Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 04/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 3 1 0 4 5 3
Số người đang truy cập
2
 An toàn thực phẩm & hóa chất
Thuốc giả và kém chất lượng tiếp tục lưu hành và đe doa tính mạng người bệnh

Thuốc giả (Fake drugs) không những đang đặt ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu vào nguy cơ đe dọa mạng sống của tập đoàn và công ty. Các nhà sản xuất và phân phối dược phẩm là công nghiệp trên quy mô toàn cầu. Nếu các vấn đề này xảy ra với sự có mặt thuốc giả và kém chất lượng thì chúng không chỉ hoạt động tốt về mặt chữa bệnh mà còn góp phần vào kháng thuốc.

Một số con số quan trọng về thuốc giả và kém chất lượng

Số vụ bắt giữ do cảnh sát thực hiện thường được xem là thước đo quan trọng về năng lực và hiệu quảthực thi pháp luật trong việc giải quyết tội phạm dược phẩm. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật và báo cáo về các vụ bắt giữ có thể khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Ngoài việc xác định sự tham gia của cơ quan thực thi pháp luật trong một vụ án cụ thể, thông tin thu thập liên quan đến việc bắt giữ của Viện An ninh về Dược phẩm (Pharmaceutical Security Institute_PSI) được xemlà một minh chứng, cam kết của chính phủ trong việc giải quyết tội phạm dược phẩm.

Một số ít các vụ bắt giữa cho thấy chính phủđã không ưu tiên cao để giải quyết.Thông qua các báo cáo thành viên và từ nguồn mở, PSI đã thu thập được số liệu như sau:

• 1.378 người bị bắt vì sản xuất thuốc giả, giả mạo hoặc buôn bán bất hợp pháp dược phẩm;

• Số vụ bắt giữ toàn cầu tăng mười phần trăm (+10%) so với năm 2016;

• Tính theo tỷ lệ phần trăm, khu vực châu Á Thái Bình Dương có số vụ tội phạm dược bị bắt nhiều nhất (38%)


Biểu đồ tỷ lệ số vụ tội phạm bị bắt giữ chia theo 7 khu vực trên thế giới

Xét về loại hình hoạt động tội phạm:

• Các vụ bắt giữ tăng lên ở tất cả các loại tội phạm. Tội phạm liên quan đến sản xuất, phân phối, vận chuyển và buôn bán thuốc bất hợp pháp đã bị bắt giữ trong năm 2017;

• Số vụ bắt giữ liên quan đến sản xuất tăng từ 212 lên 263 vụ;

• Số vụ bắt giữ liên quan đến phân phối dược phẩm tăng từ 207 đến 513 vụ.

Xu hướng phạm tội:

PSI đã thu thập dữ liệu các vụ tội phạm và xuất nhập khẩu thuốc bất hợp pháp trong 15 năm liên tiếp. Tổng số vụ hàng năm của 5 năm gần nhất được trình bày bằng biểu đồ cột như sau:

• Trong năm 2017 có tổng số 3.509 vụ tội phạm dược bị phanh phui

• Tổng số vụ tăng 11% so với năm 2016

• Tổng số vụ bắt được điều cao tại mọi thời điểm trong năm


Sau thời gian 5 năm, số vụ tăng rất cao 60% (so với năm 2013), để thấy tầm rộng lớn của vấn nạn tội phạm dược, PSI liên tục theo dõi số lượng thuốc bị bắt giữ.Các vụ tội phạm bị bắt với hơn 1.000 đơn vị liều được phân loại thành phạm tội thương mại, số vụ bị bắt nhỏ hơn 1.000 đơn vị liều được phân thành phạm tội phi thương mại.

Kết quả theo dõi cho thấy 590 vụ thuốc giả là do hải quan bắt giữ hoặc từ các cuộc đột kích của thanh tra y tế hay do cảnh sát:

• Số vụ bắt giữ tăng 13% so với năm trước

• Số vụ tội phạm phi thương mại là 32%

• Số vụ tội phạm thương mại chiếm 52%


Biểu đồ thể hiện tổng số vụ tội phạm dược bị bắt giữ tăng liên tục trong 5 năm gần nhất

Sử dụng Văn phòng Ngoại giao đặt tại các quốc gia đại diện theo khu vực, phân tích dữ liệu phội phạm dược chia theo 7 khu vực trên thế giới. Trong 3.509 vụ tội phạm, Viện An toàn Dược phẩm Mỹ nhận thấy tăng 11% về số vụ tội phạm so với 2016, mỗi khu vực đều tăng số vụ tội phạm dược so với năm 2016 và 134 quốc gia bị ảnh hưởng bởi tội phạm dược.

Trong biểu đồ cột, các khu vực được sắp xếp theo thứ tự có số lượng vụ tội phạm dược cao nhất đến thấp nhất.Một chú ý quan trọng là các khu vực có số lượng tội phạm cao không nhất thiết là do khu vực đó có hiệu quả thực thi pháp luật và chương trình giám sát yếu kém. Hơn nữa, các quốc gia này vẫn đạt hiệu quả trong truy bắt tội phạm dược thông qua hoạt động thực thi pháp luật và giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về dược. Thêm vào đó, có nhiều quốc gia ở các khu vực có tỷ lệ tội phạm dược cao lại khá minh bạch về hoạt động điều hành dược của chính phủ và các hoạt động của họ được phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.Các khu vực có số vụ tội phạm thấp không phải do thuộc khu vực không bị ảnh hưởng hay nhờ nguy cơ xảy ra tội phạm dược thấp. Lý do chính là sự đấu tranh về các ưu tiên thực thi pháp luật về giám sát dược thấp, thiếu nguồn ngân sách hay quy trình giám sát không đầy đủdo đó trong một số khu vực trên thế giới, thuốc giả thường không bị phát hiện. Nhận ra những thực tại này là điều rất quan trọng vì chúng làm cho tính chất tội phạm dược của khu vực phức tạp hơn từ đó rất khó so sánh giữa các khu vực với nhau.
 
 

Phân bố theo vùng địa lý:

Tổng số vụ bắt giữ của một khu vực là hơn 3.509 vì một vùng được tính bao gồm “là số lượng bắt giữ tại khu vực đó, điểm bắt giữ hay vận chuyển, hay là điểm đến” của dược phẩm bất hợp pháp.

Phân loại số lượng thuốc theo loại thuốc điều trị

Phân tích 3.509 vụ bắt giữ tội phạm dược phẩm trong năm 2017 cho thấy:

Khi xem xét riêng các vụ phạm tội liên quan đến sản xuất thuốc giả do các đối tượng tư nhân sản xuất thì các thuốc điều trị đường sinh dục-tiết niệu, thuốc chống lây nhiễm và thuốc điều trị thần kinh trung ương (CNS) bị làm giả cao nhất.


Biểu đồ phân loại theo loại thuốc điều trị(một số thuốc bị làm giả nhiều nhất)

Các cơ quan cung cấp dữ liệu:

Về tổ chức chính phủ:

·Ủy Ban châu Âu (European Commission);

·Cảnh sát quốc tế (Interpol);

·Cơ quan Quản lý sản phẩm chăm sóc sức khỏe và dược phẩm Anh (Medicines and Healthcare Products Regulatory Agency (MHRA);

·Bộ Tư pháp Mỹ (U.S. Dept of Justice - CCIPS);

·Cơ quan Quản lý Dược phẩm, Thực phẩm Mỹ (U.S. Food and Drug Administration (FDA)

·Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (U.S. Immigration & Customs Enforcement)

·Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Về các tổ chức Phi chính phủ

·Các phòng thí nghiệm của công ty Abbott (Abbott Laboratories);

·Hãng Dược phẩm AstraZeneca (Anh);

·Công ty Dược phẩm Bristol-Myers Squibb (Anh);

·Hãng Dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh)

·Hãng Dược phẩm Eli Lilly and Company (Mỹ);

·Liên đoàn quốc tế các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (International Federation of Pharmaceutical Manufacturers Associations (IFPMA))

·Công ty Novartis

·Chương trình thuốc An toàn của Mỹ (Partnership for Safe Medicines)

·Chương trình thuốc an toàn của Ấn độ (Partnership for Safe Medicines India)

·Công ty Pfizer

·Công ty Roche

·Công cụ Web Ngăn chặn tội phạm dược (RxPatrol)

·Công ty Sanofi

Tình hình thuốc giả trong 6 tháng đầu năm 2018

1. Trung Quốc chấn động vụ bê bối vaccine giả, kém chất lượng

Theo trang Chính phủ Trung Quốc, ngày 22/7, Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ thị “sự kiện vắc-xin lần này đã phá vỡ ranh giới đạo đức con người, cần phải nói rõ, nói hết với nhân dân cả nước”.Ông yêu cầu Quốc Vụ Viện Trung Quốc phải lập tức cử tổ điều tra tiến hành kiểm tra toàn bộ chu trình từ sản xuất đến tiêu thụ, nhanh chóng làm rõ sự thật, dù liên quan đến những ai, công ty nào cũng phải nghiêm trị, quyết không nương nhẹ. Đây là lần thứ 2, ông Lý Khắc Cường có ý kiến chỉ đạo về “sự kiện vắc-xin”, lần trước là vào hôm 16/7.


Trụ sở công ty Trường Sinh

Theo báo chí Trung Quốc, vụ việc bùng phát từ hôm 15/7. Cục Giám sát Dược phẩm Trung Quốc phát hiện Công ty Khoa học kỹ thuật sinh học Trường Sinh, tỉnh Cát Lâm đã làm giả các số liệu về vắc-xin phòng dại và buộc công ty phải đình chỉ việc sản xuất, tiêu thụ. Nếu tiêm loại thuốc này thì 100% người bệnh sẽ chết vì không hề có kháng thể. Mỗi năm Trường Sinh sản xuất và tiêu thụ 3,5 triệu liều vắc-xin phòng dại.Ngày 20/7 Cục Giám sát Dược Cát Lâm lại tiết lộ một vụ bê bối mới cũng liên quan đến Công ty Trường Sinh. Qua điều tra đã phát hiện công ty này năm 2017 đã bán 252.600 ống vắc-xin “3 trong 1” (phòng các bệnh ho gà, bạch hầu và thương hàn) cho tỉnh Sơn Đông. Số vắc-xin này đã được sử dụng tiêm cho 215.184 trẻ em từ 6 tuần đến 3 tháng tuổi ở 8 huyện, thị trong tỉnh, chỉ còn 5.241 ống do hao hụt và còn lại trong kho.


Tuy nhiên, điều gây nên phẫn nộ là Trường Sinh chỉ bị tịch thu 186 ống vắc-xin không đạt chuẩn còn tồn kho và phạt hơn 3,4 triệu NDT. Mức phạt này không thấm gì so với lãi ròng 566 triệu NDT/năm của Trường Sinh. Chưa hết, năm 2017, Công ty Trường Sinh còn được chính phủ hỗ trợ tới 48,3 triệu NDT. Cơ quan giám sát dược đã tiến hành điều tra Trường Sinh từ tháng 11/2017, nhưng đến nay mới công bố kết quả.Điều khiến dư luận phẫn nộ hơn nữa là năm 2017, Cục Quản lý Dược Sơn Đông đã biết lô vắc-xin họ mua của Trường Sinh này có vấn đề, đã có công văn nội bộ yêu cầu thu hồi, nhưng giấu biệt mọi chuyện. Thông tin này chỉ được biết đến khi luật sư Vương Bằng tung công văn nội bộ này lên mạng.

Đi sâu tìm hiểu, báo chí còn phát hiện ra một vụ nghiêm trọng khác: Hồi tháng 11/2017, Cục Giám sát Dược phẩm quốc gia đã phát hiện Sở Nghiên cứu chế phẩm sinh học Vũ Hán bán ra 400.520 ống vắc-xin “3 trong 1” kém phẩm chất cho Trùng Khánh và Hà Bắc. Dù chưa rõ đã có bao nhiêu trẻ em bị tiêm những ống vắc-xin chất lượng kém này, nhưng đến nay nơi sản xuất, tiêu thụ chúng vẫn chưa bị trừng phạt.Hàng loạt nghi vấn được dư luận đặt ra: Các vắc-xin chất lượng kém này làm thế nào qua mặt được hệ thống giám sát kiểm định? Tại sao đến nay Ủy ban Y tế quốc gia (Bộ Y tế) vẫn không có ý kiến thông báo về ảnh hưởng của những vắc-xin chất lượng kém đối với trẻ em ra sao?

Mấy năm gần đây, ở Trung Quốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ bê bối về vắc-xin. Năm 2016, một vụ tiêu thụ vắc-xin quá hạn sử dụng đã dẫn đến việc 200 người bị bắt, một số lượng vắc-xin bảo quản không đúng quy định hoặc quá hạn sử dụng trị giá 570 triệu NDT đã được tiêu thụ phi pháp khắp Trung Quốc.Năm 2010, tờ “Thời báo Kinh tế Trung Quốc” đã đưa tin, trong 3 năm qua, hàng trăm trẻ em ở tỉnh Sơn Tây đã bị chết hoặc mang bệnh vì tác dụng phụ của vắc-xin kém chất lượng. Các quan chức tỉnh này đã phủ nhận, còn biên tập viên tờ báo thì bị cách chức do đăng tin này.


Hàng trăm ngàn trẻ em đã bị tiêm vắc-xin chất lượng kém

“Sự kiện vắc-xin” ngày càng nóng lên khi báo chí đi sâu điều tra về tài sản, cuộc sống xa hoa của Cao Tuấn Phương là chủ Công ty Trường Sinh và mức lãi suất “khủng” của Trường Sinh kiếm được nhờ vắc-xin chất lượng kém. Theo tờ “Tân Kinh báo”, lợi nhuận của vắc-xin mà công ty này thu được còn cao hơn cả Công ty rượu Mao Đài, cứ 100 NDT sản phẩm bán ra, Trường Sinh lãi 91,59 NDT, còn Mao Đài kiếm được 91,31 NDT.

Vụ việc hiện khiến dân chúng mất lòng tin vào vắc-xin trong nước. Nhiều phụ huynh đã đưa con xuống phía Nam, sang Hong Kong để tiêm loại vắc-xin “5 trong 1” trong đó bao gồm tác dụng phòng ngừa 3 loại bệnh của vắc-xin “3 trong 1” do Trường Sinh sản xuất.Ngày 22/7, Cục Giám sát quản lý Dược quốc gia cho biết đã đình chỉ hoạt động của Công ty Trường Sinh, thu hồi tất cả sản phẩm vắc-xin do họ sản xuất chưa được sử dụng, đồng thời đã lập hồ sơ điều tra và phối hợp cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người có liên quan.

Nhóm đối tượng chuyên sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn.

Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Đội CSKT), Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, qua nhiều tháng trinh sát, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CSKT- Công an quận Bắc Từ Liêm đã nắm được quy luật hoạt động của 1 nhóm đối tượng chuyên sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn.

Quyết liệt và kiên trì năm bắt thông tin, rạng sáng 24-3 , khi các đối tượng thuê xe taxi để vận chuyển hàng tẩu tán thì bị lực lượng CSKT - Công an Bắc Từ Liêm phát hiện, bắt quả tang ngay tại xưởng, có địa chỉ tại Ngõ1, Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm. Chủ cơ sở là Đặng Việt Đông (24 tuổi, HKTT trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An cùng vợ là Nguyễn Thị Bình (20 tuổi, HKTT tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cùng 7 nhân viên đang có mặt tại xưởng sản xuất và toàn bộ hàng hóa vi phạm.Tổng trọng lượng nguyên liệu và thành phẩm thu giữ trong nhà xưởng ước khoảng 1,8 tấn gồm bột ngô, bột gạo nếp, mật mía và một số nguyên liệu khác.Chủ cơ sở khai nhận đây là xưởng chế biến thuốc giảm cân, tăng cân mang thương hiệu Nhà thuốc " Đông y gia truyền Tiến Hạnh".


Lực lượng chức năng đã thu giữ 1 hộp dấu vuông có chữ “Nhà thuốc Đông y gia truyền Tiến Hạnh; 2 máy dập nắp miệng hộp; 59 hộp giấy in logo và chữ Đông y gia truyền Tiến Hạnh. 1.625 hộp trong có đựng sản phẩm và vỏ giấy in logo và chữ sản phẩm tăng cân "Đông y gia truyền Tiến Hạnh". 1.000 gói nilon kích thước khoảng 8x12cm bên trong có chứa các viên thuốc hình con nhộng, 1 thùng carton đựng tem nhãn, 8 bao tải chứa bột các loại, 11 can mật mía (loại 20 lít), 2.000 vỏ hộp nhựa; 4 cân loại 2 kg và loại 100 kg. 1.000 vỏ hộp giấy có in chữ giảm cân (Đông y gia truyền Tiến Hạnh), 3 nồi loại lớn và 2 gậy tre.

Bộ Y tế truy nguồn gốc thuốc kháng sinh Lincomycin giả


Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP yêu cầu rà soát,
truy tìm nguồn gốc thuốc Lincomycin 500mg giả đang lưu hành trên thị trường

Theo đó, mẫu thuốc Lincomycin 500mg giả được Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Gia Lai lấy mẫu tại quầy thuốc Hồng Loan (thôn 2, xã Thắng Hưng, huyện Chư P’rông, tỉnh Gia Lai). Thuốc viên nang Lincomycin 500mg giả được phát hiện tại Gia Lai mạo danh Công ty Cổ phần dược và vật tư y tế Thanh Hóa có SĐK VD-13906-11, số lô 175, HD 06.12.2019Cục Quản lý Dược đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP thông báo cho các cơ sở kinh doanh không được buôn bán, sử dụng thuốc mang tên viên nang Lincomycon 500mg có số đăng ký, số lô, hạn sử dụng như trên. Cùng với đó, cần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh nguồn gốc của viên nang Lincomycon 500mg giả. Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

Để phân biệt thuốc Lincomycin 500mg giả, cần chú ý các đặc điểm sau: Viên nang Lincomycin 500mg thật có bột kết tinh màu trắng hoặc ngà, có ánh lấp lánh. Khi đốt cháy bột có mùi khét. Vỉ thuốc có rãnh dọc cắt hờ không liên tục hoặc đứt đoạn nhưng thẳng hàng nhau. Logo và ký hiệu GMP thẳng hàng hai bên cột thuốc. Viên nang Lincomycin 500mg thật có số lô và hạn dùng ở đầu vỉ.Trong khi đó, viên nang Lincomycon 500mg giả có bột lẫn hạt màu vàng xám, không lấp lánh, khi đốt bột mùi không rõ. Vỉ thuốc có rãnh dọc cắt hờ từng đoạn không đều, logo và ký hiệu GMP so le hai bên cột thuốc, số lô và hạn dùng ở cuối vỉ.

Thuốc Lincomycon 500mg thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, được chỉ định điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn nặng ở tai mũi họng, phế quản phổi, miệng, da, sinh dục, xương khớp...

Một người dân ở Cần Thơ bán thuốc đông dược trị tiểu đường nhưng không có giấy phép hoạt động, những người tại nơi sản xuất thuốc không có chứng chỉ hành nghề.

Sáng 9-3, thông tin từ Sở Y tế Cần Thơ cho biết vào chiều 8-3, Thanh tra sở phối hợp với Phòng Y tế huyện, Công an huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) và các cơ quan chức năng có liên quan lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và phát hiện số lượng lớn đông dược trị tiểu đường không rõ nguồn gốc tại cơ sở nhà bà Lê Kim H. (52 tuổi, ngụ ấp Thới Tân A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai).

Tại đây, đoàn đã phát hiện và tịch thu 312.600 viên thuốc đông dược thành phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thuốc đóng thành nhiều gói mang tên "Thuốc gia truyền trị tiểu đường Chánh Đức". Cơ sở này đã hoạt động khoảng 2 năm nay. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã tạm giữ số thuốc trên cùng với 3 máy ép cầm tay, 1 máy ép bọc, màu thực phẩm và một số hóa đơn chuyển hàng đi các nơi như Khánh Hòa, Thanh Hóa, Tiền Giang, TP HCM.


Số thuốc đông dược phát hiện tại cơ sở của bà H

Bà H. khai nhận, số thuốc trên nhập về rồi phân ra thành những bịch nhỏ, đựng trong keo nhỏ để bán cho những người có nhu cầu. Qua làm việc, cơ sở của bà H. không có bảng hiệu, không có giấy phép hoạt động, những người tại nơi sản xuất thuốc không có chứng chỉ hành nghề.Trước đó, qua phản ánh của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ rằng một số bệnh nhân bị tiểu đường, mua thuốc đông dược uống trong thời gian dài và sau đó bị suy đa tạng nên vào ngày 2-3, đoàn kiểm tra của quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cũng đi kiểm tra cơ sở của bà Lâm Kim X. (72 tuổi, ngụ Ô Môn). Tại đây, lực lượng đã niêm phong 114.000 viên thuốc đông dược mà bà X. cho rằng chuyên trị tiểu đường, đau bao tử.

Bà X. không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép hoạt động và toàn bộ số thuốc trên không rõ nguồn gốc. Bác sĩ Lê Công Bình, Phó đoàn kiểm tra hành nghề y dược quận Ô Môn, thông tin: "Chúng tôi đã đưa số thuốc tịch thu của cơ sở bà X. để đi kiểm nghiệm, khi có kết quả mới có hướng xử lý".Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có khoảng 1.000 cơ sở kinh doanh các loại thuốc đông dược cổ truyền. Hàng năm, Thanh tra sở đều có kế hoạch kiểm tra, tập huấn cho các cơ sở. Tuy nhiên, số lượng cơ sở kinh doanh quá lớn nên không thể kiểm tra hết từng cơ sở. Như trường hợp tại Ô Môn là không phải cơ sở kinh doanh vì không có giấy phép hoạt động và không đủ điều kiện hoạt động.


Ông Trần Trường Chinh, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ, khuyến cáo hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc trôi nổi, bài thuốc dân gian truyền miệng. Người này uống chỉ cho người kia hoặc nhiều người cho rằng loại thuốc này hiệu quả mua về bán lại tay và vô tình ngộ nhận đây là "thần dược" nhưng không rõ nguồn gốc, uống lâu ngày gây biến chứng thì lúc đó tiền mất tật mang.

Thu hồi hai loại thuốc có nguy cơ gây rối loạn nhịp tim

Sau thuốc Pneumorel, một loại thuốc khác là Fenspirol vừa bị cơ quan chức năng thông báo tạm dừng lưu hành, tiến hành thu hồi vì có nguy cơ gây rối loạn nhịp tim của người sử dụng.

Ngày 04/3, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết vừa có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh thuốc và các trung tâm kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế về việc thu hồi thuốc Fenspirol của công ty Polfarmex S.A. Thuốc Fenspirol là biệt dược có các đặc tính kháng viêm đặc hiệu trên đường hô hấp và chống co thắt phế quản do can thiệp lên nhiều cơ chế khác nhau. Quyết định thu hồi dựa trên quy định của Bộ Y tế về chất lượng, nguyên liệu làm thuốc, công văn của Cục Quản lý dược và đơn đề nghị tạm dừng lưu hành, tiến hành thu hồi tất cả lô thuốc Fenspirol của công ty Polfarmex S.A. Nguyên nhân thu hồi là do thuốc Fenspirol có nguy cơ gây rối loạn nhịp tim người sử dụng cao hơn lợi ích của thuốc.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Sở Y tế thông báo cho các cơ sở kinh doanh thuốc, cơ sở khám chữa bệnh không được buôn bán, sử dụng tất cả lô thuốc Fenspirol (Fenspiride hydrochloride 2mg/ml). Số đăng ký:VN-16884-13 do Công ty Polfarmex S.A sản xuất, đơn vị nhập khẩu là Công ty Cổ phần dược Trung ương 1-Pharbaco, Trước đó, Sở Y tế TP cũng quyết định thu hồi thuốc Pneumorel do Công ty Les Laboratories Servier sản xuất, đơn vị nhập khẩu là Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2 (Phytopharma). Lý do thu hồi: có nguy cơ gây rối loạn nhịp tim của người sử dụng.

Phát hiện thuốc kháng sinh Pan-Amoclav giả

Cục Quản lý Dược vừa có thông báo phát hiện kháng sinh Pan-Amoclav (thuốc kháng sinh kết hợp, được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường mật, bệnh lậu) giả.Theo Cục Quản lý Dược, thuốc giả Pan-Amoclav 1g có thông tin trên nhãn thuốc là Pan-Amoclav 1g (Amoxicllin & Acid Clavulanic), số lô: 0390618, hạn dùng: 180621, SĐK:VN-23986-17, nhà sản xuất: Panpharma S.A (Z1 Du Clairay-Lutre, 35 133 Forgeres-France), nhà nhập khẩucông ty TNHHMTV Dược Sài Gòn.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các sở Y tế chỉ đạo bệnh viện công lập trực thuộc ngành, cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; rà soát hoạt động của cơ sở, nếu phát hiện thấy thuốc có thông tin như đã nêu, khẩn trương thông báo và phối hợp với cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý. Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các địa phương tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về thông tin thuốc giả nói trên, nâng cao cảnh giác của người kinh doanh dược phẩm cũng như người dân.

Pan-Amoclav 1g là kháng sinh kết hợp, được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường mật, bệnh lậu. Trong năm 2018, Cục Quản lý dược cho biết đã phát hiện một số kháng sinh, trong đó có cả thuốc nổi tiếng, đắt tiền bị làm giả.

Khi các hãng dược ra tòa: Các ông lớn dính hối lộ

Trong top 10 doanh nghiệp dược phẩm đứng đầu thế giới năm 2017, Roche xếp hạng tư. Ngoài Roche, nhiều ông lớn ngành dược cũng dính tai tiếng.


Bồi dưỡng cho bác sĩ là hành vi vi phạm Luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ

Bọn buôn lậu thuốc giả và thuốc kém chất lượng thường tung hoành tại các nước dễ xảy ra tham nhũng và các nước mà y bác sĩ và viên chức phụ trách trấn áp buôn lậu lãnh lương quá thấp.

Viện Nghiên cứu quốc tế chống hàng giả ở Pháp

Đầu tháng 3/2018, Công ty dược phẩm Roche của Thụy Sĩ xác nhận thông tin đăng trên báo Đức Handelszeitung về việc cảnh sát đang điều tra hoạt động gian lận của các nhân viên cũ chi nhánh Roche ở Nga.Họ bị tình nghi ăn cắp thuốc đắt tiền bán ra chợ đen và mua chuộc các bác sĩ để bán thuốc. Giá trị số biệt dược lên đến 60 triệu rúp (1 triệu USD). Văn phòng Roche và nhà của bốn đối tượng ở Matxcơva đã bị khám xét.

Nhiều phi vụ lót tay của Novartis

Hãng Roche không phải là công ty “cò con”. Trong top 10 doanh nghiệp dược phẩm đứng đầu thế giới năm 2017, Roche xếp hạng tư. Ngoài Roche, nhiều ông lớn ngành dược cũng dính tai tiếng. Cái tên thường được nhắc đến là Tập đoàn dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ (đứng thứ sáu trong top 10).Giữa tháng 5-2018, ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội Hi Lạp thông báo chuyển hồ sơ Tập đoàn Novartis bị nghi ngờ hối lộ sang tòa án chống tham nhũng.

Từ năm 2006-2015, Novartis bị nghi ngờ chi hối lộ cho hai cựu thủ tướng, tám cựu bộ trưởng và hàng ngàn bác sĩ bệnh viện công để chiếm thị phần rồi "thổi giá" thời điểm Hi Lạp rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế. Thủ tướng Alexis Tsipras (cầm quyền từ tháng 9-2015) đánh giá vụ này là ví dụ tiêu biểu cho nạn tham nhũng phổ biến tại Hi Lạp.Trước đó, Novartis đã nộp phạt nhiều lần vì vi phạm ở Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tháng 4-2017, Bộ Y tế Hàn Quốc phạt chi nhánh Novartis 48,3 triệu USD do giảm giá thuốc trái phép để các bác sĩ ưu tiên kê toa. Số tiền giảm từ năm (2011-2015) lên đến 2,6 tỉ won (2,46 triệu USD). Sáu nhân viên Novartis bị truy tố.

Tại Mỹ, cuối năm 2016, Novartis phải bồi thường 390 triệu USD vì từ năm 2004-2013 đã móc ngoặc để các nhà thuốc ưu tiên bán hai biệt dược Exjade và Myfortic. Tháng 10-2010, Novartis đã bị Mỹ phạt 422,5 triệu USD vì tiếp thị trái phép và hối lộ các y bác sĩ để quảng bá thuốc trị động kinh Trileptal. Tháng 3-2016, Novartis còn phải nộp phạt 25 triệu USD để khỏi ra tòa. Từ năm 2009-2013, chi nhánh Novartis ở Trung Quốc đã hối lộ các bác sĩ, sau đó Novartis bị nghi ngờ hối lộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngầm bắt tay với Hãng Roche bán thuốc điều trị bệnh lý về mắt ở Pháp và Ý, sửa dữ liệu y khoa ở Nhật...


Ngày 22-2-2018, Quốc hội Hi Lạp bỏ phiếu đồng ý mở cuộc điều tra về các nhà chính trị liên quan
đến nghi vấn Hãng Novartis tham nhũng. Trong ảnh: Thủ tướng Alexis Tsipras bỏ phiếu - Ảnh: Eurokinissi

Hối lộ bác sĩ Trung Quốc

Ngoài Novartis, năm 2016 tại Mỹ, các hãng dược Teva, GlaxoSmithKline, AstraZeneca và SciClone cũng đã nộp phạt 5-519 triệu USD. Năm 2015, Tập đoàn dược phẩm Bristol-Myers Squibb của Mỹ đã thỏa thuận nộp phạt 14 triệu USD do chi nhánh Trung Quốc chi tiền "bất thường" cho các lãnh đạo bệnh viện. Sau đó, các nhân viên ở New York làm phiếu chi giả để che giấu các khoản lót tay.

Lót tay được thực hiện dưới nhiều hình thức từ thực phẩm, mỹ phẩm, thẻ mua hàng đến nữ trang, tổ chức du lịch và tiền mặt. Hành vi này đã vi phạm Luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) của Mỹ.Năm 2012, SEC từng xử phạt Công ty dược phẩm Pfizer (đứng đầu trong top 10 doanh nghiệp dược phẩm năm 2017) vì hối lộ các bác sĩ Trung Quốc. Cùng năm này, Công ty dược phẩm Eli Lilly bị phạt vì làm giả phiếu chi để che giấu các khoản hối lộ cho các bác sĩ bệnh viện công Trung Quốc.Tại Trung Quốc, tiền lương của y bác sĩ quá thấp nên chuyện phong bì lót tay xảy ra như cơm bữa. Tháng 9-2014, Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh đã bị tòa án Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) phạt số tiền kỷ lục 3 tỉ nhân dân tệ (440 triệu USD) vì tội đưa hối lộ.

Giám đốc chi nhánh GSK ở Trung Quốc Mark Reilly bị trục xuất. Bốn lãnh đạo GSK người Trung Quốc bị phạt tù. Từ năm 2007, chi nhánh Trung Quốc đã chi gần nửa tỉ USD mua chuộc các bệnh viện, các bác sĩ và chính quyền nhằm tăng doanh số bán hàng. Giám đốc Mark Reilly chính là người chỉ đạo.


Luật sư Antoine Béguin, đồng tác giả tác phẩm “Những phản ứng phụ” - Ảnh: NR

Luật Mỹ, Anh cấm chi tiền cho bác sĩ

Tham nhũng có đất tung hoành nhiều hơn trong ngành công nghiệp dược phẩm vì ba lý do. Một là tại một số thị trường mới nổi, pháp luật về tham nhũng chưa chặt chẽ, thậm chí còn tồn tại kiểu suy nghĩ "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Năm 2016, đã có năm hãng dược bị truy tố theo Luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ vì vi phạm ở Trung Quốc hay tại Nga.

Hai là theo Luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ, các y bác sĩ được xem là viên chức nước ngoài. Do đó, chi tiền cho họ bị xem là hành vi tham nhũng. Tại nhiều nước như Trung Quốc, một số cơ sở y tế do nhà nước quản lý. Nếu các hãng dược "bồi dưỡng" cho họ là phạm luật của Mỹ.Ba là các hãng dược chủ yếu tiếp thị đội ngũ y bác sĩ hay quản lý bệnh viện bằng hình thức tặng thưởng thì Mỹ xem là hành vi tham nhũng, dù đó là bữa ăn, quà cáp, vé mời hay tiền bạc.

Giáo sư luật Marc A. Rodwin - người Mỹ, chuyên gia về xung đột lợi ích và kinh nghiệm tham nhũng trong công nghiệp dược phẩm - cho biết từ năm 2002, nhiều khoa y ở Mỹ đã dạy sinh viên cách đối phó với các chiêu tiếp thị của các hãng dược phẩm. Tại Anh, Luật chống hối lộ đã đưa ra nhiều quy định nhằm gây sức ép đặc biệt đối với các hãng dược. Điều 6 của luật này chống hối lộ các viên chức nước ngoài bao gồm cả bác sĩ và người hành nghề y chuyên nghiệp.

Hàng ngàn hộp thuốc thần kinh giả đã bán sạch

Đường dây làm giả tân dược do Trần Thị Minh Hằng cầm đầu hoạt động trót lọt suốt gần 1 năm trước khi bị bóc gỡ. Trong đó hàng ngàn hộp thuốc giả đã được bán khắp Bắc- Trung - Nam, các nhà thuốc, người tiêu dùng không hề hay biết. Đường dây này chuyên sản xuất và bán thuốc giả với số lượng hàng ngàn hộp, trong đó chủ yếu là thuốc trị bệnh về thần kinh và các loại thuốc chống thiếu máu, trong hơn một năm.

Địa bàn phân phối thuốc giả là tại các khu vực TP.Hồ CM, Phú Yên, Bình Định, Nam Định. Chiều 25-4, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP truy tố 6 đối tượng trong đường dây chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh. Sáu đối tượng bị đề nghị truy tố gồm hai vợ chồng Trần Thị Minh Hằng, 56 tuổi - Trần Hữu Đồng, 50 tuổi, cùng ngụ chung cư Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 10, TP. Hồ Chí Minh và Trần Hữu Tâm (53 tuổi, ngụ quận 12, TP.Hồ Chí Minh), Dương Hồng Sơn (42 tuổi, ngụ Phú Yên), Nguyễn Đình Thanh (48 tuổi, ngụ Bình Định), Võ Văn Thao (41 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh). Như Tuổi Trẻ đã thông tin, sáng 20-9-2017, tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP đã bắt quả tang Trần Hữu Tâm sử dụng xe máy chở hai thùng cactông bên trong chứa 230 hộp tân dược giả. 

Khai thác nhanh tại hiện trường, PC46 xác định đường dây buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh này do Trần Thị Minh Hằng cầm đầu, tổ chức nên nhanh chóng truy ngược lại theo các dấu vết, đường đi của loại thuốc này. Kết luận điều tra cho thấy đường dây này do bị can Hằng là người đứng ra tổ chức, điều hành. Trần Hữu Tâm, người bị bắt đầu tiên chính là anh ruột của Trần Hữu Đồng - chồng của Hằng. Theo lời khai và tài liệu chứng cứ thu thập được, PC46 kết luận: Hằng bắt đầu sản xuất tân dược giả từ đầu tháng 10-2016, các loại thuốc bị làm giả tập trung chủ yếu là Terneurine (thuốc trị bệnh về thần kinh) và một số loại thuốc giảm đau, chống thiếu máu, thiếu vitamin khác như Becozyme, Voltaren...

Quy trình khép kín

Quy trình làm thuốc giả của Hằng và các bị can, theo cơ quan điều tra là khép kín, trong đó Thao là "nhà in" nhãn mác, bao bì các loại thuốc, hướng dẫn sử dụng, bao gồm cả vỏ, tem, nhãn dán trên vỉ thuốc, hộp thuốc với số lượng lớn. Quy trình này thực hiện rất cẩn thận, có mang mẫu mã thật để đối chiếu, so sánh kỹ càng tới từng chi tiết. Sau khi in thử nhiều lần, đảm bảo 100% "như thật", "hàng" mới in số lượng lớn và vận chuyển đi các tỉnh như Phú Yên, Bình Định, Nam Định để chờ đóng gói thành phẩm. 

Sau những lần in thử đầu tiên, Thao hỏi về giấy phép và các loại tài liệu liên quan của Hằng, Hằng nói không có. Thao biết Hằng sản xuất thuốc giả nên ép giá, buộc Hằng phải trả giá cao cho mỗi sản phẩm in ấn. Hằng chấp nhận. Trong khoảng 1 năm, Thao đã in cho Hằng khoảng 30.000 vỏ hộp thuốc giả các loại.

Phương pháp sản xuất và nguyên vật liệu mà nhóm Hằng cùng các bị can thực hiện rất đơn giản: Hằng đi mua các loại thuốc cùng loại của Việt Nam sản xuất, hoặc thuốc có tá dược tương đương trôi nổi ngoài thị trường rồi giao lại cho Trần Hữu Tâm mang về "nhà máy" ở đường Tô Ký, quận 12.Tại đây, Tâm "hô biến" các loại thuốc này thành thuốc ngoại nhập, với giá thành cao hơn nhiều so với giá thuốc sản xuất trong nước và trực tiếp gửi đi các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Nam Định tiêu thụ.

Bán khắp Trung - Nam - Bắc

Kết quả điều tra xác định Hằng cùng chồng và anh chồng chỉ sản xuất ba loại thuốc giả, cung cấp cho Dương Hồng Sơn, Nguyễn Đình Thanh và một đối tượng tên Trường, ở đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định. PC46 đã khám xét địa chỉ này nhưng không thu giữ được gì, Trường và vợ đã rời khỏi nơi cư trú, hiện đang bị truy tìm. 

Hằng chỉ sản xuất khi được đặt hàng theo số lượng cụ thể, gửi kèm cả thuốc thật để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện.Không chỉ đặt sản xuất hàng giả, Dương Hồng Sơn còn học chiêu của vợ chồng Hằng, tự đứng ra tổ chức sản xuất thuốc giả với phương pháp tương tự từ tháng 5-2017. Theo đó, Sơn đặt mua của Hằng bao bì, tem nhãn, giấy hướng dẫn sử dụng giả các loại thuốc ngoại nhập, tự tay làm giả rồi bán lại cho chính Hằng với số lượng lớn và bán ra thị trường khu vực Phú Yên. 

Cách làm của Sơn có khác Hằng, đó là mua các loại thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc với giá rất rẻ, sau đó tháo bỏ nhãn mác cũ, "hô biến" thành thuốc ngoại nhập, bán với giá cao gấp nhiều lần. Số lượng thuốc giả Sơn đã sản xuất và bán ra là hàng ngàn hộp.Tại Phú Yên, Bình Định, cơ quan điều tra các tỉnh này tìm tới từng điểm bán hàng đã được giao hàng nhưng tất cả các điểm bán đều khẳng định không biết đó là thuốc giả và hầu như đã tiêu thụ hết sản phẩm.Ở TP.Hồ Chí Minh, sau khi thông tin Hằng và các bị can khác bị bắt, một đại lý lớn chuyên kinh doanh thuốc đã thu thập số thuốc trước đó đã mua của Hằng mà chưa kịp bán hết mang tới trình diện, nộp cho cơ quan điều tra. Người này khai nhận hoàn toàn không biết đó là thuốc giả.

"Nhân bản" phương pháp để tăng năng suất thuốc giả

Không chỉ tự sản xuất, Hằng còn hướng dẫn phương pháp sản xuất cho cả Nguyễn Đình Thanh để Thanh tự tay sản xuất thuốc giả từ một số nguyên liệu do Hằng cung cấp. Từ tháng 8-2016, Thanh đã làm giả khoảng 20.000 hộp thuốc các loại, chuyển lại cho Hằng bán. Một phần Thanh tiêu thụ hết tại khu vực Bình Định và một số nơi khác.

Xung đột lợi ích và tính minh bạch

Tác phẩm "Những phản ứng phụ" của nhóm tác giả gồm nữ bác sĩ Irène Frachon (người tố cáo thuốc trị tiểu đường Mediator gây tác dụng phụ), luật sư Antoine Béguin và nhà báo Jean-Christophe Brisard được xuất bản ở Pháp vào tháng 3-2016. Nội dung nêu lên vấn đề xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp dược phẩm, các chuyên gia và bộ máy luật pháp. Ví dụ năm 2013, Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Âu từng bày tỏ lo ngại khi 85% ngân sách trong lĩnh vực cảnh giác dược của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) lại do các hãng dược tài trợ. Các tác giả đã kêu gọi ngành công nghiệp dược phẩm cần phải minh bạch hơn.

Đầu mối thuốc giả từ Trung Quốc và Ấn Độ


Hàng triệu hộp bao cao su giả bị tịch thu ở Vận Thành (Trung Quốc) cuối năm 2017. Ảnh: chinanews.com

Không có nước nào dễ bị thuốc giả tấn công hơn nước nào vì còn tùy công tác kiểm soát biên giới và kiểm soát chất lượng (của mỗi nước). Bà Françoise Dorcier (điều phối viên Chương trình hàng lậu và y tế thế giới của Interpol)

Cách đây bốn năm, chúng mở hai công ty dược phẩm ở Hong Kong và đại lục rồi đến các bệnh viện công lớn ở Trung Quốc tiếp thị thuốc có chiết khấu cao cho các bác sĩ giới thiệu bệnh nhân dùng thuốc. Chúng đã bán được hơn 30 loại thuốc giả sản xuất tại Singapore và Ấn Độ, trong đó có cả thuốc điều trị ung thư.

Hai ngả xuất khẩu thuốc giả

Cuối năm 2017, cảnh sát thành phố Vận Thành (tỉnh Sơn Tây) đã tổ chức bố ráp sáu địa điểm, bắt giữ 15 người và tịch thu 1,2 triệu hộp bao cao su giả, 460.000 bao cao su rời làm giả, máy sản xuất và hơn 100.000 vỏ hộp nhái ghi nhãn Durex. Trung Quốc vẫn chưa ngăn chặn được bao cao su giả. Nhiều triệu bao cao su giả đã bị tịch thu ở Phúc Kiến năm 2013, Giang Tây năm 2014, Thượng Hải năm 2015. Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) đánh giá hơn 50% thuốc giả có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Tổ chức Hải quan thế giới, Trung Quốc làm thuốc giả còn Ấn Độ "chuyên trị" thuốc lậu, thuốc hết đát và thuốc không hợp quy cách.Thuốc giả từ Trung Quốc thường được xuất khẩu theo hai ngả. Ngả đầu tiên là thuốc giả quá cảnh ở Hong Kong, sau đó được đóng thành kiện gửi đi Mỹ, châu Âu, Nhật và Nam Mỹ. Cuối tháng 4-2018, Mỹ đã truy tố đường dây buôn lậu thuốc giảm đau có chất gây nghiện Fentanyl với số lượng lớn gồm 10 người, trong đó có bốn công dân Trung Quốc. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nêu rõ: "Phần lớn Fentanyl không phải sản xuất ở đây mà sản xuất ở Trung Quốc".Nửa năm trước, hai người Trung Quốc cùng đồng bọn đã bị tòa án Mỹ buộc tội sản xuất và buôn lậu fentanyl.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein tuyên bố: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi kết án công dân Trung Quốc buôn lậu thuốc fentanyl. Chúng sử dụng Internet để bán fentanyl cho bọn mua bán ma túy và người sử dụng ở Mỹ. Fentanyl và các chất tương tự xâm nhập vào Mỹ bằng nhiều cách, trong đó có con đường nhà máy sản xuất ở Trung Quốc gửi hàng trực tiếp cho khách hàng ở Mỹ". Hai người Trung Quốc làm chủ nhiều xưởng ở Trung Quốc, đã bán fentanyl sang Mỹ sáu năm nay.Ngả thứ hai của thuốc giả là trung chuyển sang Trung Đông, sau đó gửi theo từng lô đến châu Phi bằng đường biển hay đường hàng không.

Viện nghiên cứu quốc tế chống hàng giả ở Pháp (IRACM) ghi nhận Trung Quốc và Ấn Độ là đầu mối sản xuất và tuồn gần 88% thuốc giả và thuốc kém chất lượng vào châu Phi.Tháng 11-2017 tại Niger, cảnh sát thủ đô Niamey đã tịch thu 13 tấn thuốc giả gồm 1.810 thùng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không nhãn, không nơi sản xuất, không toa hướng dẫn.Thuốc giả có xuất xứ từ Ấn Độ do một công ty dược có giấy phép ở Niger nhập khẩu qua cảng Ghana. Tại Bờ Biển Ngà vào tháng 3-2017, Bộ Y tế đã đóng cửa một nhà máy làm thuốc giả của người Trung Quốc và tiêu hủy gần 40 tấn thuốc. Ba công dân Trung Quốc bị bắt.


Thái Lan tịch thu thuốc giả ở Pattaya ngày 4-2-2016 - Ảnh: AFP

Ba điểm trung chuyển Việt Nam, Thái Lan, Myanmar

Tiến sĩ Gernot Klantschnig ở Đại học York (Anh) đánh giá quy trình làm thuốc giả từ Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi mang tính chất toàn cầu hóa.Tại Trung Quốc, bọn làm thuốc giả thường cắm dùi gần các nhà máy dược phẩm có giấy phép để lén lút câu kết sử dụng máy móc hoặc sản phẩm của các công ty gia công.

Nhiều hãng dược lớn của châu Âu và Mỹ đến Trung Quốc làm ăn. Đây là cơ hội để bọn làm thuốc giả sao chép trực tiếp dược phẩm châu Âu. Ngoài ra, bản thân ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng thuốc thật nên sản xuất không ít thuốc kém chất lượng.Theo báo cáo mới nhất về thuốc giả của TCYTTG công bố cuối tháng 11-2017, 10% thuốc lưu hành ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả.

Từ năm 2013, tức năm bắt đầu thiết lập cơ chế giám sát thuốc giả, TCYTTG nhận được 1.500 báo cáo về thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả, chủ yếu là thuốc sốt rét và thuốc kháng sinh. Trong đó 42% đến từ phía nam sa mạc Sahara, châu Phi, 21% từ Mỹ, 21% từ châu Âu và chỉ 2% từ Đông Nam Á.IRACM đánh giá tỉ lệ thuốc giả 2% ở Đông Nam Á chỉ là phần nổi của tảng băng. Ví dụ năm 2016, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) không nhận được báo cáo nào về buôn thuốc giả ở Đông Nam Á, mặc dù WCO xác định một lượng lớn huốc giả có xuất xứ từ Đông Nam Á hoặc quá cảnh qua khu vực này.

Báo cáo công bố đầu tháng 5-2018 của IRACM ghi nhận Việt Nam, Thái Lan và Myanmar là ba điểm trung chuyển quan trọng của thuốc giả từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thuốc giả được phân phối ra thế giới từ các cảng ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam. Từ 50-60% thuốc giả được chuyển theo đường biển.Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) lưu ý Trung Quốc và Ấn Độ là hai điểm chính sản xuất thuốc giả nhưng bọn buôn lậu cũng đã di chuyển một số công đoạn làm thuốc giả sang Việt Nam, Myanmar và Campuchia để giảm chi phí sản xuất, tận dụng nhân công rẻ.

Chuyên gia Gernot Klantschnig đánh giá chống thuốc giả ở Trung Quốc là vấn đề phức tạp vì hai lý do: một là vấn đề minh bạch trong nội bộ các tập đoàn dược phẩm và hai là vấn đề tham nhũng ở chính quyền địa phương.

Thuốc giả ngày càng loạn!

Các chiến dịch của Interpol đã cho thấy thuốc giả ngày càng lộng hành. Chiến dịch Jupiter năm 2006 ở Đông Nam Á phát hiện trong 321 mẫu do Hãng Guilin Pharmaceutical ở Quảng Tây (Trung Quốc) sản xuất có 61% là hàng giả. Chiến dịch Storm bắt đầu từ năm 2008 đã phát hiện thuốc sốt rét giả tại Myanmar (Thái Lan sản xuất). Chiến dịch Storm II năm 2010 tịch thu hàng triệu USD thuốc giả kháng sinh, thuốc trị sốt rét, thuốc ngừa thai, thuốc giảm đau, huyết thanh chống uốn ván.Chiến dịch Storm VI vào tháng 9-2015 diễn ra ở 13 nước châu Á đã tịch thu đến 9 triệu sản phẩm y tế trị giá 7 triệu USD là hàng giả, hàng lậu, chủ yếu là thuốc kháng sinh, thuốc trị cao huyết áp, thuốc chữa rối loạn cương dương và thuốc giảm cân. Cảnh sát Philippines đã tịch thu 300 liều văcxin giả chống bệnh dại.

Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) định nghĩa thuốc giả là sản phẩm “được thiết kế để trông giống hệt thuốc thật và có thể không gây ra tác hại gì rõ rệt. Tuy nhiên, thuốc giả thường không thể trị bệnh hay các triệu chứng hiệu quả”.

Thuốc giả có thể không có bất kỳ hoạt chất (còn gọi là dược chất, tức các chất có hoạt tính điều trị) nào; chứa không đúng hoạt chất hoặc không đúng liều lượng hoạt chất (so với thuốc thật). Theo TCYTTG, thuốc giả cũng thường chứa bột bắp, bột khoai tây hay bột phấn. Có những loại thuốc giả thực chất rất độc hại do liều lượng của hoạt chất (không đúng với công thức thuốc thật) hoặc của các hóa chất khác được trộn vào cao đến mức nguy hiểm chết người.Thuốc giả thường được sản xuất trong điều kiện tồi tàn, không vệ sinh bởi những người không có chuyên môn, vì thế thường rất bẩn và có thể bị nhiễm khuẩn.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (US.FDA) cũng định nghĩa thuốc giả với các đặc điểm trên, kèm theo thông tin thuốc giả thường đóng gói vào bao bì nhái và có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.FDA gọi thuốc giả là sản phẩm chứa những lời hứa hão, tức không bao giờ chữa được bệnh. Trang tin khoa học Popular Sciencengày 2-3 cho rằngthuốc giả đang khiến cả thế giới gặp nguy và gọi đây là vấn nạn toàn cầu.

Thuốc không đạt chuẩn và thuốc giả được bào chế ở mọi quốc gia và (cũng) có mặt ở mọi quốc gia tùy theo mức độ, nhưng cơ bản là ai cũng gặp phải vấn nạn này- Popular Sciencedẫn lời Pernette Bourdillon Esteve - chuyên gia theo dõi sức khỏe toàn cầu thuộc TCYTTG.Trang thông tin của TCYTTG cũng cho rằng hiện không có quốc gia nào trên thế giới chưa gặp phải nạn thuốc giả, từ Bắc Mỹ và châu Âu đến khu vực cận sa mạc Sahara, châu Phi và Đông Nam Á và châu Mỹ Latin.Vấn đề vốn được xem là chỉ có quốc gia đang phát triển hoặc nước nghèo gặp phải giờ đây đã là vấn đề của toàn thế giới-TCYTTG khẳng định.

Gọi là đe dọa thế giới bởi thuốc giả không những không mang lại hiệu quả chữa bệnh, mà còn gây hại thêm cho người dùng. Thuốc trị bệnh truyền nhiễm giả - vẫn có đúng các hoạt chất như thuốc thật nhưng khác liều lượng, có thể khiến người uống kháng thuốc kháng sinh. Trong nhiều trường hợp, thuốc giả có thể gây chết người và các nước nghèo, nơi người dân không thể tiếp cận thuốc giá rẻ và an toàn, là nơi gánh chịu hậu quả đau thương này nhiều nhất.Tuy nhiên, trong thời đại Internet ngày nay, nhiều nước giàu như Anh và Mỹ, nơi dược phẩm thường xuyên được kiểm tra gắt gao, nhiều người cũng dùng phải thuốc giả dù nguyên nhân không phải thiếu tiền, mà là tin vào “bác sĩ mạng”.TCYTTG cho biết thói quen “tự chẩn đoán, tự kê toa” rồi đặt mua thuốc trên mạng đã khiến nhiều người tự rước họa vào thân.

Theo tạp chí Newsweek, một số nghiên cứu cho thấy 90% dược phẩm được mua qua mạng ở Mỹ có nguồn gốc kiểu “treo dê bán chó”, tức người bán khẳng định sản xuất ở nước A trong khi chúng thực chất được làm ở nước B. Các nhà thuốc trên mạng” thường nhập hàng từ những quốc gia có luật kiểm soát dược phẩm lỏng lẻo- Newsweek viết.Không có nước nào, dù giàu hay nghèo, thoát khỏi nạn thuốc giả, mà nguyên nhân chính là do hình phạt cho tội sản xuất, buôn bán dược phẩm giả còn quá nhẹ. Theo Popular Science, không có loại dược phẩm nào, từ thuốc đắt tiền và là sản phẩm của nghiên cứu đột phá đến thuốc dùng hằng ngày như kháng sinh hoặc thuốc ngừa thai, thoát khỏi tay bọn làm thuốc giả. TCYTTG cho biết thuốc giả được làm ở nhiều nước và khu vực khác nhau, quy mô từ đường dây lớn đến sản xuất nhỏ lẻ.

Hoạt động này ngày càng rầm rộ và dễ dàng vì việc tiếp cận máy dập thuốc, đóng gói hay các thiết bị chuyên dụng khác, cũng như thành phần bào chế thuốc, không phải là chuyện gì quá khó. Internet cũng giúp giới làm thuốc giả tổ chức mạng lưới phân phối toàn cầu.Tuy nhiên, các quốc gia vẫn thường công bố triệt phá được nhiều đường dây làm thuốc giả, hoạt động này ngày càng tinh vi và khó phát hiện.Ngoài ra, tính toàn cầu hóa của ngành dược thế giới cũng vô tình tiếp tay cho tội phạm làm thuốc giả.

Tờ Newsweek lý giải một viên thuốc có thể trải qua nhiều khâu sản xuất, mỗi khâu thực hiện ở một nước khác nhau, tạo điều kiện cho bọn tội phạm tuồn hàng giả vào chuỗi sản xuất.Chẳng hạn, hóa chất tổng hợp tại Trung Quốc sẽ được kết hợp với tá dược ở Ấn Độ, rồi đóng gói thành phẩm ở Mexico trước khi đem vào bán tại các quầy thuốc ở Canada.Trong bài viết có tựa “Ngày nào cũng có người chết vì thuốc giả” hồi tháng 9-2016, BBC dẫn lời doanh nhân xã hội Bright Simons cho biết các nỗ lực ngăn chặn thuốc giả chẳng là gì so với tính phức tạp của vấn đề này.Theo Simons, đa số thuốc giả được làm ở châu Á rồi tuồn vào châu Phi. Điều này được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) xác nhận trong một báo cáo phát đi hồi tháng 1-2017.

 

Ngày 26/06/2019
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang & Ths. Phạm Nho
(Tổng hợp từ các nguồn tin)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích