xương từ tiếng latinh sang tiếng Việt. Trong sách tiếng Latinh ghi là Tibia, có người dịch là xương ống quyển nhưng cũng chưa thích hợp lắm. Không biết đặt tên gì cho phù hợp, nhà tôi suy nghĩ mãi khiến tôi cũng sốt ruột. Lúc đó, tôi đang ngồi dùng chày giã cua, thì Bác sĩ Nguyễn Thế Khánh đi ngang qua, nhà tôi gọi vào và giãi bày nỗi khó khăn của mình. Thấy tôi đang cầm chày trên tay, Bác sĩ Khánh nhìn tấm ảnh vẽ khúc xương rồi buột miệng nói đùa: "Ô hay trông giống cái chày quá nhỉ!". Đang chăm chú làm việc nghe vậy tôi phá lên cười vui vẻ. Nhà tôi cũng cười và đặt tên là xương chầy - vì đó là từ đúng nhất mà lâu nay nhà tôi cứ cố gắng tìm kiếm trong vốn từ ngữ tiếng Việt của mình.

Dù là người rất giỏi tiếng Pháp, dùng tiếng Pháp để dạy cho sinh viên, nhưng ngay sau Cánh mạng tháng Tám, thực hiện chủ trương của Đảng đưa tiếng Việt vào trường Đại học thì ông là một trong những người đầu tiên hưởng ứng bằng tất cả tâm huyết của mình.

Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra tiếng súng hào hiệp và chính nghĩa thì Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp bỏ lại sau lưng căn biệt thự số 69 phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), bỏ lại những tiện nghi vật chất để lên đường tòng quân. Sự cương quyết của ông khi đi theo kháng chiến là việc không phải ai cũng làm được, vì bấy giờ ông đang giảng dạy ở Đại học Y khoa, lại chữa bệnh ở bệnh viện Phủ Doãn và còn có cả phòng mạch tư ở phố Chợ Hôm. Nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, vợ chồng ông ra đi nhẹ nhàng và thanh thản. Vào tháng 3/1947 họ ở Việt Trì. Sau khi Pháp tấn công thì phải dắt díu nhau chạy lên Lâu Thượng rồi nửa đêm chạy ngược sông Lô để qua Bình Sơn (Vĩnh Yên). Từ đây, Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được giao nhiệm vụ làm giám đốc Quân y viện Liên khu 10. Vào tháng 3/1949, nhiều chiến dịch lớn đã mở và quân ta đánh thắng giặc Pháp nhiều trận oanh liệt. Để kịp thời đào tạo cán bộ quân y phục vụ chiến trường, Trường Đại học Quân y được thành lập ở cánh rừng Liễn Sơn, xã Hồng Hoa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú). Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp nhận thêm nhiệm vụ giảng dạy cho trường, ngoài ra, ông còn phải dạy ở Đại học y khoa Chiêm Hóa (Tuyên Quang) do Bác sĩ Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng. Từ năm 1950, ông được chỉ định làm Hiệu trưởng trường Đại học Quân y. Tuy bận nhiều việc nhưng ông không ngừng nghiên cứu khoa học và biên soạn giáo trình giảng dạy.

Trực tiếp mổ xẻ, băng bó, chăm sóc vết thương cho thương bệnh binh từ chiến trường chuyển về, ông nhận thấy vết thương tứ chi bao giờ cũng chiếm một tỉ lệ lớn, do đó ông đã kịp thời biên soạn quyển Giải phẫu tứ chi và Thực hành y khoa. Tập sách này được xuất bản năm 1952 tại Việt Bắc - nó không chỉ là tài liệu chính giảng dạy trong nhà trường mà còn là cẩm nang quý báu cho cán bộ quân y tham khảo để phục vụ thương binh ngay tại chiến trường. Với tác phẩm này, ông được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng ba. Từ sự khích lệ này, trong suốt 20 năm (1952-1971) ông đã dành hết tâm lực để hoàn thành bộ sách nghiên cứu về giải phẫu học gồm nhiều tập, với 2000 trang, 900 hình vẽ minh họa có giá trị lâu bền như Giải phẫu bụng, Giải phẫu ngực... đã được Nhà xuất bản y học tái bản nhiều lần. Ngoài ra còn có thể kể đến những tác phẩm y học ông viết trong thời gian chống Pháp như Triệu chứng học, Dược học, Thực hành bệnh viện...

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội địa cầu, cùng với đoàn quân chiến thắng, gia đình Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp trở về Hà Nội. Về lại thủ đô, với chức Hiệu trưởng Viện Đại học Quân y, ông góp tay vào việc xây dựng nền y học nước nhà.

Là một nhà khoa học, một người thầy thuốc, Ông đã hết lòng, hết sức đem hết khả năng và kinh nghiệm của mình để cứu chữa cho thương bệnh binh, luôn luôn thể hiện tốt lời dạy của Hồ Chủ Tịch: "Người thầy thuốc giỏi phải đồng thời như mẹ hiền". Ông mất năm 1985 tại Hà Nội.

Với những đóng góp của mình, Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được Nhà nước và quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1). Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất đối với ông là ông đã tự nguyện sống trọn vẹn cả cuộc đời cho công việc phụng sự y học với tư tưởng "cứu nhân độ thế" mà Thánh y Lê Hữu Trác đã dạy.  

Ngày 01/07/2015
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang và PGS.TS. Triệu Nguyên Trung
(Tổng hợp)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích