Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 04/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 3 1 0 6 5 1
Số người đang truy cập
1 0
 An toàn thực phẩm & hóa chất
Cập nhật thông tin về thuốc giả và kém chất lượng

Thuốc giả và thuốc chất lượng vẫn còn đang là vấn nạn của y tế toàn cầu, không riêng gì ở Việt Nam và các quốc gia đang phát triển và nghèo đói như ở lục địa châu Phi. Diện mạo của thuốc giả và thuốc kém chất lượng ngày càng quy mô, tinh vi và số lượng lớn hơn rất nhiều. Nhiều vụ thuốc giả và kém chất lượng, nhất là các nhóm thuốc giả đó rơi vào loại thuốc đắt tiền, đang khan hiếm trên thị trường (thuốc tim mạch, chống ung thư, thuốc tạo máu trong bệnh nhân suy thận, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm) và có cả những loại sản phẩm y tế rất rẻ và rất thông dụng (khẩu trang y tế, dầu nóng xoa bóp, …), tất cả người bệnh và người tiêu dùng sẽ gánh chịu hậu quả và đôi khi “tiền mất, tật vẫn mang”. Dưới đây là một số dữ liệu thông tin về tình hình thuốc giả trên thế giới và Việt Nam trong thời gian gần đây:

TCYTTG cảnh báo 11% thuốc chữa bệnh tại các nước đang phát triển là giả

Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) vừa cho biết khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi mỗi năm. Đây là nỗ lực lần đầu tiên của WHO để đánh giá vấn đề này. Các chuyên gia đã duyệt xét 100 cuộc nghiên cứu liên quan đến 48.000 loại thuốc chữa bệnh và thấy rằng trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%.


Hình 1

Theo Tổng giám đốc TCYTTG, Tedros Adhanom Ghebreyesus, vấn đề trên ảnh hưởng đến hầu hết các nước nghèo. Có khoảng từ 72.000 đến 169.000 trẻ em chết vì sưng phổi mỗi năm sau khi được điều trị bằng thuốc giả. Thuốc giả cũng có thể là nguyên nhân gây tử vong thêm 116.000 ca mắc bệnh sốt rét, hầu hết tại các nước ở miền Nam sa mạc Sahara của châu Phi. Theo TCYTTG, thuốc giả bao gồm những sản phẩm chưa được các nhà ban hành quy định chấp thuận, không đạt tiêu chuẩn chất lượng hay cố ý ghi sai các thành phần trong thuốc. Những trường hợp thuốc giả được phát hiện chỉ là “một phần nhỏ” và vô số trường hợp có thể đã không được báo cáo. TCYTTG ước tính các nước đã thiệt hại khoảng 30 tỷ USD vì thuốc giả.

Mua thuốc nội về bóc tách, "mông má" thành thuốc ngoại

Thông tin từ Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết cơ quan đã hoàn tất hồ sơ chuẩn bị đưa bị can Mai Công Phu (sinh năm 1953, ngụ quận Tân Phú) ra xét xử về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Liên quan trong vụ án, các bị can Mai Thanh Hoàng (con ruột Phu, sinh năm 1977, ngụ quận Tân Phú), Khưu Tuấn Cường (sinh năm 1969, ngụ quận 6), Trần Quang Sơn (sinh năm 1986, ngụ quận 3), Trần Quang Bình (sinh năm 1990, tạm trú quận Tân Phú) cũng bị truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.


Hình 2

Theo cáo trạng, Mai Công Phu từng đi tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Sau khi mãn hạn, Mai Công Phu vẫn tiếp tục tổ chức đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả từ tháng 3/2016. Mai Công Phu mua các loại tân dược do Việt Nam sản xuất sau đó bóc tách vỉ, lấy các viên thuốc rời rồi giao cho Cường sản xuất tân dược giả. Trần Quang Bình và Trần Quang Sơn giúp sức trong việc in ấn bao bì, ép vỉ, cắt vỉ, đóng hộp thuốc. Số thuốc tân dược giả sau khi được "mông má" thành thuốc tân dược ngoại nhập được giao lại cho Phu để mang đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây.

Trưa 25/8/2016, tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (PC46) - Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt quả tang Hoàng đang sử dụng xe máy vận chuyển số lượng lớn tân dược dạng viên con nhộng không ghi nhãn hiệu trên đường đi giao cho Cường. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Cường, Bình, Phu và những địa điểm khác có liên quan đến việc sản xuất, mua bán thuốc tân dược giả tại các quận 3, Phú Nhuận, Bình Tân - thành phố Hồ Chí Minh và huyện Bến Lức - tỉnh Long An, cơ quan điều tra thu giữ nhiều thùng vỏ hộp thuốc làm giả và thuốc giả đã thành phẩm các loại, máy vi tính xách tay cùng đầu máy vi tính dùng để tạo mẫu sản phẩm giả, công cụ và phương tiện sản xuất tân dược giả.

Thuốc giả tràn lan, người bệnh gánh quả đắng

Thuốc giả tràn lan, được sản xuất ngày càng tinh vi nhưng năng lực kiểm tra còn hạn chế. Hậu quả của việc sử dụng thuốc giả là người bệnh chịu cảnh 'tiền mất, tật mang'. Điều đáng nói, tình trạng thuốc giả ở các nước đang phát triển đang gia tăng.


Hình 3. Thuốc tẩy giun Fugaca giả và thật rất khó phân biệt

Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) vừa cho biết khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay viêm phổi. Đây là nỗ lực lần đầu tiên của TCYTTG để đánh giá vấn đề này. Các chuyên gia đã duyệt xét 100 cuộc nghiên cứu liên quan đến 48.000 loại thuốc chữa bệnh và thấy rằng trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%.

Tại Việt Nam, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng là có. Hầu như tháng nào, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng có quyết định đình chỉ, thu hồi sản phẩm thuốc kém chất lượng. Đơn cử gần đây nhất vụ thuốc tẩy giun Fugacar của Công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse (Bỉ) mà cơ quan chức năng phát hiện tại một số nhà thuốc tại thành phố Hồ Chí Minh. Thuốc Fugacar giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau. Nhưng điểm khác này không phải người tiêu dùng nào cũng phát hiện được. Hay như vụ thuốc ung thư H-Capita 500mg Caplet do Công ty VN Pharma nhập về Việt Nam là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng vẫn chưa có câu trả lời.


Hình 4

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, đến nay hệ thống kiểm nghiệm chỉ mới kiểm tra được khoảng 500 hoạt chất trên tổng số 1.000 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường. Theo ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, để đảm bảo được chất lượng thuốc, không chỉ có kiểm nghiệm mà phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố, đồng bộ nhiều công tác quản lý khác, từ cấp số đăng ký thuốc, thanh tra, kiểm tra động hành nghề của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc… Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương lấy khoảng 1.000 mẫu thuốc, còn toàn hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước (64 đơn vị) lấy khoảng trên 30.000 mẫu thuốc để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả cho thấy, năm 2016, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng chiếm khoảng 2%, thuốc giả chiếm khoảng 0,01%. Nhìn chung, trong vài năm gần đây, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng qua kiểm nghiệm ở nước ta được duy trì ở mức 2-3%.

Cục Quản lý Dược cũng thừa nhận, những năm gần đây, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường nước ta đã giảm, song việc phát hiện thuốc giả không đơn giản. Thuốc giả được sản xuất ngày càng tinh vi. Hiện Cục đang cùng các cơ quan chức năng đang thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.

Những đặc điểm nhận diện thuốc giun thật và giả trên thị trường

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hướng dẫn người dân nhận biết thuốc giun Fugacar thật - giả trên thị trường và đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc, truy tìm nguồn gốc thuốc giả xâm nhập vào nhà thuốc. Cục Quản lý Dược cho biết, cơ quan chức năng vừa phát hiện thuốc giả Fugacar, SĐK: VN-16500-13, số lô 514 và 1614007 giả trên thị trường. Trên nhãn hộp ghi mạo danh cơ sở nhượng quyền sản xuất là Công ty Janssen Pharmaceutica N.V, Beerse, Bỉ.

Theo đó, mẫu thuốc Fugacar số 514015 do Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế PC46 Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ và yêu cầu xác minh; số lô 1614007 được mua tại nhà thuốc Tân Phú 2, đường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.


Hình 5

Thuốc Fugacar thật - giả (số lô 514015) có các đặc điểm:

Vỏ hộp: Hộp thuốc Fugacar thật có mã số bao bì là 991013240, mã số bao bì hộp thuốc giả mà 991-013-064. Số lô sản xuất, ngày sản xuất, hạn dùng ở hộp thuốc thật được in nổi, khi sờ có thể cảm nhận được. Còn ở hộp thuốc giả là in thường, khi sờ không cảm nhận được.

Trong tờ hướng dẫn sử dụng: Ở hộp thuốc thật tờ hướng dẫn sử dụng ghi rõ nhiệt độ bảo quản từ 15oC- 30oC, trong khi ở tờ hướng dẫn sử dụng thuốc giả ghi là nhiệt độ bảo quản từ 15C-30C. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thật ghi rõ “than phiền chất lượng sản phẩm”, còn thuốc giả chỉ ghi “than phiền chất lượng”, thiếu chữ “sản phẩm”.

Vỉ thuốc: Cách viết hạn sử dụng trên vỉ thuốc thật là ngày.tháng.năm, cách nhau bởi một dấu chấm (.). Còn trong vỉ thuốc giả cách viết hạn sử dụng là ngày/tháng/năm, cách nhau bởi một dấu gạch chéo (/).

Viên thuốc: Viên thuốc thật một mặt khắc chữ Janssen, mặt còn lại là chữ “Me 500”, trong khi thuốc giả một mặt khắc vạch chia đôi, mặt còn lại trơn không khắc.


Hình 6

Thuốc Fugaca thật - giả (số lô 1614007) có các đặc điểm:

Vỏ hộp: Mã số bao bì hộp thuốc thật là: 991013240 . Số lô sản xuất, ngày sản xuất, hạn dùng được in nổi, khi sờ có thể cảm nhận được. Mã số bao bì hộp thuốc giả là: 991013187. Số lô sản xuất, ngày sản xuất, hạn dùng được in thường, khi sờ không cảm nhận được.

Tờ hướng dẫn sử dụng: Ở thuốc thật, tờ hướng dẫn sử dụng có kích thước to: 21x29,8 cm. Logo Jenssen được đặt ở góc phải, bên dưới tờ hướng dẫn sử dụng. Mã số tờ hướng dẫn là 991013241. Còn ở tờ hướng dẫn sử dụng thuốc giả có kích thước nhỏ: 14,7x20,8 cm. Không có logo Jenssen được đặt ở góc phải, bên dưới tờ hướng dẫn sử dụng. Mã số tờ hướng dẫn là 991-012-628.

Vỉ thuốc: Cách viết hạn sử dụng của thuốc thật là ngày.tháng.năm,cách nhau bởi dấu chấm. Còn thuốc giả cách viết hạn sử dụng là ngày/tháng/năm, cách nhau bởi dấu gạch chéo. Thông tin số lô trên vỉ (24/5/2016) không đúng với số lô in trên vỏ hộp1614007.

Viên thuốc: Chữ trên viên thuốc thật có đường nét sắc sảo. Chữ trên viên thuốc giả có nét to và thô. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành cần thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc mang tên Fugacar giả số lô, số đăng kí như trên.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng và người dân biết để không buôn bán, sử dụng thuốc Fugacar giả có các dấu hiệu nhận biết trên. Tổ chức tiếp nhận thông tin báo cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của thuốc giả nên trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra Nhà thuốc Tân Phú 2 để truy tìm nguồn gốc lô hàng Fugacar, số lô 1614007 giả nên trên và xử lý theo quy định.

Tiến hành tiêu hủy 160kg thuốc Ama Công giả

Để trục lợi nhiều cửa hàng đã kinh doanh hàng trăm túi thuốc Ama Công giả với giá thấp hơn 10 lần so với giá thuốc thật. Ngày 26/5, Đội phòng chống tội phạm môi trường, an toàn thực phẩm (Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh Đắk Lắk) đã tiến hành tiêu hủy 160kg thuốc Ama công không rõ nguồn gốc xuất xứ.


Hình 7. Lực lượng chức năng tiêu hủy thuốc Ama Công giả

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gồm Cảnh sát môi trường, Sở Y tế và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện tại cơ sở kinh doanh lưu niệm Nghĩa Hưng (50 Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột) và cơ sở kinh doanh ẩm thực Phong Vũ (187A Mai Hắc Đế, TP. Buôn Ma Thuột) đã kinh doanh bán thuốc Ama Công giả. Tại đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu giữ của cơ sở kinh doanh lưu niệm Nghĩa Hưng 90 kg thuốc Ama Công và cơ sở kinh doanh ẩm thực Phong Vũ 70 kg thuốc Ama Công. Số hàng này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và chủ kinh doanh đều không xuất trình được các giấy tờ liên quan.

Sau khi phát hiện số thuốc Ama Công giả đoàn liên ngành đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với 2 cơ sở kinh doanh trên; đồng thời, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng này. Thuốc Ama Công là một đặc sản của Tây Nguyên có tác dụng bồi bổ cơ thể bổ thận tráng dương; trị đau lưng, đau dây thần kinh; trị kém ăn, kém ngủ nên rất được người dân địa phương và du khách mua về ngâm với rượu để uống hoặc dùng làm quà biếu người thân. Giá mỗi gói thuốc Ama Công chính hãng có giá 250.000 đồng/0,5kg nhưng nhiều cơ sở đã bán thuốc giả với giá chỉ có 20.000 đồng/0,5kg.

Thuốc giả - tác hại thật!

Phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg chữa ung thư giả đang được dư luận rất quan tâm, nhưng cũng không khỏi hoang mang, lo lắng về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trên thị trường dược phẩm, nhưng mỗi năm ở Việt Nam cũng có hàng chục lô thuốc kém chất lượng, giả mạo bị phát hiện và đình chỉ lưu hành, trong đó có không ít loại thuốc kháng sinh và đặc trị bị làm giả tinh vi.

Hiểm họa khôn lường

Vừa trải qua gần một tuần cấp cứu và điều trị do dùng phải thuốc kém chất lượng, chị Lê Thị Minh mệt mỏi chia sẻ: Tôi bị viêm phế quản cấp, sau khi đi khám được bác sĩ kê đơn cho thuốc kháng sinh Amoxilin. Có đơn thuốc của bác sĩ, tôi đã đi mua thuốc tại một hiệu thuốc khá lớn ở phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ai ngờ sau hơn một ngày uống thuốc, bệnh chẳng đỡ mà người còn bị dị ứng, nổi mề đay và khó thở khiến người nhà phải đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ điều trị cho biết, tôi đã uống phải thuốc không bảo đảm chất lượng, có độc tố nên đã bị phản ứng thuốc.

Trong khi đó, bác Trần Hưng (67 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) bức xúc: Cháu tôi suýt chết vì uống phải thuốc giả. Thằng bé chỉ bị cảm cúm thông thường mà khi mua thuốc uống thì thằng bé “miệng nôn trôn tháo”, kêu khóc vì đau bụng quằn quại. Khi được đưa tới BV cấp cứu, bác sĩ cho biết do uống phải thuốc giả mà cháu bé đã bị chảy máu dạ dày.

Theo một số bác sĩ của Trung tâm Chống độc, mặc dù số trường hợp  ngộ độc, dị ứng thuốc do dùng phải thuốc kém chất lượng không phải quá phổ biến nhưng khi người bệnh uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, cơ thể hay gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy - các biểu hiện của tác dụng phụ phổ biến. Các kim loại nặng và các chất độc có thể gây triệu chứng nhiễm độc bao gồm thay đổi chức năng tim, biến đổi nồng độ đường huyết, khó thở hay suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng của cơ thể, thậm chí có thể gây sốc phản vệ đe dọa tính mạng. Đáng lo hơn, thuốc giả, kém chất lượng rất đa dạng chủng loại từ kháng sinh, thuốc đặc trị, thuốc bổ vitamin cho tới các thuốc có nguồn gốc từ đông dược, thậm chí là cả thực phẩm chức năng.

PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội cho biết, thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí gây tử vong. Tệ hơn, ngay cả khi chất lượng của thuốc giả mạo có lượng hoạt chất tương đương với sản phẩm chính hãng thì thuốc giả vẫn rất nguy hiểm vì nó không có bất kỳ sự đảm bảo nào về các điều kiện sản xuất. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong giới hạn từ 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.


Hình 8

Tinh vi, khó phát hiện

Mặc dù thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng ảnh hưởng của nó tới sức khỏe, tính mạng người bệnh lại vô cùng nguy hại. Theo Cục Quản lý dược, do triển khai tập trung các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc nên tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở Việt Nam đã giảm rõ rệt. Tỷ lệ thuốc giả hiện còn dưới 0,1% và thuốc kém chất lượng khoảng 2%.

Người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh gặp phải thuốc kém chất lượng Trong khi đó, hàng năm, hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy từ 30.000 - 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng thuốc. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành không ít các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Chỉ riêng trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Cục Quản lý dược đã có văn bản thu hồi hơn 30 lô thuốc không bảo đảm chất lượng, cũng như phát hiện ra một số loại thuốc giả như: thuốc prednisolon 5mg lọ 500 viên nén viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gút cấp, viêm khớp vảy nến, viêm loét đại tràng và viêm da. Tuy nhiên, số liệu trên vẫn chưa phản ánh hết tình trạng thuốc kém chất lượng trên thị trường hiện nay.

Nhiều chuyên gia dược phẩm cho biết, kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu ngày càng nhiều và ngày càng được làm giả tinh vi, khó phát hiện được bằng mắt thường. Thậm chí có những loại thuốc thật nhưng khi gần hết hạn sử dụng được xóa bỏ hạn cũ và đóng bao bì với hạn dùng mới, khiến cơ quan chức năng và người bệnh rất khó phát hiện.


Hình 9

Cùng với đó, có những nguồn thuốc giả có thể chứa đúng thành phần hoạt chất như thuốc thật nhưng lại sản xuất trái phép tại một số cơ sở sản xuất nước ngoài. Còn có nguồn thuốc giả không chứa hoạt chất mà chỉ chứa tinh bột hay các thành phần thảo dược hoặc các chất hóa học có thể gây độc cho cơ thể. Đáng lo ngại hơn, với công nghệ hiện đại như hiện nay, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật. Trong đó rất nhiều loại thuốc đặc trị, kháng sinh đã bị làm giả như: thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, ức chế virus, thần kinh, hỗ trợ sinh lý. Để ngăn chặn được tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hiện nay, Cục Quản lý dược và các cơ quan chức năng đang thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, cũng như đẩy mạnh việc lấy mẫu và hậu kiểm thuốc sau khi đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, để tránh việc bị “tiền mất, tật mang”, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nên đến các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng. Khi mua thuốc cần quan sát kỹ bao bì, hạn sử dụng. Khi sử dụng thuốc, nếu có sự nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả nên dừng ngay và nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.

Phá đường dây sản xuất thuốc giả liên tỉnh

Theo đó, tối 20.9, trinh sát PC46 bắt quả tang Trần Hữu Tâm (52 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) chạy xe máy chở 230 hộp Vitamin C (loại 6 lọ/hộp) giả một nhãn hiệu lớn của nước ngoài. Tâm khai, số thuốc giả này do Trần Thị Minh Hằng (55 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) thuê Tâm sản xuất, chở đi giao cho Dương Hồng Sơn (ngụ tỉnh Phú Yên).

Từ đầu năm 2017 đến nay, Hằng mua thuốc do Việt Nam sản xuất đưa cho Tâm mang về nhà ở hẻm 364 Tô Ký (P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, thành phần Hồ Chí Minh) để bóc tách, dán nhãn thuốc do nước ngoài sản xuất rồi bán sỉ cho khách.

Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu, đăng ký thuốc của Bộ Y tế. Khám xét nhà Tâm, PC46 thu giữ 350 hộp thuốc giả nhãn hiệu các thuốc giảm đau, kháng viêm, 253 kg bao bì giả các loại thuốc cùng số lượng lớn nguyên liệu, công cụ phương tiện sản xuất thuốc giả. PC46 khám xét nhà Hằng ở chung cư Lý Thường Kiệt (Q.11). Tại đây, Hằng và Trần Hữu Đồng (chồng Hằng) thừa nhận từ tháng 10.2016 đến nay, thuê Tâm sản xuất thuốc giả nhiều loại: thuốc bổ, giảm đau, vitamin C, bán cho Nguyễn Đình Thanh (ngụ Bình Định) và Sơn. Bao bì thuốc giả được cung cấp bởi Võ Văn Thao (chưa rõ danh tính). Khám xét Công ty TNHH in ấn Q.T trên đường Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6 (nơi Thao thuê in bao bì thuốc giả), PC46 thu giữ 4 khuôn in ấn bao bì thuốc giả; 55 kg vỏ hộp, giấy hướng dẫn sử dụng thuốc.


Hình 10

Tại Phú Yên và Bình Định, PC46 khám xét nhà của Sơn, Thanh, thu giữ hàng chục ngàn hộp, lọ, vỉ thuốc và hàng ngàn vỏ hộp, 33,5 kg bao bì. Bước đầu, Sơn khai, trong số thuốc bị thu giữ, có 6 thùng thuốc, bao bì giả mua của Hằng; số còn lại do Sơn mua bán bên ngoài. Hằng khai nhận đã được một ông “trùm” sản xuất thuốc giả tên Mỹ “truyền nghề”. Từ tháng 10.2016, Hằng bảo chồng (Đồng) ra Trung tâm thuốc Tây ở Q.10 (TP.HCM) mua thuốc do Việt Nam sản xuất; thuê Thao thiết kế tem, bao bì, bỏ hộp… để Hằng và Tâm bóc tách thuốc nội, dán tem, cho vào bao bì mang tên thuốc ngoại. Ngoài thuốc giả cung cấp cho Sơn, Thanh, Hằng còn cung cấp cho Trường (ngụ Nam Định) nhưng không nhớ địa chỉ. Hằng cũng cung cấp bao bì mẫu mã để Sơn sản xuất thuốc giả trị đau dây thần kinh, để Hằng bán cho Thanh hưởng chênh lệch 3.000 đồng/hộp.

Sơn khai sản xuất thuốc giả bán cho Hằng 1.400 hộp; bán cho các cửa hàng thuốc ở TP.Tuy Hòa và một số huyện ở tỉnh Phú Yên với số lượng khoảng 500 hộp.

Từ tháng 8.2016 đến lúc bị bắt, Hằng hướng dẫn Thanh sản xuất thuốc giả trị đau dây thần kinh, đồng thời cung cấp vỏ hộp, tem vitamin dạng ống các loại để sản xuất thuốc giả nhãn hiệu khác với giá cao hơn 60.000 đồng/hộp. Tính đến ngày bị bắt, Thanh sản xuất được 20.000 hộp thuốc giả loại đau dây thần kinh, vitamin, bán lại cho Hằng và các cửa hàng thuốc ở Bình Định. Với những chứng cứ trên, PC46 vừa tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam Hằng, Đồng, Thanh, Sơn về tội “sản xuất thuốc, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”; Tâm, Thao về tội “sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Bắt kẻ buôn bán lượng lớn thuốc ung thư giả 3-5 triệu đồng/hộp

Nhập lậu các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư. Sau đó, Nguyễn Công Doanh thuê in ấn bao bì, dán các tem chống hàng giả rồi phân phối cho các nhà thuốc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận với giá 3-5 triệu đồng/hộp. Ngày 26-10, Cơ quan điều tra Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Nguyễn Công Doanh (SN 1981, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) về hành vi buôn bán hàng giả.


Hình 11

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Doanh lập Công ty MIDU Pharma, nhập lậu các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư. Sau đó, Doanh thuê một cơ sở in ấn trên địa phận quận Hoàng Mai thiết kế bao bì, nhãn mác của các sản phẩm thuốc nhập khẩu chính hãng và dán các loại tem chống hàng giả rồi phân phối cho các nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tại thời điểm kiểm tra, cảnh sát phát hiện Doanh đang vận chuyển gần 20 hộp thuốc ung thư giả giấu trong cốp xe. Kiểm tra nơi ở, cảnh sát phát hiện thu giữ hàng trăm vỏ hộp cùng các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư dán nhãn Vidatox (thương hiệu thuốc nổi tiếng của Cuba) giả.

Khai với cảnh sát, Nguyễn Công Doanh cho biết thường xuyên rao bán trên mạng Internet với giá từ 3-5 triệu đồng/hộp thuốc. Trong đó có cả thuốc Vidatox 30CH, loại thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.

Lập công ty “ma”, dán tem, đóng hộp bán thuốc ung thư giả

Ngày 24-10, Công an TP Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Công Doanh (36 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) về hành vi buôn bán hàng giả.


Hình 12

Loại hàng hóa mà “doanh nhân” này buôn bán là các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư không có nguồn gốc. Thủ đoạn Nguyễn Công Doanh thực hiện là xin giấy phép thành lập Công ty MIDU Pharma... Thực chất, đây chỉ là tấm bình phong che đậy cho hành vi phạm tội của anh ta. Tiếp đó, Doanh thuê một cơ sở in ấn tại quận Hoàng Mai thiết kế toàn bộ bao bì nhãn mác, khẳng định là đơn vị nhập khẩu chính hãng. Sau đó, Doanh nhập thuốc giả từ nước ngoài về đóng hộp rồi phân phối cho các nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.


Hình 13. Đối tượng Doanh và số thuốc giả.

Để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, đối tượng còn làm giả ngay cả các tem nhãn chống hàng giả của Bộ Công an. Các loại tem chống hàng giả được làm giả một cách tinh vi, nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được. Chính vì thế, một thời gian dài, các sản phẩm của anh ta bán được rất chạy trên thị trường. Thủ đoạn của Doanh là nhập khẩu các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư không có nguồn gốc dán nhãn Vidatox làm giả thuốc thật để trục lợi hàng trăm triệu đồng. Theo lời khai của Doanh thì anh ta chọn mặt hàng này vì ung thư vốn là căn bệnh hiểm nghèo; hiện nay có nhiều người mắc bệnh nên nhu cầu về thuốc rất lớn. Ngoài ra, Doanh còn rao bán hàng trên mạng Internet với giá từ 3 đến 5 triệu đồng/hộp. Đáng chú ý, đối tượng còn làm giả các loại thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam như thuốc Vidatox 30CH. Vào thời điểm kiểm tra, tổ công tác bắt quả tang Doanh cùng tang vật là gần 20 hộp thuốc giả cất giấu trong cốp xe.

Kiểm tra nơi ở của Doanh, cơ quan Công an thu giữ hàng trăm vỏ hộp cùng các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư dán nhãn Vidatox (đây là một thương hiệu thuốc nổi tiếng của Cuba) được chiết xuất từ nọc độc bọ cạp xanh, có tác dụng giảm đau, phục hồi sức khỏe cho các bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, theo chỉ huy Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội, qua các khâu giám định toàn bộ lô hàng này đều là hàng giả.

Tiếp tục phát hiện thuốc chữa hen, dị ứng giả

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo về thuốc Prednisolon bị làm giả. Đây là loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm khớp, hen suyễn, dị ứng. Theo thông báo của Cục Quản lý dược về thuốc bị làm giả, thông tin trên nhãn là Prednisolon 5mg, số đăng ký: VD -11185-10, số lô: 030315, ngày sản xuất: 150715, hạn dùng: 150718; nhãn thuốc có ghi mạo danh nơi sản xuất là: Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương (Vidipha). Cục Quản lý Dược cho biết, mẫu thuốc Prednisolon trên được lấy tại Chi nhánh công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn tại Hà Nội (Trung tâm Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy thuốc không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu tính chất và định tính.


Hình 14

Cục Quản lý Dược chỉ dẫn, thuốc Prednisolon giả có viên thuôn dài, có 3 vạch trên viên, màu hồng hoặc màu cam; dạng đóng gói là chai 500 viên nén (không có hộp). Nhận được thông báo về thuốc Prednisolon giả, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn gửi đến các các cơ sở điều trị, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc thuốc trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát, ngưng sử dụng thuốc, kinh doanh và thu hồi (nếu phát hiện) thuốc Prednisolon 5mg giả. Trước đó, đầu năm 2015, Đồng Nai cũng phát hiện loại thuốc này bị làm giả ở Đồng Nai.


Hình 15

Cũng liên quan đến thuốc không đạt chất lượng, Sở Y tế Hà Nội cũng có văn bản đình chỉ lưu hành Men vi sinh sống Biolac (số lô 02-16, ngày sản xuất: 23-5-2016, hạn dùng: 23-5-2019, SĐK: QLSP-854-15) do Công ty TNHH MTV vắc-xin và Sinh phẩm Nha Trang, Khánh Hoà sản xuất. Nguyên nhân đình chỉ là do kết quả kiểm nghiệm, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính và định lượng Lactobacillus sporogenes.

Cẩn thận với thuốc Cephalexin 500mg giả

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế những thông tin về thuốc giả Cephalexin 500mg, SĐK (Reg No): YD-4682-08, do Công ty CPDP T.Ư Vidipha sản xuất. Cục Quản lý Dược cho biết, trước đó Cục nhận được thông tin từ Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM báo cáo về việc phát hiện mẫu thuốc mang tên Cephalexin 500mg, trên nhãn có một số thông tin như sau: Viên nang Cephalexin 500mg, SĐK (Reg No): YD-4682-08, lô sản xuất (Batch no.) 07705124, ngày SX (Mid) 8/2014-, hạn SD (Exp) 8/2017, nơi sản xuất Công ty Cổ phần dược phẩm T.Ư Vidipha. Mẫu thuốc do Trung tâm kiểm nghiệm Trà Vinh lấy mẫu tại Đại lý thuốc Minh Ngọc, khóm 5, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Mẫu thử nghiệm không cho phản ứng định tính hoạt chất Cephalexin. Cục Quản lý Dược khẳng định, kết quả này cho thấy đây là thuốc giả.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc vi phạm nói trên.

Đối với Sở Y tế Trà Vinh, Cục Quản lý Dược yêu cầu phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra Đại lý thuốc Minh Ngọc cũng như các tổ chức cá nhân liên quan để truy tìm nguồn gốc xuất xứ của lô thuốc viên nang Cephalexin 500mg giả này, xử lý theo quy định. Đồng thời yêu cầu nhà thuốc Minh Ngọc khẩn trương thu hồi thuốc giả đã xuất bán và báo cáo đầy đủ, số lượng nhập, xuất, tồn kho đối với thuốc viên nang Cephalexin 500mg giả này.

Làm sao để phân biệt khẩu trang y tế thật và giả?

Cách phân biệt khẩu trang y tế thật và giả đơn giản dưới đây sẽ giúp người tiêu dùng tránh “rước họa vào than” trước thị trường như hiện nay. Khẩu trang y tế là vật dụng cần thiết cho mọi người khi lưu thông trên phố, đặc biệt là trong tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao như hiện nay. Nhiều người tiêu dùng rất lo lắng không biết sản phẩm mình mua có thật sự tốt, chính hãng và bảo vệ được sức khỏe hay không. Do đó, cách phân biệt khẩu trang y tế thật và giả là điều mà nhiều người tiêu dùng quan tâm.


Hình 15

Khẩu trang y tế đang được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay. Theo khảo sát, các loại khẩu trang này có nguồn gốc xuất phát từ hai nguồn chính là nhập khẩu và sản xuất trong nước. Khẩu trang là vật dụng tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với cơ thể. Bởi vậy khi sử dụng khẩu trang chất lượng kém, xuất xứ không rõ ràng sẽ là một mối nguy hiểm lớn cho sức khỏe của con người. Một trong những bệnh do đeo khẩu trang không đúng loại và mất an toàn đó chính là những bệnh về đường hô hấp. Nhìn hình thức bề ngoài, các loại khẩu trang y tế nhập khẩu hay sản xuất trong nước thì khá giống nhau. Bằng mắt thường thì khó mà phân biệt được đâu là khẩu trang y tế chuẩn và đâu là khẩu trang y tế giả. Nhiều người đôi khi mua khẩu trang sẽ dựa vào cảm tính. Dưới đây là 1 số cách phân biệt khẩu trang y tế thật, giả mà người tiêu dùng cần biết để tránh “rước họa vào thân”. Cách phân biệt khẩu trang y tế thật, giả đơn giản đầu tiên đó là ngâm khẩu trang vào nước. Khẩu trang y tế thật sẽ không hề bị thấm nước. Còn khẩu trang y tế giả sẽ bị ướt và thấm nước ngay. Sau đó, người tiêu dùng có thể kiểm tra tiếp bằng cách xé chiếc khẩu trang y tế đã ngâm nước ra. Khẩu trang thật sẽ có lớp giấy bên trong nguyên vẹn, còn khẩu trang giả sẽ có lớp giấy bên trong bị rã. Cách phân biệt khẩu trang y tế thật, giả tiếp theo đó là, rạch lớp ngoài cùng của khẩu trang. Sau đó, lấy tay cầm lớp ở giữa của khẩu trang kéo thật mạnh nếu là khẩu trang tốt lớp ở giữa sẽ không bị rách và dai vì được làm bằng vải kháng khuẩn hoặc giấy kháng khuẩn, còn khẩu trang nhái, kém chất lượng lớp ở giữa bị rách ngay khi kéo thì lớp đó là giấy vệ sinh hay lớp giấy rẻ tiền không có tác dụng diệt khuẩn.

Bất an với hàng giả trong lĩnh vực y tế

Thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, mỹ phẩm giả… là những mối lo mà người tiêu dùng phải đối diện hàng ngày, hàng giờ nếu cơ quan quản lý không kịp thời có những giải pháp mạnh tay.


Hình 16.
Hàng giả trong lĩnh vực y tế rất nguy hiểm bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Móng Cái - Quảng Ninh. Ảnh: Quang Hùng.

Đầu tháng 2/2017, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã liên tiếp có 4 công văn khẩn về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc gần 30 loại mỹ phẩm "có vấn đề". Tuy nhiên, để đến khi “lệnh cấm” này đến tay các DN, các cơ sở, cửa hàng phân phối sản phẩm thì rất nhiều người đã sử dụng phải mỹ phẩm kém chất lượng và không biết kêu ai. Dạo quanh một vòng các chợ ở Hà Nội như chợ đêm dân sinh, chợ sinh viên Cầu Giấy, chợ Xanh, chợ Nghĩa Tân, chợ Phùng Khoang, dễ thấy nhiều quầy mỹ phẩm bày bán hàng trăm loại khác nhau. Từ phấn má, phấn mắt, phấn phủ, son môi đến các loại kem dưỡng đêm, dưỡng thể, sữa rửa mặt, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu… của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Lancome, Chanel, Christian Dior… nhưng bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng. Theo tìm hiểu của phóng viên, với sản phẩm tương tự chính hãng, giá rẻ nhất cũng từ 700.000 đến vài triệu đồng/hộp.

Trong lĩnh vực y tế, ngoài các sản phẩm mỹ phẩm thì thực phẩm chức năng hiện đang là mặt hàng có nhu cầu cao và đối diện nguy cơ làm giả lớn. Một ví dụ như hiện nay, những người mắc bệnh ung thư đang quan tâm tới sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư Vidatox của Labiofam (Cuba), nhưng khi tìm kiếm thông tin đã ra hàng trăm nghìn kết quả, với hàng trăm địa chỉ bán với đủ mức giá, hàng xách tay, hàng đề chính hãng xách tay, hàng thật... với đủ các giá khác nhau. Chất lượng thật giả của sản phẩm thì người tiêu dùng không biết kiểm tra bằng cách nào bởi chính cả nhà đại diện phân phối độc quyền các sản phẩm cũng cho rằng bằng mắt thường khó kiểm tra chính xác bên trong sản phẩm chứa những gì, ngoài cảm nhận bên ngoài về nhãn mác in có mờ, bị nhăn hay không.


Hình 17

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thừa nhận hiện nhiều thực phẩm chức năng gắn mác ngoại nhưng thực chất là được sản xuất trong nước hoặc là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng được “mông má”, “phù phép” thành hàng nhập khẩu “xịn”. Còn phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho biết, theo điều tra, đa số mặt hàng thực phẩm chức năng làm giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Một hộp thực phẩm chức năng “made in Trung Quốc” được nhập về Việt Nam chỉ có giá vài chục nghìn đồng. Sau khi thêm thắt, “chế biến” nhãn mác thì được bán ra thị trường tới vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng. "Lợi nhuận khủng từ kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều đối tượng, đường dây buôn bán thực phẩm chức năng giả", ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, qua các vụ việc phát hiện và bắt giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả rất tinh vi, đầu tư, trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Đặc biệt, hiện nay thực phẩm chức năng giả không chỉ dừng lại ở các mặt hàng gắn nhãn mác nước ngoài như của Mỹ, Nhật, Úc… mà còn xuất hiện những sản phẩm giả, sản phẩm nhái, sản phẩm ăn theo các nhãn hàng nổi tiếng trong nước. Dùng hàng giả loại nào cũng nguy hiểm, nhưng thuốc (và cả thực phẩm chức năng,  mỹ phẩm) giả là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người thì càng nguy hiểm, bởi nguy hại trực tiếp đến tính mạng con người. Thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng là vấn đề nhức nhối lâu nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng.

Thuốc giả trước hết không thể chữa được bệnh làm bệnh sẽ diễn biến xấu đi, khó lường, gây kháng thuốc, nhờn thuốc. Trong trường hợp xấu nhất có thể gây tử vong cho người bệnh. Thế nhưng hầu hết người tiêu dùng sử dụng loại hàng giả đặc biệt này đều không hề biết họ mua phải thuốc giả với giá nhiều khi còn đắt hơn thuốc thật nhiều lần.

Cuối năm 2016, liên tiếp các công văn của Cục Quản lý Dược thông báo, đã phát hiện một số loại thuốc giả hoặc không rõ nguồn gốc đang lưu hành trên thị trường. Những loại thuốc đang bị làm giả gồm thuốc tiêm augmentin 1g/200 mg, nhãn ghi SĐK: VN-8614-04 của Cty GlaxoSmithline; thuốc bột biolactyl 1g, nhãn ghi SĐK: VNB-4085-05 và thuốc viên nén bao phim chlorpheniramin Maleat 4mg, nhãn ghi VNB-4087-05 của Công ty CPDP Imexpharm.

Theo ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Phụ trách Cục Quản lý Dược, hiện tỷ lệ lô thuốc mẫu không đạt tiêu chuẩn chiếm khoảng 3,3% và không phải dễ dàng có thể phát hiện được thuốc giả. Lợi nhuận từ thuốc giả rất lớn nên những đối tượng sản xuất thuốc giả sử dụng những kỹ thuật tinh vi và khó phát hiện hơn. Thuốc giả chỉ được phát hiện khi ra thị trường và chính những nhà sản xuất đem so sánh với thuốc thật của mình thì mới phát hiện được.

Riêng lĩnh vực thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Thanh Phong thừa nhận, những sản phẩm loại này muốn kiểm tra chất lượng khá mất công, phải gửi sang nhiều cơ quan liên quan để đối chiếu. Vì lợi nhuận nên nhiều đối tượng đã cố tình đem hàng giả ngay từ nước ngoài về Việt Nam thông qua đường “xách tay”. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cũng khó khăn trong việc kiểm soát “đầu vào” thị trường Việt Nam, dẫn đến tình trạng sản phẩm giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan trên thị trường.

“Ngay cả khi phát hiện thì cũng chỉ có thể xử phạt hành chính theo quy định, mức phạt lại chưa cao nên chưa đủ sức răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay các lực lượng chức năng vẫn chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với nhau khiến công tác kiểm soát thị trường còn khó khăn, dẫn đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang ngày càng lấn át sản phẩm chính hãng về phương thức tiếp thị và giá cả”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong thừa nhận.

Các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế đã, đang và sẽ liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân cần phải được quản lý và kiểm tra ngặt nghèo và phải tăng các biện pháp, chế tài xử lý đối với các đối tượng có hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán và tàng trữ thuốc giả. Phải ngăn chặn từ đầu nguồn để thuốc không được phép lưu hành và không thể đợi những người kinh doanh thức tỉnh lương tâm bởi “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Vụ bắt giữ 2 vạn hộp TPCN: Bộ Y tế khẳng định là “hàng giả”

Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Tp Hà Nội đề nghị xử lý vụ việc theo đúng trình tự pháp luật về hành vi làm hàng giả tại Công ty TNHH Thương mại Slim HMN Việt Nam.

Theo đó, Cục An toàn Thực phẩm khẳng định: 14/14 mẫu sản phẩm TPCN mà cơ quan chức năng lấy từ hàng chục nghìn sản phẩm bị thu giữ, kết quả không sản phẩm nào đạt chỉ tiêu chất lượng so với công bố hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn. Trong đó, 12/14 mẫu có từ 1 đến 6 chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật tạo nên giá trị sử dụng. Công dụng sản phẩm chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với công bố ghi trên nhãn. 02/14 mẫu không đạt các chỉ tiêu khác so với hồ sơ công bố. Hàng chục nghìn sản phẩm Thực phẩm chức năng bị bắt giữ tại Hà Nội được cơ quan Bộ Y tế khẳng định là hàng giả.


Hình 17

Theo Cục An toàn Thực phẩm, dựa trên các xét nghiệm và chuẩn đoán bằng phương pháp y tế, khoa học và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, dược phẩm, căn cứ vào Điều b, Khoản 3, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số hàng hóa nói trên được xác định là “hàng giả”. Cơ quan của Bộ Y tế, đề nghị Cơ quan An ninh điều tra, Công an Hà Nội xử lý vụ việc đúng theo trình tự pháp luật. Trước đó ngày 5/9, Bộ Y tế đã họp gấp về vụ bắt giữ hàng chục nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty Slim HMN Việt Nam (trong các ngày 29-31/8/2016). Tham dự có Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược, Viện kiểm nghiệm thuốc, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Thanh tra Bộ Y tế, Cục Y Dược học cổ truyền, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Bước đầu, qua công bố kết quả cả 14 Phiếu kết quả kiểm nghiệm của các sản phẩm thực phẩm chức năng được thu giữ, cơ quan chức năng nghi ngờ số hàng trên bị làm giả.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, TP. Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia… xem xét vụ việc nói trên, nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển cho Cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Như Dân Trí đã đưa tin, trong các ngày 29/8 đến 31/8/2016, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, phối hợp với nhiều lực lượng liên ngành kiểm tra Công ty Slim HMN Việt Nam tại địa chỉ số G8, Ngách 178/2, đường Phan Trọng Tuệ, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Tp Hà Nội) vì nghi ngờ có hành vi nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm là thực phẩm chức năng giả. Tại đây, cơ quan chức năng đã thu giữ 30 loại sản phẩm khác nhau với số lượng trên 20.000 sản phẩm thực phẩm chức năng tại 6 địa điểm của công ty trên. Các loại thực phẩm chức năng bị thu giữ đều có nhãn hiệu như Royal Jely, Maxsi, Glucosamine… có xuất xứ từ Mỹ, Đức, Nhật và các nước EU, nhưng toàn bộ không có hóa đơn, chứng từ, nghi là hàng giả.

Ngoài lượng hàng hóa bị bắt giữ lớn, cơ quan chức năng còn thu giữ nhiều dụng cụ đóng gói, đóng chai, dán nhãn mác tại kho bãi và địa chỉ công ty, trong đó có hơn 1.937 kg vỏ hộp, tem nhãn các loại; 280 vỏ nhựa; 900 lọ nhựa không nhãn mác, nguồn gốc. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã khám xét nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội và phát hiện nhiều loại sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc biệt dược nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ có liên quan đến Công ty Slim HMN Việt Nam.

Thực phẩm chức năng - hàng giả, hàng nhái tràn lan

Thị trường thực phẩm chức năng đang “trăm hoa đua nở” với hàng ngàn sản phẩm khác nhau. Hơn nữa, thị trường thực phẩm chức năng không chỉ có kinh doanh đa cấp, bán hàng qua mạng mà hiện nay hầu hết nhà thuốc, siêu thị, thậm chí là cửa hàng tạp hóa cũng kinh doanh thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, đáng báo động hơn khi thị trường thực phẩm chức năng đang rất hỗn loạn, tràn lan sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái nhưng lại được quảng cáo quá mức như “thần dược”...

Liên tiếp các vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng bị phát hiện trong thời gian gần đây đã khiến cho người tiêu dùng không khỏi bức xúc và lo lắng cho sức khỏe. Mới đây nhất vào chiều 24-6, Tổ công tác đặc biệt (113 - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP. Hồ Chí Minh và một số lực lượng chức năng đã kiểm tra trụ sở, kho hàng của Công ty TNHH Bảo Khang (đường Phan Văn Trị quận Gò Vấp) thu giữ tới 60 thùng thực phẩm chức năng chủ yếu là thuốc giảm cân được dán nhãn mác xuất xứ từ Mỹ nhưng thực tế đều được nhập từ Trung Quốc. Trước đó ít ngày, PC46, Công an Hà Nội đã phát hiện tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển y tế và hóa chất VQTech (C24, TT13, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) tới hơn 20 tấn thực phẩm chức năng kém chất lượng được làm giả, làm nhái nhưng lại là những sản phẩm đang rất “hot” trên thị trường như: Sữa o­ng chúa Costar, 100% Royal Jelly, Omega 3, nhau thai cừu Placentra, Vip reserve, Essence baby sheep...


Hình 18

Đáng chú ý, để kinh doanh và tiêu thụ được một khối lượng rất lớn thực phẩm chức năng trên, giám đốc doanh nghiệp VQTech là Trần Như Quỳnh (28 tuổi) đã mở công ty, đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng và công bố chất lượng sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nhằm hợp thức hóa việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng. Tuy nhiên sau đó, Quỳnh cho nhập nguyên liệu, các loại TPCN trôi nổi, không nhãn mác rồi thuê gia công đóng gói sản phẩm thực phẩm chức năng tại các cơ sở sản xuất, gia công khác, đặt in và dán tem, nhãn mác của các sản phẩm nổi tiếng được bảo hộ và cho nhân viên đưa đi tiêu thụ tại nhiều trung tâm dược phẩm và thương mại lớn ở Hà Nội để kiếm lời.

Việc sử dụng TPCN phải hết sức thận trọng, không tin theo những lời quảng cáo sai sự thật. Ông Vương Chí Dũng, Phó chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh, qua những vụ việc mà cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý các đối tượng về hành vi sản xuất, kinh doanh TPCN có thể thấy, một nguồn lợi nhuận cực lớn đang chảy vào túi các đối tượng buôn bán hàng giả, họ đang kiếm tiền trên sức khỏe của người tiêu dùng, trong đó có không ít bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong khi đó, Thiếu tá Trần Tuấn Phương, PC46 Công an Hà Nội thẳng thắn cho biết, cách thức mà đối tượng sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả thường rất tinh vi.


Hình 19

Các đối tượng thường lập công ty có chức năng kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm, như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh về loại sản phẩm này thì đối tượng lập tức cho dán nhãn mác giả vào và tung ra thị trường. Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu thực phẩm chức năng, các đối tượng nhập về đều không rõ nguồn gốc, hoặc có nguồn từ Trung Quốc với giá thành rất rẻ mạt nhưng khi ra sản phẩm thành phẩm bán ra thị trường thì lại được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia hay một số nước châu Âu nhằm đánh lừa người tiêu dùng và bán với giá từ vài trăm tới hàng triệu đồng. Thậm chí qua các vụ phát hiện và bắt giữ gần đây cho thấy, các đối tượng đã đầu tư trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem sản phẩm, sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng.

Thực tế thị trường thực phẩm chức năng đã đến độ không còn từ nào diễn đạt hơn từ “bát nháo”. Từ nhập khẩu có nguồn gốc đến không rõ nguồn gốc, tự sản xuất trong nước và tự làm giả, làm nhái. Mặc dù công dụng chưa biết thế nào nhưng để làm nên những thực phẩm chức năng ấy là sự tráo trộn thêm nhiều hóa chất, dược chất có thể gây những phản ứng ngoài mong muốn, nếu không nói là chất cấm, nguy hại. Điển hình như mới đây 3 loại thực phẩm chức năng giảm cân Super fat burner, Maxi Gold viên nhộng và Esmeralda viên nang do Công ty TNHH Trung tâm Vân Sơn ở TPHCM phân phối đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu thu hồi do chứa chất Sibutramine rất nguy hại. Sibutramine ngoài việc làm tăng huyết áp, tăng nhịp đập của tim còn là chất gây tương tác với các loại thuốc khác. Hay như thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư Vidatox chứa chất độc hại cũng đã bị cấm lưu hành…

Ngày 13-3-2015, Mỹ phát hiện thực phẩm chức năng làm giảm cân Perfect Slim USA chứa chất Sibutramine, hoạt chất gây chán ăn, tác động trên hệ thần kinh trung ương. Ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đã đình chỉ lưu hành loại thực phẩm này. Bên cạnh trộn lẫn chất cấm, theo ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tình trạng thuốc giả cũng tràn lan. Ông Đà cho biết, so với thuốc, thực phẩm chức năng bị làm giả dễ hơn. Tuy nhiên, hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm chức năng còn chung chung, không có một tiêu chí tiêu chuẩn nào và cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Qua thực tế kiểm nghiệm, ông Đà cũng rất lo ngại vì một số loại thực phẩm chức năng chứa chất nguy hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Quả thực, với việc sản xuất thực phẩm chức năng quá dễ, từ việc đặt hàng sản xuất từ Trung Quốc về đóng gói, dán nhãn đến việc tự sản xuất cũng không mấy khó khăn. Theo chuyên gia dược học Trần Văn Truyền, lộ trình của Bộ Y tế đến năm 2015 các cơ sở sản xuất đông y, đông dược phải có dây chuyền đạt chuẩn GMP-WHO. Trong khi đầu tư nhà máy đạt GMP-WHO rất tốn kém nên không ít cơ sở đông y, đông dược lâu nay chuyển sang sản xuất thực phẩm chức năng cho khỏe!

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, chưa có một quy trình, tiêu chuẩn nào cho thực phẩm chức năng nên cây gì, con gì cũng thành thực phẩm chức năng. “Đến lúc rau muống, rau má cũng làm thực phẩm chức năng thì hết biết”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan ngán ngẩm. Theo đánh giá của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thị trường thực phẩm chức năng không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang thực sự “trăm hoa đua nở” với hàng ngàn, hàng vạn sản phẩm khác nhau. Trong đó có nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, thậm chí là nguy hại cho sức khỏe vẫn được kinh doanh và quảng cáo tràn lan như những “thần dược” đối với sức khỏe con người khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận không biết thực hư ra sao.

Ngày 09/01/2018
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang
(Tổng hợp)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích