Cách mạng tháng Tám 1945-sự đoàn kết và sức mạnh dân tộc vĩ đại
Cách đây 63 năm, chỉ trong thời gian khoảng hai tuần lễ cuối tháng 8/1945, toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên trong một cuộc Tổng khởi nghĩa, kiên quyết giành lấy quyền tự mình quyết định vận mệnh của dân tộc, Tổ quốc và của mỗi cá nhân con người như một nhân cách tự do trong một cộng đồng tự do. Sự kiện đó được nghi nhận trong lịch sử dân tộc ta là cuộc "Cách mạng tháng Tám 1945". Đây chính là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc đoàn kết: thực sự đoàn kết, biết đoàn kết và đoàn kết đúng lúc, kịp thời." Đoàn kết là bài học có tính quy luật đã được tổng kết và kiểm chứng nhiều lần trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Hơn nữa, đoàn kết đã trở thành một giá trị tiêu biểu trong nền văn hoá chính trị Việt Nam, truyền thống cũng như hiện đại. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử dân tộc ta, để đạt được sự đoàn kết dân tộc là một điều không dễ dàng. Đoàn kết không phải là điều hiển nhiên, cho dù đã trở thành một quy luật lịch sử. Thực tế này có cội nguồn sâu xa trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Bất cứ ai cũng có thể nhận thấy rằng có rất nhiều sự dị biệt, đa dạng cùng tồn tại trong lòng một dân tộc Việt Nam thống nhất. Thứ nhất, Việt Nam là một dân tộc đa sắc tộc với không ít các sắc tộc xuyên biên giới (cross-border minorities). Sự đa dạng về sắc tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú trong sắc thái văn hoá, nhưng đồng thời cũng luôn luôn hàm chứa những nguy cơ phân biệt, chia rẽ, mất đoàn kết. Thứ hai, trong hành trình dựng nước, đặc biệt là trong quá trình người Việt tiến dần về phía Nam, cùng với việc một số cộng đồng dân cư khác gia nhập vào cộng đồng dân tộc, bản sắc văn hoá Việt Nam ngày càng trở nên đa dạng, phong phú hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là những dị biệt về văn hoá giữa các tộc người và giữa các vùng miền trở nên rõ nét và phức tạp hơn. Hơn nữa, Việt Nam còn là quốc gia đa tôn giáo. Những dị biệt về sắc tộc, tôn giáo và văn hoá ấy trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định đã kết hợp với những mâu thuẫn xã hội giữa các giai cấp, các nhóm người khác nhau tạo nên tình trạng xung đột, thậm chí là những cuộc nội chiến kéo dài. Tuy cuối cùng xu hướng thống nhất dân tộc và truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái vẫn thắng thế và được khẳng định là xu hướng chủ đạo, nhưng thực tế lịch sử cũng đã chỉ ra rằng để đạt được sự đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước không phải là điều dễ dàng. Dân tộc ta cần phải luôn luôn tự mình học cách đoàn kết, và chỉ khi nào khối đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc thì nội lực dân tộc mới có cơ hội phát huy tốt, đất nước trở nên thái bình, thịnh trị, dân chúng yên vui, hạnh phúc. Từ giữa thế kỷ XIX nước ta bị rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất đã dẫn đến hoạ mất nước chính là khối đại đoàn kết dân tộc đã bị xói mòn nghiêm trọng. Trong suốt gần 100 năm đô hộ nước ta, núp dưới chiêu bài của "sứ mệnh khai hoá văn minh” thực dân Pháp đã thực thi chính sách “chia để trị” rất thâm độc, hòng khoét sâu thêm những dị biệt vốn có, làm cho các mâu thuẫn và những xung đột nội bộ trong lòng dân tộc Việt Nam ngày càng trở nên gay gắt hơn, do đó làm cho khối đoàn kết dân tộc của người Việt Nam không thể nào được khôi phục và phát triển được. Từ rất sớm các lãnh tụ của phong trào yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.v.v. đã sớm nhận ra rằng chừng nào toàn dân tộc ta chưa thực sự đồng tâm, nhất trí, đoàn kết lại dưới một ngọn cờ thì chừng đó dân tộc ta chưa thể tự mình giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Chính vì vậy các cụ không ngừng kêu gọi lòng "ái quốc" và sự "đồng tâm" của mọi mọi hạng người, của toàn dân tộc: Nghìn muôn ức triệu người chung góp, Gây dựng nên cơ nghiệp nước nhà... Có trời, có đất, có ta, Đồng tâm như thế mới là đồng tâm! Lời kêu gọi "đồng tâm" thống thiết của Phan Bội Châu và các lãnh tụ yêu nước hồi đó đã góp phần thức tỉnh ý thức dân tộc và lòng yêu nước của nhiều lớp người Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Song, lời kêu gọi dù thống thiết đến đâu mà thiếu cơ sở lý luận, thiếu những phương tiện, biện pháp cụ thể thì khối đại đoàn kết dân tộc cũng không thể trở thành hiện thực được. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam cho tới trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên tiến nhất của thời đại. Năm 1924, Người từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (gọi tắt là Thanh Niên), quy tụ những thanh niên - trí thức yêu nước ưu tú, mở nhiều lớp huấn luyện để đào tạo họ thành một lớp cán bộ tài năng, chuẩn bị cho sự nghiệp Dựng Đảng - Cứu nước vĩ đại. Ngay từ những bài học đầu tiên, Người đã chỉ ra, rằng: "Kách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người" (Đường kách mệnh). | Ảnh tư liệu | Trong những năm sau đó, dưới ảnh hưởng của Thanh Niên, phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam đã phát triển rất sôi nổi, đòi hỏi phải thành lập đảng cộng sản để đưa phong trào tiếp tục tiến lên. Nhưng rất tiếc là chính vào thời điểm này, lực lượng yêu nước và cách mạng lại bị phân liệt sâu sắc. Bên cạnh Việt Nam Quốc dân Đảng (thành lập năm 1927), từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930 đã xuất hiện ở Việt Nam ba tổ chức cộng sản. Các tổ chức này cùng tích cực vận động quần chúng công nông, nhưng lại không tránh khỏi công kích nhau. Đây chính là tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng, cản đường phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam. Đúng lúc đó, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc kịp thời xuất hiện, với uy tín và tài năng của mình đã đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản và lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Điểm thứ nhất trong “Năm điểm lớn” được Nguyễn ái Quốc đưa ra, coi như nguyên tắc để gạt bỏ các bất đồng trước đó và đi tới thống nhất phong trào cộng sản Việt Nam là: "Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương.”
Sự ra đời của Đảng với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo ra nhân tố hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đây là tiền đề quan trọng nhất cho những bước phát triển tiếp theo và cho thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh giải phóng và cho cuộc hồi sinh của dân tộc. Ngay sau khi Đảng ra đời, một cao trào cách mạng sôi nổi đã diễn ra trên phạm vi cả nước với đỉnh cao là hàng chục cuộc biểu tình ở Nghệ An và Hà Tĩnh dẫn đến sự ra đời của các làng đỏ - Xô Viết. Trong cao trào cách mạng này "công nông đã bắt tay nhau giữa trận tiền", liên minh cách mạng công - nông, yếu tố nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc đã hình thành trên thực tế. Tuy vậy, chỉ riêng yếu tố hạt nhân và yếu tố nền tảng thì vẫn chưa đủ để tạo ra và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc. Trong thời kỳ 1936 - 1939, trong điều kiện trong nước và thế giới có nhiều biến đổi quan trọng, Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đổi mới mạnh mẽ công tác vận động và tổ chức quần chúng. Một cao trào đấu tranh mạnh mẽ lại dâng cao khắp cả nước, lôi cuốn không chỉ hàng triệu quần chúng công nhân, nông dân, mà cả những tầng lớp yêu nước khác như trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, địa chủ, thân hào và tư sản dân tộc v.v. Đến thời kỳ này khối đoàn kết dân tộc được mở rộng và củng cố thêm một bước. Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ động bắt tay liên minh với một số tổ chức yêu nước, tiến bộ khác. | Ảnh tư liệu |
Tuy nhiên qua cao trào vận động dân chủ 1936 - 1939 có thể thấy vẫn còn tồn tại hai hạn chế lớn cần phải khắc phục nhằm củng cố khối đại đoàn kết dân tộc thực sự vững mạnh. Thứ nhất, trong công tác tuyên truyền cách mạng và vận động quần chúng, cho tới lúc đó Đảng ta chưa thực sự chú trọng tới việc phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc. Các tài liệu tuyên truyền thường nói nhiều hơn đến đấu tranh giai cấp, mà ít nói tới cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; các đợt đấu tranh thường được phát động trong các dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga, Quảng Châu Công xã, kỷ niệm "3 L" (Lenin, Liepknecht, Luxamburg), mà hầu như không phát động đấu tranh nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm Hai Bà Trưng, giỗ Đức Thánh Trần v.v. Đây chính là một hạn chế không nhỏ, bởi lẽ chủ nghĩa yêu nước luôn luôn là giá trị tinh thần quan trọng nhất để quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, nhất là trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Thứ hai, khối đại đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ áp bức ngoại bang chỉ thực sự được củng cố vững chắc và phát huy tác dụng khi nó được hiện thực hoá thông qua một hình thức tổ chức thích hợp. Đây chính là vấn đề mà cho tới lúc đó Đảng ta chưa thực sự quan tâm đầy đủ. Hình thức tổ chức của mặt trận dân tộc thống nhất mà Đảng đề ra trong thời kỳ 1930-1936 là Mặt trận phản đế Đông Dương và trong thời kỳ 1936-1939 là Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Tuy nhiên, cả hai hình thức tổ chức này chưa bao giờ được hiện thực hoá. Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ (3/9/1939), tình hình quốc tế và trong nước chuyển biến hết sức mau lẹ và sâu sắc. Từ tháng 11/1939 Đảng ta đã kịp thời điều chỉnh đường lối chiến lược và sách lược cho phù hợp với tình hình. Với sự trở về của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ VIII của Đảng họp vào từ ngày 10 đến 19/5/1941 đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, mở ra con đường đi tới thắng lợi của cuộc đấu tranh yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Hội nghị khẳng định: “... cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng"; do vậy: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”. (Văn kiện Đảng toàn tập, T.7, NXB CTQG HN, 2000). Để phát huy tối đa sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần dân tộc, hội nghị chủ trương đặt mục tiêu của cuộc cách mạng trong phạm vi từng dân tộc ở Đông Dương để xem xét và giải quyết một cách cụ thể. | Ảnh tư liệu | Một trong những quyết định quan trọng nhất, trực tiếp liên quan đến việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, chuẩn bị lực lượng một cách kiên trì và toàn diện cho cuộc vùng lên tự giải phóng, chính là quyết định thành lập mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt Minh). Trong tuyên ngôn của mình Việt Minh tuyên bố rõ ràng: "Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn".
Hội nghị Trung ương VIII của Đảng và sự ra đời của mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Lần đầu tiên chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng. Các đoàn thể trong mặt trận Việt Minh đều được gọi là Cứu quốc hội. Trong các tài liệu tuyên truyền hàng ngày của Đảng, nhất là các tài liệu do Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo, lời kêu gọi đoàn kết dân tộc đã được thay thế cho lời kêu gọi đoàn kết giai cấp và đấu tranh giai cấp. Các biểu tượng như "con Rồng cháu Tiên", Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Lam Sơn, Bạch Đằng,... đã được tôn vinh để cổ vũ tinh thần yêu nước và ý thức đoàn kết dân tộc. Về phương diện tổ chức, với sự ra đời của mặt trận Việt Minh, lần đầu tiên mặt trận dân tộc thống nhất đã trở thành hiện thực. Quan trọng hơn, Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo tỉ mỉ cán bộ Đảng trong việc lập ra hàng chục loại Cứu quốc hội khác nhau để tập hợp tất cả các nhóm trong cộng đồng dân tộc Việt Nam vào một tổ chức có độ cố kết bền vững không chỉ dựa trên tinh thần yêu nước mà còn dựa trên những quy tắc tổ chức giản đơn nhưng rất chặt chẽ. Vì vậy mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng, mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên gấp bội thông qua việc biến khối đại đoàn kết ấy thành một tổ chức có sức chiến đấu cao. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, thông qua Việt Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà lần đầu tiên còn biết cách đoàn kết có hiệu quả cao nhất. | Ảnh tư liệu | Từ sau khi ra đời mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng trở thành hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc. Lực lượng cách mạng đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Việt Minh ngày càng được mở rộng và phát triển không ngừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của những diễn biến rất phức tạp và mau chóng của thời cuộc, những bất đồng, dị biệt cố hữu của dân tộc vốn được thực dân Pháp và phát-xít Nhật lợi dụng, khoét sâu thêm, không phải dễ dàng gì một sớm một chiều vượt qua được. Trong hàng ngũ những người Việt Nam yêu nước, không ít người đã bị những chiêu bài tuyên truyền của thực dân Pháp, phát xít Nhật hoặc quân phiệt Trung Hoa lung lạc lôi kéo. Trên thực tế, lực lượng yêu nước và khối đại đoàn kết dân tộc cho đến trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn sự chia rẽ, nghi ngại, thậm chí bài xích lẫn nhau. Ngay trong nội bộ Đảng và mặt trận Việt Minh cũng còn tồn tại ở một số địa phương, nhất là ở Trung Kỳ và Nam Kỳ, tình trạng chia rẽ, phân liệt. Đây là tình hình rất nghiêm trọng, nhất là khi thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền đang đến rất gần. Trong một bức thư gửi các cán bộ Đảng ở Trung Kỳ, Tổng bí thư Trường Chinh đã nghiêm khắc chỉ thị: "Phải kíp chạy lại dưới lá cờ chói lọi của Đảng... Không thể biệt phái chia rẽ! Không thể do dự, hoài nghi!". Đối với cán bộ Đảng ở Nam Kỳ, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: "Chúng ta sẽ phạm phải một tội lớn, nếu trước giờ quyết liệt, chúng ta còn chia rẽ mãi".
Giữa lúc đó, ngay từ ngày 13/8/1945 có tin Nhật Hoàng đã chấp nhận đầu hàng Đồng Minh. Ngay đêm đó Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc đã phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 15/8, tin Nhật đầu hàng chính thức được công bố. Tại Tân Trào, từ nhiều ngày trước đó, mặc dù bị ốm nặng, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm, hối thúc việc triệu tập Quốc dân Đại hội. Theo chỉ thị của Người, ngày 16/8 Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc, tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua đề nghị tổng khởi nghĩa của mặt trận Việt Minh. Trong khi đó, ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh khác, cán bộ Đảng và Việt Minh chưa thể nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa. Căn cứ vào các chỉ thị trước đó của Đảng, trên cơ sở phân tích cụ thể tình hình địa phương, tuyệt đại đa số cán bộ Đảng và Việt Minh cơ sở đã mau chóng tự quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, không bỏ lỡ thời cơ. Và điều quan trọng hơn, quyết định đó được tuyệt đại đa số quân chúng nhân dân mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài mặt trận Việt Minh. Kết quả là chỉ trong vòng khoảng hai tuần lễ làn sóng biểu tình chính trị mạnh mẽ của hàng triệu quần chúng cùng với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cách mạng đã nhanh chóng lật đổ chính quyền tay sai thân Nhật, lập ra chính quyền cách mạng. 63 năm trôi qua, Cách mạng tháng Tám vẫn được xem như một sự kiện diệu kỳ trong lịch sử dân tộc. Hàng trăm công trình nghiên cứu của các sử gia Việt Nam và nước ngoài đã được công bố, đưa ra những kiến giải khác nhau về sự kỳ diệu của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Sự thực lịch sử là: với sự ra đời của mặt trận Việt Minh, ngọn cờ dân tộc được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết và trong suốt hơn 4 năm trời Việt Minh đã thực sự trở thành nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh của nhiều lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ. Khối đại đoàn kết toàn dân đã không những được khôi phục, được củng cố mà còn được nâng lên tầm cao mới, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tạo ra xung lực hồi sinh mạnh mẽ để bùng phát kịp thời, khi thời cơ đến. Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng bên cạnh mặt trận Việt Minh, một số lực lượng yêu nước khác, theo những cách thức riêng của mình, đã góp phần mạng mẽ vào việc thức tỉnh lòng yêu nước của toàn dân, để rồi trong giờ phút quyết định, trên cơ sở của tinh thần yêu nước, đã nhanh chóng quy tụ dưới ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Minh, góp phần không nhỏ vào cuộc vùng lên "đem sức ta tự giải phóng cho ta” (Nguyễn ái Quốc). Trong số những lực lượng đó, trước hết phải kể đến lực lượng thanh niên, sinh viên yêu nước ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác. Về danh nghĩa lực lượng này do chính quyền thực dân Pháp đã phát xít hoá tạo ra hòng lợi dụng lòng yêu nước của thanh niên, sinh viên Việt Nam. Song, chính tầng lớp này đã biết dụng kế "gậy ông đập lưng ông”, lợi dụng cơ hội đó để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp dân chúng một cách hợp pháp. Những chuyến đi thăm quan Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, ải Chi Lăng, những đoàn hướng đạo sinh tổ chức đi cắm trại và hát vang những bài ca yêu nước, những vở kịch lưu diễn ở nhiều nơi kể về sự nghiệp Hai Bà Trưng, Lê Lợi vv... đã thực sự thổi bùng lên lòng yêu nước của dân chúng khắp cả ba Kỳ. Sau khi bắt liên lạc với Việt Minh, một bộ phận lớn trong phong trào yêu nước trên đã gia nhập Việt Minh. Bộ phận còn lại, sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp (9.3.1945) gia nhập Phong trào thanh niên Tiền tuyến ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ và Thanh niên Tiền phong ở Nam Kỳ. Hai lực lượng này, một do chính phủ Trần Trọng Kim lập ra, một do quân đội Nhật gợi ý cho ra đời, với mục đích lợi dụng phong trào thanh niên làm hậu thuẫn cho chính quyền bù nhìn, thân Nhật. Tuy nhiên, hai lực lượng này đã sớm được Việt Minh liên lạc và trong giờ phút quyết định đã nhanh chóng đứng dưới cờ Việt Minh. Làn sóng đấu tranh sục sôi do Việt Minh và các lực lượng yêu nước khác tiến hành đã đánh thức và cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết vì đại nghĩa dân tộc của cả những tầng lớp và cá nhân vốn có quá khứ gắn chặt với chế độ thực dân. Hoàng đế Bảo Đại là một ví dụ điển hình. Trong những ngày tháng 8/1945, làn sóng yêu nước mạnh mẽ của toàn dân đã đủ sức cảm hoá cả ông vua đã suốt 20 năm làm bù nhìn cho thực dân Pháp, khiến ông ta tự tuyên bố "ưng làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ". Ngày 30/8/1945, Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị, trao ấn vàng, kiếm nạm ngọc lại cho đại diện Việt Minh. Trong ngày đó, Bảo Đại còn kêu gọi hoàng tộc và toàn dân đoàn kết, bởi lẽ "đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết". Như thế, cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thực sự là biểu trưng, là kết quả của khối đại đoàn kết dân tộc, là hội tụ của các nguồn xung lực hồi sinh mạnh mẽ của toàn dân tộc trong thời khắc bước ngoặt lịch sử dưới ngọn cờ chói lọi tinh thần yêu nước của mặt trận Việt Minh do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
|