Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 3 5 1 9
Số người đang truy cập
3 2 7
 Tư vấn sức khỏe
Hỏi đáp y học thường thức và chuyên ngành ký sinh trùng, côn trùng truyền bệnh tháng 11+12 năm 2016 (Phần 1)

1. doantuanphuong9@.....com

Hỏi:Chào BS, cho em hỏi năm nay em 24 tuổi gần đây em bị nổi mẩn ngứa giống vết muỗi đốt, em đi khám xét nghiệm máu và nội soi dạ dày. Kết quả em bị giun đũa chó 0.9 OD, H. pylori dương tính. Em đã dùng thuốc Pizar 3mg (4viên/ lần) uống 1 liều duy nhất, Levofloxacin và Amoxicilin 10 ngày, Omeprazol 10 ngày. BS hẹn 1 tháng sau tái khám nội soi lại kiểm tra, kết quả HP âm tính, còn giun đũa chó thì 6 tháng sau mới xét nghiệm lại. Hiện tại em thấy vẫn con ngứa nhiều nhất là lúc trời lạnh. BS có thể giải thích cho em hiểu thêm được không ạ. Em chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chân thành cảm ơn câu hỏi của bạn, ngứa và dị ứng là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau chứ không nhất thiết chỉ là do giun sán ký sinh trùng và vi khuẩn HP. Do vậy, việc thăm khám và hỏi bệnh cũng như tầm soát hầu hết căn bệnh là rất khó khăn và tốn kém tiền của bệnh nhân. Ngoài ra, diễn tiến bệnh ấu trùng giun đũa chó/ mèo khi mắc bệnh có thể gây ngứa và biểu hiện dị ứng rất rõ ràng với các hình ảnh nổi mày đay, vẻ nổi, ban trườn và ấu trùng di chuyển dưới da. Đến khi chúng được điều trị bằng các thuốc diệt ký sinh trùng sẽ gây chết và chúng có thể tiết ra một số độc tố nguy hiểm dẫn đến ngứa và mày đay tiếp tục (phản ứng rebound trong một số bệnh do ký sinh trùng). Do đó, chúng ta không lạ gì một số bệnh nhân sau điều trị khỏi vẫn còn ngứa hoặc trước khi điều trị ngứa ít, nhưng khi điều trị lại ngứa nhiều hơn trước khi chúng khỏi bệnh hoàn toàn là vậy. Vấn đề thứ hai, chúng ta cũng chưa thể loại trừ nguyên nhân gây ngứa và mày đay do một số tác nhân khác (ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn, virus ,đơn bào) nhiễm đồng thời mà chúng ta chưa thể loại trừ hoàn toàn. Do vậy, chúng ta cần tầm soát thêm các bệnh khác nữa mà chúng ta nghi ngờ. Một trong những tác nhân nhiễm trùng gây ngứa đó chính là vi khuẩn Helicobacter pylori, hay gọi ngắn gọn là HP - đây là một loại tác nhân khi nhiễm dẫn đến một loạt phản ứng đáp ứng miễn dịch trong cơ thể người và dẫn đến ngứa cho bệnh nhân.


Hình 1

Thông thường khi điều trị, diến tiến giảm và mất ngứa có thể kéo dài thời gian dài hay ngắn khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như dung khối ký sinh trùng và các tác nhân gây bênh khác đồng nhiễm hoặc đơn nhiễm; thời gian nhiễm trùng kéo dài lâu hay ngắn, cơ địa dị ứng của từng bệnh nhân sẵn có và đáp ứng miễn dịch của từng bệnh cũng như đáp ứng điều trị với các thuốc đặc hiệu khi dùng liệu pháp điều trị. Hy vọng với phần trả lời ở trên đã giúp bạn hiểu được phần nào về các căn bệnh mà ban đăng mắc phải!


Hình 2


2. Huỳnh Minh Tr., 37 tuổi, kế toán viên CMS tại Nghệ An

Hỏi: xin các bác sỹ cho biết dấu hiệu nhận biết viêm cơ tim ở trẻ em vì mới đây con em được các bác sỹ chẩn đoán là mắc bệnh viêm cơ tim suýt chết, em lo ngại nên mới hỏi để đưa ra phòng ngừa cho cả gia đình. Trân trọng cảm ơn các bác, chúc các bác khỏe!

Trả lời:

Xin cảm ơn bạn về câu hỏi thú vị và thực tế đôi khi trong thực hành lâm sàng nhi khoa nhiều khi chúng ta cũng dễ bỏ sót hoặc dễ chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác thông thường, dẫn đến bệnh nhi tử vong. Hiện nay, nền công nghệ thông tin phát triển và người dân có thể tiếp cận với các tư liệu về bệnh qua các kênh sách báo, internet. Tuy nhiên, bệnh viêm cơ tim vẫn còn là một vấn đề khi các triệu chứng khởi đầu của bệnh rất mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác hoặc là bị bỏ qua, và cuối cùng hậu quả của bệnh rất nặng nề, thậm chí tử vong. Về dấu hiệu viêm cơ tim như sau: viêm cơ tim là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim do nhiễm trùng, do bệnh mô liên kết, do nhiễm độc hoặc không rõ nguyên nhân. Các quá trình bệnh lý này ảnh hưởng đến cơ tim, kèm hoặc không kèm theo triệu chứng toàn thân. Những biểu hiện thường gặp nhất là suy tim, song đôi khi rối loạn nhịp hoặc đột tử là biểu hiện đầu tiên của bệnh. Nhiễm virut là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm cơ tim. Tác nhân gây bệnh là Adeno virus và Coxsakie virus B, kế đến là Echoviruses, Herpes simplex, quai bị, sởi, Rubella. Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu si gây ra.


Hình 3

Ở trẻ bú mẹ, viêm cơ tim do virus thường biểu hiện bằng viêm cơ tim cấp tính và diễn tiến bệnh rất trầm trọng. Ở trẻ em nhỏ (2-5 tuổi) bệnh cũng thường khởi đầu bằng viêm cơ tim cấp nhưng ít nặng nề hơn. Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, bệnh thường không có triệu chứng và trẻ em thường đến phòng khám chuyên khoa khi đã có biểu hiện bệnh cơ tim giãn, thường là hậu quả của viêm cơ tim virus tiềm tàng trước đó. Thật ra tỉ lệ mắc bệnh viêm cơ tim không được biết rõ do một số trường hợp viêm cơ tim mức độ nhẹ tự khỏi nên người bệnh và gia đình không nhận biết. Một số trường hợp không có triệu chứng trước đó nhưng sau đó lại diễn tiến bệnh rất nhanh chóng. Cha mẹ hoặc người giám hộ có con/cháu nhỏ cần cảnh giác khi trẻ có các dấu hiệu sau đây:

- Đối với trẻ lớn, có triệu chứng hô hấp trước đó (sốt, ho, sổ mũi, khò khè), hoặc triệu chứng về  tiêu hoá (ói, tiêu chảy);

- Đối với trẻ nhỏ, có khi chỉ đơn thuần là quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém ,..

Đặc biệt, nếu cha mẹ thấy trẻ có các biểu hiện như tím, da tái, tay chân lạnh, thở mệt thì phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Vì vậy khi thấy trẻ có bất cứ biểu hiện khác so với bình thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ khám bệnh và theo dõi. Bởi viêm cơ tim do siêu vi gây ra nên chúng ta chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng đề điều trị kịp thời. Một số trường hợp bệnh nhân có viêm cơ tim thoáng qua, không để lại di chứng. Nhưng một số trường hợp bệnh nhân vào viện với bệnh cảnh rất nặng, tiên lượng tử vong rất cao và sẽ có thể có bệnh cơ tim dãn, suy tim  hoặc rối loạn nhịp về sau. Đây cũng chính là những biến chứng nặng nề cho trẻ vì nguy cơ điều trị thuốc lâu dài nhưng tiên lượng hồi phục không cao. Vì vậy, lời khuyên cho các phụ huynh là hãy theo dõi trẻ thật sát khi có những triệu chứng nêu trên để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế khám bệnh và theo dõi.


Hình 5

Đối với những trẻ ở tuổi đi học, nên hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hoá nhằm tránh bị lây nhiễm siêu vi, đặc biệt là những siêu vi gây bệnh viêm cơ tim.

Những kiến thức quan trọng cho mẹ về bệnh?

Bác sĩ ơi, tại sao?

Mẹ cần biết…

Tại sao trẻ lại bị viêm cơ tim?

Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi Enteroviruses, Echoviruses, Adenoviruses, Herpes simplex, virus quai bị, sởi, Rubella gây ra. Khi vào cơ thể, virus sẽ làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch khiến tim giãn to, cơ tim co bóp rất yếu, men tim tăng do các tế bào cơ tim bị hủy hoại phóng thích. Đây là một bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao trong thời gian rất nhanh nếu không phát hiện.

Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi nào?

Bệnh viêm cơ tim thường xảy ra ở trẻ 2-10 tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 24 tháng dễ mắc bệnh hơn do đề kháng còn yếu.

Có phải trường hợp nào cũng nghiêm trọng thế?

Không hẳn! Một số trường hợp bệnh nhi có viêm cơ tim thoáng qua, không để lại di chứng, nhưng một số bệnh nhi vào viện với bệnh cảnh rất nặng, tiên lượng tử vong cao và có thể có bệnh cơ tim dãn, suy tim/ rối loạn nhịp - là những biến chứng nặng nề cho trẻ vì nguy cơ điều trị thuốc lâu dài nhưng tiên lượng hồi phục không cao.

Bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng mà không có dấu hiệu trước đó?

Đúng vậy! Một số trường hợp không có triệu chứng trước đó nhưng bệnh lại diễn tiến rất nhanh chóng. Có những trường hợp, chỉ trong vòng 1-2 ngày kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu như cảm sốt, trẻ bắt đầu có triệu chứng suy tim: mạch ở cổ tay trên 140 lần/phút, nhịp thở trên 50 lần/phút, thở mệt co lõm và da tái, chi lạnh, tím môi và đầu chi, mạch nhẹ hoặc không bắt được. Vì thế, khi có con nhỏ ở độ tuổi từ 2-10, bạn rất cần có những kiến thức cơ bản về bệnh và không chủ quan khi thấy xuất hiện bất cứ dấu hiệu khác thường nào.

Những triệu chứng nào nên nghi ngờ trẻ bị viêm cơ tim?

Đối với trẻ lớn: Có thể là triệu chứng hô hấp trước đó (sốt, ho, sổ mũi, khò khè), hoặc triệu chứng về tiêu hóa (ói, tiêu chảy).

Đối với trẻ nhỏ: Có thể chỉ đơn thuần là quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém, ngủ li bì khó đánh thức, hay rên rỉ, quấy khóc…

Những triệu chứng này rất thường gặp, giống như cảm sốt thông thường, làm sao xác định được khi nào nguy hiểm?

Đúng như vậy, bệnh viêm cơ tim rất nguy hiểm, song lại có các triệu chứng khởi đầu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt hoặc bị bỏ qua, và cuối cùng hậu quả của bệnh rất nặng nề, thậm chí tử vong. Vì thế, khi thấy trẻ chỉ cần có những dấu hiệu khác so với bình thường (quấy khóc, bỏ bú, nôn, tiêu chảy), mẹ đã cần dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ. Nên đưa bé đi khám bệnh sớm, để xác định cụ thể nguyên nhân. Tránh trường hợp cứ nghĩ đơn thuần con cảm sốt, đến khi nhập viện thì đã quá nặng.

Dấu hiệu nào là dấu hiệu mang tính “đặc trưng” của viêm cơ tim cần chú ý?

Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: tím môi, da tái, tay chân lạnh, thở mệt, mạch nhẹ hoặc không bắt được thì phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Do viêm cơ tim do siêu vi gây ra nên chúng ta chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng để điều trị kịp thời.

Làm cách nào phòng tránh cho con?

Để giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với người lớn đã mắc các bệnh liên quan đến siêu vi; quan tâm chế độ dinh dưỡng cho trẻ với đầy đủ vitamin và khoáng chất; nên chủng ngừa các bệnh bạch hầu, cúm, rubella, quai bị cho trẻ để tăng khả năng kháng bệnh. Nếu trẻ đủ lớn, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hóa nhằm tránh bị lây nhiễm siêu vi, đặc biệt là những siêu vi gây bệnh viêm cơ tim.

Tại sao mùa này trẻ lại dễ mắc bệnh?

Thời tiết nóng bức giai đoạn những ngày chuyển mùa, vào hè có thể là một yếu tố thuận lợi cho sự nhiễm vi-rút nói chung và các vi-rút gây viêm cơ tim nói riêng. Vì vậy, mẹ phải luôn quan tâm đến sức khỏe của con, tăng cường sức đề kháng cho trẻ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đã nhắc đến ở trên.

Có thuốc nào chủng ngừa cho trẻ không?

Hiện tại viêm cơ tim thể tối cấp ở trẻ chưa có thuốc chủng ngừa đặc hiệu. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần hạn chế trẻ dưới 24 tháng tuổi tiếp xúc với nhiều người lớn, nhất là trong mùa dịch bệnh. Đừng để hàng xóm hay người quen nào cũng có thể ẵm bồng, nựng nịu, chơi đùa với trẻ - đặc biệt là người đang ốm, có vấn đề về hô hấp (như sổ mũi, cảm…) để tránh lây các loại vi-rút.

Vì tiên lượng của viêm cơ tim tối cấp do virus ở trẻ sơ sinh rất xấu, tỷ lệ tử vong lên đến 75%. Tiên lượng của trẻ lớn hơn bị bệnh cơ tim dãn do nguyên nhân vi-rút cũng không khả quan. Những bệnh nhân này tiếp tục có biểu hiện cơ tim dãn, xơ hóa và suy biến chức năng của cơ tim. Vì vậy, phòng bệnh và phát hiện thật sớm bệnh vẫn là điều rất cần thiết thực hiện cho trẻ.

Cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi các trẻ có biểu hiện:

Đối với trẻ sơ sinh

Đối với trẻ lớn hơn

-  Sốt cao

-  Chán ăn

-  Khó thở

-  Tím tái

- Suy tim

- Suy hô hấp

- Tim đập nhanh

- Nổi ban

- Viêm màng não nước trong

- Viêm gan vi-rút

- Hình ảnh X quang lồng ngực cho thấy tim to bất thường và phổi bị phù

-  Đau ngực

-  Tim nhanh hoặc loạn nhịp

-  Khó thở, đặc biệt khi vận động thể lực

-  Giữ nước, phù cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân

-  Mệt mỏi

-  Ngất xỉu hoặc mất ý thức đột ngột, có thể kết hợp với rối loạn nhịp tim

-  Các triệu chứng khác kết hợp với nhiễm siêu vi như nhức đầu, đau nhức, đau khớp, sốt, viêm loét họng hoặc tiêu chảy.

- Viêm cơ tim có thể đi kèm với viêm màng bao tim, tràn dịch màng bao tim. Viêm màng bao tim thường gây đau nhói ở giữa ngực.


3. Trần Thị Tuyết Kh., 27 tuổi, TP. Buôn Ma Thuột, 0914…..

Hỏi: Xin các bác sỹ cho biết các nguyên nhân dẫn đến sụt cân của mình vì em ăn mấy cũng không mập, em đã đi khám rất nhiều chuyên khoa khác nhau, trong nhà em ai cũng to khỏe và mập mạp, em không hề có bị bệnh lao, bệnh mạn tính và tiểu đường, vậy làm sao lại ốm vậy, xin các bác sỹ coh em biết, em chân thành cảm ơn !

Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của em, chúng tôi phúc đáp như sau: Hiện nay, không phải chỉ có một số bệnh mà bạn mô tả là gây nêngầy sút ở bạn, mà các nhà khoa học y học đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân và tổng hợp có thể dẫn đến gầy sút cân trên một bệnh nhân. Sụt cân không rõ nguyên nhân (Unexplained weight loss) có nhiều nguyên nhân khác nhau, có liên quan đến y học và không liên quan đến y học. Thông thường, một kết quả do từ nhiều nguyên nhân phối hợp với nhau dẫn đến suy giảm sức khỏe và sụt cân. Đôi khi một nguyên nhân đặc biệt được tìm thấy. Thông thường nguyên nhân ung thư lại không thể nhận ra cho đến khi có các triệu chứng bất thường trên xét nghiệm cận lâm sàng đi kèm với sụt cân.


Hình 6

Một số nguyên nhân tiềm tàng có thể dẫn đến sút cân mà không rõ, bao gồm:

-Bệnh Addison (suy tuyến thượng thận);

-Bệnh ung thư;

-Bệnh Celiac;

-Thay đổi chế độ ăn hoặc chán ăn;

-Thay đổi cảm giác ăn uongs do mùi vị;

-Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD_chronic obstructive pulmonary disease);

-Các bệnh về phổi khác (lao);

-Bệnh Crohn's;

-Các vẫn đề về răng;

-Chứng mất trí;

-Các rối loạn tâm thần kính như trầm cảm;

-Bệnh tiểu đường;

-Suy tim;

-Nhiễm HIV/AIDS;

-Tăng can xi máu;

-Cường giáp;

-Suy giáp;

-Thuốc điều trị (bệnh Parkinson's, loét tiêu hóa, nghiện rượu, ma túy, lao và viêm đại tràng loét)

Do vậy, trên đây bạn có thể nhìn thấy rất nhiều nguyên do dẫn đến sụt cân trên cơ thể một ngưới, do vậy, khi tìm hiểu bạn bên kiểm tra các xét nghiệm liên quan bạn nhé!


4. Trần Viết H., 46 tuổi, TP. Pleiku, Gia Lai

Hỏi: Kính thưa các bác sỹ, gần đây em có nghe nói đến một số bệnh lý nguy hiểm, rát lạ và giới y khoa không thể chữa khỏi, không biết chúng đã có ở Việt Nam chưa và có thuốc điều trị chưa, kính mong các bác cho biết.

Trả lời:

Cảm ơn câu hỏi của bạn rất thú vị và thời sự, nhân câu hỏi này, chúng tôi xin chia sẻ với bạn bài viết của đồng nghiệp về “Những bệnh lạ được phát hiện trong thế kỷ 21”, để bạn tham khảo sẽ rõ hơn về vấn đề này. Một phần lý do khiến nhiều bệnh lý trở nên đáng sợ đó là các bác sĩ không thể xác định được chính xác các triệu chứng của bệnh và đặt cho nó một tên gọi phù hợp. Một phần lý do khiến nhiều bệnh lý trở nên đáng sợ đó là các bác sĩ không thể xác định được chính xác các triệu chứng của bệnh và đặt cho nó một tên gọi phù hợp. Thế nhưng, trong thế kỷ 21, nhiều bệnh lý kỳ lạ đã được phát hiện và được gọi tên.


Hình 7

Hội chứng người sói

Hội chứng người sói (Wolf Syndrome) hay còn gọi là Hypertrichosis hoặc hội chứng Ambras. Đây là một loại bệnh lý về da khiến người bệnh có vẻ ngoài giống như sinh vật thần thoại người sói. Các triệu chứng của hội chứng Ambras bao gồm tăng trưởng nhiều lông, tóc trên cơ thể, nhất là ở vùng mặt và tai, ngoại trừ ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Bệnh lý cũng có thể khiến người bệnh bị biến dạng khuôn mặt (khuôn mặt có hình tam giác, mũi hình củ hành và thiểu răng). Hội chứng này là một bệnh di truyền nên nếu một đứa trẻ có cha hoặc mẹ mắc thì trẻ có thể thừa hưởng nó.

Bệnh râu mù

Bệnh râu mù (tên khoa học là Prosopagnosia). Những người bị mắc bệnh này gặp khó khăn trong việc nhận diện khuôn mặt, kể cả gương mặt quen thuộc của người thân. Có nhiều mức độ khác nhau của tình trạng này, nghiêm trọng nhất là người bệnh  không thể phân biệt giữa một khuôn mặt và một đối tượng khác, thậm chí không thể nhận ra khuôn mặt của mình.

Hội chứng giấc ngủ dài

Giống như nàng công chúa rơi vào giấc ngủ vô tận, những người mắc chứng bệnh giấc ngủ dài không chỉ ngủ quá nhiều mà giấc ngủ còn kéo dài bất thường có thể kéo dài tới 20 giờ một ngày, thậm chí cả tuần. Theo Viện Nghiên cứu quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ (NINDS) Mỹ, các cơn ngủ kéo dài có thể xuất hiện các triệu chứng giống như cúm và khi họ đang tỉnh táo, người mắc hội chứng này có thể biểu hiện những hành vi kỳ lạ khác nhau, bao gồm cả ăn uống quá mức, bị ảo giác hoặc hành động trẻ con. Khoảng 70% những người có rối loạn này là nam giới vị thành niên. Thuốc kích thích được sử dụng để điều trị hội chứng này và giúp biểu hiện bệnh giảm dần khi một người đạt đến tuổi trưởng thành.

Hội chứng bệnh bò điên (bệnh xốp não)

Người không thể mắc bệnh bò điên vì nó là một bệnh ảnh hưởng đến não và tủy sống của con bò. Nhưng nó được gọi là bệnh “bò điên” vì loại bệnh này có thể khiến con bò bị nhiễm bệnh hành động bạo lực và căng thẳng hơn so với bình thường. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ. Căn bệnh này được gọi là bệnh não xốp hoặc bệnh bò điên. Nhưng vào giữa những năm 1990, một bệnh mới được phát hiện có liên quan đến bò điên ở người, gọi là bệnh Creutzfeldt-Jakob biến thể (vCJD). Giống như bệnh bò điên, vCJD là một rối loạn thoái hóa não gây tử vong. Sự khác nhau là bệnh Creutzfeldt-Jakob có thể được gây ra bởi một đột biến gene và có thể được di truyền qua các thế hệ. Ngoài ra, còn có thể do ăn thực phẩm bị ô nhiễm hoặc nhiễm bệnh từ việc tiếp xúc với mô hệ thống thần kinh trung ương của một con bò đã bị nhiễm bệnh bò điên.


Hình 8

Hội chứng cánh tay kỳ lạ (AHS)

Hội chứng AHS được đặc trưng bởi những hoạt động bất thường không thể kiểm soát của chân tay, thường là tay. Những người có rối loạn vận động này cũng có thể cảm thấy rằng cánh tay hoặc chân đang vận động không phải là một phần của cơ thể họ nữa. Nguyên nhân thường gặp của AHS bao gồm đột quỵ, u não và bệnh thoái hóa thần kinh. Phương pháp điều trị có thể liên quan đến tiêm botox (tạm thời làm suy yếu cơ bắp) để giữ cánh tay không hoạt động ngoài ý muốn.

Hội chứng người đá

Còn gọi là hội chứng người hóa đá, đây là một rối loạn của các mô liên kết nơi dây chằng, gân hoặc cơ xương dần bị chuyển hóa thành xương. Những người mắc hội chứng người hóa đá (FOP) sẽ không thể di chuyển và có thể gặp khó khăn khi ăn và thở vì các khớp trong cơ thể họ giống như bị khóa tại chỗ.

Hội chứng người xác

Là một dạng rối loạn thần kinh được mô tả lần đầu tiên vào những năm 1880 bởi bác sĩ thần kinh Jules Cotard. Nó liên quan đến một người tin rằng họ đã chết hoặc vô hồn hoặc các bộ phận cơ thể của họ đã bị mất. Bệnh thường thấy ở những bệnh nhân bị trầm cảm nặng.

Chứng hoại tử do vi khuẩn ăn thịt sống

Vi khuẩn ăn thịt sống lần đầu tiên được phát hiện ở các mô mềm gọi là fascia, bao quanh các cơ, mạch máu, dây thần kinh và chất béo. Nó cũng làm tổn hại mô gần fascia. Nhiều vi khuẩn khác nhau có thể gây ra loại nhiễm khuẩn này, trong đó nhóm A liên cầu khuẩn (Streptococcus) là nguyên nhân phổ biến nhất. Nhiễm khuẩn có thể lây lan nhanh và gây tử vong nhưng nếu phát hiện sớm, nó có thể được điều trị bằng kháng sinh và phẫu thuật. Chứng hoại tử này rất hiếm gặp, đặc biệt là ở những người khỏe mạnh. Việc chăm sóc vết thương và tránh xa bồn tắm nước nóng, bể bơi và các vùng nước tự nhiên (như hồ, sông và biển) khi đang bị một vết thương hở hoặc nhiễm khuẩn là rất cần thiết để phòng tránh chứng hoại tử do vi khuẩn ăn thịt sống này.

Hội chứng Alice in wonderland Syndrome

Được đặt tên trong 1 bài báo (1955) Canada (Medical Association Journal_CMAJ), hội chứng này thường gắn liền với những người có chứng đau nửa đầu và động kinh. Những người bệnh có thể có tầm nhìn méo mó hay nhận thức về các bộ phận của cơ thể họ lớn hơn nhiều hoặc nhỏ hơn so với thực tế. Hội chứng này cũng có thể được gây ra bởi nhiễm virut hoặc hình thành do hậu quả của việc sử dụng ma túy.


5. Lê Định R, 41 tuổi, TX Gia Nghĩa Đăk Nong, 0912…..melienoa@....

Hỏi: Kính thưa các bác sỹ, cách nay 2 năm em là một thanh niên hoàn toàn khỏe mạnh và công việc chủ yếu ở văn phòng, không tiếp xúc bất cứ hóa chất nào trong thời gian dài, nhưng không hiểu tại sao gần 2 năm nay em lại bị lột da lòng bàn tay, cứ nghĩ là do xà phòng rồi sẽ hết, nhưng càng ngày càng nặng hơn, da lòng bàn tay tay bị lột lớp này đến lớp khác, tay em có lúc nút nẻ rất đau rát mỗi lần chạm phải nước và có cảm giác ngứa lăng tăng nữa. Đôi khi có nứt da, chảy máu rồi tự hết. Em cũng đã đi khám da liễu rất nhiều bác sĩ từ Đăk Lăk, đến TP. Hồ Chí Minh, đến Hà Nội, Quy Nhơn nhưng đều không khỏi và em cũng đã thử dùng bao tay để làm công việc giặt đồ nhưng tay vẫn cứ tiếp tục lột rất đau và khó chịu. Em xin hỏi bác sĩ bệnh này là bệnh gì và cách khắc phục điều trị nhanh nhất? Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin phúc đáp như sau:

Bong tróc da thường được phân làm 2 loại là: (i) Do viêm da cơ địa, thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng; (ii) Do viêm do tiếp xúc, da bị bong tróc do phản ứng với các tác nhân như nước tẩy rửa, hóa chất. Mặt khác, các yếu tố khác khiến da dễ bị bong tróc như dinh dưỡng kém, ăn uống thiếu các vitamin A, vitamin B, PP,… Một loại khác như viêm da bàn tay, không phải thiếu vitamin C như các đầu ngón tay cũng như cả bàn tay bị bong da, không ngứa là hiện tượng xảy ra thường xuyên đối với rất nhiều người. Đa số cho rằng đây là biểu hiện của việc cơ thể thiếu vitamin C, nhưng khi dùng bổ sung nhiều vitamin C song hiện tượng bong da vẫn không giảm (thường đó là bệnh á sừng). Trong thực tế cuộc sống, hiện nay chúng ta phải tiếp xúc với quá nhiều các chất hóa học không có lợi cho sức khỏe. Trong đó, phần lớn các chất tẩy rửa dùng trong sinh hoạt hàng ngày như xà phòng, bột giặt, nước rửa bát, nước cọ nhà vệ sinh, một số loại xà phòng dùng cho máy giặt có hàm lượng chất tẩy trắng cao. Những chất này trực tiếp làm tổn hại sự bền vững của các tế bào da. Khi tiếp xúc với các chất tẩy rửa nhiều và tay, chân phải ngâm trong nước thường xuyên thì lớp tế bào sừng ở ngoài cùng có tác dụng bảo vệ da bị bong đi, trong khi lớp tế bào trong chưa kịp phát triển đầy đủ để chống đỡ với môi trường bên ngoài. Lớp da này lại tiếp tục tiếp xúc với các chất tẩy rửa. Cứ như vậy lớp tế bào ngoài cùng không thể bảo vệ được da nên cứ bong hết lần này đến lần khác. Nếu ngâm nước nhiều thì các tế bào sừng sẽ bị bong ra thành mảng lớn. Bàn tay là nơi thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều yếu tố xung quanh, đặc biệt những người lao động chân tay hay người nội trợ thì bong tróc da tay thường do yếu tố dị ứng với chất tẩy rửa. Tuy nhiên, tróc da có thể là bệnh toàn thân như rối loạn thần kinh thực vật, đổ mồ hôi tay nhiều, dinh dưỡng kém, ăn uống thiếu chất, nhất là thiếu vitamin A, B, PP. Nhưng đại đa số trường hợp tróc da tay thường không tìm được nguyên nhân.


Hình 9

Ngoài ra, viêm da bàn tay, bàn chân còn chịu tác động của nhiều yếu tố thông thường như sự thay đổi thời tiết, ăn một số thức ăn có chứa các protein có trọng lượng phân tử cao như tôm, cua, cá, nhộng… đặc biệt là ở những người có cơ địa dễ dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa. Biểu hiện nặng hơn của bệnh là da có thể bị đỏ lên, sưng nề nhẹ, ngứa, sau đó tại vùng da này có thể nổi lên các mụn nước nhỏ, đôi khi là các mụn nước to hơn hoặc là các nốt sẩn. Khi bệnh kéo dài thì sự mất nước qua thượng bì kéo dài làm cho da trở nên khô, bong vảy. Trời càng hanh, càng lạnh thì da càng bị khô và bong vảy nhiều hơn, đôi khi bị nứt nẻ gây chảy máu và gây đau. Da khô tăng lên khi dùng lại các chất tẩy rửa, nước nóng. Chà xát kỳ cọ mạnh hoặc dầm nước lâu quá cũng làm cho da lâu liền lại được. Nếu da bị bong vảy nhiều và bị nứt nẻ thì ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc.


Hình 10

Da mốc, da vảy cá ngày đông, nhiều trường hợp da trông xù xì, sờ vào thô ráp và đôi khi bong hàng lớp các tế bào da chết trông như da bị mốc. Một số bệnh nhân bị ngứa nên đã gãi làm xuất hiện các tổn thương da. Nguyên nhân dẫn tới “da rắn” mùa đông, do thời tiết là một trong tác nhân hàng đầu tác động lên da do nhiệt độ giảm, ánh sáng và độ ẩm, gió xuống thấp tác động lên da khiến da bị đứt liên kết keratine, da bị thiếu dinh dưỡng, bong vẩy sừng. Tùy cơ địa từng người mà da có các mức độ khô nặng, nhẹ khác nhau. Những người vốn thuộc cơ địa da khô thì sẽ bị nặng hơn so với những người có làn da bình thường. Đặc biệt, những người mắc bệnh da cá sẽ càng nặng hơn do chức năng tiết mồ hôi và chất nhờn trên da giảm rõ rệt so với người bình thường. Khi trời trở lạnh thì vảy cá sẽ lộ ra rõ rệt hơn - da đóng vảy như da cá. Nhẹ thì da khô ráp, róc vảy mỏng. Nặng thì toàn thân da khô ráp, nổi vảy giữa các khe ngang dọc như da rắn, màu nâu xám. Nếu người bệnh gãi, chà xát mạnh rất dễ bị trầy xước, nhiễm khuẩn. Bệnh thường giảm bớt khi thời tiết nắng ấm. Đa số trường hợp, các bong tróc da thường không tìm được nguyên nhân. Do đó, để điều trị bệnh này, bạn nên:

-Việc đầu tiên bạn cần làm là xác định nguyên nhân gây bong da để phòng tránh. Cụ thể, nếu bản thân có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn những thức ăn lạ, thức ăn có chất tanh, hải sản, hạn chế uống bia rượu và tuyệt đối kiêng tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa (bằng cách đeo găng tay);

-Cần giữ cho da luôn sạch, có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng da giúp giữ ẩm cho da không bị khô;

-Khi bắt đầu có hiện tượng bong da ở bàn tay cần kiêng tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa, hạn chế dùng nước. Nên đi bít tất thường xuyên để hạn chế mất nước qua thượng bì làm cho da đỡ bị khô;

-Để da bớt bong có thể bôi các chế phẩm có chứa steroid như Elomet, Flucinar, Fucicort, Synalar, Gentrisone trong thời gian từ 2-3 tuần. Sau đó có thể bôi một số chế phẩm làm ẩm da, dịu da như cream vitamin E, Lacticare;

-Giữ cho da luôn sạch, có thể bôi các chất làm ẩm da, làm dịu da khiến da bớt viêm và bớt rát về mùa khô (Aderma-Exomega cream). Phần quan trọng nhất của điều trị khô da chính là dưỡng ẩm đúng, và sử dụng kem dưỡng da có hiệu quả nhất. Bạn để mất rất nhiều hơi ẩm trong không khí - Debra Jaliman, bác sĩ da liễu hàng đầu ở New York cho biết, hơn nữa nhiều người rửa quá nhiều và sử dụng xà bông thô trong khi họ nên sử dụng một thứ gì đó không có mùi thơm, hoặc dịu nhẹ hơn với da. Điều quan trọng là phải chắc chắn rằng kem dưỡng ẩm của bạn có thể thấm vào da bạn, vì vậy hãy tẩy tế bào chết hàng tuần và bằng cách cơ học, với một cái bàn chải hoặc xơ mướp, hoặc theo cách hóa học, với vỏ trái cây hoặc bọt tẩy tế bào chết.


Hình 10

-Nên hạn chế tắm và thời gian tắm nên dưới 10 phút, hãy sử dụng nước ấm hơn là nước nóng, nước nóng làm giảm độ ẩm tự nhiên của da, và hãy chọn sữa tắm dịu nhẹ hơn là xà bông;

-Bổ sung các vitamin, tốt nhất là từ nguồn thực phẩm tươi sạch hằng ngày, uống nhiều nước cũng là biện pháp hỗ trợ cho làn da. Nếu da bong nhiều, kéo dài, kèm theo ngứa nhiều, chảy nước, nhiễm khuẩn. Cần đến khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời;

-Điều trị vảy nến có thể thực sự là một thử thách bởi vì nó rất dai dẳng. Với những trường hợp nhẹ, có thể sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa retinoids (hay vitamin A) hoặc steroid đặc trị. Người bị vảy nến cũng nên sử dụng kem bôi có chứa axit salicylic hoặc chứa các chất làm bong tế bào chết.

-Trong trường hợp nặng hơn, cần áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác. Và nj luôn nhớ rằng, vảy nến phải được khám và điều trị bởi các bác sỹ chuyên khoa da liễu. Bạn cũng nên áp dụng chế độ ăn lành mạnh cho bệnh vẩy nến, hãy ăn thức ăn giàu dầu omega 3, như là cá hồi và cá ngừ, và tránh thịt đỏ;


Hình 11

-Biết cách chăm sóc da hợp lý sẽ hạn chế được nhiều khả năng da bị khô mốc và mọi người có thể thực hiện những biện pháp dưới đây:

- Tắm đúng cách: Mọi người không nên tắm nước quá nóng vì sẽ làm giảm lớp mỡ trên da khiến da khô hơn. Cũng không nên tắm bằng nước lạnh, tắm bằng nước ấm là tốt nhất. Ngoài ra, cần lưu ý thời gian tắm nên ngắn hơn ngày hè vì nếu kéo dài thời gian tắm sẽ làm lớp bã nhờn bảo vệ da mất đi khiến da càng khô, nứt nẻ và nhanh lão hóa. Khi tắm cần nhẹ nhàng, không chà xát kỳ cọ mạnh. Có thể tắm bằng nước chanh hòa loãng hoặc pha chút muối khi tắm;

- Uống đủ nước: Những ngày trời hanh khô cần uống nhiều nước hơn. Mỗi sáng dậy nên uống 200-300ml nước. Ngày 2-3 lần lấy khăn thấm nước ẩm ủ lên mặt chừng 1-2 phút để da bớt bị khô và căng. Ăn nhiều hoa quả, rau xanh;

- Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời: Khi đi ra đường để hạn chế tiếp xúc với gió hanh gây khô nên mặc quần áo đủ ấm, đeo găng tay thường xuyên. Mùa đông cũng nên dùng loại kem chống nắng có chứa SPF để bảo vệ da;


Hình 12

- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Việc dùng kem dưỡng ẩm sẽ giúp dưỡng ẩm cho da rất tốt. Ngay khi da còn ẩm, nên thoa ngay kem dưỡng ẩm vào những vùng da dễ bị khô, nứt nẻ để tăng cường độ ẩm và kích thích phục hồi da.

- Có thể dùng kem làm ẩm da như: Lacticare, A Derma exomega cream hàng ngày. Nếu bị viêm đỏ, mẩn ngứa bạn có thể dùng một đợt kem mỡ steroid 5-15 ngày. Việc lựa chọn kem dưỡng ẩm và sử dụng chúng cũng cần phải lưu ý. Kem dưỡng ẩm bản chất là loại rất có ích với da khô nhưng nếu dùng không đúng cách hoặc mua phải loại kem giả, chất lượng kém thì tác dụng đôi khi ngược lại. Người dùng có thể bị kích ứng. Bôi quá nhiều, quá dày sẽ gây bít lỗ chân lông, làm bí da dẫn đến hiện tượng da sần sùi.


Hình 13

Để tránh nguy hại cho da, khi chọn kem dưỡng phải chọn sản phẩm của hãng đã có uy tín, không chứa chất bảo quản, chất tạo màu, chất tạo mùi; không dùng hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc; không tự ý dùng thêm những loại thuốc bôi chống khô da để tránh gây dị ứng cho da. Tốt nhất, hãy đến bác sĩ để được tư vấn sử dụng loại kem giữ ẩm tốt phù hợp với từng loại da và loại chuyên biệt dành trị da khô mốc, nứt nẻ. Hy vọng trên đây là các thông tin dễ hiểu giúp cho bạn có thể tìm ra nguyên nhân nào gây cho da nứt nẻ và khô bong tróc da cho bạn nhé!


6. Văn Thị D., 49 tuổi, Bắc Giang, hoangtyu@....

Hỏi: Bác sỹ ơi cho tôi hỏi vì sao môi lại bị thâm tím, mặc dù không có bệnh lý tim mạch nào cả. Xin bác sỹ giải thích giúp và cho hướng điều trị nhê. Trân trọng cảm ơn bác!

Trả lời: Một câu hỏi liên quan đến da niêm mạc, nghe có vẻ đây là một căn bệnh không những ở cơ quan tại chỗ mà có thể liên đới đến bệnh lý toàn thân và có thể có nhiều nguyên nhân góp phần vào dẫn đến môi thâm, nhưng rất tiếc,…rất khó điều trị dứt điểm

Đôi môi là vùng da rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi những tác động xấu của ngoại cảnh cũng như yếu các yếu tố bên trong cơ thể, khiến nó không còn hồng hào, mềm mại nữa mà trở nên thâm đen. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, làm chị em trông kém đẹp và gây nhiều khó khăn trong việc trang điểm. Sau đây là một số nguyên nhân khiến môi bị thâm cũng như cách trị thâm môi nhanh chóng, hiệu quả và ngăn ngừa môi thâm trở lại.


Hình 16

Môi bị thâm hay thay đổi màu sẫm đi là tình trạng biểu hiện của các tế bào melanocytes bị tổn thương, kích thích hắc tố melanin tăng tiết quá nhiều và tập trung trên vùng môi, khiến môi không còn hồng hào mà trở nên thâm đem và kém mịn màng. Một số yếu tố nguy cơ khác góp phần dẫn đến gồm:

- Uống trà và cà phê nhiều vì trong thành phần của trà và cà phế có chất caffeine, khiến môi bị thay đổi màu sắc và răng cũng ố vàng. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng việc uống thật nhiều nước sau mỗi lần uống 2 thức uống này.

- Ánh nắng mặt trời: ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu làm da vùng môi bị tổn thương và thúc đẩy việc sản xuất sắc tố melanin. Hơn nữa, tia tử ngoại có trong ánh nắng còn làm môi khô sần và dễ bị nứt nẻ.

- Tình trạng mất nước: Cơ thể không được cung cấp đủ nước, không khí khô hanh làm mất đi lượng nước cần thiết, sẽ làm cho môi bị khô, sau đó ngày càng thâm;

- Ngậm môi: Liếm môi thường xuyên là thói quen xấu của rất nhiều chị em làm mất lớp dầu tự nhiên bảo vệ môi, khiến môi nứt nẻ và từ đó môi sạm dần đi.

- Dùng son môi kém chất lượng: Dùng son môi là nhu cầu làm đẹp không thể thiếu của các chị em, nhưng bạn chỉ nên sử dụng son của các thương hiệu nổi tiếng, đã được các cơ quan chức năng kiểm duyệt. Bởi hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại son môi chứa chì - một hóa chất độc hại nếu sử dụng thường xuyên sẽ khiến môi thâm và gây ung thư.

  
Hình 17-18

- Hút thuốc lá: Trong thuốc lá có chứa chất nicotine đây là một loại chất không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, mà còn làm môi biến màu và thâm dần khi dùng trong một thời gian dài. Ngoài ra, môi bị thâm còn do nhiều nguyên nhân khác như đang điều trị bằng thuốc kháng sinh, bệnh suy tim, thiếu vitamin C, di truyền…Để đôi môi nhanh chóng hết thâm, trở nên hồng hào tự nhiên và không bị thâm trở lại, ngay từ bây giờ bạn hãy xây dựng cho mình những thói quen tốt như:

Thoa kem dưỡng ẩm trước khi ngủ nhằm bổ sung độ ẩm cần thiết cho da mềm mịn, không liếm môi, dùng son môi chất lượng, cần cung cấp cho cơ thể lượng nước khoảng 2-2,5 lít/ngày. Bên cạnh đó, đừng quên tẩy tế bào chết cho môi mỗi tuần 1 lần;

- Tiếp xúc với nắng: Ánh nắng thúc đẩy việc sản xuất sắc tố melanin trên môi. Môi của chúng ta rất nhạy cảm với sự tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng, và sẽ trở nên thâm đen khi việc tiếp xúc kéo dài. Tình trạng này có thể tránh được bằng cách sử dụng những loại kem dưỡng môi có khả năng chống tia cực tím;

- Tình trạng mất nước: Không uống đủ nước sẽ gây ra tình trạng mất nước. Môi của bạn sẽ khô và bị thâm qua thời gian nếu cơ thể bị mất nước. Cần đảm bảo uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để giữ ẩm cho môi;

- Ngậm môi: Các nhà khoa học đã chứng minh rằng việc ngậm hoặc cắn môi khiến môi bị thâm. Liếm môi cũng gây ra tình trạng này, vì nước bọt khiến môi khô nhanh hơn.

- Chế độ ăn uống: Vitamin C có khả năng đối phó tình trạng nhiễm sắc tố môi. Do vậy, việc thiếu loại vitamin này sẽ khiến môi bị thâm đen. Cần đảm bảo bạn dùng bữa lành mạnh, cân bằng với trái cây tươi và rau xanh để bảo vệ đôi môi;

- Chất gây dị ứng: Môi thâm còn là hậu quả của những chất gây dị ứng trong mỹ phẩm. Loại son bạn dùng có thể chứa những chất nhuộm hoặc hương liệu gây dị ứng. Cần kiểm tra sản phẩm trên da bạn trước khi quyết định mua nó.

Hiện nay, có 4 phương pháp làm hồng môi thâm hiệu quả đó là dùng nguyên liệu thiên nhiên, dùng mỹ phẩm, tia laser và xăm môi. Dùng các nguyên liệu thiên nhiên như lựu, chanh, mật o­ng là cách trị thâm môi an toàn và tiết kiệm chi phí, nhưng đòi hỏi chúng ta cần phải kiên trì sử dụng trong thời gian dài mới thấy được hiệu quả. Trị thâm bằng tia laser là phương pháp hiện đại nhất hiện nay, sử dụng ánh sáng có luồng xung điện mạnh tác động trực tiếp và vùng da môi bị thâm. Cho hiệu quả nhanh chóng chỉ sau vài lần thực hiện, giúp tiết kiệm thời gian.Tuy nhiên, bạn phải chi phí rất lớn, đau đớn và môi có thể bị tổn thương nặng.


Hình 19

Xăm phun môi là biện pháp dùng kim loại đưa chất tạo màu vào sâu lớp thượng bì của da. Mặc dù mang lại khá nhiều lợi ích như màu môi theo yêu cầu, nhanh chóng, không cần phải dùng thêm son môi. Nhưng nếu không tìm được trung tâm chất lượng, vùng da điều trị rất dễ bị nhiễm trùng, lây lan các bệnh truyền nhiễm và màu môi không như ý.

Trong tất cả các phương pháp trị thâm môi thì dùng mỹ phẩm là cách được nhiều người sử dụng nhất. Bởi các loại kem hay sáp làm hồng môi vừa mang hiệu quả trị thâm cao, vừa giúp bờ môi nứt nẻ trở mềm mịn hơn, rẻ tiền, lành tính và tiện dụng. Nếu chọn mỹ phẩm để lấy lại đôi môi hồng hào quyến rũ, thì bạn có thể tham khảo sáp dưỡng hồng môi Eqido - một sản phẩm có thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, có chất lượng đảm bảo và hiệu quả vượt trội.


Hình 20

Sáp dưỡng hồng môi Eqido là sự kết hợp hoàn hảo giữa các loại tinh dầu tự nhiên như: Oải hương, gừng, bưởi, cam, rau má, hoa đào, hạnh nhân, dừa, oliu… theo công thức đặc biệt, có tác dụng cung cấp độ ẩm thiết yếu, nuôi dưỡng da mềm mịn, làm mờ môi thâm, trị nứt nẻ, giúp môi trở nên hồng hào và mềm mịn tự nhiên. Chỉ sau 1-2 tháng sử dụng bạn sẽ có được một bờ môi quyến rũ và gợi cảm như mơ ước. Đặc biệt, sáp dưỡng hồng môi Eqido còn ngăn ngừa môi thâm trở lại.

Ngày 03/01/2017
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích