Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 28/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 5 8 9 3 9 7
Số người đang truy cập
2 5 2
 Thầy thuốc và Danh nhân Việt Nam
GS. Đặng Văn Ngữ và con trai Đặng Nhật Minh, năm 1955.
Bút tích của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ gửi người con và tâm sự của Đạo diễn Đặng Nhật Minh về người cha đã quá cố

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2009, Ban Biên tập xin giới thiệu bút tích lá thư của Liệt sĩ-Anh hùng Lao động-Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ gửi cho người con là Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh trước lúc vào chiến trường miền Nam nghiên cứu vaccin phòng bệnh sốt rét và đã anh dũng hy sinh. Đồng thời cũng giới thiệu bài viết của người con Đặng Nhật Minh viết về người cha Đặng Văn Ngữ để tưởng nhớ đến một người Thầy thuốc đã có công với nước.

 

Thư của Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ viết cho người con

Nhật Minh và Phương Nghi yêu quý của Ba,

Ba hôm nay lên đường. Hai con ở lại công tác tốt, học tập tiến bộ và nuôi dạy cháu Nhật Tân khỏe ngoan.

Thời gian bồi dưỡng ở tập trung ba luôn mạnh khỏe. Mang ba-lô leo dốc được như mọi người. Ba đem theo thừa một số tiền ba mua 1 cái đồng hồ tay gửi về biếu Nhật Minh.

Các con chuyển lời chào và chúc Tết của Ba đến ông cụ của Phương Nghi.

Chú ý: Ngày đi của Ba phải giữ rất bí mật trong thời gian 2 tháng

Ba

Đặng Văn Ngữ

Sau Tết, hôm nào rỗi các con đến Viện, hỏi chìa khóa ở Đ/c Hùng để vào phòng Ba sắp xếp áo quần cho gọn. Có mấy chiếc tất chưa giặt, con giặt hộ.

Trong phòng vẫn để đồ như lúc Ba ở nhà (giải tấm trùm giường lên giường. Để khăn bàn, bộ đồ trà như thường lệ).

Có vấn đề gì phải giải quyết trong lúc Ba đi vắng: Phiếu gạo, sổ mậu dịch v.v. con liên hệ với Bác Thái ở phòng hành chính quản trị và anh Hùng

Đặng Văn Ngữ

Bài của người con Đặng Nhật Minh viết về người cha với đầu đề “Cha tôi”

Hình ảnh cuối cùng mà tôi còn giữ lại trong ký ức về cha tôi đó là một buổi chiều, giáp tết Đinh Mùi, trước khi lên đường đi vào Nam, cha tôi hẹn đến thăm bố vợ tôi, luật sư Nguyễn Quế. Sau một bữa cơm đạm bạc với gia đình, cha tôi chia tay với tất cả mọi người rồi bế cháu Tân, đứa cháu đích tôn duy nhất từ gác hai xuống đến tận cửa xe com măng ca trước khi trao lại cho tôi. Rồi cha tôi bước lên xe, ngồi vào ghế trước. Chiếc xe rồ máy chuyển bánh ... Tôi nhìn hút theo hai chiếc đèn đỏ sau xe cho đến khi chiếc xe đi khuất vào phố đêm. Tôi không có linh cảm rằng đó là cuộc chia tay cuối cùng với cha mình. Cha tôi thường hay đi công tác xa về các tỉnh để chỉ đạo công cuộc chống sốt rét. Những cuộc ra đi như vậy đã thành quá quen thuộc đối với gia đình chúng tôi. Nhưng hai tháng sau, tôi và em gái tôi được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, hồi đó là Bộ trưởng Bộ Y tế, báo tin: cha tôi đã hy sinh trong một trận bom B52 vào hồi 2 giờ trưa, ngày 1 tháng 4 năm 1967 tại chiến khu Trị Thiên Huế. Tôi không còn nhớ đã đón nhận cái tin sửng sốt kia như thế nào. Chỉ biết rằng kể từ giây phút đó cho đến nay, tôi vẫn còn bàng hoàng nghe văng vẳng bên tai câu nói sau cùng của Bác Thạch: Các cháu hãy can đảm, bình tĩnh để đón nhận cái tin đau đớn này ... Sau đó, Bác Thạch cũng ra đi, Bác có nói với tôi: Khi Ba cháu còn sống, Bác đã không hiểu hết Ba cháu. Không lâu sau thì Bác Thạch cũng mất tại chiến trường Nam Bộ. Nhớ lại những ngày đó, tôi cứ nghĩ mãi về câu nói của Bác Thạch. Quả thật, chúng tôi, con cái trong nhà, đôi khi cũng còn chưa hiểu được hết về người cha thân yêu của mình. Hơn nữa cha tôi là người rất ít khi bộc lộ ra ngoài những tình cảm sâu kín. Ông chỉ cho chúng tôi hiểu mọi điều bằng chính cuộc sống của mình. Mẹ chúng tôi mất trước ngày Hòa bình lập lại ở miền Bắc có mấy ngày. Cha tôi đã chôn cất mẹ tôi ngay cạnh cửa Phòng bào chế Penicilline ở Việt Bắc, rồi về tiếp quản Hà Nội. Lúc đó cha tôi mới 44 tuổi. Ông ở vậy cho tới khi qua đời ở tuổi 57. Chúng tôi hiểu rằng suốt 13 năm ấy hình ảnh mẹ chúng tôi là không có gì thay thế được. Tôi nhớ lúc còn nhỏ ở với mẹ và hai em ở Huế trong thời gian cha tôi du học ở Nhật Bản. Có lần cha tôi gửi về cho mẹ tôi một bức ảnh chụp ông đang ngồi bên bàn làm việc trong ký túc xá. Trên bàn ngoài sách vở còn có một bức tượng nhỏ một phụ nữ Nhật Bản mặc kimônô còn cha tôi thì đang nhìn chăm chú vào bức ảnh mẹ tôi đặt ngay trước mặt. Mẹ tôi cảm động nhận ra trong bức ảnh đó một lời nhắn gửi âm thầm rằng dù ở nơi xa cách, bận rộn với bao công việc đèn sách, ở một xứ sở có những người phụ nữ dịu dàng và quyến rũ thì tất cả tình cảm của cha tôi vẫn giành trọn vẹn cho người vợ thân yêu của mình. Những ngày được chung sống bên nhau của cha mẹ tôi thật ngắn ngủi. Sau khi cưới nhau được 5 năm, có lẽ đó là thời kỳ hạnh phúc nhất, cha tôi đã phải đưa mẹ và ba anh em chúng tôi từ Hà Nội về Huế, gửi cho ông bà nội chúng tôi, để lên đường sang Nhật nghiên cứu về nấm. Suốt 8 năm dài mẹ tôi đã phải hy sinh tất cả vì sự nghiệp khoa học của chồng. Cho đến năm 1949, cha tôi về nước tham gia kháng chiến, mẹ tôi và ba anh em chúng tôi đã làm một cuộc trường chinh suốt 3 tháng trời, đi bộ từ Huế, ra Khu 4 rồi lên Việt Bắc (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) để sum họp với cha tôi. Nhưng cuộc hội ngộ ấy kéo dài vẻn vẹn chưa đầy 4 năm thì mẹ tôi qua đời.

Những năm sau hòa bình lập lại, công cuộc tiêu diệt sốt rét trên miền Bắc là công việc chiếm nhiều sức lực và trí tuệ nhất của cha tôi. Đó là lẽ sống và cũng là niềm say mê lớn nhất của cha tôi trong những ngày khi không còn mẹ tôi ở bên cạnh nữa. Tôi nhớ có lần cha tôi bỏ ra một ngày chủ nhật ngồi viết truyện thiếu nhi để giáo dục về việc phòng chống sốt rét, rồi đọc cho tôi nghe. Một truyện ngắn giản dị, có nhân vật là hai ông cháu. Có lẽ đó là truyện ngắn duy nhất mà ông viết trong đời. Tôi kể lại kỷ niệm này để muốn nói rằng cha tôi cùng các cộng sự của mình đã làm tất cả những gì có thể làm, chỉ vì một mục tiêu duy nhất là tiêu diệt sốt rét và ông đã làm được thành công điều đó trên miền Bắc nước ta trong một thời gian dài.

Có một vật, có thể nói là gần gũi nhất đối với cha tôi, đó là chiếc kính hiển vi. Nó có mặt thường xuyên ngay cả trong phòng ngủ của cha tôi. Khi còn ở Hàn Thuyên, cứ cơm tối xong, là cha tôi ngồi vào bàn kính hiển vi hoặc đi bộ vào Trường Y trên đường Lê Thánh Tông, cách nhà chừng 200m, làm việc trong phòng thí nghiệm cho đến 10 giờ tối. Sau này cha tôi nhường căn hộ ở Hàn Thuyên cho ông Phan Huy Chữ - vừa chuyển từ Vĩnh Phú lên làm Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy nhà trường, rồi dọn xuống ở ngay trong khu tập thể Viện Sốt rét ở Mễ Trì, vì nơi đó có phòng thí nghiệm sát ngay bên cạnh phòng ngủ.

Ngày cha tôi trở về nước tham gia kháng chiến, suốt chặng đường dài từ Nhật Bản qua Thái Lan, rồi từ Thái Lan đi bộ xuyên qua Lào về đến Nghệ An, rồi lại từ Nghệ An lên Việt Bắc, trong hành trang của cha tôi ngoài 2 bộ quần áo kaki, có một lọ đựng một thứ nấm có khả năng tiết ra chất kháng sinh mà từ đó sau này cha tôi đã chiết xuất ra nước lọc Penicilline trong rừng Việt Bắc, ngoài ra còn có một món quà cho tôi, đó là chiếc kính hiển vi nho nhỏ chỉ bằng một gang tay, nhưng có đủ cả ống kính, gương phản chiếu và bộ phận điều chỉnh tiêu cự. Tôi biết cha tôi muốn tôi đi theo ngành Y. Nhưng rồi sau khi học xong phổ thông ở Nam Ninh bên Trung Quốc, tôi được Nhà trường phân công sang Liên Xô học tiếng Nga để về nước làm phiên dịch. Mười chín tuổi, tôi đã là một cán bộ phiên dịch Nga văn và điều đó hẳn làm cha tôi thất vọng lắm. Nhưng không bao giờ tôi thấy cha tôi nói ra điều đó. Sau này, hai em tôi học xong phổ thông được Nhà trường phân học các ngành nghề khác, cha tôi cũng không can thiệp. Ngày ấy ai học gì, học ở đâu là do tổ chức phân công, cha tôi biết vậy nên không có ý kiến gì.

Đến năm 1965 sau khi làm phiên dịch được 8 năm, không còn cách gì để thoát khỏi nghề này, lại cũng không còn chờ gì ở sự “can thiệp với cấp trên” của cha tôi, tôi bèn thử sức mình trong lĩnh vực điện ảnh. Tôi bắt đầu làm bộ phim tài liệu dài 50 phút “Theo chân người địa chất”. Làm xong tôi hồi hộp mời cha tôi đến xem trong buổi chiếu duyệt ở Cục Điện ảnh. Xem xong ông nói với tôi: Thôi được, con làm đạo diễn điện ảnh cũng được, nhưng nên làm phim Tài liệu-Khoa học. Cha tôi biết rằng năm đó tôi đã 27 tuổi, cái tuổi nếu không được học Đại học thì không thể suốt đời làm cái nghề phiên dịch mãi được. Bộ phim “Theo chân người địa chất” là bộ phim đầu tiên và cũng là bộ phim duy nhất mà tôi mời cha tôi xem. Dự buổi chiếu hôm đó còn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Đức Quỳ. Cha tôi và ông Quỳ quen nhau từ năm 1949, khi cha tôi từ Nhật Bản về Thái Lan, bắt liên lạc với Phòng Thông tin của Chính phủ ta ở Bangkok mà ông Quỳ là Trưởng Đại diện. Đó là buổi chiếu phim mà suốt đời tôi không bao giờ quên.

GS. Đặng Văn Ngữ với BS. Hoàng Tích Trí (Bộ trưởng Bộ Y tế)
tại chiến trường Chiêm Hóa, Tuyên Quang (1952).

Niềm say mê lớn nhất của cha tôi là nghiên cứu khoa học, và phòng thí nghiệm là thánh đường (kể cả những lúc làm việc một mình trong phòng thí nghiệm, cha tôi cũng thắt cravate chỉnh tề). Nhưng không phải vậy mà cha tôi không quan tâm gì đến những việc đời thường khác. Nhiều năm liền cha tôi là cán bộ công đoàn Trường Y. Một thời gian cha tôi còn là Chủ tịch Ban lên lạc đồng hương Thừa Thiên Huế ở Hà Nội. Thú vui giải trí mà cha tôi ưa thích là xem bóng đá. Từ ngày cậu tôi-Trung tướng Cao Văn Khánh (chồng của dì tôi là Bác sĩ Ngọc Toản) chuyển sang phụ trách Thể dục thể thao quân đội, cha tôi được ông biếu cho một chiếc thẻ xem thường xuyên ở sân vận động Hàng Đẫy. Cha tôi không vắng mặt ở bất kỳ trận bóng đá quan trọng nào, nhất là những trận có đội Thể công. Cha tôi ít khi xem phim, xem kịch. Thì giờ rỗi rãi ông chỉ thích nghe ca Huế và ngâm thơ qua đài. Những lúc ấy tôi biết rằng cha tôi rất nhớ Huế, nơi có bà nội tôi đã cao tuổi. Kể từ ngày cha tôi sang Nhật cho đến khi về lại Hà Nội, cha tôi đã xa Huế nhiều năm. Trong chuyến đi vào Nam lần ấy, ngoài việc nghiên cứu vắc xin chống sốt rét cho bộ đội, cha tôi còn một ấp ủ một hy vọng nữa là mong được gặp lại bà nội tôi. Bà tôi chắc cũng mong điều đó nên cố sống để chờ con về, nhưng rồi bà tôi cũng ra đi ngay sau ngày cha tôi mất mấy tháng.

Từ nơi tập trung ở Hòa Bình để luyện tập trước khi vào chiến trường, cha tôi viết thư về dặn vợ chồng tôi: “ Thỉnh thoảng các con xuống Viện Sốt rét, vào căn phòng của Ba, lau chùi dọn dẹp trong phòng. Đồ đạc cứ để nguyên như cũ ... như khi Ba đi công tác xa”. Đó là một căn phòng rộng 15 m2 ở tầng 2, ở giữa phòng kê một cái giường đệm, phủ khăn trải giường trắng; 2 chiếc ghế xa lông và một chiếc bàn tròn ở gần cửa sổ. Ở một góc là chiếc bàn làm việc với sách vở và chiếc kính hiển vi; một góc khác là chiếc tủ đựng quần áo. Đồ đạc riêng đáng giá nhất có lẽ là chiếc đài điện tử mác Tesla của Tiệp màu cánh gián. Đó là toàn bộ gia sản của cha tôi. Tiếc rằng 6 tháng sau khi cha tôi mất thì căn phòng đó cũng bị trúng bom, không còn lại bất cứ kỷ vật gì. Gần đây Viện Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng đã phục hồi lại nguyên trạng căn phòng đó, với đầy đủ đồ đạc bên trong hệt như lúc cha tôi còn sống. Có khác chăng là chiếc bàn thờ có ảnh cha tôi mà ngày rằm mồng một, các anh chị trong Viện vẫn thường hương khói.

Mỗi khi đọc lại bức thư cuối cùng của cha tôi, tôi thấy ông không hề có linh cảm rằng mình sẽ ra đi mãi mãi và đối với chúng tôi-con cái trong gia đình, thì cho đến bây giờ cha tôi vẫn còn đó, đang đi công tác xa và bất cứ làm gì, ở đâu, chúng tôi đều cảm thấy ông luôn luôn ở bên cạnh.

Năm 1991, tôi có dịp đến Nhật Bản. Theo sự giới thiệu của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, tôi liên lạc được với bà Seino, người trước kia có một thời gian làm phụ tá cho cha tôi tại Phòng thí nghiệm trường Đại học Y khoa ở Tokyo. Bà đón tôi như người thân trong gia đình rồi đưa tôi đi thăm lại những nơi mà cha tôi đã sống và làm việc. Tại Đông Kinh học xá, nơi sinh viên các nước ngoài cư ngụ, người ta cho tôi biết địa chỉ của một người Việt Nam trước kia từng chung sống với cha tôi trong cùng một ký túc xá hiện còn sống ở Nhật Bản. Đó là kỹ sư Lê Văn Quý ở thành phố Atami cách Tokyo hơn 100 cây số. Tôi đến thăm Bác Quý và được biết thêm về quãng thời gian lưu học tại Nhật của cha tôi.

Bác Quý trân trọng cho tôi xem một tấm bằng lồng trong khung kính treo trang trọng trên bức tường giữa nhà rồi nói: “Đây là tấm bằng của Thành phố Tokyo tặng Bác, cuối năm 1945. Ba cháu cũng có một tấm bằng như thế này. Hồi chiến tranh Tokyo bị ném bom dữ lắm. Ba cháu đã tập hợp các sinh viên Việt Nam và ngoại quốc ở Đông Kinh học xá lập thành các đội cứu thương để cứu chữa cho nhân dân trong khu phố. Ba cháu hướng dẫn nghiệp vụ cấp cứu và đã cứu chữa cho biết bao trường hợp, đặc bệt trong cứu chữa bỏng giỏi lắm. Sau đó Tòa thị chính Tokyo đã tặng cho mỗi người trong đội cứu thương một tấm bằng để ghi công.” Ấn tượng bao trùm nhất của Bác Quý về cha tôi là suốt ngày ông chỉ học, miệt mài nghiên cứu, ngoài ra không hề quan tâm đến chuyện gì khác. Nhưng khi nước nhà giành được độc lập, thì cha tôi là người luôn theo dõi tin tức về cuộc kháng chiến ở trong nước để thông tin cho anh chị em lưu học sinh Việt Nam. Cha tôi là Chủ tịch đầu tiên của Hội người Việt Nam tại Nhật Bản. Chính ngọn lửa của lòng yêu nước ấy đã thôi thúc cha tôi từ giã nước Nhật để trở về với công cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bà Seino còn liên hệ cho tôi được gặp giáo sư Tomio Takenchi, Giám đốc Viện Hóa Vi sinh Tokyo (Institute of Microbial Chemistry). Trên đường đi tới Viện, bà Seino cho biết giáo sư Tomio là một bác học nổi tiếng của Nhật. Người Nhật thường gọi những bác học như ông là những người bất tử, có nghĩa là những người được mời làm việc cho đến hết đời, không về hưu. Giáo sư Tomio hẹn tiếp tôi trong 30 phút vì ông rất bận. Ông nói với tôi: “Tôi có làm việc cùng cha anh tại Trường Đại học Y khoa Tokyo trong một thời gian. Cha anh lúc đó là đàn anh của tôi. Các công trình nghiên cứu, các bài báo đăng chúng tôi đều viết chung và tên cha anh bao giờ cũng đứng trước tên tôi. Con đường khoa học của cha anh lúc bấy giờ đang bắt đầu rộng mở nhất là sau khi ông phát hiện thành công lần đầu tiên ở Nhật một giống nấm có khả năng tiết ra chất kháng sinh Penicilline mạnh. Rồi nước Nhật bại trận. Công cuộc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Tôi biết người Mỹ đã nhiều lần đến gặp cha anh để mời làm việc. Nhưng cha anh đã từ chối để trở về nước.” Giáo sư cho người đem ra những tập san y học cũ chỉ cho tôi xem những bài viết của cha tôi và ông cũng đứng tên chung. Chia tay giáo sư Tomio trở về, tôi thầm nghĩ: Nếu ngày đó cha tôi ở lại Nhật để tiếp theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, hẳn ông sẽ trở thành một nhà bác học lớn như giáo sư Tomio, hẳn ông sẽ có những đóng góp có giá trị cho nền y học của nhân loại; nhưng ông sẽ không được chia sẻ những vinh quang cũng như những khổ đau của đất nước mình, dân tộc mình. Trong con người của cha tôi, niềm say mê khoa học và lòng yêu nước là những phẩm chất không thể tách rời.

Thật vậy, cha tôi đã chia xẻ đến tận cùng số phận của đất nước, của nhân dân mình cho đến khi ông ngã xuống trên rừng Trường Sơn dưới trận mưa bom B52 như bất cứ một người lính nào đã ngã xuống trên suốt dãi đất này vì sự nghiệp cao cả và thiêng liêng của Tổ quốc.

Cha tôi đã ra đi. Thời gian càng làm cho chúng tôi nhận thức rõ hơn mọi chiều sâu xa của sự mất mát lớn lao này. Không chỉ đối với chúng tôi, con cháu trong gia đình, mà còn đối với nền Y học chung, trong đó có sự nghiệp phòng chống sốt rét mà cha tôi đã dồn hết trí tuệ và tâm huyết trong những năm cuối đời.

Lòng thương yêu vô bờ bến đối với con người, sự gắn bó máu thịt với số phận của đất nước, của nhân dân, đó là những di sản tinh thần mà cha tôi đã để lại cho chúng tôi.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 hàng năm, ngày mà toàn xã hội biểu lộ sự trọng thị đối với những người thầy thuốc có chức năng và nhiệm vụ cao quý là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cũng trong dịp này, đọc lại bút tích lá thư của Liệt sĩ-Anh hùng Lao động-Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ gửi cho người con là Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh trước lúc ra đi. Đồng thời đọc lại bài viết của Nghệ sĩ Nhân dân-Đạo diễn Đặng Nhật Minh viết về người cha với tựa đề “Cha tôi” để tưởng nhớ đến một người thầy thuốc đã có nhiều công lao đóng góp cho nền y học và y tế của nước nhà mà toàn xã hội, nhiều thế hệ đã kính trọng và tôn vinh.

 

Ngày 12/02/2009
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Theo “Đặng Văn Ngữ, cuộc đời và sự nghiệp” (NXB Y học)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích