Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 27/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Finance & Retail Tư vấn sức khỏe
Hỏi-Đáp
Y học thường thức
Kiến thức phổ thông
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 3 8 6 8 1
Số người đang truy cập
3 2 7
 Tư vấn sức khỏe
Một số rối loạn da hay gặp vào mùa hanh khô

I. GIỚI THIỆU MỘT SỐ RỐI LOẠN DA HAY GẶP

Vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp nên các nhóm vi khuẩn gây bệnh tăng sinh và phát tán rất nhanh, đặc biệt khi có những đợt gió nồm ẩm ướt kèm theo nắng thất thường của thời tiết cực đoan thì các bệnh lý hay rối loạn về da càng tăng sinh. Khi đó, số người mắc rối loạn da (skin disorders) cao hơn các mùa khác. Nhiều người do không hiểu nguyên nhân và biết cách điều trị không đúng,càng khiến bệnh thêm trầm trọng và kéo dài dai dẳng.Đặc biệt, khi thời tiết chuyển mùa, cơ thể ít tiết mồ hôi là điều kiện thuận lợi cho các bệnh da tăng lên như viêm da, ngứa, bệnh da dị ứng, chàm, vảy nến phát triển và bùng phát từng đợt cấp của một bệnh lý mạn tính. Đáng chú ý như bệnh viêm da chàm thường xuất hiện ở vùng cổ chân, phần thấp cẳng chân, da khô ngứa, thô ráp, nhăn nheo, đỏ sần, có mụn nước hoặc mụn mủ khi bội nhiễm.

Da là cơ quan lớn nhất, nó chiếm khoảng 16% tổng trọng lượng cơ thể. Da là hàng rào ngăn cách nội mô với môi trường và giữ cho cơ thể có một hình dạng nhất định. Vào những ngày tiết trời lạnh, độ ẩm trong không khí thấp, da con người thường trở nên khô sần, mất nước. Chăm sóc làn da vào mùa đông là rất cần thiết nhưng không phải ai cũng làm đúng cách. Nếu ở châu Âu vào mùa đông thường xuất hiện vấn đề về da như dị ứng mùa đông (Winter rash). Ở Việt Nam khi vào mùa hanh khô, diễn ra vào khoảng tháng 5 đến tháng 10. Đây là thời điểm làn da thường khô ráp, bong tróc, nốt ửng đỏ. Trước khi tìm hiểu về những cách dưỡng da mùa hanh khô, bạn nên nhận biết các loại bệnh lý về da.

Độ ẩm không khí xuống thấp kéo giảm độ ẩm của da, làm da mất nước nhiều, tăng lớp sừng, khiến da của nhiều người bị ngứa ngáy, căng, khô ráp thậm chí bong tróc, nứt nẻ. Một số căn bệnh mà trên thực hành lâm sàng chúng ta hay gặp khi thời tiết hanh khô:


Hình 1. Một số rối loạn da hay gặp vào thời tiết hanh khô |Nguồn:Healthline, 2020

1. Viêm da do tụ cầu-liên cầu:

Mùa có khi hậu nóng ẩm và hanh khô, nhiều người còn dễ bị viêm da tụ cầu liên cầu. Bệnh thường biểu hiện bằng các đám da đỏ, mụn nước rải rác toàn thân, nhưng có đặc trưng trên da đầu nhiều vảy, ngứa hoặc hai cẳng chân. Người bệnh luôn cảm thấy lạnh do mất nhiệt qua da. Những bệnh nhân này bắt buộc phải tới CSYT để được khám và chỉ định dùng thuốc bôi tại chỗ kết hợp điều trị kháng sinh, kháng viêm toàn thân.

2. Viêm da cơ địa:

Vào mùa hanh khô, chứng bệnh viêm da cơ địa thường tiến triển mạn tính, có thể khỏi một thời gian, sau đó lại tái phát. Vùng da dễ bị khô dày và tổn thương do gãi nhiều thường là nách, kẽ vú, bẹn, khuỷu tay, khoeo chân. Việc điều trị không dễ bởi các tổn thương bị nhiễm khuẩn, dùng thuốc hay có tác dụng phụ. Viêm da cơ địa thuộc một dạng bệnh chàmcơ địa, có tính di truyền, hoặc do làn da mất hàng rào ẩm bảo vệ. Các thương tổn thường thấy là khô da tay, chân, mặt, đỏ và tróc vảy, nhất là các khớp tay chân. Vào mùa hanh khô, các vết viêm cơ địa có thể phát triển lan rộng, gây ra các đường nứt da ngang, dọc, thậm chí rỉ dịch, máu.

Viêm da cơ địa là bệnh viêm da tái phát và mãn tính. Bệnh thường xuất hiện ở các vị trí mặt, cổ tay, những vùng có nếp gấp. Những người bị viêm da cơ địa cũng có nguy cơ mắc các bệnh lý dị ứng khác như viêm mũi dị ứng hoặc hen phế quản. Hiện nay, nguyên nhân gây viêm da cơ địa chưa được xác định rõ. Di truyền kết hợp với các yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da cơ địa hoặc làm cho triệu chứng viêm da trở nên nặng hơn.Các dị ứng có tính “di truyền” thường gặp là thịt và trứng của các loài gia cầm, sữa bò, sữa dê, các loại hải sản, phấn hoa, lông thú. Yếu tố môi trường kích phát triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa như thời tiết hanh khô, độ ẩm môi trường thấp, tắm nước nóng khiến độ ẩm trên da bị giảm, nhiệt độ thay đổi đột ngột, dị ứng hóa chất từ xà phòng, các chất tẩy rửa, mỹ phẩm, nước hoa, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng, dầu, khói bụi; hoặc mắc các bệnh nhiễm khuẩn da, đặc biệt là do tụ cầu vàng; hoặc bị sang chấn tâm lý.


Hình 2. Da khô, nứt nẻ tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng|Nguồn: Skinplus, 2020

Bệnh viêm da cơ địa có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Tùy thuộc vào giai đoạn tổn thương mà bệnh có các triệu chứng điển hình khác nhau.

·Giai đoạn cấp tính: Trên da xuất hiện vùng ban đỏ có hình tròn, bề mặt bong trợt và có mụn nước, tiết dịch viêm, xung quanh bị phù nề. Các vùng ban này gây ngứa cùng cảm giác rát bỏng, khiến người bị viêm da cơ địa gãi nhiều, đặc biệt là về đêm.

·Giai đoạn mãn tính: Đám sẩn đỏ trên da dày sừng, bị bong tróc vảy, rối loạn sắc tố. Khi người bệnh gãi nhiều có thể khiến vùng da bị tổn thương nặnghơn tróc da, da dày, nứt kẽ, dịch vàng đóng vảy. Các tổn thương thường xuất hiện ở nếp gấp các chi, nhất là bàn tay.

3. Vảy nến:

Một chứng bệnh nữa hay bị tái phát vào mùa hanh khô là bệnh vảy nến với các đám mảng đỏ kích thước khác nhau. Tuy nhiên, vảy nến lành tính, điều trị đơn giản bằng cách “làm sạch” tổn thương nhanh chóng và kéo dài thời gian tái phát.Thương tổn đặc trưng của vảy nến là bề mặt da ửng đỏ, có vảy trắng, dễ tróc và thường xuất hiện ở da đầu, đầu gối, cùi chỏ, vùng xương cùng, chúng thường xuất hiện khi thời tiết hanh khô trở lạnh. Đặc biệt, đây là bệnh lý về da mạn tính, có tính di truyền.

4. Chàm da:

Chàm không tiết bã nhờn khiến da người bệnh căng lên, khô, nhiều đường nứt ngang dọc, có vảy trắng mỏng, bong ở rìa, ngứa rát khó chịu. Khi có những triệu chứng trên, người bệnh không nên tắm nước quá nóng, không kỳ, gãi mạnh. Cần đi khám chuyên khoa da liễu để được dùng thuốc kháng sinh, thuốc bôi làm mềm da, giữ ẩm cho da, đồng thời uống nhiều nước trong ngày.

5. Mày đay:

Đây là loại bệnh có thể xuất phát do nội sinh, hoặc ngoại sinh. Nếu vào mùa lạnh, bạn xuất hiện các nốt nổi sẩn, ngứa râm ran, mảng phù màu hồng hoặc đỏ nổi gồ cao trên cơ thể hoặc da mặt. Đó chính là mề đay do ngoại sinh, hoặc gọi khác là dị ứng phát ban với nhiệt độ lạnh.Mặt khác, cần phân biệt các vấn đề bệnh lý làn da so với làn da khô do mùa hanh khô gây ra. Da khô đây là loại da, không liên quan đến bệnh lý có từ trước. Nó được phân vào loại da. Nhưng vào mùa hanh khô, làn da khô thông thường không được chăm sóc dưỡng ẩm thường xuyên vẫn có nguy cơ mắc các vấn đề bệnh lý về da.


Hình 3. Chàm hóa, bong da cũng hay gặp mùa hanh khô|Nguồn: Advanced Allergy and Asthma

2. CÁCH CHĂM SÓC DA MÙA HANH KHÔ

Chúng ta không thể cân bằng được thời tiết, nhưng có thể khắc phục bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt mỗi ngày. Với sự biến đổi khí hậu mạnh mẽ như hiện nay, vẫn cần có phương pháp và cách chăm sóc da khô đúng cách:


Hình 4. Chăm sóc da khô bằng kem dưỡng | Nguồn: Medical News today, 2020

·Chăm sóc da mùa hanh rất quan trọng, không kể người già hay trẻ em, không kể giới tính nam hay nữ. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cho làn da chống lại được sự hanh khô, ngoài lượng calo hợp lý còn đảm bảo đủ vitamine. Thực phẩm chứa nhiều vitamin và nước được khuyến cáo;

·Chế độ dinh dưỡng hợp lý, mỗi ngày ăn một ít thịt nạc, tránh ăn thực phẩm có quá nhiều axit béo. Bổ sung thực phẩm có nhiều vitamin A trong khẩu phầnhàng ngày (cà rốt, gan bò, trứng, dầu cá.). Ăn nhiều thức ăn có hàm lượng sắt, giúp bổ sung lượng máu cho da;

·Để da không bị khô, cần cấp đủ nước cho làn da bằng việc thường xuyên uống nước. Lượng nước tối thiểu phải uống trong một ngày là 2 lít/ngày. Để có thể đảm bảo được lượng nước cho cơ thể cũng như làn da vào mùa khô cần uống thật nhiều nước lọc và nước ép hoa quả tươi để thanh lọc thận và cung cấp đầy đủ các loại vitamin cho da, nhất là vitamin C;

·Nên ăn nhiều rau xanh, bổ sung đầy đủ vitamin C (cam, chanh, quýt, dưa hấu, cà chua), vitamin C cực kỳ quan trọng với việc làm lành vết nứt của da nối, liền các mạch máu nhỏ;

·Tránh thực phẩm có tính chất cay nóng như cà phê, ớt, tiêu, đồ chiên rán, nướng;

·Hằng ngày, đều cần phải tắm nhưng không nên tắm quá lâu, thông thường chỉ cần 5 - 10 phút mỗi lần tắm là đủ. Nếu tắm lâu, da bạn sẽ trở nên mất nước, khô da.Nên tắm bằng nước ấm chứ không nên tắm nước nóng vì nước nóng làm mất lớp dầu tự nhiên của da, làm da khô, nứt. Nên dùng xà phòng trung tính vì xà phòng có tính kiềm nhiều sẽ làm da mất lớp lipid bảo vệ, da mất nước và khô.Khi tắm, nên đóng cửa phòng tắm để giữ không khí trong phòng đủ độ ẩm. Tắm xong nên lau người bằng khăn vải mềm, sau đó bôi các loại kem giữ ẩm trong vòng 3 phút sau khi tắm. Không nên để da khô quá lâu mới bôi kem giữ ẩm da;

·Hạn chế rửa mặt bằng nước nóng:Nước ấm sẽ giúp làm giãn nở lỗ chân lông, từ đó tạo khoảng trống cho làn da được thở và đàn hồi tốt hơn sau một ngày làm việc căng thẳng. Thế nhưng, bạn không nên sử dụng nước quá nóng để rửa mặt. Bởi nhiệt độ cao của nước sẽ làm phá hỏng kết cấu của da, từ đó làm da nhanh khô và có thể nổi mẩn ngứa, ửng đỏ;

·Nhiều người thường rửa mặt bằng nước nóng để tạo cảm giác dễ chịu hơn giữa thời tiết hanh khô. Tuy nhiên, nước nóng thường làm da khô hơn, càng dễ nứt nẻ hơn. Vì thế, các bạn nên rửa mặt bằng nước mát. Không nên sử dụng các loại sữa rửa mặt có tính tẩy dầu mạnh.

·Với làn da khô, nên thường xuyên sử dụng kem giữ ẩm. Nếu da vẫn còn khô hoặc có cảm giác ngứa, rát, khó chịu, bạn có thể tăng lần bôi kem trong ngày. Thường xuyên dùng kem giữ ẩm cũng giúp da không bị bong tróc, không bị nứt nẻ;

·Nên chọn kem giữ ẩm phù hợp với da của mình, nên chú ý các thành phần của kem;

·Bảo vệ da cẩn thận khi ra ngoài:Trời khô hanh làm da khô nhanh hơn, hơn nữa nếu tiếp xúc nhiều với khói bụi thì da sẽ càng dễ nứt nẻ và bị viêm. Vì thế, hãy chắc chắn rằng bạn đã bảo vệ và che chắn cho da cẩn thận khi ra ngoài. Ánh nắng mặt trời trong mùa hanh khô thường không quá gay gắt nhưng có thể làm tình trạng da của bạn thêm tồi tệ, xuống sắc. Vì vậy, đừng quên bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài 30 phút;

·Tẩy da chết định kỳ: Một trong những cách giúp làn da của bạn luôn mềm mại, hồng hào, không bị bong tróc, nứt nẻ trong mùa hanh khô là tẩy da chết cho làn da định kỳ 2 lần/tuần. Đây là cách làm giúp bạn loại bỏ bụi bẩn, cải thiện sự lưu thông máu và giữ cho làn da luôn khỏe đẹp;

·Xịt khoáng thường xuyên:Nước trên bề mặt da rất dễ bốc hơi trong khí hậu lạnh, đó là lý do khiến làn da của chúng ta nhanh khô hơn trong mùa này.Vì vậy, nên thường xuyên xịt khoáng để cung cấp nước kịp thời, giúp da hạn chế khô nẻ.

·Thoa kem dưỡng ẩm mỗi tối: Đây là việc không thể thiếu mỗi tối. Trước khi đi ngủ, các bạn nhớ thoa kem dưỡng ẩm cho da, như vậy mới hoàn thành một cách toàn diện các bước dưỡng ẩm cho da. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn đã tẩy trang và rửa mặt thật sạch trước khi thoa kem, nếu không sẽ gây phản tác dụng;

·Nên sử dụng các loại kem có chứa ceramide, hyaluronic acid, glycerin ngay lúc da còn ẩm. Ceramide là thành phần tự nhiên trong lớp sừng, lớp ngoài cùng của da, đóng vai trò chính trong việc duy trì làn da khỏe và bảo vệ làn da chống lão hóa, bảo vệ các thành phần dưới da. Một số kem dưỡng có chứa thành phần lipid tương tự với cấu trúc lipid trên da, có tác dụng tăng cường liên kết giữa các tế bào biểu bì, chống khô da.

·Đắp mặt nạ dưỡng ẩm cho da mùa hanh khô: Dùng mặt nạ để bổ sung độ ẩm cho da vào những ngày hanh khô là điều vô cùng cần thiết. Nên sử dụng các loại mặt nạ có tác dụng cung cấp độ ẩm cho làn da tốt nhất như mặt nạ khoai tây, mặt nạ bơ mật o­ng, mặt nạ mật o­ng sữa tươi, mặt nạ nha đam.

·Để phòng các bệnh trong mùa hanh khô, mọi người chú ý mặc quần áo thoải mái, không nóng quá, không lạnh quá, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Nếu có điều kiện, tùy theo nhu cầu sinh lý, tốt nhất mỗi ngày nên ăn hoa quả tươi hoặc rau xanh. Khi ra ngoài đường nên đeo khẩu trang, mang kính, mũ để hạn chế bụi, gió khiến các bệnh ngoài da sẽ tái phát và nặng hơn;

·Bệnh nhân bị viêm da cơ địa cần hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc trong điều trị, không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc khi có dấu hiệu thuyên giảm. Phác đồ điều trị viêm da cơ địa: Sử dụng kem dưỡng ẩm để chống khô da; Sử dụng thuốc bôi corticosteroid trong một thời gian ngắn, sau đó bôi duy trì tacrolimus và kem dưỡng ẩm trong thời gian dài để hạn chế bệnh viêm da cơ địa tái phát; Sử dụng thuốc kháng sinh dạng bôi hoặc uống để chống nhiễm tụ cầu; Sử dụng thuốc kháng histamin để chống ngứa;

·Chăm sóc khi bị viêm da cơ địa: Tránh gãi nhiều hoặc chà xát vùng da bị tổn thương, bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày để chống khô da, hạn chế ngứa, hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng.


Hình 5. Một số chế phẩm tự chế mang tính chất dưỡng da khô

3. NHỮNG SAI LẦM KHI CHĂM SÓC DA MÙA HANH KHÔ CẦN ĐIỀU CHỈNH

·Khi làn da gặp các tình trạng xấu đi, nhiều người thường mất bình tĩnh tìm kiếm các phương pháp phục hồi da nhanh chóng, cải thiện tình trạng da khô ráp tức thời như kem trộn, tắm lá, bài thuốc gia truyền, thuốc dân gian,...;

·Song, các bác sĩ không khuyến cáo thực hiện các cách trên, bởi nó chưa có sự xác thực bởi các kiểm nghiệm nghiên cứu hoặc tài liệu khoa học chứng minh. Đôi khi các loại lá, bài thuốc dân gian có thành phần dưỡng ẩm, nhưng vẫn còn tồn tại tạp chất. Ví dụ như lá nha đam, có công dụng dưỡng ẩm nhưng mủ cây nha đam khi thoa trực tiếp trên da có khả năng gây dị ứng, khiến da mẩn đỏ;

·Không uống nước Mùa lạnh và mùa hanh khô, cơ thể thường cảm giác không khát nước như mùa hè, dẫn đến việc lãng quên uống nước. Vai trò của việc bổ sung nước vào cơ thể thúc đẩy chuyển hóa, thanh lọc độc tố, duy trì sự sống là đúng nhất;

·Nên theo ý kiến của chuyên gia da liễu và chăm sóc da: Thoa kem dưỡng hoặc dầu dưỡng, tùy vào từng loại da và tình trạng bong tróc hay mẩn đỏ, bạn nên lựa chọn những kết cấu, thành phần dưỡng ẩm phù hợp cho bản thân.Với làn da khô, dùng các loại dưỡng ẩm dạng kem có kết cấu mềm, mỏng mịn. Riêng da nhạy cảm, kết cấu dạng sữa, gel vừa giúp dưỡng ẩm vừa làm dịu làn da;

·Tránh xa nước nóng: Ai cũng có quan điểm tắm rửa mỗi ngày để làm sạch da. Song, vào mùa hanh khô thậm chí mùa lạnh giá rét, cần lưu ý tránh sinh hoạt bằng nước nóng. Dù rằng tắm nước nóng sẽ giúp tinh thần thư giãn nhưng nó sẽ càng khiến làn da mất cân bằng độ ẩm, hệ vi sinh có lợi, kéo theo tình trạng độ ẩm vốn có dưới da bị thoát ra thông qua bề mặt da. Do đó, thay vì sử dụng nước nóng, bạn nên pha nước ấm với khoảng nhiệt độ lý tưởng để không ảnh hưởng đến hoạt động tuyến bã nhờn của các lỗ chân lông;

·Sau khi tắm xong, cần thoa kem dưỡng ẩm ngay. Thuốc mỡ và kem có hiệu quả hơn ở những người da khô. Cần đọc thành phần trên các sản phẩm chăm sóc da; xà phòng khử mùi, toner chứa cồn và các sản phẩm có chứa hương thơm có thể gây kích ứng da khô, nhạy cảm;

·Đừng bỏ qua việc rửa tay, điều này có thể loại bỏ vi khuẩn và virus có hại. Nếu cần rửa tay thường xuyên, nước rửa tay là một lựa chọn tốt. Sau mỗi lần rửa tay, cần thoa kem dưỡng ngay. Nếu tay thường xuyên phải ngâm trong nước, hãy đeo găng tay chống thấm nước để bảo vệ. 

 

Ngày 26/12/2023
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang
(Viện Sốt rét-kST-CT Quy Nhơn)
 
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích