Quan điểm y tế và đạo đức người thầy thuốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Y học là khoa học và nền khoa học ấy ắt có tính nghệ thuật (Le médicine est une science, mais un science de l’art). Quả vậy, nhất là khi y học là khoa học về con người. Đứng ở mọi góc độ, y học vẫn có nhiều mặt cần xét cả về nghệ thuật và phi nghệ thuật. Nhất là trong bối cảnh đất nước chuyển mình chập chững bước vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, người dân sống trong nền kinh tế thị trường hội nhập, thì vấn đề chăm sóc sức khỏe lại cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt chú trọng đến khía cạnh y đức và y thuật của người thầy thuốc và chúng ta nhớ lại quan điểm y tế với đạo đức người thầy thuốc và những trăn trở của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, vĩ đại của Đảng ta, dân tộc ta. Đảng ta khẳng định, những di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và Cách mạng ta khi xét cùng Chủ nghĩa Mác Lênin. Bởi vậy, việc nghiên cứu khai thác những tư tưởng của Người để vận dụng vào hoạt động thực tiễn sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ sức khoẻ Chủ đề này đã đặt ra cho ngành y tế một niềm hyvọng rất lớn và có một ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển sự nghiệp y tế trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trên cương vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cống hiến trên tất cả lĩnh vực hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân: giải phóng đất nước, đưa đất nước tiến lên CNXH, phát triển đất nước về mọi phương diện kinh tế, chính trị và xã hội. Trên lĩnh vực y tế - sức khoẻ, Người cũng để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm sâu sắc, phong phú, có ý nghĩa định hướng cho phát triển nền y học Việt Nam hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến vấn đề sức khoẻ con người Người coi sức khỏe là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp Cách mạng bởi giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây dựng đời sống mới, việc gì cũng cần sức khoẻ mới thành công. Người nói: “mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khoẻ mạnh tức là cả nước khoẻ mạnh”, “Dân cường thì nước mạnh”. Trong thời kỳ lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến, Người cho rằng: “Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái; tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến cũng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Do vậy, Người đánh giá rất cao vai trò của sức khoẻ. Quan niệm về sức khoẻ của Người bao gồm sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần, bởi lẽ “ngày nào cũng tập thể dục thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ”. Nội dung của định nghĩa này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khoẻ của Tổ chức y tế Thế giới (1978): “Sức khoẻ là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội”. Như vậy, trước tuyên ngôn Alma Ata, gần nửa thế kỷ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quan niệm rất chính xác về sức khoẻ khi đưa ra khái niệm này, Người đã tiếp cận đến tinh thần mát xít của con người, bản chất của con người vừa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội, nên việc chăm lo sức khoẻ con người phải bằng cả vật chất và tinh thần. Người nói: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn” và “người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (trích thư gửi Hội nghị quân y 03/1948 của Hồ Chủ Tịch). Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ tư khoá VII (1993) về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã nêu ra 5 quan điểm của Đảng. Trong quan điểm thứ nhất, Nghị quyết khẳng định sức khoẻ là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh: đó là sự quán triệt, tiếp tục những tư tưởng Người trong giai đoạn mới. Bởi vậy, phải chăm lo sức khoẻ mọi người, chăm lo sức khoẻ toàn dân. Quan điểm chăm lo sức khoẻ cho mọi người thực sự còn thể hiện một quan điểm công bằng trong chăm sóc (CSSK), một quan điểm hoàn toàn phù hợp và đúng với Nghị quyết Đại hội VIII về tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội. Công bằng xã hội không có nghĩa là không thực hiện sự ưu tiên trong xã hội. Lúc sinh thời, Người vẫn thường xuyên nhắc nhở các cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đồng chí chỉ huy quân đội, cán bộ y tế phải quan tâm chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em, cụ già, người nghèo vùng xa xôi, hẻo lánh, cho bộ đội và thương binh,... Ngày nay, trong điều kiệnmột nền kinh tế thị trường có sự phân tầng xã hội, tức là trong xã hội có người giàu người nghèo, có người trong diện chính sách thì rõ ràng Nhà nước không thể duy trì một nền y tế cao cấp, vì như vậy không những nguồn kinh phí không cho phép và không đảm bảo công bằng trong xã hội.; Khi nói đến công bằng xã hội là phải nói đến sự ưu tiên đối với người có công với Cách mạng, gia đình thương binh liệt sĩ, người nghèo, vùng nghèo, miền núi, hải đảo xa xôi. Nền y tế chúng ta hôm nay phải thực hiện yêu cầu không để bệnh nhân vì không có tiền mà không được khám, chữa bệnh đầy đủ.
Quan điểm về xây dựng nền y tế nước ta là một nền y tế nhân dân “Xây dựng một nền y học của ta”. Lời Bác dạy là một quan điểm rất sâu sắc, cả cuộc đời hoạt động của Bác vì dân vì nước, lấy dân làm gốc. Tư tưởng đó của Người cũng được thể hiện ở việc xây dựng một nền y học xuất phát từ nhân dân, của dân và vì dân. Tư tưởng này còn thể hiện nền y học mang bản sắc dân tộc Việt Nam, xuất phát từ những điều kiện Việt Nam. Theo Bác nhân tố nhân dân và nhân tố việt Nam là cơ sở cho việc xây dựng nền y học Việt Nam. Do đó, Người nêu ra nguyên tắc phải xây dựng một nền y học dân tộc, y học đại chúng. Tính dân tộc và tính đại chúng chính là nền y học mang nhân tố dân tộc và nhân dân, nhưng Bác cũng không dừng lại ở đó, Bác còn nêu ra nguyên tắc nền y học của ta phải mang tính khoa học. Bản thân khoa học là một khoa học, hơn nữa lại là một khoa học về con người có tính nghệ thuật ẩn chứa bên trong. Như vậy, khi Bác nêu ra nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng tức là nền y học đó phải mang truyền thống của dân tộc kết hợp với tinh hoa của thời đại, ở đó nhân tố dân tộc và nhân tố thời đại hoà quyện, bổ sung cho nhau thành một thể thống nhất. Quán triệt những quan điểm của Bác, Nghị quyết của Đảng về công tác y tế, định hướng chiến lược của Chính phủ về nhiệm vụ CSSK nhân dân từ nay đến 2000 đã nêu ra, nền y tế của chúng ta phải hướng về cơ sở, phải đặc biệt quan tâm đến CSSK cho toàn dân. Các vùng miền xuôi thì chăm lo xây dựng các trạm y tế, nhanh chóng xoá bỏ tình trạng xã trắng về y tế. Các tỉnh miền núi thì chăm lo đến y tế thôn, buôn, chăm sóc đến sức khoẻ gia đình. Mặt khác, nền y tế của chúng ta phải vươn tới xây dựng một nền y tế hiện đại, tập trung xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu. Như vậy, tính dân tộc, tính đại chúng và tính khoa học gắn bó chặt chẽ với nhau và là những phương hướng cơ bản, lâu dài của y học nước nhà trong tầm nhìn mới trên mọi phương diện.
Xây dựng một nền y học kết hợp đông tây y & y học dự phòng Trong tư tưởng Người thể hiện rất rõ quan điểm xây dựng một nền y học dựa trên cơ sở kết hợp đông, tây y. Quan điểm Người xuất phát từ thực tiễn lịch sử Việt Nam. Người nói: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý hoá về cách chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc bắc” và “Để mở rộng phạm vi y học, các cô chú nên chú trọng nghiên cứu phối hợp thuốc Đông và thuốc tây”. Sở dĩ như vậy, vì Bác cho rằng: “ Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được. Thuốc ta cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh cũng không chữa được mà thuốc tây chữa được. Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng XHCN. Thầy thuốc tây phải học đông y, thầy thuốc ta cũng phải học thuốc tây... Thầy thuốc tây và thầy thuốc ta đều phục vụ nhân dân, như người có hai tay cùng làm việc thì làm việc được tốt. Cho nên phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đoàn kết thuốc Tây và thuốc ta thành một khối để chữa bệnh cho đồng bào”. Với cách nhìn nhận của Bác thì Đông và Tây y không phải là hai mặt mâu thuẫn với nhau mà có thống nhất, hỗ trợ cho nhau. Tiếp tục quán triệt những quan điểm của Bác, Nghị quyết Trung ương IV, khoá VII cũng nêu ra quan điểm phối hợp đông tây y để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Chúng ta quan niệm đầy đủ rằng phải kết hợp y , dược học cổ truyền với y dược học hiện đại, phải hiện đại hoá y dược học cổ truyền nhưng không làm mất bản sắc y dược học dân tộc. Luôn luôn ý thức rằng y dược học cổ truyền là một thế mạnh của chúng ta. Để xây dựng một nền y học hiện đại, tiến kịp với nền y học nhân loại chúng ta phải khai thác, phát huy sức mạnh y dược học cổ truyền về tính phong phú, cái tài tình, cái còn đang tiềm ẩn của y học cổ truyền. Trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Bác rất quan tâm đến vấn đề y học dự phòng. Bác nói: “Phòng bệnh cũng cần như chữa bệnh” và “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Quan điểm y học cổ truyền của Bác rất toàn diện. Để chống lại bệnh tật, ốm đau, Người đặc biệt quan tâm từ những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường và nhấn mạnh: “Vệ sinh là yêu nước”. Khái niệm vệ sinh ở đây của Người bao hàm rất đầy đủ, thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh. Người nói: “Mọi người từ già đến trẻ, trai gái đã là người dân yêu nước, đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ”. Ngay trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước những công việc cấp bách, bộn bề. Người vẫn nghĩ đến xây dựng “đời sống mới” cho toàn dân. Trong nội dung của “Đời sống mới”, Người viết:“Sạch sẽ là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, khoẻ mạnh thì làm được việc, làm được việc thì có ăn, xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”. Quan điểm về y học dự phòng, Người quan tâm đến nâng cao thể lực con người. Đây chính là phương châm y học dự phòng tích cực và chủ động nhất. Bác vận động toàn dân thường xuyên rèn luyện thân thể, tập thể dục nâng cao sức khoẻ, Bác khuyên đồng bào tập thể dục, vì Bác “tự tôi ngày nào cũng tập”, Người còn tập tắm nước lạnh, trèo núi, đánh bóng chuyền, tập võ,.... Người chính là một mẫu mực của ý chí rèn luyện về mọi mặt. Quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về y nghiệp Hôm nay, đất nước chuyển sang thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhiều thách thức lớn đặt ra cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân thì vai trò của y học dự phòng ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng. Không những chúng ta vẫn phải ngăn chặn những bệnh tật của mô hình một nước đang phát triển mà phải đề phòng các bệnh của các nước công nghiệp như ung thư, tim mạch, bệnh nghề nghiệp, bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs/ hoặc STIs). Quan điểm của Bác về đạo đức người thầy thuốc. “Lương y phải như từ mẫu”, đây là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của Người về y đức. Nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, nó trực tiếp liên quan đến sức khoẻ, đến tính mạng con người. “ Thầy thuốc phải như mẹ hiền”- tiêu chí quan trọng về nghiệp y. Vì tính chất nghề nghiệp mà người thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, chẳng những có nhiệm vụ chữa bệnh, còn phải nâng đỡ tinh thần người bệnh, yêu thương người bệnh và săn sóc họ như anh em ruột thịt, coi họ đau đớn như mình đau đớn cũng như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng quan niệm người thầy thuốc phải nhiệt tình, không kể sang hèn, không kể giàu nghèo, phải tôn trọng người bệnh, không nên cầu lợi, kể công; không được “ Đem nhân thuật để làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán”. Người thầy thuốc phải lấy người bệnh làm trung tâm, coi cứu người bệnh là mục đích hành nghề. Bên cạnh đó, Bác nhấn mạnh giáo dục đạo đức người thầy thuốc “trước hết phải thật thà đoàn kết, bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế nhằm phục vụ nhân dân”. Yếu tố quyết định y đức của người thầy thuốc là lương tâm, là trách nhiệm, là bổn phận của người thầy thuốc. Bác nhắc nhở những người thầy thuốc “ Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú, Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Người còn dặn dò các y tá: “y tá chẳng những là một nghề nghiệp mà là một nghĩa vụ, người y tá chẳng những chữa bệnh mà còn phổ biến vệ sinh”. Việc gìn giữ bồi dưỡng sức khoẻ của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái hy sinh”. Theo Người,nhân ái hay bác ái là nét nổi bật trong nhân cách người thầy thuốc, một nền y học tiến bộ phải tồn tại trên cái nền của lòng nhân ái. Vấn đề y đức cũng nên được đặt ra như một vấn đề đang thời sự; sự chuyển đổi từ một nền y tế trong cơ chế thị trường, những tác động tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ gìn đạo đức, phẩm chất người thầy thuốc. Khi đồng tiền được đặt ra giữa người thầy thuốc và bệnh nhân, bệnh nhân đến viện có nhiều phương thức trả tiền lại trong những điều kiện đời sống thầy thuốc còn nhiều khó khăn, thu nhập khiêm tốn, hạn chế thì những tác động tiêu cực cũng đã làm không ít thầy thuốc bị xói mòn lương tâm, đạo đức và hoàn toàn thay đổi tiêu chí trong mối quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân. Nhận rõ tính chất bức xúc trên, trong thời gian qua ngành y tế bằng nhiều biện phápđặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng y đức, với quyết tâm ngày càng nâng cao hơn nữa lòng tin nhân dân đối với ngành y tế, thể hiện qua 12 điều y đức, 10 điều về dược đức và một số quy chế chuyên môn, đã dần dần đi vào thực tiễn. Nhất là gần đây, việc khám chữa bệnh cho người nghèo theo quyết định 139/TTg, Bảo hiểm y tế được triển khai sớm đạt kết quả cao nhằm thực hiện đúng quan điểm của Đảng về công bằng trong công tác khám chữa bệnh. Thực tế đặt ra một nhu cầu việc khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng cao, trong khi đội ngũ CBCNV chưa đồng bộ, trang thiết bị kỹ thuật chưa đảm bảo, chế độ chính sách (lương, phụ cấp) chưa thoả đáng và nhiều khó khăn thách thức khác ảnh hưởng đến đời sống CBYT. Vì vậy, trong nền kinh tế thị trường, để không ngừng nâng cao y đức ngoài sự phấn đấu, học tập rèn luyện của CBYTcần phải có sự quan tâm giúp đỡ đồng bộ của các Cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Thầy thuốc chân chính thời nào cũng lấy chữ tâm làm đầu, đều xem việc điều trị, chữa bệnh cứu người làm lẽ sống, song nền kinh tế thị trường ở bất kỳ đâu cũng đều có mặt trái của nó. Người bệnh, nhất là khu vực thành thị có điều kiện thu nhập cao hơn trước, đã không chịu dừng lại ở mối “quan hệ tự nhiên”, có tính truyền thống đối với thầy thuốc như cũ, họ đã dùng đồng tiền với mong muốn thầy thuốc ưu ái hơn, quan tâm đặc biệt hơn trong việc khám, điều trị kê đơn cho bản thân, cho người thân mình. Nhiều người trong số này đã có những động thái rất nhanh nhẹn, khéo léo làm ố vàng chiếc áo blouse trắng, vừa đủ cho thầy thuốc biết. Họ kết hợp tinh tế giữa cái cho và cái nhận, giữa cái quà biếu với cái thân tình tự nhiên trong mối quan hệ bệnh nhân-thầy thuốc. Một điều khập khiễng trong thực tế cũng góp phần tác động không nhỏ đến suy nghĩ của thầy thuốc; chẳng hạn, người thầy thuốc thực hiện một ca phẩu thuật thành công thì phần thưởng chủ yếu là tinh thần; phần vật chất đến với họ chẳng là bao nhiêu; tất nhiên, những điều khập khiễng đó cũng có cái lý riêng của nó, song cũng là một tồn tại đáng suy nghĩ. Nghề y là một nghề rất cần kinh nghiệm, một cán bộ lâu năm trong ngành là một ưu thế, là vốn quý của ngành, nhưng phụ cấp thâm niên thì không được chấp nhận. Đáng hoan nghênh trên thực tế, đa số thầy thuốc và cán bộ ngành y đã đứng vững trước mọi thử thách, trước sự biến động phức tạp của nền kinh tế thị trường, trước sự chuyển đổi nhanh chóng và còn nhiều bất cập của các thang giá trị trong xã hội. Họ vẫn giữ cho tấm áo choàng trắng của mình trong trắng, nhân hậu như truyền thống vốn có của nó, mặc cho mọi sự quyến rũ bất chính của đồng tiền. Họ chịu đựng chung sống với những bất công, khập khiễng tạm thời, kiên trì phấn đấu cho một ngày mai công bằng và tươi sáng hơn. Song cũng phải thừa nhận có một tỷ lệ nhất định những thầy thuốc, cán bộ y tế đã dao động, chạy theo những cám dỗ tầm thường của cuộc sống hiện đại. Họ không còn tư cách một thầy thuốc vốn “Lương y như từ mẫu”, không còn là niềm tin yêu của người bệnh và dư luận lên tiếng, số này tuy không nhiều nhưng đã làm mất uy tín của ngành y tế không ít. Ngành y tế luôn phấn đấu để trở thành một ngành khoa học lớn, khám phá tìm ra các phương pháp hữu hiệu trong việc bảo tồn sức khoẻ và nâng cao tuổi thọ con người; đồng thời cũng không ngừng xây dựng một ngành dịch vụ đặc biệt trong việc phòng bệnh, chữa bệnh hàng ngày cho nhân dân. Đã là dịch vụ, tất nhiên có yếu tố thương mại, nhất là các dịch vụ cao cấp nhưng không bao giờ xa rời tiêu chí phục vụ, nhất là phục vụ người nghèo, người có công với đất nước và đối tượng người già và trẻ em.
|