|
GS.TS. Phạm Văn Thân |
Gương sáng của một người Thầy- GS.TS. Phạm Văn Thân-Thầy giáo Nhân dân
Ai sinh ra và lớn lên mà lại không có những kỷ niệm đẹp: kỷ niệm về tuổi ấu thơ sống trong vòng tay cha mẹ, kỷ niệm về tuổi học trò cắp sách đến trường, kỷ niệm về mối tình đầu trong trắng, đặc biệt là kỷ niệm sâu sắc về biết bao thế hệ những người thầy đã tận tình dìu dắt chúng ta trưởng thành… Nhớ về các thầy cô giáo đã từng dạy dỗ tôi cho đến nay, ký ức của tôi không bao giờ phai nhạt được hình ảnh các thầy cô của Bộ môn Ký Sinh trùng-Trường Đại học Y Hà Nội đã từng truyền đạt cho tôi kiến thức và kỹ năng chuyên môn cùng những lời chỉ dạy ân cần, những lời động viên chân thành trong quá trình học tập. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi xin trân trọng gửi tới toàn thể các thầy cô Bộ môn Ký sinh trùng lời chúc sức khoẻ và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ xin phép được nêu lên tấm gương một người Thầy, đó là GS.TS. Phạm Văn Thân-Thầy giáo Nhân dân-nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng-Trường Đại học Y Hà Nội. | GS.TS. Phạm Văn Thân (người đứng) trong Lễ bảo vệ luận án Thạc sĩ của học sinh | Khoác ba lô rời quân ngũ, trở về Trường Đại học Y Hà Nội để tiếp tục học tập, rèn luyện trở thành thầy thuốc tương lai; tôi chia tay đồng đội trong niềm vui cùng niềm bâng khuâng khó tả khi sự nghiệp y tế sẽ mở ra cho tôi một bước ngoặt cuộc đời, nhưng những năm tháng của người lính đặc công sẽ còn mãi mãi lắng đọng trong tôi... Tôi được Thầy Phạm Văn Thân giảng dạy từ năm thứ 3 về chuyên ngành ký sinh trùng, trong đó chu kỳ phát triển của các loại ký sinh trùng ký sinh ở người cùng các phác đồ điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng chống có hiệu quả được Thầy phân tích và minh hoạ dễ hiểu, sinh động. Thế rồi 6 năm học trôi qua nhanh chóng, tôi trở thành Bác sĩ Đa khoa Nội nhi về nhận công tác tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn thuộc Bộ Y tế. Khi ra trường, người đầu tiên tôi gặp để xin quyết định làm thủ tục thuyên chuyển công tác là Thầy Phạm Văn Thân, lúc bấy giờ là Trưởng phòng Giáo vụ kiêm cán bộ giảng dạy Bộ môn Ký sinh trùng, Thầy đã rất vui khi thấy tôi về nhận nhiệm vụ tại Viện nghiên cứu chuyên ngành và ân cần khuyên tôi cố gắng phấn đấu thực hiện tốt công tác chuyên môn nhằm góp phần làm cho chuyên ngành ký sinh trùng ngày càng vững mạnh. Trong quá trình công tác tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, tôi có dịp gặp Thầy nhiều lần trong các đợt hội thảo khoa học chuyên ngành, những công trình nghiên cứu khoa học của Thầy và các đồng nghiệp là những tài liệu tham khảo rất có giá trị trong công tác nghiên cứu khoa học của chúng tôi. | GS.TS. Phạm Văn Thân (người đứng thứ 4 từ phải sang) trong Lễ bảo vệ luận án Thạc sĩ của học sinh | Sau 6 năm công tác tại Viện, tôi trở lại Trường Đại học Y Hà Nội để dự thi khoá nghiên cứu sinh chuyên ngành ký sinh trùng của trường, một lần nữa tôi lại vinh dự được là học sinh của Thầy lúc này là Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng. Tôi được Thầy cùng các đồng nghiệp cử làm lớp trưởng hai khóa nghiên cứu sinh chuyên ngành Ký sinh trùng (khoá 13 & 14) học tập chung cùng với nhau gồm 12 nghiên cứu sinh. Dưới sự hướng dẫn và chỉ dạy tận tình của Thầy Thân cùng các thầy cô trong Bộ môn, chuyên ngành ký sinh trùng đã trở thành niềm đam mê đối với tôi cũng như 12 nghiên cứu sinh đang theo đuổi chuyên ngành này. Công lao của Thầy Phạm Văn Thân rất lớn khi đã tạo nhiều bước đột phá về công tác đào tạo nhà trường nói chung và Bộ môn Ký sinh trùng nói riêng, đặc biệt là Bộ môn đã đào tạo cho Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn nhiều cán bộ sau đại học trở thành lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Viện mà trước đó là PGS.TS. Lê Khánh Thuận, TS. Triệu Nguyên Trung; tiếp theo là chúng tôi cùng nhiều thế hệ đàn em của Viện.
| TS.Lê Huy Nga-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế và GS.TS. Phạm Văn Thân (người áo trắng) chụp hình lưu niệm cùng Lãnh đạo Viện Sốt rét-KSt-CT Quy Nhơn qua các thời kỳ |
Trong bối cảnh cơ chế thị trường đầy biến động, chuyên ngành Ký sinh trùng rất ít có cơ hội làm kinh tế như những chuyên ngành y tế khác; tuy nhiên với sự động viên tận tuỵ của Thầy, nghiên cứu sinh chúng tôi có chỗ dựa và sự quyết tâm lớn hơn. 6 năm thực hiện nghiên cứu sinh lại tiếp tục trôi qua, chúng tôi được Thầy hướng dẫn, lên kế hoạch, tất cả các chứng chỉ và các công trình nghiên cứu được dần dần hoàn thiện. Có lần Thầy đã nói với tôi: “Anh là lớp trưởng phải đi tiên phong bảo vệ luận án đầu tiên nhé, để các anh khác noi theo, đầu xuôi đuôi lọt đấy”. Vâng tấm lòng của người Thầy luôn luôn lo cho trò, không chỉ lo cho một trò mà lo tất cả cho các trò. Thú thật trong lúc đó tôi cảm thấy Thầy như bậc Cha, bậc Chú. Thực hiện lời dạy của Thầy, tôi đã bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công vào tháng 5/2000 và 11 đồng nghiệp của tôi cũng lần lượt bảo vệ thành công vào những năm sau. Thầy thở phào nhẹ nhõm, thế là 12 Tiến sĩ mà Thầy đau đáu chăm lo trong 6-8 năm trời đã bảo vệ luận án thành công tốt đẹp. Mà đâu có phải chỉ riêng lớp nghiên cứu sinh chúng tôi, Thầy còn lo cho biết bao những bác sĩ chuyên khoa, nội trú, cao học đã tốt nghiệp ra trường với những tấm Bằng xuất sắc. | GS.TS. Phạm Văn Thân trong Hội nghị tổng kết công tác đào tạo và định hướng hoạt động trong giai đoạn mới của khu vực miền Trung-Tây Nguyên |
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên được coi là cái nôi của bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng, do đó vấn đề đào tạo cán bộ chuyên ngành sau đại học có tầm quan trọng đặc biệt giúp cho việc kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả cao. Ý thức được điều này, TS. Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã quyết tâm bằng mọi giá phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo các lớp cao học chuyên ngành. Sự quyết tâm này được Thầy ủng hộ và giúp đỡ tạo điều kiện cho 13 Thạc sĩ của 2 khoá 12 &13 thuộc các tỉnh miền Trung-Tây nguyên bảo vệ thành công. Giờ đây các Tiến sĩ, Thạc sĩ được đào tạo đã và đang giữ những trọng trách của các đơn vị, họ tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp phòng chống các bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng, côn trùng truyền bệnh nói riêng và cho sự nghiệp sức khoẻ nhân dân nói chung. Ngoài công tác đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học chuyên ngành, chúng tôi không quên được những đóng góp của Thầy trong các đề tài, dự án nghiệm thu hay những bản đề cương sơ khảo. Mỗi một lời nhận xét, đánh giá của Thầy mang âm hưởng của một vị giáo sư uyên bác, trung thực và mô phạm. Vâng tiếp xúc với Thầy, tôi không những học ở Thầy về phong cách làm việc, về tình yêu nghề nghiệp, về đức độ của một người Thầy, tôi còn học ở Thầy một nếp sống gia phong, kính trên nhường dưới. Nhiều lần được ngồi tâm sự cùng Thầy, Thầy đã nói về quê hương, về cội nguồn, về đạo đức con người; có một lần nhân dịp đi họp Hà Nội, tôi được Thầy mời chiêu đãi với lý do: “Hôm nay để Tôi mời anh Chương nhé, tôi vừa được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân đân”. Chao ôi, thật bình dị và kính trọng Thầy, tôi vui quá, vì năm ấy (2006) tôi cũng vinh dự được nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Vâng một kỷ niệm đẹp nữa lại đến với tôi, tôi thấy mình càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng là học trò của Thầy. | GS.TS. Phạm Văn Thân chủ trì Hội nghị chuyên ngành Sốt rét và các bệnh ký sinh trùng khu vực miền Trung -Tây Nguyên | Hôm nay kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, từ vị trí là học trò của Thầy tôi cũng đã trở thành một người thầy với 19 năm đứng trên bục giảng, nhưng tâm hồn tôi luôn nhớ mãi về tấm gương của một người Thầy mẫu mực, một nhà khoa học, một nhà sư phạm đã để lại dấu ấn không những cho tôi mà còn cho biết bao thế hệ học trò khác. | GS.TS. Phạm Văn Thân (người đứng) trong Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Chương | | GS.TS. Phạm Văn Thân (người đứng phải ngoài cùng) chụp ảnh chung cùng với các thầy cô và gia đình của TS.Nguyễn Văn Chương | Một lần nữa xin được kính chúc Thầy Phạm Văn Thân luôn mạnh khoẻ tiếp tục cống hiến cho khoa học, cho sự nghiệp đào tạo, góp phần chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tôi cũng mong rằng qua gương sáng một người Thầy, bản thân tôi cũng như tất cả các bạn đồng nghiệp hãy nỗ lực nhiều hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn nữa để không phụ công lao của những người thầy đã giúp chúng ta có được ngày hôm nay.
|