|
GS.TS. Đỗ Nguyên Phương đến thăm và tặng quà cho bà con các tỉnh nghèo |
Vĩnh biệt một con người đức độ, tài năng-GS.TS. Đỗ Nguyên Phương
Chúng tôi, những người học trò và đồng nghiệp của anh thật sửng sốt và đau xót khi nhận được tin GS.TS. Đỗ Nguyên Phương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế (1995-2002), nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương (2002 - 2007) đã từ trần lúc 11h10’ ngày 3/10/2008. Mãi 24 giờ sau khi nhận được tin anh mất, tôi mới trấn tĩnh và mới có thể ngồi để viết ra những dòng chữ này vừa để tưởng nhớ anh, vừa để thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc với một người thầy đã dìu dắt tôi trong các bước đường công tác. Hình ảnh của anh mặc áo trấn thủ (một loại áo bông không có tay và chần bằng đường may hình quả trám mà bộ đội Cụ Hồ mặc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp) với tư cách Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động (nay là Đoàn TNCSHCM) Trường đại học Y - Dược Hà Nội niềm nở tiếp đón chúng tôi bước chân vào năm thứ nhất Trường đại học Y Hà Nội 46 năm về trước. Hay hình ảnh anh với mũ tai bèo và bộ quân phục quân giải phóng lúc chia tay chúng tôi năm 1972 để anh vào chiến trường B2 vẫn giữ mãi trong tôi suốt những năm tháng qua. Ở anh, suốt cuộc đời lúc nào cũng toát lên hình ảnh của một con người nhiệt tình, trách nhiệm và đôn hậu, là niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho đồng nghiệp và học trò. Bài học lớn nhất mà chúng tôi học được từ anh, đó là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chính trị và chuyên môn (y học và y tế): trong chuyên môn có chính trị và trong chính trị có chuyên môn. Khi tôi còn là cán bộ giảng dạy Đại học Y Hà Nội và tham gia Thường vụ Đoàn thanh niên nhà trường và anh là Bí thư Đoàn trường, nhiều lần anh chỉ dẫn tôi cách tổ chức hội nghị bàn về phong cách học tập và nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ và sinh viên trong nhà trường. Vào thời đó chính trị đi trước, chuyên môn theo sau, chính trị và chuyên môn dễ tách rời, lúc coi trọng cái này nhưng coi nhẹ cái kia. Khi bàn việc học tập của sinh viên, có xu hướng chỉ coi trọng xây dựng động cơ học tập mà coi nhẹ phương pháp, vì vậy các bài thuyết trình chỉ dừng lại ở cách nói chung chung học tập vì lý tưởng cách mạng, vì tương lai, vì nhân dân... mà ít nói phải làm thế nào để học giỏi. Anh đã dặn tôi rằng phải giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên, nhưng nếu thật sự vì lý tưởng cách mạng thì sinh viên phải cần và phải biết học giỏi. Thế là Đoàn thanh niên nhà trường đã tổ chức nhiều hội thảo để giới thiệu kinh nghiệm hay của những sinh viên giỏi trong các khóa học. Không ngờ nhiều sáng kiến hay được chia sẻ và một phương pháp được đề cao là sinh viên phải chủ động và tự học là chính, thay cho lối học tổ nhóm truyền khẩu, thụ động. Rồi có lúc tranh luận diễn ra mạnh mẽ và có người quy kết anh và tôi mang nặng "tư tưởng chuyên môn thuần túy". Nhưng anh đâu có phải như vậy. Khi anh đã ở cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế và tôi vừa được đề bạt là Thứ trưởng giúp việc cho anh, anh gọi tôi vào phòng làm việc và nói với tôi rằng: “Cậu là một cán bộ khoa học trẻ (xin nói thêm năm 1996, tôi là cán bộ còn trẻ trong ngành y được phong học hàm giáo sư, và lại vinh dự được phong cùng một đợt với anh, anh là giáo sư triết học, còn tôi là giáo sư y học), nhưng làm quản lý không phải chỉ cần có chuyên môn. Cậu phải cắp sách đến học nghiêm chỉnh một khóa tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tớ giao cho cậu nghiên cứu chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh về sức khỏe và công tác chăm sóc sức khỏe. Đây sẽ là cái gậy để cậu vươn lên trong công tác quản lý y tế". Tuân theo lời anh, tôi đã đến Học viện để theo học lớp tại chức 4 năm và cặm cụi nghiên cứu chuyên đề trên. Bây giờ ngẫm lại lời anh dặn mới thấy hết ý sâu xa trong kết hợp giữa chính trị và chuyên môn. | GS.TS. Đỗ Nguyên Phương thăm Bệnh viện mắt TW năm 1996. (ảnh lấy từ: báo sức khỏe đời sống) |
Cũng chính với sự kết hợp nhuần nhuyễn đó mà trong tư tưởng của anh, định hướng "công bằng" luôn luôn là chủ đề xuyên suốt trong quản lý y tế của nước ta trong thời đổi mới với cách quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Bước vào thời kỳ mở cửa 1986, chúng ta nghĩ một cách đơn giản rằng khi áp dụng cơ chế thị trường vào quản lý kinh tế thì đương nhiên chúng ta sẽ có một mô hình y tế phù hợp và bắt nhịp với cơ chế đó. Đâu có biết ngay trong cơ chế thị trường, nền y tế cũng có nhiều kiểu mô hình: có loại phù hợp với thị trường tự do (lấy lợi nhuận là mục tiêu của nền y tế) và có loại phù hợp với thị trường xã hội (lấy nhân đạo và công bằng là mục tiêu chính của y tế). Do không có định hướng ngay từ đầu, nên trong những năm cuối của thập kỷ 80 và hai năm đầu của thập kỷ 90, nền y tế của ta đã rơi vào sự khủng hoảng nghiêm trọng và y tế cơ sở đã đứng bên bờ vực thẳm của sự tan rã. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã đề ra những quan điểm cơ bản của y tế trong thời kỳ đổi mới. Từ đó chúng ta mới có phương hướng rõ ràng trong xây dựng một nền y tế trong cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Song mặt trái của cơ chế thị trường mang lại sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn ngày một sâu sắc. Năm 1995, khi anh được Trung ương điều chuyển từ cương vị Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sang làm Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế đang đứng trước những thách thức lớn: nhân đạo hay thương mại hóa? y đức hay lời lãi?... Rồi một lần, anh đến chúc Tết bác Phạm Văn Đồng, bác cầm tay anh nói to từng chữ: “Các anh không được biến bệnh viện thành cái chợ và trong cái chợ ấy, người thầy thuốc là con buôn". Rời Phủ Chủ tịch ra về, anh đến thẳng nhà tôi để chúc Tết mẹ tôi và gia đình, nét mặt anh vẫn suy tư và nhắc lại với tôi lời dạy của bác Phạm Văn Đồng. Anh chia sẻ với tôi: “Sâu sắc chí lý và lớn lao quá cậu ạ. Tớ với cậu phải làm gì đây". Mười hai điều y đức của anh ra đời trong hoàn cảnh đó. Khái niệm “Công bằng trong chăm sóc sức khỏe” được anh làm sâu sắc thêm trong hoàn cảnh đó. Sự nhuần nhuyễn giữa chính trị và chuyên môn trong anh không chỉ trên bình diện lý luận mà còn trong phong cách làm việc. Một lần được tháp tùng anh thăm một xã của huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (lúc đó là Hậu Giang), thấy xã có một chị bác sĩ công tác nên việc khám chữa bệnh của nhân dân được cải thiện rất nhiều, nhân dân không phải đi xa, nhất là mùa nước nổi, trạm y tế quy củ và sạch đẹp. Anh quay lại hỏi tôi (lúc ấy tôi vừa làm Thứ trưởng vừa làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ): "Sao ta không đưa việc này thành phong trào hở cậu". Lặn lội vào thực tiễn, rồi từ thực tiễn rút ra bài học và nâng thành chính sách (cái mà ngày nay Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo làm chính sách phải dựa trên bằng chứng) - một tấm gương lớn ở anh. Sau này bắt chước anh, có lần tôi thăm một trường tại huyện Tân Biên, Tây Ninh và chợt thấy khẩu hiệu treo trên cổng nhà trường, đại ý thầy trò nhà trường quyết phấn đấu thành trường chuẩn quốc gia. Tôi chợt nghĩ tại sao ngành mình không xây dựng xã đạt chuẩn y tế quốc gia. Tôi về báo cáo anh, anh cười một cách rất tình cảm và khen tôi: “Cậu đã lên tay rồi đấy”. Ý tưởng và chủ trương xã đạt chuẩn y tế quốc gia cũng bắt đầu từ thực tiễn. Biết tôi say mê với chuyên môn ghép thận, nhưng có lần anh tâm sự và dặn tôi: “Ghép thận cứu người bệnh cũng tốt và cũng cần, nhưng cậu hãy đưa nhiều bác sĩ giỏi của ngành mình xuống các tỉnh, huyện, xã khó khăn để cầm tay chỉ việc cho tuyến dưới. Việc này sẽ cứu được nhiều người hơn". Anh giao cho tôi trực tiếp chỉ đạo phong trào này và trực tiếp dẫn các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy về với Kiên Giang, Bệnh viện Bạch Mai về với Tuyên Quang, TP. Hồ Chí Minh về với Bình Phước, Việt Đức về với Cao Bằng, Trung ương Huế về với Kon Tum... Sự nhuần nhuyễn giữa chính trị và chuyên môn trong anh lại càng được thể hiện khi gay cấn. Đầu năm 2001, khi các tỉnh Tây Nguyên có rối ren, anh đã chỉ thị cho y tế các tỉnh Tây Nguyên tổ chức thầy thuốc mang cơm, mang nước, mang thuốc và mang cả chính sách của Đảng đến với dân. Việc làm này của y tế Tây Nguyên đã góp phần không nhỏ vào việc vãn hồi an ninh trật tự tại vùng. Suốt những năm làm Thứ trưởng y tế giúp việc anh, tấm gương về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và y tế của anh là một bài học sâu sắc và ảnh hưởng lớn lao đến nhận thức và phong cách làm việc của chúng tôi. | GS Đỗ Nguyên Phương đọc báo cáo đề dẫn tại Hội nghị giao ban định kỳ lần này do Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức nhằm đánh giá kết quả phối hợp hoạt động công tác 6 tháng đầu năm 2004 ( GS.TS Đỗ Nguyên Phương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương cho biết: 6 tháng qua, Ban Khoa giáo Trung ương đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các bộ, ngành thuộc khối thực hiện thành công các nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất; thẩm định; hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động trong lĩnh vực khoa giáo; thực hiện đúng tiến trình của các đề án được giao thuộc chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2004, điển hình là hoàn thành sơ kết Chỉ thị 45 của Trung ương về "Đẩy mạnh các hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam"; phối hợp cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng đề án "Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục"; phối hợp với Bộ Tài Nguyên & Môi trường để hoàn thiện dự thảo lần thứ nhất Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và 6 năm thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước; phối hợp với Bộ Y tế và Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về chăm sóc sức khỏe nhân dân và dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới...) | Nói đến Đỗ Nguyên Phương còn phải nói đến tài dùng người giúp việc. Mô hình y tế Công bằng - Hiệu quả - Phát triển trong cơ chế quản lý kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y tế. Các nước có quá trình chuyển đổi như nước ta mà một thời y tế đã trở thành bông hoa của chủ nghĩa xã hội cũng ít nhiều chịu sự chao đảo về y tế trước mặt trái của các quy luật kinh tế thị trường. Để tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước có các quyết sách đúng đắn và phù hợp với thực tiễn, anh đã tập hợp nhiều chuyên gia trong và ngoài nước để phát huy trí tuệ của tập thể, vừa đúc rút kinh nghiệm vừa nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới. Nhiều hôm ánh đèn trong phòng làm việc của anh vẫn sáng đèn 10h - 11h đêm. Sau một chút lót dạ chiều thanh đạm, anh ngồi với chúng tôi - những người cộng sự - để bàn cho thấu đáo từng chính sách, từng ý trong dự thảo nghị quyết hay chỉ thị. Làm việc với nhóm có lúc căng thẳng do sự chưa đồng thuận giữa các thành viên, anh lại làm việc với từng người để tạo điều kiện cho người được nói có hoàn cảnh nói hết ý nghĩ của mình mà không sợ một sự quy chụp hay thành kiến. Với tôi, một người kém anh tám tuổi đời và chỉ là người giúp việc, nhưng anh bao giờ cũng dành sự chăm chú khi nghe tôi trình bày ý kiến và ghi chép tỷ mỷ. Thỉnh thoảng có chỗ tôi diễn đạt không tốt làm anh khó hiểu, anh lại bắt tôi nói lại. Có lúc đang nghe, anh lại ra cho tôi các câu hỏi làm tôi lúng túng và có lần xin khất để suy nghĩ thêm. Sự chân tình lắng nghe và thẳng thắn trong trao đổi đã làm chúng tôi không ngần ngại đưa ra những ý kiến mặc dầu có ý kiến trái với ý của anh. Cái quý giá đối với những người làm công việc giúp anh là được anh nghe và áp dụng những ý hay vào công việc. Với kinh nghiệm thế giới, anh rất trân trọng. Anh đã chỉ thị cho chúng tôi mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về hoạch định chính sách y tế vào Việt Nam để học tập kinh nghiệm. Khi chúng tôi mời được Giáo sư Xiao, đã từng là cố vấn về chính sách y tế cho vợ chồng Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, sang Việt Nam để cùng Giáo sư Goran Dahlgren, chuyên gia hàng đầu về chính sách y tế của Thụy Điển, trao đổi kinh nghiệm với chúng tôi về công bằng trong chăm sóc sức khỏe, anh đã căn dặn tôi: “Cậu phải mời các vị ấy ra Hạ Long và cậu ngồi hai ngày mà học các vị ấy. Cậu ngồi ở Hà Nội thì cậu cứ nhấp nhổm lo hết công việc này đến công việc khác và cậu không học được gì đâu". Tuân lời anh, tôi đã cùng các vị chuyên gia ra Hạ Long để nghe các vị giảng giải về y tế trong cơ chế thị trường. Xung quanh anh là một tập thể làm việc trách nhiệm và được làm việc một cách trách nhiệm. Chính tấm lòng đôn hậu và cách đối xử chân thành của Đỗ Nguyên Phương đã tạo ra bầu không khí đó tại các nơi anh là thủ trưởng.
| GS.TS. Đỗ Nguyên Phương ( từ phải sang trái : người thứ 5) đến thăm Viện sốt rét - KST-CT Quy Nhơn | Có lần đi đến một địa phương, do anh có một "ê kíp" làm việc với tính cộng đồng trách nhiệm cao, một đồng chí lãnh đạo đã khen là anh đã có những "con bài trùng". Dạ xin thưa, chúng tôi không dám nhận là "con bài trùng" của anh mà chúng tôi mãi mãi chỉ là những học trò của anh. Với cá nhân, từng người chúng tôi luôn được anh gọi là "cậu" và xưng là "tớ", vì anh coi chúng tôi như những người em trong gia đình, và hơn thế, những "cậu học trò cưng" của anh. Than ôi! chẳng bao giờ lại được nghe anh gọi chúng tôi bằng "cậu" và xưng “tớ" nữa. Với tấm lòng tri ân sâu sắc, xin vĩnh biệt anh, một người thủ trưởng, một người thầy, một Bộ trưởng đôn hậu và tài năng.
|