|
GS. TS. Đỗ Nguyên Phương |
Vĩnh biệt GS. TS. Đỗ Nguyên Phương: Người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam
Mới cách đây 7 ngày, ngày 27/9/2008, GS. Đỗ Nguyên Phương trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi và tôi, đã cùng chủ trì "Ngày hội đông y với sức khỏe người cao tuổi". Ngày 1/10/2008, Giáo sư còn đến dự lễ kỷ niệm nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam ở một số địa phương. Giáo sư đã đột ngột ra đi sau một cơn đau nặng vào trưa ngày 3/10/2008... Tất cả chúng tôi đều bàng hoàng, xúc động, nhớ đến Giáo sư với bao kỷ niệm. Tôi là học trò của GS. Đỗ Nguyên Phương từ cách đây 40 năm. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn quen gọi Giáo sư với niềm kính trọng, quý mến: "Thầy Phương". Từ một học sinh trường phổ thông ở Hà Bắc, trở thành sinh viên Trường đại học Y khoa (năm 1968), vào những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, tôi theo trường đi sơ tán lên các xã vùng núi thuộc huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Chuẩn bị bước vào năm học mới 1968, chúng tôi được triệu tập lên lớp để nghe Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn trường Đỗ Nguyên Phương truyền đạt Nghị quyết của Trung ương Đảng về công tác thanh vận trong thời chiến. Tôi có những ấn tượng tốt về thầy Phương từ buổi gặp gỡ đầu tiên ấy. Với dáng người tầm thước, đôi mắt sáng, nụ cười đôn hậu, cởi mở, thân tình với tất cả chúng tôi, bài nói của thầy Phương đã được thanh niên sinh viên hào hứng và phấn khởi đón nhận một cách say sưa với cuộc nói chuyện hấp dẫn, với kiến thức sâu và vốn sống thực tế rất phong phú của người thầy đã có thâm niên công tác đoàn trên chục năm. Thầy đã là cán bộ đoàn khi còn là sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Y dược khoa xã hội chủ nghĩa từ kháng chiến, trở về Hà Nội (1955-1960). Thầy tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1960, là thanh niên trẻ nhất của trường, được kết nạp Đảng năm 1960 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng. Ra trường, thầy là giảng viên Bộ môn Giải phẫu rồi là giảng viên Bộ môn Ngoại, làm việc tại Bệnh viện Việt Đức. Những năm đầu chiến tranh chống Mỹ, với chiếc xe đạp cũ, thầy Phương cùng các giảng viên khác của trường đã đưa các tổ sinh viên các năm cuối phục vụ cấp cứu chiến thương tại nhiều vùng máy bay Mỹ đánh phá ở khu IV và Quảng Bình, Vĩnh Linh. | BS. Đỗ Nguyên Phương (bìa phải) và các đồng nghiệp tại vùng giải phóng Tây Ninh năm 1973. Ảnh: TL |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường, thầy Phương - thủ lĩnh thanh niên của trường chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động đoàn trong phong trào dạy tốt và học tốt. Trong cảnh sống nơi sơ tán xa Hà Nội, ở lán, nằm sạp dân công, cơm sắn, canh rau rừng, bánh nắp hầm bột mỳ luộc, chỉ có chút cải thiện do tự tăng gia, nhưng việc học tập vẫn đảm bảo chất lượng, toàn trường có phong trào văn nghệ, thể thao phong phú, vui tươi. Đoàn thanh niên Trường Y luôn dẫn đầu phong trào đoàn các trường đại học. Sang năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng khốc liệt, đế quốc Mỹ ồ ạt tăng quân xâm lược miền Nam, ném bom miền Bắc nhiều nơi, Chủ tịch nước ban hành sắc lệnh Tổng động viên. Tôi cùng hơn 100 sinh viên cùng khóa vừa học hết năm thứ ba gia nhập quân đội theo lệnh điều động của Bộ Quốc phòng. Tại sân trường ở khu ký túc xá Khương Thượng, Ban giám hiệu nhà trường, thầy Phương - Bí thư Đoàn trường đã đến tiễn chúng tôi trong lễ chia tay cảm động. Tôi vào chiến trường Quảng Trị tham gia chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chiến trường cần nhiều thầy thuốc giỏi. Thầy Phương và một số các thầy giáo Trường Y và một số cán bộ các đơn vị trong ngành được Bộ Y tế điều động đi B để tăng cường nhân lực phục vụ chiến trường. Tháng 10/1971, thầy lên khu tập kết Hòa Bình để tập hành quân bộ với ba lô vác nặng. Sau 6 tháng hành quân, các thầy đã vượt Trường Sơn để vào tận B2. Thầy luôn đi cùng với GS. Đặng Kim Châu có mặt ở nhiều mặt trận, phát huy sở trường ngoại khoa, tham gia mổ, cứu chữa nhiều thương bệnh binh cùng việc thực hiện công tác tại các cơ sở y tế vùng giải phóng. Thầy trò chúng tôi mỗi người một chiến trường, không được biết tin của nhau, tới cuối 1973 (sau Hiệp định Paris), chúng tôi được trở lại nhà trường, thầy Phương công tác tại Bộ môn Ngoại, tôi tiếp tục công việc học tập. Năm 1976, thầy được Bộ Y tế bổ nhiệm là Hiệu phó Trường đại học Y Hà Nội. Thời gian đó, BS. Phương 39 tuổi, là người ít tuổi nhất trong các trường, được tín nhiệm làm Hiệu phó, Phó Bí thư Đảng ủy của một trường đại học lớn, trường trọng điểm quốc gia. Thầy đã góp phần cùng lãnh đạo nhà trường xây dựng phong cách học tập mới cho sinh viên y khoa, học tập gắn liền với phục vụ, đưa các đoàn cán bộ trẻ và sinh viên đi thực tế, tham gia công tác y tế phục vụ cộng đồng, khắc phục hậu quả lũ lụt... Thầy sớm đặt vấn đề phát hiện các nhân tố tích cực trong cán bộ trẻ và sinh viên để đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho nhu cầu sau này. Là cán bộ trẻ trong quy hoạch cán bộ, năm 1978, thầy Phương được Bộ Y tế cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, sau đó năm 1980, thầy được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô (AOH). Năm 1984, thầy được cấp bằng Tiến sĩ tại Viện này. Còn tôi, sau khi ra trường được làm giảng viên Bộ môn Sản phụ khoa của trường, rồi được đi thực tập tại Cộng hòa dân chủ Đức. Chúng tôi thường xuyên thư từ, tin tức và gửi cho nhau các nhu yếu phẩm cần thiết. Trở về Việt Nam năm 1984, thầy tiếp tục công việc giảng dạy và là Phó Chủ nhiệm khoa. Từ năm 1987-1994 là Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Thầy được Nhà nước công nhận chức danh Giáo sư năm 1991, Giáo sư Triết học năm 1996, và đã hướng dẫn 15 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Năm 1995-2002 là Bộ trưởng Bộ Y tế, bằng sức khỏe dẻo dai, thầy đã tới gần như tất cả các vùng của Tổ quốc từ địa đầu cực Bắc tới tận cùng miền Nam, bằng đôi chân bộ đã đi khắp các bản làng xa xôi hẻo lánh để tổ chức mạng lưới y tế cơ sở, xóa các xã trắng chưa có trạm y tế trên các bản Mèo vùng cao, phấn đấu nâng dần số bác sĩ phục vụ dân tại xã. Bộ trưởng chỉ đạo và huy động cán bộ toàn ngành y tế, đặc biệt là các cán bộ y tế làm công tác dự phòng, nỗ lực triển khai tốt công tác tiêm chủng mở rộng. Ngành y tế đã tổ chức thành công “Những ngày tiêm chủng toàn quốc” và các chiến dịch tiêm chủng đặc biệt khác. Thành quả lớn nhất đã đạt được là từ tháng 1/1997 xóa không còn trẻ mắc bệnh bại liệt ở Việt Nam. Ngày 15/12, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã long trọng tuyên bố: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt kể từ năm 2000”. Bộ trưởng là người có công tổ chức viết lịch sử ngành y tế 55 năm phục vụ cách mạng, xây dựng hoành tráng hơn Nhà truyền thống ngành y tế và chủ biên các tập sách viết về cuộc đời và sự nghiệp các giáo sư lão thành của ngành và đặt tên một số danh nhân y tế trên các đường phố của Thủ đô Hà Nội. Là người luôn chăm lo cho dân, trong các chuyến công tác tại các cơ sở y tế bao giờ Bộ trưởng cũng dành thời gian thăm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và tặng quà cho từng má. "Con là Phương, Bộ trưởng Bộ Y tế đến thăm má đây...". Bộ trưởng quan tâm đặc biệt đến công việc và đời sống của những nhân viên y tế ấp, thôn bản, hỏi thăm các chế độ bồi dưỡng xem đã phù hợp chưa, có được lĩnh nhận đầy đủ không? Bộ trưởng dành thời gian thăm các bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc nghiện hút, tiêm chích. Bộ trưởng ân cần hỏi han từng người, bằng sự nhân ái và bằng cả tấm lòng thương yêu, Bộ trưởng đã truyền cho họ niềm tin để đứng dậy sau lần vấp ngã. Bộ trưởng còn là người con hiếu thảo của gia đình. Khi cụ thân sinh ốm, thầy đã đến Bệnh viện Việt Xô chăm sóc cụ như bao người thân của bệnh nhân khác. Hết giờ làm việc, Bộ trưởng vào viện nằm giường gấp bên cạnh cụ để chăm sóc qua nhiều đêm thức trắng. | Đồng chí Đỗ Nguyên Phương (bên trái ảnh), đồng chí Nguyễn Quốc Triệu (bên phải ảnh) thăm và làm việc với đồng chí Sô Lây Tăng - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, năm 1996. Ảnh: CTV | Năm 2002 - 2007, Giáo sư Đỗ Nguyên Phương là Trưởng ban Khoa giáo Trung ương với những đóng góp lớn đẩy mạnh công tác khoa giáo của Đảng.
Từ tháng 5/2007, Giáo sư đã nghỉ hưu và tham gia làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam. Thầy là tấm gương đối với tôi, gia đình tôi. Tôi đã phấn đấu làm được nhiều việc, cống hiến cho cách mạng theo gương thầy. Thật là lý thú, có những sự trùng hợp. Tôi có những điểm giống thầy: từ một giảng viên, cán bộ đoàn trở thành Bí thư đoàn Trường đại học Y, rồi Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và từ năm 2007 là Bộ trưởng Bộ Y tế. Thầy còn là ân nhân của gia đình tôi. Khi còn ở Trường đại học Y, thầy đã vun đắp cho hạnh phúc của vợ chồng tôi, đều là học trò của thầy. Thầy đã thay mặt cho họ nhà trai, đi hỏi vợ cho cán bộ đoàn. Ngày cưới của chúng tôi, vào những năm đi lại khó khăn, thầy đã không hề quản ngại ra ga Hà Nội đi chuyến tàu 2 giờ đêm để về Nam Định làm chủ hôn. Cả hai chúng tôi đã trưởng thành; Vợ tôi BS. Trần Thúy Hạnh, đã là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, đang là quyền Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Giáo sư Đỗ Nguyên Phương đã có cuộc đời vinh quang, với sự nghiệp rất vẻ vang, luôn phấn đấu không ngừng cho lý tưởng cao đẹp của Đảng với những cống hiến lớn: 48 năm tuổi Đảng, 2 khóa ủy viên BCH Trung ương Đảng, 2 khóa đại biểu Quốc hội, 7 năm là Bộ trưởng Bộ Y tế, 5 năm là Trưởng ban Khoa giáo TW Đảng. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất... Là cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ, ông luôn sống giản dị, chan hòa với mọi người, luôn sống chân thành, thủy chung, chu đáo và luôn làm việc tốt cho người khác. Giáo sư có rất nhiều học trò học tại Trường đại học Y Hà Nội, có hàng trăm học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đang là cán bộ chủ chốt của ngành y tế và nhiều ngành tại các địa phương, ngưỡng mộ thầy, kính trọng thầy. Thầy đã đi xa, nhưng hình ảnh thầy luôn còn mãi trong tim chúng tôi.
|