Chức năng và nhiệm vụ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn (Ban hành kèm theo Quyết định số 4840/QĐ-BYT ngày 17 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn là Viện khu vực, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ y tế, được thành lập theo Quyết định 259/BYT/QĐ, ngày 8/3/1977 của Bộ trưởng Bộ Y tế và được khẳng định lại tại Quyết định số 246/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, có trụ sở làm việc đặt tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Tên gọi và trụ sở Tên giao dịch: - Tiếng Việt: Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn - Tiếng Anh: Institute of Malariology, Parasitology and Entomology Quy Nhơn. Viết tắt:IMPE QUY NHON 2. Địa chỉ giao dịch: a) Trụ sở chính: Khu vực 8, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. - Số điện thoại:0256. 3847726 - Số Fax: 0256. 3846755; 0256. 3846571 - E-mail: viensrqn@impe-qn.org.vn - Website: http://www.impe-qn.org.vn b) Cơ sở 2: Số 611B Nguyễn Thái Học, phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cơ sở 1. Trụ sở chính làm việc của Viện Sốt rét – KST – CT Quy Nhơn
Cơ sở 2. Viện Sốt rét – KST – CT Quy Nhơn gồm Phòng Khám và Trung tâm Đào tạo
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA VIỆN (Ban hành kèm theo Quyết định số 4840/QĐ-BYT ngày 17 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)Chức năng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn có chức năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực phòng, chống bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, bệnh nhiệt đới liên quan và côn trùng truyền bệnh; nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế, chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới về phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng, các bệnh nhiệt đới liên quan trong phạm vi 15 tỉnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; tổ chức cung ứng các dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ 1.Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc lĩnh vực phòng, chống bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, bệnh nhiệt đới liên quan và côn trùng truyền bệnh trong khu vực được phân công. a)Giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, bệnh nhiệt đới liên quan và côn trùng truyền bệnh trong khu vực; b)Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh do ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh; c)Tổ chức, hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, bệnh nhiệt đới liên quan trong khu vực (dùng thuốc dự phòng, phun tồn lưu, tẩm màn, xua, diệt côn trùng…); d)Điều tra dịch tễ học các ổ dịch sốt rét, ký sinh trùng, bệnh nhiệt đới liên quan và côn trùng truyền bệnh trong khu vực; đ) Tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, bệnh nhiệt đới liên quan và côn trùng trong khu vực bao gồm: các biện pháp diệt tác nhân gây bệnh, diệt trung gian truyền bệnh và các biện pháp xử lý y tế khác để ngăn ngừa sự lây truyền bệnh dịch; e)Khám, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, tư vấn cho người bệnh về bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng, bệnh do côn trùng truyền và các bệnh nhiệt đới liên quan. 2. Nghiên cứu khoa học a) Nghiên cứu về bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và các bệnh nhiệt đới liên quan, bao gồm các lĩnh vực: Dịch tễ học, lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng các kỹ thuật chẩn đoán, các phương pháp điều trị, các loại thuốc, vắc xin, sinh phẩm, các biện pháp phòng, chống và loại trừ; b) Nghiên cứu về côn trùng truyền bệnh, gây hại bao gồm: Dịch tễ học, sinh học, sinh thái và các biện pháp phòng, chống; c) Nghiên cứu xây dựng các phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng, bệnh do côn trùng truyền và các bệnh nhiệt đới liên quan; d) Nghiên cứu các yếu tố sinh thái, kinh tế, xã hội và môi trường có ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, bệnh nhiệt đới liên quan và các bệnh do côn trùng truyền; đ) Nghiên cứu, khảo nghiệm, kiểm nghiệm hóa chất diệt côn trùng và diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế; e) Thực hiện các đề tài nghiên cứu về các tác nhân gây bệnh qua thực phẩm và các đề tài nghiên cứu khác khi được Bộ Y tế giao. 3. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế a) Tổ chức đào tạo liên tục và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn về phòng, chống sốt rét, sốt xuất huyết, ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh cho cán bộ, viên chức của Viện và nhân lực y tế các tuyến tỉnh, huyện thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo quy định của pháp luật; b) Là cơ sở đào tạo thực hành và tham gia đào tạo nguồn nhân lực y tế có trình độ đại học và sau đại học về chuyên ngành sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng truyền bệnh tại các cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật; c) Tổ chức các hoạt động liên kết trong đào tạo và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác theo quy định của pháp luật. 4. Chỉ đạo chuyên môn tuyến dưới a) Giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo và kiểm soát hoạt động phòng, chống dịch bệnh, thực hiện kế hoạch loại trừ sốt rét, sốt xuất huyết, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên; b) Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong việc xây dựng mạng lưới chuyên khoa và tổ chức các hoạt động phòng, chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, các bệnh do ký sinh trùng và côn trùng truyền; c) Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra giám sát công tác truyền thông giáo dục phòng, chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh do ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh trong phạm vi khu vực; d) Chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch phòng, chống, loại trừ bệnh sốt rét; kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh cho các tỉnh trong khu vực; đ) Theo dõi, hướng dẫn, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh do ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh ở các tỉnh trong khu vực. 5. Tổ chức cung cấp các dịch vụ công theo nhu cầu xã hội a) Tổ chức khám, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, tư vấn cho người bệnh có nhu cầu về bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng, bệnh do côn trùng truyền, các bệnh nhiệt đới liên quan và các bệnh nội khoa, truyền nhiễm và các bệnh chuyên khoa liên quan khác theo quy định của pháp luật; b) Tổ chức các nghiên cứu về phòng, chống bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, bệnh do côn trùng truyền theo nhu cầu của các địa phương, đơn vị; c) Tổ chức chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành phòng, chống bệnh sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng; d) Tổ chức sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phòng, chống côn trùng, các sinh phẩm chẩn đoán, vật tư y tế khác theo quy định của pháp luật; đ) Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống côn trùng truyền bệnh, gây hại cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; e) Tổ chức dịch vụ kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, khảo nghiệm, kiểm nghiệm hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng và diệt khuẩn trong gia dụng và y tế cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật; g) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn các trang thiết bị y tế thuộc chuyên ngành, thực hiện hoạt động ngoại kiểm các xét nghiệm thuộc lĩnh vực chuyên ngành theo nhu cầu của các cá nhân, tổ chức khi có đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền cho phép; h) Tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết và dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện theo yêu cầu. 6. Hợp tác quốc tế a) Chủ động khai thác nguồn viện trợ, đầu tư nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, cung cấp trang thiết bị và xây dựng cơ bản với các tổ chức và cá nhân ngoài nước; tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của nước ngoài về vật chất, kỹ thuật, kiến thức để xây dựng Viện ngày càng phát triển; b) Hợp tác với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trên thế giới theo quy định của pháp luật để nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu khoa học phục vụ cho phòng, chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, các bệnh do ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh; c) Hợp tác với các tổ chức, các nước trong khu vực và trên thế giới để tổ chức các lớp đào tạo, hội nghị, hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành theo quy định của pháp luật; d) Xây dựng kế hoạch đoàn ra, đoàn vào theo chương trình hợp tác quốc tế tới Viện; cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu, công tác ở nước ngoài và nhận chuyên gia, giảng viên, học viên là người nước ngoài đến nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và học tập tại Viện theo quy định của pháp luật. 7. Quản lý đơn vị a) Xây dựng và triển khai thực hiện các quy chế hoạt động của đơn vị và thực hiện quy chế dân chủ theo quy định của pháp luật; b) Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Viện; quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, viên chức, tiền lương, tài chính, tài sản và các trang thiết bị của Viện theo chế độ, chính sách và các quy định của pháp luật; c) Tiếp nhận, quản lý, phân phối và kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí, thuốc, hóa chất, các vật tư, trang thiết bị y tế chuyên ngành tại địa phương, đơn vị trong khu vực được phân công; d) Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về thu, chi ngân sách của Viện, từng bước hạch toán thu, chi theo quy định của pháp luật; đ) Quản lý các hoạt động dịch vụ khoa học kỹ thuật, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các dự án hợp tác trong nước và quốc tế để hỗ trợ hoạt động chuyên môn, tăng thêm nguồn thu, cải thiện đời sống cán bộ, viên chức của Viện theo đúng quy định của pháp luật; e) Thực hiện chế độ báo cáo về mọi hoạt động của Viện theo quy định. 8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Y tế giao. Quyền hạn Viện được quyền tự chủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân cấp của Bộ Y tế, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và trước pháp luật về hoạt động của mình.
|