|
Cứ sáng sáng rồi chiều chiều, các cán bộ Viện lại miệt mài chăm chút từng bữa ăn cho đàn bọ gậy. |
“Bác sĩ” của… muỗi
Thật ra, họ chưa bao giờ học nghề bác sĩ. Nhưng nghề của họ lại gắn liền với những con muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét. Quanh năm suốt tháng, họ vẫn miệt mài với những công việc “hổng giống ai”, nào bỏ phố lên rừng lấy thân mình bắt muỗi, rồi lại đem chúng về nuôi, chăm sóc còn hơn cả chăm con, phẫu thuật để nghiên cứu… Công việc nguy hiểm, gian khổ, nhưng đã trở thành niềm đam mê máu thịt của các cán bộ khoa Côn trùng, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn. Chăm muỗi hơn… chăm conNhư mọi ngày. Buổi sáng, vừa vào đến cơ quan, chị Nguyễn Thị Duyên, tổ trưởng tổ nuôi cùng đồng nghiệp là Nguyễn Hồng Sang tất bật với công việc. Hôm nay, tổ chỉ còn 2 người thay nhau “cáng đáng” công việc vì 2 thành viên khác đang đi học. Việc đầu tiên là giải quyết vệ sinh chuồng trại và thức ăn cho đám gia súc (thức ăn của muỗi). Sau đó, lên phòng nuôi muỗi dọn dẹp vệ sinh, thay nước cho những khay chứa bọ gậy, lăng quăng đã bị bẩn và cho chúng ăn, nhặt lăng quăng bỏ vào phòng kín để khi thành muỗi chúng không thoát ra ngoài. Công việc ở phòng nuôi trứng muỗi và bọ gậy coi như tạm ổn. Họ lại tiếp tục sang phòng nuôi muỗi dọn vệ sinh, lau chùi sạch sẽ các lồng nuôi, cho muỗi “ăn” bằng nước đường, vitamin và máu chuột… Công việc lại lặp lại đều đặn đủ 6 lần như thế trong một ngày. Thức ăn của bọ gậy là bột tôm, gan heo (vịt) và bột bánh mì xay nhuyễn để đảm bảo đầy đủ các nhóm dinh dưỡng (protein, gluxit, lipit và vitamin). Còn muỗi lớn thì uống nước đường, vitamin và máu chuột. Lúc tôi đến, chị Sang đang cho muỗi “cái” chích máu chuột. Phòng nuôi có đến hàng ngàn con. Chị Duyên giải thích: “Gọi là phòng nuôi nhưng thực tế là phòng giữ chủng các loài muỗi để phục vụ công tác nghiên cứu. Hiện nay, ngoài một số ít muỗi Ades truyền bệnh sốt xuất huyết, tổ đang nuôi 3 loài muỗi là vectơ chính truyền bệnh sốt rét ở Việt Nam là loài Anopheles minimus, Anopheles dirus, Anopheles sundaicus”. Ngược hẳn với thời tiết oi nồng bên ngoài, phòng nuôi muỗi là một không gian thoáng mát bởi hàng trăm chậu cây xanh và dây leo. Ban đầu, việc trồng cây xanh trong phòng nuôi chỉ là sở thích, nhưng sau đó, các chị nhận thấy đây cũng chính là nhu cầu của muỗi, phải sống trong môi trường có độ ẩm cao, gần giống như sinh cảnh tự nhiên ở vùng rừng núi. | | (trong hình : Chị Sang-cán bộ của Viện đang cho muõi ăn) | Nuôi muỗi cũng là một nghề đặc thù, đòi hỏi phải có kiến thức. Vì thế, 100% nhân viên của tổ đều đã tốt nghiệp cử nhân sinh học, cử nhân xét nghiệm, thậm chí chị Duyên đã học xong khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành. Cái giống muỗi này ở ngoài tự nhiên sao cũng được, nhưng hễ đưa về đây thì khó chìu lắm. Chỗ ở phải luôn luôn sạch sẽ, tiệt nhiên không được có chút hóa chất nào. Các khay nước nuôi bọ gậy và trứng cũng phải thay thường xuyên, nếu chỉ cần có mùi chua thì chúng chết ngay.
Để muỗi phát triển trong môi trường nhân tạo, nhiệt độ phòng nuôi phải luôn 20-30 độ C, độ ẩm 75-90. Nóng hay lạnh một chút cũng đều không được. Vào tháng mưa, độ ẩm quá cao, các chị phải đóng kín cửa, bật điều hòa sưởi ấm. Nhưng khổ nhất là mùa nắng, đặc biệt mùa gió lào tháng 7, 8 hàng năm, muỗi bị ốm, không chịu “ăn”, mấy chị em phải chia nhau đưa tay vào cho muỗi chích để nuôi chúng. Chị Duyên, nói vui: “Một lần như thế là hàng ngàn con muỗi cùng bu vào châm đốt. Lắm khi, mấy chị em đùa nhau, giống như là quả báo vậy. Bình thường, mình bắt chuột và thỏ cho muỗi đốt, thì bây giờ chính mình cũng biến thành “thức ăn” của muỗi. Đây là muỗi sạch, chứ như muỗi mang trùng sốt rét, chắc chẳng ai trụ nổi với nghề”. Khổ công bắt muỗi mang về, nhưng để chúng sống được ở môi trường nhân tạo cũng là một kỳ công và phải mất thời gian khá dài. Có hôm đem về 50 con muỗi loài Anopheles truyền bệnh sốt rét nhưng chỉ 9-10 con sống sót. Nuôi một ngàn con thì cũng chỉ có vài chục con thích ứng với môi trường nhân tạo. Đến khi muỗi mẹ sinh hàng ngàn trứng thì cũng chỉ có vài chục trứng phát triển thành muỗi. Vì thế, để có được một “trang trại” muỗi như hiện nay, phải có sự kế tục trong một thời gian dài qua nhiều thế hệ. Chị Duyên tâm sự: “Nuôi muỗi còn bận rộn hơn cả nuôi con mọn. Sáng mùng một tết, tụi tui cũng phải trực”. | Ngủ giữa rừng sâu để “phục” muỗi. | Bỏ phố, lên rừng...
Suốt ngày lục đục với muỗi nhưng so với công đoạn đi thực địa, chị Duyên bảo như thế vẫn chưa thấm vào đâu. Họ tự nguyện bỏ phố lên rừng. Khoa Côn trùng hiện có 24 người, chia thành 6 tổ đội, nhưng khổ nhất là những người làm việc ở thực địa. Trong đó, tổ Anopheles vẫn là mũi nhọn của công tác điều tra, giám sát thực địa và nghiên cứu chuyên sâu về muỗi truyền bệnh sốt rét. Tổ Anopheles có 8 thành viên, người thâm niên nhất là cử nhân Nguyễn Hồng Sanh đã có 26 năm gắn bó với nghề, còn người trẻ nhất cũng đã vài năm lăn lộn ở vùng rừng núi. Hầu hết các thành viên đều là dân thành phố. Tổ có nhiệm vụ giám sát vectơ sốt rét với mục đích đánh giá mật độ muỗi truyền bệnh sốt rét, mổ muỗi để xác định thoa trùng và nang trùng trong cơ thể muỗi để phục vụ công tác điều trị và tìm ra các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Nói một cách lý thuyết là thế, còn công việc thực tế là đi… bắt muỗi. | Các cán bộ của Viện đàn chong đèn bắt muỗi | Thạc sĩ Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Côn trùng, nửa đùa nửa thật: “Một nửa thời gian trong năm vác ba lô đi khắp 15 tỉnh, thành trong khu vực miền Trung-Tây nguyên. Nhưng khổ nỗi, những chuyến du lịch này chỉ diễn ra trong rừng sâu, núi cao, nơi chẳng có đường đi. Lắm khi đi bộ từ nóc nhà này sang nóc nhà khác trong cùng một thôn mà phải mất cả ngày đi bộ. Người ta ngủ mùng thấy muỗi bay vào sợ, còn mình lại lấy thân mình cho muỗi đốt”.
Anh Nguyễn Hồng Sanh, một tay bắt muỗi kỳ cựu của tổ, nói thêm: “Thật ra có nhiều phương pháp để bắt muỗi, nhưng phương pháp được sử dụng nhiều nhất vẫn là mồi người. Sốt rét chỉ xảy ra ở vùng núi cao, rừng sâu. Nơi càng xa, càng khó khăn càng có nhiều muỗi truyền bệnh sốt rét. Bây giờ, sốt rét đỡ rồi nên mỗi chuyến đi cũng chỉ một tháng hoặc 10-15 ngày, chứ trước kia, ở luôn mấy tháng trời mới về nhà. Nhiều đợt đi lâu, mang lương thực theo không đủ, anh em phải xin cơm của bà con ăn, tối chỉ cần chiếc võng mắc vào 2 gốc cây là xong”. | Chị Duyên tâm sự: “Nuôi muỗi còn bận rộn hơn cả nuôi con mọn. Sáng mùng một tết, tụi tui cũng phải trực”. (trong hình : chị Nguyễn Thị Duyên, tổ trưởng tổ nuôi đang cho bộ gậy ăn trong labo nuôi muỗi của Viện) | Trèo đèo, lội suối, điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn và gần như thành viên nào cũng đã bị “dính chưởng” sốt rét, thậm chí đã có người ở Viện chết vì làm bạn với muỗi truyền bệnh sốt rét. Mừng rơn khi tối hôm đó bắt được con muỗi, sáng hôm sau mổ ra thấy muỗi có ký sinh trùng sốt rét là lập tức phải lo uống thuốc. Nhưng, uống thuốc cũng chỉ là ngăn chặn bệnh tái phát mạnh, chứ ký sinh trùng sốt rét đã vào cơ thể thì vẫn phát bệnh như thường.
Ngoại trừ bệnh nghề nghiệp, chuyện đi bắt muỗi bị rắn rít, thú dữ cắn; bị người dân địa phương đuổi đánh vì nghi… ăn trộm là chuyện thường ngày của đội. Anh Sanh, nhớ lại, cái lần đi bắt muỗi ở huyện miền núi Eahleo (tỉnh Đắc Lắc). Lúc này bà con đang mùa thu hoạch cà phê, dù đã báo trước kế hoạch bắt muỗi với xã và thôn, nhưng tối hôm ấy vừa lò dò cầm đèn pin soi bắt muỗi thì anh bị một thanh niên ở làng rượt đánh vì ngỡ anh ăn trộm cà phê. Hay như chuyện, đi kiểm tra bà con có ngủ màn ban đêm hay không thì bị bà con “suỵt” chó ra cắn. Cách đây vài năm, anh Nguyễn Khanh - một thành viên của tổ - đi bắt muỗi ở điểm nghiên cứu của huyện Vân Canh bị rắn cắn phải cấp cứu tại BVĐK tỉnh… Nhưng “ám ảnh” nhất đối với các tay săn bắt muỗi là đang ở vùng núi cao chẳng may mắc bệnh nặng hoặc té ngã thì coi như tiêu… Công việc gian khổ, nhưng ngoài số nam giới của tổ còn có sự tham gia của các thành viên ngoài tổ, trong đó có nhiều chị em. Những hy sinh thầm lặngThời gian ở rừng nhiều, nên mọi việc ở nhà, họ đều giao phó hết cho vợ. Cử nhân Phan Châu Do cũng là một thành viên của tổ Anopheles được Viện “biệt phái” vào điểm nghiên cứu ở vùng trọng điểm sốt rét Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) từ năm 1994 đến nay. Hai tháng anh mới được nghỉ 10 ngày để về thăm nhà và báo cáo tình hình hoạt động cho Viện. Dù đôi khi vợ vẫn thường hay trách vì không có thời gian lo cho gia đình, con cái, bạn bè cũng từng rủ về thành phố làm việc khác, nhưng với những cán bộ của khoa Côn trùng “Mỗi khi mổ được một con muỗi, tìm được thoa trùng gây bệnh lại thấy việc làm của mình ý nghĩa”. | Lội suối trèo đèo bắt muỗi và bọ gậy. | 5 năm sống ở rừng núi Vân Canh (Bình Định), chị Duyên đã nhiều lần bị sốt rét hành hạ. Vậy mà vẫn đam “mê” đi rừng, ở núi, chỉ đến khi lập gia đình, có con nhỏ chị mới thôi, về thành phố nuôi muỗi. Chuyển sang nuôi muỗi, chị bảo lắm khi chìu muỗi quá cũng thấy bực nhưng cứ thấy chúng khỏe là vui. Hôm nào, muỗi trở bệnh, chết thì chị lại xót xa, đau đớn.
Thầy thuốc nhân dân, tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, cho biết: “Hiện nay, miền Trung-Tây nguyên vẫn là vùng trọng điểm sốt rét của cả nước. Khoa Côn trùng là một trong những bộ phận chủ chốt, trọng yếu của Viện, đóng góp vào công cuộc phòng chống sốt rét ở khu vực. Công việc gian khổ, phải hi sinh thầm lặng nhưng hiện nay chế độ cho anh em vẫn còn rất ít ỏi. Vì thế, họ làm việc bằng tâm huyết và niềm đam mê là chính”.
|