|
TS. Hoàng Kim Phúc |
Tiến sĩ Oxford và ước mơ tiêu diệt hoàn toàn muỗi truyền bệnh
Những chuyến thực tế khắp các nẻo đất từ Bắc chí Nam, nhiều lần chết hụt trên đường công tác, say mê thí nghiệm với hàng ngàn con muỗi gây sốt rét, tham vọng tiêu diệt hoàn toàn muỗi bệnh; Hoàng Kim Phúc đã được gọi là tiến sĩ "muỗi" nhờ những niềm đam mê ấy. Niềm say mê khoa học: Lấy thân mình nuôi muỗi để nghiên cứu Năm 90-91 của thế kỷ trước, đang ở những năm cuối cùng của trường đại học, Phúc chọn cho mình đề tài di truyền muỗi sốt rét với suy nghĩ thật đơn giản: căn bệnh sốt rét ở Việt Nam đã cướp đi sinh mạng hàng ngàn chiến sĩ thời chiến và người dân, phải làm điều gì đó… Một ước mơ mong manh của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết đã đưa anh đến những cánh rừng sâu từ Bắc chí Nam, ăn đói mặc rách, nằm làm mồi nhử trong rừng sâu cho muỗi độc đốt để có thể bắt chúng làm thí nghiệm..., chính Phúc đã bị căn bệnh sốt rét làm khổ sở.Khó có thể nói trong quãng đời khoa học của mình anh sẽ quên đi những lần chết hụt trong gang tấc, một lần đang trên sông nước thì bị vỡ bè, sinh viên của anh đã nhảy xuống nước, đẩy bè qua sông an toàn có lần đổ xe suýt mất mạng bên biên giới Việt-Lào, lần bị đuổi đánh do lần mò trong rừng sâu vì bị hiểu lầm... Rồi tất cả cũng qua, nhờ sự kiên trì, nhẫn nại, chàng trai trẻ đã khắc họa được bức tranh đa chiều về con muỗi gây sốt rét ở nước ta và các nước láng giềng. Chừng ấy thời gian, anh đi đi về về giữa 2 đất nước, thu mẫu và nghiên cứu tại 36 điểm khác nhau ở Đông Dương và biên giới Việt-Trung. Công việc chẳng phải dễ dàng chút nào khi anh phải cố gắng qua các cửa khẩu hải quan các nước với những con muỗi gây bệnh “chết người” này. Ấy vậy mà hàng ngàn con muỗi đã đi qua biên giới bằng sự khôn khéo, trí thông minh của nhà khoa học trẻ đất Việt để làm nên kết quả của ngày hôm nay. Các nghiên cứu về muỗi ở các nước khác nhau thường chỉ dùng các phương pháp khác nhau vì chỉ mạnh ở một vài phương pháp nào đó và vì vậy diện mạo của thủ phạm truyền bệnh được mô tả thường không nằm trong một hệ quy chiếu, ở nhiều chỗ, nhiều nơi nên đã đem lại những ngộ nhận kiểu như “thầy bói xem voi” và dẫn đến không chính xác về mặt dịch tễ học. Bài học “chớ thấy lá cong lên thì lại bảo là một loài, thấy lá cụp xuống là nghĩ ngay đó là loài khác” anh đã học được ở GS Phan Đình Diệu. Chàng trai Việt Nam đã sử dụng hầu hết các phương pháp và phương tiện hiện có, từ phương pháp cổ điển đến phương pháp cập nhật mới nhất; bốn loài muỗi khác nhau có tập tính khác nhau, thích nghi với những điều kiện địa lý sinh thái khác nhau ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Thái Lan. Những điều anh tìm thấy sẽ kết thúc nhiều tranh cãi về thành phần véc-tơ truyền bệnh và giúp hoạch định các phương án đối phó hữu hiệu hơn đối với mỗi loài này khi chúng sống xen kẽ nhau ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở Việt Nam. Tham vọng: Tiêu diệt hoàn toàn muỗi truyền bệnh | | Muỗi Anophenles-niềm say mê khoa học nghiên cứu của TS. Hoàng Kim Phúc |
Kết quả nghiên cứu của nhà khoa học trẻ Việt Nam đã chinh phục được các giáo sư ở một trường Đại học danh giá như Oxford, sau khi kết thúc luận án Tiến sĩ, anh được Trường này dành cho một vị trí nghiên cứu sau Tiến sĩ vào năm 2002. Anh chỉ có 2 ngày nghỉ giữa 2 bậc học Tiến sĩ và sau Tiến sĩ, thực chất công việc của anh là công việc của một cán bộ nghiên cứu độc lập nằm trong khuôn khổ một dự án lớn của cả nhóm nghiên cứu. Vừa nghiên cứu vừa tham gia hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh về muỗi (cả muỗi sốt rét và sốt xuất huyết), cậu trò xưa nay đã lên bậc thầy của các nghiên cứu sinh. Công việc của anh ngày nay là cố gắng chuyển gene gây chết vào muỗi và tìm hiểu các cơ chế bật tắt nhân tạo hay tự nhiên của di truyền học nhằm điều khiển các gene đó vào quần thể tự nhiên với hy vọng sẽ có ngày tiêu diệt hoàn toàn một loài muỗi truyền bệnh. Hiện Viện Pasteur Paris đang được phép nuôi giữ các dòng muỗi sốt xuất huyết do Hoàng Kim Phúc tạo ra và theo kế hoạch trong vài năm tới họ sẽ đem thử nghiệm thực địa tại một số Viện Pasteur vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Con đường khoa học còn rất dài, ở Việt Nam không có đủ phương tiện để nghiên cứu, đó cũng chính là lý do anh ở lại nước bạn để làm trọn vẹn ước mơ của một nhà khoa học trẻ Việt Nam. Anh kể, ở xa đất nước là cả một nỗ lực, cha mẹ anh phải hy sinh nhiều. Theo anh, xa tổ quốc cũng là một hy sinh của các nhà khoa học, nhìn về một khía cạnh nào đó. Thành quả nghiên cứu của anh sẽ từng bước được ứng dụng vào việc tiêu diệt loài muỗi gây sốt rét ở Việt Nam, đó là niềm tin giúp anh có đủ ý chí để đi về phía trước.
|