Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 3 8 1 2
Số người đang truy cập
2 6 2
 Tư vấn sức khỏe
Hỏi đáp y học thường thức và chuyên ngành ký sinh trùng tháng 10 năm 2016 (Phần 1)

Lê Thị Thu Thủy-thuthuy8627@........-Quảng Nam

Hỏi: Chào bác sĩ! con tôi hiện tại được 23 tháng, cân nặng 10 kí, cháu được xét nghiệm chuẩn đoán giun lươn tại BV 600 giường Đ nẵng. Bác sĩ kê toa thuốc: Ivermectin 6mg: 1/3 viên/ lần/ ngày x 2 lần. Nhưng đọc tờ hướng dẫn sử dụng thì thuốc không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi và chỉ dùng 1 liều duy nhất, nên tôi thấy bất an không biết có nên cho cháu uống không, nhờ bác sĩ cho lời khuyên. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Xin cảm ơn câu hỏi của chị, đây là một câu hỏi liên quan đến phần điều trị ấu trùng giun lươn trên trẻ em. Rất tiếc trong câu hỏi của chi có nêu nhiễm ấu trùng giun lươn nhưng không biết giá trị hiệu giá kháng thể dương tính là bao nhiêu, các xét nghiệm khác liên quan như công thức máu toàn phần, nhất là chỉ số bạch cầu ái toan không rõ, men gan của cháu thế nào, cũng như thể trạng và các triệu chứng con bạn có. Do đó, chúng tôi không thể xác định là việc chẩn đoán cháu mắc giun lươn đã phù hợp chưa.

Về mặt điều trị, bất cứ thuốc nào cũng có tác dụng ngoại ý theo các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trước khi thuốc được đưa ra thị trường dùng. Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa trong điều trị người thầy thuốc luôn luôn cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ dùng thuốc và bảo vệ uy tín nghề nghiệp cho họ nữa, nên chắc có lẽ sự quyết định điều trị của họ có lý. Giờ đây, để có lời khuyên hợp lý và đưa ra chẩn đoán và điều trị thích đáng, chung tôi khuyên bạn đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị.

Thân chúc bạn và gia định khỏe!


Hình 1


Lê Văn H., 45 tuổi, Bà Rịa – Vũng Tàu, hhho…@gmail.

Hỏi: Chào bác sỹ của Viện sốt rét Bình Đinh, cha tôi 72 tuổi, bị bệnh khô miệng, khô họng và đặc quánh nước bọt. Tôi không biết cha mắc bệnh gì và cần phải điều trị ra sao, mong các bác sỹ giải thích. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi thú vị của bạn, tuy nhiên chung tôi không nghe bạn đề cập rằng ông cụ có bệnh lý nền nào không, để từ đó chúng tôi có thể đưa ra định hướng và phúc đáp câu trả lời cho bạn tốt nhất. Khô miệng và giảm tiết nước bọt có thể là triệu chứng hoặc là một bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng ở người cao tuổi tỷ lệ mắc nhiều hơn. Về nguyên nhân theo các chuyên gia cho biết có một số nguyên do và nêu lên một số biện pháp khắc phụcở Viện Y học Mỹ:


Hình 2

(i) Khô miệng: Về nguyên nhân có rất đa dạng nhưng thường thấy là căng thẳng bởi stress, do sợ hãi, thời tiết thay đổi, do viêm nhiễm, chấn thương tuyến nước bọt. Ngoài ra còn do sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh, nhất là phản ứng phụ của nhóm thuốc lợi tiểu, do mắc bệnh đái tháo đường, bệnh trầm cảm, sử dụng thuốc chống ung thư, do tuổi già hệ thống trao đổi chất, miễn dịch suy yếu. Khô miệng ở người già có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh hay hội chứng Sjogren, gây nổi mề đay, ngứa hay còn gọi là bệnh mô liên kết; làm tăng nguy cơ mắc bệnh sâu răng, khó khăn khi nhai và nuốt.


Hình 3

Cách khắc phục là nên đi khám chuyên khoa, tư vấn nha khoa để biết được cách điều trị cụ thể. Nếu ít nghiêm trọng có thể áp dụng phương pháp như tăng cường uống nước, nhấm nháp nước thường xuyên để miệng ẩm, nhai kẹo cao su, tránh dùng đồ uống có chứa nhiều caffein như cà phê, nước giải khát có gas hoặc đồ uống trộn lẫn giữa nước tăng lực với nước ngọt hoặc với rượu. Hạn chế tối đa đồ ăn thức uống có chứa nhiều đường, mỡ và muối, không nên hút thuốc lá, không nên duy trì cách thở bằng miệng. Duy trì phòng ngủ với nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, nếu cần có thể dùng thuốc xịt miệng để cải thiện quá trình tạo nước bọt trong miệng.


Hình 4

(ii) Bệnh khô họng: Cùng với bệnh khô miệng, người già thường hay mắc phải căn bệnh khô họng, đặc biệt là vào lúc giao mùa và trong mùa đông. Có thể do thời tiết (về mùa đông, người già có sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh viêm nhiễm như cảm lạnh, cúm, ho làm cho cổ họng khô rát, khó chịu), do mất nước (đây là nguyên nhân rất phổ biến gây khô họng, đơn giản là khi cơ thể mất nước, lượng dịch thấp, trong khi đó nhiệt độ ngoài trời lại lạnh, hanh khô nên làm cho căn bệnh trở nên trầm trọng. Nên uống nhiều nước và hạn chế thực phẩm nhiều muối); Do nói nhiều (những người phải nói nhiều, nói to, nói liên tục sẽ làm cho dây âm thanh bị ảnh hưởng và dẫn đến khô, đau và rát); Do không khí khô (do đặc thù mùa đông, độ ẩm không khí giảm nên trong quá trình hít thở làm cho cổ họng khô đau. Để hạn chế rủi ro gây bệnh những người già không nên ở ngoài trời quá lâu, phòng ngủ nên đảm bảo độ ẩm thích hợp); Do hút thuốc lá (một trong những nguyên nhân gây bệnh khô họng là tật hút thuốc lá. Những hóa chất có trong thuốc lá là thủ phạm gây mất nước của cơ thể. Cần phải bỏ thuốc lá để loại trừ nguyên nhân); Do ngộ độc thực phẩm (ngộ độc thực phẩm là một trong số những loại bệnh viêm nhiễm do khuẩn Clostridium botulinum gây ra, nó là thủ phạm phong bế chức năng thần kinh dẫn đến tê liệt hệ thống hô hấp và cơ xương. Theo nghiên cứu thì chỉ sau từ 12 - 36 giờ nhiễm vi khuẩn trên, cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng khô miệng, khô cổ họng và đây là những dấu hiệu dễ nhận biết trước tiên và cần phải đưa người bệnh đi cấp cứu; Do dị ứng (nhóm người trung niên và cao tuổi, sức khỏe suy giảm, nếu tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất, do thời tiết giao mùa là lúc dễ bị khô miệng, khô cổ họng. Các chất gây dị ứng có nhiều trong sản phẩm gia dụng, vì vậy khi mua những sản phẩm này phải thận trọng và sau khi dùng xong phải vệ sinh và cất giữ cẩn thận).


Hình 5

Về cách phòng ngừa, người già nói riêng và mọi người nói chung nên mặc ấm về mùa đông, uống đủ nước (6 - 8 cốc/ngày). Súc miệng bằng nước ấm hoặc nước dấm táo. Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp chống khô miệng và cổ họng bằng chanh và mật o­ng, lấy một ly nước ấm, pha một thìa cà phê nước chanh và một thìa cà phê mật o­ng khuấy đều uống, mỗi ngày 2 lần có tác dụng giảm đau khô và viêm họng. Cuối cùng là duy trì cuộc sống vận động, ăn uống khoa học tăng cường thực phẩm có lợi cho cơ thể nhất là rau xanh, trái cây.

Ngoài ra, khô miệng là tình trạng không có đủ nước bọt để giữ miệng ẩm ướt. Khô miệng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng và tâm lý, gây khó khăn trong ăn uống, nói, thay đổi vị giác, nhiễm trùng răng miệng. Ngoài ra khô miệng, còn đẩy nhanh sự thoái hoá răng sẽ dẫn tới chứng hôi miệng, sâu răng hoặc các chứng viêm nhiễm trong miệng. Một số yếu tố liên quan dẫn đến khô miệng gồm:

- Tuổi tác: Theo thống kê có khoảng 20-25% người cao tuổi bị mắc chứng bệnh khô miệng, nguyên do lượng nước bọt tiết ra ngày càng ít dần, người bệnh khó nhai, khó nuốt thức ăn khô. Các rối loạn do khô miệng nặng dần theo lứa tuổi, nước bọt quánh đặc, ít hơn, niêm mạc miệng trở nên đỏ, khô, lưỡi bóng, gây đau đớn khi ăn. Tình trạng khô miệng khiến người bệnh phải uống nước liên tục trong ngày, nhấp nước khi nói, thậm chí thức giấc chỉ để uống. Khô miệng ở người cao tuổi sẽ gây hậu quả là suy dinh dưỡng, mất ngủ ban đêm, tăng suy nhược cơ thể.

- Ngạt mũi: Ngạt mũi là một trong những nguyên nhân thường gặp gây khô miệng. Điều này bắt nguồn từ thành vách ngăn mũi bị lệch hoặc do không khí lạnh, do viêm nhiễm đường hô hấp dẫn đến tình trạng chất nhầy đóng trong mũi quá nhiều, làm nghẽn đường lưu thông của không khí vào cơ thể mũi dẫn đến bị khô miệng.

- Thuốc: Có rất nhiều loại thuốc dẫn đến khô miệng, theo thống kê có khoảng 400 loại thuốc thường dùng có thể gây ra khô miệng, như các thuốc chống tăng huyết áp, trầm cảm, thuốc giảm đau, an thần, lợi tiểu, kháng histamin, thuốc điều trị Parkinson, các thuốc có hoạt tính anticholinergic thường gây khô miệng do ức chế hoạt động của thần kinh bài tiết. Thuốc điều trị chứng mất ngủ, cũng có khi làm cơ thể bị mất nước và khiến bạn có cảm giác miệng bị khô nẻ vào buổi sáng.


Hình 6

Ngoài ra còn một số nguyên nhân gây khô miệng như uống quá nhiều rượu vào buổi tối cũng có thể khiến cơ thể bị mất nước và gây nên cảm giác khô nẻ ở miệng vào buổi sang; tư thế nằm ngủ; thở bằng miệng khi ngủ. Một số bệnh lý như bệnh Parkinson, tai biến mạch máu não, bệnh Alzheimer, trầm cảm, … có thể là lý do dẫn đến chứng khô miệng.

Biện pháp khắc phục và phòng bệnh

(1) Nếu khô miệng do tuổi tác, có thể phòng tránh chứng khô miệng bằng cách giữ vệ sinh răng miệng: Dùng kem đánh răng có chứa fluoride, súc miệng nước muối nhiều lần trong ngày. Uống nước thường xuyên để giữ ẩm miệng. (2) Nếu khô miệng do dùng thuốc cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách hạn chế tác dụng phụ của thuốc. (3) Nếu khô miệng do mắc một số bệnh lý đòi hỏi người bệnh cần phải thay đổi lối sống và đến bác sĩ khám thường xuyên để áp dụng liệu pháp điều trị chuyên biệt. Ngoài ra cần tránh các tác nhân gây khô miệng: Các nước uống và thực phẩm có hàm lượng đường cao; không uống rượu, không hút thuốc.

Trên đây là các ý kiến chuyên môn sâu chúng tôi tổng hợp nhằm gợi ý cho bạn về các nguyên nhân và hướng có thể khắc phục được.


Huỳnh Tá, 46 tuổi, TP. Nha Trang, Khánh Hòa

Hỏi: Kính thưa, quý bác sỹ cho tôi biết tại sao tôi hay bị ngứa vào cuối chiều muộn và chặp tốivà phụ nữ mang thai sau sinh thình thoảng có bị ngứa và nổi mày đay. Xin chi cho cách điều trị. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn về một câu hỏi thú vị mà chúng tôi thường trong thực hành lâm sàng về da liễu và bệnh lý ký sinh trùng hay được các bệnh nhân cho biết tương tự như vậy. Nhiều người kể cả nam giới và nữ giới, thường nổi mày đây sau khi đi ngoài mưa trở về, sau khi tắm xong lau khô thân mình, hoặc rơi vào chiều và sẩm tối là bị ngứa, thậm chí cả sáng sớm. Về nguyên nhân các tình huống như vậy có rất nhiều và thường không thể xác định chính xác là nguyên nhân nào vì truy tìm nguyên nhân nếu chỉ dựa vào lâm sàng và chỉ dựa vào xét nghiệm là thật khó, khi đó các nhà lâm sàng hay đưa vào phân loại bệnh là mày đay mạn tính. Biểu hiện chung của bệnh nổi mày đay mạn tính là triệu chứng khá nhẹ, lặp đi lặp lại và ngày này qua ngày khác, thậm chí có đọt nặng nên không thuyên giảm. Nguyên nhân của mày đay mạn tính gồm rất nhiều giải thích như yếu tố vật lý, tụ phát, viêm mạch, giả dị ứng, nhiễm trùng.


Hình 7

Ngoài ra, trong cơ thể con người còn tồn tại cơ chế tự miễn dịch. Đối với hệ thống  miễn dịch bên trong cơ thể này có một mạng lưới khống chế và điều tiết. Do sự tồn tại tác dụng khống chế và điều tiết của mạng lưới này nên tình trạng của bệnh nổi mày đay mạn tính không nghiêm trọng bằng bệnh nổi mày đay cấp tính Nguyên nhân chưa thật rõ ràng, tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng vô số loại tế bào của da như tế bào Langerhans, tế bào hình thành chất sừng và tế bào lympho T... tham gia vào quá trình phản ứng miễn dịch. Sự tiết ra các yếu tố miễn dịch trong cơ thể có qui luật thay đổi suốt ngày đêm. Vào 7-8 giờ sáng, mỗi ngày mức độ tiết yếu tố miễn dịch tăng lên, sau 4-5 giờ chiều lại từ từ giảm xuống, lúc lượng tiết ra giảm xuống đến mức phản ứng dị ứng trên trong cơ thể không thể khống chế nên gây bệnh.


Hình 8

Về điều trị mày đay mạn tính khó khăn do thường không tìm ra hết nguyên nhân nên đã gây tốn kém và khó chịu trong sinh hoạt của bệnh nhân. Điều này, khiến cho cả thầy thuốc và bệnh nhân hay “sống hòa bình” với triệu chứng, hoặc làm giảm triệu chứng bằng các thuốc điều trị kháng histamin mà thôi.

Nguyên nhân chủ yếu gây nổi mề đay ở phụ nữ sau sinh có thể là men gan tăng, cộng thêm với tình trạng dinh dưỡng chưa đầy đủ hoặc ăn không tiêu sẽ làm gan thiếu máu, nhiệt, phát độc, gây ngứa hoặc thay đổi nội tiết tố của người mẹ. Có thể uống mật o­ng kèm chanh tươi để giải độc gan bổ máu. Hiện tượng ngứa xuất phát từ gan, sau khi sinh máu bị sụt giảm, nhưng nhu cầu máu lại tăng lên do con cần bú mẹ và cơ thể mẹ cũng cần thêm khí huyết để hồi phục do quá trình sinh nở người mẹ mất lượng máu nhiều. Có nhiều trường hợp thai phụ còn ngứa từ khi đang mang thai. Ngoài ra, sau khi sinh cơ thể người mẹ yếu dễ bị nhiễm gió độc, gan không lọc được độc khí, nên gây ra hiện tượng  nổi mề đay ngứa trong người.


Hình 9

Đối với việc chữa nổi mề đay cho phụ nữ sau khi sinh cần chú ý đến việc không ảnh hưởng tới lượng sữa cũng như sức khỏe của con. Một số biện pháp làm giảm ngứa cho giai đoạn này:

- Dùng bã mướp đắng xay: Theo Đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng không độc, nếu được dùng thường xuyên sẽ giảm các bệnh ngoài da, làm cho da mịn màng. Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại tế bào ung thư, hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ. Ngoài ra, mướp đắng có tình thanh nhiệt khử khuẩn.

Sử dụng mướp đắng để trị mề đay cho phụ nữ sau sinh rất hiệu quả, dễ làm, các chị chỉ cần chuẩn bị khoảng 1kg mướp đắng, sau đó lấy bã đắp vào những chỗ nổi ngứa để khoảng 1 giờ thì các đốm mẩn ngứa sẽ giảm đáng kể.

- Trà hoa cúc: Trà hoa cúc vừa có tác dụng mát gan, thanh nhiệt tẩy độc gan, đắp lên da lại thêm tác dụng trắng da và không ảnh hưởng đến sữa mẹ nhiều. Dùng trà hoa cúc thường xuyên sẽ giúp cơ thể giảm căng thẳng, mệt mỏi, ngủ ngon giấc. Ngoài ra, hoa cúc còn giúp kéo dài tuổi thọ, giảm sự lão hóa da mà giảm cân rất tốt, các bà mẹ sau sinh uống trà hoa cúc sẽ có tác dụng chống táo bón cho cả mẹ và bé, những người bệnh tiểu đường trà hoa cúc giúp kiểm soát bệnh giảm đường huyết. Dùng bã trà hoa cúc đắp lên vùng nổi mề đay sẽ giúp dịu đi cơn ngứa, các nút ngứa lặn dần.


Hình 8

Ngoài ra, các mẹ sau sinh có thể uống nước mã đề, cam thảo để giải nhiệt, không nên dùng các loại đồ ăn uống có tính chua để thanh nhiệt cơ thể vì như thế sẽ dễ làm mất máu và lạnh cơ thể. Các mẹ cũng cần ăn uống đủ chất, uống thêm thuốc lợi sữa bổ khí huyết hoặc thuốc bổ máu để cơ thể tăng khí huyết, đủ máu, ăn ngủ ngon giúp chức năng gan hoạt đồng bình thường trở lại. Tiêu ban giải độc thang - bài thuốc Nam điều trị mề đay hiệu quả, an toàn đối với phụ nữ sau sinh.Đây là bài thuốc Đông y độc quyền chủ trị mề đay mẩn ngứa của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng thuốc dân tộc đã qua nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng trước khi đưa vào phân phối rộng rãi.

Hy vọng với các thông tin trên, bạn và gia đình đã hiểu và biết được mày đay như thế nào đang diễn ra trên cơ thể chúng ra và không phải ca nào cũng có thể chữa khỏi!


Hính 9


Cường-Hoangyen…@gmail.com-Đăk nông

Hỏi: Mấy tháng nay tôi thường xuyên bị ngứa, lúc đầu chỉ bằng hạt đậu nhưng càng gãi càng ngứa nhiều và nổi nốt khắp người. Tôi đi khám và xét nghiệm thì gan bình thường, giun đũa chó sán đầu gai và sán lươn thì ko bị vậy bác sĩ có thể cho tôi biết tôi bị bệnh gì và cách điều trị thế nào ko ạ?

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi khuyên bạn có thể tham khảo trên cùng chuyên mục này sẽ biết có các nhóm nguyên nhân gây ngứa như thế nào vì chúng tôi thường trả lời các câu hỏi tương tự. Nhìn chung, ngứa không phải là một bệnh mà là một triệu chứng trong hội chứng hoặc một bệnh lý nào đó ở nội khoa, ở da liếu và nhiễm trùng.


Hình 10

Do vậy, không chỉ có ba tác nhân giun lươn, giun đũa chó và giun đầu gai ở trên là đủ mà chúng còn có vô vàn nguyên nhân khác nữa. Việc điều trị, sẽ dựa trên kết quả chẩn đoán về mặt lâm sàng và cận lâm sàng. Từ đó, chúng ta quy kết một số bệnh lý có thể, thậm chí đưa ra điều trị thử.

Mời bạn tham khảo trang website của impe-qn.org.vn để biết thêm chi tiết về ngứa nhé!


Mai thùy-phamthimaithuy.gl@.........-gia lai

Hỏi: Xin chào bác sĩ, ba em năm nay 55t, từ ngày 5/2/2016 ba em bị sốt rét, sau đó có uống thuốc đặc trị cho sốt rét và khỏi bệnh sau gần 1 tháng. Sau 1 tháng sau, vào ngày 8/3 ba em bị sốt lại và lần nào cũng sốt cao > 40 độ. lần nào cũng uống thuốc sốt rét đặc trị hết bệnh nhưng sau đó lại tái phát. Đến nay 20/4/2016, ba em lại bị tái phát là lần thứ 4. Bác sĩ cho em hỏi bây giờ nên điều trị như thế nào cho dứt điểm được ạ. Từ lúc ba em bị đến giờ người bị sụt cân và yếu đi rất nhiều. Em xin cảm ơn bác sĩ.

Trả lời: Đây là một câu hỏi liên quan đến sốt rét tái phát như trong câu hỏi và vấn đề đặt ra cảu bạn. Trong thông tin bạn đưa ra tương đối chi tiết và đầy đủ về thời gian tái xuất hiện bệnh, tuy nhiên chúng tôi không rõ là ba của bạn mắc sốt rét loại gì (do P. falciparum hay P. vivax) vì mỗi loại như thế sẽ có thuốc chữa trị khác nhau, liệu trình dùng liều dài ngắn khác nhau để chống tái phát và chống lây lan khác nhau bằng thuốc primaquine, sau khi dùng thuốc diệt thể vô tính 3 ngày xong, ba của bạn có được cấp thuốc primaquine để uống không; hoặc uống có đủ liều không?

Hơn nữa, các thuốc điều trị chống tái phái thường các phòng mạch tư nhân không có sẵn thuốc nên các loại thuốc như thế thường bị bỏ qua và bệnh nhân có thể xảy ra tái phát liên tục.


Hính 11

Sau khi khỏi bệnh ba của bạn có tiếp tục đi vào vùng sốt rét nữa không, nếu có thì có nguy cơ nhiễm bệnh trở lại là có thể (lúc đó gọi là tái nhiễm) thì cách điều trị ngăn ngừa tái phát sẽ khác nhau. Do các lý do trên, để giải thích một cách chi tiết, chúng tôi đề nghị bạn cung cấp thông tin đầy đủ về loài ký sinh trùng sốt rét ba bạn nhiễm và tên thuốc trong phác đồ dùng điều trị trước đây của từng loại thuốc.,…để chúng tôi có thể tư vấn cụ thể hơn.

Thân chúc cả gia đình khỏe!


Hính 12

Trần Túy L, 27 tuổi, Cà Mau, 0919232…..

Hỏi: Kính chào quý bác sỹ ở bệnh viện ký sinh trùng quy nhơn, em muốn biết tại sao một số người khi ăn nhiềuhải sản dễ bị dị ứng, ngứa, sưng môi, miệng, mặt, mắt và thậm chí đau bụng đi chảy quá trời luôn?

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau: Nếu nói về dị ứng thì bất kể thứ gì cũng có thể gây dị ứng cho bạn và kể cả thuốc chống dị ứng cũng có thể dẫn đến dị ứng kia mà. Do vậy, việc dị ứng với thức ăn nói chung và hải sản hay thực phẩm từ biển cả nói riêng là điều khó tránh khỏi. Với xu hướng du lịch trong nước và quốc tế , nhất là khi đến các nơi duyên hải miền Trung thì du khách thường muons ăn các hải sản, nên nguy cơ và tỷ lệ mắc sẽ nhiều hơn. Và hải sản là thực phẩm chính trong các bữa ăn khi chơi ở các tỉnh có môi trường du lịch là biển, đồng thời hải sản cũng là sở thích ăn uống và khoái khẩu của nhiều người.

Hải sản là nhóm thức ăn dễ gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng thực phẩm. Về nguyên nhân và cơ chế gây dị ứng cũng chưa được hiểu một cách thấu đáo. Tuy nhiên, ngoài dị ứng với các hải sản chính nó thì một số độc tố có sẵn hoặc diễn ra trong quá trình bảo quản của thực phẩm biển khiến cho người tiêu dùng dễ bị ngộ độc và dị ứng hơn.


Hính 13

Có rất nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng như cua, tôm, ghẹ, các loại cá (cá nhám, cá ngừ, cá kiếm, cá mú,...), ngêu, sò, sìa, mực, ốc... và ai sẽ là đối tượng nguy cơ cao dễ bị dị ứng với hải sản, đó chính là trẻ em nhỏ, người cao tuổi, người mắc một trong các bệnh dị ứng như bệnh shen uyễn, chàm, phát ban đỏ dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng, viêm da cơ địa hoặc cơ địa vốn có và đặc biệt có một chút yếu tố di truyền hay trong gia đình có nhiều người (bố mẹ, anh, chị, em) có cơ địa dị ứng.

Cơ chế có thể giải thích vấn đề này là do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein lạ, hoặc độc tố trong quá trình chế biến xử lý và đánh bắt chúng tiết ra gây dị ứn, hoặc khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự, gây đáp ứng miễn dịch xảy ra và dẫn đến dị ứng hay nói đúng hơn là những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng. Chất gây dị ứng có trong hải sản khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn. Đầu tiên, cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể chống lại chất gây dị ứng trong thức ăn.


Hính 14

Nếu tiếp tục ăn, chất dị ứng sẽ thúc đẩy kháng thể này kết hợp với các tế bào của hệ miễn dịch để tạo ra các loại histamin và các histamin sinh ra trong các tổ chức, cơ quan khác nhau sẽ gây nên những bệnh lý khác nhau (biểu hiện triệu chứng hắt hơi, ngạt mũi, khó nuốt, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, ngứa, mề đay...). Biểu hiện của dị ứng hải sản rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, thậm chí chỉ chục phút. Nhẹ thì nổi mề đay, ngứa, nôn nao khó chịu. Thông thường vài giờ sau, các triệu chứng sẽ “lặn đi”. Cũng có trường hợp có các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất và hôn mê, tử vong. Tổn thương niêm mạc như phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng. Các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản. Và có thể bạn theo dõi trên các kênh thông tin sẽ cảm nhận được nhiều ca bệnh trong cùng một gia đình bị dị ứng và ngộ độc chết cùng lúc do các hải sản.


Hính 15

Biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa. Đặc biệt là sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp. Phản ứng dị ứng không phụ thuộc số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào mức độ mẫn cảm của từng người. Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, sốc phản vệ có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Khi thấy người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ do dị ứng thức ăn hay dị ứng hải sản ăn vào buổi cơm trước đó, cần gây nôn cho bệnh nhân và đưa họ tới bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất. Không tự ý dùng thuốc sẽ càng thêm nguy hiểm cho bệnh nhân, nhất là người cao tuổi và trẻ em. Khi dùng thuốc cần lưu ý, các thuốc kháng histamin và corticoid tuy có tác dụng đặc hiệu trong dị ứng nhưng đều có thể gây tác dụng phụ và tai biến đôi khi nghiêm trọng. Thuốc kháng histamin thường gây ù tai, chóng mặt, nặng đầu, choáng váng, buồn ngủ. Đối với corticoid dùng liều cao, lâu ngày có thể dẫn tới phù nặng mặt, teo da, xốp xương, rối loạn chuyển hóa nhẹ hoặc nặng...Việc đảo thải các thức ăn trong lòng ruột người bệnh càng sớm càng tốt.


Nguyễn Thị Minh Ng….-nguyet.minh76@......com – TP. Đà Nẵng

Hỏi: Tôi xét nghiệm bị nhiễm giun sán chó có kết quả xét nghiệm là 1,076 của Bệnh viện Y dược Phạm Ngọc Thạch. Tôi đã liên hệ mua thuốc của Viện Ký Sinh trùng Quy Nhơn và uống trong 21 ngày.Trong thời gian uống thuốc tôi không bị nổi mẫn ngứa nhưng khi hết thuốc lại bỉ nổi mẩn ngữa lại. Sau 2 tuần tôi xét nghiệm lại vẫn bị dương tính 1,054. Vậy tôi có phải mua thuốc điều trị tiếp hay không?

Trả lời: Việc mua thuốc trở lại để điều trị cần có sựu tư vấn và xem xét tổng thể của các bác sỹ chuyên khoa, hơn nữa bạn nói rằng nhiễm “giun sán chó” nên chúng tôi thật sự không biết bạn nhiễm ấu trùng giun đũa chó, hay sán dải chó, giun móc chó,…vì môi loại nhiễm trùng ký sinh trùng như thế sẽ có các phác đồ điều trị khác nhau.


Hính 16

Ngoài xét nghiệm giun sán ra bạn có các xét nghiêm nào khác không, không nên đặt nặng vấn đề nhiễm giun sán là nguyên nhân gây ngứa duy nhất mà phải tìm các nguyên nhân gây ngứa khác nữa.

Hơn nữa, các xét nghiệm trước sau đánh giá thay đỏi mật độ quang OD (optical density) là có thể lần sau cao hơn lần trước hoặc lần sau thấp dần so với lần trước cũng không có gì là nghiêm trọng cả, mà cần thiết phải đánh giá thấu đáo diến tiến bệnh lý của bạn trước và sau khi điều trị.

Vì các lý do trên, giờ đây ngứa là một triệu chứng nên chúng tôi khuyên bạn nên đi khám và xét nghiệm trở lại để đánh giá cụ thể nhất về chẩn đoán và điều trị ban nhé!


nguyễn thị thu hiền-ntthien.c3pbchau@.....vn-cam ranh. khanh hoa

Hỏi: chào bác sĩ, cách đây 2 năm tôi làm xét nghiệm máu và được chuẩn đoán sán lá gan lớn, điều trị ở bệnh viện tỉnh, với 2 viên lesaxys (triclabendazole 250mg), sau 6 tháng tôi tái khám, làm xét nghiệm vẫn dương tính, nên bác sĩ lại kê cho tôi đơn thuốc giống như trên: 2 viên uống mỗi lần 1 viên, cách nhau 12 giờ. (2 lần trên kết quả siêu âm không thấy gì bất thường). Hiện nay đã qua 6 tháng sau khi đơt thuốc thứ 2, các triệu chứng của tôi vẫn không thay đổi: mệt mỏi, chán ăn, ngứa. Tôi xin hỏi là tôi nên làm gì để khỏi bệnh hoàn toàn. Có cần phải ra Quy Nhơnchữatrị không ah?

Trả lời: Xin chào chị Thu Hiền, liên quan đến vấn đề chị hỏi, rất tiếc chúng tôi không nhìn thấy kết quả xét nghiệm ELISA sán lá gan của chị cũng như một số giun sán khác (vì nhiều xét nghiệm giun sán hiện nay có phản ứng chéo chị ah), hơn nữa chi cho biết đã điều trị ở đâu (vì hiện nay các cơ sở điều trị đều tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế 2006). Nếu thật sự ca bệnh xác định là ca bệnh sán lá gan lớn và điều trị bởi thuốc triclabendazole (Lesaxys 250mg) là đúng phác đồ, nhưng không biết cân nặng bệnh nhân lúc đó là bao nhiêu, có tương xứng với liều thuốc hay không? Khi uống thuốc có bị nôn hay đi cầu phân lỏng hay không? Và việc tồn tại ELISA dương tính sau điều trị là có thể xảy ra và kéo dài đến nhiều tháng, thậm chí cả năm bạn nhé. Riêng đối với các triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, ngứa cũng còn do một số nguyên nhân giun sán khác hoặc bệnh lý nội khoa khác như nhiễm vi khuẩn H. pylori hay viêm gan tiềm ẩn chẳng hạn. Do đó, chúng tôi đề nghị chị nên đi khám và xét nghiệm tổng quát các xét nghiệm tầm soát có thể chứ không nên lo lắng quá về một bệnh sán lá gan lớn là không đủ. Thân chúc bạn khỏe!


Nguyễn Thị Bắc-….71@gmail.com- Pleiku Gia Lai

Hỏi: Bác sỹ ơi cho hỏi khoảng cách đây 1 tuần tôi bị ngứa sau lưng giống như dị ứng sâu dóm, chỗ ngứa khi gãi vào cảm giác nhức nhức, da bì bì như bị tê một chút, sau bốn năm ngày nổi đỏ thành đám to nhỏ như đầu ngón tay đôi lúc thấy nhức nhức rồi cắn như dôm đốt vậy và ngứa ngáy khó chịu. Có phải đó là bệnh giun sán chó không ạ?

Trả lời: Xin chào chị, nếu với các thông tin mô tả của chị chúng tôi nhận thấy cả hàng trăm bệnh có triệu chứng như thế chứ không nhất thiết là nhóm bệnh giun sán đâu. Để xác định chị có mắc bệnh giun sán hay không thì cần thiết bạn nên đến khám và xét nghiệm tại một cơ sở chuyên khoa để đạt được kết quả chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất.


Ngọc Hiền-duongthin…….hien@gmail.com-Q1_Th.HCM

Hỏi: Xin chào, vui lòng cho em hỏi, xét nghiệm chẩn đoán giun móc (Ancylostoma spp.), ngoài việc lấy mẫu phân để làm xét nghiệm thì có làm xét nghiệm qua máu được không? Nếu được thì làm theo phương pháp gì ? Xin cảm ơn.

Trả lời: Rất tiếc câu hỏi của bạn dừng lại để xét nghiệm giun móc Ancylostoma spp. chứ không biết giun móc ở người hay ở chó, nên chúng tôi khó trả lời đầy đủ. Tuy nhiên, chúng tôi trả lời một cách chung nhất là ngoài xét nghiệm phân để tìm trứng và ấu trùng giun móc thì còn có một số xét nghiệm dựa vào bệnh phẩm máu (blood-based test) để xét nghiệm vẫn được.


Hính 18

Xét nghiệm phân là phương pháp chẩn đoán xác định khi nghi ngờ nhiễm giun móc A. caninum. Song, nếu xét nghiệm phân âm tính cũng phải nhất thiết là loại trừ chẩn đoán. Trong 5 tuần tồn tại từ khi nhiễm trùng ban đầu đến khi đào thải trứng ra phân (ấu trùng phải phát triển đầy đủ và sinh sản trước khi chúng đẻ trứng). Trên thực tế, các con chó con thường chết trước khi thải trứng sán ra phân bắt đầu. Sử dụng số trứng đếm được trong phân như một chỉ điểm kéo dài nhiễm trùng đòi hỏi phải chăm sóc cẩn thận. Các triệu chứng và dấu chứng để quan sát đồng thời với trứng của A. caninum trong phân là suy nhược cơ thể, sụt cân, yếu, thiếu máu. Tiêu chảy hiếm khi gặp nhưng phân có màu đen điển hình do có mất máu và hiện diện haemoglobin của chúng. Thuật ngữ bệnh do giun móc chó A. caninum là bệnh giun móc nói chung hoặc Ancylostomiasisancylostomosis. Chẩn đoán xét nghiệm (công thức máu có thể cho thấy hình ảnh thiếu máu thiếu sắt, có thể thấy bạch cầu ái toan tăng (1000-4000 tế bào/µL). Các xét nghiệm huyết thanh học (test cho A caninum) thường chỉ áp dụng trong các la bô xét nghiệm nghiên cứu. Xét nghiệm phân nên kiểm tra đồng thời với tìm trứng trong phân. Song vì trứng đẻ ra có thể chậm, nên xét nghiệm phân không nên xem là một xét nghiệm nhạy để chẩn đoán nhiễm trùng giun móc. Xét nghiệm phân có thể lặp lại. Chẩn đoán giun móc bằng xét nghiệm PCR hoặc dựa trên nguyên lý PCR cũng rất đặc hiệu cho chẩn đoán giun móc. Các nguyên nhân khác gây thiếu máu nên loại trừ khi đặt ra vấn đề chẩn đoán.


Nguyễn Thu Vi-nguyenthuvi1tl@.........- tp tam kỳ tỉnh quảng nam

Hỏi: Thưa bác sĩ! Tôi nay 30 tuổi, sinh con thứ 2 được 2 tháng 10 ngày, nay tôi bị nỗi mề đay khắp cả người, nhất là sau khi tiếp xuc với nước hoăc bàn tay bàn chân và vùng mặt trước đùi nỗi ban mề đay, hoặc tôi gãi mạnh, hoặc vật gì đó tác động mạnh lên da ví dụ như ai đó đánh nhẹ cũng bị sưng mề đay gây ngứa rất khó chịu. Có lúc tôi ngủ đêm tới sang là môi của tôi sưng phồng lên như bị ai đánh vậy. Gần đây đầu của tôi ngứa ngấy giống như có con gì đang bò rúc (giống chấy bò). Sau đó tôi đến BVĐK Minh Thiện gởi mẫu xét nghiệm máu vào Viện Sốt rét ký sinh trùng Sài Gòn kết quả là âm tính với giun đũa chó, giun lươn, kết quả xét nghiệm như sau: Toxocara canis 1.622 trị số trung bình OD < 0,3; giun lươn 1.082 trị số trung bình OD < 1,0; giun đầu gai 0.853 OD < 1,0. Bác sĩ ở đây kết luận tôi chỉ bị nhiễm giun đũa chó và cho tôi thuốc điều trị 21 ngày nhưsau: Albendazol 400 mg ngày uống 1 lần, praziquantel 600mg 2 viên uống 2 lân nhưng bác sĩ bảo phải cai sữa để không ảnh hưởng tới em bé. Nhưng giờ tôi cai sữa 21 ngày sợ bé bỏ bú luôn nên tôi đang phân vân.

Vậy tôi xin hỏi bác sĩ nếu tôi bỏ bú hai ngày uống praziquantel 2 v và 2 ngày albendazol để thuyên giảm ngứa rồi đợi 18 tháng bỏ bú uống tiêp số thuốc còn lại có được không không? Kính mong sự hồi đáp và giúp đở của bác sĩ. Cảm ơn bác sĩ nhiều, nếu tôi chờ đến 18 tháng rồi chữa bênh thì sợ tôi không chịu nỗi ạ!

Trả lời: Rất cảm ơn bạn về câu hỏi này, chúng tôi thông cảm về mối băn khoăn lo lắng của bạn. Tuy nhiên, câu hỏi chỉ có các chỉ số về huyết thanh chẩn đoán mà hoàn toàn không thấy xét nghiệm công thức máu hay các xét nghiệm chức năng gan khác nhau, nên khó có thể tư vấn cụ thể cho bạn được. Các dấu hiệu tê bì, tê tê, kiến bò và ngứa da có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau chứ không nhất thiết chỉ là một bệnh nào đó mà thôi. Đặc biệt trong hội chứng ấu trùng di chuyển (CLMs hay VLMs) do các ký sinh trùng gây bệnh ngõ cụt ký sinh dễ gặp nhất.

Nhiều câu hỏi tương tự như một số vấn đề dùng thuốc trong thời gian mang thai hoặc đang cho con bú. Tuy nhiên, nếu chúng ta thấy được lợi ích lớn hơn nguy cơ thì chúng ta có thể lựa chọn. Đơn thuốc trên, không biết bạn có còn nhiễm loại giun sán nào khác không, tại sao bác sỹ lại dùng cho bạn loại thuốc Praziquantel vì loại này dùng rất hạn chế trong một số bệnh mà bạn lại không bị loại đó (sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán dây bò/ sán dây lợn).


Hính 19

Việc con bạn còn quá nhỏ, không thể bỏ bú được nhưng dấu hiệu ngứa thì đang có, nên chúng ta có thể lựa chọn phác đồ ngắn ngày hơn để điều trị và chọn loại thuốc chống ngứa (loại được ưu tiên trong thời gian đang cho con bú) để giảm bớt tác dụng ngoại ý và nếu có đi qua sữa cũng không đáng kể.
 

Việc dùng thuốc nói chung và thuốc điều trị giun sán và chống dị ứng nói riêng trong thời gian phụ nữ mang thai và đang cho con bú có các tiêu chí và chỉ định riêng của nó. Do đó, chúng tôi khuyên bạn thận trọng và xem việc thời gian này có nên dùng thuốc không và cân nhắc mọi khái cạnh chị nhé.

Ngày 07/11/2016
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích