Home TRANG CHỦ Chủ nhật, ngày 24/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 3 3 8 8
Số người đang truy cập
3 1 9
 Tư vấn sức khỏe
Hỏi đáp y học thường thức và chuyên ngành ký sinh trùng, côn trùng truyền bệnh tháng 11+12 năm 2016 (Phần 3)

 Nguyễn Thu H…, 38 tuổi, Bà Rịa-Vũng Tàu, tuyhan@....

Hỏi: Bác sỹ ơi cho em hỏi, trong thời gian gần đây em hay nghe các kênh đề cập đến một số trẻ em sau khi tiêm vaccine có những phản ứng sốc và thậm chí tử vong, vậy theo các bác sỹ chúng ta có nên tiêm không? Lợi ích của tiêm chủng là gì và những phản ứng ra sao, kính nhờ các bác sỹ cho lời khuyên! Em cảm ơn!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của me cũng là một lo lắng của nhiều bậc phụ huynh hiện nay đang đặt câu hỏi rằng liệu con mình có rơi vào tình huống bị phản ứng phụ của vaccine hay không, có nên tiêm không,…Vai trò của vaccine phòng bệnh từ lâu đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phòng bệnh và giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên phạm vi toàn cầu và đến nay vai trò của vaccine không hề thay đổi và hàng ngày càng có nhiều loại vaccine cải tiến và tăng lên số lượng do một số bệnh đang nổi và bùng phát trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam.

Liên quan đến phản ứng của vaccine, chúng tôi xin chia sẻ một bài viết liên quan đến vai trò và tác dụng ngoại ý của vaccine do PGS.TS. Trần Như Dương-Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đề cập gần đây.


Hình 1

Có thể nói việc nhà khoa học Jenner phát minh ra vắc xin vào năm 1796 là một thành tựu Y học vĩ đại của nhân loại. Kể từ khi văc xin ra đời loài người đã thực sự có được một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Về bản chất, việc tiêm chủng chính là sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay, đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa văc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội.

Vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại: Khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc xin, hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. 


Hình 2

Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực: Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ em nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Vắc xin và tiêm chủng làm cho trẻ em khỏe mạnh, không bị ốm đau dẫn đến giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình. Ngoài ra tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó vắc xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Những thành tựu quan trọng của vắc xin và tiêm chủng trên thế giới 

-Bệnh đậu mùa đã từng giết chết 2 triệu người mỗi năm cho tới cuối những năm 1960, đã bị quét sạch vào năm 1979, sau những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu; 

-Số ca mắc bệnh bại liệt giảm từ trên 300.000/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 358 trường hợp năm 2014; 

-2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được uốn ván sơ sinh;

-Số trường hợp tử vong do sởi được báo cáo giảm từ 2,6 triệu/năm xuống còn 122.000 năm 2012;

-Số tử vong liên quan đến ho gà đã giảm từ 1,3 triệu/năm xuống còn 63.000 vào năm 2013;

-Số mắc bạch hầu đã giảm từ 80.000 trường hợp năm 1975 xuống còn dưới 10.000 ca như hiện nay;

-Vắc xin phòng Haemophilus influenza B (Hib) đã làm giảm 90% tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não do Hib ở châu Âu trong 10 năm;

-Tổ chức Y tế thế giới ước tính rằng việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp. Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho riêng vắc xin Sởi-Quai bị-Rubella thì tiết kiệm được 21 USD.


Hình 3

Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Việt Nam và thành tựu

Có thể nói chương trình TCMR ở Việt Nam được Nhà nước quan tâm và chỉ đạo thực hiện từ rất sớm đến nay đã hơn 30 năm. Sau đây là một số dấu mốc quan trọng về sự hình thành và phát triển của chương trình TCMR ở nước ta: Giai đoạn thí điểm (1981-1984): TCMR bắt đầu được triển khai thí  điểm ở Việt Nam từ năm 1981 và được mở rộng dần hàng năm. Hết giai đoạn thí điểm đã có 50% số tỉnh triển khai dịch vụ TCMR. Giai đoạn mở rộng dịch vụ tiêm chủng trong cả nước (1985 -1990): Năm 1985, chương trình TCMR được đẩy mạnh và triển khai trên phạm vi cả nước với 6 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Sởi, Bại liệt. Đến năm 1990, đã có 100% số huyện với trên 96,4% số xã triển khai chương trình TCMR. Giai đoạn xoá xã trắng về tiêm chủng mở rộng (1991 -1995): Mặc dù số xã trắng chưa triển khai TCMR trong năm 1990 chỉ chiếm khoảng 3,6% tổng số xã trong cả nước song đây lại là những xã khó khăn nhất, thực hiện gian khổ nhất đều là những xã ở vùng sâu, vùng xa, núi non hiểm trở, hải đảo xa xôi, thiếu điều kiện giao thông, thiếu cơ sở y tế, lưới điện… việc xoá các xã trắng về tiêm chủng là một mục tiêu cấp bách song hết sức khó khăn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, thực hiện chương trình kết hợp quân dân y, đặc biệt là sự kết hợp của quân y bộ đội biên phòng. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, đến năm 1995 ngành y tế đã hoàn toàn xóa bỏ được các xã trắng về tiêm chủng, đánh dấu mốc quan trọng trong công tác TCMR về thực hiện tiêm chủng ở 100% xã phường trên toàn quốc góp phần đảm bảo công bằng trong chăm sóc y tế của Đảng và nhà nước ta. Giai đoạn nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và mở rộng vắc xin mới trong TCMR: Năm 1997: Bốn văc xin mới tiếp tục được đưa vào triển khai miễn phí trong chương trình TCMR củaViệt Nam là văc xin viêm gan B, văc xin viêm não Nhật Bản B, văc xin thương hàn, tả. Đánh dấu 10 loại vắc xin được triển khai trong TCMR. Như vậy số lượng vắc xin mới đã từng bước mở rộng theo đúng ý nghĩa và tiêu chí của TCMR đó là mở rộng dần các vắc xin để phục vụ nhân dân. Đến năm 2003, văc xin viêm gan B được triển khai trên cả nước, năm 2014 vắc xin Viêm não Nhật bản B đã được triển khai trên 100% số huyện trong cả nước. Vắc xin tả, thương hàn được triển khai ở các vùng nguy cơ mắc bệnh cao. Từ tháng 6/2010, vắc xin Hib phòng bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ do Hib trong thành phần vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib (QUINVAXEM) được triển khai trên toàn quốc, đây là vắc xin thứ 11 được đưa vào TCMR ở Việt Nam. Được sự cho phép của Chính phủ tại văn bản số 1208/ QĐ-TTg ngày 04/09/2012 về việc đưa vắc xin Rubella vào Dự án Tiêm chủng mở rộng, với sự hỗ trợ của Tổ chức Liên Minh toàn cầu về Vắc xin và tiêm chủng (GAVI) chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng đã được tổ chức thành công trong năm 2014-2015.  Và vắc xin Rubella tiếp tục được duy trì trong tiêm chủng thường xuyên từ năm 2015. Như vậy Vắc xin phòng bệnh rubella là vắc xin thứ 12được triển khai trong chương trình TCMR của Việt Nam.


Hình 4

Phản ứng sau tiêm vắc xin và các nguyên nhân tử vong sau tiêm chủng

Bản chất của vắc xin là một chế phẩm sinh học đặc biệt có nguồn gốc từ các vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng hoặc do tổng hợp sinh học đã được bào chế làm mất khả năng gây bệnh nhưng vẫn còn khả năng kích thích cơ thể sinh kháng thể bảo vệ. Phản ứng sau tiêm chủng được quy định là “bất kỳ sự kiện sức khỏe bất thường nào xảy ra sau tiêm chủng có thể liên quan đến tiêm chủng hoặc không liên quan đến tiêm chủng”.

Về nguyên tắc tất cả các vắc xin đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực cũng như phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc không có một loại vắc xin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vaccine tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h, tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với văc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin. 

Các Phản ứng sau tiêm chủng nhẹ, thông thường (Theo TCYTTG)

Vắc xin

Phản ứng phụ trại chỗ (sưng, đỏ, đau)

Sốt (>38ºC)

Các triệu chứng toàn thân, kích thích, khó chịu

BCG

90-95%

-

-

Viêm gan B

Người lớn:15%

Trẻ em :5%

1-6%

-

Hib

5-15%

2-10%

-

Vắc xin cúm bất hoạt

10-64%

5-12%

Vắcxin sống cúm

16-31%

Vắc xin viêm não bất hoạt

<4%

<1%

Vắc xin sống viêm não

<1%

Sởi/ sởi quai bị rubella

10%

5-15%

5% (ban)

Bại liệt uống (OPV)

-

Dưới 1%

Dưới 1%

DTP – ho gà toàn tế bào4

tới 50%

tới 50%

tới 60%

Phế cầu cộng hợp.

~10%

~20%

<1% (>390C)

~ 20%

Phế cầu không cộng hợp

50%

<1% (>390C)

Uốn ván/DT/Td

~10% 5

~10%

~25%

Thủy đậu

7-30%

 

Phản ứng sau tiêm chủng hiếm gặp (Theo TCYTTG)

Vắc xin

Phản ứng

Thời gian xuất hiện

Tỷ lệ trên 1.000.000 liều

BCG

-Viêm hạch có mủ

-Viêm xương BCG

-Nhiễm khuẩn BCG lan tỏa

2-6 tháng

1-12 tháng

1-12 tháng

100-1000

1-700

0,19-1,56

Hib

Không

-

-

Viêm gan B

Sốc phản vệ

0-1 giờ

1,1

Viêm não Nhật Bản (bất hoạt)

Biểu hiện thần kinh (viêm não, bệnh não, thần kinh ngoại biên)

-

1-2.3

Sởi/ sởi - quai bị - rubella/ sởi – rubella

- Co giật có sốt

- Giảm tiểu cầu

- Sốc phản vệ

- Bệnh não

6-12 ngày

15-35 ngày

0 – 1 giờ

6-12 ngày

330

30

1

<1

Bại liệt uống (OPV)

Liệt liên quan tới vắc xin

4-30 ngày

2-4

Uốn ván

- Viêm thần kinh cánh tay

- Sốc

- Áp xe vô trùng

2-28 ngày

0-1 giờ

1-6 tuần

5-10

1-6

6-10

Ho gà (DTwP)

- Khóc thét dai dẳng >3 giờ

- Co giật

- Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng

- Sốc phản vệ

- Bệnh nãod

0-24 giờ

0-3 ngày

0-48 giờ

 

0-1 giờ

0-2 ngày

< 10.000

<10.000

1000-2000

 

20

0-1

Các nguyên nhân tử vong sau tiêm chủng:  

Các nguyên nhân tử vong sau tiêm chủng cần phải được điều tra, phân tích kỹ lưỡng, khách quan và khoa học và có thể thuộc một trong các nhóm nguyên nhân sau: 

Nhóm nguyên nhân do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác:

Đây là nguyên nhân hay gặp nhất, bởi vì khác với thuốc chữa bệnh dùng đơn lẻ cho từng bệnh nhân thì vắc xin trong TCMR được dùng hàng loạt cho rất đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh, là nguyên nhân chính gây ra tử vong thì lại trùng với thời điểm tiêm các loại vắc xin. Theo Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và hàng ngày ước tính ở Việt Nam có khoảng 70 trẻ em dưới 1 tuổi bị tử vong không rõ nguyên nhân hoặc do các nguyên nhân khác nhau. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường và tử vong sau tiêm rất dễ bị quy kết là do tiêm chủng. 

Nhóm nguyên nhân do phản ứng quá mẫn cá thể đối với vắcxin:

Một số rất ít người có phản ứng quá mẫn rất mạnh với vắc xin dẫn đến sốc phản vệ mà không phải là do chất lượng của vắc xin. Những trường hợp sốc nếu không được cấp cứu kịp thời dẫn đến tử vong. Trong một số ca với thể sốc tối cấp không hồi phục thì dù được cấp cứu kịp thời vẫn tử vong. 

Nhóm nguyên nhân do chất lượng vắcxin không đạt yêu cầu:

Nếu do vắc xin không đảm bảo chất lượng thì có đặc điểm là các tai biến và tử vong xảy ra hàng loạt, cùng một lúc với các chùm ca bệnh liên quan mật thiết với cùng một loại vắc xin, cùng một lô vắc xin. Tuy nhiên, nguyên nhân này là vô cùng hiếm gặp vì tất cả các lô vắc xin trước khi được cấp phép lưu hành đều phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt.

Nhóm nguyên nhân do sai sót trong thực hành tiêm chủng:

Đây là nguyên nhân do sai sót của cán bộ tiêm chủng gây ra như  bảo quản vắc xin không đúng, tiêm sai chỉ định, tiêm sai liều lượng, tiêm sai đường dùng, tiêm nhầm thuốc. Nếu do nguyên nhân này thì tai biến thường chỉ xảy ra ở một điểm tiêm chủng và liên quan đến một số cán bộ nào đó. Các sai sót do thực hành tiêm chủng có thể gây tai biến cho trẻ nhưng khó dẫn đến tử vong trừ tiêm nhầm vắc xin với một loại thuốc nào đó có thể gây chết người.


Hình 5

Không rõ nguyên nhân:

Rất nhiều trường hợp tử vong mặc dù được điều tra rất kỹ lưỡng, khách quan, khoa học nhưng vẫn không thể xác định được nguyên nhân. Trong trường hợp này tử vong được xếp vào nhóm không rõ nguyên nhân. Mặc dù, các phản ứng sau tiêm chủng và một số rất ít trường hợp bị tử vong do tiêm chủng xảy ra là điều khó tránh khỏi nhưng lợi ích to lớn của vắc xin đem lại là lớn hơn bội phần so với những rủi ro của tiêm chủng. Chính vì vậy mục đích của tiêm chủng là phải bảo vệ toàn thể cộng đồng, cho nên nếu tỉ lệ phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới thì nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát gây nguy hiểm khôn lường cho toàn xã hội. Thực tiễn  triển khai vắc xin ở Việt Nam trong 30 năm qua với khoảng 600  triệu mũi tiêm, tai biến nặng xảy ra sau tiêm vắc xin là hãn hữu đã cho thấy tính an toàn của vắc xin. 

Nguy cơ nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng muộn

Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ.  Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng. 

Liên quan đến lịch tiêm chủng, bạn có thể tham khảo:

Lịch tiêm chủng miễn phí (bắt buộc) cho mọi trẻ em

Tháng tuổi

Vắc-xin cần tiêm

Mũi tiêm/uống

Sơ sinh (càng sớm càng tốt)

– BCG (phòng lao)
– Viêm gan B

– 1 mũi
– Vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau khi sinh

2 tháng tuổi

– Bại liệt
– Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván -Viêm gan B – Hib

– Bại liệt lần 1
– Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván -Viêm gan B – Hib mũi 1

3 tháng tuổi

– Bại liệt
– Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván -Viêm gan B – Hib

– Bại liệt lần 2
– Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván -Viêm gan B – Hib mũi 2

4 tháng tuổi

– Bại liệt
– Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván -Viêm gan B – Hib mũi 1

– Bại liệt lần 3
– Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván -Viêm gan B – Hib mũi 3

9 tháng tuổi

– Sởi

– Mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi
– Mũi 2 tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi

18 tháng tuổi

– Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván mũi 4
– Sởi mũi 2

Lịch tiêm chủng thu phí cho trẻ em dưới 15 tuổi

Loại vaccine

Ngảy tiêm sơ khởi

Ngày tiêm nhắc lại

TRÁI RẠ
(VARILRIX)

Chỉ tiêm cho trẻ trên 12 tháng tuổi.
+  từ 12 tháng đến dưới 13 tuổi:
Tiêm một mũi duy nhất
+  từ 13 tuổi trở lên:
Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 6 tuần lễ

Không cần tiêm nhắc lại

VIÊM GAN SIÊU VI B
(EUVAX B)

Lịch tiêm tùy thuộc vào nguy cơ mắc bệnh:
+ Nguy cơ ít (*) , chích 3 mũi:
– Mũi 1: bất cứ lúc nào.
– Mũi 2: cách mũi đầu tiên 4 tuần lễ.
– Mũi 3: cách mũi đầu tiên 6 tháng.
+ Nguy cơ cao (*) chích 4 mũi:
– Mũi 1: bất cứ lúc nào.
– Mũi 2: cách mũi đầu tiên 4 tuần lễ.
– Mũi 3: cách mũi đầu tiên 2 tháng.
– Mũi 4: cách mũi đầu tiên 12 tháng.

Tiêm nhắc lại một mũi duy nhất.
+ Nguy cơ ít
5 năm sau mũi đầu tiên+ Nguy cơ cao
8 năm sau mũi đầu tiên.

THƯƠNG HÀN
(TYPHYM VI)

Tiêm một mũi duy nhất cho trẻ trên 5 tuổi.

– Mỗi 3 năm tiêm nhắc 1 lần.

VIÊM MÀNG NÃO MŨ
(HIBERIX)

Trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 6 tháng tuổi, chích 3 mũi:
– Mũi 1: trong lứa tuổi trên.
– Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 4 tuần.
– Mũi 3: cách mũi 2 ít nhất 4 tuần

Chích nhắc lại một mũi, cách mũi 3: 12 tháng.

Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi, chích 2 mũi:
– Mũi 1: trong lứa tuổi trên.
– Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 4 tuần

Chích nhắc lại một mũi cách mũi 2 : 12 tháng.

Từ 1 đến dưới 5 tuổi, chích 1 mũi duy nhất

Không cần tiêm nhắc

QUAI BỊ – SỞI – BAN HỒNG HAY RUBELLA
(MMR)

Trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi, chích một mũi duy nhất

Chích nhắc lại một mũi khi trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi.

VIÊM NÃO NHẬT BẢN B

Chỉ tiêm cho trẻ trên 1 tuổi, tiêm 3 mũi:
– Mũi 1: trong lứa tuổi trên.
– Mũi 2: cách mũi đầu tiên 1 tuần.
– Mũi 3: cách mũi đầu tiên 1 năm.

– Mỗi 3 năm tiêm nhắc 1 lần.

VIÊM MÀNG NÃO DO NÃO MÔ CẦU LOẠI A VÀ C(MENINGO A + C)

Trẻ trên 18 tháng tuổi: tiêm 1 mũi

– Mỗi 3 năm tiêm nhắc 1 lần.

CÚM
(VAXIGRIP)

Từ 6 tháng đến 8 tuổi: 1 mũi.

Từ 9 tuổi trở lên:
– Mũi 1: trong lứa tuổi trên.
– Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 4 tuần

Tiêm lại mỗi năm.

BẠCH HẦU – HO GÀ – UỐN VÁN – BẠI LIỆT
(TETRACOQUE)

Mũi 1: khi trẻ tròn 2 tháng
Mũi 2: khi trẻ tròn 3 tháng
Mũi 3: khi trẻ tròn 4 tháng

Mũi 4: sau mũi 3 ít nhất 12 tháng.
Không sử dụng cho trẻ từ 7 tuổi trở lên.

BẠCH HẦU – UỐN VÁN
(DTVAX)

Được dùng để tiêm thay thế cho thuốc kết hợp Bạch hầu- Ho gà – Uốn ván cho những trẻ nghi ngờ bị dị ứng với Ho gà. Lịch tiêm giống như Bạch hầu- Ho gà – Uốn ván – Bại liệt

Không sử dụng cho trẻ từ 7 tuổi trở lên.

Riêng đối với vắc-xin phòng chống bại liệt, bé có thể được uống hoặc tiêm ngừa. Lịch chủng ngừa ở trên chỉ là tham khảo vì mỗi trung tâm y tế/bệnh viện sẽ có 1 phác đồ chủng ngừa khác nhau. Phần lớn tiêm chủng là rất an toàn và rất hiếm trường hợp bị dị ứng với vắc-xin. Tuy nhiên, một số bé có phản ứng nhẹ với vắc-xin, ví dụ như bị sốt nhẹ trong thời gian ngắn, sưng phồng hoặc tấy đỏ xung quanh chỗ tiêm. Vì vậy trong một số trường hợp, bạn có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ngoài một số triệu chứng đã nêu trên, hầu như bé không phải chịu bất kỳ phản ứng phụ hoặc biến chứng nguy hiểm nào khi bé được tiêm chủng. Chắc chắn bé sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi mắc phải các căn bệnh này nếu không được bảo vệ ngay từ nhỏ. Nếu bạn vẫn e ngại bé yêu gặp phải một số phản ứng phụ với một loại vắc-xin nào đó, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để yên tâm.


Lê Thị Thu V., 28 tuổi, Bệnh viện đa khoa TH,..

Hỏi: Xin các bác sỹ của Phòng khám Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn cho em biết quy trình cấy phân tìm tác nhân gây bệnh hiện nay là như thế nào? Em chân thành cảm ơn!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, hiện nay phương pháp cấy phân hầu như chưa có gì thay đỏi lớn so với trước đây. Chỉ một số thay đổi hoặc cải tiến làm cho kết quả đáng tin cậy hơn với độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn. Mục đích quy trình hướng dẫn cách thu thập bệnh phẩm, vận chuyển và nuôi cấy mẫu phân trong phòng xét nghiệm vi sinh. Quy trình này áp dụng cho khoa/phòng xét nghiệm, có thể nuôi cấy, phân lập và định danh các vi khuẩngây bệnh thường gặp trong bệnh phẩm. Nuôi cấy vi khuẩn thường gây bệnh trong phân như vi khuẩn thương hàn Salmonella, Shigella, phẩy khuẩn Vibrio cholera.Các đĩa môi trường nuôi cấy sử dụng cho các vi khuẩn trên đồng thời cũng có tính năng nuôi cấy luôn một số vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng tiêu hóa nhưng ít gặp (Aeromonas hydrophila và Plesiomonas shigelloides…). Khoa lâm sàng thu thập mẫu phân đúng theo hướng dẫn và vận chuyển mẫu để có được bệnh phẩm tốt nhất cho nuôi cấy. Thông tin loại mẫu thu thập cần phải thể hiện trong phiếu xét nghiệm đi kèm để phòng xét nghiệm có căn cứ biện luận kết quả nuôi cấy. Phòng xét nghiệm có nhiệm vụ nhận, kiểm tra và tiến hành xét nghiệm mẫu theo đúng quy trình an toàn sinh học. Xét nghiệm viêm đã được đào tạo và có chứng chỉ hoặc chứng nhận về chuyên ngành vi sinh y học.Về nguyên lý, sử dụng các môi trường chuyên biệt, chọn lọc để nuôi cấy, tăng sinh, phân lập và định danh các vi khuẩn gây bệnh trong phân. Các thành phần và môi trường,….sử dụng trong nuôi cấy như bloodagar (BA), MacConkey agar (MC), Thiosulfate Citrate Bile Salt Sucrose agar (TCBS), Meat-extract agar (MEA), Salmonella Shigella agar (SS), Xylose lysine deoxycholate agar(XLD) và các trang thiết bị và vật tư như tủ an toàn sinh học cấp 2, kính hiển vi quang học, tủ ấm thường, tủ ấm CO2, các pipette vô trùng, que cấy, đèn cồn, lam kính, dầu soi. Các môi trường nuôi cấy gồm có thạch máu, thạch MacConkey, thạch TCBS, MEA, SS, XLD, môi trường tăng sinh như alkaline pepton, Selenite F và một số hóa chất thuốc nhuộm Gram, bộ phản ứng sinh hóa, định danh :KIA, API 20E, API 20NE, VITEK ID card và các bộ ngưng kết serogroup, antigen của các vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Mọi quy trình nên tuân thủ theo an toàn sinh học cấp II, áp dụng các biện pháp an toàn chung khi xử lý bệnh phẩm và thực hiện xét nghiệm và tất cả các bệnh phẩm được xem như là nguồn nhiễm. Sau đây là nội dung thực hiện:

Chuẩn bị lấy, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm

-Cách thu thập mẫu phân: Thu thập mẫu phân (đặc, nhầy, nước) vào lọ vô trùng 40ml có nắp đậy chặt, chú ý lấy phần phân nhầy máu vì có khả năng chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Không khuyến cáo lấy mẫu phân bằng que phết trực tràng vì không đủ lượng bệnh phẩn để nuôi cấy và phân lập vi khuẩn gây bệnh. Song, trong trường hợp bệnh nhân không tự đại tiện được, que phết trực tràng có thể được sử dụng để lấy mẫu phân nuôi cấy. Đặc biệt chú ý, lấy phân cấy trước khi dùng kháng sinh;

-Bệnh phẩm phải được vận chuyển ngay đến phòng xét nghiệm không quá 2 giờ. Nếu để quá lâu, số lượng vi khuẩn phân lập trong mẫu phân sẽ giảm đi do độ pH của mẫu phân giảm dần theo thời gian. Nếu là mẫu phân cần soi cấy vi khuẩn tả thì phải chuyển ngay đến phòng xét nghiệm trong vòng 30 phút. Nếu không chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm trong thời gian quy định thì phải giữ mẫu phân trong môi trường chuyên chở. Các môi trường thường được dùng là: Stuart’s, Cary-Blair… Mẫu phân tả cần giữ trong môi trường alkaline pepton.

-Tiêu chuẩn từ chối mẫu nếu bệnh phẩm không có dán nhãn thông tin, bệnh phẩm rò rỉ, chảy ra bao đựng, mẫu phân đựng trong môi trường chứa F2AM, barium, có lẫn nước tiểu. Không khuyến cáo giữ phân trong tủ lạnh vì một số vi khuẩn (ví dụ như Shigella ) sẽ chết ở nhiệt độ thấp.


Hình 7

Quy trình xử lý mẫu:

-Quan sát đại thể để ghi nhận tính chất phân, phân nhầy máu thường do các tác nhân tiêu chảy xâm lấn như Salmonella, Shigella spp. Phân nước trắng đục như nước vo gạo gợi ý nhiễm vi khuẩn tả Vibrio cholera.

-Nuôi cấy: Nên chọn phần phân nhầy, máu để nuôi cấy. Dùng que cấy lấy một khối lượng phân, chú ý nên chọn phần có nhầy, máu để ria cấy trên môi trường. Tùy vào mục đích cần phân lập tác nhân nào mà chọn môi trường nuôi cấy cho phù hợp. Quy trình này hướng dẫn cách nuôi cấy Salmonella spp., Shigella spp.,Vibrio cholera, Plesiomonas spp. và Aeromonas spp;

-Môi trường thường sử dụng: Nuôi cấy Vibrio cholerae là Thiosulfate Citrate Bile Salt Sucrose agar (TCBS), Meat-extract agar (MEA), tăng sinh trong dung dịch alkaline pepton. Nuôi cấy các vi khuẩn khác có Blood agar (BA), MacConkey agar (MC), Salmonella-Shigella agar (SS) hay Xylose lysine deoxycholate agar (XLD), tăng sinh trong dung dịch Selenite broth. Các môi trường thạch được ủ ở 37 độ C, đọc kiểm tra sau 18-24 giờ, 48 giờ. Môi trường tăng sinh (alkaline pepton, selenite broth) được cấy chuyển ra thạch sau 18-24 giờ. Cấy chuyển môi trường pepton kiềm ra đĩa TCBS hay MEA, cấy chuyển Selenite broth ra đĩa Salmonella-Shigella ( SS) hay dĩa XLD.

Đọc kết quả môi trường nuôi cấy

-Định danh Salmonella Shigella: Sau mỗi 24h nuôi cấy, kiểm tra đĩa MacConkey và Salmonella-Shigella để tìm khuẩn lạc không lên men lactose và khuẩn lạc sinh H2S. Đây là các khuẩn lạc nghi ngờ thuộc chi Salmonella spp. và Shigella spp. Tuy nhiên đây cũng có thể là vi khuẩn họ đường ruột thường trú trong đường tiêu hóa.

-Vì vậy cần phải tiến hành một số phương pháp trắc nghiệm sinh hóa hay định danh cho các khuẩn lạc này. Khuẩn lạc nghi ngờ Salmonella spp. Shigella spp. cần làm một số thử nghiệm xác định tính chất sinh vật hóa học. Tính chất sinh hóa thường gặp của Salmonella Shigella: 

Vi khuẩn

Oxidase

Glucose

Lactose

Di động

Indole

Citrate

Urease

Methyl red

H2S

Salmonella

-

+

-

+

-

+

-

+

+

Shigella

-

+

-

-

+/-

-

-

+

-

-Định danh khẳng định bằng các kit: API 20E, VITEK, MALDI-TOF, lưu ý MALDI-TOF không thể định danh Shigella spp. vì phổ protein của Shigella tương đồng với E. coli. Phân type huyết thanh của Salmonella spp. và Shigella spp. bằng các xét nghiệm ngưng kết huyết thanh học.

-Shigella sp.: thử nghiệm ngưng kết với các loại kháng nguyên O: Ngưng kết với Antiserum A=Shigella dysenteriae; Ngưng kết với Antiserum B=Shigella flexneri; Ngưng kết với Antiserum C = Shigella boydii; Ngưng kết với Antiserum D=Shigella sonnei.

-Salmonella sp.: thử nghiệm ngưng kết với các loại kháng nguyên bề mặt O, H để định danh theo hệ thống phân loại Kauffman-White. Việc định danh này thường được thực hiện ở các phòng xét nghiệm tham chiếu.

-Định danh Vibrio cholerae: Sau mỗi 24 giờ ủ, kiểm tra trên TCBS xem có khuẩn lạc màu vàng mọc (vi khuẩn lên men sucrose). Đây là khuẩn lạc nghi ngờ chi Vibrio, cần kiểm tra tính chất sinh hóa và định danh các vi khuẩn này. Cấy chuyển môi trường alkaline pepton sau ủ 8-24h ra đĩa TCBS, sau đó khi ủ TCBS 24h, kiểm tra khuẩn lạc có tính chất như trên. Một số tính chất sinh hóa của Vibrio cholerae:

Vi khuẩn

Oxidase

Glucose

Lactose

Di động

Indole

Citrate

Urease

Methyl red

H2S

Vibrio cholerae

+

+

-

+++

+

+

-

-

-

-Định danh khẳng định bằng API, VITEK, MALDI-TOF. Xác định serogroupVibrio cholera bằng thử nghiệm ngưng kết tìm kháng nguyên O1, O139. Serogroup O1 có 2 biotype: Classic và El tor được phân biệt như sau :

0

Hemolysin

VP

Polymixin B

Classic

-

-

S

El tor

+

+

R

-Định danh AeromonasPlesiomonas: Kiểm tra môi trường Blood agar, MacConkey sau 24 giờ ủ để tìm khuẩn lạc Gram âm có kích thước to, màu xám, lượng khuẩn lạc loại này phải chiếm trên 70% tổng lượng khuẩn lạc trên môi trường nuôi cấy. Thực hiện test oxidase cho các khuẩn lạc này, nếu dương tính là nghi ngờ thuộc chi Aeromonas spp, hay Plesiomonas spp. Định danh khẳng định bằng API, VITEK hay MALDI-TOF.

-Định danh các E.coli gây bệnh tiêu chảy: Vi khuẩn E.coli có một số lọai gây bệnh tiêu chảy nhưShiga-toxin-producing E.coli (STEC), enterotoxigenic E.coli (ETEC), enteropathogenic E.coli (EPEC) và enteroinvasive E.coli (EIEC). Các E.coli gây bệnh đựơc định danh và phân lọai dựa trên các yếu tố độc lực: toxin, yếu tố bám dính và xâm lấn. Phương pháp xác định các yếu tố độc lực bao gồm nuôi cấy, miễn dịch, PCR đựơc thực hiện ở các phòng XN tham chiếu. STEC serotype O157: H7 có thể gâyra bệnh cảnh tán huyết-ure huyết. Việc nuôi cấy vi khuẩn này cần môi trường chọn lọc như CHROMAGAR O157 hay CT-SMAC). Khi phát hiện khúm khuẩn nghi ngờ có thể làm ngưng kết latex với bộ ngưng kết latex E.coli O157. Định danh khẳng định cần phải gửi vi khuẩn đến phòng xét nghiệm tham chiếu để chẩn đoán bằng các phương pháp sinh học phân tử. Tính chất các khuẩn lạcvi khuẩn gây bệnh trong phân trên các loại môi trường nuôi cấy:

Loại môi trường

Khuẩn lạc nghi ngờ

Tác nhân nghi ngờ

Xét nghiệm cần làm

MacConkey

Khuẩn lạc không màu, tròn, trong suốt,có oxidase dương tính

 

Vibrio cholerae

Định danh

Ngưng kết O1, O139

 

Khuẩn lạc không màu, tròn, bờ đềukhông lên men lactose, oxidase âm tính

Shigella

Định danh

Ngưng kết định serogroup

 

 

Khuẩn lạc không màu, mịn, bờ răng cưakhông lên men lactose

oxidase âm tính

Salmonella

Định danh

Ngưng kết định các serotype

Blood agar

Khuẩn lạc đục, tròn

Oxidase dương tính

Plesiomonas

Aeromonas

Định danh

 

Salmonella-Shigella agar

Khuẩn lạc trong, không màu

Shigella và một số Salmonella

Định danh,

Ngưng kết xác định các serotype, serogroup

 

Khuẩn lạc trong, không màu ,tâm đen

Một số loài Salmonella và Proteus

Định danh

XLD agar

Khuẩn lạc đỏ, tâm đen

Salmonella

Định danh

Ngưng kết định các serotype

 

Khuẩn lạc đỏ

Shigella

Định danh

Ngưng kết định serogroup

 

MEA

Khuẩn lạc trong, oxidase dương

Vibrio

Định danh

TCBS

Khuẩn lạc vàng to oxidase dương

Vibrio cholera

Định danh

Ngưng kết serogroupO1, O139

 

Khuẩn lạc xanh lá cây

Oxidase dương

Vibrio parahaemolyticus

Định danh

-Kháng sinh đồ: Thực hiện kháng sinh đồ cho các loại vi khuẩn gây bệnh phân lập được trong phân và báo cáo kết quả kháng sinh đồ chung với kết quả định danh.

Cách diễn giải kết quả và báo cáo:

-Nếu không phát hiện vi khuẩn gây bệnh: trả kết quả không phân lập được vi khuẩn gây bệnh trong mẫu nuôi cấy;

-Phát hiện vi khuẩn gây bệnh:trả kết quả phát hiện vi khuẩn “tên vi khuẩn” trong mẫu nuôi cấy”, trả kháng sinh đồ kèm theo. Khi nuôi cấy định danh được vi khuẩn tả Vibrio cholerae cần phải báo cáo với cấp trên vì thuộc danh sách các dịch bệnh cần thông báo.


Đinh Tiến L., 0912….Hà Nội

Hỏi: Bác sỹ ơi cho cháu hỏi nguyên nhân nào người ta bị đau da đầu. Các bác sỹ cho cháu lời khuyên và nên điều trị như thế nào?

Trả lời: Liên quan đến vấn đề bạn hỏi đúng là hiếm gặp đặt ra câu hỏi như vậy, nhưng trong thực hành lâm sàng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau da đầu (scalp pain). Các nguyên nhân thường gặp gồm:


Hình 9-10

Rối loạn về (Skin disorders)

Viêm da là tình trạng hay gặp có liên quan đến tình trạng viêm chung toàn thân. Các triệu chứng bao gồm đỏ da và da sưng phồng lên. Có thể có bỏng dộp, mụn nước hoặc mảng lóc da. Các triệu chứng này có thể tăng lên hoặc xuất hiện qua nhiều tình trạng dẫn đến như một số kim loại, một số loại xà phòng, độc chất cây thường xuân, một vài mỹ phẩm, phấn, nước, chất giặt và sản phẩm làm tóc.

Nhiễm trùng

Viêm nang lông, mụn nhọt nhỏ li ti là các loại nhiễm trùng ở nang lông, chân tóc có thể gây nhạy cảm da đầu. Các nhiễm trùng có thể dẫn đến đau, rát, nóng khi sờ chạm. Chúng thường ảnh hưởng lên vùng sau cổ và nách, đôi khi có mủ tại chỗ vùng nhiễm trùng trên da vết thương. Nhiễm trùng nấm trên da đầu như tinea capitistinea versicolor thường gặp trên trẻ em và có thể gây rụng tóc.

Những gì mà có thể nhìn thấy các mảng bay lả tả hoặc gàu rụng có thể đang có chấy. Nếu bạn có bị ngứa hoặc có vết sưng đỏ có thể dẫn đến rỉ nước dịch. Chấy rận có thể sống đến 30 ngày trên da đầu hoặc trên toàn cơ thể của bạn. Trứng chấy có thể sống dài hơn. Có thể cảm giác nhức đầu do thắt cũng gây nên đau da đầu. Các sang chấn, trầm cảm và lo lắng cũng có thể làm cho triệu chứng của bạn nặng nề hơn và đau cơ nhiều hơn.

Viêm mạch thái dương

Động mạch thái dương là một mạch máu chạy trên mặt của vùng đầu ở trước tai. Viêm động mạch thái dương là tình trạng dễ nhạy cảm đau khi sờ vào và các triệu chứng liên quan thường gồm đau hàm, nhức đầu và rối loạn thị lực. Viêm động mạch thái dương thường xảy ra trên người lớn tuổi và thường gọi là polymyalgia rheumatica.

Một số nguyên nhân khác có thể gặp đau da đầu như bỏng nắng, nhiệt, lạnh và gió. Một số trường hợp khác tự nhiên cảm thấy đau da đầu nhiều hơn, nhất là trên các phụ nữ đén kỳ kinh nguyệt. Các tình trạng này là tự nhiên lầy hay da khô dẫn đến đau da đầu hơn khi lo lắng, khi trầm cảm, sống trong các vùng có điều kiện thời tiết lạnh nóng thất thường, hay bị dị ứng, hen suyễn,

  
Hình 12

Về mặt điều trị tùy thuộc vào các nguyên nhân đẫn đến triệu chứng. Các loại dầu gội đặ biệt như Selsun Blue hay Head & Shoulders có thể giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng ngứa và khô và rơi các mảnh vụn da. Ibuprofen hay các thuốc không kê toa khác có thể làm giảm viêm hoặc đau đầu. Một số loại dần thiết yếu như Lavender hay Rosemary có thể giúp chữa lành vết loét gây ra đau đầu. Tuy nhiên, dùng các loại dầu không pha loãng cho da đầu có thể làm cho da của bạn có thể nặng hơn. Trước khi dùng nên thử hỗn hợp hay thử phản ứng trên da. Đợi 24 giờ để xác định xem da có phản ứng không. Nếu có phản ứng thì sử dụng, để dùng dầu bạn nên dùng một cốc nước ấm và thêm ½ muỗng dầu, trộn đều và thoa nhẹ trên tóc và da đầu. Để trong 15-20 phút rồi gội sạch.

Tùy thuộc triệu chứng của bạn, có thể cần đến bác sỹ hay không. Trước tiên điều trị là giảm các triệu chứng kích thích ngứa, bác sỹ của bạn sẽ kê đơn là dầu gội hoặc thuốc đặc hiệu. Nếu cần chăm sóc đặc biệt, bác sỹ có thể kê thuốc từ các bác sỹ chuyên khoa da liễu. Mặc dù một số người tự nhiên có cảm giác đau tăng da đầu, nếu triệu chứng này tiếp tục nặng dần thì nên khám bác sỹ.


Huỳnh Đình Đ., 29 tuổi, Tuy Hòa, Phú Yên

Hỏi: Bác sỹ ơi cho cháu hỏi, cháu đang bị gan nhiễm mỡ rất nặng qua siêu âm và xét nghiệm máu bác sỹ nói là thâm nhiễm mỡ toàn bộ. Cháu đang rất lo lắng không biết làm gì, ăn kiêng gì để quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả cao nhất cho cháu hả bác? 

Trả lời: Xin chia sẻ một chuyên mục của đồng nghiệp liên quan đến làm thế nào giảm tác hại của gan nhiễm mỡ. Lá gan là bộ phận rất quan trọng trong cơ thể người, nhất là nó có khả năng chuyển hóa lượng mỡ trong cơ thể. Vì thế, khi mắc phải gan nhiễm mỡ, việc cần làm đó là phải biết cách giới hạn lượng mỡ được chuyển hoá qua gan nhằm giảm thiểu mỡ đọng ở gan nhờ vào 1 chế độ ăn khoa học và thích hợp.


Hình 13

Người bị gan nhiễm mỡ được khuyến cáo là nên sử dụng các rau, củ, quả, trái cây thường xuyên và đều đặn. Những loại rau (rau ngót, diếp cá, cần tây, rau lang) được cho là rất tốt cho người bị bệnh gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, các bạn cũng có thề sử dụng bông atisô để hầm với nấm hương và tàu hũ ki, vừa thơm ngon bổ dưỡng vừa có lợi cho lá gan. Các loại quả như bưởi, cam, nho, chanh, táo cũng rất có ích trong việc giúp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Tốt nhất, người bệnh nên dùng các loại cá tươi, các loại được bắt ở sông, hồ. Nhộng tằm được xem là 1 loại thức ăn rất tốt cho gan trong trường hợp người bệnh bị gan nhiễm mỡ nhờ có khả năng hạn chế lượng cholesterol trong máu cũng như củng cố chức năng gan.

Ở giai đoạn bệnh nhân đang bị gan nhiễm mỡ kèm theoviêm gan, bệnh nhân cần tránh xa những việc áp lực cao hoặc việc nặng và nên nghỉ ngơi xã stress hợp lý. Ngoài ra, việc luyện tập luyện thể dục thể thao hay chạy bộ, đi bộ, yoga, dưỡng sinh cũng cần được áp dụng. Để giảm được mỡ trong gan, việc đầu tiên bệnh nhân cần làm đó chính là giảm bớt lượng mỡ trong các món ăn mỗi ngày. Việc này sẽ giúp giảm bớt lượng mỡ máu và lượng mỡ được chuyển hoá quan gan, nhờ đó có thể trút bớt một phần việc nặng cho gan. Người bệnh có thể dùng dầu mè, dầu olive và dầu đậu nành… để thay cho các loại dầu mỡ động vật. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần kiêng những loại nội tạng và da động vật… do chứa nhiều cholesterol. Khi bị gan nhiễm mỡ, bệnh nhân cũng không được ăn quá nhiều thịt, nhất là những loại có màu đỏ do protein sẽ chuyển hóa qua gan khiến gan phải làm việc nặng nhọc hơn.


Hình 14

Người bệnh cũng cần hạn chế những gia vị cay, nóng như ớt, tiêu, tỏi, gừng hay củ riềng… Trong trường hợp người bệnh gan nhiễm mỡ kèm theo viêm gan, cần phải cẩn thận khi sử dụng các loại quả có năng lượng nhiều hoặc khó tiêu như mít, sầu riêng. Đặc biệt, bệnh nhân cần phải tuyệt đối không sử dụng bia, rượu. Khi mắc bệnh gan nhiễm mỡ, nếu như vẫn cứ tiếp tục sử dụng bia, rượu, bệnh tình sẽ chuyển sang xơ gan hay ung thư gan một cách nhanh chóng. Gan nhiễm mỡ hầu hết là lành tính. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chủ quan và không kiêng cử thì bệnh tình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Vì thế, các chuyên gia khuyên rằng người mắc bệnh gan nhiễm mỡ cần phải nắm rõ bệnh tình của mình, thiết lập 1 chế độ ăn hợp lý để thuyên giảm nhanh chóng, đề phòng việc xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.

Trong giai đoạn đang bị bệnh gan nhiễm mỡ có kèm viêm gan, người bệnh phải giảm áp lực công việc, tránh những công việc nặng nhọc. Cần làm việc, nghỉ ngơi một cách hợp lý. Đi bộ đều đặn, có thể tập luyện những môn thể thao vừa sức, tập yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh. Bệnh gan nhiễm mỡ phần lớn là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu người bệnh chủ quan, không kiêng khem trong ăn uống thì bệnh có thể diễn tiến nặng và gây ra các biến chứng xấu hơn.


Hình 15


Hồ Văn T. ,htt1256@....0913….

Hỏi: Kính thưa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn, trong gia đình em có rất nhiều người lớn tuổi và hầu như bệnh tật triền miền, nên phải dùng thuốc mỗi ngày. Hôm rồi em đi chăm bà em ở BV có thấy tình trạng sốc thuốc tiêm quá nhiều tại bệnh viện, vậy để mọi người trong gia đình em dùng thuốc an toàn và giảm đi sốc thuốc thì nên làm gì? Mong bác sỹ trả lời, em cảm ơn rất nhiều!

Trả lời: Câu hỏi của bạn quả rất thời sự và sẽ được nhiều người quan tâm, kể cả người đang công tác trong hành nghề y dược cũng vậy, nhằm làm sao giảm các tác dụng ngoại ý, đặc biệt là sốc thuốc trên các bệnh nhân. Sốc thuốc có thể xảy ra đối với bất kỳ thuốc nào, đường dùng nào, bất kỳ loại thuốc nào. Sốc thuốc là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Sốc thuốc xảy ra bất cứ thuốc gì, nhất là loại thuốc tiêm, ngay cả khi đã thử phản ứng thuốc (thử test). Về cơ bản, sốc thuốc là một phản ứng xảy ra giữa dị nguyên và kháng thể có sẵn trong cơ thể. Bản chất của phản ứng dị ứng thuốc là loại phản ứng của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, tức là phản ứng giữa kháng thể sẵn có trong máu của con người với kháng nguyên lạ (dị nguyên lạ) từ ngoài cơ thể khi được đưa vào máu. Một số trường hợp khi dùng thuốc lần đầu không bị dị ứng nhưng lần sau dùng thuốc đó lại bị dị ứng hoặc khi thử phản ứng âm tính nhưng khi tiêm thuốc đó lại bị dị ứng hoặc sốc thuốc, những trường hợp như vậy được gọi là dị ứng muộn.

Nguyên nhân của sốc thuốc rất đa dạng, có thể thuốc đã quá hạn sử dụng, thuốc bảo quản không tốt sẽ làm thay đổi tính chất của thuốc và trở thành dị nguyên nguy hiểm cho người sử dụng. Sử dụng thuốc một cách bừa bãi cũng là một nguyên nhân đáng kể làm cho tỷ lệ dị ứng thuốc tăng cao. Ngoài ra, sốc thuốc có thể không xác định được nguyên nhân. Ở nước ta, dị ứng thuốc chiếm một tỷ lệ khá cao, từ 7-8% đáng lo ngại nhất là sốc phản vệ. Sốc thuốc là một dạng của phản ứng dị ứng nhanh, xuất hiện khi có sự xâm nhập lần thứ hai của dị nguyên vào cơ thể. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân mới dùng thuốc lần đầu nhưng đã bị sốc thuốc, bởi vì họ đã bị mẫn cảm trước với một loại dị nguyên nào đó có cấu trúc giống với cấu trúc của thuốc.

Hình 16

Tính chất nguy kịch của sốc thuốc sẽ gây hoang mang lo lắng cho mọi người kể cả thầy thuốc và thân nhân người bệnh. Bệnh xuất hiện rất nhanh, ngay lập tức hoặc chỉ sau một thời gan ngắn (khoảng 30 phút) sau khi dùng thuốc, sau thử test hoặc sau khi bị o­ng đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Khi triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm, bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao. Các đường đưa thuốc vào cơ thể (tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, bôi ngoài, nhỏ mắt, đặt âm đạo) đều có thể gây sốc thuốc, tuy nhiên đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất. Vì vậy, sốc thuốc là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì dễ dẫn đến tử vong do hạ thân nhiệt, suy hô hấp cấp và tụt huyết áp, trụy tim mạch, tăng tính thấm thành mạch và co thắt cơ trơn phế quản.

Nguyên tắc là hết sức khẩn trương cấp cứu tại chỗ và dùng ngay adrenalin dù cho diễn biến nhẹ, trung bình hoặc nặng. Bởi vì, adrenalin là thuốc đầu tay cấp cứu sốc phản vệ rất hiệu quả, minh chứng là một trường hợp sốc phản vệ được cứu sống. Để hạn chế dị ứng thuốc, trong bất cứ trường hợp nào cũng nên xin ý kiến bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để dùng, bất luận là thuốc gì. Với bác sĩ khám, chữa bệnh, trước khi kê đơn thuốc, cần khai thác kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh và phải dự phòng sốc phản vệ trên những bệnh nhân có mẫn cảm, cân nhắc về liều lượng, đường dùng.



Hình 17

Khi một bệnh nhân đã có tiền sử phản ứng phản vệ với một loại thuốc nào đó, dù nhẹ cần tránh dùng lại. Trước khi tiêm kháng sinh phải thử test, khi thấy chắc chắn test âm tính mới được tiêm. Ở bất kỳ cơ sở y tế nào có khám, chữa bệnh đều phải chuẩn bị sẵn thuốc và dụng cụ cấp cứu sốc thuốc để khi đang tiêm thuốc, nếu người bệnh có những cảm giác khác thường nghi sốc thuốc (bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi...) phải ngừng tiêm và kịp thời xử lý như sốc phản vệ. Bất kỳ người bệnh nào sau khi tiêm thuốc cần được theo dõi cẩn thận khoảng 10-15 phút để đề phòng sốc thuốc xảy ra muộn.


Trần Thị Hoa V., waskrise@....

Hỏi: Em muốn hỏi các thầy cô trong Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn về phân loại khoa hoc của loài một tác nhân gây bệnh và cách viết tên khoa học cho đúng. Em chân thành cảm ơn!

Trả lời:Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

            Trong sinh học, loài là một bậc phân loại cơ bản trong phân loại khoa học (Scientific classification). Loài là một nhóm các cá thể sinh vật có những đặc điểm sinh học tương đối giống nhau và có khả năng giao phối với nhau và sinh sản ra thế hệ tương lai. Còn theo định nghĩa của Ernst Mayr, loài là nhóm các quần thể tự nhiên có khả năng giao phối với nhau và tương đối cách ly sinh sản với các nhóm khác. Trong nhiều trường hợp chính xác, loài được định nghĩa là nhóm cá thể có bộ nhiễm sắc thể giống nhau nhất định. Sự thích nghi các đặc điểm địa phương và phân cách địa lý đã làm cho loài có nhiều đặc điểm được chia nhỏ hơn tới phân loài (hay loài phụ).

Trong phân loại khoa học, một loài được gọi tên bằng danh pháp hai phần, in nghiêng, chữ thứ nhất là tên chi (ở động vật còn gọi là giống) được viết hoa, chữ thứ hai chỉ một đặc điểm nổi bật của loài, có thể kèm theo tên người phát hiện và/hoặc đặt tên loài. Ví dụ, tên khoa học của loài ngườiHomo sapiens: "Homo" là tên chi, "sapiens" chỉ đặc điểm "khôn ngoan" của loài người.


Hình 18

Một loài bất kỳ thì thường viết tắt là "sp." còn số nhiều là "spp." (Mostly spp. use for plural species and sp. for singular species) Những từ viết tắt này thường đặt sau tên một chi/giống để chỉ 1 hay nhiều loài nào đó trong cùng 1 chi/giống, ví dụ "Canis" sp. nghĩa là một (sp.) hay một số loài (spp.) chó nào đó thuộc chi/giống "Canis". Định nghĩa về "loài" và các phương pháp tin cậy trong việc xác định một loài cụ thể là rất cần thiết để tuyên bố và kiểm tra các học thuyết sinh học và đo đạc đa dạng sinh học, dù các cấp phân loại sinh học khác như họ có thể được xem xét ở các nghiên cứu trên quy mô lớn. Các loài tuyệt chủng chỉ được biết qua các hóa thạch, nhìn chung rất khó để xác định chính xác đến cấp độ loài, đó cũng là lý do tại sao các cấp phân loại cao hơn loài như họ thường được sử dụng trong nghiên cứu dựa trên hóa thạch.

Trong một số bản thảo, đôi khi người ta dùng spp. cho nhiều chủng (plural strains) của các loài giống nhau. Từ viết tắt "sp." dùng khi tên thật sự đặc biệt không thể hoặc không cần đặc biệt. "spp." chỉ ra một số loài, các từ viết tắt này không in nghiêng và không gạch dưới (not italicised or underlined). Chẳng hạn Canis sp. có nghĩa là một loài không đặc biệt nào đó ("an unspecified species) của giống Canis, trong khi đó "Canis spp." có nghĩa là hai hay nhiều loài của giống Canis. Các từ viết tắt "sp." và "spp." có thể dễ nhầm lẫn với các từ viết tắt trong động vật học hay thực vật "ssp." (zoology) hay "subsp." (botany), số nhiều "sspp." hay "subspp." Ám chỉ đến 1 hay nhiều loài phụ hay dưới loài.

 

Ngày 18/01/2017
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích