|
Công nhân Công ty đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng) trước giờ vào ca. Ảnh: Minh Trường |
Đảng với dân là một
Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, những thắng lợi vĩ đại và huy hoàng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam là mối quan hệ gắn bó trong một chỉnh thể thống nhất. Quá trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng khẳng định sức mạnh “dời non, lấp biển” của sự thống nhất “ý Đảng và lòng dân là một”; sự thống nhất giữa lý tưởng của Đảng với khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của nhân dân Việt Nam; sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân trong mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Gần tám thập kỷ qua, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích huy hoàng, được nhân dân tin tưởng, mến yêu. Điều đó có được bởi sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, sự hy sinh quên mình và những tấm gương mẫu mực, sáng trong về tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên. Mệnh đề “Đảng với nhân dân là một” không phải là câu khẩu hiệu mà là bản chất mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Bản chất của mối quan hệ này thể hiện tập trung ở chỗ: Lý do ra đời, tồn tại và mục tiêu hoạt động của Đảng là vì nhân dân, vì độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân; nguồn sức mạnh bất tận và vô địch của Đảng là từ nhân dân, ở trong nhân dân; và Đảng là của dân, vì dân, dân một lòng một dạ theo Đảng, Đảng quan tâm chăm lo đến dân, dân sống chết chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng. Điều đó đã được thể hiện cụ thể, sinh động trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, là nhân tố cơ bản, sức mạnh chủ yếu và động lực quyết định những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đảng - dân và đặt ra nội dung mới đối với việc tăng cường mối quan hệ đó. Vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu hiện nay trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ Đảng - dân là chúng ta phải kiên quyết khắc phục sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cần thấy rằng, uy tín của Đảng, lòng tin của dân đối với Đảng, mối quan hệ Đảng - dân phụ thuộc vào chính sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, vào phẩm chất, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên. Lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước trước hết và trực tiếp biểu hiện ở lòng tin đối với tổ chức Đảng và chính quyền địa phương, đối với mọi cán bộ, đảng viên của Đảng. Hiện nay cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và cấp ủy các cấp đấu tranh khắc phục sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; nêu cao tính đảng, tính tiền phong gương mẫu trong quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. “Các cấp ủy và tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân, cán bộ lãnh đạo, trước hết là cán bộ cấp cao, phải trực tiếp tham gia và đi đầu trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(1). Tăng cường mối quan hệ Đảng - dân, các tổ chức Đảng cần phải thường xuyên quan tâm và thực hiện các chủ trương, chính sách hợp lòng dân, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Các chính sách của địa phương, cơ sở cần phải sát dân, gắn với dân, thực sự vì dân, vì cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Sức mạnh của nhân dân là to lớn, tai mắt của nhân dân là tinh tường và hết sức khách quan. Sự nghiệp xây dựng Đảng không phải là sự nghiệp của riêng Đảng, mà đó là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cần phát huy vai trò và tinh thần làm chủ của nhân dân và các tổ chức quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở và giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, trong đấu tranh chống tham nhũng. Điều đó là sự biểu hiện sinh động quyền làm chủ của nhân dân, lòng tin tưởng, tình cảm và quyết tâm của nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Đảng ta. Nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, là thể hiện sâu sắc ý Đảng lòng dân, góp phần quan trọng làm chuyển biến phương thức lãnh đạo, công tác điều hành, quản lý và lề lối làm việc của các cấp ủy Đảng, chính quyền; là phương thức hữu hiệu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ ở cơ sở. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là biểu hiện cụ thể quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống ở cơ sở. Tuy nhiên, tính hiệu quả của quy chế và phương châm làm chủ không phải chỉ ở trong câu chữ, trong những điều quy định mà chủ yếu phải thể hiện trong đời sống hiện thực. Hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm khốn đốn nhiều nền kinh tế thế giới. Trong nước, cùng với việc khắc phục những khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế, chúng ta phải đối mặt với không ít thách thức như thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra và kéo dài, gây tổn thất nặng nề về người và của... làm suy giảm đà phát triển kinh tế đất nước, gây nhiều khó khăn đối với đời sống nhân dân, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Đặt trong bối cảnh ấy mới thấy được những cố gắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là rất to lớn. Những kết quả đạt được của chúng ta là đáng ghi nhận. Điều đó thể hiện sinh động trên thực tế Đảng ta luôn tận tâm, tận lực vì dân, cố gắng hết mình vì hạnh phúc của nhân dân, đồng thời có đủ trí tuệ và năng lực lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức đưa đất nước không ngừng tiến lên. Tuy nhiên, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chúng ta cần “Phải dành nhiều công sức tạo được sự chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực”(2), xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng như Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ. Chỉ có như vậy, Đảng ta mới thật sự xứng đáng với sự tín nhiệm và ủy thác của nhân dân để lãnh đạo đất nước. Ở đây, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” đã chỉ rõ, tổ chức cơ sở Đảng có vị trí đặc biệt trong hệ thống tổ chức của Đảng, nơi trực tiếp đem chủ trương, đường lối của Đảng đến với nhân dân, tổ chức thực hiện những chủ trương, đường lối đó trên địa bàn cơ sở, đem tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân phản ánh với Đảng; đội ngũ cán bộ, đảng viên là những người trực tiếp thực hành những công việc của Đảng. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh chỉ rõ, chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên là xây dựng Đảng từ tế bào, xây dựng cầu nối bền vững giữa Đảng với nhân dân; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh, đưa từng cơ sở vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội X của Đảng.
|