Luận bàn đôi chút về văn phong khi phát biểu tại các buổi họp hành, hội nghị “coi như là ... coi như là ... !”
Có lẽ ai đã từng tham dự các buổi họp hành, hội nghị, nghe tham luận hoặc nghe phỏng vấn trên các đài phát thanh, truyền hình đều có thể nhận biết một số người thường có thói quen phát biểu hay trả lời những nội dung cần thiết đã dùng cụm từ “coi như là ...” để đệm vào sự diễn đạt ý tưởng của mình. Vậy cụm từ “coi như là ...” có ý nghĩa như thế nào ? Nó có giống như là cụm từ “c’est à dire” (có nghĩa là) của tiếng Pháp không ? Đang diễn đạt những ý tưởng rất hay ho, lưu loát, rồi dừng lại với câu “coi như là ...” và phát biểu tiếp, rồi cũng dừng lại với câu “coi như là ...”. Người nghe cảm thấy khó chịu khi phải nghe “coi như là ...” rồi lại “coi như là ...” từ những người phát biểu hoặc trả lời phỏng vấn.“Coi như là ...” có ý nghĩa như thế nào ? “Coi như là” có ý nghĩa như là “xem như là”. Nó chẳng có ý nghĩa như thế nào cả nếu không muốn nói là vô nghĩa. Đây chỉ là một cụm từ đệm hoặc nói tóm lại những nội dung đã phát biểu ngay trước đó. Hôm nay cơ quan tổ chức hội nghị này “coi như là” để tổng kết nhiệm vụ công tác trong năm qua và triển khai phương hướng kế hoạch công tác trong năm tới. Hội nghị rất vinh dự được đón tiếp đồng chí A, “coi như là” Giám đốc ... đến tham dự và chỉ đạo hội nghị ... Khó nghe quá phải không các bạn ? Tổ chức hội nghị là để tổng kết nhiệm vụ công tác chứ còn “coi như là” gì nữa ? Đồng chí A là giám đốc rõ ràng rồi, có phải là Phó Giám đốc hay Quyền Giám đốc đâu mà phải phát biểu “coi như là” giám đốc. Nghe phát biểu mà buồn cười quá ! Trong một đoạn phát biểu, tham luận ngắn không chuẩn bị trước trên giấy viết hoặc đánh máy sẵn nội dung, chỉ nói bộ mà thôi thì một số người thường có tập quán hay thói quen sử dụng cụm từ “coi như là” để diễn đạt ý tưởng. Đáng buồn hơn khi nghe người phát biểu hoặc trả lời phỏng vấn chỉ có một đoạn nội dung ngắn mà dùng cụm từ đệm “coi như là” quá nhiều nên người nghe cảm thấy khó chịu. Các bạn thử chú ý khi nghe một số người phát biểu hoặc trả lời phỏng vấn có thói quen sử dụng cụm từ “coi như là”quá nhiều, các bạn sẽ cảm nhận được vấn đề khó chịu này. “Coi như là...” có ý nghĩa như “Có nghĩa là ...” không ? Có lẽ “coi như là” không có ý nghĩa như “có nghĩa là”. Tiếng Pháp cũng có cụm từ “C’est à dire” (Có nghĩa là) dùng để giải thích hay nhấn mạnh làm rõ các ý tưởng nội dung đã phát biểu hoặc trả lời ngay trước đó. Khi truyền đạt nội dung: “Dịch bệnh phát triển khi tại một cụm dân cư ở địa phương có nhiều người bị mắc bệnh so với mức bình thường và có nguy cơ bị tử vong, “có nghĩa là” số bệnh nhân tại đó gia tăng một cách đột ngột, có khả năng lây truyền tại chỗ làm cho nhiều người bị mắc bệnh và bị tử vong”. Ở đây dùng cụm từ “có nghĩa là” khác với cụm từ “coi như là” đã diễn giải ở trên; nếu thay thế “có nghĩa là” bằng “coi như là” thì rất khó nghe và không phù hợp với ngôn từ cần sử dụng. Mà trong phát biểu hoặc trả lời phỏng vấn, không thể dùng cụm từ “có nghĩa là” lặp đi lặp lại nhiều lần được vì nó chỉ sử dụng để giải thích những nội dung, ý tưởng cần làm rõ của các nội dung, ý tưởng đã phát biểu, trả lời ngay trước đó. Đừng để “coi như là ...” trở thành một tập quán hoặc thói quen ! Không có việc gì không cần luyện tập mà có kết quả tốt đẹp được. Vì vậy một số người thường phát biểu, trả lời phỏng vấn mà cứ “coi như là ...”, rồi lại “coi như là ...” đã trở thành tập quán hay thói quen cũng cần tập luyện để sửa đổi và hoàn thiện. Đừng để một tập quán hay thói quen không được khắc phục, sửa chữa thì đến một lúc nào đó anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, quần chúng ... sẽ đặt ngay cho mình một cái tên “Ông hoặc Bà Coi Như Là” đó !
|