|
Y sĩ-Thiếu úy Biên phòng Trần Việt Anh |
Y sĩ-Thiếu úy Biên phòng Trần Việt Anh, người lính quân hàm xanh giám sát tốt sốt rét ở cửa khẩu biên giới
Sau những năm tác động các biện pháp phòng, chống; tình hình sốt rét tại huyện vùng cao, biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chuyển biến tốt, số người mắc sốt rét giảm dần qua các năm, không còn tử vong do sốt rét và dịch sốt rét không xảy ra trong nhiều năm. Sốt rét nội địa trên cơ bản đã được khống chế nhưng thực trạng hiện nay mà địa phương đang phải đối mặt là tình hình sốt rét ngoại lai do bị nhiễm bệnh nơi khác ngoài vùng được bảo vệ trở về các cơ sở vào một số thời điểm. Theo dõi và quản lý các đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét từ năm 2005-2007 bằng mạng lưới chuyên khoa đã được xây dựng, phát triển ở cơ sở ghi nhận trong các đối tượng có giao lưu, người đi rừng chiếm 77,36%, vào rẫy ngủ lại đêm chiếm 17,02%, đi qua Lào chiếm 11,62%; người Lào qua biên giới chiếm 6,44% và người ở các thôn bản qua Lào trở về chiếm 5,12%. Đứng trước thực trạng tình hình này, Trung tâm PCSR-KST-CT đã phối hợp với Ban Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (Đồn 633) triển khai điểm kính hiển vi giám sát sốt rét biên giới ở cửa khẩu để kiểm soát, phát hiện bệnh nhân sốt rét trên các đối tượng qua về tại đây nhằm chủ động tổ chức công tác điều trị, hạn chế sự lây lan sốt rét từ mầm bệnh ngoại lai xâm nhập vào nội địa và các trường hợp tử vong ngoại lai. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã chỉ đạo cho bộ phận quân y của đồn chắm chốt cán bộ tại cửa khẩu, triển khai ngay điểm kính hiển vi giám sát sốt rét với sự giúp đỡ trang thiết bị, dụng cụ, chuyên môn kỹ thuật cần thiết của Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng. Y sĩ-Thiếu úy Biên phòng Trần Việt Anh được giao trách nhiệm phụ trách hoạt động của điểm kính hiển vi. | Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt |
Trần Việt Anh sinh ngày 30/04/1978, đúng vào ngày kỷ niệm Chiến thắng sau 3 năm đất nước được hoàn toàn giải phóng. Xuất thân trong một gia đình có quê quán tại Lệ Thủy, Quảng Bình, cha mẹ là cán bộ hưu trí, một chị là giáo viên và hai anh đều công tác trong ngành công an. Với truyền thống đó, Việt Anh là người con út đã tình nguyện nhập ngũ vào lực lương bộ đội biên phòng khi chưa đầy 22 tuổi. Với tuổi đời còn trẻ và lòng hăng say, nhiệt huyết; sau khi được huấn luyện tại Đại đội Huấn luyện C19 Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và phục vụ tại đây một thời gian , người lính trẻ này được đi học lớp y tá ngành quân y tại Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Ra trường được tổ chức phân công phục vụ công tác quân y tại Đồn Biên phòng 633, thuộc huyện vùng cao, biên giới A Lưới. Với nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 2003 Việt Anh được đi học lớp quân y sĩ tại Trường Trung học Quân y 2, Quân khu 7. Năm 2005 tốt nghiệp Y sĩ với quân hàm Chuẩn uý và tiếp tục về đơn vị cũ công tác, năm 2006 được thăng quân hàm Thiếu úy. Với sức bật của tuổi trẻ và còn độc thân, chưa có vợ con ràng buộc nên Y sĩ-Thiếu úy Biên phòng Trần Việt Anh đã tình nguyện cắm chốt tại Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt để làm nhiệm vụ. Khi tại đây có chủ trương xây dựng điểm kính hiển vi giám sát tình hình sốt rét, Việt Anh đã nhiệt tình và tự nguyện học tập thêm công tác xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét tại Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng, đồng thời tiếp nhận quy trình chỉ đạo, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất, thuốc điều trị ... triển khai ngay hoạt động. Các đối tượng người Lào qua biên giới và người dân ở các thôn bản qua Lào trở về qua cửa khẩu đều được kiểm soát, khám, xét nghiệm máu và có chỉ định điều trị phù hợp, chủ động ngăn chận mầm bệnh ngoại lai xâm nhập làm ảnh hưởng đến tình hình sốt rét của địa phương. Kết quả thực hiện sẽ được mở rộng thêm cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (Đồn 627) tại huyện A Lưới.
|